Lịch Sử và Sự Thành Hình của Đơn Vị SOG - Lực Lượng Biệt Kích Nhảy Toán trong Chiến Tranh Việt Nam
Friday, November 30, 2012
Xương Trắng Trường Sơn 3
Chương 3
Ông Chín cứ kêu mãi về cái mùi hôi thối của thây ma:
- Sao kỳ cục vậy he ! Sao kỳ cục vậy he ?
Năm Cà Dom cười và hỏi:
- Vậy từ lúc đi vô nay tới bây giờ ông Chín chưa gặp ai chết dọc đường hay sao !
- Chưa ! Chưa gặp người nào chết hết cả !
- Chưa gặp người chết, hay chưa gặp người chết mà không ai chôn ?
- Cái nào cũng không gặp hết.
Năm Cà Dom cười:
- Tại ông không thấy, chứ thiếu gì !
Ông Chín nói:
- Tôi nghĩ rằng trên đường này mọi tổ chức đều chu đáo hết. Tôi không tưởng tượng được rằng có một người chết ở đây mà không có người chôn.
- Ông muốn xem không ? Năm Cà Dom hỏi dồn tới.
Ông Chín bị hỏi bất ngờ, hơi lúng túng:
Năm Cà Dom nói tiếp:
- Tại ông Chín già yếu rồi, đi đến trạm là nằm nghỉ chứ không có hay tìm tòi xoi mói cho nên không gặp những trường hợp như vậy. Chứ ông Chín có nghĩ rằng có một người treo cổ chết trên đường này không ?
- Ối thôi thôi đừng có nói nữa. Đó là trường hợp đặc biệt mà !
Năm Cà Dom cười:
- Chứ chẳng lẽ lại phổ biến ?
Ông Chín nói:
- Theo tôi thì cái sự đó nằm trong phạm trù ngẫu nhiên chớ không phải là tất nhiên.
Năm Cà Dom cười:
- Nghĩa là sao ông Chín ?
- Nghĩa là ít khi xảy ra, mà có xảy ra là cũng vì một sự bất ngờ nào đó chứ không phải là tất yếu phải xảy ra như vậy. Đồng chí hiểu chưa?
Năm Cà Dom vẫn lắc đầu một cách trêu chọc:
- Chưa hiểu, ông Chín ạ.
Ông Chín hơi cáu như ông đang đứng trước lũ học trò lóc cóc của ông mà giải đáp một bài toán cộng. Ông nói:
- Chú đi vô Nam mà chú không có được võ trang lý luận Mác làm sao mà chiến đấu được. – Rồi ông Chín kiên nhẫn giải thích những trường hợp mà Năm Cà Dom vừa trình bày. – Trong duy vật biện chứng pháp có cả thảy là năm phạm trù và năm qui luật, đồng chí hiểu chưa ?
Năm Cà Dom lại hỏi:
- Nhưng phạm trù là cái gì mới được chớ ?
Ông Chín chẳng có ngờ cái thằng bác sĩ này lại hỏi câu đó. Ông lúng lúng:
- Phạm trù là phạm vi hoạt động, là cái vòng bao bọc sự việc xảy ra đồng chí hiểu chưa ?
Năm Cà Dom nói:
- Vậy sao không gọi là phạm vi hoạt động , là cái vòng bao bọc việc xảy ra mà lại gọi là phạm trù chớ ?
- Thì tại sách nó dạy là “phạm trù ” thì mình học là phạm trù chớ gọi là “phạm vi” làm sao được ?
- Thế gọi là châu vi có được không ? Như châu vi hình chữ nhự, hình tam giác vậy đó, được không ?
- Đâu có được đây là triết học chớ không phải toán học, đồng chí lẫn lộn rồi.
Năm Cà Dom nói tiếp, vừa nói vừa đưa tay vẽ một cái vòng chung quanh:
- Thế thì tôi hiểu rồi. Phạm trù là cái vòng bao bọc sự việc xảy ra, ví dụ như cái nền ngập nước mà chúng ta đang đứng đây gồm có ông Chín, tôi, ông văn sĩ này, cô văn công và anh lính bị vọp bẻ đây là một phạm trù.
Ông Chín dậm chân:
- Không phả… ải !
- Vì nó cũng là cái vòng bao bọc sự việc xảy ra. Cái sự việc đang xảy ra là tất cả mọi người đang nằm ngồi đứng và nói chuyện với nhau.
- Chậc ! Sao đồng chí lại tầm thường hóa lý luận như vậy được. Đây là duy vật biện chứng pháp chớ đâu có phải cái chuyện lơ mơ xoàng xĩnh, lề mề như đồng chí ví dụ.
Năm Cà Dom cười ngất:
- Thế thì tôi cũng chưa hiểu phạm trù là cái gì hết.
Ông Chín rướn cổ sát vào mặt ông bác sĩ Năm Cà Dom:
- Phạm trù là phạm trù. Voi là voi ! Hiểu chưa ?
- Chưa hiểu !
- Chưa hiểu thì thôi. Mặc kệ đồng chí, tôi không biết !
Tôi đã từng bị ông Chín giải về Triết học Mác như bốc đất cục bỏ trên giấy cho nên tôi thất kinh hồn vía rồi.
Tôi đã bị ông Chín khui cái mớ Triết học loam ngoam của ông ta để cãi nhau với tôi về một cuộc trốn máy bay, bây giờ lại nghe ông Chín giở nó ra để giải thích về những cái chết vô lý, tôi không giận gì ông ta, mà tôi chỉ buồn cười. Một lão già gần đất xa trời và lấm cẩm như vậy mà lại đi về Nam để “chiến đấu. “
Tôi bảo:
- Có đi thì đi, đi cho khỏi chỗ này nhanh lên.
Rồi tôi làm tên quân cảm tử đi tiền phong, tôi lội xuống suối, đi trước mọi người để làm gương sáng, làm đầu tàu, làm nòng cốt cho cái đám nam phụ lão ấu đang ngại ngùng, đang đứng trên cái nền ngập nước
Năm Cà Dom bảo:
- Cô Thu đi đi.
Thu cắn răng lại, nhắm mắt lại mà đưa chân dò từng bước bước xuống nước. Cái thân hình ngọc ngà của Thu ngấm dần xuống nước.
Tôi không dám nhìn nữa.
Trên đường này tôi đã từng quay mặt đi trước nhiều thảm cảnh mà đây là một. Tôi không muốn trông thấy sự tương phản giữa cảnh trí và con người của Thu.
- Con người là vốn quý nhất.
Ai đã nói câu đó, ai đã in câu đó trên sách vở và đã cho nhồi vào đầu của hàng triệu người. Bây giờ ai đã đem cái vốn quý nhất đó ra mà dùng một cách trân trọng như thế này. Cô nữ diễn viên kia xuất hiện ở đây có phải chăng cũng là một trường hợp chứng minh điều đó ?
Tôi nghe những lỗ chân lông của tôi hút nước vào trong cơ thể, cái cơ thể vốn sợ nước, vốn đã bã ra vì nước !
Tôi cố bước lên vài bước để lấy trớn, để quên đi cái sự giá lạnh nó đang ùn ùn vây phủ mình. Rồi tôi dừng lại để chờ Thu.
Tôi đưa tay ra cho Thu nắm lấy. Tôi lôi Thu đi tới và ngoảnh lại nhìn. Ở hai bên bờ suối chưa có ai lội xuống hết. Anh Khẩu đội tưởng ngồi trên một hòn đá với mấy đội viên của anh ta, và cái nòng pháo vừa được lôi lên khỏi nước.
Nét sầu tiền kiếp, và sự man rợ của những thế kỷ man rợ đã in đậm nét trên gương mặt họ.
Năm Cà Dom đang đứng chống nạnh như một ông tướng.
Anh ta bảo:
- Đi trước đi ? Tôi chấp hai ông bà đi nhanh lên, rồi tôi bắt kịp cho mà coi nghe !
Rồi Năm Cà Dom quay lại bảo ông Chín và ông già Noël:
- Ông và đồng chí này đi đi kẻo ở sau không còn ai hết. Rơi lại phát này là không còn ai vớt nữa đâu. Theo tôi thì giao liên trong chuyến tới nó không dùng con đường này nữa, nó chờ cho đến mùa nước cạn năm tới mới quay lại dùng con đường này.
Tôi nghe Năm Cà Dom giải thích mà ớn lòng.
Tôi và Thu dắt nhau đi tới. Tôi cố không nhìn khi đi qua chỗ anh binh sĩ gãy chân.
Nhưng tiếng kêu than của anh ta rền vang hai bên vách đá.
- Ối làng nước ơi ! ôi cha mẹ ơi ! Chắc con không trông thấy mặt cha mẹ rồi ! Hồi ở nhà, cha mẹ bảo con trốn đi, đừng có đi Nam mà không thấy ngày về, bỏ cha bỏ mẹ, nhưng con không nghe, con định đi lập công dâng đảng. Ôi cha mẹ ơi, ối làng nước ơi, ối làng nước ôi cha mẹ ôi !
Vậy là anh ta cứ gọi bố mẹ, làng nước chứ không gọi cái gì thiêng liêng khác như ngày thường anh ta gọi.
Bất giác tôi quay nhìn anh ta. Thiệt là một hình hài làm cho tôi đau khổ suốt đời.
Anh binh sĩ không còn là người nữa, anh ta là một cái mớ giẻ rách, biết nói, một bộ xương, một con ngợm, một con quái vật, một cái gì, ai muốn đặt tên là gì cũng được trừ hai chữ “con người”.
Tôi nhắm mắt lại mà lội bươn qua, làm như cái cảnh tượng đó không có xảy ra trước mắt tôi, hoặc nó có trước mắt tôi mà không có dính ăn dính thua gì với tôi cả.
Đi ngang qua những người khiêng, tôi cố gượng hỏi:
- Sao các đồng chí không trở lại khiêng đồng chí kia ?
- Đồng chí có giỏi thì khiêng . Một người trả lời.
- Đồng chí đó là đồng chí đồng đội của đồng chí mà ?
- Tôi chằng đồng gì với ai cả.
Một người khác trong đám tiếp:
- Không có gạo đồng chí ạ. Ba lô trôi, ruột tượng cũng tuột hết rồi. Lấy gì mà khiêng. Khi cái chân không bước nổi ?
Tôi cũng biết vậy, nhưng sự thương tâm làm cho tương tri của bật lên tiếng nói.
Tôi bảo:
- Cái đó thì tùy.
Tôi quay lại nhìn phía sau. Ông Chín và ông già Noël đang đi theo chiến thuật cũ, nghĩa là lần vách đá mà đi. Còn Năm Cà Dom thở phì phì như trâu nước. Năm Cà Dom đã đi đến ngang tôi. Năm Cà Dom hỏi:
- Ba-lô đâu, đưa tôi quẩy đùm cho.
- Thôi được!
Tôi yếu sức quá, nhưng tôi sợ rủi Năm Cà Dom làm tụt mất có mà chết. Tôi bảo Thu đưa ba lô cho Năm mang giúp.
Có lẽ cùng một ý nghĩ như tôi cho nên Thu cũng xin cảm ơn Năm. Năm trườn đi tới, tôi thấy mà thèm, nhưng không tài nào tôi như Năm được. Tôi như cái cục cơm nếp mắc mưa bây giờ đem ngâm xuống nước.
Tôi nhìn Thu, Thu như không còn hồn phách. gì nữa.
Tôi gắng gượng bảo Thu:
- Cố gắng lên em. Tới phía trước có chỗ nghỉ !
Dọc đường tôi đi, không biết còn có bao nhiêu thảm cảnh như thế nữa. Mà chính tôi và Thu đây cùng với cây cỏ chung quanh cũng là một thảm cảnh rồi, cực hình rồi.
Bây giờ tôi cũng không cần phải tả thêm cái con suối ác nghiệt này một nét nào nữa
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment