Thursday, August 12, 2021

NÓNG HỔI NIỀM XƯA - Nguyễn Văn Hải - CCN

“Nè…Hải lên nhà anh chơi đi.”

Giọng nói nghe từ điện thoại, vẫn nhỏ nhẹ như ngày xưa mang đậm chất Huế của Chỉ huy trưởng Đoàn 1 Thiếu tá Tống hồ Huấn đang làm lòng mình rung lên niềm cảm xúc lan nhanh toàn cơ thể…Ôi thời gian, thế là đã bốn mươi năm qua đi chồng chất nhưng không thể xóa tan kỷ niệm.
     -Ngày ấy tức khắc trở về từ ký ức    
     -Phi trường Phan rang vào khoảng 9 giờ sáng. Mặt trận vỡ tung trước sức tấn công đầy hỏa lực của quân đội Bắc việt… Hàng chiến xa địch dẫm nát mọi cộng sự phòng thủ theo sau là binh đoàn trong sự pháo kích liên miên của pháo binh . Quả thật mặt trận đành thúc thủ. Bộ tư lệnh đã mấy ngày qua ráo riết xin phi cơ và pháo binh can thiệp nhưng sự im lặng từ cấp trên đã làm tá hỏa nhiều người và tự hỏi…chỉ còn vũ khí cá nhân để chống cự?  Ai đó đã trói tay binh lính và kết quả theo ý muốn của họ là Mặt trận đổ xụp! Chạy tán loạn như bấy ong vỡ tổ về phương Nam. Đoàn 1 chúng tôi trực thuộc Bộ tư lệnh mặt trận cũng chịu chung số phận và Mặt trận không có sự giao tranh…Địch chiếm lĩnh dễ như lấy đồ trong túi.
      -Hôm nay trời đẹp, nắng dịu vào ngay buổi sáng và làn sương mù ban đêm đang dần tan. Hôm qua thông báo cho anh Chức và rủ đi gặp anh Huấn (CHTĐ 1) nhưng phút cuối anh Chức lại bận việc.
      -Nắng đã lên cao thế rồi địa chỉ nhà Anh Huấn cũng đã được tìm tới. Một bà lão ra cửa hỏi tên và vui vẻ mời vào. Đúng lúc này Anh Huấn xuất hiện, khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười Anh đi nhanh về phía vợ chồng tôi. Lòng tôi bỗng xôn xao trong cái bắt tay và lịm người cảm xúc khi ôm chầm lấy nhau. Những hình ảnh đẹp của 40 năm trước dần hiện ra và sau hết là lần Anh rời trại cải tạo sau câu nói “Thôi, Hải về sau nhé…” Một cô gái vừa đi đâu về “chào Cậu” rồi chào vợ chồng tôi. Bầu không khí thân mật bao trùm cùng Anh bá vai tôi đi vào nhà. “Ui chà Hải còn khỏe như ri là mừng rồi.” Khi đã yên vị trện bộ sa lon…Niềm nở và nụ cười luôn trên môi…Anh vẫn như ngày nào chỉ già đi đôi chút, cử chỉ luôn nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ giọng đặc Huế luôn toát lên vẻ tự tin của một người ý thức được phẩm giá của mình, không thích ồn ào khoa trương.
       -Thời gian như được kéo dài qua những câu chuyện theo dòng ký ức cùng bữa cơm trưa mà Anh bảo “…đã chuẩn bị từ hôm qua.” Tôi cảm nhận được tấm lòng rộng mở của Anh và khắc ghi mối thân tình cùng những lời tâm sự phá tan mọi định kiến sai của tôi về Anh…Xin cám ơn…Chỉ huy trưởng của tôi.
       -Bịn rịn chia tay lúc trời đã về chiều Anh còn không quên cầu nguyện cho bệnh U gan ác tính của tôi được Thiên Chúa chữa khỏi…Vợ chồng tôi cũng ngỏ lời mời Anh lên nhà tôi chơi.

        -Mùa mưa năm nay đến trễ cả tháng so với mọi năm. Ánh nắng ban mai đã hết tháng sáu nhưng chói chan da mặt nóng rát từng vuông da thịt. Chuông điện thoại réo vang và Anh Thương báo trưa nay sẽ cùng Anh Huấn và vài anh em tới thăm. Việc đầu tiên tôi gọi cho Anh Chức không quên dặn nhớ tới nhà chở Vợ Trần Quang lên luôn. Vĩnh và Huệ cũng được báo và tôi lo chuẩn bị bữa ăn đãi khách.
       -Dung bà xả tôi vừa đi chợ về thì Anh Chức chở chị Quang tới “…Ồ may quá có người phụ rồi”  Thế là anh em tíu tít cỗ bàn. Thời gian trôi nhanh, thoắt một cái nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ. Tôi đã ra cổng hai lần và cứ vậy vào trông ra ngóng “…như gà mắc đẻ…lần nào cũng thế…cái tật đợi khách vẫn vậy! “  Tiếng nói của vợ tôi như phân bua cùng Anh Chức và Chị Quang. Phần tôi sao thấy thời gian bây giờ chậm hẳn và kim đồng hố như không nhúc nhích!
       -Mọi người mừng rỡ khi gặp lại nhau. Có cả những giọng run run trong xúc động giữa cái bắt tay và ôm chầm. Thời gian 40 năm đủ để xóa tan những định kiến hoặc quên đi những mâu thuẫn với nhau. Không khí thân mật trùm phủ và quanh bàn tiệc tha hồ những kỷ niệm được gợi lại cũng như hỏi thăm đồng đội. Thời gian cứ trôi và bàn tiệc cứ “dô,dô” bên những mẩu chuyện xồ ra từ ký ức.
        -Anh Huấn giờ đang nói riêng cùng Anh Chức còn Anh Thương…Một lần nữa rủ tôi ra Đànẵng thăm bạn bè CCN xưa cũ. Anh mạnh dạn “ đi đi…Tau đây bao hết…” Ông chủ xe đang nhắc anh em về thời giờ để về cho kịp tối. Mọi người kéo nhau ra vườn  chụp ảnh rồi chia tay trong tiếng cười nói giọng hả hê. Một lần nữa xin cám ơn Chỉ huy trưởng kiêm Mục sư Tống hồ Huấn.

          -Thế rồi chuyến “về nguồn” cùng Anh Thương được thực hiện…Thăm lại chiến trường xưa, căn cứ cũ cùng đồng đội còn cư ngụ tại Đànẵng. Những người lính Biệt kích Lôi hổ ngày xưa…Chúng tôi đã nhắn tin và anh em sẽ đón tại phi trường. Chuyến đi còn có một dự tính nữa…Anh Thương về Huế lo đám giỗ Mẹ còn tôi ước ao nhìn lại những nơi một thời thơ ấu.
           -Ra khỏi cửa máy bay tôi nhìn ngọn núi Phước tường hôm nay có sương mù nhẹ và đã có vài hạt mưa lất phất. Mặt trời dấu trên cao dù đã mười giờ rưỡi sáng. Tôi bâng khuâng và bồng bềnh theo ký ức…Cũng từ 43 năm trước chiếc C46 của hãng Air America đưa tôi rời phi trường này trong lúc chiến trường đang bùng sôi động của cái gọi là “Mùa Hè đỏ lửa” Quân đội Mỹ đã cuốn cờ và đang dần rút khỏi Việt nam…bỏ lại những căn cứ quân sự cũng như tình đồng đội…Họ âm thầm và lạnh lùng ra đi.
          -Tiếng Anh Thương “Hải ra trước…xem có ai nhận ra không? “ Tôi cứ vậy rảo bước rồi thấy rõ đằng xa những cánh tay vẫy theo chân bước gần như là chạy đến với nhau “Tiến, Lâng.” Tôi gọi to hai tên người mình vừa nhận ra…có chút gì đổi thay trên gương mặt vì bởi thời gian và nắng gió cuộc đời.
          -Anh em ra đón khoảng chừng mười người…Những đồng đội cũ có người khác lạ vì thời gian…phải nói ra mới nhận được nhau…Thái, Đức, Thi, Bẩy, Anh…Bầu không khí thân mật bao phủ và quấn quit lấy chúng tôi trong mưa lác đác nhẹ hột hiu gió. Trước lúc lên xe rời phi trường tôi xoay một vòng nhìn từ ngọn núi Sơn chà sang Ngũ hành sơn đến núi Phước tường. Và kín đáo từ ký ức một thời chinh chiến với mối u hoài ngày thất trận trấm lắng đến nao lòng.
          -Bàn tiệc ngả nghiêng nói cười cùng mỗi câu chuyện…dĩ vãng lại hiên ngang những kỷ niệm đời lính có từ cõi xa xăm trở về chói lọi. Mọi người đều say xưa tình bạn quên hết đời thường. Ngoài kia chiều đang xuống chợt vùng lên ánh nắng vàng rơn nhảy múa quanh quanh đũa bát xô lệch cùng bầu khí sôi động không dứt như chả cần biết đến thời gian. Đến bên tôi Đức con nói “Mai em rảnh sẽ đưa anh đi về thăm bất cứ nơi nào anh muốn…” Ấn tương trong tôi Đànẵng khác xưa rất nhiều…bỗng nhiên quá khứ lắng sâu…nghe hơi thở người xưa thì thầm qua ký ức thời gian.

          -Nhà thờ Phước tường hiện ra trước mặt. Bước vội vàng tôi như muốn chộp vội thời gian. Dù dấu xưa thấp thoáng ẩn hiện. Anh Thái và Đức con đang tìm chỗ dựng xe. Có hai Cảnh sát giao thông vừa đi qua quay đầu lại nhìn chúng tôi rồi đi thẳng. Tôi hỏi thăm một người vừa từ nhà thờ đi ra nhà ở của Cha Lợi “Cha cố Đinh hưng Lợi đã về hưu và nhà ở đâu đây nhưng chắc chắn phải là đi qua khỏi đường xe lửa…” Và theo tay chỉ tôi nhận ra ngay ngôi nhà cửa gỗ màu xanh bên cạnh tiệm bán hoa kiểng. Chưa vội, tôi đi quanh nhà thờ…bắt gặp nhiều kỷ niệm thời thơ ấu vẫn đi dự Lễ hằng ngày và việc cần thiết bây giờ là tìm cho ra đường vào nhà tôi sau lưng nhà thờ.
         -Thời gian xóa nhòa dấu xưa, Anh Thái chở tôi đã phải vất vả qua những con hẻm và tôi chỉ còn biết nhắm hướng vào sâu là có thể gặp. Đứng lại nơi ranh giới cuối cùng trước mặt khu đất trống…Đúng như người bạn tôi nói “Khu gia binh khi xưa, giải phóng xong là bị giải tỏa…” Thất vọng lòng tôi rung lên niềm thương cảm như thật sự đã đánh mất thời ấu thơ, niên thiếu?! Ngậm ngùi đôi mắt giọt lệ như muốn tuôn trào…Hình ảnh ngày xưa vùng lên trong trí…Căn nhà tôi có giàn hoa Thiên lý trước sân. Mẹ tôi và món hoa Thiên lý nấu với giò sống…tô canh nóng thoảng nhẹ mùi hoa rập rờn trong làn khói mỏng và gợi cảm với những lát giò nâu hồng. Nhưng tôi vẫn thích bát canh cua đồng thiên lý…nhìn những tảng thịt cua nâu làm nổi bật màu xanh nhạt của hoa và màu vàng rộm của gạch cua tạo nên một bức tranh pha màu đặc sắc.
          -“Con lạy Cha…” Cha Cố đang ngồi trên ghế bố nhựa dựa lưng. Vẫn dáng vẻ gầy ốm, nhưng nay gương mặt già nua thấy cả xương. Ngài chỉ tôi hỏi “Ai vậy…thấy hơi quen…” Tôi run lên vì cảm động và quì xuống bên cạnh “lạy Cha con là Hải đây…ở khu gia binh ngày xưa.” Tôi nghẹn lời theo từng câu nói rồi bất chợt Cha cầm lấy tay tôi “ Hải nghịch ngợm thường ăn đòn…phải không?” Tôi “dạ thưa Cha “ trong nghẹn ngào ứa nước mắt. Thời gian qua nhanh, tôi từ biệt Cha sau những lời thăm hỏi và cái ôm tình nghĩa cùng chụp chung vài tấm ảnh kỷ niệm. Ra đường đi qua khỏi đường tàu lửa…ngó nhìn xung quanh…chắc chắn sau lưng là ngọn núi Phước tường đầy kỷ niệm một thời…bên kia là Trường Lê bảo Tịnh rồi đến Chùa Phước tường…tiếp là khu chợ.v.v. tất cả đều đổi khác nhưng còn mập mờ chút ít nét xưa.
           -Qua khỏi ngã ba Hòa cầm…rẽ trái xe đang tiến vào khu Cẩm lệ, khi xưa là Quận Hòa vang thời tôi còn đi học…Tuy cảnh vật khác xưa rất nhiều nhưng không khó để tôi còn nhận ra ngay trường Tiểu học Bình khuê Cẩm và trên nửa chừng cây số là trường tôi học…Trung học công lập Hòa Vang. Ký ức lại ùa ra trong trí và cảm nhận một thời học trò cùng bè bạn tươi vui trường lớp. Đứng trước cổng Trường lòng tôi lại nôn nao hình ảnh lớp học  ngày xưa những gương mặt Thày Cô, bạn bè vụt hiện ra…Tất cả đều đã theo thời gian…nhưng Trường cũ vẫn còn đây. Tôi bước vào Trường lúc nào chẳng hay và nhận ra ngay dẫy nhà dài hàng ngang lúc xưa mà nay chả khác gì mấy. Dẫy nhà hàng dọc mới xây cùng cái cổng Trường…Họ đã phải phá đi hàng cây thông và nhà xe để lấy chỗ. “Ông à…ông về thăm Trường có phải không?” Tôi quay lại nhìn người đàn bà cũng đứng tuổi và lên tiếng “phải…bà chỉ cho tôi phòng Hiệu trưởng để xin phép.” Có lẽ cũng đã quá quen với những trường hợp vừa qua nên người đàn bà vui vẻ hướng dẫn và tôi cũng được phép thăm trường khi gặp thày Hiệu phó.
          -Không gian yên tĩnh vì là mùa nghỉ Hè…Chân tôi bước ngoài hành lang lòng rạo rực nhớ về thời xưa cũ…những khuôn mặt trẻ măng trong ký ức…nhìn từng lớp, từng lớp năm đệ thất, đệ lục, đệ ngũ và lớp đệ tứ sát với phòng Hiệu trưởng rồi vụt qua hình ảnh…Thày Tình, thày Hường, thày Vinh, thày Cẩn, cô Hội Minh cùng bạn bè trong lớp nhất tề xôn xao trong trí.Chân tôi đang đến cuối hành lang nếu rẽ phải trước kia là khu vệ sinh. Và tôi đang đi với bao kỷ niệm chồng chất…vui cười buồn lâng trong tâm trạng hưng phấn toại nguyện.

