Lịch Sử và Sự Thành Hình của Đơn Vị SOG - Lực Lượng Biệt Kích Nhảy Toán trong Chiến Tranh Việt Nam
Friday, November 30, 2012
Xương Trắng Trường Sơn 4
Chương 4
Tôi và Thu đi hết quãng đường này đúng vừa lúc Thu mệt ngất lả người ra, không còn một chút sinh lực để bước thêm một bước.
Tôi biết là đến nơi rồi.
Tôi vọt lên bờ, đứng dang chân ra và khom người xuống đưa tay cho Thu, Thu đã đến mé bờ nhưng Thu chỉ còn sức để đưa tay lên cho tôi nắm lấy và ngã gục mặt vào hai mũi bàn chân tôi, như một sự buông trôi cả thể xác lẫn tâm hồn Thu cho tôi.
Tôi lấy hết sức lôi nàng lên khỏi nước và tôi buông nàng xuống đất nằm sóng soài ra đó không cần kể tới sự phải giữ gìn kín đáo cho một người con gái.
Ở đây không ai còn tâm trí và sức lực để nhìn để nghĩ về một tấm thân của một người con gái.
Thu nằm đây lăn lóc dưới đất, áo quần ướt đẫm, rách nhiều nơi, da nàng lộ ra nhiều mảnh trắng nhưng đâu có ai buồn nhìn.
Tôi lắc nhẹ Thu và bảo:
- Em ạ đến nơi rồi !
Nhưng Thu vẫn nằm , đôi mắt Thu nhắm nghiền, Thu không tỏ vẻ hay biết về những việc xảy ra chung quanh nàng.
Những anh bộ đội mặt mày xanh ngắt xanh ngơ cũng theo dấu chân của tôi, cố trườn lên bờ. Nhiều người nằm tại bờ suối đó, nhưng cũng có nhiều người cố vượt lên vài chục bước rồi nằm vật ra.
- Thu ạ!
Thu vẫn không đáp.
Quần áo dán sát vào thân người nàng, làm lộ hẳn những đường nét đáng yêu. Tôi lặng người đi giây lâu, không còn nhớ mình là ai, cũng không còn biết đây là đâu, mà chỉ thấy rằng mình đang đứng trước một cái gì đáng yêu đáng bảo vệ quá.
Tôi cúi xuống bế xốc Thu lên.
Nhưng để làm gì? Nhìn quanh quất tôi không biết làm gì . Mà cứ thấy rằng mình không thể để cho một con người như thế, nằm lăn lóc dưới đất.
Tôi ôm sát nàng vào ngực tôi như để sưởi ấm cho nàng. Trời ơi! Tôi yêu nàng, yêu cả những thói xấu và những sự bất mãn của nàng.
Tôi biết rằng tôi yêu nàng vì tình yêu của tôi đối với nàng là động cơ mạnh nhất thúc đấy tôi đi tới, sau cái tình quê hương của tôi.
Nếu không có Thu thì có lẽ tôi buông trôi cuộc đời tôi, để cho nó cứ trôi dạt, và rồi tôi sẽ phải chấp nhận cái bãi biển, cái bến bờ nào mà sóng gió đưa tôi đến.
Tôi đặt Thu xuống và lấy võng mắc bừa lên rồi ẳm Thu đặt lên võng như lần trước qua khỏi con sông gì đó ! Mà chính tôi cũng không biết tên.
Tôi lấy chăn – tấm chăn ướt – đắp cho Thu rồi lại ngồi bên đầu võng Thu, như một tên nô lệ canh giấc ngủ cho một nữ hoàng.
Những người lính lại lôi thôi lếch thếch đi qua.
Họ không còn là những chiến sĩ của quân đội Miền Bắc.
Họ là những cái bộ xương còn có thể di động trong vài hôm nữa, và chỉ cần một trận mưa nữa là những bộ xương ấy sẽ rã ra, rải rác khắp trên con đường vinh quang này như những cánh hoa vô giá, làm cho con đường giải phóng Miền Nam thêm hương thêm sắc.
Ông Chín và ông già Noël không biết làm sao mà rồi cũng tới nơi được. Trông họ còn bệ rạc, bi thảm hơn cả Thu. Ông Chín thì mắc võng nằm. Còn ông già Noël thì cứ trườn lên được trên bờ rồi lăn ra đất như một đống thịt vô tri.
