Thursday, August 22, 2013

Sợ / Chuyện Biệt Kích


Phước Long mới được tái chiếm lại. Ngày ấy ,Trung Tá Mã Sanh Nhơn là tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng. Trại B-34 LLĐB/HK lúc ấy chưa có LLĐB/VN .

Thời gian ở đây trôi qua chậm chạp, lượn lờ và nhàm chán. Trừ một số nhân viên nhà bếp, giúp việc người Việt còn lại toàn là người Mỹ. Cuộc sống an nhàn nhưng vô vị không hứng thú. Nửa năm ở đây thế là đủ, tôi muốn thay đổi.

Lên gặp Trg/tá Joseph E Roy , tôi xin chuyển đến toán A.341 Bù Đốp. Nghe nói ở trại A đời sống sôi động hơn (lương cũng cao hơn)

Yêu cầu được chấp thuận, cắp theo cây guitar, tôi lên chopper vù đến Bù Đốp đất đỏ .

Mừng vui được gặp lại nhau, tôi được Đ/úy Hannawald trưởng trại cho tôi chọn lựa, hoặc quanh quẩn ở trại làm việc với ông, hoặc đi theo đại đội hành quân. Tôi xin đi hành quân  thay vì ở trại.  và tôi sẽ được phân bổ khi đại đội đi hành quân về.

Ông nói đại đội A thiếu thông ngôn, có lẽ tôi sẽ làm việc với đại đội Nùng này.

Tôi chờ đợi những mới lạ và sống động. Đại đội còn đang hành quân, chưa về. Tôi tha thẩn quanh trai, tìm hiểu, truyện trò và ngắm nhìn lung tung.

Trong trại, anh em biệt kích phần đông là Nùng, một ít người Kinh và còn lại là người Thượng (Montagnard). Tôi mến người Thượng. Họ chân chất và thật thà. Họ không sõi tiếng Kinh. Điều này sẽ rất tồi tệ khi có chuyện, lúc ấy tôi sẽ không làm tốt công việc của mình.  Chưa chính thức nhận nhiệm vụ rõ ràng với đại đội thì điều tôi lo sợ đã xảy ra…

Chạng vạng tối hôm sau, ngoài sân bắn , lúc thử súng, một hạ sĩ quan người Mỹ còn rất trẻ (không biết tên) đã để đạn lạc trúng một thanh niên Thượng khi đi ngang qua sân bắn. Viên đạn vô tình đã cướp đi một mạng người.

Biết chuyện sẽ không hay, Đ/úy Hannawald cho gọi gấp một Cessna, bốc ngay người lính Mỹ trẻ về B-34 Phước Long, chờ phương tiện đưa đi Nha Trang.

Ông chuẩn bị việc chia buồn, tạ lỗi cũng như đền bù cho gia đình người xấu số. Nhưng mọi việc không như ông nghĩ.


Khi chiếc Cessna khuất bóng sau rừng cao su, đất đỏ còn mù mịt cuối airfield, một số đông người trong buôn làng túa ra tụ tập trước doanh trại. Những ngọn đuốc bập bùng ánh lửa, những thân người đen nhãy mồ hôi chạy rầm rập, những khuôn mặt đầy kích động đang ra sức hò hét, trên tay họ là cung, tên . nỏ, rựa, dao cồng, chiêng, phèng, mõ đua nhau khua gõ rầm trời, họ cho thấy họ sẵn sàng sống chết mạng đổi mạng.

Trai được đặt trong tình trạng báo động, bạo loạn có thể xảy ra vì trong trại cũng có nhiều biệt kích người Thượng.. Mọi việc khó lường..

Ngột ngạt ..Căng thẳng .. dễ sợ  . .

Ông Hannawald lịnh cho tôi theo và chỉ được đi tay không.

Ông bước ra với cử chỉ thân thiện khi người thân của người xấu số được dẫn tới.

Chắp tay trước ngực, ông chào theo cung cách người Việt.

Trước mặt ông, một bà cụ người Thượng gày gò móm mém, lưng còng đang vật vã, khóc lóc lu loa, nước mắt nước mũi ràn rụa, tay chân khoa múa loạn xạ.

Tiếng khóc thương của người Thượng thật não lòng, khó diễn tả nếu không phải là một nhà văn.

Thật tiếc vì tôi không làm được việc đó. Nó như tiếng rú, tiếng gọi, trầm bổng, ỉ ôi, dai dẳng, khằng khặc , nghe não nuột và bi ai làm sao !

Ông Hannawald muốn biết tương quan giữa bà cụ và người xấu số. Tôi chậm rãi hỏi bà và hy vọng bà hiểu. Đáp lại, bà cụ chỉ khóc và rú từng chập trong sự kích động của đám đông người dân trong buôn làng

Ông Đ/úy giục giã hỏi tôi những lời kể lể của bà cụ. Nào tôi có hiểu gì?

Lời thúc giục của ông cộng với tiếng hò hét vang dậy của đám đông khiến tôi hoảng.

Tôi cố gắng hiểu cụ và cuối cùng biết rằng nạn nhân là cháu của cụ. Bố mẹ nó chết hết rồi.. Đau đớn quá ! Bà cụ chỉ còn mình nó …

Mỗi lân ông Hannawald hỏi tôi là tiếng hò hét lại to hơn, sự kích động được đẩy lên cao hơn. Đám người vây quanh chúng tôi nhưng ông không nao núng hoặc sợ sệt.

 Sự tự tin của người sĩ quan LLĐB được hun đúc ở Fort Bragg của ông đã giúp tôi bình tĩnh trở lại. Cả tôi và ông đều đổ mồ hôi. Ông tháo mồ hôi vì hơi nóng của lửa đuốc, của hơi người. Tôi đổ mồ hôi vì nóng và vì sợ hãi.

Cái sợ này khác hẳn với cái sợ trước lằn tên mũi đạn. Xông trận, sống chết có số. Hơn nữa, lằn ranh địch ta rõ nét. Đối mặt, ta chậm bóp cò ta tiêu. Mi chậm bóp cò mi ngủm.

Vậy thôi ! Nhưng, giờ này ở đây… trước mặt tôi không phải quân thù. Tôi đang ở phía  người bị lên án. Chúng tôi có thể lãnh một loạt cung tên, một loạt vết rựa, dao và đủ thứ giận dữ man dại đổ lên đầu, lên người.  Trong khi, chúng tôi lại không có vũ khí trên tay để chống trả. Nhưng nếu có , chắc gì tôi dám xả súng vào đám người người dân vô tội kia ? Nếu tôi chết trong hoàn cảnh này thì đau quá ! Chẳng fair tý nào

Vòng người xiết chặt hơn, tôi có thể cảm nhận qua cái nóng của đuốc, của mồ hôi người, mùi da khét nắng lẫn hơi thở dồn dập, giận dữ, xô đẩy của đám đông. Không khí ngột ngạt. Bà cụ bỗng  ngã qụy xuống đất ngất xỉu vì mệt và ngộp thở. Tiếng hò hét to hơn, tiếng cồng chiêng điên loạn om trời cùng tiếng dậm chân thình thịch, tôi nghĩ chắc chết vì sẽ có bạo động nếu không biết kềm chế ..

Nhưng, mọi việc dường như chựng lại ..tất cả im bẵng khi ông Hannawald quỳ một chân xuống đỡ lấy bà cụ. Rút mu soa từ trong túi, ông lau nước mắt, chùi nước mũi dãi cho bà cụ.  Đám đông dõi nhìn việc làm của ông, lẳng lặng ẵm bà cụ lên tay, ông chầm chậm đưa bà vào trại, hướng về phía trạm xá .

Ông Hannawald rất nhỏ con so với người Mỹ bình thường. Ông chỉ cao khoảng hơn thước sáu một tý. Chân thấp chân cao có lẽ do bị thương .

Hình ảnh người Đ/úy Mỹ nhỏ con, khập khiễng ẵm một bà cụ Thượng trên tay, lặng lẽ bước qua cổng trai khi người lính gác cổng đứng nghiêm chào thật xúc động. Không còn sự kích động nào, tiếng hò hét nay chỉ còn tiếng xì xào từ đám đông. Sự xúc động đều giống nhau nơi con người. Vài người người thân của bà cụ theo sau ông Hannawald đi vào Dispensary.

