NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Nha Kỹ Thuật là cơ quan tình báo chiến lược của Quân đội Sài Gòn, là một đơn vị đặc trách tổ chức, hoạt động thu thập tin tức tình báo, phản gián chiến lược từ trong lòng đối phương, cũng như trong hậu tuyến Quân đội Bắc Việt; hoặc những địa bàn có cơ sở, đơn vị đối phương trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.Tiền thân là Phòng 6, Bộ Tổng Tham mưu, do Trung tá Lung phụ trách. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Phòng 6 có tên là Sở Liên lạc Phủ Tổng thống và Lực lượng đặc biệt, do Đại tá Lê Quang Tung làm Tư lệnh. Từ sau cuộc đảo chính 11/1963 cho đến tháng 4/1975, Nha Kỹ thuật lần lượt do các tướng Nghiêm, Quảng, Lam Sơn, Phú; các sĩ quan như Trung tá Lan, Đại tá Hổ và cuối cùng là Đại tá Nu chỉ huy. Riêng tên gọi, được đổi từ Phòng 6 đến Sở Liên lạc Phủ Tổng thống; Lực lượng đặc biệt; Sở Khai thác địa hình và cuối cùng là Nha Kỹ thuật.
Dưới chính thể của TT Ngô Đình Diệm, mọi hoạt động của biệt kích đều do Đại tá Tung trực tiếp nhận chỉ thị cũng như phúc trình với Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Cùng thời điểm này, mọi hoat động của Nha Kỹ thuật đều do cơ quan Trung ương tình báo CIA Mỹ tư vấn, chỉ đạo và yểm trợ. Sau cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963, mọi hoạt động đều do Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên trực tiếp chỉ huy, được Bộ Tham mưu cơ quan tình báo quân sự Mỹ SOG (Study and Observation Group) làm cố vấn và yểm trợ.
Về tổ chức, Nha Kỹ thuật gồm: Sở công tác; Sở Liên lạc; Sở Phòng vệ duyên hải; Sở tâm lý chiến; Sở yểm trợ không quân và Trung tâm Huấn luyện Quyết Thắng. Sở Công tác đóng tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ba Đoàn 11, 71 và 72 đóng tại Đà Nẵng, Đoàn 75 đóng tại Pleiku. Đoàn 68 đóng tại Sài Gòn. Các toán trong đoàn công tác được huấn luyện xâm nhập bằng đường không hay đường bộ vào lãnh thổ Bắc Việt Nam, dọc theo biên giới Việt-Lào-Campuchia hoặc Thái Lan. Sở Liên lạc đóng tại Sài Gòn; Chiến đoàn 1 đóng tại Đà Nẵng, Chiến đoàn 2 đóng tại Kontum và Chiến đoàn 3 đóng tại Buôn Mê Thuột.
Các toán biệt kích thuộc Sở Liên lạc xâm nhập vào hậu tuyến của đối phương từ vĩ tuyến 17 trở vào cho đến mũi Cà Mau. Sở Phòng vệ Duyên hải đóng tại Tiên Sa, Đà Nẵng gồm lực lượng tuần tra Hải quân Việt Nam, chuyên sử dụng thuyền máy PCF, PT có tốc độ khá nhanh, hỏa lực mạnh để hoạt động tại bắc vĩ tuyến 17. Lực lượng biệt kích biển được huấn luyện thành các toán người nhái để xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Việt bằng đường biển.
Sở Tâm lý chiến đóng tại số 7, đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn; chuyên tổ chức và điều hành 2 đài phát thanh: “Tiếng nói tự do” và “Gươm thiêng ái quốc”. Ngoài ra, Sở Tâm lý chiến còn có nhiệm vụ gửi người ra Bắc hoạt động trong lĩnh vực tâm lý chiến. Sở Yểm trợ đường không đóng tại Sài Gòn để phối hợp với Phi đoàn trực thăng 219, Phi đoàn quan sát 110 tại Đà Nẵng trong việc xâm nhập, liên lạc, hướng dẫn và rút các toán biệt kích hoạt động trong lòng đối phương. Trung tâm Huấn luyện Quyết thắng đóng tại Long Thành, Biên Hòa, huấn luyện về chiến tranh ngoại lệ cho các toán, cũng như các phương pháp xâm nhập vào lãnh thổ đối phương, hoạt đông ở hậu phương, du kích chiến, ám sát, bắt cóc, phá hoại, chiến tranh tâm lý...
Vì lý do bảo mật, tuy cùng đơn vị nhưng nhiều biệt kích quân của Nha Kỹ thuật không được phép tiếp xúc hay tìm hiểu về nhiệm vụ của những đồng sự khác. Các cơ quan, đơn vị của Nha Kỹ thuật đồn trú trên khắp 4 vùng chiến thuật, hạn chế tối đa sự liên lạc với các cơ quan quân, dân, chính quyền địa phương. Vì vậy ít người biết về Nha Kỹ thuật hoặc chỉ biết mà không hiểu rõ về những hoạt động của nó. Quân nhân hoặc dân sự được tuyển chọn về Nha Kỹ thuật đều phải trải qua một cuộc điều tra tỉ mỉ về quá khứ và các mối quan hệ. Tất cả đều thuộc thành phần tình nguyện và khi nhận nhiệm vụ, họ đều phải hiểu rằng đó là công tác gian nan, nguy hiểm; một khi ra đi thì ít hy vọng trở về an toàn. Trong thực tế đã có biết bao nhiêu biệt kích quân đã bỏ mạng trên khắp vùng rừng núi Bắc Việt, ngoại biên hoặc sâu trong lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
No comments:
Post a Comment