Chập sau, thấy Thu hơi tỉnh người lại, tôi hỏi:
- Em thấy trong mình thế nào ?
Thu lắc đầu . Đôi môi Thu khô ran như muốn nứt ra. Nước da của Thu vừa xanh vừa tái. Quần áo ướt đẫm. Tôi chú ý thấy dưới đít võng những giọt nước hồng hồng. Thì tôi biết Thu vẫn khó ở. Và có thể Thu ốm nặng vì cái trận lội suối này.
Tôi ái ngại cho Thu vô cùng. Tôi muốn tìm ông bác sĩ Năm Cà Dom nhưng không thấy ông ta ở đâu.
Tôi biết Thu đang khóc. Có lẽ nếu tôi không hỏi cái câu lúc nãy, cứ để cho Thu nằm im, thì Thu không khóc, nhưng vì tôi hỏi câu đó cho nên Thu tủi thân.
Nước mắt Thu trào ra khóe mắt. Thì cũng như mọi người con gái khác hay mọi người khác khóc thôi, thế nhưng ở đây mỗi một giọt nước mắt chứa đựng rất nhiều nối niềm trong đó có sự tủi hận.
Tủi vì tấm thân của con người “đi làm cách mạng giải phóng Miền Nam ” bị đối xử như con vật, con vật hy sinh (không biết để làm gì), hận vì trót nghe lời thiền hạ quá dễ dàng, tin chắc ba bó một giạ.
Riêng Thu, tôi nghĩ giọt nước mắt càng phức tạp hơn trong đó không khỏi có sự tiếc thương cái sắc đẹp tiêu tan của mình trên con đường này.
Gái Hà Nội khéo ăn, khéo mặc. Tôi đã từng biết điều đó. Mảnh vải thồ, họ cũng biến thành chiếc áo đẹp và duyên dáng. Một sợi tóc họ để lả lơi trước trán hay buông thả bên thái dương, cũng đều có ý thức chứ không “may rủi bao giờ.
Bây giờ nằm ở đây, Thu làm sao khỏi chạnh lòng, tủi hận ? Tôi cũng không biết cách nào giúp đỡ Thu, giữ gìn sức khỏe của nàng. Trong tôi và trong ba lô tôi, cũng như trong nàng và trong ba lô nàng không còn một vật gì khô sau mấy tiếng đồng hồ ngâm nước .
Còn gạo trong ruột tượng, chỉ vài nhúm thôi, nhưng gạo đâu còn là gạo. Nó rã mềm và nát ra như bột thối. Nhưng tôi cũng không dám bỏ. Vì dầu sao thì nó cũng là gạo. Có cái gì thay thế nó.
Tôi đi quơ củi gom lại và bất kể sự vi phạm kỷ luật đi đường, tôi nấu cho Thu một bát cháo với số gạo đó và nấu một bi đông nước sôi để cho Thu chuờm bụng.
Thu cứ kêu đau bụng luôn. Đáng lẽ những ngày khó ở đã chấm dứt rồi, nhưng vì bị ngoại cảnh ác nghiệt cho nên nó mới kéo dài và gây ra nhiều sự phức tạp cho Thu, mà chứng đau bụng liên miên là một.
Thu cầm lấy bi đông nước và áp vào bụng. Qua làn áo ướt hơi nóng truyền vào cơ thể nàng, làm cho gương mặt nàng tươi dần.
Rồi nàng húp chén cháo nấu với mớ gạo mục kia. Nàng càng tỉnh ra và nàng bắt đầu nói chuyện.
Nàng nói gì ? Nàng nói toàn những chuyện bất mãn và những chuyện trái ngược lại mơ ước mà nàng xây đắp ở đầu đường.
Nàng nói:
- Em dè thế này, thì em đã không đi !
- Thôi em ạ ! Tôi bảo. Em không nên nghĩ như vậy.
- Em đã quyết ở lại từ phía bên kia sông. Em không muốn đi từ sau cơn sốt đầu tiên kia anh ạ. Nhưng sở dĩ em còn gắng gượng đi tiếp là vì em muốn để thử xem sự đời nó có khác hơn không. Nhưng cho đến hôm nay là đúng một tháng mười tám ngày đi trên đường này rồi. Em nhận hai điều. Một là… càng ngày những sự vô lý càng nhiều thềm và càng cao độ. Nếu cuối cùng em có hy sinh thì đó là kết thúc sự vô lý.