         -Xe đang trên con đường dẫn vào Ngũ hành sơn. Những cánh đồng hai bên vùn vụt lùi nhanh. Anh Thái chở tôi nói “Trại mình khi xưa không còn nữa…chỉ còn mảnh đất hoang.” Tôi thấy những ngọn núi trước mặt và cái bóng của quá khứ chực chờ. Lòng tôi lâng lâng khi xe vừa qua khỏi chân núi chính mà hồi xưa sát bên là Trại Biệt kích CCN (Command & Control North) Anh Thái và Đức con dừng xe và đưa tay chỉ “Đó…giải tỏa hết để bán đất.” Tôi lặng im thì thầm “…43 năm đã trôi qua.” Và thấy thời gian như vết cắt vào da thịt…đang chậm đưa tôi vào dĩ vãng.
         -Bãi đất trống hiện nay tự nhiên xuất hiện ngăn nắp hình bóng cũ.
         -Qua hàng rào phòng thủ là bãi trực thăng cạnh cổng vào Trại và bên sát núi là lô cốt gác đầu tiên. Đức con được phân nhiệm vụ coi xe để tôi và anh Thái dẫn bộ…Bước vào sân trực thăng trước kia được đổ bằng một lớp nhựa làm đường nhưng nay mất không còn một miếng! Những mảng bê tông chen vào cát đang làm chân tôi đôi khi phải hụt hẫng khó khăn từng bước và bên trên là thoai thoải đồi cát cũng còn có nghĩa sắp bước tới con đường ngang phân chia với bãi trực thăng. Bước chân dần lên phía trái là phòng 1 (phòng hành chánh) kế một bên là Trung tâm hành quân (TOC) nằm sâu trong lòng đất với vòm bê tông che phủ để chống pháo kích. Bên tay mặt là Đài huấn luyện cao 22 mét nơi bắt đầu của con đường xẻ đôi căn cứ mà bên nó thứ tự là Khu cấm (Isolation) nơi cách biệt dành cho Toán hành quân…sau kế là nhà kho, xưởng bảo trì xe, bệnh xá rồi lên đồi cao Trung tâm chỉ huy phòng thủ Trại (Alamo) Bên phía trái là khu nhà ở của cố vấn Mỹ tiếp đến nhà chiếu phim Trại, nhà bếp và Câu lạc bộ. Bên tay mặt là nhà bếp và Câu lạc bộ Biệt kích. Lại một con đường ngang mà trước nó là khu ở của Đại đội Thám sát (Recon company) kế bên với Đại đội A Nùng.(Hatchet force Nùng). Toàn Trại được bao quanh bởi hàng rào phòng thủ bằng kẽm gai chằng chịt và có con đường chạy song song để tuần gác. Riêng phía sát với núi Non nước cách biệt phía ngoài hàng rào là sân tập bắn…Bên trong cạnh hàng rào là khu nhà ở của Đại đội B Thượng (Hatchet force Thượng) và Đại đội C (phòng thủ Trại). Cuối cùng là cổng sau ra biển để vui chơi giải trí.      

             -Gió từ biển lộng vào nhưng nay có một Resort án ngữ và tôi chắc rằng nơi đó khi xưa…khu Đại đội Thám sát và Đại đội A. Nắng đã ở trên cao, gió biển thốc vào núi lại quẩn quanh như những ngày nào và tôi nghe âm thanh vọng về tiếng trực thăng của Phi đoàn 219…bốn chiếc H34 đen rằn không số hiệu đang xuống bãi vào đúng cái ngày tôi nhập Trại 26 tháng 5 năm 1968.
            -Trại CCN (Command & Control North…Nhân viên kiểm soát Bắc) được thành lập vào năm 1967 trong chương trình chiến tranh ngoại lệ…Kế hoạch OP35. Thực hành nhiệm vụ Biệt kích…do thám đường mòn Hồ chí Minh…tấn công từ trên không…phá hoại cơ cấu hạ tầng địch. Địa bàn hoạt động được kéo dài từ Attopeu về hướng bắc tới Tchepone và đường số 9 ráp ranh với địa bàn thuộc hai quân khu 1 và 2 . Attopeu nằm về phía đông nam vương quốc Lào sát khu vực ba biên giới Việt nam, Lào, Campuchia và nam Tây nguyên.
          -Tôi xoay người nhìn vào khu bãi tập bắn ngày xưa và chắc chắn rằng dưới vách núi kia là cả một rừng đầu đạn…Tôi muốn đến đó để lượm…nhưng nghĩ sao lại thôi! Phóng mắt nhìn quanh dấu tích chỉ còn những mảng bê tông…như dấu tích của sự héo úa…đã chết và lăn lóc. Có một thoáng hương kỷ niệm lại đến phảng phất hiu hiu gió tạt qua ngang khóe mắt tự dưng lạnh mát nhanh như một luồng điện… trong tôi những xâu chuỗi liên tưởng và hồi tưởng tràn về từ quá khứ. Nắng lung linh nhẩy nhót trên mây trời vừa đi qua. Không gian yên tĩnh gợi buồn. Vừa đi ra tôi lục lại trong ký ức những hình ảnh cũ còn sót…tưởng tượng và ngậm ngùi. Thân như có một vết thương sâu hoắm trí mạng của ngày 30 tháng tư…1975. Ngoài kia cây Phượng sắp trổ hoa có những chiếc lá theo gió rơi rụng cùng tôi chút buồn man mác giấc trưa…Ngọn Ngũ hành sơn âm thầm chứng kiến và mảnh đất này vẫn khắp cùng kỷ niệm một thời vang bóng.

          -Mùi hương đồng cỏ lúa ngạt ngào từ hai bên xanh rì một màu lúa thời con gái theo gió qua lại như vẫy chào. Một đoàn khách du lịch người tây phương đang đạp xe trên con đường ruộng bằng bê tong chạy thẳng tắp trên cánh đồng. Ánh nắng chói chan hòa cùng những bộ tóc vàng phất phơ chiều gió. Trước mặt đã ẩn hiện những ngôi nhà nhô ra từ khoảng trống cây xanh lá và chúng tôi êm đềm lao nhanh vào Phố…Phố cổ Hội an.
          -Nhà của Tâm Tiến bạn tôi bên bờ sông Hoài phố cổ…nép mình bên những quán cà phê, khách sạn mang phong cách hiện đại…Quá khứ và hiện tại chen nhau. Nhưng nhà bạn tôi vẫn còn giữ được vài nét cổ xưa theo kiểu nhà thấp để trời thêm cao…Lắng mình trong bình an để giao thoa cùng quá khứ.
          -Chúng tôi thả bước trên con đường chính mà dân Phố thường gọi là đường Chùa Cầu. Xưa là con đường duy nhất vào Cảng. Quán xá buôn bán tấp nập du khách nước ngoài nhưng nhất tề từ tốn lặng lẽ. Hai cái bát quái trên cửa ra vào mỗi căn nhà cổ như đang dõi bước chân hiện tại…căn chừng với sự yểm trợ của hàng đèn lồng bao năm truyền thống. Phố huyên náo nhưng nhẹ nhàng như nghe đâu đây tiếng ngựa xe, ghe thuyền bến cảng ngày xưa thì thầm bậc thềm vách cửa đã ẩn vào trong rêu và còn những ngọn đèn lồng dưới mái hiên Hoài phố đêm đêm thắp lên kỷ niệm một thời vang bóng.
           -Cao lầu…món ăn chỉ có giếng nước Hội an mới làm nên thứ bánh đặc trưng xứ Hội.  Quán vẫn nhà thấp cửa gỗ tường vôi Tâm Tiến nói “Hải tới đây…đi ăn món đặc sản cho biết…”Tôi ăn và vận dụng cảm giác tận hưởng hương vị quà Phố…thanh đạm, ngon nhẹ nhàng, ngọt thanh thoát và thơm đồng nội. Cuối tô tôi không ngần ngại húp tụt thứ nước chan hấp dẫn và ít ỏi đã hòa tan vị tuyệt vời. Bạn tôi bảo “làm tô nữa chăng?” tôi gật đầu. Ngoài kia nắng cuối Hè thêm mầu cho Phượng vĩ nở rộ và tôi định bụng sẽ chụp một bức ảnh cùng Phượng vĩ đất Phố.

          -Anh Thương về làm đám giỗ Mẹ cũng đã xong…Điện thoại hẹn ngày mai sẽ có mặt tại Đànẵng. Sáng nay Anh Thái và Đức con đưa tôi lên tận Nam ô theo con đường mới sát biển và để thăm vài đồng đội đã khuất. Thành phố đang trên đà phát triển với những công trình được thực hiện nhất là trong lãnh vực cầu đường như là miếng mồi để chào mời quốc tế. Đất và biển được cắt ra để bán…tạo một vùng Resort san sát tráng lệ, xa hoa mà người dân có nằm mơ cũng chẳng được hưởng!  Khu ấy đã trở thành những “Tòa đại sứ” bất khả xâm phạm. Tôi cố tìm lại những nét xưa nhưng cũng chỉ lờ mờ…có chăng Đài ra da trên đỉnh Sơn chà, cây cầu Trịnh minh Thế và khu Ngã năm là còn dễ dàng nhận ra…Trường Sao mai bị san phẳng và biến mất. Nắng cũng đã chếch về mạn núi Phước tường chúng tôi đi thăm vài người bạn đã khuất và trước bàn thờ cùng nén hương nghi ngút…Bạn ơi. Ôi thời gian…giờ đây đầu đã bạc…chắc bạn cũng như tôi đều có một vết thương lòng…chẳng bao giờ lành.

          -Bữa tiệc do anh em Đànẵng khoản đãi để gọi là “Chia tay hẹn gặp lại” được tổ chức tại bãi biển Mỹ khê (Holiday beach). Trời nhạt nắng vì chiều đang xuống. Gió biển lồng lồng thơm mùi…biển mặn. Anh Thương đang nói lời cám ơn anh em…tình chiến hữu vụt vút lên cao trong những câu nói nhắc lại chuyện xưa…ôn tập kỷ niệm…CCN và những vùng biên giới hành quân…Ly bia đầu tiên đã được rót ở đầu bàn để mời các bạn đã khuất và tiếng “dô dô…” vang lên khi ngoài kia mặt trời đã lặn…Hình như biển đang có một lớp sương mù nhẹ. Không khí thân mật…xôn xao chuyện vui, buồn đời lính…kể cho nhau nghe…rồi đắc ý và sung sướng tận mây. Gió biển vào đêm đem theo cái lạnh nhưng lòng tôi ấm. Thời gian cứ trôi mà gần như chúng tôi đang quên mất nó. Ngoài kia đường vắng khách và đêm về mịt mùng. Đã có những giọng nói lạc điệu hơi men kèm theo đâu đây tiếng cười sảng khoái và ai đó quơ chân dưới bàn làm kinh động những vỏ bia lao xao cùng trên bàn ngả nghiêng ly đĩa. Anh Thương đề nghị chầu cà phê như muốn kéo dài giây phút tuyệt vời…Huynh đệ chi binh.  Tâm Tiến  đến bên tôi “Tiến phải về Hội an mai còn đi làm…Hải nhớ giữ gìn sức khỏe.” một cái ôm chặt lấy nhau và tôi thì thầm…”Tiến cũng vậy giữ sức khỏe…hẹn gặp lại”
  
           -Bờ sông Hàn đã vắng người. Đêm về khuya gió hắt từ sông cơn lành lạnh. Quán cà phê thưa khách kéo theo cái không khí êm đềm trầm lắng nhưng chẳng làm nguôi câu chuyện …vụt ra từ ký ức. Mà lại bắt đầu khi những ly cà phê được đưa ra. Mùi thơm cà phê thoang thoảng quyến rũ. Tôi như kẻ du tử lang thang hãy để lòng mình bay cao hơn nữa để nhờ bè bạn gặp lại những phương trời xưa cũ. Dấu giầy và bước chân tít xa tận biên cương của thời gian trai trẻ ngút trời hào khí… của tuổi thanh xuân dạt dào lý tưởng. Và có những kỷ niệm cùng CCN một thời chinh chiến.