Ông Hannawald muốn bà cụ  được chăm sóc thật tốt. Cái TÂM của ông được thể hiện rất rõ. Anh em biệt kích thẳng người  khi ông bồng bà cụ bước qua.

Bên ngoài cổng trại, đám đông tản mạn ra về. Tôi tạm thở phào…

Những y tá người Kinh hiểu tiếng Thượng, họ giúp tôi giải thích cho ông. Ộng gật gù lắng nghe vẻ xúc động ..

Việc mai tang được tiến hành theo nghi thức của buôn làng với sự trợ giúp của trại.

Gia đình người xấu số được bồi thường.

Hành động của ông Hannawald phần nào hóa giải phẫn uất của buôn làng. Họ đã tha thứ .

Ông đứng ra nhận trách nhiệm cho thuộc cấp và tỏ ra hối tiếc về việc không hay.

Nếu không phải là ông, tôi nghĩ  mọi việc chắc chắn sẽ rất tồi tệ.

Mọi việc trở lại bình thường

Phần tôi,  tôi vẫn sợ.. Tôi SỢ lắm. Sẽ còn nhiều việc xảy ra vì ngôn ngữ bất đồng và điều đó sẽ khiến tôi không làm tốt công việc của mình. Suy nghĩ cạn cùng, viện cớ người nhà đau, tôi xin về phép . Được chấp thuận, bỏ lại cả cây đàn guitar, tôi gói ghém đồ lên chiếc C-123 chuồn thẳng. Tôi quay về B-34 và ở lỳ không dám về Bù Đốp nữa.

Bái bai Bù Đốp !!!   Bái bai Bye  A-341  !!! Tính ra , tôi ở Bù Đốp mới chỉ  mấy ngày.

Khi biết tôi không quay lại, ông Hannawald đã “Phắc” và “Cà chua” om sòm ! Sau đó , nghe nói ông đã tử trận trong một cuộc hành quân không xa trại lắm và ông được vinh thăng Thiếu tá.

Ít giòng viết về ông thay nén nhang tưởng nhớ đến người quân nhân Hoa Kỳ nhân hậu vì Tư Do của đất nước Việt Nam tôi , ông đã hy sinh.

Nghiêng mình kính cẩn vĩnh biệt Thiếu Tá HANNAWALD  C.O Det A-341

 Trước khi về làm C.O của  Bù Đốp, ông Hannawald là X.O của B-34 Phước Long. Thời gian này ông còn là Đại úy và tôi cũng đã được làm việc dưới quyền ông

Tôi trở lại trại B-34  sống cuộc sống nhàm chán, buồn tẻ..

                                                                                        

Saigon 15 tháng tám 2013



DSCĐ Đinh Đỗ Chung

Dược Sư Cao Đẳng

Dân Sự Chiến Đấu

Để mỹ miều hơn ta gọi : Biệt Kích Quân hoặc Sờ Cu (SCU=Special Commando Unit)

Friday, August 16, 2013

Nói và Hứa. / Nguyễn Cao Vỹ



Người đưng trước microphone Tr/Úy HY râu, người đang khom khom (không phải ngồi) là Tr/Úy Nguyễn Cao Vỹ


Chỉ một lời nói hoặc một lời hứa đôi khi cũng làm ta nhớ  đến ai đó.
Tôi muốn nhắc đến Trung Úy Nguyễn cao Vỹ và Đại Úy Đoàn kim Tuấn.
Tôi là một Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) và là thông ngôn (interprete) Tiếng Tây đọc nghe giống như “anh nói phét”. Tôi làm việc cho Trung Tá Snell (người da màu, cao nghệu) CO của FOB#1 Phú Bài.

 Công việc văn phòng rất nhàn nhã nhưng bị bó chân quanh quẩn lâu ngày trong trại khiến tôi ngán ngẩm, tôi xin qua làm việc cho Chỉ huy trưởng Tiền Doanh 1 lúc ấy là Đại Úy Đoàn kim Tuấn (Tuấn con) .
Là người miền Nam, ông ăn nói từ tốn, thích dùng câu chữ bóng bảy dạy đời.
Dáng người mảnh dẻ, đi đứng khoan thai, ông thích hợp trên bục giảng. Thật khó tin khi nghe ông từ TĐ 1/ SĐ Dù phái qua.
Những ngày Chủ Nhật, ông thường ra Huế chơi.
Tôi được ông tin cẩn nhưng không được ông ưa.
Có lẽ vì tôi có họ hàng xa với Trung úy Phạm văn Hy (Hy râu) Chỉ huy Phó của ông.
Ông ghét Hy râu vì là “thằng bắc kỳ”. Tôi bị lây.
Là một Đại úy trẻ, đẹp trai nên nhiều em mê nhưng ông là người chung thủy với vợ.
Ông quen cô Thu, người đẹp ngõ Nam Long (cầu Bạch Hổ đi thẳng qua).
Cô để tóc thề, nhỏ nhắn , chúm chím luôn miệng “anh Tuẩn..anh Tuẩn”.. chân nhảy chim sáo mỗi khi  ông đến . Một hôm ông ngủ lại nhà cô, trên giường chỉ có hai người. Sáng dậy, cô vẫn nhí nhảnh. Qua nét thơ ngây, tôi biết …ông yêu nàng như yêu một bức tranh đẹp. Chính ông cũng thú nhận như vậy. Platonique !
Còn một tháng nữa là Tết Mậu Thân.
Nhớ bạn bè, tôi lên gặp ông và xin đặt cọc được về phép Tết 07 ngày. Ông nói : “Được , tôi hứa với chú !” Lòng vui rộn rã  tôi viết thư báo tin cho bạn bè : Tết này tao sẽ về.
Ôi  Saigon, dancing Tự Do với các em Minh Sơn, Thu Hương, Thanh Thúy “tàu”, Thu “lai”.. Olympia với Kiều Chinh, Bích Ly . Mỹ Phụng với các em Trang, Thủy và cả đám bạn bè Quý lỏi, Triển, Tuấn hô, Chính đang chờ đợi.
Còn mươi ngày là Tết. Tôi chỉnh tề, chắc mẩm, lên gặp ông Tuấn để lấy phép. Thật không ngờ, tôi bị ông từ chối một cách lạnh lùng: “Không đi đâu cả, ở lại trại !” Một chén nước lạnh hắt vào mặt .
Cảm xúc khó diễn tả, nghẹn ngào, uất ức, ngỡ ngàng.
Vâng, thưa  Đại Úy ! Nghèn nghẹn trong cổ , tôi nghiêm chào và thất vọng ra về.
Những cây mai (trồng dọc bên Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa) có hoa lác đác nở. Tôi kéo cao cổ áo Field Jacket cho bớt lạnh, rút điếu Pall Mall ra đốt. Bật quẹt Zippo đến mấy lần mà cũng không cháy…gió cuối Đông quái ác cả với tôi. Vò nát điếu thuốc, tôi về phòng buông mình xuống giường chán nản.
Chỉ ít ngày nữa là giỗ ông Táo…
Tôi nghĩ đến lời hứa của ông Tuấn. Tại sao ông làm vậy ? Hay ông giận vì có lần đến thăm nhà ông, gặp vợ ông tôi buột miệng: Chào chị Thu …
Không lẽ ??
……………………………………………………………………………………
Tết Mậu Thân , Tiền Doanh 1 Phú Bài.

Ầm …ầm ..ầm …Chíu chíu..Ùng Oàng…
Việt Cộng pháo kích lung tung, vô tội vạ, bừa bãi không có mục tiêu rõ rệt !
Toàn trại được lệnh bỏ sam, ra ngoài vành đai tuyến phòng thủ.
Đêm đó, trại lãnh mấy quả nhưng chưa biết chỗ nào. Hỏa châu đầy trời, đại bác ì ầm, súng nhỏ ròn nổ gần xa.
Đang nằm căng mắt nhìn qua lỗ châu mai trong hầm trú ẩn tôi nghe lao xao và có tiếng gọi: Chung đâu ? George đâu ?
(George là tên mà người Mỹ gọi tôi khi cần giúp.) Tiếng gọi vẫn ý ới xen lẫn tiếng súng đại liên nổ ròn xa xa và tiếng ì ầm của pháo binh ta và hỏa tiển địch rơi vãi. Nhìn về phía Huế, những ánh lửa chớp sáng liên hồi.
Nhìn ra, tôi thấy Trung Úy Vỹ, Toán trưởng toán đặc biệt Lê Lợi (tất cả toán viên đều là ARVN, không có BKQ, đi công tác toàn xử dụng AK47) đang cùng đi với Trung Tá Snell. Tôi trèo lên, nghiêm chào . Hỏa châu lốp bốp nở sáng trên trời,  tôi thấy ông Snell lêu nghêu, đen bóng tương phản với ông Vỹ nhỏ con, trắng trẻo trông rất thư sinh mà tôi mắc cười.
Phong phanh trong chiếc áo nhái (áo lót của QĐ Hoa Kỳ) màu rêu,vai choàng khẩu AK47, ông Vỹ ngắn gọn : “ Cả hai ông Trưởng, Phó đều đi phép và kẹt lại Saigon, tôi là sĩ quan VN cao cấp nhất còn lại, Trung Tá Snell lên kế hoạch cho trại, do đó tôi cần thông dịch viên.”
Tôi không gần ông Vỹ nhiều như các ông Tuấn, Hy. Ngày ông về trại, tôi nhớ ông đã gặp chuyện với ông Hy. Ông ở bên BĐQ chuyển qua, đến trình diện ông Tuấn. Hôm ấy có mặt ông Hy. Ngỡ là đồng cấp Trung Úy, ông Vỹ sôi nổi anh anh tôi tôi với ông HY (thật ra ông Vỹ chỉ muốn chân tình, mộc mạc với đồng cấp . Ong Vỹ có tính cách chân chất,  mộc mạc đáng quý của người Nam bộ ) Nhưng ông Hy  nghiêm mặt thẳng thừng: Trung Úy phải gọi tôi là Trung Úy và dạ, thưa cho đúng mực vì tôi là Trung Úy Chỉ Huy Phó ..hiểu chưa ? . Ông Vỹ choáng váng, sượng sùng : Vâng, thưa Trung Úy !
Quả thật, ông Hy quá đáng. Cũ hù mới . Ông Tuấn hòa dịu nhẹ nhàng : Thôi đi ! Tôi bảo thôi đấy…
Từ hôm ấy tôi đâm ghét ông Hy và mến ông Vỹ. Ông vui vẻ, thẳng thắn chẳng khác  ông Trung Úy Lê Minh (Minh đen) vậy. Nghe ông Vỹ kể chuyện, bất cứ chuyện gì cũng thấy sôi nổi, ngay cả chuyện cái áo lạnh màu xanh, trắng mà người nhà của ông từ Canada gửi qua, ông cũng sôi nổi về những kỷ niệm với người gửi chứ đừng nói chi đến chuyện ông kể lại những chuyến đụng độ trong rừng. Ông hào phóng với nụ cười , do đó mọi người đều mến ông nhất là khi ông cười có thấp thoáng chiếc răng niền vàng. Tôi thấy lạ với ông Trung Úy BĐQ trắng trẻo, roi roi người có dáng thư sinh mà lại nhập qua đơn vị Lôi Hổ này. Tôi thầm nghĩ , ở nhà chắc công tử này ẻo lả lắm. Tôi lầm !!! Lầm to !
Vói tay lấy cây CAR15 , tôi bước ra theo ông Snell và ông Vỹ. Cao lêu nghêu nhưng nhanh nhẹn, ông Snell nhảy qua những giao thông hào dễ dàng. Nhỏ gọn như thư sinh nhưng ông Vỹ chẳng thua kém, ông cũng phóng qua hào, băng băng trên nóc những hầm trú ẩn. Còn tôi chậm rãi theo sau. Đến những nơi thấy không vừa ý, ông Snell trao đổi với ông Vỹ… tôi dịch lại và ông Vỹ ôn tồn nhưng sắc nét với anh em BKQ: “ Trần thấp và mỏng quá, các anh phải đắp thêm bao cát “.. Các anh nên thế này… thế khác.. Có lúc ông Vỹ dừng lại truyện trò với các anh em BKQ sau đó bước nhanh theo Trung Tá Snell và đề nghị cấp thêm nhu cầu mà anh em BKQ muốn. Tôi cảm mến vị sĩ quan trẻ này. Những ngày này ông lăng xăng khắp nơi trong doanh trại, tìm hiểu, dặn dò . Vì cắm trại 100%, không mua được đồ tươi sống, phải ăn toàn đồ hộp  nên ông cẩn thận dặn dò Trung sĩ Tốn, người phụ trách nhà ăn của Toán nên thế này, phải thế khác. Tôi phát mệt với sự chu đáo của ông . Vì mọi nhận định của ông tôi đều phải dịch lại với ông Snell và ngược lại. Tôi cũng không được nghỉ nhiều.. Mệt chẳng kém
Những ngày Tết không có Tết này, Phú Bài lạnh cóng. Đang co ro trong hầm với chiếc Poncho linen màu hoa dù, mắt căng ra qua màn đêm bỗng nghe tiếng gọi: Chung đâu ? George đâu ? Tiếng ông Vỹ từ xa. Nản quá, lại có chuyện nữa.. Tôi miễn cưỡng: Thưa Trung úy, tôi đây… Tiếng hỏa châu lốp bốp nổ trên trời, qua ánh sáng nhá nhem tôi thấy Trung úy Vỹ sôi nổi: Lẹ lên !..Chung , có chuyện cần xong lần này tôi thưởng cho cậu.. tôi nghĩ đến lời hứa của ông Tuấn , tôi hỏi lại:  Có quà ư ? Trung úy hứa nhé ? ra Huế ngủ đò hén? Ông nghiêm mặt : Tôi chỉ nói sẽ thưởng, nhưng tôi không hứa . Đi mau theo tôi… Đến nơi, té ra chẳng có gì quan trọng.. vài anh em BKQ ở đại đội trấn gần cổng trại vì quá lạnh, họ tháo phá những tấm lát giường để đốt sưởi ấm, HSQ an ninh trưc trại người Mỹ không hiểu nên có chuyện. Trung úy Vỹ kịp đến và tôi giúp ông giải thích.
Ông Vỹ luôn lăng xăng đây đó giải quyết việc trong trại những ngày vắng Chỉ huy trưởng, thiếu Chỉ huy phó. Lời ông nói, việc ông làm ông đều được ông thực hiện trọn vẹn. Tôi quý ông Vỹ và nhanh chóng quên chuyện ông đã nói gì ..