Hai là em không thể đi nổi nữa. Anh cũng biết rõ sức khỏe của em. Nhất là đôi chân của em. Ở trường ra, em coi trọng đôi chân hơn cả. Bởi vì múa ba-lê mà không có đôi chân khỏe và tế nhị thì lấy gì mà múa. Nhất là cái cổ chân. Bây giờ qua bao nhiêu lần sưng bao nhiêu lần trặt thì nó sượng ngắt rồi không như xưa nữa, còn mũi chân với những cái ngón chân tòe thì cũng hết nhạy rồi !
Thu nói tiếp:
- Anh thấy không ? Nếu em cố mà đi cho khỏi mang tiếng thì em cũng chỉ đi được vài chặng nữa mà thôi. Rút cuộc những cố gắng hy sinh của em không đem lại cái gì cho ai cả.
Tôi ngồi lặng thinh.
Tôi không còn cách giải thích nào hay ho hơn mà ngược lại tôi thấy Thu nói đúng quá, đúng cho đến nỗi ngay cả những người chủ trương cuộc đi này cũng không thể cãi lại nổi.
Hơn nữa để chứng minh cho những lời nói vừa rồi của Thu, còn có ông Chín, ông già Ngũ, anh binh sĩ bị Pháo đè gãy chân, anh Khấu đội trưởng bị đội viên đánh rớt xuống suối. Đó là những hiện tượng quá hùng hồn mà Thu đã trông thấy trước mắt để làm cơ sở cho những lời nói của Thu.
Đàng kia, cái võng cáng anh binh sĩ gãy chân vừa ló ra dưới nước. Bốn người khiêng ngập đến ngực, người nằm trên võng thì hai tay đeo chiếc đòn, cố ngóc đầu lên cho khỏi bị nước ngập.
Vừa đến bậc đá để trèo lên, người đi đầu nghển cổ lên quát: “Tiếp ! Tiếp ! ” rồi đưa bàn tay xanh ngắt bám lấy một mõm đá mà đứng đấy.
Cả đám binh sĩ ngồi chung quanh cũng nghển cổ lên nhìn trả lại. Không có cậu nào chạy đến tiếp cứu cho anh bạn kia.
Tôi bực mình quá, đứng dậy, lại quát:
- Các đồng chí ra lôi nó lên đùm một chút.
Một người nói:
- Thì đến nơi rồi, ráng lên tí nữa.
- Nó khiêng người bệnh mà. Tôi hạ giọng thiết yếu. Tội nghiệp nó.
- Tụi tôi cũng bệnh đây, có đứa nào khỏe đâu.
Thế thì hết chỗ nói rồi .
Không anh nào chịu đến tiếp lồi cái cáng lên cả.
Tôi đành phải đi làm việc đó. Tôi nắm tay của anh đi đầu và lôi tuột lên bờ. Cái cáng bị dốc ngược ra sau, hai anh khiêng phía sau bị sức nặng dồn xuống vai, té ngửa. Tôi nhanh tay chụp lấy anh bệnh binh lôi lên bờ như lôi một khúc gỗ. Nếu không có tôi anh ta sẽ rơi xuống nước và bị cuốn đi.
Anh bệnh binh nằm dưới đất, cách mé bờ vài tấc nhưng cũng không có ai ngó ngàng tới. Tất cả đều xem việc đó như không có ở trước mắt mình. Tôi chỉ làm đến đó thôi, rồi trở lại ngồi bên võng của Thu, đưa mắt nhìn.
Anh binh sĩ gãy chân bắt đầu kêu la thảm thiết, cũng vẫn cái giọng đêm qua, nhưng bây giờ thì đã khàn rồi.
“Ố làng nước ôi, ối cha mẹ ôi, chắc con hết trông thấy mặt thày mẹ rồi, ối… ối…”
Cái chân gãy của anh do bác sĩ Năm Cà Dỏm băng và cặp nẹp bằng những thanh nứa tươi hôm qua, nay đã sưng lên nước thấm vào băng chảy xuống ròng ròng. Anh để nó nằm ngay ra nó, có lẽ để cho mỗi người xem một chút chăng ?
Bốn anh chàng hiệp sĩ khiêng anh ta cũng tìm chỗ mà nằm sải tay ra, không buồn ngó đến cái anh đồng chí này nữa. Họ tự xem như đã làm xong nhiệm vụ với anh này.
Anh giao liên tự nãy giờ ngôi êm rơ trên một tảng đá nhìn rõ mọi sự việc xảy ra, nhưng cũng không buồn mó tới. Đợi cho mọi người không còn để ý tới anh binh sĩ gãy chân nữa, anh ta mới đến gần. Anh ta nhìn nhìn một chốc rồi lắc đầu:
- Đau cái gì thì còn mong mỏi, chứ gãy chân thì hết phương rồi Làm sao mà đi ? Chỗ đâu mà nằm ? đường này ai mà khiêng cho nổi ? ở đây đâu có bệnh viện !
Rồi anh quay trở lại tảng đá lúc nãy. Trên tảng đá có một mảng nắng. Anh ta đang căng cái áo phơi ở đó. Cũng trong mảng nắng đó có một mớ thuốc lá. Anh ta đang săn sóc mớ thuốc đó cho mau khô để hút lấy hơi ấm.
Chốc chốc anh ta quay lại xốc xốc mớ thuốc lên. Rồi có lẽ không đủ kiên nhẫn chờ đợi cho mớ thuốc khô, anh ta bốc bỏ cả lên lòng bàn tay đưa lên miệng hà hơi. Tại anh ta sốt rưột chứ hà hơi thuốc đâu có khô nhanh hơn phơi nắng.
Thấy anh ta là bợm ghiền còn tôi thì, tuy không nghiện nhưng tôi có mua mấy gói thuốc Thăng Long bỏ trong ba lô với ý định là sẽ biếu cho mấy bạn thân ở Miền Nam để cho họ nếm mùi xã hội chủ nghĩa chơi.
Tuy định như vậy, nhưng cũng tùy cơ ứng biến. Tôi lấy ra một gói bọc trong hai ba lớp ni lông nhưng thuốc vẫn hơi i ỉ. Tôi xé bao thuốc, chỉ rút ra một điếu thôi. Tôi cầm điếu thuốc trên tay rồi đi đến tảng đá ngồi ngay xuống bên cạnh anh giao liên.
Anh này hơi khó chịu vì cái cử chỉ đường đột của tôi, nhưng tôi chìa ngay điếu thuốc ra rước mắt anh ta và nói:
- Làm cái này này anh bạn.
Tức thời anh giao liên sáng mắt lên ngay. Anh nhìn sang tôi. Có lẽ anh muốn biết tôi là ai mà giờ phút này còn có ớ được cái món quí giá như vậy.
Tôi mời thân thiết:
- Làm điếu này đi đồng chí cho đỡ lạnh.
Anh giao liên cầm lấy điếu thuốc đưa lên mũi ngửi ngửi:
- Chà chà t Ngon dữ ha !
Thăng Long hạng nhất ngoài đó đó, đồng chí !
Anh giao liên nâng điếu thuốc lên tận mắt rồi gật gù:
-À có chữ Thăng Long đây.
- Hút đi ! Tôi vừa bảo vừa móc cái bật lửa ra.
Cái ruột bật lửa cũng bị ướt cho nên tôi phải vất vả và khéo léo lãm mới bật ra lửa.
Khói lên thơm ngát một vùng.
Mấy người nằm bên cạnh lơ mơ, bỗng nghển cố lên:
- Cha nào hút thuốc thơm ngon vậy
- Ở đây mà còn thuốc, cha chả là đế vương rồi !
Anh giao liên cứ bình tĩnhrít từng hơi vừa trang trọng vừa cẩn thận. Nét mặt anh ta có vẻ tập trung cao độ một tình cảm và ý nghĩ để thụ hưởng làn khói thơm tho ngon lành. Tôi có cảm tưởng là những nhọc mệt trong chặng đường vừa qua đã tan trong làn khói ấy.
Tôi lân la hỏi:
- Chặng đường sắp tới thế nào, đồng chí?
- Hết suối rồi.
Anh giao liên rít một hơi dài rồi phun khói ra một đợt ngắn còn bao nhiêu thì anh ta hít cả vào trong phổi. Anh ta gật gà gật gù cái đầu và nói tiếp:
- Nhưng chưa hết khổ.