           -Chúng tôi đến Huế vào một ngày Hè nắng dữ. Anh Thương chợt dừng chân ghé mua hai chiếc bắp ngô luộc còn bốc khói…vội bóc rồi ngấu nghiến từng hàng và hít hà mùi thơm đồng cỏ nội. Anh Chơn ra đón chúng tôi về khách sạn.
           -Huế ở vào ngày không lễ hội, huyên náo mà khẽ khàng. Quán Tẹo vẫn đông khách dù đã vào giấc quá trưa. Quả thật tôi đang lạc vào một nơi xa lạ…cái gì cũng Huế và cái giọng bắc như tôi hoàn toàn lạc lõng trong bầu khí cô đặc nhiều thế kỷ. Năm 1969 tôi đã đến Huế với một người bạn. Thủa đầu đời còn trai trẻ nhưng nay sấp sỉ tuổi “cổ lai hy…” Thành phố với những con đường rộng bóng cây râm mát. Quán xá bán buôn tấp nập nhưng mọi sinh hoạt đều vẻ từ tốn đến lặng lẽ. Chúng tôi rảo bước trên con đường dẫn vào cầu Trường tiền…ngoắc hai chiếc xích lô qua cầu rồi cùng nhau dạo Kinh thành bắt đầu từ cửa Thượng tứ…Tôi nghe thời gian mấy trăm năm chợt về và nghe hơi thở của người xưa vọng lại…nghe từ xa xăm tiếng ngựa xe lọc cọc, tiếng thì thầm từ vách đá rêu phong, tiếng gầm gừ khói lửa của những khẩu thần công trấn giữ kinh thành…Đại tướng quân. Oai vũ một thời. Xa xa những ngôi nhà cũ thâm nghiêm phô mái rong rêu. Không gian tĩnh lặng trong nắng chiều siên khoai hàng cây lá và thanh thản dấu tích xưa cố nối hiện tại.
        -Đêm như có mùi hương…bước xuống con đò từ bến gần khách sạn Morin. Anh Thương nói “Hải đi dạo trên sông một vòng cho biết…đêm sông Hương” Ngồi trên đò tôi như bước vào cánh cửa quá khứ…Thủa ấy lần đầu tôi đến Huế…gả trai trẻ thi hỏng phải động viên và gia nhập quân đội. Người đồng đội thân nhất lúc bấy giờ là Toán trưởng Thiếu úy Bửu Chính đưa tôi về Huế trong năm ngày phép thưởng hành quân. Huế năm ấy đã bình ổn sau Tết Mậu thân với những giải khăn sô cùng khắp. Mà vẫn như cha ông luôn mở rộng vòng tay đón khách. Thành phố đẹp nổi tiếng, nên thơ mà còn là vùng văn hóa rất dồi dào…Cá tính Huế được thể hiện rất rõ qua giọng nói, câu hát ru, âm nhạc, kiến trúc Thành nội, lăng tẩm, đình Chùa…văn hóa thị thành hài hòa cùng văn hóa nông thôn. Một vùng đất mà kể từ Vua đến thứ dân đều biết làm thơ và dĩ nhiên giọng nói của họ cũng đã là thơ…
         -Một chiếc thuyền rồng neo đậu trên sông. Ngày nay Huế đang trên đường hiện đại hóa…nhà hàng, khách sạn mọc lên khá nhiều. Trước năm 1975 Huế chỉ có khách sạn Morin và nhà ngủ Khê ký…bù lại Huế có hàng trăm khách sạn nổi…đó là những chiếc đò trang bị phòng ngủ rất thơ mộng để lênh đênh trên sông Hương hưởng đủ mọi thú vui tùy sở thích. Ngày nay chuyện ngủ đò chỉ là chuyện ngày xưa, ban đêm khách xuống thuyền rồng là để nghe ca Huế,,,hết buổi lại lên bờ chứ không ngủ trên sông như ngày xưa. Hình ảnh ngày xưa lại hiện về…
         -Đò đã qua khỏi chùa Thiên mụ. Ánh trăng gần tròn tỏa sáng trong cơn mây…Bửu Chính cùng hai ả bạn học đang sửa soạn yên vị. Tôi rất lạ với bàn tiệc kiểu này nên chỉ biết ngồi yên nghe theo và hưởng những gì sắp đến. Ông chủ đò đã mang ra rượu thịt mời khách trong tiếng cười “kỳ nữ” đon đả chào mời. Gió mát thoang thoảng và không gian bất chợt yên tĩnh…Nơi đây thật sự đã xa rời những tạp âm của đám tục khách…Để quyện quanh giờ chỉ còn tiếng tỳ, tiếng nhị, tiếng ca Nam bình, Nam ai, Tứ đại…Cài hồn Huế đan chen trong tiếng sóng nước vỗ về thoảng thơm mùi Thạch sương bồ vùng thượng lưu…Nguồn Bồ, Bạch mã vẫn chảy về sông Hương và âm thầm, dùng dằng suôi cửa Thuận…Hiện tại sực tỉnh…
         -Đò vừa đi qua một chiếc thuyền rồng trên sông. Tôi đưa người qua cửa soi bóng mình mập mờ gợn nước…để quá khứ lắng sâu, khắc khoải…Nòng hổi niếm xưa…ngậm ngùi vuốt mái tóc mình đã bạc.
          -Tiếng chuông Thiên mụ canh gà Thọ xương.
Làm gì có địa danh Thọ xương ở Huế…Anh Thương khẳng định như vậy mà nói rằng Thọ xương chỉ có ở ngoại thành Hà nội. Cuộc tranh cãi khi tôi nói rằng đã đọc ở đâu đó…Huế có một đồi tên Thọ xương từ hồi xa xưa nhưng ba người trên taxi đều là người gốc Huế bác bỏ…nan địch quần hồ!  tôi đành chịu thua cười ha hả. Trước mặt là góc tường thành của kinh đô…tôi lại sống trong quá khứ kề bên đương đại. Nhìn vọng gác trên thành…à hình như người gác vừa cúi xuống nhưng không tất cả đều im lìm phô dấu thời gian và làm nên linh hồn, thần thái của một kinh đô. Buổi chiều dạo phố ngang qua một gánh tầu hũ anh Thương kéo tôi xà vào nói là làm vài bát…cái bát bé tí nóng hổi thêm mùi gừng thơm lựng khiến tôi thích thú miệng húp mũi ngửi và cảm thấy sảng khoái tận hưởng hương vị Phố…Xưa cũ đang níu cái hiện đại.
         -Xe vừa qua Phú lương Anh Thương bảo sắp đến rồi…Nhìn ra Trại FOB 1 nay cũng chỉ còn là miếng đất cỏ mọc hoang…Nơi đây và phi trường Phú bài khi xưa thường xuất phát những chuyến hành quân Biệt kích nhắm vào đất Lào. Một bụi cỏ lau bên góc phải theo gió như vẫy chào…thoáng thấy những cánh tay của chiến hữu. Gió tự nhiên mang theo cái lạnh ban mai và tôi nghe thoảng bên tai thanh âm vọng từ đồng đội từ chiến trường…Tận đáy lòng hãy giữ nó trong cái quay cuồng của thời hiện đại với ánh mắt, bàn tay già nua xiết bao kỷ niệm…Một thời chinh chiến.

Nguyễn Văn Hải CCN

Sunday, August 8, 2021

Nha Kỹ Thuật - Lực Lượng Đặc Biệt - Biệt Cách Dù Quân Lực Việt Nam Cộng hòa


Nha Kỹ Thuật Quân Lực Việt Nam Cộng hòa

Nha Kỹ Thuật
(tiếng Anh: Strategic Technical Directorate - STD) là Cơ quan tình báo chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, đặc trách tổ chức, hoạt động biệt kích thu thập tin tức tình báo,phản tình báo chiến lược chống lại chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Cộng sản) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (vc).

Lược Sử:
Tiền thân của Nha Kỹ thuật là Sở Khai thác Địa hình (Topographic Exploitation Service) do Đại tá Lê Quang Tung chỉ huy. Sau cuộc Đảo chính Việt Nam Cộng hòa 1963, Sở Khai thác Địa hình bị giải tán. Các phòng ban được giải thể hoặc phân vào các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Riêng các đơn vị tác chiến được tập hợp để hình thành một Đơn vị độc lập với Bộ chỉ huy riêng.

Nha Kỹ thuật thành lập tháng 12 tháng 2 1965,giải tán vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 theo khẩu lệnh của Đại tướng Tổng Tham mưu Trưởng.

Tổ Chức :
Nha Kỹ Thuật ngang cấp Sư đoàn bao gồm:
- Sở Công tác đóng tại Sơn Trà, Ðà Nẵng. Sở có các Đoàn 11, 72 đóng tại Ðà nẵng, Đoàn 75 đóng trên Pleiku (Quân khu II) và Đoàn 68 tại Sài Gòn (Biệt khu Thủ đô). Các toán trong Đoàn công tác có nhiệm vụ xâm nhập bằng hàng không hay đường bộ vào lòng đối phương tại Bắc Việt hay biên giới Lào, Campuchia hoặc Thái Lan. Chỉ huy trưởng đầu tiên của Sở Công tác là Đại tá Ngô Thế Linh, nguyên là Phó Giám đốc Nha Kỹ thuật. Các chỉ huy kế tiếp là các Đại tá Nguyễn Văn Hai và Ngô xuân Nghị.

- Sở Liên lạc (Biệt kích Lôi hổ) đóng tại Sài gòn. Sở có các Chiến đoàn 1 tại Ðà Nẵng, Chiến đoàn 2 trên Kon Tum và Chiến đoàn 3 tại Ban Mê Thuột. Các toán thuộc Sở Liên lạc có nhiệm vụ xâm nhập vào hậu tuyến đối phương từ vĩ tuyến 17 trở vào cho đến mũi Cà Mau.

- Sở Phòng vệ Duyên hải (Coastal Security Service) đóng tại Tiên Sa, Ðà Nẵng gồm Lực lượng Hải tuần và Lực lượng Biệt Hải. Lực lượng Hải tuần có nhiệm vụ chính là thi hành những công tác hành quân đặc biệt bằng đường biển trong vùng lãnh hải Bắc Việt từ vĩ tuyến 17 Bắc trở lên, thả và vớt các toán Biệt hải, các chiến đĩnh thuộc Lực lượng Hải tuần. Ngoài ra, còn thực hiện nhiều công tác riêng biệt khác như pháo kích, chận bắt tàu bè, chiến tranh tâm lý v.v. Lực lượng Biệt hải có nhiệm vụ dùng người nhái xâm nhập Bắc Việt.

- Sở Tâm lý chiến đóng tại số 7 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Sở có nhiệm vụ tổ chức và điều hành Đài Tiếng nói Tự do và Đài Gươm Thiêng Ái Quốc.

- Sở Không yểm đóng tại Sài Gòn thuộc Không quân Việt Nam Cộng hòa có nhiệm vụ phối trí với các Phi đoàn trong việc xâm nhập, liên lạc, hướng dẫn và rút các toán hoạt động trong lòng đối phương.

- Trung tâm huấn luyện Quyết Thắng đóng tại Long Thành, Biên Hoà huấn luyện về chiến tranh ngoại lệ cho các toán, các phương pháp xâm nhập vào đất đối phương, hoạt động nơi hậu phương đối phương, du kích chiến, ám sát, bắt cóc, phá hoại, chiến tranh tâm lý v.v.

Chỉ Huy Trưởng Qua Các Thời Kỳ :

1 - Đại tá Lê Quang Tung ngày 4/1963-11/1963 Thời kỳ Nha Kỹ thuật còn mang tên Sở Khai thác Địa hình.

2 - Trung tướng Lê Văn Nghiêm ngày 11/1963-2/1964 Kiêm Tư lệnh Binh chủng Nhảy Dù, tạm thay thế Đại tá Cao Văn Viên 1 tuần lễ.

3 - Đại tá Trần Văn Hổ ngày 2/1964-6/1968.Năm 1955, Thiếu tá Hổ được chỉ định chức vụ Phụ tá Không quân bên cạnh Tổng tham mưu trưởng. Ông được xem là vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Không quân. Đến năm 1957, ông được lệnh bàn giao chức vụ này lại cho Trung tá Nguyễn Xuân Vinh (Bút danh: Toàn Phong).

4 - Niên Trưởng Đoàn Văn Nu ngày 6/1968-4/1975
Sử Nha Kỹ Thuật

NHA KỸ-THUẬT
BỘ TỔNG THAM MƯU
QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
Mục đính của người viết bài này không ngoài hoài bão cung cấp cho các cựu quân nhân và cựu nhân viên dân chính đã từng phục vụ trong các đơn vị trực thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM / QLVNCH hiện định cư tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia khác trên Thế giới Tự Do, một sự hiểu biết tổng quát về sự tổ chức cũng như những hoạt động đặc biệt của đơn vị này.

Vì tính cách đặc biệt về tổ chức và nhiệm vụ của Kỹ Thuật / BTTM, ngay chính những quân nhân phục vụ tại một đơn vị của Nha Kỹ Thuật / BTTM cũng không hiểu rõ về đơn vị này. Do đó, nếu có sự hiểu lầm hay một sự hiểu biết thiếu chính xác của một số đơn vị bạn cũng không phải là một điều ngạc nhiên.

Danh hiệu Nha Kỹ Thuật / BTTM chỉ là một danh hiệu ” vỏ bọc ” để bảo vệ những hoạt động thực sự đối với Cộng Sản cũng như đối với các đơn vị bạn khác. Nha Kỹ Thuật / BTTM chính thức là Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ, ngang hàng với cấp Sư đoàn Tổng Trừ bị do một cấp Thiếu Tướng làm Tư lệnh.

Nha Kỹ thuật / BTTM trải qua rất nhiều lần cải danh và thay đổi về tổ chức và nhiệm vụ, tùy theo sự biến chuyển về tình hình chính trị quốc nội cũng như tình hình quân sự trên chiến trường.

Trước khi đi sâu vào vấn đề này, kẻ viết bài này xin mạn phép trình bày sơ lược về cá nhân và sự liên hệ đối với Nha Kỹ Thuật / BTTM kể từ năm 1961 cho đến ngày chính Thức giải tán đơn vị này vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 do khẩu lệnh của Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng / QLVNCH, trước khi Đại tướng từ chức vụ Tham Mưu trưởng.
Vào cuối năm 1960, trong khi phục vụ tại một đơn vị thuộc Sư đoàn 1 Bộ Binh đồn trú tại Quảng Trị, tôi đã được lệnh cấp tốc trình diện Phủ Tổng Thống. Thật là một ngạc nhiên to lớn đối với một cấp úy nhỏ như tôi. Sau khi được đơn vị trưởng cấp sự vụ lệnh, tôi được một vị đại diện Phủ Tổng Thống từ Huế ra đón và đưa thẳng về Đà nẵng. Tại đây, tôi lại được một đơn vị khác tiếp xúc, bắt tôi thay thường phục và đưa ra phi trường đáp phi cơ Air Việt Nam về Saigon. Tại Phi trường Tân sơn nhất, tôi lại được một đơn vị khác đón và đưa về một căn nhà tại khu Tân Định, nằm trong một ngõ hẹp. Dù tôi có ý gợi chuyện trong lúc đi đường, các vị này đều có vẻ huyền bí và rất ít nói chuyện. Tại căn nhà này, tôi lại càng ngạc nhiên hơn vì lần đầu tiên tôi được gặp và giới thiệu với một số nhân viên Hoa Kỳ. Tôi không biết các vị này cả Việt lẫn Mỹ, thuộc đơn vị hay cơ quan nào. Tôi cũng chưa biết vị chỉ huy tôi là ai, quân nhân hay dân sự. Một nhân viên Hoa kỳ có vẻ ngạc nhiên về khả năng Anh văn của tôi. Tôi cho ông ta biết là tôi đã tốt nghiệp khóa 6 tháng thông dịch viên Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ vào đầu năm 1958.

Tôi muồn nhắc đền sự việc này vì nhờ sự hiểu biết về anh văn mà tôi được giữ những chức vụ có liên quan đến việc tiếp xúc với cơ quan Tình báo Hoa Kỳ sau này. Vì nhân viên Hoa Kỳ này cho tôi biết là ngày hôm sau tôi sẽ được tham dự khóa ” Tình báo đặc biệt ” do các nhân viên tình báo Hoa kỳ đảm trách hướng dẫn. Người Mỹ gọi là khóa ” Clandestine Operation ” được huấn luyện cho các nhân viên điệp báo hoạt động tại hậu tuyến địch. Nói tóm lại đây là khóa huấn luyện gián điệp. Tôi có hỏi sau khóa này tôi sẽ làm gì nhưng không ai xác định gì cả. Họ chỉ cho biết là sau khóa huấn luyện tôi sẽ trở thành một ” Case Officer ” hay là ” Trưởng công tác “. Tên tôi được biến thành Emile, cũng như các học viên khác Leon, Antoinne, Charles .v.v. . . Thật ra các tên tây phương này được đặt ra để giúp cho người Mỹ dễ nhớ trong khi huấn luyện cũng như khi hợp tác làm việc sau này. Ngoài các tên này, chúng tôi được gọi bằng những bí danh khác với mục đích bảo vệ lý lịch, đề phòng đối phương theo dõi trong thởi gian liên hệ với công tác tình báo. Đây chỉ là một trong những nguyên tắc căn bản của ngành điệp báo.

Sau khóa học kéo dài 4 tuần lễ, tôi được các vị huấn luyện viên Hoa Kỳ khen thưởng về sự cố gắng và thông suốt các nguyên tắc của ngành tình báo. Sau đó, tôi được trình diện đầu tiên với vị chĩ huy trực tiếp của tôi là vị Trưởng phòng 45 của Sở Khai thác Địa Hình trực thuộc Phủ Tổng Thống.

Tôi rất mừng rỡ vỉ vị chỉ huy trực tiếp của tôi là Đại Úy BÌNH tức là Đại Úy Ngô Thế Linh mà tôi đã làm dưới quyền tại Phòng III / Quân đoàn I tại Đà Nẵng vào đầu năm 1958. Sự nghiệp quân sự của tôi, giai đoạn có ý nghĩa nhất là bắt đầu khóa học tình báo đặc biệt này cho đến ngày cuối cùng của QLVNCH vào cuối tháng 4 năm 1975. Với hơn 14 năm được phục vụ tại một đơn vị đặc biệt, giữ những chức vụ tuy nhỏ nhoi nhưng được gần gũi với các cấp chỉ huy cao cấp và được sự tin tưởng của các vị này, cũng như các vị cố vấn Hoa Kỳ cao cấp, tôi đã theo dõi và chứng kiến các hoạt động của Nha Kỹ Thuật / BTTM, sự cải danh của nó, từ vị trí của một Phòng sở nhỏ trở thành một đại đơn vị có tầm mức chiến lược quan trọng.

Sự bành trường và lớn mạnh của Nha Kỹ Thuật / BTTM đều tùy thuộc và ảnh hưởng bởi các biến chuyển của tình hình chiến sự quốc nội, tình hình chính trị trên thế giới, đường lối chỉ đạo của Hoa Kỳ đối với chiến cuộc tại Việt Nam và cuối cùng là khả năng hoạt động của các đơn vị thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM.

Những tài liệu trình bày sau đây đều dựa theo trí nhớ của tôi. Do đó, về thời gian và không gian có thể có một vài sự sai lầm nhỏ hoặc một chút thiếu sót. Tôi nghĩ rằng dù nếu có một vài sự thiếu sót, ý nghĩa và mục đích của bài này sẽ không sai lạc và các điểm chính yếu tôi muốn nêu ra vẫn được bảo đảm.

Sở Khai thác Địa hình trực thuộc Phủ Tổng Thống, lúc bấy giờ do Cố Đại Tá Lê Quang Tung là Chỉ huy trưởng. Đơn vị này được giao phó rất nhiều công tác tình báo quan trọng, về quốc nội cũng như quốc ngoại, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong các cơ cấu tình báo, Phòng 45 hay Phòng E được đặc trách hoạt động thu thập tin tức tình báo tại miền Bắc vĩ tuyến 17, với các hệ thống điệp báo nằm vùng xâm nhập từ Miền NAM hoặc từ Đệ Tam Quốc gia bạn. Tại nội bộ đơn vị, Sở Khai thác Địa Hình cũng được gọi là KHIÊM QUANG, mỗi chữ biểu hiệu cho một Phòng của đơn vị. Phòng E sau này còn được gọi là SB, viết tắt cho Sở Bắc. Kể từ năm 1960 trở đi, hoạt động điệp báo tại miền Bắc được đặc biệt chú trọng vì nhu cầu tin tức chiến lược nhằm ước tính khả năng của Cộng Sản, hầu ngăn chặn mưu đồ xâm lược của miền Bắc.

Để yểm trợ tài chính và kỹ thuật cho các công tác đặc biệt này, cơ quan Combined Studies thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon được giao phó phối hợp và đảm trách. Công tác tình báo và các hoạt động đặc biệt nhằm đối tượng Cộng Sản đều do cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ cố vấn và tài trợ vì vấn đề kỹ thuật phức tạp và phí tổn to lớn. Cơ quan Combined Studies cung cấp chuyên viên, tin tức tình báo căn bản, các tài liệu và vật dụng cần thiết, cũng như nhu cầu tài chính để hoàn thành công tác.
Vì bài này chỉ giới hạn về tổ chức và nhiệm vụ tổng quát của Nha Kỹ Thuật / BTTM và các tổ chức tiền thân, nên tôi sẽ không đề cập đến chi tiết các hoạt động, cách tổ chức các Toán công tác cũng như thành quả của các Toán này. Tôi mong rằng sẽ có cơ hội trình bày trong những bài kế tiếp.

Vào đầu năm 1963, Sở Khai thác Địa Hình được biến cải thành Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, với hai đơn vị chiến đấu nòng cốt là Liên đoàn 77 và Liên đoàn 31. Đại Tá Lê Quang Tung cũng là vị Tư lệnh đầu tiên của đơn vị này. Sở Bắc vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì sự phối hợp với cơ quan Combined Studies của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, trong khuôn khổ tổ chức của Bộ Tư Lệnh LLDB mới thành lập. Sau cuộc chính biến và Cách mạng 1963 và Đại tá Lê quang Tung bị sát hại. Và LLĐB được chỉ huy bởi một số các vị Tướng lãnh và sau đó dời về Nha Trang. Cũng trong thời gian này, Sở Bắc cũng được cải danh là Sở Khai Thác / BTTM và tiếp tục duy trì công tác đặc biệt, tách rời khỏi Lực Lượng Đặc Biệt. Vị Chĩ huy trưởng và Giám đốc đầu tiên của đơn vị này là Đại Tá Trần văn Hổ. Ngoài việc đảm trách công tác văn phòng, liên lạc phối hợp với ban Cố Vấn Hoa Kỳ, tôi vẫn tiếp tục tổ chức các Toán với tư cách Sĩ quan Trưởng Công tác. Một thời gian sau, Đại Tá Hổ chỉ định tôi làm Chánh Văn phòng. Song song với sự cải tổ về phía Việt Nam, Bộ Tư lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam MACV thay thế cho cơ quan Cố vấn Hoa Kỳ MAAG, cũng được thành lập. MACV – SOG là viết tắt của MACV – Studies and Observations Group, nhưng chính danh là Special Operation Group, được chỉ định Cố vấn và yểm trợ cho các công tác đặc biệt.

Ngoài các Toán Tình báo dài hạn xâm nhập Miền Bắc bằng Không vận hay Hải Vận và công tác Biệt Hải tập kích đánh phá các mục tiêu thuộc miền Bắc duyên hải. Sở Khai thác lại được lệnh tổ chức các Toán thám sát ngắn hạn hoạt động tại vùng biên giới Lào Việt nằm phía Bắc vĩ tuyến 17 cho đến vĩ tuyền 20. Các Toán này được gọi là các Toán Strata, viết tắt tiếng Mỹ là Short Term Reconnaisance and Target Acquisition teams. Hai đoàn công tác chính yếu của công tác Không vận lúc bấy giờ là Đoàn 68 đảm trách các công tác dài hạn vá các công tác đặc biệt khác Đoàn 11 phụ trách các công tác ngắn hạn.

Cũng trong thời gian này, vì nhu cầu khẩn cấp của chiến trường, Sở Khai Thác được chỉ thị huấn luyện các Toán Thám Sát đặc biệt mệnh danh là Shinning Brass tại căn cứ huấn luyện Long Thành, sau này gọi là Trung tâm Huấn luyện Quyết Thắng. Sở Liên lạc / BTTM cũng được thành lập trong thời gian này để đảm trách các công tác ngoại biên Việt-Miên và Việt-Lào. Các Toán này mang danh Lôi Hổ có nhiệm vụ thám sát, phá hoại các mục tiêu trọng yếu của địch, cùng công tác chỉ điểm mục tiêu cho các phi vụ không kích hoặc đánh phá xử dụng các lực lượng khai thác (Exploitation Forces ). Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Đại Tá Hồ Tiêu, trước phục vụ tại Sư đoàn Nhảy Dù. Sau đó Sở Liên Lạc được tiếp tục chỉ huy bởi các vị chỉ huy trưởng thuộc Sư đoàn Nhảy Dù. Các cuộc hành quân thám sát biên giới phát triển mạnh mẽ vào các năm 1966 – 1972, đặc biệt dưới sự chỉ huy của Đại Tá Liêu quang Nghĩa. Các vị chỉ trưởng sau này là Đại tá Nguyễn văn Minh và Đại Tá Nguyễn Minh Tiến.

Sở Liên Lạc (Biệt Kích Lôi Hổ) gồm có một Bộ Chỉ Huy đồn trú tại Saigon và 3 Chiến đoàn đồn trú tại Saigon và 3 Chiến đoàn đồn trú tại các Khu vực khác nhau, thích hợp với khu vực mục tiêu hoạt động:

• Chiến đoàn I đồn trú tại Đà Nẵng
• Chiến đoàn II đồn trú tại Kontum
• Chiến đoàn II đồn trú tại Ban mê Thuột.

Song song với các chiến đoàn này, MACV-SOG cũng có những cơ sở hành quân riêng rẽ đồn trú chung cùng doanh trại với các chiến đoàn. Kế hoạch hành quân được phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ chỉ huy Hoa Kỳ và Việt Nam liên hệ. Mỗi Chiến đoàn có nhiều Liên toán và mỗi Liên toán gồm có nhiều Toán. Các Toán này được tổ chức huấn luyện và hành quân theo Kỹ thuật của Lực Lượng Đặc biệt. Sự khác biệt là các Toán của Sở Liên lạc có nhiệm vụ hoạt động ngoài biên giới lãnh thổ và ngay trong lòng địch.
Khoảng năm 1965-1966, Sở Khai Thác / BTTM lại được đổi danh là Sở Kỹ thuật và sau đó không bao lâu, Sở này được nâng lên Nha Kỹ Thuật / BTTM, chỉ huy bởi một vị Giám đốc, cho phù hợp với tổ chức mới. Lúc bấy giờ Nha Kỹ thuật gồm có các đơn vị hoạt động trọng yếu như sau :

• Sở Liên Lạc
• Đoàn 11 và Đoàn 68 ( Sở Công tác được thành lập sau này )
• Sở Không Yểm
• Sở Phòng Vệ Duyên Hải
• Trung Tâm Huấn luyện Quyết Thắng
• Sở Tâm Lý Chiến (tuy là một Sở của Bộ Chỉ huy nhưng Sở này có tầm hoạt động rộng lớn và quan trọng).

• Sở Công tác sau này được thành lập với hai Đoàn Công tác 11 và 68. Sau khi Lực lượng Đặc biệt giải tán, Nha Kỹ thuật được tăng cường sĩ quan cán bộ cũng như nhân viên Toán hành quân. Các Đoàn kế tiếp được thành lập là Đoàn 71, 72 và Đoàn 75. Thời gian đầu tiên, Bộ Chỉ huy Sở đồn trú tại Nha Trang sau đó dời ra Đà Nẳng. Các Đoàn 11, 71 và 7 đồn trú tại Đà Nẳng

Các đoàn 11, 71 và 72 đồn trú tại Đà Nẳng, Đoàn 75 tại Ban Mê Thuột. Đoàn 68 vẫn tiếp tục duy trì tại Saigon, gần Bộ Chỉ huy Nha.

Đoàn 68 được giao phó tổ chức và hướng dẫn các Toán Tình báo dài hạn tại Miền Bắc. Các Toán được xâm nhập bằng Trực thăng vận từ lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia hoặc Nhảy Dù vào khu vực mục tiêu tại Miền Bắc. Một số Toán hoạt động tại vùng duyên hải Đông Bắc được đặt kế hoạch xâm nhập bằng hải vận. Nhiệm vụ chính yếu của các Toán này là thiết lập căn cứ hoạt động, quan sát và thám sát các mục tiêu, báo cáo về Trung Ương để nhận chỉ thị hoạt động. Các khu vực mục tiêu trọng yếu nằm dọc theo biên giới Hoa Việt, khu vực Đông Bắc Cao Bắc Lạng, khu vực Tây Bắc, sơn La, Lai Châu, khu vực Bắc vĩ tuyến Thanh Nghệ Tĩnh Bình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là quan sát và báo cáo mọi chuyển quân của Bắc Việt trên các trục giao thông qua biên giới và xuống miền Nam. Các hoạt động trên bắt đầu giảm sút kể từ năm 1968.

Các Toán thám sát ngắn hạn thuộc Đoàn 11 lại được gia tăng và chú trọng hơn trong khi lực lượng chính quy Bắc Việt ồ ạt xâm nhập miền Nam qua các hành lang biên giới. Tuy vậy Đoàn 68 vẫn tiếp tục đảm trách các công tác đặc biệt khác, nhằm đánh lừa địch qua việc sử dụng các Hồi chánh viên cũng như tù binh chính quy, phối hợp với sở Tâm lý chiến.

Kể từ 1972 trở về sau, địa bàn hoạt động của các Toán thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM được thu hẹp lại cho thích hợp với nhu cầu chiến trường. Do đó, các Đoàn và Chiến đoàn công tác đều được tăng phái cho các Quân đoàn và thực hiện những cuộc hành quân thám sát nội biên sau hậu tuyến địch, nhằm mục đích cung cấp cho Quân đoàn những tin tức xác thực để khai thác.

Vị Chỉ huy trưởng đầu tiên của Sở Công Tác là Đại Tá Ngô thế Linh, nguyên là Phó Giám đốc Nha Kỹ Thuật / BTTM. Các vị chỉ huy kế tiếp là Đại Tá Nguyễn văn Hai và Đại Tá Ngô xuân Nghị trước phục vụ tại Sư đoàn Nhảy Dù.

Để yểm trợ cho các Toán hành quân Không vận của Sở Liên lạc và sở Công Tác. Sở Không Yểm có nhiệm vụ liên lạc với Bộ Tư lệnh Không quân, đáp ứng nhu cầu hành quân của Nha Kỹ thuật. Các nhu cầu này gồm phương tiện trực thăng xâm nhập và triệt xuất, các phi vụ thả toán xử dụng phi cơ từ C.47 đến C.123 và C. 130 do phi hành đoàn KQVN thực hiện. Các phi vụ quan sát bằn L.19 hay L.20, các phi vụ bảo trợ thả toán Skyraiders hay F.5. Các đơn vị Không quân này không trực thuộc Nha Kỹ Thuật nhưng các phi vụ đặc biệt này đều được ưu tiên thực hiện theo nhu cầu. Đặc biệt Phi Ðoàn trực thăng 219 được thường xuyên tăng phái cho Nha Kỹ Thuật / BTTM. Đơn vị này đồn trú tại Nha Trang, Những phi vụ tối ư đặc biệt và ngoài khả năng của KQVN đều do Không quân Hoa kỳ đảm trách, xuất phát từ các căn cứ trên lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia.
Trước năm 1964, một số phi vụ thả toán vào lãnh thổ Bắc Việt được thực hiện với các phi hành đoàn ngoại quốc do cơ quan tình báo Hoa Kỳ đảm trách và hoạch định qua hãng Air America tại Saigon. Sĩ quan liên lạc Không quân và cũng là Chỉ huy trưởng Sở Không Yểm từ năm 1961 cho đến tháng Tư năm 1975 là Đại Tá Dư Quốc Lương.

Nói về các hoạt động đặc biệt của Nha Kỹ Thuật mà không đề cập đến các công tác hải vận của đơn vị này là một thiếu sót đáng kể. Công tác Hải vận và Biệt Hải của Nha Kỹ Thuật / BTTM được giao phó cho Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Tiền thân của Sở này là căn cứ ” Pacific “, trong hệ thống tổ chức của Phòng 45 thuộc Sở Khai thác Địa Hình. Sở Phòng vệ Duyên Hải được chính thức hoạt động Khoảng cuối năm 1964 và đầu 1965. Trước đó phương tiện xâm nhập các nhân viên điệp báo và các Toán tại các vùng Duyên hải Bắc Việt đều xử dụng các thuyền máy đánh cá, sửa chữa lại theo kiểu thuyền miền Bắc. Các thuyền này được đưa về Đà Nẳng để huấn luyện và thực tập về công tác xâm nhập cùng với nhân viên hay Toán hoạt động.

Sau này vì khả năng có giới hạn của các thuyền này và vì nhu cầu tốc độ và khả năng chiến đấu để bảo vệ, cơ quan Tình báo Hoa kỳ đã cung cấp cho Nha Kỹ thuật / BTTM các loại Chiến đỉnh SWIFT và NASTY, do một số thủy thủ đoàn ngoại quốc chỉ huy. Các Chiến đỉnh này có tốc dộ nhanh và được võ trang để tự vệ nếu bị Hải quân Cộng sản tấn công. Tuy vậy, các tàu này chỉ có tầm hoạt động ngắn, không qua vĩ tuyến 20. Sau này, sau khi MACV-SOG đảm trách yểm trợ NKT / BTTM, Sở Phòng vệ Duyên Hải được tăng cường các chiến đỉnh lớn PFT ( Patrol – Torpedo – Fast ) có tầm hoạt động xa, tốc độ nhanh và trang bị hỏa lực mạnh.

Các loại tàu này không những có khả năng tự vệ mà còn có khả năng đánh phá và tấn công các mục tiêu Cộng Sản nếu cần. Bộ Tư lệnh Hải Quân cũng được chỉ thị cung cấp các thủy thủ đoàn cho các chiến đỉnh này. Các hoạt động đặc biệt do Sở Phòng Vệ Duyên Hải thực hiện đều nằm trong sự kiểm soát và trách nhiệm của Nha KT / BTTM, không có liên hệ nào đối với Bộ Tư Lệnh Hải Quân và hoàn toàn được bảo mật tối đa. Các Thủy thủ đoàn này đều nằm trong Lực lượng Hải tuần trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Sở này được một vị cấp Tá do BTL / HQ biệt phái chỉ huy. Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Ngô thế Linh (từ năm 1964 đến 1966), sau đó là Trung Tá Hồ văn Kỳ Thoại, sau này được thăng cấp Đề Đốc. Các Toán người Nhái và hoạt động được gọi là Lực Lượng Biệt Hải và thuộc Lực lượng Biệt Hải của Sở này. Các Toán này được huấn luyện và thi hành những công tác đặc biệt tương đương với các Toán SEAL ( Sea Air Land ) thuộc Lực lượng Hoa Kỳ. Toán viên Biệt Hải được huấn luyện về bơi lội, xử dụng Scuba, Nhảy Dù ngoài những kỹ thuật hành quân đặc biệt khác.

Toán có khả năng xâm nhập nhảy dù xuống các vùng mục tiêu dọc theo miền duyên hải, xử dụng bãi nhảy sát bờ biển hay cả trên mặt nước. Sau khi hoàn thành công tác, Toán có thể triệt xuất bằng cách bơi ra khỏi để được tàu tiếp đón và đưa về căn cứ ở Miền Nam. Các công tác này rất nguy hiểm nên phải được thiết kế một cách chi tiết và thận trọng.

Sau hiệp định Paris, hoạt động của Sở này bị giảm thiểu đáng kể và sau đó được tăng phái hành quân cho các Quân đoàn để thi hành một vài công tác đặc biệt tại các vùng do Cộng Sản kiểm soát tại miền NAM.
Một bộ phận hoạt động quan trọng khác trong hệ thống trách nhiệm của NKT / BTTM là Sở Tâm Lý Chiến. Tuy rằng trong thành phần tổ chức của Bộ Chỉ Huy Nha, Sở Tâm Lý Chiến là một đơn vị hoạt động không phải thuần túy tham mưu. Sở này sử dụng đa sồ chuyên viên dân sự để điều khiển các hệ thống phát thanh và các công tác chiến tranh chính trị khác nhằm yểm trợ cho cho hoặt động đặc biệt tại miền BẮC. Sở có trách nhiệm điều khiển hai hệ thống phát thanh. Đài Tiếng nói Tự Do là một hệ thống phát thanh ” Xám “, tiếng nói của những người mến chuộng Tự Do chống đối hệ thống tư tưởng Cộng Sản. Một hệ thống phát thanh bí mật khác là Đài ” Gươm thiêng ái quốc “, tiếng nói của Mặt trận Giải phóng Miền Bắc, nhằm hỗ trợ cho các công tác của các Toán đặc biệt nằm trong lãnh thổ Miền bắc. Ngoài công tác phát thanh, Sở TLC / NKT đã thực hiện nhiều công tác ly gián, lừa địch, sử dụng các Hồi chánh viên và Tù binh chính qui Bắc Việt.

Hai Đài phát tuyến Cồn Tre tại Quảng Trị và Thanh Lam tại Huế có tầm hoạt động rộng lớn bao gồm cả lãnh thổ Bắc Việt cho đến biên giới Hoa Việt. Phần lớn các hoạt động Tâm lý chiến và phát thanh đều được cơ quan Tình Báo Hoa Kỳ tài trợ và cố vấn về kỹ thuật. Sau này, ” Đài Gươm Thiêng Ái Quốc ” chấm dứt hoạt động vì tình hình chiến sự và chính trị thay đổi. Đài ” Mẹ Việt Nam ” được nối tiếp để duy trì công tác phát thanh của Nha Kỹ Thuật.

Đại Tá Trần văn Hổ nhậm chức Giám đốc Nha Kỹ Thuật / BTTM kể từ năm 1964 cho đến tháng 8 năm 1968. Chính trong thời kỳ này rất nhiều kế hoạch và hoạt động đặc biệt nhằm vào lãnh thổ miền Bắc được thực hiện. Sau vụ tấn công của Cộng Sản vào Tết Mậu Thân và các cuộc hòa đàm giữa Hoa Kỳ và Bắc việt tại Paris, hoạt động đặc biệt lần lần bị giảm thiểu, nhất là những công tác ngay trong lãnh thổ Bắc Việt. Các công tác này được tập trung và gia tăng tại các vùng giáp tuyến và các vùng biên giới Lào Việt, Miên Việt. Đại Tá Đoàn văn Nu được Đại tướng Tổng Tham mưu Trưởng bổ nhiệm làm Giám đốc thay thế Đại Tá Trần văn Hổ vào khoảng tháng 8 năm 1968 và tiếp tục chỉ huy Nha Kỹ Thuật cho tới ngày cuối cùng của Nha.

Trong thời kỳ này, tình hình chiến sự và chính trị thay đổi, đặc biệt nhất là đường lối của Hoa kỳ đối với chiến trường Việt Nam không còn quyết tâm như trước, do đó các công tác đặc biệt không còn được hỗ trợ mạnh mẽ như trước năm 1968. Tuy vậy, Nha Kỹ thuật / BTTM vẫn tiếp tục thực hiện nhiều thành tích đáng kể. Các Toán hoạt động tuy không phải xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Việt hoặc sâu vào biên giới Lào Miên, được trực thăng vận ngay vào các khu vực địch kiểm soát. Các cuộc hành quân này cũng không kém phần quan trọng và còn nguy hiểm hơn nhiều. Các Toán này đã gây trở ngại và làm chậm mức xâm nhập của Cộng Sản trong mưu đồ xâm lược miền NAM Việt Nam.
Các Toán hành quân của Nha Kỹ thuật, dù thuộc một đơn vị nào cũng luôn luôn chứng tỏ tinh thần dũng cảm, đầy nhiệt huyết, xem sự chết nhẹ tựa lông hồng, chiến đấu oai hùng trong mọi nguy hiểm và hoàn cảnh khó khăn. Cuộc chiến đấu chống Cộng tuy đã chấm dứt vào cuối tháng 4 năm 1975, nhưng tinh thần của cuộc chiến và những giờ phút oai hùng đó không dễ gì phai mờ trong tâm trí cũa những Cựu Chiến Sĩ Nha Kỹ Thuật này.

Viết tại Winston-Salem, North Carolina

Cựu Quân nhân Trung Tá Lữ Triệu Khanh
Thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM
Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa

Lực Lượng Đặc Biệt (tiếng Anh: Army of the Republic of Vietnam Special Forces, ARVNSF) - viết tắt: LLDB - là một đơn vị quân sự chính quy của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Khởi đầu là các toán biệt kích được huấn luyện để hoạt động sâu trong vùng kiểm soát của đối phương, chủ yếu để làm các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, bắt cóc, phá hoại các mục tiêu quân sự. Về sau, lực lượng này phát triển thêm thành đơn vị tác chiến, có vai trò như một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tổ Chức Tiền Thân:

Tháng 2 năm 1956, sau khi tiếp nhận căn cứ GCMA (Groupement de Commandos Mixtes Aéroportés, Lực lượng biệt kích không vận hỗn hợp) của Pháp tại Nha Trang, với sự trợ giúp của Phái bộ Cố vấn Quân sự (Military Assistance Advisory Group - MAAG) Mỹ tại Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho thành lập Trung tâm Huấn luyện Biệt động đội, nhằm xây dựng cơ sở huấn luyện biệt kích cho Việt Nam Cộng hòa. Về tổ chức, trung tâm này được đặt dưới quyền quản lý của Nha Tổng Nghiên Huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Cuối năm 1956, theo khuyến cáo của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã giải thể Nha Tổng Nghiên Huấn[1]. Các bộ phận tình báo chiến lược và phản gián được chuyển về cho Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội. Bộ phận biệt kích được chuyển về cho một tổ chức mới là Sở Liên lạc, trực thuộc Phủ Tổng thống, ngân sách do Mỹ đài thọ. Đại tá Rogers là ngươi đầu tiên được cử đến làm cố vấn cho Sở này, sau đó Đại tá Floyld Parker đến thay thế. Giám đốc và Phó giám đốc Nha Tổng Nghiên Huấn là Trung tá Lê Quang Tung và Đại úy Trần Khắc Kính được bổ nhiệm làm Giám đốc và Phó giám đốc Sở Liên lạc[1]. Tháng 4 năm 1960, Sở Liên lạc được đổi tên thành Sở Khai thác Địa hình. Tuy nhiên, chức năng, tổ chức và nhân sự của cơ quan này vẫn không có gì thay đổi.

Hình Thành Lực Lượng Đặc Biệt :

Trên thực tế, Sở Khai thác Địa hình tập trung vào công tác tuyển mộ, huấn luyện biệt kích. Chính do nhiệm vụ này, trong các phòng chuyên môn, Phòng 45 hay Sở Bắc, phụ trách các hoạt động tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc; và Phòng 55 hay Sở Nam, phụ trách các hoạt động biệt kích trong lãnh thổ VNCH, đóng một vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, từ năm 1961, Sở còn thành lập thêm một số đại đội Biệt cách dù biệt lập để làm thành phần hỗ trợ, ứng cứu cho những toán nhảy qua Lào hay ở những vùng biên giới nguy hiểm.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ khác, tuy không chính thức, nhưng được xem là ưu tiên nhất của Sở Liên lạc là chỉ huy lực lượng cơ động tinh nhuệ chuyên dùng để bảo vệ Phủ Tổng thống chống những cuộc đảo chính. Chính vì vậy, mặc dù các hoạt động tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc tỏ ra kém hiệu quả, quân số của Liên đoàn quan sát số 1 vẫn phát triển không ngừng. Tháng 11 năm 1961, Liên đoàn quan sát số 1 được cải danh thành Liên đoàn 77. Tháng 2 năm 1963, Liên đoàn 31 được thành lập. Ngày 15 tháng 3 năm 1963, Tổng thống Diệm ra quyết định thành lập Lực lượng đặc biệt trên cơ sở bộ máy của Sở Khai thác địa hình và 2 đơn vị tác chiến là Liên đoàn biệt kích 77 và 31. Về nguyên tắc, Lực lượng đặc biệt được chuyển thuộc sang Bộ Quốc phòng, có quy mô tương đương cấp Lữ đoàn, nhưng trên thực tế, Tổng thống có toàn quyền điều động đơn vị này thông qua một cơ quan chỉ huy trực tiếp là Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, mà thực chất chính các Bộ chỉ huy Lực lượng đặc biệt, do Đại tá Lê Quang Tung làm Chỉ Huy trưởng.

Năm Biến Cố 1963 :

Được xem là một đơn vị tinh nhuệ và tuyệt đối trung thành với Tổng thống, trong Biến cố Phật giáo, 1963, Lực lượng đặc biệt được cố vấn Ngô Đình Nhu sử dụng như lực lượng xung kích tấn công các chùa, đặc biệt là chùa Xá Lợi. Mặc dù vậy, Lực lượng đặc biệt hoàn toàn bị vô hiệu hóa trong đảo chính năm 1963 khi chỉ huy trưởng Lê Quang Tung bị giết chết ngay khi cuộc đảo chính vừa nổ ra. Trước đó, bằng một thủ pháp nhỏ, các tướng lãnh tham gia đảo chính đã điều các đơn vị thuộc Lực lượng đặc biệt ra khoải Sài Gòn. Mất đi lực lượng cơ động trung thành và tinh nhuệ này, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu không còn cách nào khác ngoài việc đào tẩu khỏi dinh Độc Lập. Cả 2 ông đều bị giết chết trong hoàn cảnh bí ẩn không lâu sau đó.

Trở Thành Một Binh Chủng Trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa :

Sau đảo chính, Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống bị giải tán. Lực lượng đặc biệt cũng được phân chia thành nhiều đơn vị khác nhau. Sở Bắc được tách riêng để hình thành một cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Phòng ban khác cũng được giải thể và phân vào các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Riêng các đơn vị tác chiến được tập hợp để hình thành một đơn vị độc lập với bộ chỉ huy riêng.

Tháng 7 năm 1964, Liên đoàn 31 được cải danh thành Liên đoàn 111 và Liên đoàn 77 được cải danh thành Liên đoàn 301. Tất cả đều đặt dưới quyền Chỉ huy trưởng Lực lượng đặc biệt.

Ngày 19 tháng 6 năm 1965, Liên đoàn biệt kích 111 và 301 bị giải tán. Các đơn vị chiến đấu được sắp xếp lại để chính thức hình thành binh chủng Lực lượng đặc biệt, gồm một Bộ Tư lệnh, một đại đội Tổng hành dinh, một trung tâm huấn luyện, và 4 bộ chỉ huy (C) ở 4 quân khu. Mỗi C có một số B và mỗi B có một số toán A quân số vào khoảng 12 người. Ngoài ra, các đại đội biệt cách dù độc lập cũng được tập hợp thành Tiểu đoàn 91 Biệt cách dù, cũng được đặt dưới quyền điều động của Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt. Tổng cộng quân số Lực lượng đặc biệt vào khoảng 5.000 trong thời điểm đó.

Ngày 1 tháng 4 năm 1968, Tiểu đoàn 91 Biệt cách dù được cải danh thành Tiểu đoàn 81 Biệt cách dù. Một cơ quan tham mưu là Trung tâm Hành quân Delta được thành lập để giúp Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt chỉ huy hành quân các đơn vị Biệt Cách Dù.

Bị Giải Thể :

Cuối tháng 12 năm 1970, do các hoạt động tung biệt kích ra miền Bắc hoặc các vùng biên giới do quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát không có hiệu quả, Lực lượng đặc biệt bị giải tán. Các sĩ quan và binh lính được chuyển sang các đơn vị khác, chủ yếu về lực lượng Biệt động quân. Riêng Trung tâm Hành quân Delta và Tiểu đoàn 81 Biệt cách dù được sát nhập lại để hình thành Liên đoàn 81 Biệt cách dù. Huy hiệu của Lực lượng Đặc biệt cũng trở thành huy hiệu của Liên Đoàn 81.
Cách Dù Việt Nam Cộng Hòa

Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù (tiếng Anh: 81st Airborne Commando Battalion, 81st ACB) - thường được gọi tắt là Biệt cách dù (BCND / BCD) - là một trong bốn lực lượng Tổng trừ bị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (gồm Biệt động quân, Thủy quân Lục chiến và Sư đoàn Nhảy dù. Đây cũng là lực lượng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí trong sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.

- Hiệu Ca: Biệt Cách Dù 81 Hành Khúc.
- Đặc Trưng: Mũ Beret xanh lục và phù hiệu Cọp Bay.

Lược Sử Hình Thành :

Giữa năm 1961, chính phủ Mỹ cho phép mở rộng chương trình bí mật chống lại những nỗ lực chiến tranh của những người Cộng sản Việt Nam trong vùng Đông Nam Á. Tại Nam Việt Nam, Liên đoàn Quan sát số 1 thuộc Sở Liên lạc, Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa được thành lập. Bên cạnh các hoạt động nhảy Bắc làm nhiệm vụ tình báo, biệt kích chống các hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên đoàn quan sát số 1 còn tổ chức các toán biệt kích giả thường dân xâm nhập vào phía nam Lào, tìm kiếm và tấn công các tuyến đường giao liên do phía Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức.

Để áp dụng chương trình bên Lào, Ban Nghiên cứu Hỗn hợp (Combined Studies Division – CSD) được thành lập, đặc trách về chương trình phòng vệ dân sự (Civil Defense), hoạt động dưới quyền chỉ đạo của phân bộ CIA tại Sài Gòn, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Gilbert Layton (phía Mỹ) và Thiếu tá Trần Khắc Kính (phía Việt Nam Cộng hòa). Một chương trình hoạt động có mật danh là Lei Yu, sau đổi thành Typhoone (tiếng Anh) hoặc Lôi Vũ (tiếng Việt), được xây dựng. Có cả thảy 15 toán biệt kích, mỗi toán 14 người, rút từ các toán biệt kích có sẵn trong Liên đoàn Quan sát số 1, được tổ chức, được đánh số từ 1 đến 15 tập họp trong trại Typhoon-Lôi Vũ (gần trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức), chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ[1].

Bên cạnh đó, CSD cũng tổ chức một lực lượng xung kích, nhằm cơ động tấn công các mục tiêu do các toán biệt kích chỉ điểm, hỗ trợ, ứng cứu cho các toán biệt kích khi bị đối phương uy hiếp nghiêm trọng. Theo đó phía Việt Nam Cộng hòa, tuyển mộ các quân nhân người Thái trong Sư đoàn 22 Bộ binh đưa về Thủ Đức để huấn luyện nhảy dù, biệt kích, thành lập Đại đội 1 Biệt kích dù, do Đại úy Lương Văn Hơi làm chỉ huy. Liên tiếp sau đó, Đại đội 2 Biệt kích dù cũng được thành lập, gồm các quân nhân người Nùng tuyển mộ trong Sư đoàn 5 Bộ binh, do Trung úy Voòng Chay Mênh làm chỉ huy[1]. Đây chính là những đơn vị đầu tiên của lực lượng Biệt cách dù.

Sau khi được huấn luyện và tổ chức, hai đại đội Biệt kích dù được không vận lên Kontum, sau đó di chuyển bằng xe đến một tiền đồn gần làng Ben Het. Sau đó, hai toán Biệt cách dù được giao nhiệm vụ đi toán các toán biệt kích Lôi Vũ (gồm các toán 1, 2, 3, 6, 7, 8) về căn cứ Ben Het an toàn.[1] Đây được xem là cuộc hành quân đầu tiên của lực lượng Biệt cách dù.

Được xem là thành công, thêm 2 đại đội Biệt kích dù được thành lập. Đại đội 3 hình thành từ các quân nhân được tuyển mộ gốc từ Lữ đoàn Dù và Đại đội 4 hình thành từ các quân tình nguyên mà đa số là người Công giáo qua sự giới thiệu của linh mục Mai Ngọc Khuê.[1]

Đầu năm 1963, Sở Liên lạc (bấy giờ mang tên Sở Khai thác Địa hình) được cải danh thành Lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hòa, do Đại tá Lê Quang Tung làm Chỉ huy trưởng. Bênh cạnh các toán biệt kích nhảy Bắc, các toán thám báo đường mòn và căn cứ đối phương, các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Đặc biệt gồm 2 Liên đoàn biệt kích 77 và 31, 5 Đại đội Biệt Kích Dù.

Tiểu Đoàn Biệt Cách Dù Và Trung Tâm Hành Quân Delta :

Sau đảo chính 1963, Lực lượng đặc biệt nhiều lần tổ chức lại. Phòng 45 đặc trách các toàn biệt kích nhảy Bắc được tách ra. Giữa năm 1965, các liên đoàn được giải tán, cơ cấu chỉ huy Lực lượng đặc biệt được tổ chức theo cơ cấu tương tự như của Biệt kích Hoa Kỳ để dễ phối hợp hoạt động, chỉ huy các toán biệt kích hoạt động trong nội địa (khác với các toán biệt kích Lôi Hổ hoạt động ngoại biên) trên cả 4 vùng chiến thuật. Riêng các đại đội Biệt kích dù biệt lập được kết hợp thành Tiểu đoàn 91 Biệt cách dù, vẫn chịu sự chỉ huy của Lực lượng đặc biệt, vẫn giữ vai trò xung kích, ứng cứu cho các toán biệt kích nội địa.

Bên cạnh đó, vai trò chỉ hoạt động biệt kích của Hoa Kỳ và đồng minh tại Đông Nam Á có thay đổi do bàn giao giữa CIA và MACV. Để phối hợp các hoạt động biệt kích trên vùng lãnh thổ Nam Việt Nam, tháng 6 năm 1965, MACVSOG, cơ quan đặc trách của MACV về hoạt động đặc biệt, đã tổ chức Trung tâm Hành quân Delta, mật danh B52, chịu trách nhiệm phối hợp với Lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hòa chỉ huy các hoạt động thám báo và phá hoại. Theo đó, các toán biệt kích Delta hỗn hợp Việt-Mỹ, do các quân nhân Mỹ làm trưởng toán, ăn mặc và trang bị giống Quân Giải phóng miền Nam, sẽ thâm nhập đường mòn Hồ Chí Minh và các vùng căn cứ do đối phương kiểm soát trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa để xác định vị trí đóng quân của đối phương, thu thập tin tức tình báo chiến lược, giám sát kết quả oanh kích của Không quân Mỹ, tập kích, phá hoại các sơ sở hậu cần của Quân Giải phóng miền Nam.[2]. Tiểu đoàn 91 Biệt cách dù là đơn vị phối hợp làm lực lượng xung kích ứng cứu cho Trung tâm Hành quân Delta. Năm 1968, Tiểu đoàn 91 được cải danh thành Tiểu đoàn 81 Biệt Cách Dù.

Liên Đoàn Biệt Cách Dù :

Tháng 6 năn 1970, MACV chấm dứt hoạt động của Trung tâm Hành quân Delta và rút các quân nhân Mỹ về nước. Tháng 8 năm 1970, Lực lượng đặc biệt cũng bị giải tán vì đã hết nhiệm vụ nhảy Bắc, nhảy Lào và đổ bộ biển. Các quân nhân LLĐB đều được phân tán về các binh chủng khác trong Quân đội. Nhiều nhất là chuyển qua Biệt động quân và Nha kỹ thuật. Riêng bộ phận chỉ huy phía Việt Nam Cộng hòa của Trung tâm Hành quân Delta và Tiểu đoàn 81 Biệt cách dù được tổ chức lại, sáp nhập thành Liên đoàn 81 Biệt cách dù, được đặt thành một lực lượng Tổng trừ bị của Bộ Tổng Tham mưu. Liên đoàn được hưởng các huy chương của Lực lượng đặc biệt, được phép đội mũ xanh và mang phù hiệu Lực lượng đặc biệt và được mang dây Biểu chương màu đỏ Bảo quốc Huân chương.

Khi mới thành lập, quân số của Liên đoàn chỉ khoảng 900 người. Về sau, Liên đoàn được mở rộng cấp số, tổ chức gồm: 1 Bộ chỉ huy Liên đoàn, 1 Đại đội Chỉ huy Yểm trợ và 3 ba Bộ chỉ huy chiến thuật. Mỗi Bộ chỉ huy có 4 Biệt đội, mỗi Biệt đội có 200 quân nhân. Tổng quân số lên đến 3.000 binh sĩ.

Những Trận Đánh Lớn :

Mặc dù được huấn luyện cho những công tác thật đặc biệt, tuy nhiên khi tình hình nguy ngập như trong Mùa Hè Đỏ lửa 1972, Phước Long 1974, Bộ Tổng tham mưu đã sử dụng Liên đoàn 81 BCD như là một lực lượng tăng viện, tiếp cứu và thanh toán chiến trường.

Trận An Lộc 1972: Một trận đánh kinh hoàng trong Chiến tranh Việt Nam. Liên đoàn 81 BCND đã quần thảo với đặc công, bộ binh và xe tăng QĐNDVN nên thiệt hại cũng rất nhiều. Họ phải lập một nghĩa trang trong thị xã An Lộc để chôn tử sĩ. Nói về Liên đoàn 81 trong trận chiến An Lộc có 2 câu thơ nổi tiếng:

An Lộc Địa,Sử Ghi Chiến Tích

Biệt Cách Dù,Vị Quốc Vong Thân.

(Tư liệu:sưu tầm)


Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970


Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970
Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.


Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.
Lực Lượng Đặc Biệt tại Thường Đức 1970 Thoung Duc 1970 - Cpt. Valentine on operations on the Tennis Courts overlooking A-109 Thoung Duc Special Forces Camp.

Lực Lượng Đặc Biệt tại Đức Phong - Sông Bé 11-9-1969. 11 Sep 1969, Song Be, South Vietnam --- Song Be, S. Vietnam: Assist To Evacuation Helicopter. An American Green Beret (right), and a South Vietnamese soldier assist wounded Vietnamese soldier to medivac helicopter following fighting near the Special Forces camp at Duc Phong, 40 miles north of Saigon, September 9. South Vietnamese spokesmen said government casualties reached a two-month high 502 dead and 1,210 wounded--during fighting last week. It was the highest casualty toll since the week ending June 14 which saw 516 dead and 1,424 wounded. --- Image by © Bettmann/CORBIS
Lực Lượng Đặc Biệt tại Đức Phong - Sông Bé 11-9-1969. 11 Sep 1969, Song Be, South Vietnam --- Song Be, S. Vietnam: Assist To Evacuation Helicopter. An American Green Beret (right), and a South Vietnamese soldier assist wounded Vietnamese soldier to medivac helicopter following fighting near the Special Forces camp at Duc Phong, 40 miles north of Saigon, September 9. South Vietnamese spokesmen said government casualties reached a two-month high 502 dead and 1,210 wounded--during fighting last week. It was the highest casualty toll since the week ending June 14 which saw 516 dead and 1,424 wounded. --- Image by © Bettmann/CORBIS
Lực Lượng Đặc Biệt

Nguồn : Page Phóng Viên Chiến Trường  

 Read more at: https://anhxua.net/album/nha-ky-thuat-luc-luong-dac-biet-biet-cach-du-quan-luc-viet-nam-cong-hoa.html

TRẬN CHIẾN BÍ MẬT - NHÌN LẠI

 Hồ sơ của đơn vị SOG được khóa kín trong tủ sắt… và bị bỏ quên cho đến thập niên 1990. Chương trình hoạt động bán quân sự bí mật, rộng lớn nhất do người Hoa Kỳ tổ chức kể từ sau trận Thế Chiến Thứ Hai, trở thành một câu chuyện bí mật bị chôn vùi.

Không có con số chính sác số tổn thất của đơn vị SOG, bao nhiêu quân nhân tử trận (đa số từ LLĐB – Mũ Xanh), bị mất tích, hay bị quân đội Bắc Việt bắt làm tù binh, trong những chuyến hành quân xâm nhập bí mật. Chỉ có thể phỏng đoán, đơn vị SOG mất 300 quân, một phần tư (1/4) trong đó mất tích (cõ lẽ chết mất xác, không thâu hồi được tử thi của người quân nhân yểu mệnh).

Chương trình 35 (vượt biên sang Lào, Miên) lớn nhất với ba sở chỉ huy Bắc, Trung, và Nam (CCN, CCC và CCS) có tổng cộng 110 sĩ quan, 615 hạ sĩ quan, binh sĩ. Nhưng không phải ai cũng “vượt biên” Mỗi sở chỉ huy có 30 toán biệt kích (SOG), thực hiện 95% các hoạt động đánh phá hệ thống đường mòn HCM. Mỗi toán biệt kích có ba quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ hay khoảng 270 hạ sĩ quan LLĐB/HK mỗi năm từ 1966 đến cuối năm 1971, đó là trên lý thuyết (giấy tờ). Trên thực tế, vì lý do con số tổn thất cao, đơn vị SOG chưa bao giờ được bổ sung quân số 100%. Một thí dụ, trong khoàng thời gian 1968-1969 (Tết Mậu Thân và ảnh hưởng), số toán biệt kích sẵn sàng hành quân (quân số đầy đủ, hay mới được bổ sung) không đến một nửa.

Trong khoảng thời gian tháng Hai đến tháng Tư năm 1973, chính quyền Hà Nội trả tự do 591 tù binh Hoa Kỳ bị giam giữ ngoài miền Bắc Việt Nam. Không có một người nào thuộc đơn vị SOG (đó là một tấm gương can đảm, một sự hy sinh cao qúy… không tiếc. Toán biệt kích chỉ có mấy người hoạt động sâu trong lòng địch… có chuyện gì … chết mất xác). Trong khi chiến đấu với quân đội Bắc Việt, nhiều biệt kích quân (kể cả Hoa Kỳ) tử trận bị bỏ lại, và khoảng 20 quân Mũ Xanh Hoa Kỳ khác được ghi nhận bị bắt làm tù binh. Họ biến đi đâu? Chuyện gì xẩy ra cho họ? (trong số 591 tù binh Hoa Kỳ được trả về, không một người nào thuộc đơn vị SOG…)

Đó cũng thuộc về huyền thoại đơn vị SOG. Hoa Kỳ chỉ muốn quên trận chiến Việt Nam… Không thể có một Việt Nam thứ hai xẩy ra (no more Vietnam).

 

III. 1. NGƯỜI CỦA MUÔN NĂM CŨ

Sau chuyến sang Việt Nam làm Chỉ Huy Trưởng đơn vị SOG, Don Blackburn cuối cùng được thăng cấp Chuẩn Tướng vào cuối thập niên 1960. Nhiệm vụ cuối cùng của ông ta làm trưởng cơ quan SACSA năm 1970, năm đó chính ông ta soạn thảo, chỉ huy trận đột kích nổi tiếng trại giam tù binh Sơn Tây. Sau đó khoảng tám tháng, Chuẩn Tướng Don Blackburn giải ngũ.

Jack Singlaub, cấp chỉ huy SOG nhiều năng động, quay trở về với truyền thống quân đội (trận điạ chiến). Năm 1976, lúc đó ông ta đeo hai sao (Thiếu Tướng), Singlaub được đề cử làm Tham Mưu Trưởng bộ tư lệnh Liên Hiệp Quốc và Quân Đội Hoa Kỳ ở Hàn Quốc. Năm đó Tổng Thống Jimmy Carter đắc cử, muốn rút hết quân đội Hoa Kỳ về nước, ông ta trả lời báo chí không tốt cho chính quyền và bị Tổng Thống Carter cho về hưu.

Bob Kingston rời đơn vị SOG cuối năm 1967, sau khi khám phá việc Hà Nội xử dụng các toán biệt kích chương trình 34 (ra miền Bắc) làm chuyện “hai mang” (gián điệp đôi), và thảo ra những điều căn bản cho chương trình “đánh lạc hướng” Mười lăm (15) năm sau, ông ta thăng tiến trên đường binh nghiệp vừa truyền thống quân đội, vừa chiến tranh ngoại lệ.  Đến cuối thập niên 1970, Trung Tướng Kingston chỉ huy trung tâm (bộ tư lệnh) LLĐB trong căn cứ Fort Bragg. Ông ta tổ chức, thành lập đơn bị biệt kích Delta để chống khủng bố, giải cứu con tin. Đầu năm 1980, Kingston được gắn thêm một sao (4) tư lệnh bộ Tư Lệnh Trung Ương (Central Command).

Mick Trainor trở về (quân chủng) Thuỷ Quân Lục Chiến sau thời gian phục vụ Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) trực thuộc đơn vị SOG. Ông ta về hưu năm 1985 với cấp bậc Trung Tướng, nhiệm vụ cuối cùng là phụ tá Tham Mưu Trưởng (quân đội Hoa Kỳ, tất cả đều là Tham Mưu Trưởng) về kế hoạch, chính sách và hành quân trong bộ tư lệnh TQLC (Hoa Kỳ).

Cũng như Trainor, Wesley “Duff” Rice quay trở về TQLC, sau thời gian phục vụ sĩ quan hành quân trong ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) trong năm 1967-1968. Khi được hỏi chuyến sang Việt Nam, ông có học hỏi được điều gì không? Rice trả lời “Tôi không nghĩ vậy, như một sĩ quan TQLC… Có thể làm tôi trở nên một TQLC tốt hơn, một cấp chỉ huy tốt hơn” Không ngờ, Trung Tướng Rice kết thúc đường binh nghiệp của ông ta trong hành quân đặc biệt, là vị Giám Đốc đầu tiên của Cơ Quan Hành Quân Đặc Biệt (JSOA) năm 1984.

Ed Partain, điều hành chương trình 34 (thả biệt kích ra miền Bắc). Đối với ông ta (đơn vị SOG) “Họ là những chiến binh can đảm, những người mà bạn… (muốn sát cánh với họ).” Partain trở về với truyền thống quân đội cho đến khi giải ngũ với cấp bậc Thiếu Tướng năm 1985, tư lệnh sư đoàn 1, rồi sư đoàn 5 Bộ Binh Hoa Kỳ.

Một năm sau chuyến đột kích Sơn Tây, Chuẩn Tướng Bull Simons về hưu. Bộ Trưởng Quốc Phòng MelvinLaird cố gắng “chạy” cho ông ta lên Thiếu Tướng, nhưng không được. Laird “nhờ Tướng Westmoreland, lúc đó làm Tham Mưu Trưởng Lục Quân, nhưng ông ta từ chối…” (Westmoreland không thích những gì ngoại lệ, bí mật…)

Bull Simons chỉ huy thêm một trận giải cứu con tin nữa, với cương vị một thường dân. Ngày 31 tháng Mười Hai năm 1978, ông ta nhận cú điện thoại từ H. Ross Perot, chủ tịch đại công ty điện tử Electronic Data Systems (EDS. Trước khi chuyển sang nghề dậy học, vđh làm việc cho công ty này… Ai cũng kính phục Ross Perot là một nhà ái quốc chân chính, một cấp chỉ huy (xếp) được mọi người qúy mến thán phục. Ông ta tham dự Đại Hội BĐQ ở Phoenix Arizona năm 2005 do (cố) BĐQ Bùi Quang Lâm tổ chức. vđh). Hai nhân viên của công ty EDS vị giữ làm con tin ở Tehran (Iran), sau khi họ lật đổ Quốc Vương (Shah). Simons “vào” bên trong Iran và đem hai nhân viên EDS trở về Hoa Kỳ ngày 19 tháng Hai năm 1979. Câu chuyện này được viết lại trong tác phẩm bán chạy nhất (Best seller) tác giả Ken Follet “On Wings of Eagles” (Trên Những Cánh Đại Bàng). Nhưng chỉ ba tháng sau, Bull Simons từ gĩa cõi đời, chiến hữu vì bệnh tim. Trong tháng Mười Một năm 1999, một bức tượng cao 8 bộ (8 feet) được dựng lên trong niềm thương nhớ Bull Simons trong Trung Tâm Chiến Tranh Đặc Biệt John F. Kennedy, căn cứ Fort Bragg bộ tư lệnh LLĐB/HK.

Dick Meadows là một chiến binh đặc biệt, tài giỏi nhất trong quân đội Hoa Kỳ, sau trận Thế Chiến Thứ Hai. Thành tích của ông ta rất nổi tiếng trong đơn vị SOG, trưởng toán biệt kích đánh phá đường mòn HCM. Dick Meadows được thăng cấp lên đặc cách từ Thượng Sĩ lên Đại Úy. Trong trận đột kích Sơn Tây giải cứu tù binh Hoa Kỳ, ông ta chỉ huy đơn vị (khoảng một trung đội) tấn công trại tù binh. Sau đó Dick Meadows là một trong số bốn quân nhân đầu tiên được tuyển chọn thành lập đơn vị chống khủng bố Delta.

Trong năm 1980, chính quyền Carter quyết định xử dụng đơn vị Delta cứu con tin Hoa Kỳ bị bắt giữ ở Iran. Meadows xâm nhập vào Iran với giấy thông hành giả người Ái Nhĩ Lan (Ireland), dò thám khu vực tòa đại sứ Hoa Kỳ (nơi giam giữ con tin), dò thám lộ trình (đưa đơn vị Delta) vào và rút ra khỏi thành phố Tehran, kiểm soát vấn đề an ninh nhà kho, nhân viên CIA (nằm vùng) đã thuê để chứa xe, dụng cụ cứu con tin, đưa đón đơn vị Delta và con tin (trường hợp thành công). Trận đột kích bị trở ngại kỹ thuật trực thăng CH-53 Jolie Green làm chết thêm mấy quân nhân kể cả phi công lái trực thăng. Trận đột kích phải hủy bỏ, Dick Meadows tẩu thoát qua Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Trong thập niên 1980, ông ta phụ giúp chính quyền Hoa Kỳ trong trận chiến chống ma túy trong khu vực Nam Mỹ. Sau khi chết, Dick Meadows được trao tặng huy chương Công Dân Bội Tinh của Tổng Thống Hoa Kỳ và một bức tượng được xây dựng với niềm thương tiếc người quân nhân xuất chúng, ngoại hạng Dick Meadows trong căn cứ Fort Bragg.

Bob Andrews phục vụ đơn vị SOG trong ban Tâm Lý Chiến năm 1968, giải ngũ đầu năm 1970. Andrews rất thành công trong kỹ nghệ quốc phòng, nắm giữ chức vụ cao cho nhiều công ty về hàng không. Ông ta đưa kinh nghiệm làm việc tâm lý chiến và hoạt động đặc biệt vào trong các tác phẩm điệp viên do chính ông viết như Last Spy Out và Death In Promissed Land.

John Hada sĩ quan phụ tá cho ba cấp chỉ huy điều hành chương trình 34, phục vụ quân đội thêm vài năm sau khi ra khỏi đơn vị SOG, sau đó theo đuổi ngành giáo dục. Hada tốt nghiệp Tiến Sĩ tiếng Nhât (ngôn ngữ học), trở thành Giáo Sư viện đại học San Francisco, ban Ngôn Ngữ mới và Cổ Ngữ.

Sau khi phục vụ Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) với chức vụ sĩ quan hành quân (đầu tiên), Jim Munson trở về TQLC nhưng không ở lâu. Ông ta giải ngũ vào đầu thập niên 1970, tiếp tục theo học bậc cao học, trở thành Giáo Sư Sử Học viện đại học Commonwealth of Virginia.

Brute Krulak trưởng phòng SACSA đầu tiên, về hưu (TQLC) năm 1968 với chức vụ Trung Tướng. Ông ta cũng trở lại học đường, nhận bằng Tiến Sĩ (Ph.D.) từ viện đại học San Diego rồi gia nhập công ty Copely Newspaper Corporation.

Đơn vị SOG (lấy được tài liệu có liên quan đến Thái Khắc Chuyên) cứu Đại Tá Rheault thoát khỏi bàn tay sắt của Đại Tướng Abrams, nhưng đường binh nghiệp của ông ta kết thúc năm 1969. Câu chuyện về ông ta và các quân nhân Mũ Xanh được đang tải trên tạp chí Life magazine tháng Mười Một. Ông ta có thể ở lại, nhưng không còn được trao nhiệm vụ chỉ huy nên xin giải ngũ. Là người trọng danh dự, ông quyết định đi theo con đường khác sau 26 năm phục vụ trong quân đội. Cũng buồn cho ông ta.

Cuối cùng, vẫn còn những người sống sót biệt kích quân Việt Nam nhẩy dù xuống miền Bắc theo lệnh của cơ quan CIA và quân đội Hoa Kỳ (đơn vị SOG - chương trình 34). Điều dễ hiểu, trong năm 1968 cho rằng, khoảng 500 quân biệt kích nhẩy dù xuống miền Bắc đã tử trận trong lúc chiến đấu hoặc bị giết (tử hình). Chỉ một số ít còn sống sót qua các trại tù đầy ngoài Bắc, được Hà Nội xử dụng trong vai trò “hai mang” (gián điệp đôi) chương trình 34. Những quân nhân này cũng bị “xóa sổ” xem như mất tích đằng sau phòng tuyến địch. Trong thời gian ký hội nghị Paris, cả người Hoa Kỳ lẫn VNCH không ai nhắc đến số phận hẩm hiu các biệt kích chương trình 34 nhẩy dù xuống miền Bắc Việt Nam (để trao đổi tù binh).

Nhiệm mầu thay, nhiều biệt kích quân vẫn còn sống qua những năm tháng tù đầy, bị đầy ải tra tấn, lao động cực khổ. Đến cuối thập niên 1970, chính quyền Hà Nội bắt đầu trả tự do lần lượt cho họ về xum họp với gia đình, nhiều người bị bắt từ đầu thập niên 1960 (những năm đầu 1961-1962). Đến cuối thập niên 1980, đa số đã được trả tự do. Những năm thập niên 1990, biệt kích quân Việt Nam chương trình 34 vẫn còn sống sót được nhận vào Hoa Kỳ và khoảng hơn 150 người đến Hoa Kỳ bắt đầu cuộc đời mới.

Điều đáng buồn (và đáng tiếc), chính quyền Hoa Kỳ tiếp tục chối bỏ họ. Họ được người Hoa Kỳ tuyển mộ để thi hành những nhiệm vụ khó khăn trong đất địch. Họ là các biệt kích quân Việt Nam bị bỏ rơi bởi chính quốc gia đã thả dù họ xuống miền Bắc Việt Nam trong thập niên 1960.

Trong năm 1995, các cựu chiến binh trong trận chiến bí mật (biệt kích quân Việt Nam) đệ đơn kiện lên tòa án Liên Bang ở Washington D.C. đòi chính phủ Hoa Kỳ bồi thường, theo hợp đồng với người Hoa Kỳ lúc tuyển mộ họ. Năm 1996, Tổng Thống Clinton ký văn kiện bồi thường cho họ 20 triệu đô la, mỗi biệt kích quân Việt Nam được khoảng 40.000 đô la. Họ rất xứng đáng.

Theo tài liệu “The Secret War Against Hanoi”, tác giả Tiến Sĩ Richard H. Shultz, Jr., nhà xuất bản Harper Collins, 1999. Số đăng ký ISBN: 0-06-019454-5

 Fort Hays State University

Department of Computer Science

Dallas, Texas April 14, 2021