TRẠI LLĐB BÙ ĐỐP (A-341)
Jim Meade
Khi mới sang Việt Nam năm 1965, tôi được thuyên chuyển đến làm việc trong một bộ chỉ huy B LLĐB Hoa Kỳ. Mấy tay “anh chị” LLĐB trông rất ngầu, nhưng họ có vẻ thích một người Không Quân đến làm việc, yểm trợ cho họ. Trong khi đó, tôi có cảm tưởng sẽ phải chịu đựng một năm dài phục vụ tại Việt Nam.
Thời gian đó khoảng giữa năm 1965, khu vực trách nhiệm của bộ chỉ huy B LLĐB là một tỉnh bị địch đe dọa nặng nề nhất trong vùng 3 chiến thuật, Phước Long. Muốn tiến về Saigon, địch quân phải “bứng” những trại LLĐB trong tỉnh: Sông Bé, Bù Đốp, Đồng Xoài, và Bù Gia Mập sẽ phải di tản chiến thuật.
Qua sự phối hợp chặt chẽ với QL/VNCH, Không Quân, Lục Quân Hoa Kỳ, các trại LLĐB bị tấn công, bị mất nhưng vẫn phản công lấy lại nhanh chóng. Phi công FAC bao vùng khu vực hành quân (Phước Long) lúc đó là đại úy Larry Reed danh hiệu “Viper 3”, đã bị bắn rơi và bị thương ba bốn lần, nhưng vẫn bay “đều đều”. Trong thời gian đó, đám Không Quân chúng tôi chỉ có hai hoặc ba chiếc FAC, một nhân viên cơ khí cho loại phi cơ quan sát L-19 (FAC) và tôi lo nhiệm vụ truyền tin, liên lạc. Chúng tôi vẫn làm tròn bổn phận, nhiệm vụ, phi cơ FAC vẫn bay thám thính, điều động các trận đánh bom, không yểm, không cho địch tập trung quân để mở những trận tấn công. Đôi khi vì thiếu người, phi công hoặc một binh sĩ LLĐB phải bơm xăng, chất hỏa tiễn khói trắng lên máy bay, trong khi chuyên viên cơ khí, xem lại máy móc.
Sau những trận tấn công của hai trung đoàn VC 762 và 763 từ tháng Năm đến tháng Bẩy, các đơn vị Đồng Minh trong tỉnh lo củng cố việc phòng thủ, bổ sung quân số. Các cuộc hành quân trên bộ lúc đó chỉ còn những đơn vị nhỏ đi tuần tiễu, an ninh khu vực. Quân đội Đồng Minh mở các cuộc hành quân mở đường từ Sông Bé đi Đồng Xoài, Sông Bé lên Bù Đốp để lấy lại lòng tin dân chúng trong các làng lân cận. Một cuộc hành quân khác đưa dân chúng trong các làng xa xôi hẻo lánh đến những nơi tương đối an ninh hơn.
Việc hành quân giải tỏa con đường từ Sông Bé đi Đồng Xoài đã được thực hiện trước đây với kết qủa “xáo trộn”. Cả hai đơn vị Dân Sự Chiến Đấu (Đồng Xoài, Sông Bé) phải chiến đấu, chạy trở về căn cứ của mình. Tiếp theo là những trận đánh bom của Không Quân Việt-Mỹ kéo dài mấy tuần lễ, cấp chỉ huy ở trên tin rằng địch quân đã “chết hết” hoặc phải “bỏ xứ đi nơi khác làm ăn”, nên lại ra lệnh mở đường.
Như lần trước, hai đại đội DSCĐ do LLĐB Việt-Mỹ chỉ huy, phát xuất từ trại LLĐB Đồng Xoài tiến quân lên hướng bắc, trong khi đó “chúng tôi” gồm tiểu đoàn 36 Biệt Động Quân Việt Nam, một trung đội DSCĐ và bốn người trong nhóm LLĐB/HK, tiến quân về hướng nam để bắt tay với cánh quân từ phiá nam lên. Tôi mang máy truyền tin liên lạc trong ban chỉ huy đơn vị Biệt Động Quân ở phiá sau, trên phi đạo bỏ hoang của một đồn điền do người Pháp làm chủ, ở Phước Bình, cách Sông Bé khoảng 20 cây số về hướng tây nam.
Trong suốt cuộc tiến quân, cho đến khi hai đơn vị bắt tay, cả hai hướng đều có những cuộc chạm súng nhỏ với đám du kích. Nhưng, trên đường trở về căn cứ, đơn vị DSCĐ Đồng Xoài lo sợ bị địch tấn công ở khu vực đồn điền cao su Michelin, Thuận Lợi. Tiểu đoàn Biệt Động Quân ở Sông Bé, chạm súng với địch trong khu vực gần đồn điền Phú Riêng.
Biệt Động Quân rơi vào ổ phục kích hình chữ ‘L’, không tiến lên hướng bắc được. Lúc đó trời đã tối, không thể gọi phi cơ oanh kích, và không rõ vị trí chính xác của các đại đội BĐQ. Trong toán LLĐB đi theo BCH tiểu đoàn BĐQ, binh nhất Roberts, người thông ngôn, thêm hai binh sĩ DSCĐ tấn công vào phần dưới đội hình phục kích chữ ‘L’, các đại đội BĐQ tấn công phần còn lại, làm địch quân phải rút lui.
Trận phục kích tiểu đoàn BĐQ chứng tỏ hai trung đoàn của địch vẫn còn để lại một vài đơn vị trong khu vực. Ít lâu sau lữ đoàn 173 Nhẩy Dù Hoa Kỳ được các đơn vị Úc Đại Lợi, Tân tây Lan yểm trợ mở cuộc hành quân càn quét trong khu vực nhưng địch quân đã rút đi, không có những trận đụng độ lớn.
Kế tiếp là cuộc hành quân đưa dân chúng trong các làng xa xôi hẻo lánh ra những khu định cư yên ổn. Lần này phải bảo vệ dân, nên được phi cơ yểm trợ mạnh mẽ, thả bom những khu vực tình nghi địch quân tập trung. Hầu hết dân làng đã chuẩn bị ra đi, mặc dầu phải bỏ lại căn nhà thân yêu, ruộng vườn của họ. Trước đây VC kiểm soát, bắt họ đóng thuế, lấy đi một phần thâu hoạch hoa mầu, nên người dân sống rất lam lũ, không đủ ăn.
Tôi đi cùng đại úy Reed lên căn cứ hành quân tiền phương trong giai đoạn đầu của cuộc hành quân. Sau đó ông ta đi Sông Bé gặp đại úy Fred Huppertz “Viper IV” và trung úy Stretch “Viper VI”, để yêu cầu máy bay quan sát FAC bay bao vùng cho cuộc hành quân. Cũng nhờ có máy bay quan sát bao vùng và không quân yểm trợ, nên địch chỉ có những toán quân nhỏ bắn quấy phá trong cuộc hành quân “di dân”.
Tiếp theo là hành quân mở đường từ Sông Bé đi Bố Đức. Cuộc hành quân dự trù sẽ có đụng độ lớn, nhưng lại êm xuôi. Đêm trước khi cuộc hành quân bắt đầu, Bộ Binh QL/VNCH đã cho những toán quân đi trước nằm đường, họ giết đuợc giao liên VC đi xe đạp. Cả tiểu đoàn BĐQ, cùng với LLĐB/HK chỉ huy đơn vị DSCĐ tham dự cuộc hành quân. Tôi ngồi trên xe Jeep cùng với một trung sĩ nhất LLĐB/HK và người thông ngôn tên Mỹ là “George”, gần cuối đoàn quân xa đi lên hướng bắc.
Đoàn xe di chuyển rất chậm, chậm hơn chuyến mở đường đi Đồng Xoài trước đây. Nhiều đoạn đường bị cắt, địch quân đã đào nhiều hầm hố, giao thông hào, nhưng đã bỏ đi, và nhiều con suối nhỏ cắt ngang đường. Chúng tôi tiếp tục đi lên Bố Đức mà không có tiếng súng của địch. Quận lỵ này đã bị cô lập với bên ngoài từ lâu, đoàn xe chở lên tiếp tế gạo và những nhu yếu phẩm khác trên năm xe GMC, để phân phát cho dân chúng. Trong khi cấp chỉ huy BĐQ, LLĐB tiếp tay phân phối đồ tiếp tế cho dân chúng, đoàn xe quay đầu chuẩn bị cho chuyến trở về.
Trên đường trở về Sông Bé, khi đoàn xe đi ngang đồn điền cao su Riêng Riêng, địch pháo kích bằng súng cối, làm mấy binh sĩ BĐQ bị thương. Các chiến sĩ BĐQ phản ứng cấp thời, nhẩy xuống xe, tấn công vào bìa rừng. Tiếp theo là tiếng súng đại liên, tiểu liên nổ dòn về phiá bên phải đoàn xe. Sau đó LLĐB/HK gom đơn vị DSCĐ lại tiếp tục cuộc hành trình, để lại chiến trường cho tiểu đoàn BĐQ thanh toán.
Chúng tôi về đến Sông Bé an toàn. Ít lâu sau sư đoàn 1 Không Kỵ (1st Air Cav) hoặc sư doàn Dù 101 càn quét khu vực Bố Đức, nhưng cũng như lần trước địch quân đã rút lui qua biên giới Miên.
Một cuộc hành quân khác do LLĐB, DSCĐ Bù Đốp tổ chức riêng rẽ. Theo kế hoạch, lực lượng DSCĐ Bù Đốp sẽ càn quét về hướng tây đến Lộc Ninh, sau đó sẽ làm nút chặn không cho địch quân rút qua biên giới Việt-Miên. Các đơn vị Hoa Kỳ, có lẽ thuộc sư đoàn 1 Bộ Binh sẽ hành quân trực thăng vận, sau khi DSCĐ đã tổ chức xong tuyến án ngữ. Để hoàn thành nhiệm vụ này, trại LLĐB Bù Đốp “tổng động viên”, tất cả những ai không đau ốm, cầm súng được đều phải đi hành quân.
Lúc đó tôi nghĩ rằng, mình có thể di chuyển lên trại LLĐB Bù Đốp để thiết lập hệ thống truyền tin, có lẽ hiệu quả hơn ở Sông Bé, và có thể cung cấp cho LLĐB một nhân viên truyền tin để liên lạc (trung sĩ nhất Trimiar, một người bạn ở Sông Bé). Chỉ cần hai chúng tôi, thêm vài DSCĐ có thể “trông nom” trại LLĐB, còn những người khác đều có thể đi hành quân. Phi công FAC, đại úy Huppertz đưa tôi lên Bù Đốp cùng với máy móc dụng cụ, một ngày trước khi cuộc hành quân bắt đầu.
Đúng 2:00 giờ sáng, DSCĐ lặng lẽ rời căn cứ lên đường. Đoàn quân đi chưa được xa, khoảng bốn cây số, toán quân tiền phương chạm địch trong làn sương buổi sớm mai. Họ đi vào một trạm đóng quân nhỏ của địch, có nhiều dây điện thoại đi về hướng tây. Khi nhận được công điện tôi vội vàng báo cáo về BCH ở Biên Hòa và thông báo cho sư đoàn 1 BB/HK để họ sẵn sàng nhẩy vào vòng chiến. Vài phút sau, DSCĐ vào đến một căn cứ chính của địch và địch quân quyết liệt hơn. Thực ra đó là đơn vị nhỏ của địch nằm lại cản cho phần lớn đơn vị rút lui. Yếu tố bất ngờ cho lực lượng DSCĐ không còn nữa, dự tính di chuyển lên Lộc Ninh làm nút chặn tiêu tan.
Lục soát căn cứ, hầm hố của địch, DSCĐ khám phá một điều ngạc nhiên. Trong số tử thi có một người ăn mặc quân phục không phải VC, và cũng không giống người Việt Nam. Trong trại LLĐB Bù Đốp, tôi nhận được thêm một báo cáo và phải gửi về Biên Hoà (BCH/C3/LLĐB). Mọi chuyện êm xuôi, sau đó một công điện gửi lên hành quân, ra lệnh chuẩn bị và đánh dấu một bãi đáp trực thăng (có người lên thăm hoặc thanh tra).
Không bao lâu, một đoàn trực thăng bay lên hành quân, trên một trực thăng có đại tướng Westmoreland, tư lệnh Bộ Chỉ Huy MACV. Ông ta đến thăm đơn vị hành quân và đích thân muốn nhìn xác một người của phiá bên kia mà không phải người Việt. Cho đến ngày hôm nay, tôi cũng không biết thêm chi tiết về xác chết đó.
Đại đơn vị của địch đã thoát qua bên kia biên giới, đơn vị DSCĐ được lênh quay trở về căn cứ. Ngày hôm sau, trung úy Kaiser “Viper 9”, đáp chiếc FAC xuống trại LLĐB Bù Đốp đưa tôi trở về Sông Bé. Ngồi trên máy bay quan sát, chúng tôi đồng ý, bay dọc theo biên giới để tìm xem địch quân đã chạy thoát qua biên giới bằng ngã nào. Khoảng giữa Bù Đốp và Lộc Ninh về hướng tây, chúng tôi trông thấy một giòng sông rộng, hai bên bờ là bãi cát hình như có vết bùn, có người đi lại. Tiếp tục bay về hướng tây, chúng tôi trông thấy một xóm nhà mà cả hai chúng tôi chưa từng nghe nói tới. Tôi chụp vài tấm không ảnh đem về. Khi trình lên cấp chỉ huy, ông ta chỉ nói với tôi, giữ lấy cho riêng anh, không nên nói với ai... các anh đã bay qua đất Miên.
Dallas, TX.
vđh
Trong bài, Roberts không phải binh nhì mà là Specialist 4 (người Mỹ gốc Ý , to béo, vui tính). Phần sau, ngồi trên xe Jeep là SFC Holland và gười thông ngôn có tên Mỹ George là tôi. Sự việc tác giả kể có những chi tiết tôi quên tuy nhiên những Pilot bay FAC như Đ/U Reed (Người Mỹ da đỏ) Đ/U Huppertz (cao , to) và Tg/U Kaiser (thấp lùn) thì tôi còn nhớ rõ. Những Phi Công này biệt phái cho Phước Long nên họ ăn ngủ cùng toán B-34. Mà thời gian này tôi Là TDV cho CHT/ Trg Tá ROY sống cùng trại nên rất thân nhau. Xin chủ blog cho biết email của tác giả hầu tôi có thể thăm hỏi . Thks !
ReplyDeleteBài này do Jim Meade viết và anh Vũ Đình Hiếu phiên dịc
ReplyDeleteTôi không co e-mail của Jim
Thanks
Bài này do Jim Meade viết và anh Vũ Đình Hiếu phiên dịc
ReplyDeleteTôi không co e-mail của Jim
Thanks