- Khổ gì đồng chí?
- Hết suối thì tới núi.
- Núi thì tụi tôi cũng lội quá sá rồi.
- Nhưng núi ở đây khác núi ở ngoài đó.
- Khác làm sao đồng chí ?
- Nó lầy lội khó đi lắm.
- Trời đất! N úi gì mà lầy lội ?
Anh giao liên làm như không chú ý đến câu hỏi của tôi. Anh ta mải mê rít thuốc. Điếu thuốc đã cháy hết quá nửa rồi. Nhất gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu. Nửa điếu thuốc còn lại, nhựa ngon dồn lại ở đây, làm cho sợi thuốc săn lên và đậm đà hơn.
Anh giao liên tỏ ra rất sành. Anh ta không gạt cái tàn trắng ở đầu điếu thuốc, để cho nó bao bọc cái cục lửa giữ khói và giữ hơi ấm.
Anh trả lời:
- Để rồi đồng chí sẽ thấy. Lá mục từ đời Hồng Bàng tới bây giờ có ai mà cào hốt đi. Bây giờ con cháu đức Hùng Vương mới lội qua lần thứ nhất. Nó ngập đến ống chân. Đồng chí lội vào đấy rồi đồng chí có cảm tưởng là da thịt của đồng chí đã mục đi, hoặc là bị cái lớp lá mục đó cạp hết còn lại cái ống xương mà thôi.
- Đồng chí nói gì nghe ghê vậy ?
- Tôi nói thiệt mà ! Anh giao liên tiếp, nhưng chưa hết đâu, còn vắt nữa. Trời đất ông bà thánh thần ơi ! Vắt như mạ rải trên ruộng vậy Rất tiếc rằng mình không ăn nó được, chứ nếu ăn được thì ở vùng này không lo cực ăn.
Tôi rùng mình. Chỉ hai cái chi tiết của anh giao liên vừa nêu lên đó cũng đã làm cho tôi hình dung ra chặng đường sắp tới.
Anh giao liên hãy còn trẻ, nhưng gương mặt đầy vẻ phong sương dáng người xơ xác quá. áo quần thì rách mướp.
Trong người anh không có cái gì quí giá cả, ngoài chiếc bai-on-nết của một khẩu súng cạc-bin. Vải mủ của anh dùng để che mưa thay áo mưa cũng rách nát.
Có lẽ vì có cảm tình với tôi và trông tôi nhiều tuổi hơn anh nên anh tự xưng tên và đôi lần xưng bằng em khi nói chuyện với tôi.
- Em tên là Tấn ! Em công tác ở đây đã hai năm.
Tấn tiếp:
- Trên chặng đường này chỉ có em là công tác lâu nhất. Còn ai đổi đến đây cùng chỉ chịu đựng sáu tháng là cùng. Hoặc xin đổi, hoặc trốn mất.
Anh xem đó, khúc đường này là toàn ngâm mình dưới nước. Một năm ít ra cũng tám tháng. Cứ cách một ngày lại ngâm nước một lần như thế. Mà mỗi lần ngâm ít ra cũng từ sáu đến tám tiếng đồng hồ. Da thịt nào chịu nổi. Từ dưới nước lên bờ, đâu có quần áo mà thay !
- Chặc! Khổ thế!
- Em cũng biết các anh đau lắm. Nhưng không còn cách nào khác.
- Sao không tìm con đường khác mà đi cho khỏe.
Tấn rít đến hơi thuốc cuối cùng. Hòn lửa đã cắn đôi môi Tấn, Tấn mới chịu phun nó ra. Tấn còn luyến tiếc nhìn theo cái đuôi thuốc không thề hút thêm hơi nào nữa và lơ mơ nói với tôi:
- Đường nào đâu mà dễ anh ?
- Đường bộ chẳng hạn. Cho nó khô, khỏe hơn.
Tấn nói:
- Tôi đã lội nhẩm dấu cái vùng này. Tôi cũng đã nghĩ tới điều đó chứ không phải là không nghĩ, nhưng nếu bây giờ mà tôi dắt các anh đi đường bộ thì lập tức anh sẽ chửi tôi gấp trăm lần đi conđường này.