 Mấy ngày sau, ông Hy từ Sàigòn ra . Ông Hy cho đào một hầm CP (command post) đặt máy truyền tin để báo cáo về Sở Liên Lạc. Hạ sỹ Thương và một HSQ nữa (không nhớ tên) hằng đêm ngồi quay máy truyền tin đầu bò. Lúc ấy, ông Hy, ông Vỹ, Trung sỹ Vang, Trung sỹ Phồn và tôi cùng chơi Phé sát phạt nhau. Ngoài kia , đêm đen lạnh giá..trong hầm chúng tôi vẫn ồn ào tố Phé nhau. Ông Hy có cái máy AKAI cầm đi chuộc lại mấy lần trong đêm. Tình chiến hữu luôn đằm thắm… ông Vỹ lâu lâu bỏ ra ngoài đi vòng quanh trại thăm hỏi, truyện trò, phì phèo thuốc lá cùng anh em BKQ.
Mấy ngày sau ông Tuấn mới từ Saigon ra.
Chẳng có gì lớn lao sau đó, trừ một việc khiến tôi buồn. Tất cả các sam trong trại đều nguyên vẹn trừ sam của các Toán cháy đen vì trúng hỏa tiễn của VC. Không còn gì ngoài nên xi măng và những tấm tôn xạm khói. Tôi nhớ như in về những lá thư, những bức ảnh của Vân, người tôi yêu, lần cuối cùng đọc xong tôi cất trong ngăn kéo trên cùng của bàn làm việc. Giờ đây trên nền hoang tàn, chẳng tăm tích gì còn lại.
………………………………………………………………………………

Mọi việc dần trở lại bình thường khi VC bị đánh lui, Huế được tái chiếm. Người vui vì được trở về nhà, người buồn khóc thương cho người thân bị VC sát hại. Nhưng Huế tang thương quá, Huế điêu tàn đến buốt ruột. Bao nhiêu gia đình bị mất mát người thân. Cửa nhà nát tan. Nhà thờ, đình chùa cũng thế. Đạn bom đã cướp đi mọi thứ.  Huế điêu tàn. Trong trai có nhiều nhân viên dân chính bị VC lại tận nhà sát hại. Hình như gia đình bên vợ của Đại úy Tống hồ Huấn cũng không tránh khỏi. Tất cả chỉ biết ngậm ngùi xẻ chia, nhìn nhau ái ngại. Biết nói gì !
Một hôm, Trung úy Vỹ từ Saigon ra, gọi tôi đến và nói: Quà của Chung đây ! Ngạc nhiên đến ngớ người. Tôi nhìn tờ giấy dàu vàng cuộn tròn và cái hộp vuông bé xíu như hộp quẹt. Ông nhắc: Mở ra đi ! Tôi nhíu mày chầm chậm mở tờ giấy: Anh Dũng Bội Tinh ngôi sao đồng. Tên họ đầy đủ của tôi.. bên tay kia là cái hộp nhỏ đựng mề đai . “ Tôi có làm gì xứng đáng ?” “Có đấy” Tôi nhận quà từ tay ông Vỹ lòng nhiều cảm xúc.
Tôi thấy ngượng nhưng không thể nào từ chối ông Vỹ. Tôi rất trang trọng nhưng không bao giờ đeo mề đay ấy. Trong thẳm sâu, tôi thấy ngượng nhưng tôi hiểu ông Vỹ muốn gửi gấm gì ở tôi. Tôi nhớ lại lới ông: Tôi nói chứ tôi không hứa .
Chuyện nọ lại xọ chuyện kia. Lời ông Tuấn hứa và lời ông Vỹ nói.
Cám ơn Đại úy Tuấn và cám ơn Trung úy Vỹ.
Nếu ông Tuấn không hứa thì lời nói của ông Vỹ cũng chả có ý nghĩa là bao.
Nếu ông Tuấn giữ lời hứa thì tôi không có dịp để hiểu biết về ông Vỹ.
Lời hứa của người ngồi bàn giấy
Lời nói của người xông trận


Tiền Doanh một chuyển trại về CCN/Đà nẵng. Chiến đoàn trưởng Trung Tá Nguyễn Tuấn Minh. Trại nằm dưới chân núi Non Nước, sát bờ biển .
Tôi làm việc dịch thuật huy chương dưới quyền Đại úy Trần lưu Huân sau lên Thiếu Tá. Ông Hy lên Đại úy và làm bên Ủy Ban Hỗn Hợp Quân Sự Bốn Bên
Ông Vỹ lên Đại úy và làm bên phòng Hành Quân ở TOC nhà đen. Ông Tuấn về Sở lên Thiếu Tá
Tôi và ông Vỹ vẫn thăm hỏi nhau, có lần uống bia nữa. Thi thảng thôi !
Ong Hy ở xa về có tặng tôi một bê rê đỏ hiệu Plein Ciel (mũ đúc của Pháp).
Một tối, đang hát hò trong đám có cả ông Hy, bỗng nghe tin ông Vỹ bay Covey, máy bay  trúng đạn địch rơi tan xác.
Căn phòng bỗng lặng. Mọi người nhìn nhau không nói.
Ông Hy buông cuốn tập nhạc sững sờ. Tôi ngưng đàn, cổ họng khô đắng.
Chúng tôi ai nấy về sam của mình. Lòng trĩu nặng tôi ngoái nhìn ông Hy. Có giọt nước long lanh nơi khóe mắt của ông râu. Ai bảo Lôi Hổ không biết khóc ? Sóng biển vỗ bờ nghe như tiếng gào..



“Tôi nói chứ tôi không hứa”…Nhớ lại lời ông Vỹ .
Hai động từ Nói và Hứa không liên quan với nhau nhưng với tôi chúng mang nhiều cảm xúc mỗi khi phải dùng tới.
Nguyện xin linh hồn cố Thiếu Tá NGUYỄN CAO VỸ yên ả trên cõi vĩnh hằng.


Ở bên VN này, mỗi khi đi ngang qua Sở cũ, tấm bảng viết Trại NGUYỄN CAO VỸ không còn nữa, nhưng chúng tôi những người biết anh thì không bao giờ quên anh được. 

Lần đầu tiên kể về một chuyện trong đời Lôi Hổ .