- Sao dữ vậy ? Tôi lội rừng trèo núi cũng đã nhiều.
- Ừ tôi nghe nói các anh leo đồi “ngàn linh một” là cao nhất, nhưng ở ngoài đó chỉ có một cái đồi đó thôi và lại có đường để mà đi, còn vô đây không còn đường đất gì nữa cả. Nay lối này mai lối khác Đi mãi rồi nó thành đường ra.
- Sao cứ đổi đường như vậy cậu ?
- Biệt kích người Thượng ghê lắm anh ạ !
Tôi rùng mình nhớ lại có lần một cậu đã kể cho tôi nghe về bọn này. Tấn tiếp:
- Nếu mình cứ đi mãi một con đường thì chết với nó ngay.
Chúng tôi ngồi lặng in. Tôi thì hoang mang còn Tấn thì đăm chiêu lo nghĩ. Một chốc Tấn nói:
- Các anh không thể đi đường bộ ở đây. Nếu tôi có dắt các đi thì trong các anh sẽ có người bị ngã chết hoặc không chịu đi. Tôi thấy trong đoàn đi kỳ này toàn thứ dữ nào phụ nữ phụ nang, nào ông già, nào nòng pháo, khiêng sao được .
Đại khái những cái dốc leo lên mà nếu người ở trên ngã thì những người ở phía dưới cũng ngã theo, vì người đi dưới “cái mũi hôn cái gót chân người đi trên”. Không phải chỉ một quãng mà toàn bộ chặng đường này từ đầu chí cuối.
Anh Khấu đội trưởng đến.
Anh ta như con mèo ướt, giống như một vị chỉ huy đang đi tới tuyệt lộ cùng đồ.
Anh ta dáo dác có vẻ như tìm đám tàn quân của anh ta. Tôi đã học được cái thái độ lạnh nhạt của anh giao liên trước mọi sự đời. Hăng hái quá chỉ chuốc thêm tai họa, ở đâu chớ ở trên con này thì như thế đó.
Đột nhiên Tấn hỏi tôi:
- Anh đi tập kết như vậy là mười mấy năm ?
- Mười năm. Cậu ra đây bao lâu rồi ?
- Mới có hai năm thôi !
Tôi lại gặp một thanh niên Nam bộ ở đây nữa. Điều đó làm cho tôi ngạc nhiên. Tôi hỏi:
- Sao các cậu không ở trong đó, lại ra đây làm gì vậy 7
- Thanh niên xung phong mà.
- Nhưng phải chọn vùng thích hợp chứ ! Tôi coi cậu bị chanh nước phải không ?
- Thì đúng quá rồi. Ma thiêng nước độc mà. Tấn tiếp, thì tôi cũng tưởng là đi vài tháng hoặc một năm là cùng, chớ ai dè nó dây dưa thế này. Hơn nữa tuổi trẻ ham cái lạ. Tôi nghe nói vùng này cảnh đẹp lắm. Muốn ra xem cho biết.
Với lại nghe các anh về đông lắm. Súng ống rất dồi dào. Ra đây tiếp sức vận tải với các anh không ngờ ra đây thì gặp toàn chuyện thối chí, bây giờ muốn trở lại xứ mình, không có đường về.
Tôi ngồi lặng thinh mà nhìn cậu thanh niên. Đây lại cũng là một loại người hăng hái đi theo cách mạng như tôi thuở trước.
Tấn thở dài:
- Thiệt đúng là buông hình bắt bóng. Cuộc đời nó cứ đưa đẩy mình đi càng ngày càng xa quê hương mình, đi đến những nơi không biết đề làm gì và sẽ đi tới đâu nữa.
Tôi cười:
- Thì cũng như bọn tôi đây và cả bọn tập kết, hồi ra đi đâu có ngờ phải đi lâu dữ vậy. Hai năm trở thành mười năm, không chừng trở thành hai chục năm nữa là khác.
- Té ra… Té ra không có gì đúng cả.
- Ờ thì có thể ! Cách mạng mà . . .
Ông Chín vọt miệng đáp:
- Mấy đồng chí nói vậy thành ra cách mạng nói láo hay sao ? Nói vậy mà nghe được à ?
- Đâu có phải tôi nói cách mạng nói láo, nhưng tôi cho rằng cách mạng không tiên đoán nổi nhiều vấn đề thành ra không đối phó được.
- Ví dụ ? ông Chín hớp một ngụm nước trong cái bi đông Mỹ nhìn tôi chòng chọc chờ đợi tôi không tìm ra câu trả lời.
Tôi cười và nói:
- Thì đó.
- Đó đâu ? Cái gì ? Hồi nào ? Và có chứng ai ? Nói thì phải có biện chứng.
Dường như ai động tới tim gan của ông. Nhưng tôi cũng không muốn khơi lên làm gì cái sự gàn dở của ông ta. Ông ta làm như ông là người thủ thành độc nhất của cách mạng, không có ông thì cách mạng bị phá lưới ngay vậy. Cho nên tôi chỉ cười dả lả:
- Nói cho vui vậy thôi mà ông Chín.
Tấn có lẽ cũng biết tính ông Chín, nên vội gạt ngang câu chuyện mà sang hướng khác. Tấn nói:
- Còn cái chuyện tình hình trong mình hiện nay tôi nói cho anh nghe. Em thì cũng lạc hậu lắm rồi, nhưng vừa có mấy anh từ trong đó ra hoặc em được thư nhà cho nên em biết được. Trong đó bây giờ nó đánh dữ lắm. Ở nhiều nơi cơ quan không có chỗ ở, ba-lô lúc nào cũng vác trên lưng.
- Tại sao vậy ? Nghe nói vùng giải phóng bây giờ rộng hơn cả hồi đánh Pháp mà.
- Cái đó thì ở đâu không biết chứ còn ở Cà M au, Bạc Liêu thì không thấy. Anh nên nhớ rằng bây giờ Mỹ đã nhảy vô bốn, năm trăm ngàn lính rồi, mà nó đánh mình không có đi bộ đi tàu như Tây hồi trước đâu.
-Vậy nó đi bằng cái gì?
- Đi bằng máy bay !
- Nó nhảy dù hả. Nhảy dù thì không đáng sợ.
- Nhảy dù thì ít, mà nhảy giò thì nhiều.
- Nhảy giò là gì ?
Tấn cười và nói:
- Anh phải học sách tránh nhảy giò trước nhé, kẻo về trong kia bất cập rồi thì không né được đó.
- Ừ nói đi nghe thử.
- Đại khái là nó dùng trực thăng . Anh biết trực thăng không, một loại máy bay. Có nhiều người ở Bắc mới về khi nghe nói trực thăng thì bĩu môi ! Ôi ! Máy bay to bằng con chuồn chuồn! Đó là so sánh nổ với phản lực, chớ nó là diều hâu mà mình là gà con anh ạ!
Ông Chín bao giờ cũng là thủ thành rất chăm chú trong khuôn gỗ, mắt của ông lom lom dòm trái bóng, để nhào ra cướp lấy trong chân đối thủ. Ông nói:
- Đó là đánh giá địch quá cao rồi !
- Dạ không phải vậy đây ông ngoại. Tấn vui vẻ đáp. Để con “tỏa” đầy đủ rồi ông ngoại xem con có đánh giá địch cao hay không?
Tấn tiếp:
- Con ví dụ mình đang hội nghi nhé ông ngoại, con ví dụ như thế, mấy chục người mình đang ngồi trong mái nhà bỗng nghe tiếng máy bay, người gác chạy vào báo. Ông ngoại xếp giấy tờ vào sắc-cốt chưa xong thì máy bay nó ào ào tới.
Ló đầu ra xem thì máy bay nó ở ngay trên đầu mình rồi. Cánh quạt nó quạt tung cả nóc nhà rồi, chạy đi đâu ? Chiếc trực thăng như một con diều hâu thò móng ra và xòe cánh ra chụp phủ lên đầu mình. Có phải mình trở thành một lũ gà con không ông ngoại ?
Ông Chín ngồi há hốc mồm ra nhìn Tấn.
Tôi cũng lặng thinh. Không ai cãi được cái ý kiến gà con và diều hậu của Tấn nêu ra từ đầu. Tấn tiếp:
- Nhưng chưa hết đâu. Khi cuộc hành quân xảy ra thì chung quanh cây cỏ cũng không rảnh rang mà nhìn. Tất cả đều quằn quại trong những loạt đạn đại liên.
- Ở đâu bắn ? Nó không sợ bắn lầm nhau à ?
Tấn nói:
- Đâu lầm được. Lính chưa nhảy xuống là súng từ trên máy bay bắn xuống làm vòng đai chung quanh cuộc hành quân mà. Nghĩa là nó vây chặt, nếu mình nhát thì không chạy lọt ra được khỏi vòng vây Và nếu ở trong vòng vây thì nó bắt sống.
Tôi nói:
- Nhưng ai bắt sống mới được chứ ? Máy bay bắt sống thế nào được?
Tấn cười:
- A chết tôi chủ quan quá. Tôi quên rằng anh và ông Chín ở ngoài Bắc về chưa từng bị nhảy dò nên không biết việc đó ra làm sao. Nó như thế này. Không phải nó đi máy bay thôi đâu, mà trong ruột máy bay có lính hẳn hoi. Nó đáp xuống đất, lính nhảy xuống vừa chạy vừa bắn liền. Đấy anh coi chung quanh thì nó vây rồi , trong ruột lại có linh sục sạo và bắn như mưa bấc mình có khác nào như cá trong đăng trong lưới không ?
Cho nên lúc bị nhảy dò, người yếu bóng viá không dám chạy thoát ra khỏi vòng vây mà cứ ngồi trong hầm thì tội nghiệp lắm, cùng một lúc với lính đổ xuống đất, mấy chiếc trực thăng yểm trợ bắn vày chung quanh, lưới lửa dầy đặc Nếu có gan thì chạy liều, rủi ro thì gãy giò, may thì chạy loát nếu nhát thì ngồi trong hầm, khi nghe tiếng súng vừa dứt loạt ló đầu ra định chạy đi thì lúc đó lính đã tới bên miệng hầm vẫy gọi, mình lóp ngóp chui ra.
Tấn tợp một hớp trà rồi tiếp:
- Đại khái một cuộc nhảy giò gồm có màn thứ nhất nó như vậy đó. Ông ngoại còn xí quách để chạy không ? Như vậy mình có phải trở thành như lũ gà con không ?
Ông Chín làm thinh.
Tôi thấy ông Chín hơi ngượng vì không làm sao vớt nổi cái khí thế mạng dưới lằn đạn trực thăng cho nên tôi đỡ cho ông khỏi ngượng.
- Vậy ở ngoài Bắc tôi nghe chiến thuật trực thăng vận bị bẻ gãy hết rồi mà ? Bảo là mình muốn rủ nó tới rồi mình muốn diệt lúc nào cũng được mà !
-Ai nói?
- Thì có biết ai nói bây giờ. Nhưng đọc báo nghe đài thì thấy nói luôn. Nào chiến thuật “bủa lưới phóng lao ” nào ” Phượng hoàng vồ mồi” v.v… tất cả đều chẳng ra chi. Ở ngoài Bắc nghe nói thì tụi tôi tưởng tượng chẳng khác nào Mỹ là một lũ ngớ ngẩn. Một lũ chim non cứ đâm đầu vào bẫy.
- Mấy thằng cha nhà báo nói dóc, có chiến thuật nào của nó mà bị phá sản đâu? Tôi biết mấy cha đó nghe một ít rồi tán ra, chẳng hiểu cái trực thăng nó ra làm sao cả. Nó gắn cả chục cây súng toàn đại liên trên đó chớ phải chơi sao mà muốn hạ thì hạ ?
Tôi ngao ngán:
- Ai biết đâu, ở ngoài đó nghe vậy thì hay vậy và ai cũng định về xem một vài trận quân mình hạ trực thăng chơi, tôi còn nghe nói là cả trẻ con cũng có mưu kế bắt được trực thăng.
Tấn trề môi:
- Toàn những chuyện chỏng cẳng lên trời dộng đầu xuống đất, chuyện nước lã khuấy nên hồ thôi ! Để anh về tới trong đó rồi anh sẽ thấy trực thăng là cái gì mà mình “bẻ gãy ” dễ dàng như vậy.
Tấn nói tiếp.
- Tôi nổi thật với anh, nếu Mỹ bỏ cái trực thăng rồi mình mới khỏe.
Ông Chín thấy khó bề qui kết cho Tấn là mất lập trường và nhờ tôi mở lối ra, cho nên ông ta quay đi nấu nước không sân si nữa
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment