Cuộc Chiến Bí Mật - NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯUGiáo sư Vủ Đình Hiếu - P1
Nha Kỹ Thuật là cơ quan tình báo chiến lược của Quân đội Sài Gòn, là một đơn vị đặc trách tổ chức, hoạt động thu thập tin tức tình báo, phản gián chiến lược từ trong lòng đối phương, cũng như trong hậu tuyến Quân đội Bắc Việt; hoặc những địa bàn có cơ sở, đơn vị đối phương trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Tiền thân là Phòng 6, Bộ Tổng Tham mưu, do Trung tá Lung phụ trách. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Phòng 6 có tên là Sở Liên lạc Phủ Tổng thống và Lực lượng đặc biệt, do Đại tá Lê Quang Tung làm Tư lệnh. Từ sau cuộc đảo chính 11/1963 cho đến tháng 4/1975, Nha Kỹ thuật lần lượt do các tướng Nghiêm, Quảng, Lam Sơn, Phú; các sĩ quan như Trung tá Lan, Đại tá Hổ và cuối cùng là Đại tá Nu chỉ huy. Riêng tên gọi, được đổi từ Phòng 6 đến Sở Liên lạc Phủ Tổng thống; Lực lượng đặc biệt; Sở Khai thác địa hình và cuối cùng là Nha Kỹ thuật.
Dưới chính thể của Ngô Đình Diệm, mọi hoạt động của biệt kích đều do Đại tá Tung trực tiếp nhận chỉ thị cũng như phúc trình với Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Cùng thời điểm này, mọi hoat động của Nha Kỹ thuật đều do cơ quan Trung ương tình báo CIA Mỹ tư vấn, chỉ đạo và yểm trợ. Sau cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963, mọi hoạt động đều do Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên trực tiếp chỉ huy, được Bộ Tham mưu cơ quan tình báo quân sự Mỹ SOG (Study and Observation Group) làm cố vấn và yểm trợ.
Về tổ chức, Nha Kỹ thuật gồm: Sở công tác; Sở Liên lạc; Sở Phòng vệ duyên hải; Sở tâm lý chiến; Sở yểm trợ không quân và Trung tâm Huấn luyện Quyết Thắng. Sở Công tác đóng tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Hai Đoàn 11 và 72 đóng tại Đà Nẵng, Đoàn 75 đóng tại Pleiku. Đoàn 68 đóng tại Sài Gòn. Các toán trong đoàn công tác được huấn luyện xâm nhập bằng đường không hay đường bộ vào lãnh thổ Bắc Việt Nam, dọc theo biên giới Việt-Lào-Campuchia hoặc Thái Lan. Sở Liên lạc đóng tại Sài Gòn; Chiến đoàn 1 đóng tại Đà Nẵng, Chiến đoàn 2 đóng tại Kontum và Chiến đoàn 3 đóng tại Buôn Mê Thuột.
Các toán biệt kích thuộc Sở Liên lạc xâm nhập vào hậu tuyến của đối phương từ vĩ tuyến 17 trở vào cho đến mũi Cà Mau. Sở Phòng vệ Duyên hải đóng tại Tiên Sa, Đà Nẵng gồm lực lượng tuần tra Hải quân Việt Nam, chuyên sử dụng thuyền máy PCF, PT có tốc độ khá nhanh, hỏa lực mạnh để hoạt động tại bắc vĩ tuyến 17. Lực lượng biệt kích biển được huấn luyện thành các toán người nhái để xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Việt bằng đường biển.
Sở Tâm lý chiến đóng tại số 7, đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn; chuyên tổ chức và điều hành 2 đài phát thanh: “Tiếng nói tự do” và “Gươm thiêng ái quốc”. Ngoài ra, Sở Tâm lý chiến còn có nhiệm vụ gửi người ra Bắc hoạt động trong lĩnh vực tâm lý chiến. Sở Yểm trợ đường không đóng tại Sài Gòn để phối hợp với Phi đoàn trực thăng 219, Phi đoàn quan sát 110 tại Đà Nẵng trong việc xâm nhập, liên lạc, hướng dẫn và rút các toán biệt kích hoạt động trong lòng đối phương. Trung tâm Huấn luyện Quyết thắng đóng tại Long Thành, Biên Hòa, huấn luyện về chiến tranh ngoại lệ cho các toán, cũng như các phương pháp xâm nhập vào lãnh thổ đối phương, hoạt đông ở hậu phương, du kích chiến, ám sát, bắt cóc, phá hoại, chiến tranh tâm lý...
Vì lý do bảo mật, tuy cùng đơn vị nhưng nhiều biệt kích quân của Nha Kỹ thuật không được phép tiếp xúc hay tìm hiểu về nhiệm vụ của những đồng sự khác. Các cơ quan, đơn vị của Nha Kỹ thuật đồn trú trên khắp 4 vùng chiến thuật, hạn chế tối đa sự liên lạc với các cơ quan quân, dân, chính quyền địa phương. Vì vậy ít người biết về Nha Kỹ thuật hoặc chỉ biết mà không hiểu rõ về những hoạt động của nó. Quân nhân hoặc dân sự được tuyển chọn về Nha Kỹ thuật đều phải trải qua một cuộc điều tra tỉ mỉ về quá khứ và các mối quan hệ. Tất cả đều thuộc thành phần tình nguyện và khi nhận nhiệm vụ, họ đều phải hiểu rằng đó là công tác gian nan, nguy hiểm; một khi ra đi thì ít hy vọng trở về an toàn. Trong thực tế đã có biết bao nhiêu biệt kích quân đã bỏ mạng trên khắp vùng rừng núi Bắc Việt, ngoại biên hoặc sâu trong lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Những kẻ biến họ thành công cụ chiến tranh, có thể huyễn hoặc họ, gọi đó là sự hy sinh. Nhưng đối với đất nước và dân tộc thì cái chết của họ lại là nỗi đau và sự mất mát không thể bù đắp. Trải qua 20 năm tồn tại, dưới áp lực của bao diễn biến chính trị quốc tế về Việt Nam, Nha Kỹ thuật đã nhiều lần thay đổi về cơ cấu, tổ chức, phương thức cũng như quy mô hoạt động, nhưng bản chất bất biến của nó là mọi hoạt động đều nhắm vào mục đích phá hoại. Lẽ ra sự phá hoại đó phải dành cho kẻ thù dân tộc. Nhưng đáng tiếc, lại phục vụ cho mục đích chiến tranh. Bao nhiêu sinh mạng bỏ lại nơi rừng thẳm, non cao liệu có nghĩa lý gì không?
KẾ HOẠCH 34A - TÂM LÝ CHIẾN
Chiến tranh tâm lý, với mật danh là Forae được phê duyệt ngày 14/3/1968. Tướng Westmoreland ra lệnh không bằng văn bản. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, bởi đó là nguyên tắc hoạt động của SOG cùng những kế hoạch bí mật trong lòng hậu phương của đối phương.
Forae khởi đầu với 6 kế hoạch. Ba trong số 6 bản kế hoạch đó được giao cho Đoàn Nghiên cứu, quan sát (SOG) để áp dụng trong chương trình chiến tranh tâm lý. Ba bản kế hoạch còn lại đều nằm trong “Kế hoạch 34A”, là xương sống của chương trình “Trở mặt”.
Mục đích của chương trình này là làm cho đối phương bối rối về mặt tâm lý. Bob Kingston quyết định: “Đặt máy phát thanh trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam”. Một số máy do các toán biệt kích đem theo gài, số khác thả bằng dù. Những máy phát thanh đó đã được điều chỉnh trước để phát đi chương trình phát thanh của 2 đài phát thanh “đen” là đài “Gươm thiêng ái quốc” và đài “Cờ đỏ”. Với kế hoạch này, Bob Kingston hy vọng sẽ làm cho đối phương phải sử dụng lực lượng an ninh biên phòng lùng sục những toán biệt kích mà thực ra chỉ là những máy thu thanh. Ngoài ra, những đài phát thanh đen này còn gửi những mật điện cho các toán biệt kích đang hoạt động trên lãnh thổ miền Bắc hoặc những mật điện giả, khiến cho đối phương phải bối rối.
Năm 1968, Bob Kingston giao cương vị đảm trách “Kế hoạch 34A” cho Bob Mc Knight, ông ta điều hành một bộ phận gồm những sĩ quan lo việc điều nghiên, tìm hiểu hệ thống an ninh nội bộ trong hành ngũ đối phương. Họ cấu tạo một hệ thống “Trở mặt tay ba” rất phức tạp. Kế hoạch này gồm 3 chương trình:
+ Chương trình Borden:
Do Đại úy Bert Spivy đảm nhiệm, chuyên tuyển mộ tù binh Bắc Việt làm gián điệp cho SOG. Họ đến những trại giam tù binh Bắc Việt do quân đội Mỹ bắt được, chiêu dụ những tù binh “biết điều” hợp tác (họ không dùng những tù binh do Quân đội Sài Gòn bắt được). Có điều, các tù binh được chọn không biết được là có theo người Mỹ thật lòng hay không? Thậc ra, trong hồ sơ của chương trình Borden, họ hy vọng phần lớn những tù binh này sẽ ra trình diện và báo cáo cho cấp chỉ huy của Quân đội Bắc Việt về nhiệm vụ của họ. Những nhiệm vụ này đều là giả, cũng như những tin tức tình báo mà người Mỹ đã giao cho những điệp viên “đi hàng ba” này.
Khi được thả dù trở ra ngoài Bắc, những cựu tù binh sẽ hoạt động cho kế hoạch 34A một cách mù quáng mà họ không biết.
Trùm MACV-SOG, Đại tá Steve Cavanaugh, thay thế Jack Singlaub vào tháng 9/1968, giải thích: “Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi cho điệp viên biết về nhiệm vụ liên lạc với các toán biệt kích đang hoạt động ngoài Bắc và trao cho họ những tin tức giả... Lẽ dĩ nhiên là không có toán biệt kích nào ở tọa độ đó cả. Tất cả đều là giả tạo, chúng tôi mong họ ra trình diện hoặc bị bắt để họ báo cáo cho các sĩ quan trong quân đội Bắc Việt về những toán “biệt kích ma” đang hoạt động trong lòng hậu phương của họ”.
Trong chương trình huấn luyện, những biệt kích quân thuộc Nha Kỹ thuật của Quân đội Sài Gòn được gài vào các trại tù binh, để thỉnh thoảng “rỉ tai” cho tù binh Bắc Việt về những toán biệt kích đã ra hoạt động ngoài miền Bắc rằng: “Phe ta đang làm ăn khấm khá”, cùng những tin đồn về các tổ chức “kháng chiến” đang được xây dựng ở miền Bắc. Họ cũng cung cấp cho tù binh những tin tức sai lệch hoặc báo cáo giả do điệp viên hay những toán biệt kích gửi về. Khi thả dù xuống miền Bắc, tù binh “hàng ba” cũng được trao cho “vinh dự nhảy ra trước vì đậu thủ khoa trong khóa huấn luyện”. Những người trong toán sẽ nhảy theo anh ta. Điều người cựu tù binh không được viết là khi anh ta đã rơi vào màn đêm, toán biệt kích thật sẽ tháo dây móc dù ra và ngồi xuống ghế. Mọi chuyện đều được sắp đặt trước, đến khi quân Bắc Việt tìm thấy dù vướng trên ngọn cây, toán biệt kích đã biến mất... Thật ra, đó là những tảng nước đá đã tan ra nước.
Cũng theo Spivy, lúc bắt đầu chương trình Borden dự định thả xuống miền Bắc hàng trăm điệp viên tù binh hàng năm. Trong năm 1968, khi chương trình bắt đầu xúc tiến, thì hồ sơ của SOG có ghi rõ là 98 tù binh được tuyển mộ, thì có tới 50 người bị loại, còn 44 người được thả xuống những khu vực do Quân đội Bắc Việt hoặc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát. Bốn người khác sẽ được thả dù xuống vào tháng 1/1969. Năm 1968 được đánh giá là năm thành công. Đến cuối năm 1969, Washington ra lệnh chấm dứt tất cả mọi kế hoạch vượt biên xâm nhập lãnh thổ miền Bắc.
+ Chương trình Urgency:
Tìm tù binh trong những trại giam tù binh hoặc bị bắt cóc trong chương trình Plowman ( tổ chức các cuộc hành quân bằng đường biển nhằm bắt cóc dân sống ngoài miền Bắc như SOG lập kế hoạch). Những người này sẽ đem ra đảo Paradise hay Cù Lao Chàm ngoài khơi Đà Nẵng. Họ bị nhồi sọ về những tổ chức kháng chiến ngoài Bắc và đài phát thanh “Gươm thiêng ái quốc” do khối Chiến tranh tâm lý do SOG điều hành. Sau đó chia thành 2 nhóm:
Một, đối với lính Bắc Việt là Đảng viên Đảng cộng sản không chịu hợp tác, thành phần tin tưởng vào Hồ Chủ Tịch và Đảng cộng sản, theo Bob Mc Knight, những tù binh cứng đầu này sẽ bị dàn cảnh chụp mũ làm điệp viên cho người Mỹ, rồi thả trở lại miền Bắc. CIA hy vọng rằng họ sẽ bị bắt, bị tra tấn và bị giết bởi chính bàn tay của cộng sản, kế hoạch này quả thật rất hiểm độc.
Trại huấn luyện tại Cù Lao Chàm với những ngôi nhà có kiểu giống với miền Bắc
Hai, dành cho những tù binh ngoài Cù Lao Chàm muốn hợp tác. Họ được huấn luyện để trở thành điệp viên, được gửi ra miền Bắc nằm chờ lệnh, sẽ liên lạc sau.
Thật ra Kế hoạch 34A đã bắt đầu chương trình từ năm 1967, hai điệp viên mang mật danh Goldfish và Pergola đã trở ra ngoài Bắc vào tháng 9/1967. Nhưng cả hai đều biệt tăm.
+ Chương trình Oodles:
Sử dụng hệ thống phát thanh, truyền tin đánh lạc hướng Quân đội Bắc Việt. Trong hồ sơ SOG, chương trình Oodles sẽ ngụy tạo ra một màng lưới điệp viên đang hoạt động rất hữu hiệu trong một số vùng được xác định rất kỹ ngoài Bắc. Cho đến khi chương trình chấm dứt, có tất cả 14 toán biệt kích ma hoạt động trong lòng đối phương. Để làm như thật, nhiều điện văn giả được gửi đi cho những toán biệt kích ma. Những điện văn giả bao gồm lệnh hành quân lấy tin tình báo cho những mục tiêu, báo cáo về những hoạt động của các toán biệt kích khác, những chuyến thả dù tiếp tế và tăng cường thêm nhân lực sắp tới. Họ cũng tổ chức những chuyến thả dù tiếp tế ma, nhưng khi công an biên phòng Bắc Việt đến sẽ chỉ thấy những kiện hàng trống rỗng, còn đồ tiếp tế thì đã biến mất. Điều đó có thể khiến cho đối phương càng tin là những toán quân biệt kích ma là có thật. nhưng cũng giống như số phận của Borden và Urgency, tất cả đều chấm dứt vào cuối năm 1968.
+ Chương trình Strata:
Là các toán biệt kích hoạt động ngắn hạn. Những toán Strata cũng được thả ra ngoài Bắc với nhiệm vụ do thám đường giao thông và tìm mục tiêu chiến lược. Chương trình này bắt đầu từ tháng 5/1967. Hai toán Strata đầu tiên xâm nhập miền Bắc vào cuối năm 1967. Khu vực hoạt động của những toán biệt kích Strata nằm dưới vĩ tuyến 20, khoảng 150 dặm về phía bắc khu phi quân sự. Toán biệt kích thứ nhất có nhiệm vụ xâm nhập để thu thập tin tức về hệ thống đường mòn, dẫn đến 3 ngọn đèo để cuối cùng sẽ nhập vào đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào. Những toán biệt kích Strata chỉ hoạt động trong thời gian rất ngắn, do đó họ có cơ hội sống sót nhiều hơn những toán biệt kích thả sâu vào lãnh thổ Bắc Việt trước đó.
Những toán Strata thường gồm từ 5-15 biệt kích quân Sài Gòn hoặc người dân tộc thiểu số, xâm nhập miền Bắc bằng trực thăng Mỹ hay của quân đội Sài Gòn...Thời gian hoạt động của các toán biệt kích trong lòng đối phương khoảng 15-30 ngày.
Toán Idaho
Trong năm 1968, đã có 24 toán biệt kích Strata xâm nhập miền Bắc. Ngoài nhiệm vụ do thám hệ thống đường giao thông, các toán Strata còn có thêm nhiệm vụ gài mìn, bắt cóc và rải truyền đơn trên những lộ trình có dân, hoặc quân đội Bắc Việt di chuyển qua.
Đến năm 1969, các toán biệt kích Strata đã chuyển hướng hoạt động sang lãnh thổ Lào và Campuchia.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P2
KẾ HOẠCH 34A - THẢ BIỆT KÍCH
Trong những tháng đầu năm 1964, cơ quan tình báo Trung ương Mỹ CIA hoàn tất việc bàn giao những toán biệt kích sẽ thả xuống lãnh thổ miền Bắc Việt Nam cho Đoàn nghiên cứu quan sát (SOG), bao gồm 4 toán Bell, Remus, Tourbillon và Easy, mà họ tin là vẫn đang hoạt động trong lòng hậu phương của đối phương, với tổng quân số gồm 30 người. Toán thứ năm Europa, do cơ quan CIA thả trong tháng 2/1962, bị mất liên lạc ngay khi đang tiến hành chương trình bàn giao. Cuối cùng CIA bàn giao điệp viên Ares, cùng căn cứ huấn luyện ở Long Thành, với khoảng 169 biệt kích quân đang huấn luyện và nhiều nhà tạm trú cho các biệt kích quân ở Sài Gòn.
Sài Gòn 1960s. Ngã 4 Châu Văn Liêm - Hùng Vương
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc. Namara cùng những viên chức cao cấp khác ở Washington luôn muốn hành động. Họ thúc đẩy SOG gia tăng việc thả những toán biệt kích xâm nhập lãnh thổ lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Từ giữa tháng 4/1964 đến tháng 10/1967, gần 30 toán biệt kích và một số điệp viên đơn tuyến đã xâm nhập vào lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, với tổng quân số khoảng 250 người. Nếu cộng thêm số biệt kích quân do CIA thả trước đó thì tổng số biệt kích quân có khoảng 500 người. Có điều, CIA và SOG đều biết khả năng thành công của “Kế hoạch 34A” nhằm thả những toán biệt kích xâm nhập miền Bắc Việt Nam là rất thấp.
Đến cuối 1967, chỉ còn lại 7 toán biệt kích là Remus, Tourbillon, Easy, Eagle, Hadley, Red Dragon, Romeo và điệp viên đơn tuyến Ares vẫn còn hoạt động ở Bắc Việt Nam.
CIA thả toán Tourbillon ngày 16/5/1962. Sau đó 2 lần thả thêm biệt kích quân tăng cường cho toán Tourbillon đang hoạt động ở vùng Tây Bắc, Bắc Việt Nam. Toán Tourbillon được lệnh tổ chức những vụ phá hoại; sau đó đổi sang thu thập tin tức tình báo. Nhưng không có tài liệu nào ghi lại những hoạt động của toán Tourbillon. Mỗi lần SOG tìm cách rút toán về thì y như rằng toán Tourbillon không đến được điểm hẹn để được bốc về (?!)
Tháng 8/1963, CIA thả toán Easy xuống vùng rừng núi tỉnh Sơn La để bắt liên lạc với các phần tử người H’mông, Thái lập ra những căn cứ cho các toán khác đến hoạt động. Ngoài ra, toán Easy sẽ thăm dò mức độ phản ứng của lực lượng an ninh Bắc Việt để tuyển mộ dân thiểu số, tổ chức những vụ phục kích, phá hoại trục đường giao thông trên địa bàn. Nhưng từ tháng 1/1964, những vụ phá hoại trên không được SOG chấp thuận, nhất là không cho phép tổ chức những trận phục kích, vì SOG cho rằng như vậy quá mạo hiểm. Easy chỉ còn nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo từ những người dân bản địa mà họ đã tuyển mộ. Trong hồ sơ của SOG, không có bản báo cáo nào quan trọng về toán Easy. Thực tế Easy được gửi tăng cường 4 lần, với tổng số 23 biệt kích quân. Khi SOG thông báo cho Easy biết rằng sẽ rút vài thành viên trong toán về, thì Easy tắt máy, chấm dứt liên lạc.
Riêng toán Remus, có 6 biệt kích quân nhảy dù xuống khu vực gần Điện Biên Phủ ngày 16/4/1962, để thiết lập căn cứ cho những hoạt động tình báo như: thu thập tin tức liên quan đến quân đội, tình hình chính trị và kinh tế...Ngoài ra, toán có thêm nhiệm vụ tìm kiếm những khu vực làm địa điểm thả dù tiếp tế, hoặc những khu vực an toàn cho những toán xâm nhập kế tiếp; tuyển mộ dân thiểu số cho công tác bảo đảm. Năm 1964, toán Remus báo cáo đã phá hủy 2 chiếc cầu. Bộ trưởng quốc phòng Mc. Namara rất hài lòng. Sau này ông trùm CIA W. Colby nhớ lại: “Lúc đó, ông Bộ trưởng phấn khích như trẻ con, khi nhận được bản báo cáo. Ông ta coi đó như một thành quả to lớn, có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh”.
Do được SOG coi như thành công, toán Remus được tăng cường thêm 5 lần. Năm 1966, Remus được lệnh thay đổi nhiệm vụ, toán bắt đầu than phiền rằng không nhận được lệnh đầy đủ, rõ ràng. Năm 1967, SOG ra lệnh cho toán rút 2 biệt kích quân về. Remus trả lời là điều đó rất nguy hiểm.
Năm 1968, mọi liên lạc bằng vô tuyến với toán Remus đều chấm dứt. Cùng thời gian đó, do thẩm vấn một tù binh Bắc Việt bị bắt, anh ta cho biết là có nghe nói đến vụ bắt được một toán biệt kích trên địa bàn mà toán Remus từng hoạt động hồi ... tháng 6/1962.
Ngày 13/5/1968, Hà Nội xác định có bắt được một toán biệt kích. Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, đó là toán Remus.
Ares là điệp viên duy nhất do CIA thả xuống Bắc Việt còn sống sót. Trong các bản báo cáo của mình, nhân viên CIA mô tả gặp Ares - Phạm Chuyên trong văn phòng định cư tại Sài Gòn ngày 29/8/1960. Qua thẩm định, CIA cho rằng Ares là người có khả năng, linh động và muốn chống lại chính quyền Bắc Việt. Sau đó anh ta được CIA tuyển mộ và được phái ra xâm nhập miền Bắc bằng đường biển vào đầu năm 1961, gần biên giới Việt – Trung. Lúc đầu Ares rất thành công, cung cấp những tin tức về miền Bắc, về nhà máy điện Uông Bí cũng như hệ thống đường sá, cầu cống, cảng Hải Phòng...cùng nhiều tin tức khác.
Tuy nhiên, đến năm 1966, SOG bắt đầu để ý đến những báo cáo cũng như yêu cầu tiếp tế của điệp viên Ares. Khi được lệnh tìm một địa điểm để thả dù tiếp tế, Ares đề nghị một phương thức khác. Điều này khiến cho SOG nghi ngờ. Khi được lệnh rút quân, anh ta không trả lời. Nhưng Ares vẫn tiếp tục liên lạc cho đến năm 1968.
Toán Eagle xâm nhập khu vực biên giới Việt – Trung ngày 27/6/1964, với nhiệm vụ phá hoại hai tuyến quốc lộ số 1, số 4 và phá hoại tuyến xe lửa Mục Nam Quan; căn cứ không quân Mai Phả. Tuy nhiên, chẳng có thông tin nào ghi nhận việc thi hành nhiệm vụ của toán Eagle. Chưa kể toán còn được giao nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo về những mục tiêu trên. Theo tổng hợp của SOG, thì những báo cáo của toán Eagle gửi về hầu như không có giá trị.
Năm 1966, toán Eagle nhận nhiệm vụ chỉ do thám đường giao thông. Nhưng kết quả báo cáo về cũng chỉ là con số 0. Năm 1968, toán được lệnh di chuyển về hướng nam để rút quân. Eagle báo cáo không tìm ra vị trí để thu quân, sau đó mất liên lạc hoàn toàn.
Toán Hadley cũng xâm nhập vào khu vực phía bắc khu phi quân sự, do thám con đường số 8, nối thông các tuyến đường số 15 với các tuyến đường 81, 12 và 121 của Lào. Đó là những trục đường giao thông được Quân đội Bắc Việt dùng để chuyển quân cũng như đồ tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ngoài ra, Hadley còn phải đề ý theo dõi tuyến giao thông đường thủy sông Ngàn Phố, con sông này cũng chính là nguồn cung cấp nước chính yếu cho khu vực phía bắc khu phi quân sự. Thế nhưng Hadley đã bị phát giác ngay từ lúc đầu khi xâm nhập. Toán trưởng ngay lập tức báo cáo cho SOG rằng họ đã xâm nhập thành công, nhưng chẳng có gì chứng minh rằng Hadley hoạt động hữu hiệu cũng như không báo cáo được về những mục tiêu để chỉ điểm cho máy bay đến oanh tạc.
Toán biệt kích cuối cùng được thả vào ngày 21/9/1967. Đó là toán Red Dragon, gồm 7 biệt kích quân, với nhiệm vụ xâm nhập khu vực phía bắc hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Hai tỉnh địa đầu của lưu vực sông Hồng, dọc theo biên giới Việt – Trung. Ở đó, những trục lộ giao thông đường bộ, đường xe lửa, đường thủy đều đi qua hai tỉnh này. Đó cũng chính là những mục tiêu mà toán Red Dragon có nhiệm vụ do thám và phá hoại.
Theo các dữ liệu trong các bản báo cáo về tất cả những gì liên quan đến toán Red Dragon, cho thấy có những bất đồng khá sâu sắc giữa hai trung tâm chỉ huy lực lượng biệt kích Mỹ và Việt Nam. Người Mỹ tin là toán đã nằm trong tay đối phương và bị khống chế, buộc phải gửi đi những bản báo cáo sai sự thật về cho SOG. Các sĩ quan quân đội Sài Gòn thì ngược lại, cho rằng toán biệt kích Red Dragon vẫn còn hoạt động, vì toán vẫn tiếp tục liên lạc từ năm 1968, cho đến 1969 mới chấm dứt.
Trong bài diễn văn được phát trên các kênh truyền hình Mỹ ngày 31/3/1968, Tổng thống Johnson tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử và ra lệnh chấm dứt việc ném bom ngoài vĩ tuyến 20 trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông tư cho SOG biết, không được điều máy bay xâm nhập ngoài vĩ tuyến 20. Thông tư trên gần như hợp thức hóa việc SOG bỏ rơi 6 toán biệt kích đã nhảy dù xâm nhập lãnh thổ miền Bắc trước đây.
Hà Nội đã bắt được vài toán biệt kích và khống chế những biệt kích quân này gửi đi những báo cáo sai sự thật về cho SOG. Trên tấm bản đồ miền Bắc Việt Nam treo trong Phòng hành quân, có ghim 8 cây kim màu xanh, đánh dấu vị trí hoạt động của 8 toán biệt kích. Trên hướng Tây Bắc, gần biên giới Việt – Trung, có 4 toán biệt kích là Remus, Easy, Tourbillon và Red Dragon. Hướng Đông Bắc, ngay sát biên giới là toán Eagle; gần bờ biển có điệp viên bí ẩn Ares. Khu vực miền Trung khu 4 (Thanh Hóa, Nghệ An) có toán Hadley và Romeo.
Hoạt động các toán năm 1961
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P3
Toán Verse nhảy dù xuống tăng cường cho toán Tourbillon ngày 7/11/1965. Trong số 8 người nhảy dù xuống miền Bắc, thì có 2 biệt kích quân bị chết do dù không mở. Điều này quả rất đáng nghi ngờ. Hai tuần sau, khi đã huấn luyện cho toán Tourbillon về kỹ thuật do thám đường, toán Verse tự ý di chuyển ra khỏi khu vực hoạt động. Suốt 18 tháng sau đó, Verse liên tục báo cáo lập được nhiều thành quả, nhưng thật ra chỉ là những con số trong bản báo cáo mà thôi. Trong trạng thái không mấy tin tưởng, SOG ra lệnh cho toán Verse di chuyển đến một địa điểm bí mật của CIA trên đất Lào. Mệnh lệnh này không được toán Verse thi hành.
Cuối cùng, vào tháng 6/1967, phi đoàn hành quân đặc biệt 21 của SOG tại Thái Lan đã sử dụng trực thăng xâm nhập lãnh thổ miền Bắc Việt Nam để bốc toán Verse. Nhưng thật đáng tiếc, một máy bay Mỹ đã bị bắn rơi ngay gần bãi đáp. Ba tuần sau, đài Hà Nội đưa tin bắt sống được toán biệt kích Verse.
Toán Tourbillon gồm 8 biệt kích nhảy dù xâm nhập lãnh thổ miền Bắc ngày 16/5/1962, một biệt kích quân chết ngay khi tiếp đất. Toán được tăng cường lần đầu tiên vào tháng 11/1962, nhưng cả 4 biệt kích quân đều tử nạn. Tháng 5/1964, thêm 7 người nhảy dù xuống tăng cường cho toán Tourbillon, thì có 1 người chết. Đến tháng 7, toán Tourbillon được tăng cường thêm 8 người, thì có 2 người chết. Mặc dù tất cả các biệt kích quân đều đã qua khóa huấn luyện nhảy dù của SOG, được trang bị quân phục đặc biệt để bảo vệ thân thể, thế nhưng con số tổn thất lại quá cao. Trong con số tổn thất ấy, có thể họ bị bắt, bị bỏ mạng, bị tàn phế và có cả những người hợp tác với lực lượng anh ninh Bắc Việt để tóm gọn những toán biệt kích khác.
Ngày 12/12/1964, bốn biệt kích quân nhảy dù xuống tăng cường cho toán Tourbillon, nhưng 8 ngày sau, hai người trong số họ đã bỏ mạng trong một cuộc phục kích. Kế đến, toán Verse nhảy dù vào tháng 11/1965, có 2 biệt kích quân chết. Hầu như mỗi phi vụ nhảy dù xâm nhập lãnh thổ miền Bắc đều có biệt kích quân bỏ mạng.
Riêng năm 1966, đã hai lần SOG tìm cách thu hồi toán Tourbillon, nhưng cả hai chuyến đều phải hủy bỏ vì toán biệt kích không liên lạc bằng vô tuyến tại bãi đáp. Đêm Giáng sinh 24/12/1966, toán Tourbillon được tăng cường thêm 2 người, nhưng hai tuần sau, nhân viên truyền tin mới được tăng cường bí mật gửi cho SOG một bức điện cho biết một trong số hai người đã nằm trong tay đối phương.
Xâu chuỗi những sự kiện trên, có thể phỏng đoán toán Tourbillon có lẽ đã nằm trong tay đối phương từ lâu. Khi toán Verse nhảy dù xuống tăng cường cho Tourbillon, có thể định mệnh đã an bài sẵn cho các biệt kích quân trong toán. Phòng 2 của cơ quan MACV cùng với SOG thẩm định lại tình hình các toán biệt kích quân thả xuống lãnh thổ Bắc Việt. Họ đi đến kết luận tất cả các toán biệt kích đều đã bị bắt, kể cả Ares.
Ngay từ đầu, kế hoạch thả biệt kích xuống lãnh thổ Bắc Việt đã gặp trở ngại. Chuyến thả dù đầu tiên vào tháng 3/1961 thì bị lưới lửa phòng không của Bắc Việt vít đầu xuống, buộc phải đáp xuống khẩn cấp. Cả toán biệt kích lẫn phi hành đoàn đều bị bắt hoặc bỏ mạng. Năm 1963, CIA quyết định thả 13 toán biệt kích xuống miền Bắc thì 1 toán bị đơn vị an ninh Bắc Việt bắt ngay khi vừa đáp đất. Năm 1964, thêm 5 toán biệt kích bị bắt, chỉ có 1 toán lọt lưới. Chuyện này lặp lại trong năm 1965 và 1966, mỗi năm có 1 toán thoát, số còn lại bị bắt sống hoặc bị tiêu diệt ngay tại bãi đáp.
Từ năm 1961, CIA và SOG huấn luyện để thả dù xuống lãnh thổ miền Bắc tổng cộng 54 toán biệt kích, gồm 342 biệt kích quân. Nhiều người trong số họ cho đến lúc chết vẫn lầm tưởng mình đã lựa chọn con đường đi đúng đắn. Thật ra, Kế hoạch 34A chính là một thất bại của ngành tình báo Mỹ và cho đến nay nhiều sự việc, sự kiện vẫn chưa được làm sáng tỏ và báo cáo một cách rõ ràng.
Trường hợp của toán Remus, được một tù binh Bắc Việt do quân đội Mỹ bắt được cho biết: một toán biệt kích nhảy dù xuống một địa điểm gần làng của anh ta và bị lực lượng công an biên phòng bắt ngay tức khắc. Khi người tù binh chỉ làng của anh ta trên bản đồ, thì nơi đó gần địa điểm thả dù toán Remus. Tin này làm đau đầu Bộ chỉ huy SOG. Một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra: Làm sao an ninh Bắc Việt có thể “hốt gọn” toán biệt kích Remus một cách nhanh gọn, ngay tại địa điểm thả dù ở một nơi xa xôi, hẻo lánh như vậy?
Tháng 3/1968, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam đã đưa tin về quy định mức án tử hình cho tất cả những kẻ nào hành động chống lại cách mạng. Đến đầu tháng 8/1968, Bắc Việt lại đưa tin đã bắt được ba toán biệt kích. SOG chỉ còn lại 5 toán biệt kích là Red Dragon, Hadley, Eagle, Ares và Tourbillon và họ sắp đăt chuẩn bị các phi vụ trả đũa.
SOG gửi điện báo cho 1 toán biệt kích biết sẽ thả dù tiếp tế đựng trong thùng chứa có hình dạng như giống bom Napalm do phản lực cơ F4 thả. Lần này họ cho thả bom thật và tin rằng người nhận sẽ là đơn vị công an biên phòng chứ không phải toán biệt kích. Vì lẽ đó, trong năm 1968, máy bay C123, C130 của SOG thả tiếp tế (bom thật) xuống lãnh thổ miền Bắc 8 chuyến. Công an biên phòng Bắc Việt sau đó không thèm nhận đồ tiếp tế thả cho các toán Hadley và Tourbillon nữa.
Với nhiệt độ từ 800-1000°C, chỉ cần 1 quả bom hạng trung nặng 250 pound, nạn nhân sẽ không còn cơ hội sống sót trong vòng bán kính 30m
Từ cuối năm 1967, SOG thả những toán biệt kích Strata, do thám đường, tìm mục tiêu 150 dặm qua khỏi khu phi quân sự. Vùng hoạt động của những toán Strata nằm dưới vĩ tuyến 20 nên không bị ảnh hưởng bởi quy định giới hạn tập kích bằng đường không ngoài vĩ tuyến 20 của Tổng thống Johnson. Thời gian hoạt động của các toán biệt kích trong lòng đối phương là 1 hoặc 2 tuần. Mục tiêu cho những toán Strata là do thám hệ thống đường sá dẫn đến các đèo Mụ Giạ, Bản Karai, bản Raving, trước khi đổ vào hể thống đường mòn Hồ Chí Minh. Hầu hết các toán biệt kích đều xâm nhập qua biên giới Lào khoảng 10 dặm, trong vùng đồi núi hiểm trở.
Các thành viên của toán Strata được huấn luyện trong Trung tâm huấn luyện Long Thành như những toán biệt kích được thả xuống miền Bắc những năm trước đó. Họ được huấn luyện riêng để giữ bí mật, sau đó đưa ra căn cứ gần núi Non Nước, Đà Nẵng.
Tất cả có 14 toán biệt kích, với quân số từ 90-122 biệt kích quân.
Các toán Strata xâm nhập lãnh thổ Bắc Việt Nam đều xuất phát từ căn cứ không quân Nakhon, Thái Lan. Họ được máy bay C130 Black Bird của SOG đưa vào căn cứ không quân và được lệnh “chỉ ở trong phòng làm việc của SOG”. Sau khi thay đổi sang quân phục của Quân đội Bắc Việt, biệt kích quân lên trực thăng “Pony” thuộc Phi đoàn 21 của SOG. Với khoảng nửa giờ bay qua 65 dặm bề ngang của nước Lào, trực thăng phải bay cao trên cao độ 10.000 bộ để tránh lưới lửa phòng không Bắc Việt, sau đó bay dọc theo dãy Trường Sơn. Khi đến không phận Bắc Việt, máy bay bay thấp để tránh tên lửa SAM để đến bãi thả biệt kích.
Nhưng mọi hoạt động của Strata đều chấm dứt vào ngày 15/10/1968 sau cú điện thoại từ Washington đến Nam Việt Nam cho Đại tá Cavanaugh, chỉ huy trưởng SOG: “Ông có toán biệt kích Strata nào vượt biên ra ngoài Bắc không?” Một tướng lãnh ở Lầu Năm Góc hỏi Cavanaugh. Ông trùm SOG trả lời: “Có hai toán đang hoạt động ngoài vĩ tuyến 17”. Vị tướng ra lệnh: “Ông phải thu hồi các toán biệt kích trong vòng 24 tiếng đồng hồ”. Vị tướng cho biết thêm, Tổng thống Johnson sắp sửa ra lệnh hoàn toàn chấm dứt các phi vụ ném bom miền Bắc Việt Nam.
Đại tá Cavanaugh sau này than thở rằng Washington không cần biết đến sinh mạng của những biệt kích quân đang nằm lại tại Bắc Việt. Bởi muốn thu hồi một toán biệt kích trong vòng 24 giờ đâu phải là chuyện dễ. Rất nhiều nguyên nhân trong vấn đề hành quân ngoại lệ, về thời tiết... Đến ngày 23/10 những toán biệt kích Strata cuối cùng mới về đến trung tâm huấn luyện ở Đà Nẵng.
Từ lúc toán Strata đầu tiên xâm nhập lãnh thổ miền Bắc cho đến lúc rút hết các toán biệt kích Strata, kéo dài 13 tháng. Tổng cộng biệt kích Strata xâm nhập miền Bắc 26 lần. Trong 26 lần xâm nhập ấy có 26 biệt kích quân mất tích. Trong số đó có 2 toán bị xóa sổ hoàn toàn. Tổn thất của Strata có nhiều nguyên nhân: do thời tiết xấu; do kế hoạch cấp cứu các toán biệt kích bị đình trệ, có khi kéo dài đến 5 ngày mới kết thúc. Trong số 102 biệt kích quân của Strata thả xuống lãnh thổ miền Bắc Việt Nam thì có tới một phần tư quân số bị tổn thất.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P4
KẾ HOẠCH 35 – VƯỢT BIÊN
Trong chiến tranh Việt Nam, không thể không nói đến vai trò cực kỳ quan trọng của đươg mòn Hồ Chí Minh. Chính phủ Bắc Việt quyết định xây dựng con đường chiến lược này từ năm 1959. Đến cuối năm 1963, hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh càng phát triển, gia tăng số lượng và chất lượng chi viện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào gồm nhiều nhánh nhỏ chạy quanh co, xuyên qua núi non hiểm trở, rừng cây rậm rạp. Quân đội Bắc Việt xây dựng dọc theo tuyến đường hệ thống tiếp vận, kho lương thực, đạn dược, quân trang, quân dụng, các cơ quan chỉ huy, trạm giao liên... chi viện mọi mặt cho lực lượng vũ trang Giải phóng ở chiến trường miền Nam và cả quân tình nguyện của họ ở Lào, Campuchia.
Ông trùm CIA là Colby đã ra lệnh do thám hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh từ mùa hè năm 1961. Theo tài liệu đã giải mã, thì khu vực Colby giao cho SOG do thám kéo dài từ Attapeu về hướng bắc tới Tchepone và đường số 9, giáp ranh với địa bàn thuộc hai quân khu I và II của quân đội Sài Gòn. Attapeu nằm về hướng đông nam của vương quốc Lào, sát khu vực biên giới 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, phía nam Tây Nguyên. Trong vòng hai năm 1961-1693, CIA đã tổ chức 41 cuộc hành quân của biệt kích Mỹ, xâm nhập, do thám trên lãnh thổ vương quốc Lào.
Viên Đại úy Jerry King chỉ huy toán biệt kích hỗn hợp, gồm 1 biệt kích quân Mỹ, 1 Biệt động quân Thái Lan và 3 biệt kích Lào. Trong tháng 7/1962, họ đã nhiều lần xâm nhập vào khu vực gần Tchepone. Có lần họ xâm nhập đúng nơi đóng quân của một trung đoàn quân Bắc Việt. May sao, họ không bị phát hiện và chạy thoát. Đại úy King vẫn kịp nhận diện quân phục, phù hiệu, vũ khí của đối phương. Rõ ràng đó là 1 trung đoàn chính quy của Quân đội Bắc Việt. Dựa vào tình tiết này, CIA phỏng đoán trung bình hàng tháng, Bắc Việt có thể đưa 1.500 quân vào miền Nam theo hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Năm 1963, nhân cơ hội những biến động trên chính trường Sài Gòn, Bắc Việt tăng cường đưa quân vào miền Nam Việt Nam.
Ban Tham mưu hỗn hợp MACV-CIA là cơ quan soạn thảo kế hoạch 34A cảm thấy sự cần thiết phải lưu tâm đến con đường chi viện huyết mạch của đối phương và yêu cầu phạm vi thực hiện Kế hoạch 34A phải bao gồm luôn cả lãnh thổ vương quốc Lào. Theo tin tình báo của tháng 5/1964, cho thấy nhiều bằng cớ chứng tỏ có sự hiện diện của Quôn đội Bắc Việt trên đất Lào. Do đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam được phép phối hợp với chính quyền Sài Gòn tổ chức những cuộc hành quân xâm nhập vào lãnh thổ Lào để thu thập tin tức. Tuy nhiên, do có liên quan đến Bộ Ngoại giao nên các cuộc hành quân xâm nhập của biệt kích bị giới hạn trong khoảng không gian giữa đường 9 và vĩ tuyến 17. Thêm một hạn chế nữa là các biệt kích quân Mỹ không được phép vào đất Lào. Do những trở ngại trên, các biệt kích quân Sài Gòn khi vượt biên sang Lào không được mang quân phục của quân đội VNCH và chỉ được phép nổ súng trong trường hợp tự vệ.
Trước khi biệt kích quân Sài Gòn có thể vượt biên, bất kỳ ai trong cơ quan MACV cũng có thể đảm nhận vai trò huấn luyện họ. Tháng 4/1964, Đại tá Clyde Russell là chỉ huy trưởng đầu tiên của Đoàn nghiên cứu, quan sát (SOG) đã đến văn phòng tướng Westmoreland trình diện. Trong buổi trình diện, có sự hiện diện của Bộ trưởng quốc phòng Mc. Namara; Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ là tướng Taylor và Đại sứ Lodge. Những nhân vật quan trọng này đã chất vấn Đại tá Russell: “Khi nào SOG mới có thể hành quân xâm nhập vào đất Lào?“ và họ ra lệnh: “Phải đặt chân trên mặt đất, nhìn tận mắt về những hoạt động của cộng sản trên hệ thống đường mòn”.
Khoảng 30 ngày sau, SOG huấn luyện xong vài toán biệt kích, sẵn sàng vượt biên xâm nhập lãnh thổ Lào bằng cuộc hành quân Leaping Lena. Đến cuối tháng 6/1964, có 5 toán biệt kích, mỗi toán gồm 8 biệt kích quân Sài Gòn xâm nhập vào khu vực đường 9 Nam Lào, nằm về phía đông Tchepone. Những toán biệt kích được lệnh do thám các hoạt động của đối phương như chuyển quân, chuyển đồ tiếp vận của quân đội Bắc Việt. Nhưng kết quả thật thảm hại, chỉ có 5 trong số 40 biệt kích quân chạy thoát thân trở về. Bộ chỉ huy hành quân Leaping Lena quyết định không thả thêm toán biệt kích nào nữa trong năm 1964.
Đầu mùa mưa năm 1965, Đại tá Donald Blackburn đã thay thế Đại tá Russell làm chỉ huy trưởng SOG. Tháng 9/1965, Blackburn chỉ định Đại tá Bull Simons tổ chức cuộc hành quân 35 (OP.35). Trong lúc đó, quân Bắc Việt phát triển mạnh hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, tạo thành khá nhiều mục tiêu cho các toán biệt kích tìm kiếm và chỉ điểm cho máy bay đến oanh kích. Trung tá Ray Call cho rằng: “Đối phương đem đồ tiếp vận vào quá nhiều, các toán biệt kích gọi phi cơ oanh kích, bắn phá không xuể. Càng bắn phá bao nhiêu, họ càng đem đồ vào nhiều bấy nhiêu. Chắc phải thả bom những nơi cung cấp đồ tiếp vận cho họ là Trung Cộng hoặc Nga Xô (!)”.
Đồng Hới, 31/01/1966
Trung tá Ray Call được chỉ định tổ chức những cuộc hành quân do thám xâm nhập vào lãnh thổ vương quốc Lào. Trước tiên, ông ta thành lập Bộ chỉ huy hành quân tại Đà Nẵng, một thành phố nằm cách biên giới Việt – Lào trên 50 dặm. Sau đó, Ray Call phải tìm một địa điểm khác gần biên giới làm căn cứ tiền phương cho những chuyến hành quân xâm nhập (FOB). Đại tá Simons và Trung tá Call chọn trại biệt kích Khâm Đức, nằm cách biên giới 10 dặm, để đưa các toán biệt kích xâm nhập lãnh thổ Lào và chỉ định Thiếu tá Charlie Norton làm chỉ huy trưởng căn cứ. Tiếp đến, Đại tá Bull Simons tìm một sĩ quan biệt kích, có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lòng đối phương để làm sĩ quan chỉ huy hành quân. Đại úy Larry Thorn là người được chọn.
Đại úy Larry Thorn ở trong trại biệt kích Khâm Đức cho đến 1965, sau một chuyến thả biệt kích, ông ta mất tích cho đến năm 2002 mới tìm ra hài cốt cùng với phi hành đoàn H34 King Bee Việt Nam.
Kế hoạch 35 được triển khai dưới sự điều hành của một Bộ chỉ huy đóng tại Sài Gòn, còn Bộ chỉ huy hành quân tại Đà Nẵng có nhiệm vụ chỉ huy các căn cứ hành quân tiền phương (FOB); đồng thời soạn thảo lệnh hành quân, điều hành các ban yểm trợ, phối hợp liên lạc, quản lý nhân viên, tiếp tế cho các căn cứ hành quân. Trong đó, căn cứ hành quân đầu tiên là trại biệt kích Khâm Đức. Tính đến cuối năm 1965, căn cứ này có 5 toán biệt kích là Iowa, Alaska, Idaho, Kansas và Dakota.
Mỗi toán biệt kích thường gồm 3 biệt kích quân Mũ Nồi Xanh của Mỹ, cùng 9 biệt kích quân là người dân tộc thiểu số. Thông thường, SOG tuyển mộ người Nùng. Trong vòng hai năm 1965-1966, các toán biệt kích bí mật xâm nhập lãnh thổ Lào bằng đường bộ, không được sử dụng trực thăng, vì Đại sứ Mỹ tại Lào là Bill Sullivan yêu cầu : “Tôn trọng nền chính trị trung lập của nước Lào”.
Với việc một số phi vụ xâm nhập trót lọt theo Kế hoạch 35, Washington ra lệnh gia tăng mức độ xâm nhập vào lãnh thổ Lào và mở rộng phạm vi hoạt động khoảng 200 dặm, dọc theo biên giới Việt – Lào. Theo lệnh Washington, Bull Simons tăng thêm số lượng các toán biệt kích lên 20 toán và lập thêm các đội xung kích tiếp ứng cho Kế hoạch 35. Những Đại đội xung kích có nhiệm vụ tấn công các mục tiêu do các toán thám báo tìm ra.
Một toán hỗn hợp MACV-SOG
Thêm một căn cứ hành quân tiền phương được thiết lập tại Kontum và trại biệt kích Khâm Đức được lệnh di chuyển ta Phú Bài, gần thành phố Huế, thuộc lãnh thổ Quân khu I. Từ Phú Bài, các toán biệt kích có thể xâm nhập các mục tiêu trên đất Lào từ vĩ tuyến 17 trở vào đến thung lũng A Sầu. Khu vực còn lại sẽ do các toán biệt kích ở Kontum, vùng nam Tây Nguyên, thuộc lãnh thổ Quân khu II đảm trách. Năm 1967, Kế hoạch 35 lập thêm 2 Bộ chỉ huy khu vực (CCC), đóng tại Kontum và vùng nam (CCS) đóng tại Buôn Mê Thuột. Bộ chỉ huy tại Đà Nẵng gọi là Bộ chỉ huy Bắc (CCN-Sở Bắc). Mỗi Bộ chỉ huy có 2 căn cứ hành quân tiền phương. Bộ chỉ huy Bắc đảm trách khu vực từ vĩ tuyến 17 đến thung lũng A Sầu; Bộ chỉ huy Trung chịu trách nhiệm khu vực còn lại trên đất Lào; Bộ chỉ huy Nam chịu trách nhiệm xâm nhập lãnh thổ Campuchia từ tháng 5/1967.
Trong hai năm 1966-1967, Đại tá Bull Simons đã xây dựng một đơn vị bí mật gồm 3 Bộ chỉ huy, với 110 sĩ quan, 615 biệt kích quân người Mỹ. Không rõ quân số biệt kích là người dân tộc thiểu số và người Việt là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể ước chừng mỗi Bộ chỉ huy có 30 toán thám báo, với quân số khoảng 800 biệt kích quân. Thêm 6 đại đội xung kích, 3 đại đội bảo vệ, tổng quân số lên đến hàng ngàn. Ngoài ra, người Mỹ còn lập thêm trung tâm huấn luyện biệt kích quân.
Khi Đại tá Blackburn nhận lệnh hành quân viễn thám vượt biên, ông ta dựa theo chương trình Sao Trắng mà Đại tá Bull Simons trước đây đã thành công trên đất Lào. Kế hoạch 35 được chia làm ba giai đoạn. Đợt thứ nhất, các toán biệt kích sẽ xâm nhập Lào để do thám, đánh dấu vị trí các Bộ chỉ huy của quân đội Bắc Việt; các căn cứ và kho tiếp vận. Khi tìm ra mục tiêu, họ sẽ chỉ điểm cho các máy bay Mỹ oanh kích. Đợt 2, sẽ tung Đại đội xung kích tấn công chớp nhoáng vào các mục tiêu ngoại biên rồi rút lui. Cuối cùng là tuyển mộ, tổ chức các bộ tộc người dân tộc thiểu số, vốn sống gần đường mòn Hồ Chí Minh, để phá hoại hoặc chống lại quân đội Bắc Việt.
Trong các bản báo cáo về Sở chỉ huy hành quân Shining Brass, cho biết nhiệm vụ chính của các toán biệt kích là do thám đường mòn, xác định mục tiêu cho máy bay đến oanh kích. Nhiệm vụ khác là bắt tù binh để cung cấp tin tức cụ thể nhất về các đơn vị của đối phương. Các toán biệt kích thỉnh thoảng xâm nhập vào vùng bị máy bay B52 ném bom rải thảm để thẩm định kết quả những trận dội bom. Họ chụp ảnh sự tàn phá của bom và đếm xác đối phương bỏ lại. Toán biệt kích đem theo máy nghe lén và sẽ thu những cuộc điện đàm từ Bộ chỉ huy đến các đơn vị của quân đội Bắc Việt.
Tháng 6/1967, Bộ trưởng Quốc phòng Mc. Namara ra lệnh triển khai chương trình Mussel Shoals. Chương trình này đặt máy thăm dò điện tử, theo dõi sự chuyển quân của đối phương trên đường mòn Hồ Chí Minh hoặc trong những cánh rừng già rậm rạp; những nơi nghi có sự hiện diện của quân đội Bắc Việt. Các tín hiệu điện tử sẽ báo về Trung tâm kiểm soát Nakhon Phanom tại Thái Lan rồi truyền tiếp đến Trung tâm hành quân thứ 7 của Không quân Mỹ đến đánh bom. Hàng ngàn chiếc máy dò điện tử được thả xuống từ máy bay, một số khác do các toán biệt kích SOG đem gài vào vùng đối phương kiểm soát.
Với tuổi thọ khoảng 70 ngày, "cây nhiệt đới" sẽ thu thập chấn động, nhiệt để gửi về trung tâm
Biệt kích quân cũng được dùng trong những phi vụ cứu phi công lâm nạn đang lẩn trốn, hoặc tấn công trại tù binh của quân đội Bắc Việt. Tháng 9/1966, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thành lập Trung tâm hỗn hợp cứu người (JPRC), trực thuộc SOG. Trung tâm hành quân giải cứu chia làm hai bộ phận: Thứ nhất là tấn công bất ngờ vào trại tù hoặc những nơi tình nghi giam giữ tù binh. Bộ phận thứ hai có nhiệm vụ tìm kiếm quân nhân lâm nạn do rơi máy bay hoặc trên đường đào tẩu sau khi trốn khỏi trại tù binh. Những nhiệm vụ kể trên đều nằm trong Kế hoạch hành quân Bright Light.
Ngoài các toán viễn thám, Kế hoạch 35 còn tổ chức thêm những đơn vị trên cấp trung, đại đội xung kích để ngăn chặn, tấn công các cuộc phục kích trên đường mòn Hồ Chí Minh và tiếp ứng cho các toán thám báo, trong trường hợp các toán này bị đối phương phát hiện và bao vây.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P5
Đến cuối mùa thu năm 1965, chi tiết về Kế hoạch hành quân đã thảo xong, 5 toán biệt kích đã sẵn sàng vượt biên. Do phi vụ bí mật, toán biệt kích xâm nhập vào đất Lào phải “sạch”. Họ không đeo quân hàm, phù hiệu đơn vị. Riêng quân phục được SOG đặt làm ở đâu đó bên Á Châu, vũ khí được trang bị cũng không phải súng đạn Mỹ và không thể truy tìm được nơi sản xuất. Các thành viên của toán không được đem theo bất cứ vật dụng gì có thể nhận diện được họ.
Từ tháng 10 cho đến cuối năm 1965, các toán biệt kích vượt biên 7 lần. Những lần xâm nhập đầu tiên không làm đối phương nghi ngờ, kết quả thu được là khá khả quan. Các toán biệt kích SOG tìm ra nhiều mục tiêu để chỉ điểm cho máy bay oanh tạc. Một lần, biệt kích phát hiện ra kho tiếp vận lớn. Lần khác, họ tìm thấy bãi đậu xe và kho nhiên liệu. Sau 37 lần máy bay oanh kích, kho nhiên liệu, tiếp vận của đối phương bốc cháy, gây ra nhiều tiếng nổ phụ. Trong những chuyến xâm nhập khác, biệt kích khám phá ra cầu cống, bãi đậu xe, kho tiếp vận và các binh trạm của quân đội Bắc Việt. Báo cáo thẩm định về các trận đánh bom cho biết mục tiêu đã bị phá hủy.
Sự thành công nào cũng có cái giá của nó. Một trong những chuyến xâm nhập đầu tiên vào tháng 10/1965, một toán biệt kích được thả vào khu vực tình nghi có che giấu một căn cứ tiếp vận lớn của đối phương. Hai trực thăng H34 thả toán biệt kích xuống một bãi đáp gần biên giới và toán sẽ vượt biên đến mục tiêu trên bộ. Tin tình báo cho biết có nhiều hoạt động của đối phương trong vùng, thêm yếu tố thời tiết xấu, do đó Đại úy Larry Thorn đi theo trên chiếc H34 thứ 3, trường hợp khẩn cấp, phải thu hồi toán biệt kích. Theo lệnh của máy bay quan sát đường không, hai chiếc H34 thả toán biệt kích xuống bãi đáp rồi bay về căn cứ hành quân tiền phương Khâm Đức. Đại úy Thorn vẫn tiếp tục bay quanh vùng cho đến khi nhận được báo cáo của toán biệt kích là đã di chuyển đến một nơi an toàn. Hôm đó thời tiết xấu, sương xuống thấp, chiếc H34 chở Đại úy Larry Thorn biến mất, mãi đến năm 2002 mới tìm thấy hài cốt.
Những kết quả ban đầu mà SOG thu được đã làm cho giới lãnh đạo Mỹ hài lòng. Họ quyết định mở rộng phạm vi hoạt động cho các đơn vị SOG và lệnh cho Đại tá Bull Simons gia tăng các cuộc hành quân của biệt kích trong năm 1966. Những sĩ quan cao cấp của Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ tại Việt Nam (MACV) muốn oanh tạc hệ thống tiếp vận, truyền tin của đối phương tại Nam Lào. Bởi thực tế cho thấy quân đội Bắc Việt rõ ràng ngày càng phát triển, mở rộng hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh để tiếp tế, chuyển quân vào Nam Việt Nam, nhằm mở những trận đánh ngày càng lớn hơn, tạo thế và lực mới ở chiến trường miền Nam.
Các toán biệt kích đem về khá nhiều tin tình báo mà không ảnh không thể hiện. Kể cả những sự kiện đang diễn ra trên đất Lào chứ không phải chỉ có vài ba đơn vị nhỏ lẻ của Bắc Việt đang xâm nhập vào Nam. Tướng Westmoreland muốn SOG vượt khỏi những giới hạn ràng buộc để mở rộng phạm vi, cũng như quy mô các cuộc hành quân do thám. Ông ta cho phép sử dụng trực thăng thả các toán biệt kích, vì phương tiện trực thăng sẽ làm các hoạt động của biệt kích quân ngày càng hiệu quả hơn. Ngay cả Đô đốc U.S. Grant Sharp, Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương cũng muốn SOG được tự do hành động. Giống như Westmoreland, ông ta rất thích, ưu ái lực lượng biệt kích, thường nhận xét và phê những lời tốt đẹp vào các bản báo cáo hành quân của SOG.
Huế 1972
Kế hoạch 35 đòi hỏi phải thành lập 3 tiểu đoàn, với 450 biệt kích quân là người Nùng làm lực lượng cơ động và đơn vị xung kích cho cuộc hành quân Shining Brass, đã được viên Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương chấp thuận ngay. Những tiểu đoàn xung kích này được giao nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ hành quân tiền phương (FOB), vừa tấn công những mục tiêu do các toán thám báo tìm ra; đồng thời tiếp ứng cho các toán thám báo trong trường hợp khẩn cấp. Những tiểu đoàn xung kích Nùng được tổ chức từ cấp trung đội (Hornet Force), đại đội (Hatchet/ Havoc Force) đến cấp tiểu đoàn (Haymaker Force). Giới nắm quyền cũng như quân sự Mỹ đều đồng ý, ngoại trừ Đại sứ Mỹ tại Lào là Sullivan. Ông ta chỉ tán thành mở các cuộc hành quân đến cấp trung đội, trong phạm vi 10km, sâu trong lãnh thổ vương quốc Lào, với thời gian không quá 5 ngày và phải thông báo cho tòa Đại sứ trước 40 giờ đồng hồ về khu vực hành quân.
Mặc dù bị giới hạn nhưng năm 1966 vẫn là năm được coi là thành công của SOG. Theo số liệu thống kê, năm 1966 có 111 chuyến hành quân xâm nhập. Cao nhất là tháng 9, với 15 cuộc hành quân. Ngoài nhiệm vụ tìm ra mục tiêu để chỉ điểm cho máy bay oanh tạc, các toán biệt kích còn bắt cóc được 15 người. Trong cuộc hành quân Bright Light năm 1966, các toán biệt kích SOG thực hiện 4 phi vụ cứu phi công Mĩ bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam hoặc trên lãnh thổ Lào. SOG cũng tổ chức 13 cuộc tấn công của các trung đội Hornet (biệt kích người nùng) vào căn cứ đối phương trên đất Lào.
Hầu hết các chuyến xâm nhập trong năm 1966 kéo dài ra từ 3-5 ngày. Khi chạm trán đối phương hoặc phát hiện ra căn cứ của đối phương, lập tức máy bay điều hành không yểm (FAC) sẽ gọi các phi đội đến yểm trợ. Trưởng toán biệt kích sẽ chỉ điểm cho máy bay oanh kích thông qua trung gian FAC. Khi cần thiết phải “bốc” toán biệt kích nào đó ra, FAC sẽ điều động trực thăng đổ quân, trực thăng vũ trang đến đem toán thám báo ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thông thường, các phi đoàn trực thăng đem theo trung đội Hornet (biệt kích Nùng) đến để tiếp ứng cho các toán thám báo. Trường hợp khẩn cấp, FAC sẽ điều động thêm khu trục hoặc phản lực đến yểm trợ. Năm 1966 có thể coi là năm thiệt hại lớn cho SOG trên đất Lào với 3 biệt kích quân Mỹ, cùng 25 biệt kích quân Việt Nam mất tích.
Năm 1967, Trung tâm chỉ huy hành quân Shining Brass, với nhiệm vụ phá hoại các căn cứ đối phương trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào, được đổi tên thành Trung tâm hành quân Prairie Fire. Trung tâm này tổ chức tất cả 187 chuyến xâm nhập, tìm kiếm căn cứ của đối phương cho máy bay oanh kích và 68 cuộc hành quân cấp trung đội Hornet hoặc cấp đại đội Hatchet. Trung tá Jonathan Carney, chỉ huy phó Kế hoạch 35 năm 1967, tin rằng các hoạt động biệt kích trong hai cuộc hành quân Shining Brass và Prairie Fire đã gây thiệt hại không nhỏ cho quân đội Bắc Việt. Có nhiều căn cứ, kho tàng tiếp tế bị máy bay oanh kích phá hủy. Trước tình hình trên, Hà Nội bắt đầu tổ chức những đơn vị chống biệt kích để bảo vệ hành lang vận chuyển của họ trên đất Lào.
Năm 1967 đã diễn ra một sự kiện khá quan trọng trong hoạt động của SOG. Đó là phạm vi hoạt động của SOG đã mở rộng sang lãnh thổ vương quốc Campuchia. Tướng Westmoreland đã được SOG báo cáo rằng hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh không dừng lại trên đất Lào mà tiếp tục phát triển vượt qua biên giới Lào – Campuchia. Năm 1967, tướng Westmoreland yêu cầu Washington cho SOG điều động lực lượng biệt kích xâm nhập lãnh thổ Campuchia để do thám mức độ quân đội Bắc Việt tăng cường chi viện cho cộng sản ở miền Nam tới đâu.
Pleiku, 24/01/1966
Theo đó, tháng 5/1967, SOG được lệnh vượt biên xâm nhập lãnh thổ vương quốc Campuchia bằng cuộc hành quân Daniel Boone, nhằm thu thập tin tức tình báo chiến lược tại vùng ba biên giới Việt – Lào – Campuchia.
Phạm vi cuộc hành quân Daniel Boone được giới hạn từ vùng ba biên giới kéo dài xuống khu vực Lưỡi Câu trên đất Campuchia, nơi tập trung rất đông quân chính quy Bắc Việt lẫn Quân Giải Phóng, đây cũng là nơi đặt Bộ Chỉ huy tối cao của Việt Cộng là Trung ương Cục miền Nam, thường được gọi tắt là “R” và Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tương tự như hoạt động ở bên Lào trước đây, các toán biệt kích phải đi bộ xâm nhập qua biên giới. Trực thăng chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, không được sử dụng máy bay oanh kích và các đại đội xung kích tiếp ứng. Khi các toán biệt kích xâm nhập sang lãnh thổ Campuchia, họ phải tự bảo toàn sinh mạng của mình. Còn CIA chỉ lo bơm vào đầu họ tư tưởng “hy sinh vì chủ nghĩa quốc gia”.
Những toán biệt kích trực thuộc Trung tâm hành quân Daniel Boone phát hiện thấy nhiều đơn vị Quân đội Bắc Việt trên đất Campuchia. Điều đó chứng tỏ Hà Nội đã phát triển hệ thống hành lang vận chuyển chiến lược nối dài sang đất Campuchia, để thiết lập nhiều căn cứ vật chất, các kho nhiên liệu, sở chỉ huy, căn cứ truyền tin dọc theo các tuyến hành lang vận chuyển. Từ ngày 1/7 đến 31/12/1967, tổng cộng những toán biệt kích Daniel Boone đã xâm nhập lãnh thổ vương quốc Campuchia 99 lần. Họ tự đánh giá có 63 lần thành công.
Năm 1967 được coi là năm thành công của Kế hoạch 35. Trên lãnh thổ Lào, các toán biệt kích đã phát hiện ra những căn cứ của đối phương và chỉ điểm cho những máy bay oanh kích. Còn trên đất Campuchia, các toán biệt kích trong chương trình hành quân Daniel Boone đã đem về những tin tức, hình ảnh về các hoạt động của đối phương trên đất Campuchia. Tuy nhiên, những gì SOG thu được đều phải trả bằng giá rất đắt. Có thể nói, tổn thất của SOG mỗi năm một gia tăng, số lượng biệt kích quân Mũ Nồi Xanh của Mỹ tử trận năm 1966 mới 3 người, tăng lên 42 người vào cuối năm 1967, cộng thêm 14 biệt kích quân khác mất tích.
Năm 1968, Tổng thống Johnson ra lệnh chấm dứt tất cả các hoạt động của SOG ở miền Bắc Việt Nam và giới hạn các hoạt động ngoài lãnh thổ tại Lào, Campuchia. Trong vòng nửa năm, các toán biệt kích SOG, cùng các Đại đội xung kích chỉ hoạt động trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, vừa yểm trợ cho các đơn vị quân đội Mỹ trong cuộc Tổng công kích của Quân đội Bắc Việt và Quân Giải phóng. Trong khi đó, Hà Nội bắt buộc phải bảo vệ hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh để tiếp tục tăng cường quân số, vũ khí, đạn dược và vật chất vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Phản ứng đầu tiên của Bắc Việt là bố trí dọc theo biên giới Việt – Lào, mỗi vị trí một hoặc hai quân nhân để cảnh giới trực thăng thả biệt kích. Sau đó, họ rải quân ở những nơi có thể dùng làm bãi thả biệt kích. Quân đội Bắc Việt cũng sử dụng những bộ tộc người dân tộc thiểu số sống gần tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để báo động bằng chiêng, trống, tù và... mỗi khi phát hiện trực thăng. Những sĩ quan Bắc Việt đã tiến hành nghiên cứu mọi phương thức hành quân của các đơn vị SOG, vẽ lại lộ trình di chuyển, tìm ra quy luật hoạt động rồi từ đó đề ra cách thức tiêu diệt hoặc bắt sống các toán biệt kích quân.
Để bảo vệ hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy các binh trạm, bãi đậu xe, kho nhiên liệu, lương thực, đồ tiếp vận... Quân đội Bắc Việt đã giao trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các đơn vị hậu cần. Đến mùa khô 1967-1968, chỉ huy mới của SOG là Đại tá Steve Cavanaugh, cho rằng Hà Nội đã tổ chức xong một hệ thống bảo vệ đường mòn rất phức tạp, gây nguy hiểm cho các toán biệt kích của SOG. Quân đội Bắc Việt cũng tổ chức những đơn vị đặc biệt để truy lùng, tiêu diệt những toán biệt kích xâm nhập tuyến đường chiến lược hàng đầu của họ, với tên gọi là những đội “săn biệt kích”. Những đơn vị “săn biệt kích” này được tuyển chọn từ Lữ đoàn Dù số 305 của Quân đội Bắc Việt, thành lập năm 1965. Sau đó, phát triển thành Sư đoàn Đặc công số 305, nổi danh bởi sự dữ dội, không khoan nhượng cũng giống như Lực lượng Đặc biệt của Quân đội Bắc Việt. Một bộ phận của Sư đoàn này được huấn luyện thành đơn vị chống biệt kích, với nhiệm vụ truy lùng và tiêu diệt các toán biệt kích quân của SOG.
Trong một trận tấn công cấp đại đội Hatchet vào căn cứ bộ chỉ huy của đối phương trên đất Lào, ngay khi Đại đội xung kích vừa đáp đất, Quân đội Bắc Việt dường như đã biết trước, nổ súng xối xả vào đại đội biệt kích. Sau đó, họ bao vây, thanh toán gọn đại đội xung kích của SOG. Một hạ sĩ quan Mũ Nồi Xanh của Mỹ duy nhất còn sống sót là Charles Wilklow, do bị thương nặng nên đối phương không thèm giết. Wilklow chứng kiến cảnh Quân đội Bắc Việt đem những xác lính Mỹ đem chôn. Bốn ngày sau, Charles Wilklow lết ra đến một nơi trống trải và được trực thăng tìm thấy, bốc đem về.
Hatchet Force xuất kích
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P6
Biến cố Tết Mậu Thân 1968 đã khiến cho các đơn vị SOG phải giảm bớt số lượng các cuộc hành quân ngoại biên. Theo thống kê của Trung tâm hành quân Prairie, họ đã tổ chức tổng cộng 546 chuyến xâm nhập ngoại biên. Trong đó có 310 chuyến hành quân sang lãnh thổ Lào, chiếm 57%; 43% còn lại trên lãnh thổ miền Nam. Riêng chương trình hành quân Daniel Boone đã tổ chức 726 chuyến xâm nhập, nhưng chỉ có 287 chuyến sang lãnh thổ Campuchia, chiếm 39%. Tất cả những chuyến xâm nhập vào Campuchia đều nhân cơ hội biến cố Tết Mậu Thân để giảm áp lực khi xâm nhập.
Theo báo cáo, chương trình Daniel Boone quay trở lại mục tiêu xâm nhập lãnh thổ Campuchia từ tháng 10/1968. Tính đến cuối năm 1968, SOG đã thực hiện được 53 chuyến xâm nhập Campuchia. Trong ba tháng cuối năm 1968, Kế hoạch 35 tổ chức trung bình hàng tháng có 46 chuyến xâm nhập lãnh thổ Lào và Campuchia.
Trong biến cố Tết Mâu Thân 1968, chương trình hành quân Prairie Fire đã giảm bớt hoạt động trên lãnh thổ Lào để lo sự vụ “bên trong”, vừa yểm trợ cho căn cứ Khe Sanh của Mỹ, khi đó đang bị bao vây. Từ tháng 1 cho đến giữa tháng 6/1968, SOG bố trí 600 quân túc trực phòng thủ, bảo vệ các đơn vị Quân đội Mỹ và căn cứ Khe Sanh. Nhưng sau đó, các căn cứ hành quân tiền phương, trại biệt kích Khâm Đức đã rơi vào tay đối phương ngày 12/5/1968, làm giảm đi hiệu quả của các đơn vị SOG trên đất Lào. Trại biệt kích Khâm Đức trước biến cố 1968 từng đảm nhiệm một phần ba địa bàn xâm nhập trên lãnh thổ Lào, với nhiều mục tiêu quan trọng.
Tại căn cứ hành quân tiền phương 4 (FOB 4), Trung tá Lauren Overby phải đối diện với quá nhiều khó khăn của hậu Mậu Thân 1968. Các toán biệt kích xâm nhập thường xuyên chạm trán với đối phương. Nhiều toán biệt kích vừa chạm đất đã đụng đối phương ngay tại bãi đáp. Lauren Overby than rằng: “Hầu như không thể để cho các toán biệt kích ở lâu trong lòng đối phương. Phe chúng ta có thể thành công bên Campuchia (Daniel Boone), nhưng riêng khu vực hành quân của tôi lại quá nhiều khó khăn. Căn cứ hành quân tiền phương này cách biên giới Lào khoảng 6 dặm. Có thể đối phương có người theo dõi chuyện làm ăn của bọn tôi (?!)”.
Những toán biệt kích quân thuộc chương trình hành quân Prairie Fire chịu nhiều tổn thất trong năm 1968. Con số thương vong càng ngày càng gia tăng. Cụ thể tại lãnh thổ Lào, có 18 biệt kích quân tử trận, 101 bị thương, 18 mất tích. Tại miền Nam, có 21 biệt kích quân tử trận, 78 bị thương và 6 mất tích. Tổn thất của Kế hoạch 35, thuộc chương trình hành quân Daniel Boone trên lãnh thổ Campuchia có vẻ tổn thất nhẹ hơn, với 17 trường hợp tử trận, 56 bị thương và 3 mất tích. Hai Bộ chỉ huy Bắc (CCN) và Trung (CCC) với quân số khoảng 100 sĩ quan và 600 hạ sĩ quan, binh sĩ biệt kích Mỹ, thì con số tổn thất như trên là quá cao. Kỷ lục tổn thất cao nhất không phải là Quân đội Sài Gòn, mà là các đơn vị quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam.
Năm 1969, tình hình cũng không khả quan trên lãnh thổ Lào. Theo báo cáo của Kế hoạch 35, thì trung tâm hành quân Prairie Fire đã tổ chức 452 chuyến vượt biên, trong đó có 404 chuyến thả biệt kích xâm nhập với 48 chuyến hành quân cấp đại đội xung kích Hatchet Force. Nhiều chuyến xâm nhập vùng ba biên giới, nhiệm vụ của các toán biệt kích là khám phá hệ thống đường ống dẫn dầu, công binh xưởng sửa chữa xe cộ và trạm bơm xăng. Ngoài ra quân biệt kích sẽ khám phá hệ thống truyền tin, đường dây thông tin liên lạc của đối phương bố trí dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh.
Tháng 9/1968, Đại tá Steve Cavanaugh lên làm chỉ huy trưởng SOG, Đại tá Jack “The Iceman” Isler được giao cho nhiệm vụ chủ trì Kế hoạch 35. Trong lúc đó, quân đội Bắc Việt tăng cường thêm lực lượng cho các đơn vị bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh. Tình hình đó gây trở ngại, nguy hiểm cho các toán biệt kích xâm nhập lãnh thổ Lào. Jack “The Iceman” Isler than thở: “Nhiệm vụ quá khó khăn, không có toán nào ở lâu được quá hai ngày. Thậm chí khi mới thả xong 1 toán biệt kích, trên đường trực thăng bay về, phải quay trở lại để bốc toán biệt kích ra”.
Trong năm 1969, con số thiệt hại của biệt kích Mỹ là 50% cho mỗi chuyến vượt biên xâm nhập lãnh thổ Lào trong chương trình hành quân Prairie Fire, so với 44% của năm 1968, 39% cho năm 1967. Tính trung bình cứ hai chuyến xâm nhập, lại có lính Mũ Nồi Xanh Mỹ tử trận, bị thương hoặc mất tích. Năm 1969, chương trình Prairie Fire tổ chức 452 chuyến xâm nhập thì tổn thất về phía người Mỹ là 19 trường hợp tử trận, 199 bị thương và 9 mất tích. Chương trình hành quân Prairie Fire do Bộ chỉ huy Bắc (CCN) ở Đà Nẵng và Bộ chỉ huy Trung (CCC) ở Kontum đảm trách. Quân số năm 1969 của hai Bộ chỉ huy hành quân Bắc và Trung, thuộc lực lượng Mũ Nồi Xanh Mỹ có 72 sĩ quan và 409 hạ sĩ quan, binh sĩ.
Trung úy Micheal Forte (giữa) thuộc MACV-SOG tại Bộ chỉ huy Trung (CCC), Kontum, 1971
Kế hoạch 35 triển khai trên lãnh thổ Canpuchia có vẻ ít khó khăn hơn so với ở Lào và Nam Việt Nam. Chương trình hành quân Daniel Boone đã đổi tên thành Salem House. Năm 1969, con số thiệt hại trung bình cho mỗi chuyến vượt biên xâm nhập lãnh thổ Campuchia là 13%. Cũng trong năm 1969, Trung tâm hành quân Salem House đã tổ chức 454 chuyến xâm nhập thu thập tin tức tình báo chiến lược. Trong đó, tổn thất lớn nhất của lực lượng biệt kích Mũ Nồi Xanh là Mỹ mất đi một toán biệt kích nổi tiếng, từng nhận nhiều huy chương của quân đội. Đó là trường hợp Trung sĩ Jerry “Mad Dog” Shriver.
Ngày 24/4/1969, một đại đội xung kích Hatchet Force, trong đó có Shriver được trực thăng đổ bộ xuống tấn công vào căn cứ đầu não Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại đội này bị đối phương xóa sổ hoàn toàn. Trung sĩ Jerry Shriver mất tích, không tìm ra xác. Nhiều phi đội phản lực, khu trục được gọi đến để yểm trợ cho đoàn trực thăng cấp cứu đem những biệt kích quân còn sống sót của đại đội biệt kích Hatchet Force ra.
"Huyền thoại" Mad Dog Shriver, mất tích ở Campuchia
Đến năm 1970, khi chương trình Việt Nam hóa chiến tranh bắt đầu được triển khai thì con số thiệt hại của SOG nhờ đó được giảm đi. Vẫn theo số liệu của Trung tâm hành quân Prairie Fire, tại thời điểm năm 1970, cơ quan này đã tổ chức 441 chuyến vượt biên, chiếm tới 95% phi vụ thả biệt kích hoạt động trên lãnh thổ Lào. Tuy nhiên, việc sử dụng các đơn vị đến cấp đại đội ngày càng trở nên khó khăn do việc quân đội Mỹ lần lượt rút khỏi Việt Nam, kèm theo họ không cung cấp đủ phương tiện cho các đơn vị SOG.
Đến cuối năm 1970, con số thiệt hại của lực lượng biệt kích Mỹ là 12 trường hợp bỏ mạng, 98 bị thương và 4 mất tích. Chương trình hành quân Salem House tại Campuchia phần nào nhẹ đi do sự kiện ngày 18/3/1970 khi mà ông hoàng Sihanouk bị tướng Lon Nol đảo chính lật đổ ngôi vị. Nhân cơ hội đó, liên quân Mỹ và Sài Gòn tổ chức cuộc hành quân Bình Tây, tấn công sang đất Campuchia. Trung tâm hành quân Salem House đã tổ chức 577 chuyến xâm nhập Campuchia, chủ yếu do lực lượng Lôi Hổ thuộc Nha Kỹ Thuật của Quân đội Sài Gòn đảm nhiệm, vì lính Mỹ không được phép sang Campuchia, theo lệnh ban hành ngày 30/6/1970.
Đến cuối năm 1970, Quân đội Bắc Việt đã hoàn thành hệ thống chống biệt kích rất hiệu quả. Người chỉ huy trưởng cuối cùng của SOG là Đại tá Skip Sadler thừa nhận: “Chỉ có 40% các toán biệt kích hoạt động bên Lào lâu hơn 24 tiếng đồng hồ. Đối phương đã đợi sẵn và biết mình sẽ đến”. Người lính Mũ Nồi Xanh cuối cùng của Mỹ bỏ xác ở rừng xanh vào ngày 29/1/1971 trên đất Lào là Trung sĩ David Mixter.
Cùng năm 1971, Quân đội Sài Gòn tiến công sang lãnh thổ Lào, bằng cuộc hành quân Lam Sơn 719. Để yểm trợ cho cuộc hành quân này, SOG tổ chức nhiều cuộc hành quân giả để đánh lạc hướng Quân đội Bắc Việt. Tại khu vực phía tây căn cứ Khe Sanh, SOG thả dù hình nhân giả đem theo chất nổ, khi chạm đất sẽ nổ để nghi binh, làm như thả nhiều toán biệt kích xuống địa bàn đã định. Trong lúc cuộc hành quân Lam Sơn 719 đang triển khai, SOG thả biệt kích xuống thung lũng A Sầu, hy vọng sẽ trói được tay đối phương, vừa để thu thập tin tức tình báo chiến lược cho các đơn vị của Mỹ.
Từ ngày 1/1/1971 đến 31/3/1972, Kế hoạch 35 đã tổ chức 474 chuyến hành quân xâm nhập. Trong đó, lực lượng Mũ Nồi Xanh đã chỉ huy 278 chuyến xâm nhập, còn lại 196 chuyến do Nha Kỹ Thuật thuộc Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn đảm nhiệm. Mùa khô năm 1970-1971, những chuyến xâm nhập sang Lào và Campuchia ngày càng trở nên rất nguy hiểm. Trong các bản báo cáo của SOG cho thấy, trong tổng số các toán xâm nhập đã có 7 toán phải chiến đấu tìm đường tháo chạy.
Đại tá Roger Pezzelle, người đã chỉ huy triển khai Kế hoạch 35 kể lại: “Trong tháng 8/1971, chúng ta thả toán biệt kích Kansas vào khu vực phía nam khu phi quân sự. Chỉ trong vòng 10 phút, quân đội Bắc Việt kéo tới một trung đội, rồi đại đội, rồi cả tiểu đoàn (!)...” Pezzelle khẳng định thêm: “Quân đội Bắc Việt đưa quân rất đông vào Nam Việt Nam. Họ dùng xe chuyển quân, chở lương thực, đồ tiếp vận đến các đơn vị hành quân của họ trên chiến trường. Biệt kích báo cáo là đối phương có cả xe tăng ở Kontum, nhưng chẳng ai tin, cuối cùng phải chụp ảnh đem về”.
Biệt kích Làng Vây di tản đến Khe Sanh, sau khi căn cứ bị tràn ngập
Cuối năm 1971, Kế hoạch 35 thực hiện phi vụ cuối cùng. Theo bản báo cáo của SOG gửi Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam (MACV) cho biết trước cuộc tấn công Mùa hè đỏ lửa, mà Quân đội Bắc Việt gọi là “Chiến dịch Nguyễn Huệ”, mũi tiến công chính của Quân đội Bắc Việt sẽ vượt sông Bến Hải, đánh sang khu phi quân sự. SOG gọi đó là kiểu “đánh vào đầu”. Ngày 30/4/1972, Bộ Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương ra lệnh cho SOG bàn giao tất cả cho Nha Kỹ Thuật, trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn, chấm dứt “huyền thoại về Đoàn Nghiên cứu, quan sát – SOG”.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P7
KẾ HOẠCH 37 – BIỆT HẢI
Bắt đầu từ những tháng đầu năm 1961, cơ quan Trung ương tình báo Mỹ (CIA) đã điều khiển những trận tấn công bất ngờ, phá hoại các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Bắc Việt Nam. Những cuộc tập kích trên đều do những toán biệt kích biển (Marops) đảm nhiệm. Đến mùa khô 1961-1962, sau khi đã đọc các bản báo cáo kết quả về những cuộc hành quân trên, Đô đốc Harry Felt chẳng còn gì để nói và CIA nhận thấy đã hết kiểu chơi. Tóm lại, các cuộc hành quân biệt hải chẳng gây thiệt hại nào đáng kể cho chính quyền Bắc Việt, mặc dù viên Tư lệnh lực lượng Quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương là người hiểu biết về vấn đề hành quân biển hơn ai hết.
Đại bác 40 ly gắn ở đuôi chiếc PTF. Lớp vỏ bằng 1 loại ván ép đặc biệt giúp những chiếc Nasty tránh được radar của đối phương, vừa giúp chúng có tốc độ vượt trội
Thực tế những toán biệt kích biển do CIA tuyển mộ đều sử dụng những chiếc tàu nhỏ mong manh, trang bị hỏa lực yếu. Ngay cả việc lái chiếc tàu nhỏ đến mục tiêu đã là một vấn đề khó khăn đối với các biệt kích quân. Thực ra Colby, ông trùm CIA, người chịu trách nhiệm chính về mọi hoạt động của lực lượng biệt kích cũng chỉ làm theo lệnh của Washington mà thôi.
Đến tháng 7/1962, thì Đô đốc George Anderson, Tư lệnh hành quân biển, được mời tham gia tổ chức những trận tập kích, quấy rối bờ biển Bắc Bộ. Kế hoạch này nhằm mục đích làm cho Bắc Việt không còn đủ sức yểm trợ cho quân cộng sản ở miền Nam Việt Nam.
Người trực tiếp chịu trách nhiệm chính của kế hoạch này là Tucker Gougelmann, một chuyên gia hàng đầu về phá hoại trên biển của CIA. Năm 1961, ông ta lập căn cứ tại Đà Nẵng và bắt đầu đưa những toán biệt kích biển xâm nhập biển Bắc Bộ. Kế hoạch hành quân biển do CIA hoạch định và điều hành chỉ có tầm hoạt động rất giới hạn. Mục tiêu chính là thu thập tin tức, do thám bờ biển Bắc Bộ. Theo những tài liệu đã giải mã, thì giai đoạn đầu của Kế hoạch hành quân biển diễn ra rất âm thầm, để tránh đụng độ với Hải quân Bắc Việt.
Năm 1962, Gougelmann được lệnh của Washington bắt đầu những trận tập kích phá hoại để trả đũa cho việc Bắc Việt ngày càng gia tăng những hoạt động chi viện cho cộng sản ở miền Nam; đồng thời để xây dựng những mật cứ ở miền Bắc trong tương lai. Chính Tổng thống Kenedy là người thúc đẩy CIA tăng cường những hoạt động bí mật trên lãnh thổ Bắc Việt Nam.
Lực lượng biệt kích biển dưới quyền chỉ huy của Gougelmann đã sử dụng loại thuyền máy cũ kỹ đóng tại miền Nam cho các trận tập kích. Điều đó khiến Đô đốc Felt phật ý, vì loại thuyền máy cũ kỹ ấy không thể dùng để tấn công bất ngờ được. Loại hành quân này rất cần tốc độ và bí mật. Khi Washington ra lệnh gia tăng các cuộc hành quân biệt hải, Hải quân Mỹ được lệnh yểm trợ, cung cấp trang bị chuyên biệt cho CIA để cơ quan chức năng này hoàn thành các phi vụ. Tháng 8/1962, tướng Harkins, Tư lệnh Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam, dự kiến sử dụng loại tàu Topedo (phóng thủy lôi), được căn cứ Tiếp vận hải quân ở Đà Nẵng yểm trợ, cho những cuộc hành quân biệt hải trên lãnh thổ Bắc Bộ. Kế hoạch này được chính quyền Kenedy chấp thuận vào cuối tháng 9/1962.
http://cb4.upanh.com/19.270.26111263...aulharkins.jpg
Đại tướng Paul D. Harkins, chỉ huy trưởng MAAG (1962-1963); chỉ huy trưởng MACV (1963-1964)
Cùng thời điểm trên, Hải quân Mỹ bắt đầu nghiên cứu, xem xét tìm loại tàu thích hợp cho các cuộc hành quân biệt hải. Tháng 10/1962, phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Roswell Gilpatric ra lệnh cho Đô đốc Anderson giao cho CIA 2 con tàu Topedo là PT. 810 và PT. 811, được đóng từ năm 1950. Hai con tàu này đều được trang bị đại bác 40 ly và 20 ly; được đổi tên mới là PTF-1 và PTF-2 (tàu tuần tiễu nhanh – Patrol Type Fast).
Hỏa lực trang bị cho PTF
Đầu năm 1963, Hải quân Mỹ mua hai con tàu Nasty PTF-3, PTF-4 của Hải quân Na Uy. Loại tàu này chạy rất nhanh và tránh được radar. Bỏ qua yêu cầu bảo mật, Đô đốc Anderson đã gửi 2 con tàu Nasty đến Washington tham gia diễu hành trong cuộc diễn tập hành quân và yểm trợ đổ bộ. Cuộc diễn tập đã diễn ra bên sông Potomac, do các toán biệt kích người nhái SEAL, mới thành lập, đảm trách.
Phải đến những tháng cuối năm 1963, CIA mới nhận được những chiếc tàu Nasty vừa tham gia diễn tập. Để lái loại tàu này xâm nhập hải phận Bắc Việt Nam, CIA đã tuyển mộ lính đánh thuê người Na Uy và Đức. Mhằm trợ lực cho CIA, Hải quân Mỹ đồng ý để đơn vị SEAL huấn luyện cho biệt kích quân Việt Nam về chiến thuật hành quân phá hoại trên biển, vừa cung cấp đồ tiếp vận, cũng như bảo trì các tàu PTF.
Trong lúc “Kế hoạch 37” đang triển khai, Tổng thống Kenedy ra lệnh cùng lúc xúc tiến “Kế hoạch Trở Lại" (Switch Back). Theo đó, tất cả các hoạt động của CIA tại miền Bắc Việt Nam được bàn giao cho Lầu Năm Góc (Bộ Tổng Tham mưu liên quân Mỹ), kể cả chương trình Hành quân Biệt Hải. Lúc đầu nằm trong “Kế hoạch 34A”, một bộ phận thuộc Đoàn nghiên cứu, quan sát (SOG) thành lập “Ban cố vấn Hải quân”, mật danh của “Kế hoạch 37” ở Đà Nẵng.
Ban Cố vấn Hải quân chính thức triển khai kế hoạch từ đầu tháng 1/1964, với mục tiêu bao gồm các cuộc hành quân bí mật trên biển. Đến năm 1965, một văn phòng liên lạc được thành lập, trực thuộc SOG, chuyên trách theo dõi việc triển khai Kế hoạch 31 (OP-31). Nếu như Văn Phòng Liên Lạc chuyên trách về nhân sự thì Ban Cố vấn Hải quân (NAD) là cánh tay hành động, đều thuộc quyền chỉ huy của SOG.
Việc tìm một sĩ quan hải quân cấp bậc đại tá trong Quân đội Mỹ không khó, nhưng tìm một sĩ quan cao cấp am hiểu về Chiến tranh ngoại lệ quả thật không dễ chút nào. Vì vậy, người chỉ huy đầu tiên của Ban Cố vấn Hải quân là Jack Owens, mới được bổ nhiệm được một năm đã phải thay thế. Đại tá Bob Fay là người kế nhiệm. Không giống như Owens, một sĩ quan Hải quân thông thường, Bob Fay trưởng thành từ một đơn vị Người nhái. Nhưng thật trớ trêu, ngày 28/10/1965, chiếc xe Jeep chở ông ta trúng đạn pháo kích của đối phương. Bob Fay trở thành sĩ quan biệt kích biển cao cấp đầu tiên của Mỹ bỏ mạng trên chiến trường Việt Nam.
Bob Fay mới chỉ huy Ban Cố vấn Hải quân (NAD) được có 6 tháng. Những người kế nhiệm Bob Fay sau này là William Hawkins, Willard Olson, Robert Terry và Norman Olson đều ít am hiểu về chiến tranh ngoại lệ, cho dù họ đeo lon đại tá Hải quân Mỹ.
Kế hoạch 37 do Ban Cố vấn Hải quân Mỹ đảm trách, được giao nhiệm vụ tấn công, phá hoại những mục tiêu dọc theo bờ biển Bắc Bộ. Với phạm vi hoạt động từ vĩ tuyến 17 ra đến vĩ tuyến 21, trong vòng bán kính 30 dặm dọc theo bờ biển. Trong mệnh lệnh hành quân, khu vực hoạt động của các toán biệt kích biển ở phía dưới cảng Hải Phòng, bao gồm mục tiêu cụ thể: Ngăn chặn và quấy rối (ngăn chặn, bắt cóc, thẩm vấn, phá hủy tất cả các loại tàu vũ trang, tiếp vận của miền Bắc. Phá hoại đường tiếp tế trên biển của Quân đội Bắc Việt cho miền Nam). Bắn phá các mục tiêu dọc theo bờ biển. Tập kích lên bờ, tấn công các căn cứ quân sự, dân sự. thả biệt kích, điệp viên xâm nhập miền Bắc. Tiến hành các thủ đoạn chiến tranh tâm lý như thả truyền đơn, radio, quà tặng xuống các khu vực giáo dân, nông thôn miền Bắc. Mặc dù được SOG tài trợ, huấn luyện nhưng tất cả những cuộc hành quân biệt kích biển, vượt tuyến đều do biệt kích, người nhái của Quân đội Sài Gòn đảm nhiệm.
Năm 1964, Ban Cố vấn Hải quân Mỹ tổ chức thành 7 bộ phận. Những bộ phận quan trọng chuyên việc huấn luyện thủy thủ đoàn lái tàu Nasty và các toán biệt kích biển. Kế hoạch 37 triển khai với sự phối hợp giữa SOG và Nha Kỹ thuật của Quân đội Sài Gòn. Hải quân Mỹ chuyên soạn thảo kế hoạch hành quân; huấn luyện thủy thủ, biệt kích và bảo đảm cho kế hoạch. Sở Phòng vệ Duyên hải trực thuộc Nha Kỹ thuật chuyên về những vấn đề yểm trợ khác. Sở này có 5 toán, gồm 15 biệt kích quân biển; 18 nhân viên, thủy thủ đoàn lái tàu Nasty và toán bảo dưỡng tàu. Tất cả đều nằm trong Kế hoạch 37. Nhiệm vụ chính của Sở chỉ huy là tuyển mộ thủy thủ và biệt kích quân.
Tất cả những cuộc hành quân biệt hải chỉ được triển khai khi nhận được sự chấp thuận của giới chức thẩm quyền ở Washington. Riêng Hải quân Mỹ có trách nhiệm chọn mục tiêu, soạn thảo kế hoạch hành quân, phối hợp và chỉ huy các cuộc hành quân. Tính từ tháng 4 cho đến tháng 12/1964, các toán biệt kích biển đã tổ chức 32 cuộc vượt tuyến tấn công, phá hoại các mục tiêu dọc theo bờ biển miền Bắc như trạm kiểm soát, cầu, các đảo nhỏ, đài radar.
Cụ thể, ngày 12/6/1964, biệt hải phá hủy một nhà kho. Cuối tháng 6, phá sập một chiếc cầu. Tháng 7, phá hủy một nhà bơm nước; đánh chìm 3 chiếc tàu nhỏ. Ngày 30/7, bốn chiếc tàu PTF đến đông nam Hòn Me (19º vĩ bắc, 106º 16’ độ kinh đông), chia làm hai tốp. Tàu PTF-3 và PTF-6 hướng về Hòn Me; hai tàu PTF-5 và PTF-2 đi về Hòn Niêu. Cả hai tốp đều đến bắn phá binh trạm, xưởng quân khí, trạm tiếp liệu. Khi bị tàu Swatow của Hải quân Bắc Việt đuổi theo, cả hai tốp đều chạy về hướng nam. Nhân chuyện này, Mỹ dựng lên “Sự kiện chiến hạm Maddox bị tấn công ngoài khơi vịnh Bắc Bộ”, để có cớ gây ra chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân.
Đến cuối năm 1964, SOG ra lệnh cho NAD gia tăng các chuyến hành quân biệt hải. Tính riêng năm 1965, có 170 chuyến vượt tuyến bắn phá, quấy rối hải phận miền Bắc Việt Nam. Năm 1966, NAD tổ chức 126 cuộc hành quân chính và 56 cuộc hành quân phụ. Trước tình hình trên, Hà Nội đã tăng cường lực lượng bảo vệ dọc theo bờ biển, gây trở ngại lớn và rất nguy hiểm cho các toán biệt kích biển; đương nhiên, càng khó khăn hơn cho các cuộc tập kích lên bờ. Bởi thế mà trong 34 trận tập kích của SOG ở vùng biển Bắc Bộ, chỉ có 4 trận được coi là thành công.
Toán biệt hải được cố vấn Mỹ huấn luyện tại Đà Nẵng
Bắt đầu từ năm 1967, cường độ các cuộc hành quân biệt hải trong Kế hoạch 37 giảm đi trông thấy. Năm 1967, theo kế hoạch có 151 cuộc hành quân thì chỉ triển khai được 125 cuộc, hủy bỏ 19 cuộc vì thời tiết; 7 cuộc do bị hỏng phương tiện tàu bè hoặc nhân viên có vấn đề.
Ngày 1/11/1968, tất cả những cuộc hành quân vượt tuyến trong Kế hoạch 37 đều bị đình chỉ. Đến tháng 7/1971, Sở Phòng vệ Duyên Hải đảm nhiệm hoàn toàn các cuộc hành quân xâm nhập biển Bắc Bộ.
Theo tài liệu: “The secret War Against Hanoi” by Richard H. Shultz Jr.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P8
KẾ HOẠCH 39 – CHIẾN TRANH TÂM LÝ
Nằm dưới vĩ tuyến 17, dọc theo hải phận Việt Nam, đến ngoài khơi biển Đà Nẵng có một đảo nhỏ, phương ngữ gọi là Cù Lao Chàm. Khi người Mỹ đến Đà Nẵng, họ gọi là “Hòn đảo thần tiên” (Paradise island). Đảo nhỏ này đã trở thành “vùng đất tự do” cho những ngư dân vùng biển Bắc Bộ bị biệt kích bắt cóc đem đến theo sách lược của “Phong trào Gươm thiêng ái quốc”.
Những người đẹp Đà Nẵng với vòng hoa trong tay để đón lính Mỹ đổ bộ vào ngày 8/8/1965
Theo Kế hoạch 39 (OP 39), trước tiên SOG xây dựng trên hòn đảo những làng nhỏ theo khuôn mẫu những làng chài dọc theo bờ biển Bắc Bộ. SOG để ý đến từng chi tiết nhỏ, sao cho giống hệt khuôn mẫu. Vấn đề còn lại là làm sao đem được những người dân chài miền Bắc đến đảo, mà họ tin rằng vẫn còn sống trên đất Bắc. Để làm được điều đó, SOG lập 1 đơn vị biệt kích biển cho phong trào “Gươm thiêng ái quốc”. Bắt đầu từ tháng 5/1964, những chiếc tàu vũ trang không tên sẽ xâm nhập vào hải phận miền Bắc Việt Nam để bắt cóc ngư dân đem đến Cù Lao Chàm.
Nhân viên, thủy thủ trên những chiếc tàu bí mật đó đều nói giọng miền Trung hoặc miền Bắc Việt Nam, nhiều người di cư vào Nam từ năm 1954. Tàu nào cũng treo cờ của phong trào “Gươm thiêng ái quốc” và thủy thủ đoàn tự xưng là hội viên của phong trào trên.
Như vậy, hoạt động của lực lượng biệt hải là sự kết hợp giữa hai chương trình của Kế hoạch 39 và Kế hoạch 37. Ban Cố vấn Hải quân, thật ra là mật danh của Trung tâm điều hành Kế hoạch 37, đặt tại Đà Nẵng. Trung tâm này chuyên trách quản lý phương tiện tàu bè, nhân viên, thủy thủ biệt phái cho phong trào “Gươm thiêng ái quốc”, để thực thi những hải vụ bắt cóc ngư dân miền Bắc. Thiếu tá Roger Mc Elroy, một trong số rất ít người Mỹ đã từng xâm nhập vùng biển Bắc Bộ, trong một hải vụ, ông ta kể lại rằng: “Những chiếc tàu đó được đóng bằng gỗ để tránh bị radar phát hiện và được giấu ở Đà Nẵng chứ không phải để cho ngư dân trên đảo sử dụng. Thỉnh thoảng, tôi đi theo toán biệt hải. Lúc lên tàu, tôi mặc quần áo ngụy trang, đội lưới che măt và không đem theo bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào hay vật dụng gì chứng minh tôi là người Mỹ”. Khi vào đến hải phận miền Bắc Việt Nam, MC Elroy không được lên trên boong tàu, nhiệm vụ của ông ta là liên lạc với lực lượng Hải quân Mỹ đang có mặt ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.
Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, 8/8/1965
Khi bắt được ngư dân hoặc thường dân sống dọc theo bờ biển Bắc Bộ, nhân viên SOG cho họ biết rằng đang nằm trong tay phong trào “Gươm thiêng ái quốc”, một phong trào yêu nước, và họ sẽ được đưa đến phần đất đã được giải phóng dọc theo bờ biển. Những người bị bắt cóc sau đó được giải thích vì lý do an ninh nên phải bịt mắt, đưa xuống hầm tàu. Khi đến Cù Lao Chàm, họ được đưa lên trên boong tàu, gỡ băng bịt mắt ra và trước mắt họ là một làng chài đã được giải phóng, như ở đâu đó ngoài Bắc. Tất cả mới là khúc dạo đầu. Những ngày sau đó là phần tuyên truyền những người bị bắt cóc.
Theo Đại tá Don Blackburn, một trong những ông trùm của SOG thì “Mục đích của Kế hoạch 39 này là làm cho họ tin rằng đang ở trong một làng giải phóng ở miền Bắc. Khi trả họ về, họ sẽ loan tin là lực lượng kháng chiến có thật và đã giải phóng nhiều vùng ở miền Bắc”.
Những người bị bắt cóc sẽ sống trên đảo hoang khoảng ba tuần lễ. Trong khoảng thời gian đó, họ chỉ gặp những người nói giọng miền Bắc, họ ăn uống, nói chuyện về đời sống dưới chế độ cộng sản, những điều về phong trào “Gương thiêng ái quốc”. Lại có người được đưa đi thăm những làng ở trên đồi, gây cho họ ý tưởng về những căn cứ kháng chiến nằm sâu trong vùng rừng núi ngoài Bắc.
Jack Singlaub, người thay Blackburn, kể thêm: “Chúng tôi lo cho họ rất chu đáo, người nào cũng mập ra, chữa bệnh cho họ và làm cho họ cảm thấy sống trong vùng kháng chiến sướng hơn dưới chế độ cộng sản. Chúng tôi lấy tin tức từ những người bị bắt cóc và cho họ biết một số biểu hiện suy đồi của giới lãnh đạo Hà Nội. Những ngư dân đôi khi cũng cho biết tên tuổi của một số viên chức tham nhũng trong chính quyền Hà Nội. Đài Gươm thiêng ái quốc theo đó mà nêu đích danh tên tuổi những giới chức tham ô, lạm dụng quyền lực ở đối phương khá chính xác, gây sự nghi ngờ trong nội bộ chính quyền Hà Nội”.
Trong những ngày cuối cùng ở Cù Lao Chàm, họ được dặn dò liên lạc với phong trào “Gươm thiêng ái quốc” địa phương. Họ được trao quà lưu niệm, những đồ dùng khan hiếm ở miền Bắc và radio để nghe đài “Gươm thiêng ái quốc”. Sau đó, họ được thả về làng cũ bằng cách thức như lúc họ bị bắt cóc đưa đến Cù Lao Chàm.
Năm 1966, được coi là năm hoạt động hiệu quả, 353 ngư dân và thường dân ngoài Bắc được đưa đến Cù Lao Chàm. Từ năm 1964 đến năm 1968, tổng cộng có 1.003 ngư dân và dân thường bị bắt cóc đưa đến Cù Lao Chàm để phong trào “Gươm thiêng ái quốc” “truyền giáo” . Quả thực, Kế hoạch 39 có cách thức hoạt động y như trong tiểu thuyết (!)
Toán Biệt hải tại Đà Nẵng
Trong những hải vụ xâm nhập, đương nhiên không thể tránh khỏi những cuộc đụng độ với tàu tuần tiễu của Bắc Việt. Trong trường hợp này nếu bắt được tù binh thì họ sẽ bị đưa ra tòa án “Gươm thiêng ái quốc”, tù binh sẽ bị khép vào tội “chống lại quê hương của họ” và lãnh án tử hình. Điều đó khác hẳn những gì mà phong trào “Gươm thiêng ái quốc” thường nêu cao là “phụng sự hòa bình”. Do đó, tù binh không bị tử hình mà được đưa đến Cù Lao Chàm. Tại đây, những tù binh luôn được rỉ tai, tuyên truyền kỹ lưỡng. Chưa hết, trước khi được trả về làng cũ, tù binh sẽ bị bắt buộc phải viết giấy thú tội, thề sẽ trung thành với phong trào.
Trong trường hợp ai đó bị khuất phục, họ sẽ được chọn lọc, huấn luyện thêm để làm việc cho phong trào. Khi trở về lại nguyên quán, họ sẽ hoạt động ngầm, tuyên truyền cho phong trào. Những người thật sự muốn ở lại “phần đất tự do” sẽ được đưa tiếp vào miền Nam, sống trong những khu định cư dành cho những phần tử chiêu hồi. Trong tay SOG, phong trào “Gươm thiêng ái quốc” thật sự trở thành công cụ phá hoại, chống lại chế độ xã hội ở miền Bắc, bằng việc xúi giục dân chúng miền Bắc vũ trang chống lại chế độ hoặc tổ chức ám sát giới chức lãnh đạo.
Tuy Hòa, 22/03/1975. Ảnh Nick Út
Tuy nhiên, mọi dự án đều không được chấp thuận. Theo tài liệu đã được giải mã thì Washington có bốn trở ngại. Thứ nhất, bành trướng phong trào “Gươm thiêng ái quốc” sẽ vi phạm đến những điều luật trong hiệp định Geneve, lộ âm mưu chống lại chính quyền Bắc Việt. Thứ hai, Washington lo ngại phong trào sẽ đi quá trớn, rất khó kiểm soát. Thứ ba, nếu gây ra sự khủng hoảng ở miền Bắc, có thể sẽ làm Hà Nội phản ứng mạnh mẽ bằng cách đưa thêm quân vào miền Nam. Thứ tư, nếu giấc mơ chế độ miền Bắc suy sụp trở thành hiện thực, biết đâu Trung Hoa sẽ nhảy vào vòng chiến đấu như cuộc chiến ở Triều Tiên.
Song song với đài “Gươm thiêng ái quốc”, Kế hoạch 39 đã tạo nên nhiều đài phát thanh khác như đài “Tiếng nói tự do” (Voice Of Freedom). Đài này thường đọc tin tức, thông qua các diễn đàn văn hóa để tuyên truyền về đời sống và lối sống tự do theo kiểu Mỹ. Trung bình mỗi tuân đài này phát thanh tới 75 giờ.
Bên cạnh đó còn có đài phát thanh “Cờ đỏ” (Red Flag), tập hợp những phần tử chống cộng quyết liệt, chuyên xuyên tạc, vu khống lãnh đạo và chế độ xã hội ở miền Bắc Việt Nam. Đồng thời đài còn cố tình xuyên tạc, gây hiềm khích giữa các nước XHCN với nhau, hoặc giữa các nước ủng hộ Việt Nam với dân tộc Việt Nam.
Cơ quan Trung ương tình báo Mỹ còn lập đài phát thanh “Sao đỏ” (Red Star) để chống lại Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đài này đưa ra khẩu hiệu “Miền Nam Việt Nam là của người miền Nam”.
Tất cả những hoạt động ngoài vĩ tuyến 17 được lệnh chấm dứt vào tháng 11/1968, sau khi chính quyền Johnson quyết định chấp nhận đề nghị của Hà Nội, tìm giải pháp cho hòa bình. Theo đó, Kế hoạch 39 buộc phải bỏ rơi Cù Lao Chàm, vốn được CIA đặt cho cái tên nghe rất cổ tích “Đảo thần tiên”, nhưng lại là nơi toan tính biết bao thứ của họ.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P9
HÀNH QUÂN SHINING BRASS
Năm 1965, Đại tá Donald Blackburn được bổ nhiệm là chỉ huy trưởng Liên Đoàn Nghiên cứu, quan sát (SOG). Là một sĩ quan lâu năm trong lực lượng biệt kích, ông ta rất nổi tiếng về lý thuyết chiến tranh du kích. Theo lệnh của tướng Westmoreland, SOG tiến hành xâm nhập hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, tuyến giao thông huyết mạch đưa Quân đội Bắc Việt vào chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam.
Vào thời điểm đó, chưa ai biết chắc chắn chuyện gì đang xảy ra bên Lào. Thế là họ thành lập Trung tâm hành quân Shining Brass, do SOG đảm nhiệm, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Arthur D. “Bull” Simons. Ông ta là một người có tầm vóc đáng nể, rất xứng đáng với danh hiệu “Bò mộng” hay “Người khổng lồ”.
Trong Chiến Tranh Thế Giới lần II, Tiểu đoàn Biệt động quân số 6 của Bull Simons là đơn vị trinh sát, làm tai mắt cho Sư đoàn Dù số 11 của Mỹ, vừa là đơn vị mũi nhọn trong trận đổ bộ lên đảo Leyte, Phillipin.
Đại tá "Bull" Simons (hàng ngồi, thứ 3 từ trái sang) cùng các thành viên Tiểu đoàn đặc nhiệm số 6. Chính Simons là người chỉ huy cuộc tập kích Sơn Tây ngày 21/11/1970, với thành phần chính được chọn từ Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 6 & 7
Đại tá Bull Simons từng biết vùng Nam Lào, bởi trước đó ông ta đã tuyển mộ, huấn luyện người dân tộc Kha cho CIA vào những năm 1961-1962. Khi Hiệp định Geneva 1962 về trung lập hóa vương quốc Lào được ký kết, Bull Simons cùng những phi vụ mật của ông ta ở Lào cũng tạm thời chấm dứt.
Trung tâm hành quân Shining Brass tuyển quân tình nguyện từ Liên đoàn biệt kích số 1 của Mỹ và bắt đầu huấn luyện tại Okinawa, Nhật Bản. Đến cuối mùa hè 1962, có 16 biệt kích Mũ Nồi Xanh đã kết thúc khóa huấn luyện, đủ khả năng tăng cường cho 5 toán thám báo, còn thừa 1 người làm dự bị. Theo cách thức tổ chức của Bull Simons, mỗi toán thám báo sẽ gồm 2 hoặc 3 biệt kích Mũ Nồi Xanh của Mỹ và 9 biệt kích quân tuyển mộ từ các bộ tộc thiểu số của Lào. Toán thám báo hỗn hợp này có đầy đủ kinh nghiệm để thực thi những phi vụ được giao, lại thêm được CIA trang bị đầy đủ các phương tiện, vũ khí, máy móc tối tân; cộng với kinh nghiệm đi rừng, mật phục của các biệt kích quân người dân tộc thiểu số, chiếm số lượng chủ chốt trong toán, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu những thiệt hại về nhân mạng cho lực lượng Mũ Nồi Xanh của Mỹ.
Lúc đầu, quân số của toán thám báo hỗn hợp phần lớn là người Nùng. Gốc gác của họ từng định cư ở phía nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, họ được người Pháp biết đến như là những chiến binh can trường. Đặc biệt là về những hoạt động biệt kích trong lòng đối phương, họ luôn tỏ ra có khả năng trội hơn. Vì vậy, chính quyền Sài Gòn luôn dành cho họ những đặc quyền như: không phải động viên và thực hiện luật nghĩa vụ quân sự; các quân nhân Nùng có cấp bậc thấp đều được trợ cấp 60 USD/ 1 tháng, tương đương với mức lương của sĩ quan cấp Úy trong Quân đội Sài Gòn.
Theo kế hoạch của Bull Simons, trước tiên các toán thám báo sẽ do thám để phát hiện các căn cứ, nơi đóng quân của Quân đội Bắc Việt. Sau đó, chỉ điểm cho máy bay đến oanh kích các mục tiêu trên. SOG tổ chức thêm những đại đội xung kích, sử dụng chiến thuật trực thăng vận tấn công chớp nhoáng vào những căn cứ, sở chỉ huy, kho quân dụng của đối phương do những toán thám báo tìm ra. Dưới sự yểm trợ mạnh mẽ về hỏa lực của không quân, các đại đội xung kích (Hatchet Force) được máy bay đổ bộ xuống, tràn vào các mục tiêu, phá hủy rồi rút nhanh, trước khi đối phương kịp trở tay. Những đợt tấn công chớp nhoáng này đều nằm trong chương trình giai đoạn hai của cuộc hành quân.
Đến giai đoạn ba, SOG sẽ tuyển quân từ các bộ tộc thiểu số của Lào, tiến hành phục kích phá hoại các đơn vị Bắc Việt; khiến họ phải tập trung vào vấn đề an ninh. Theo tính toán của Blackburn, lúc đó đối phương sẽ là miếng mồi ngon lành cho các phi vụ oanh kích của máy bay và các đại đội xung kích. Tuy nhiên kế hoạch của Đại tá Blackburn bị viên Đại sứ Mỹ tại vương quốc Lào là William Sullivan ngăn cản. Ông đại sứ giới hạn phạm vi hoạt động của SOG chỉ trong hai ô vuông trên bản đồ dọc theo biên giới Việt – Lào. Ông ta còn ra điều kiện cho tất cả các cuộc oanh kích đều phải xuất phát từ lãnh thổ Thái Lan và cấm sử dụng trực thăng đổ quân xâm nhập. Vì vậy các toán thám báo đều phải đi bộ xâm nhập vào đất Lào, mặc dù họ vẫn có thể được trực thăng bốc về trong trường hợp khẩn cấp.
Để tránh rắc rối với vị Đại sứ Mỹ tại Lào, Đại tá Blackburn quay sang xin một phi đoàn trực thăng 219 của Không quân Quân đội Sài Gòn, đóng tại Đà Nẵng biệt phái sang Lào. Tuy rằng những phi công trong Phi đoàn 219 đều lái những chiếc trực thăng H34 cũ kỹ, nhưng rất bảo đảm, vì họ được đánh giá là những quân nhân can đảm và là niềm kiêu hãnh của lực lượng SOG, do đã giải cứu được nhiều biệt kích quân.
Đầu tháng 9/1962, Đại tá Bull Simons lập sở chỉ huy tiền phương của cuộc hành quân Shining Brass tại Đà Nẵng, do Trung tá Ray Call chỉ huy. Sở chỉ huy tại Sài Gòn bắt đầu gọi Sở chỉ huy ở Đà Nẵng là tiền phương của tiền phương cho các toán viễn thám trong cuộc hành quân Shining Brass. Sau này Sở chỉ huy trên trở thành sở chỉ huy vùng như các sở chỉ huy Bắc, Trung, Nam (CCN, CCC, CCS). Riêng Sở chỉ huy Đà Nẵng nằm trong phi trường.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn còn cách xa biên giới Việt – Lào, mà Trung tâm hành quân Shining Brass cần 1 căn cứ hành quân cụ thể (FOB) để làm nơi chứa quân, cung cấp nhiên liệu cho trực thăng và đưa các toán thám báo xâm nhập. Họ quyết định sử dụng trại biệt kích Khâm Đức, cách Đà Nẵng 60 dặm về hướng tây nam, cách biên giới Việt – Lào chừng 10 dặm, làm căn cứ hành quân. Thiếu tá Charlie Norton được chỉ định làm chỉ huy trưởng căn cứ, Đại úy Larry Thorne chịu trách nhiệm thả các toán thám báo.
Trước mắt đã có 5 toán biệt kích đầu tiên (Iowa, Alaska, Idaho, Kansas và Dakota) kết thúc khóa huấn luyện tại trại Khâm Đức. Toán trưởng mỗi toán có mật hiệu là “Một – không” (One – Zero); toán phó là “Một – một”; nhân viên truyền tin là “Một – hai”. Ngoài ra, có thể có thêm thành viên người Nùng, hoặc thêm 1 sĩ quan biệt kích của Quân đội Sài Gòn đi theo để học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật thám báo.
Toán đầu tiên xâm nhập lãnh thổ Lào, trong chương trình hành quân Shining Brass là toán Iowa gồm 2 biệt kích quân Mỹ, 1 sĩ quan biệt kích Quân đội Sài Gòn và 7 biệt kích quân Nùng. Họ mặc quân phục không cấp bậc, phù hiệu đơn vị; quần áo, ba lô đều sản xuất tại Việt Nam. Vũ khí toán Iowa được trang bị gồm tiểu liên 9 ly của Thụy Sĩ; súng ngắn 9 ly của Bỉ. Tất cả đồ trang bị cho họ đều bí mật, trong trường hợp bị phát hiện, đối phương cũng không thể biết họ là ai.
Trong trường hợp toán bị bắt sống, các thành viên Iowa được dặn dò phải trả lời rằng họ trên đường đi tìm chiếc máy bay C123 bị bắn rớt và không ngờ “đi lạc” sang biên giới. Để câu trả lời có thêm trọng lượng, SOG còn làm thêm bản đồ giả, trong đó có đường biên giới quốc gia Việt – Lào dời sang lãnh thổ Lào tới 10 km về hướng tây (!)
Mặc dù Hà Nội không công nhận có quân ở bên Lào, nhưng đến tháng 10/1965, quân phòng vệ, công binh, tiếp vận của họ ở bên Lào lên đến 30.000 quân, chưa kể 4.500 quân xâm nhập vào miền Nam hàng tháng. Khoảng 200 xe vận tại chở đồ tiếp tế di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh hàng tháng. Đến mùa khô 1964-1965, qua không ảnh do máy bay thám thính U -2 chụp được cho thấy đối phương mở thêm đường mới bên Lào và đã thông đường cho xe vận tải.
Mục tiêu cho toán Iowa là D-1, ở vị trí khoảng 20 dặm về hướng tây bắc Khâm Đức, nơi có đường 165 của Lào đến gần biên giới. Mục tiêu D-1 là vị trí mà quân Mỹ nghi quân Bắc Việt đặt súng cối bắn hỏa tiễn vào các đơn vị thủy quân lục chiến và căn cứ không quân Mỹ đóng tại Đà Nẵng.
Ngày 18/10/1965, báo chí Mỹ đăng tin Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 của họ chạm trán quyết liệt với 2 Trung đoàn 66 và 33 của Quân đội Bắc Việt tại thung lũng Ia Drang. Không ai biết cùng thời điểm ấy, tại trại Khâm Đức đang diễn ra một phi vụ bí mật.
Thung lũng Ia Drang, nơi 2 bên chủ động gặp nhau, và trở thành 1 trong
những trận đánh đẫm máu nhất trong chiến tranh VN
Đầu giờ chiều, tất cả các thành viên trong toán Iowa đều mở ba lô ra để kiểm tra mọi tư trang lần cuối cho chắc chắn. Họ không được phép mang theo những gì liên quan đến Mỹ. Trong khi các biệt kích quân đang thử lại súng của họ thì Thiếu tá Norton, Đại úy Thorne đưa các phi công Việt Nam, phi công trực thăng yểm trợ và máy bay thám thính, điều hành không yểm trợ tiền tuyến (FAC) đến Trung tâm hành quân bàn kế hoạch thả toán biệt kích Iowa.
Nơi thả toán Iowa là một khu vực cây cối đã bị đốn và đốt cháy, vì dân tộc Lào cũng như ở Việt Nam có thói quen đốt rừng làm rẫy. theo kế hoạch, toán sẽ được thả vào lúc trời sắp tối. Như vậy, đối phương sẽ không có thời gian cho quân truy lùng như ban ngày. Trường hợp chạm trán với đối phương ngay tại bãi đáp thì trực thăng H34 do phi công Việt Nam lái sẽ bốc toán biệt kích lên, trong lúc các trực thăng vũ trang khác bắn yểm trợ.
Lúc 18h kém 15’ chiều ngày 18/10/1965, máy bay thám thính (FAC) do Thiếu tá không quân Harley Pyles cất cánh trước, chở theo sĩ quan không yểm của SOG tại Sài Gòn là Đại úy thủy quân lục chiến Winfield Sisson. Vài phút sau, Harley Pyles báo cáo về là thời tiết có mây thấp cùng với sương mù. Lập tức lệnh thả toán thám báo được ban ra. Ba chiếc H34 nổ máy, sẵn sàng cất cánh. Các biệt kích quân Mỹ đều phải để lại tất cả giấy tờ tùy thân, từ thẻ bài, thẻ căn cước, cho đến thuốc lá Mỹ. Trong trường hợp họ bỏ mạng, không lấy được xác, thì chính quyền Mỹ sẽ chối bay về hành tung của họ. Xem ra người Mỹ quả là người biết tính toán kỹ.
Đúng 18 giờ chiều, những chiếc trực thăng cất cánh, đem theo toán Iowa. Còn những chiếc trực thăng vũ trang bay theo yểm trợ. Đến địa điểm quy định, ba chiếc H34 đáp xuống chớp nhoáng, thả toán Iowa biến mất vào trong rừng. Đại úy Thorne, người chịu trách nhiệm thả toán Iowa lệnh cho 2 chiếc H34 bay về trước, tiếp theo là máy bay thám thính và trực thăng vũ trang. Thorne chờ cho đến khi toán Iowa báo cáo đã đáp đất an toàn rồi mới bay trở về Khâm Đức. Thế nhưng, Đại úy Thorne cùng chiếc H34 của Phi đoàn 219 không quân Sài Gòn đã mất tích không hiểu vì lý do gì. Thế là ngay phút đầu tiên mở màn, cuộc hành quân Shining Brass đã bị tổn thất.
Chiếc máy bay thám thính do Thiếu tá Pyles lái cùng với Đại úy Sisson cất cánh rời trại Khâm Đức, trên đường về căn cứ Đà Nẵng cũng biến mất luôn. Trong một ngày, Quân đội Mỹ đã mất đi ba quân nhân không tìm ra tung tích. Phải đến 38 năm sau, vào năm 2003, người ta mới tìm ra hài cốt của họ.
Rạng sáng ngày hôm sau, 19/10/1965, Thiếu tá Norton được báo cáo rằng toán Iowa đã đến mục tiêu D-1, có Quân đội Bắc Việt trong khu vực. Đối phương có mặt khắp nơi, đóng quân rải rác dọc theo hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Sang ngày thứ 3 (20/10), sau khi đi qua nhiều nhánh đường mòn, toán Iowa hướng về khu vực có tiếng động cơ xe vận tải để quan sát. Họ chạm trán với toán quân Bắc Việt đang đi tuần. Hai bên nổ súng, một biệt kích Nùng đi dầu trúng đạn gục xuống, quân Bắc Việt ráo riết đuổi theo.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P10
Sau này, Thiếu tá Norton nhớ lại: “Chúng tôi không thể đem trực thăng vào bốc họ ra được”. Do phải đem theo trang bị cùng xác chết biệt kích quân xấu số, toán Iowa lẩn tránh quân Bắc Việt truy lùng một cách chậm chạp. Quân Bắc Việt quyết định tách thành 2 cánh như cánh quạt và tiếp tục truy lùng toán biệt kích. Hai hôm sau, trời quang đãng, toán Iowa gọi 37 cuộc cho máy bay F105 đến oanh kích, rồi trực thăng H34 vào bốc toán Iowa ra khỏi vùng nguy hiểm.
21/09/1966. Thủy quân lục chiến Mỹ
Mục tiêu kế tiếp trong cuộc hành quân Shining Brass nằm cách mục tiêu trước chừng 10 dặm. Đó là một con đường lớn gần biên giới, nơi quân Bắc Việt chọn làm binh trạm, dự trữ vật chất cho những trận tấn công trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Vị trí này được đặt tên là A1. Mục tiêu tấn công nằm trong thung lũng, có cỏ tranh cao, rất dễ để lại dấu vết cho đối phương.
Ngày 20/11/1965, toán thám báo Alaska có 3 biệt kích quân Mỹ xâm nhập mục tiêu A1. Quân Bắc Việt báo động có biệt kích xâm nhập. Hai bên chơi trò mèo vờn chuột cả đêm. Toán Alaska phát hiện ra một hệ thống đường mòn cho xe đạp và đi bộ, xuất phát từ đường 165 bên Lào và dẫn đến nơi xuất hiện những toán tuần tiễu của đối phương đang truy lùng họ. Sau 3 ngày lẩn trốn, đến ngày thứ tư, toán biệt kích Alaska bị Quân đội Bắc Việt tìm ra.
Sau này, một trong số biệt kích quân sống sót nhớ lại: “Chúng tôi chạy hoài, chạy mãi trong nỗi sợ hãi”. Sau cùng toán Alaska quyết định chạy lên 1 ngọn đồi cao nhất, dùng máy truyền tin liên lạc yêu cầu bốc toán về. Quân Bắc Việt bao vây tứ phía. Trên đỉnh đồi là đám cỏ tranh cao hơn đầu người, họ liên lạc được với máy bay thám thính (FAC) và được biết những máy bay oanh kích cùng trực thăng cấp cứu đang trên đường đến mục tiêu. Quân Bắc Việt đốt đám cỏ tranh không cho máy bay tìm thấy toán biệt kích và để bắt sống toán Alaska. Đám biệt kích ráng chịu đựng khói không ra hàng. Mười phút sau, những chiếc F105 đến oanh kích không cho đối phương tiến lên đồi, rồi một chiếc H34 khẩn cấp đáp xuống giữa đám cháy, bốc toán Alaska ra. Trong mắt các biệt kích quân, những phi công của Phi đoàn 219 đã trở thành ân nhân cứu mạng họ.
Đầu tháng 12/1965, những toán thám báo Kansas và Idaho cũng từ trại Khâm Đức xuất phát xâm nhập đất Lào. Tiếp theo đến lượt toán Idaho cũng phải chịu cảnh vừa chạy, vừa tìm lối thoát thân.
Sau vụ đó, Đại tá Bull Simons quyết định đổi hướng xâm nhập. Ngày 11/12/1965, một đoàn 24 chiếc B52 lần đầu tiên thả 2.600 quả bom xuống lãnh thổ Lào, theo sự chỉ điểm của toán biệt kích Iowa.
Sau trận mưa bom này, Đại tá Bull Simons quyết định đổi hướng cuộc hành quân Shining Brass xuống phía nam Lào, giáp với cao nguyên Trung phần của miền Nam Việt Nam. Những toán thám báo từ sân bay Dakto, tiến hành thăm dò vùng lân cận đường 110E của Lào; tìm kiếm các căn cứ của đối phương cũng như hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn, tiến sâu vào lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Tại mục tiêu K1, toán thám báo Kansas mới xâm nhập đã chạm trán với đối phương, buộc phải phân tán. Hai biệt kích quân người Nùng bị mất tích. Toán Idaho nhảy vào cũng chạm trán đối phương, một biệt kích Mũ Nồi Xanh Mỹ bị thương, một biệt kích Nùng tử trận. Tính đến cuối năm 1965, có tất cả 8 chuyến xâm nhập lãnh thổ Lào thuộc chương trình hành quân Shining Brass. Sáu chuyến trong số đó phát hiện ra căn cứ, đường mòn hoặc kho tiếp vận của đối phương.
Trung bình sau mỗi chuyến xâm nhập khoảng 5, 6 ngày sau, các toán thám báo sẽ bay về Sài Gòn để báo cáo kết quả về chuyến xâm nhập với chỉ huy SOG. Những buổi tường trình có thể kéo dài nửa ngày hoặc nhiều ngày. Cuối cùng CIA cũng biết được giá trị của đường mòn Hồ Chí Minh ở tây Trường Sơn (trên đất Lào) trong cuộc chiến Việt Nam.
HÀNH QUÂN PRAIRIE FIRE
Trong tháng 3/1967, để giữ bí mật cho các hoạt động của Đoàn Nghiên cứu, quan sát (SOG) trên đất Lào, cuộc hành quân Shining Brass đổi tên thành “Prairie Fire” (Cánh đồng lửa).
Prairie Fire cũng là mật hiệu khẩn cấp cho những toán viễn thám SOG bị đối phương phát giác và tấn công. Khi một chiếc máy bay thám thính biệt danh Covey nhận được mật hiệu “Prairie Fire Emergency”, Covey sẽ báo cáo về Sở chỉ huy Không yểm Mỹ và chỉ sau vài phút, những phi tuần của không quân, hải quân và thủy quân lục chiến sẽ làm thành một lưới lửa bảo vệ cho trực thăng vào bốc toán viễn thám đi.
Trong một cuộc hành quân, tình cờ trực thăng vũ trang bắn hỏa tiễn xuống một căn cứ của Quân đội Bắc Việt, trúng vào kho quân dụng, làm phát ra một tiếng nổ lớn. Một trung đội xung kích của SOG được gửi đến lục soát ngọn đồi phát ra tiếng nổ. Họ phát hiện ra kho lương thực rất lớn, gồm những bao gạo 100 kg giấu dưới những cây cao. Tất cả vào khoảng 250 tấn, đủ nuôi 1 sư đoàn Bắc Việt trong 6 tuần lễ. Người chỉ huy trưởng thứ 3 của SOG là Đại tá Singlaub rất hãnh diện về “thành tích” khám phá ra một kho lương thực lớn của đối phương trong cuộc chiến Việt Nam.
Giữa tháng 7, toán thám báo do Thượng sĩ Sam Almendariz, Robert Sullivan, Trung sĩ nhất Harry Brown cùng 5 biệt kích Nùng xâm nhập khu vực gần đường 922 của Lào, cách hướng tây thành phố Huế khoảng 60 dặm. Toán thám báo này bị phục kích, chạm trán với 1 nhóm săn biệt kích. Một lính Bắc Việt vật lộn với Sullivan, lấy được khẩu CAR 15 và bắn chết anh ta, còn Harry Brown bị thương ở vai; Almendariz cũng bị một binh sĩ khác bắn chết. Trung sĩ Brown và những biệt kích Nùng còn sống sót bỏ chạy để thoát thân. Sau đó, Brown tìm cách bắt liên lạc, báo tin cấp cứu.
Tại Khe Sanh, khi được thông báo, phi công Việt Nam thuộc Phi đoàn trực thăng 219 lập tức lên đường giải cứu toán thám báo. Mặc dù không có trực thăng vũ trang Mỹ bay theo yểm trợ, viên phi công người Việt với mật danh Cowboy vẫn lái chiếc H34 bay sát ngọn cây tìm toán thám báo. Họ phát hiện được Brown cùng vài biệt kích quân Nùng, nhưng vị trí toán thám báo không thể đáp xuống được. Trong khi đó Quân đội Bắc Việt vẫn ráo riết truy lùng toán biệt kích. Nhìn thấy chiếc H34, đối phương sử dụng mọi hỏa lực trong tay bắn chiếc H34, khiến viên phi công phải bỏ ý định tìm bãi đáp để bay về Khe Sanh.
Tại căn cứ Khe Sanh, sau khi tiếp thêm xăng, Cowboy xem qua chiếc máy bay cũ kỹ và nhận thấy dù bị ăn đạn nhưng vẫn còn bay được. Do lo lắng cho sinh mạng của phi hành đoàn, viên phi công cho phép phi công phụ cùng người xạ thủ đại liên ở lại căn cứ. Cowboy một mình bay đi giải cứu toán thám báo. Lần này hỏa lực đối phương bắn lên như mưa, trúng vào cổ viên phi công, nhưng cuối cùng anh ta cũng câu được Brown lên cùng với mấy biệt kích Nùng, đưa về căn cứ Khe Sanh.
Qua sự kiện trên, Quân đội Bắc Việt biết rằng biệt kích quân Sài Gòn đã xâm nhập, do thám và phá hoại vùng giải phóng, căn cứ binh trạm, đặc biệt là tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của họ.
Để đề phòng, Quân đội Bắc Việt sử dụng Lữ đoàn Dù số 305. Lữ đoàn này tập hợp những quân nhân tinh nhuệ, được tuyển chọn kỹ lưỡng. CIA có thể không biết rằng một bộ phận của Lữ đoàn Dù này được sử dụng để chống lại biệt kích quân. Nhiệm vụ của họ là truy lùng và tiêu diệt những toán thám báo của SOG.
Điều này đã được kiểm chứng. Hai toán biệt kích bị tấn công ngay tại vị trí đóng quân đêm. Trường hợp thứ nhất, cả toán đều bị tiêu diệt. trường hợp thứ hai, theo báo, tất cả đều mất tích. Trong đó có Trung sĩ Gunther Wald, William Brown và Donald Shue. Qua các trận đụng độ cho thấy, đơn vị chống biệt kích của đối phương hoạt động trong khu vực nằm giữa Khe Sanh và Tchepon. Một tiểu đoàn khác hiện diện tại thung lũng A Sầu kéo dài 20 dặm về phía tây và một tiểu đoàn thứ ba tuần tiễu tại khu vực phía nam vương quốc Lào và bắc lãnh thổ Campuchia.
Toán thám báo Maine do Trung sĩ nhất David Baker làm trưởng toán, bao gồm toán phó là Trung sĩ Sherman Miller, hiệu thính viên là Trung sĩ Mike Buckland và 5 biệt kích quân người dân tộc thiểu số. Toán này xâm nhập vào căn cứ của đối phương, bị phát hiện và truy lùng. Bất ngờ, toán Maine chạm trán với 9 quân nhân Bắc Việt cùng với máy truyền tin đang trên đường đi tìm họ. Toán Maine nổ súng chớp nhoáng, rồi cắm đầu chạy xuống bên kia sườn đồi, bỏ lại phía sau tiếng súng AK bắn đuổi theo của đối phương. Một giờ sau, toán Maine được trực thăng bốc về căn cứ. Thật may mắn, chỉ có 2 biệt kích quân bị thương.
Trong một trường hợp khác, máy bay thám thính Covey đang bao vùng trên không phận phía nam Lào báo cáo: “Tôi nhận được tín hiệu khẩn cấp trên máy vô tuyến”. Một biệt kích quân Mỹ gào trên máy bộ đàm: “Xuống đem tôi ra”. Phi công yêu cầu anh ta bình tĩnh vì biết rằng biệt kích quân nọ bị lạc một mình, mất liên lạc với toán. Mặc dù, anh ta chưa biết lý do tại sao.
Toán viễn thám do Miguez làm trưởng toán có thêm Bill Pilton, Mike Glenn. Miguez là một cựu thủy quân lục chiến. Trong chuyến sang Việt Nam lần trước, anh ta từng tham gia cuộc hành quân Delta, do Liên đoàn biệt kích số 5 của Mỹ đảm nhiệm. Lần này, khi xâm nhập lãnh thổ của đối phương, Miguez biết đã bị đối phương phát giác và truy lùng, tuy nhiên anh ta vẫn hy vọng lẩn tránh được. Đó là sự lầm lẫn đáng tiếc, và anh ta chẳng bao giờ còn cơ hội sửa chữa.
Cùng ngày, một trưởng toán khác, Trung sĩ nhất Fred Zabitosky được bốc ra từ một mục tiêu khác gần đó. Zabitosky đang ở trong căn cứ hành quân tiền phương Dakto thì nhận được lệnh thả thêm một toán cấp cứu Bright Light. Toán trưởng Bright Light vốn là một kẻ rất nhát. Anh ta đã nhầm lẫn tai hại khi tình nguyện về đơn vị SOG. Zabitosky luôn tìm mọi lý do để không tham gia vào các cuộc hành quân. Khi nhận lệnh, Zabitosky nổi nóng: “Thôi được! Để tôi đi cứu họ!”.
Tối hôm đó, Zabitosky nghe một câu chuyện rất lý thú do Glenn, một thành viên trong toán của Miguez kể lại: “Sáng hôm đó, Quân đội Bắc Việt bất ngờ hiện ra, toán biệt kích không bắn được lấy một phát súng”.
Tất cả đều bị bắt, trừ toán phó Pilton trốn thoát. Họ tha chết cho Glenn, và cố tình cho trực thăng vào bốc anh ta về để tay này kể lại: Viên sĩ quan Bắc Việt biết nói tiếng Anh, chỉ vào cái xác của Miguez, dặn Glenn về nói lại với quân biệt kích Mũ Nồi Xanh Mỹ rằng những gì diễn ra hôm nay, cũng đang đợi họ ở đất Lào!
Nhiều người không tin Glenn, cho rằng anh ta bịa đặt vì hèn nhát. Một Trung tá biệt kích Mỹ từ Đà Nẵng vào, ra lệnh đi tìm sự thật về toán thám báo của Miguez. Toán thám báo do Zabitosky làm trưởng toán đã tìm ra bãi thả toán của Miguez. Lần theo dấu vết khoảng 600 thước, đến một ngọn đồi, họ tìm thấy ba lô, những đồ trang bị bỏ lại của toán biệt kích lúc bị bắt. Xa hơn chút nữa họ trông thấy cây, khoảng đất bị súng phun lửa đốt cháy và xác chết mấy biệt kích quân người Thượng nằm rải rác. Thêm một ngày gay co cho Zabitosky mới tìm thấy xác Miguez, nhưng do áp lực của đối phương quá mạnh nên đành phải bỏ lại xác mấy biệt kích quân người Thượng.
Khe Sanh, 08/1965. Betsy Halstead, phóng viên hãng UPI, trong một chuyến thăm chồng ở trại LLĐB Khe Sanh, sau khi nghe kể về những nguy hiểm thường trực ở đây, đã tự tập cách sử dụng các loại vũ khí cá nhân (!)
Trong tháng 6/1967, đại đội xung kích (Hatchet Force) tấn công mục tiêu Oscar Eight, khoảng 25 dặm về hướng tây bắc thung lũng A Sầu, nơi đường 922 tách rời đường 92. Có thể coi đây là vùng đất của tử thần, vì máy bay Mỹ rơi nhiều nhất trên đất Lào. Vùng đồi núi mục tiêu Oscar Eight được bảo vệ bởi lưới lửa phòng không mạnh mẽ, cũng là nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn vận tải 559, do tướng Võ Bẩm chỉ huy. Đó là trung tâm kiểm soát đường mòn Hồ Chí Minh.
Cả SOG lẫn tình báo Không quân đều tin rằng Oscar Eight là kho dự trữ quân dụng lớn nhất ở ngoài lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Trung sĩ John Meyer xâm nhập gần Oscar Eight nói rằng: “Chỗ đó rất nóng, nguy hiểm. Toán nào vô cũng chạy c... ra quần!” Trước trận tập kích năm 1967, đơn vị kiểm thính Mỹ cho biết, mỗi ngày có khoảng 2.300 công điện xuất phát từ đó đi Hà Nội. Tướng Westmoreland tin rằng nơi đó đặt Bộ chỉ huy Quân đội Bắc Việt hoạt động trên địa bàn lãnh thổ Quân khu I của Quân đội Sài Gòn.
Do đó, ông ta quyết định mở cuộc tập kích với quy mô rất lớn, được mở màn bằng trận oanh tạc của “pháo đài bay” B52, nhằm xóa căn cứ quan trọng của Quân đội Bắc Việt, với cái tên Tây là Oscar Eight.
01/04/1965. Phi công chính trúng đạn tử thương trong khi viên sĩ quan LLĐB được bốc về phải làm thay nhiệm vụ của xạ thủ đại liên, người bị thương nằm bên cạnh
Trận tập kích bắt đầu với 9 chiếc B52 thả hàng ngàn bom có trọng lượng từ 500-750 cân Anh xuống mục tiêu Oscar Eight, gây nhiều tiếng nổ phụ. Khi màn khói tan dần, 9 chiếc H34 Kingbee, do phi công Việt Nam lái, cộng 5 chiếc CH46 Sea Knight thả đại đội xung kích Nùng xuống kiểm tra. Quân Bắc Việt có mặt khắp nơi, như từ dưới đất mọc lên, đã bao vây khoảng 100 biệt kích quân, khi đó đang ẩn nấp trong những hố bom, gọi phi cơ yểm trợ tiếp cận. Nhưng hỏa lực phòng không của đối phương rất mạnh. Một chiếc khu trục A1 Skyraider trúng đạn, bốc cháy. Tại bãi đáp ở dưới, Trung sĩ nhất Charles Wilklow trực chiếc A1 đã chứng kiến cảnh chiếc Skyraider đâm đầu xuống đất, kéo theo mạng sống của người phi công. Những biệt kích Nùng và Mỹ cùng nấp dưới hố bom, lo chống trả những đợt tấn công của đối phương. Họ phải chiến đấu như vậy suốt cả chiều và đêm.
Ngày hôm sau, máy bay trực thăng và phản lực mới từ căn cứ Khe Sanh đến giải cứu cho đại đội xung kích. Hai chiếc trực thăng vũ trang của thủy quân lục chiến Mỹ bay thấp đã bị bắn rơi. Tiếp đến một chiếc Kingbee cũng trúng đạn bốc cháy. Rồi một chiếc CH46 của thủy quân lục chiến cũng đáp xuống bốc được một trung đội biệt kích. Cùng lúc đó, một chiếc F4 Phantom trúng đạn phòng không của đối phương, đâm vào núi bốc cháy.
Cùng thời điểm này, tại bãi đáp, Charles Wilklow, Ron Dexter, Billy Ray Laney sẵn sàng cho chuyến bốc thứ 2. Chiếc CH46 bốc được một trung đội biệt kích và bay lên. Bên trong chiếc trực thăng, Wilklow thấy đạn xuyên thủng khắp nơi, một viên trúng vào viên phi công. Chiếc máy bay lảo đảo đâm vào cây rồi rơi xuống đất, đứt làm đôi. Quân đội Bắc Việt tiếp tục nhắm vào chiếc mà nhả đạn. Lính biệt kích Nùng chết, bị thương nằm la liệt khắp nơi. Wilklow thấy Billy Laney trúng đạn ở ngực, có lẽ khó tránh được cái chết. Còn Ron Dexter thì không thấy đâu cả. Xạ thủ đại liên trên chiếc máy bay thủy quân lục chiến trúng đạn vào đầu, nằm chết gục trên thân súng. Wilklow bị thương ở chân, không chạy được, anh ta bò lết vào bụi cây gần đó định trốn.
Trong lúc đó, Billy Waugh bay bao vùng trên bầu trời, lắc đầu nhìn đám cháy ở dưới. Thế là đại đội xung kích Hatchet Force trở về không được một nửa ...Bây giờ chỉ còn hy vọng tìm những biệt kích quân sống sót đang lẩn trốn trong rừng.
Kết quả trận tập kích vào mục tiêu Oscar Eight của SOG thật thảm hại: 23 biệt kích quân Mỹ thiệt mạng; số biệt kích Nùng chết còn gấp đôi.
Tổng cộng có 58 biệt kích quân Mũ Nồi Xanh của Mỹ trong cuộc hành quân đã chết trên đất Lào và Campuchia. Charles Wilklow là người sống sót duy nhất trở về.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P11
KHE SANH
Đầu năm 1966, Đại sứ Mỹ tại Lào là William Sullivan có vẻ dễ tính hơn, đã cho phép Đoàn Nghiên cứu, quan sát (SOG) sử dụng trực thăng để thả hoặc bốc các toán thám báo. Ông ta cũng đồng ý cho SOG hoạt động dọc theo biên giới Việt – Lào, trong phạm vi 20 km trên đất Lào. Với phạm vi được mở rộng, đến giữa năm 1966, cơ quan SOG đã tăng số lượng toán thám báo lên đến 20 toán, cộng thêm một số đại đội xung kích được tuyển từ các bộ tộc thiểu số.
Cùng thời điểm này, SOG được trang bị súng tiểu liên CAR15 báng gấp, nòng ngắn chỉ bằng nửa khẩu M16. (Quân đội Sài Gòn lúc đó vẫn chưa được trang bị súng M16. Phải đến sau Tết Mậu Thân mới được trang bị). Những toán thám báo của SOG là những đơn vị duy nhất được trang bị súng CAR15. Tùy theo nhiệm vụ mà toán trưởng có quyền quyết định cho các thành viên được đem theo loại nào trong tất cả mọi thứ vũ khí trên thế giới lúc đó như tiểu liên Uzi của Israel; K9 của Thụy Sĩ, kể cả vũ khí trong hệ thống các nước XHCN như AK47, B40...
Mùa mưa năm 1966, SOG bắt đầu triển khai những phi vụ kiểm chứng những trận dội bom. Các toán thám báo sẽ được thả xuống khu vực mới bị máy bay B52 ném bom theo kiểu rải thảm. Việc này chưa từng diễn ra trong Chiến tranh Thế giới lần II, cũng như trong chiến tranh Triều Tiên. Những toán thám báo xâm nhập vào vùng đóng quân của đối phương, với hàng ngàn quân, được trang bị đầy đủ và họ đang căm phẫn vì vừa mới bị đánh bom. Qua sự kiểm chứng, cũng như không ảnh do máy bay U2 chụp, CIA có thể biết được những hoạt động của Quân đội Bắc Việt trên đường mòn Hồ Chí Minh. Đến giữa năm 1966, SOG nổi tiếng trong mạng lưới CIA, vì họ có thể đến bất cứ nơi nào và dám làm mọi chuyện.
Tháng 7/1966, chương trình hành quân Shining Brass đã tổ chức 48 cuộc xâm nhập vùng hoạt động của đối phương trên đất Lào, nhưng chỉ bị thiệt hại rất nhẹ: 1 chết, 8 biệt kích quân Mỹ bị thương. Cùng thời điểm đó, SOG di chuyển các toán thám báo đến căn cứ Khe Sanh để do thám khu phi quân sự, với chiều dài khoảng 14 dặm, tạm thời ngăn cách hai miền Bắc – Nam Việt Nam. Đồng thời SOG còn mở rộng phạm vi hoạt động về hướng tây, dọc theo đường 9, sang nam Lào, đến Tchepone, là khu vực Quân đội Bắc Việt đóng quân, làm đường.
Từ một trại biệt kích nhỏ bên cạnh sân bay, SOG đưa các toán thám báo xâm nhập Khe Sanh. Tại đây, những toán thám báo phát hiện ra một bí mật mà họ rất tự hào. Đó là tìm ra “Khe núi xe đạp”, là một thung lũng hẹp, nơi Quân đội Bắc Việt chất đồ lên xe đạp trước khi lên đường vào Nam. Mỗi chiếc xe đạp có thể chở trên 200 kg lương thực, vũ khí, quân dụng. Thanh niên xung phong đẩy xe đạp từ binh trạm này đến binh trạm khác, rồi đạp xe không về chở chuyến khác. Xe ô tô vận tải của đối phương di chuyển rất nhộn nhịp hướng tây khu phi quân sự. Đêm đêm, từng đoàn xe chạy nối đuôi nhau, chỉ trừ khi bị ném bom. Lúc đó, các xe ủi đất của công binh và TNXP túa ra lấp hố bom, dọn dẹp chướng ngại vật rất nhanh chóng.
Quân đội Bắc Việt vào Nam chủ yếu theo cách tự túc. Họ đi bộ, mang theo ít đồ ăn khi rời miền Bắc. Trên đường hành quân, họ đóng quân dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, săn bắn, trồng trọt để có thêm thực phẩm. Những nơi biệt kích quân phát hiện ra, phải công nhận đối phương ngụy trang rất khéo léo và cẩn trọng: Hầu hết hệ thống đường mòn, các binh trạm, kho tiếp vận, bãi chứa xe đều không thấy trên không ảnh. Chỉ có những toán biệt kích quân mới tìm ra, nhờ xâm nhập trên bộ vào sâu khu vực đóng quân của đối phương.
Tại Khe Sanh, các toán thám báo đặt lòng tin và sinh mạng của họ cho hai viên phi công can đảm của Phi đoàn 219 Cowboy và Mustachio. Hai viên phi công này dám liều mạng bốc những biệt kích quân đang bị bao vây, bất chấp hỏa lực của đối phương hay thời tiết xấu.
Khoảng giữa năm 1966, Mustachio đã bay đêm trong một phi vụ khó quên. Một toán thám báo bị tấn công ngay tại địa điểm đóng quân qua đêm. Họ khó có thể chạy thoát trước khi trời sáng trong khi phải đem theo mấy đồng sự bị thương. Cả phi công trực thăng Mỹ lẫn Việt đều lắc đầu không dám bay trong màn đêm, ngoại trừ Mustachio tình nguyện bay. Chuyến ra đi gần như đi vào cõi chết nên Mustachio đi một mình, không đem theo phi công phụ cũng như xạ thủ đại liên. “Tôi không biết làm cách nào mà Mustachio có thể đem họ ra được”. Scotty Crerar tả tiếp: “Chiếc trực thăng bay về với 88 lỗ đạn và viên phi công bị bắn mất ngón cái”.
"Mustachio" Nguyễn Văn Hoàng trước một phi vụ
Trớ trêu thay, chỉ vài tuần sau trong một chuyến chở toán thám báo Nevada về Kontum, khi chiếc trực thăng bay tới gần trại Khâm Đức, đuôi máy bay bỗng rơi ra, đập vào thân tàu, làm văng các thành viên toán Nevada cùng phi hành đoàn ra giữa không trung. Tất cả đều thiệt mạng kể cả Mustachio và phi hành đoàn. Toán thám báo Nevada gồm: Đại úy Edwin Mc Namara (sĩ quan hành quân), Thượng sĩ Ralph Reno, Trung sĩ Donald Fawcett cùng những biệt kích quân người Nùng. Các toán thám báo khác đã đem được xác những biệt kích quân cùng phi hành đoàn tử nạn về, trừ xác của Ralph Reno.
Ba tuần sau, một toán thám báo khác xâm nhập khu vực hướng tây Khe Sanh. Đến ngày thứ 3, khi toán thám báo đang trên đường xuống núi Cơ Rốc, đến một con suối lớn để lấy nước uống, Trung sĩ nhất Whalen cùng Sain canh chừng cho Trung sĩ Laws cùng 2 biệt kích Nùng xuống suối lấy nước trước thì đối phương bất ngờ xuất hiện. Khi Whalen định báo động, Sain đã trúng đạn AK vào mặt, không kịp bắn trả đối phương. Trong lúc đạn AK nổ vang trời, Whalen vội nhào xuống suối, hai biệt kích Nùng khác cùng Laws nhảy xuống bơi xuôi theo dòng suối. Không hiểu từ đâu Quân Bắc Việt tràn ra rất đông, họ cũng nhào xuống suối, vừa bắn vừa đuổi theo khiến Whalen phải bơi ngược dòng suối, nên không gặp Laws cùng hai biệt kích quân người Nùng còn sống sót. Đi được một quãng, thấy có chùm cây chìa ra bờ suối, Whalen hít vào một hơi dài rồi lặn chui vào trong lùm cây nằm im.
Quân BắcViệt lục soát một hồi không thấy gì liền bỏ đi. Whalen vẫn chưa dám sử dụng máy truyền tin báo nguy vì đối phương vẫn còn quanh quẩn đâu đó. Đợi đến khi trời tối, Whalen mới ra khỏi chỗ trú ẩn và được trực thăng cứu thoát. Anh ta là người duy nhất trong toán thám báo còn sống sót. Hai ngày sau, SOG cho một toán thám báo khác vào lấy xác. Đúng theo báo cáo của Whalen, họ đem về được xác của Sain. Còn Laws cùng 2 biệt kích Nùng mất tích không tìm ra xác. Thân nhân của họ cũng không biết chính xác về cái chết của người thân ngoài tờ giấy ghi vẻn vẹn một câu: “Mất tích trong một chuyến đi trinh sát ở miền Nam Việt Nam”.
Mùa khô 1966-1967, Trung tướng Lewis W. Walt, Tư lệnh thứ 3 của Thủy quân lục chiến, yêu cầu SOG trinh sát khu vực gần khu phi quân sự. Vì theo ông ta, trong cuộc hành quân Hastings, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã đẩy lui hai sư đoàn Bắc Việt về khu phi quân sự, chiếm hai vị trí quan trọng là Cồn Tiên và dãy đồi Rockpile. Hai vị trí chiến lược này liên tục ăn đạn pháo binh của đối phương giấu trong khu phi quân sự. Không biết hai sư đoàn của đối phương di chuyển đi đâu? Cộng thêm vài dấu hiệu chứng tỏ Quân đội Bắc Việt có thể tấn công hai tỉnh cực bắc miền Nam Việt Nam. Một loạt câu hỏi được đặt ra: “Đối phương đi đâu? Tăng viện cho ai? Pháo binh họ giấu ở đâu?” Tướng Walt muốn biết lời giải đáp cho những câu hỏi đó.
Tướng Lewis W. Walt
Thế là những toán thám báo của SOG chuẩn bị hành trang để đi lên hướng bắc, thay thế cho Thủy quân lục chiến, đảm nhiệm việc trinh sát. Họ đem theo phương tiện nghe trộm đường dây điện thoại của Quân Bắc Việt, vì trước đó SOG khám phá ra hơn chục đường dây điện thoại của đối phương, rải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Ban tham mưu của tướng Walt đánh dấu trên bản đồ 17 mục tiêu trong khu phi quân sự và dọc theo biên giới Việt – Lào cho các toán thám báo SOG. Ba toán đầu tiên vào khu vực đã đánh dấu trên bản đồ, gắn máy nghe trộm. Nhưng chưa được 3 ngày, hai toán đã phải chạy tháo thân. Ba toán kế tiếp vào được hơn hai ngày thì chạm trán đối phương, họ chạy thoát được và đem về một tù binh.
Đồi 881, Khe Sanh, 10/5/1967. Trung sĩ Robert đốt những giấy tờ cá nhân
phòng khi cao điểm không trụ vững trước áp lực của đối phương
Ngày 28/9/1966, toán thám báo chạm trán với một đại đội Quân Bắc Việt ở gần Khe Sanh. Toán thám báo bị xé lẻ, Trung sĩ Danny Taylor cùng hai biệt kích Nùng mất tích. Năm hôm sau, toán Colorado và Arizona được trực thăng Thủy quân lục chiến đưa vào khu vực gần Khe Sanh. Toán Colorado xâm nhập trước, tại một địa điểm ở gần bắc bờ sông Bến Hải, phía tây khu phi quân sự. Sau đó, trực thăng quay về để đưa toán Arizona tiếp tục xâm nhập mục tiêu đã định.
Nhưng khi chiếc CH46 thả xong toán Arizona, vừa bay lên thì các loại súng của đối phương thi nhau nhả đạn vào bãi đáp. Toán Arizona đổ xuống đúng nơi đóng quân của đối phương (!). Cách đó 15 dặm, toán Colorado nghe rõ tiếng kêu cứu của toán Arizona: “Đến đón tụi tôi ra! Bạn phải đến đem tụi tôi ra!” Mặc dù có máy bay yểm trợ, bắn xung quanh bãi đáp nhưng súng của đối phương vẫn nổ, không cho toán Arizona ngóc đầu lên. Cuối cùng, trên sóng điện đàm có tiếng của hiệu thính viên toán Arizona là Echevarria rất bình tĩnh, anh ta nói: “Thôi hết! Bạn hiền!”. Rồi tiếp câu: “Đừng đến nữa! Chấm dứt!”. Lần đầu tiên trong hồ sơ của SOG ghi nhận: “Nguyên một toán thám báo bị nuốt sống!”. Trong số 7 chiếc trực thăng đến giải cứu toán Arizona thì 6 chiếc cùng 1 khu trục A1 Skyraider trúng đạn, may không chiếc nào bị rơi.
HÀNH QUÂN DANIEL BOONE
Ngồi trong chiếc máy bay quan sát, Wilcorek để ý đến con đường 19 ở đông bắc lãnh thổ Campuchia. Con đường này rộng đủ cho hai làn xe chạy. Từ trên cao, Wilcorek vẫn nhìn rõ con đường tắm bụi, chứng tỏ có đoàn xe đang di chuyển trên con đường, vì khu vực xung quanh không có làng mạc hay dấu hiệu nào của dân cư. Trong lúc đó, chỉ riêng tháng 10/1965, tại thung lũng Ia Drang, Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ đã mất 304 quân trong trận đụng độ với hai trung đoàn chính quy của Quân đội Bắc Việt, họ di chuyển và nhận tiếp tế từ Campuchia sang.
Thung lũng Ia Drang, 1965. Lính Sư 1 Kỵ binh bay Mỹ tăng cường vừa được trực thăng đổ xuống, trên đường di chuyển đến núi Chư Pong, Ia Drang, nơi đang diễn ra trận đánh đẫm máu
Năm 1966, đường 19 được bí mật nối liền với đường 110 và đường 96 trên đất Lào. Điều đó cho thấy hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh không dừng lại ở Lào mà tiếp tục vươn dài về hướng nam Campuchia. Cuối năm 1966, các toán biệt kích thường xuyên phát hiện những đoàn xe quân sự của đối phương chuyển quân quá cảnh qua đất Campuchia. Với thông tin trên, đầu năm 1967, tướng Westmoreland cùng đô đốc Grant Sharp, Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương yêu cầu giới chức thẩm quyền ở Washington cho phép SOG được xâm nhập, do thám lãnh thổ Campuchia. Tháng 5/1967, SOG được chấp thuận tổ chức cuộc hành quân Daniel Boone, vượt biên sang lãnh thổ vương quốc Campuchia.
Vào thời điểm đó, chính quyền Sihanouk có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Bắc Việt. do đó, việc các biệt kích xâm nhập đất Campuchia phải giấu nhẹm, để Bộ Ngoại giao Mỹ có thể chối cãi dễ dàng khi cần. Có nghĩa là các toán biệt kích chỉ có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo chiến lược; không được tấn công, phá hoại, phục kích hoặc gài mìn, bẫy. Họ được dặn dò cẩn thận, để tránh nhầm lẫn giữa lính Campuchia với Quân đội Bắc Việt, vì cả hai đều mặc quân phục xanh, trang bị AK47. Trực thăng võ trang là hỏa lực duy nhất yểm trợ cho các toán biệt kích hoạt động trên đất Campuchia, nhưng chỉ trong trường hợp khẩn cấp.
Lúc đầu, cuộc hành quân Daniel Boone chú trọng vào khu vực rừng núi rậm rạp vùng tây bắc Campuchia, nơi giáp ranh với cao nguyên Trung bộ, thuộc địa bàn Quân khu II của Quân đội Sài Gòn. Chuyến đầu tiên có vẻ may mắn. Ngày 15/6/1967, SOG bắt đầu chuyến xâm nhập thứ 2. Sau này, Trung sĩ nhất Lowell Stevens nguyên trưởng toán biệt kích nhớ lại: “Đó là ngày dài nhất trong cuộc đời tôi”.
Trong khi đó, toán Colorado có vẻ thành công khi khám phá ra nhiều căn cứ của Quân đội Bắc Việt, họ gắn được máy nghe trộm và đem về được 7 cuốn băng cassetes ghi âm những cuộc điện đàm của đối phương. Những máy nghe trộm điện thoại do các toán thám báo đặt trong lòng đối phương đã đem lại những nguồn tin tình báo rất có giá trị.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P12
Toán biệt kích được một chiếc Kingbee H34 không phù hiệu thuộc Phi đoàn 219 của Không quân Quân đội Sài Gòn đưa đến địa điểm xâm nhập, bãi đáp là một sườn núi, nằm trong lãnh thổ Lào khoảng 100 m. Trưởng toán (One-Zero) Lowell Stevens cùng toán phó là Trung sĩ Roland Nuqui và 4 biệt kích Nùng chạy ra khỏi bãi đáp là những mảng cỏ tranh bị cháy, rồi biến mất vào trong cánh rừng rậm rạp. Phía sau họ là những tiếng gọi nhau ơi ới (?!) cùng tiếng súng bắn báo động. Họ đã bị đối phương phát hiện.
Chu Lai, 4/11/1965. Nữ phóng viên chiến trường Dickey Chapelle trúng đạn khi đi cùng một đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ
Nhiệm vụ của toán biệt kích là phải tìm ra hai con đường mòn, vốn là trạm đóng quân, cũng là vị trí đặt súng đại bác của pháo binh Quân đội Bắc Việt trong 5 ngày. Toán biệt kích đã bị lộ khi xâm nhập. Bây giờ chỉ còn cách cầu trời trong lúc Quân Bắc Việt đang bủa lưới bao vây tứ phía. Không còn cách nào khác, Stevens đặt khẩu tiểu liên Thụy Sĩ K9 xuống đất, gọi về Trung tâm: “Đám Bê bối (?!) đang bao vây tụi tôi. Yêu cầu cho rút quân ngay tức khắc!” Nhưng thật xúi quẩy cho toán biệt kích, viên sĩ quan điều không (APC) của SOG ngồi ghế sau chiếc máy bay quan sát lại là người không có kinh nghiệm về chiến tranh ngoại lệ. Anh ta tưởng rằng Stevens nói đùa nên không ra lệnh cho chiếc Kingbee quay trở lại bốc toán biệt kích. Viên sĩ quan này đòi hỏi phải có bằng chứng áp lực của đối phương. Trong lúc đó, toán trưởng biệt kích cùng các thành viên trốn ở trong bụi rậm, nghe rõ tiếng viên sĩ quan Bắc Việt ra lệnh cho binh sĩ của họ di chuyển lên đỉnh núi, nơi toán biệt kích vừa lẩn trốn.
Thực ra, Stevens cùng các thành viên của anh ta trực thuộc chương trình hành quân Omega. Trên văn bản, giấy tờ họ thuộc quân số Liên đoàn biệt kích số 5 của Mỹ, là đơn vị chủ quản của cuộc hành quân Omega, do B50 Lực lượng đặc biệt bảo đảm và B56 đảm nhiệm. Hai sở chỉ huy hành quân này có nhiệm vụ xâm nhập vùng đối phương kiểm soát trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Thế nhưng các sĩ quan cao cấp của Liên đoàn biệt kích số 5 lại muốn giành nhiệm vụ xâm nhập lãnh thổ Campuchia. Rút cuộc, Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam giao cả hai cuộc hành quân Omega và Sigma cho SOG chỉ huy. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự trục trặc trên.
Phải thúc giục rất nhiều lần, cuối cùng viên sĩ quan điều không mới điều 4 chiếc trực thăng vũ trang (Huey gunship) bắn yểm trợ cho trực thăng H34 vào bốc toán biệt kích ra. Do sườn núi có độ dốc cao nên chiếc H34 đem theo một quân nhân Mỹ là Thượng sĩ Ben Snowden, để trợ giúp việc lôi các biệt kích quân lên máy bay.
Khi Stevens nâng người biệt kích Nùng dẫn đường lên cho Snowden thì đối phương bắn xối xả vào chiếc máy bay, khiến chiếc Kingbee lắc lư, nhưng vẫn gắng gượng đem toán biệt kích ra khỏi vùng đang bị hỏa lực của đối phương khống chế. Tuy nhiên, với 68 viên đạn vào thân, chiếc H34 không thể không rơi xuống đất. Từ nơi trú ẩn, Stevens nhìn lên sườn núi thấy một cái hang, bên trong là khẩu đại liên mà đối phương đã ngưng bắn, sau khi chiếc trực thăng H34 rơi.
Chiếc Kingbee thứ 2 gọi thêm máy bay khu trục thả bom, làm thành lưới lửa che cho toán biệt kích rồi đáp xuống. Khi chiếc trực thăng bốc lên cao khoảng 30 bộ, khẩu đại liên trong hang lại khạc ra lửa(?!), bắn đứt đuôi chiếc trực thăng.
TQLC Mỹ tại Khu phi quân sự (DMZ), 21/9/1966. Sau cuộc hành quân Hastings giành lại quyền kiểm soát bờ nam khu DMZ (Dọc theo sông Bến Hải, rộng 1,6km từ bờ sông vào mỗi bên,kéo dài từ biên giới Việt - Lào đến biển Đông), Tướng Walt, Tư lệnh TQLC, đã để lại 3 tiểu đoàn TQLC (sau tăng lên 7 tiểu đoàn) chốt chặn tại các cao điểm phía nam sông Bến Hải. Họ liên tục phải chịu sức ép từ Sư đoàn 324B, Quân đội Bắc Việt Nam
Chiếc Kingbee quay như chong chóng trên trời, rồi rơi xuống đất bốc cháy. Cả toán biệt kích cùng với phi hành đoàn chạy thoát lên một ngọn đồi khác lẩn trốn. Chỉ còn chiếc Kingbee duy nhất trên trời, nhưng nó phải quay về đổ thêm xăng.
Cộng cả nhân viên phi hành đoàn, tất cả có 9 người trong đó có viên xạ thủ đại liên trên chiếc H34 bị thương nặng. Từ trên đồi, họ theo dõi những chiếc khu trục A1 Skyraider thả bom Napalm xuống chân đồi.
Thêm một chiếc máy bay bị trúng đạn rơi xuống. Những biệt kích quân nín thở nhìn chiếc dù bị gió thổi dạt về hướng có quân Bắc Việt. Sau đó đoàn trực thăng vũ trang khác xuất hiện, chiếc Kingbee còn lại xà xuống bốc tất cả về Dakto an toàn. Stevens cùng toán biệt kích Nùng lê bước khỏi trực thăng, họ hoàn toàn kiệt sức. Trong một chiếc poncho có xác Thượng sĩ Snowden. Anh ta lĩnh 9 viên đạn trong tổng số 68 viên bắn trúng chiếc Kingbee thứ nhất. Để dành danh dự cho người biệt kích quân đầu tiên hi sinh trong cuộc hành quân Daniel Boone, sở chỉ huy căn cứ ở Kontum được đặt tên là Snowden Hall.
Bù lại những tổ thất, trong vòng vài tháng, các toán biệt kích thuộc chương trình hành quân Daniel Boone đem về nhiều tin tức về hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, với các trạm điện thoại, căn cứ và kho tiếp vận của đối phương. Tại phía nam vùng ba biên giới dưới tỉnh Pleiku là một khu vực hiểm trở, rừng núi rậm rạp. Quân đội Bắc Việt xây dựng một căn cứ rất rộng lớn. Quân đội Bắc Việt và Quân Giải phóng tập trung trong khu vực này từ 3 đến 4 sư đoàn. Nhất là khu vực Lưỡi Câu gần Lộc Ninh (do có hình thù giống như chiếc mũi của Tổng thống Mỹ quá cố Kenedy, nên còn có tên gọi là mỏm Kenedy), ở đó đối phương đặt Bộ chỉ huy tối cao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Trung ương cục miền Nam (thường gọi là R). Với vị trí chiến lược đó, hầu hết những chuyến xâm nhập sang Campuchia của SOG đều nhắm vào khu vực Lưỡi Câu và vùng 3 biên giới.
Vào cuối mùa mưa năm 1967, Quân đội Mỹ bị thiệt hại nhiều nhất trong trận Dakto, gần khu vực hoạt động của các đơn vị SOG. Trong lúc Lữ đoàn Dù 173 của Mỹ đánh chiếm từng thước đất trên đồi 875 ở tây nam Dakto, thì vài toán biệt kích của SOG xâm nhập vào lãnh thổ Campuchia 5 dặm về hướng tây, để yểm trợ cho Lữ đoàn 173 (có thể đơn vị này chưa biết các hoạt động của SOG).
Toán thứ nhất do Stevens làn trưởng toán, toán phó là Trung sĩ nhất Ken Shoebox Carpenter. Họ theo đường bộ xâm nhập vào lãnh thổ Campuchia từ Nam Lào, nhằm tìm ra con đường tiếp tế cho các đơn vị đang chiến đấu trên đồi 875. Đồng thời, để biết đối phương sẽ tăng viện thêm quân hay rút lui. Toán biệt kích này lục soát suốt 2 ngày. Đến trưa ngày thứ 3, họ mới phát hiện ra con đường được trồng cây giả và rải lá ngụy trang. Toán biệt kích bố trí và chờ đợi...
Trời vừa chập tối, toán biệt kích bắt đầu nghe tiếng động cơ xe Molotova. Khoảng 10 giờ đêm, từng toán Thanh niên xung phong xuất hiện, lặng lẽ dọn đường cho xe đi. Con đường nhỏ, chỉ đủ cho chiếc xe vận tải chạy qua. Nửa giờ sau, đoàn xe vận tải chạy qua đem theo đồ tiếp tế cho đơn vị đang đánh trên đồi 875. Như vậy, đối phương không tăng viện thêm người vào chiến trường. Khoảng 4 giờ sáng, đoàn xe trở lại đem theo tử sĩ quân Bắc Việt. Trước khi trời sáng, đội quân TNXP lại xuất hiện, âm thầm trồng lại cây, một vài người trong số họ mang túi lớn, đi sau để rải lá cây trên mặt đường để giấu những vết xe.
Biết được bí mật này, mùa khô 1967-1968, SOG sử dụng quân của Liên đoàn Biệt kích số 5 của Mỹ, thực hiện cuộc hành quân Omega và Sigma, thuộc chương trình hành quân Daniel Boone. Những toán biệt kích đóng tại Buôn Mê Thuột được lệnh xâm nhập vào lãnh thổ Campuchia. Các toán khác đóng tại Kontum đảm nhiệm những mục tiêu ở vùng Nam Lào. Sở chỉ huy tại Đà Nẵng với các căn cứ hành quân tiền phương ở Phú Bài, Khe Sanh và Kontum trở thành Sở chỉ huy Bắc (CCN). Tên các toán biệt kích đều lấy tên các tiểu bang Mỹ hoặc rắn như Anaconda, California... Buôn Mê Thuột lúc này trở thành Sở chỉ huy Nam (CCS). Tên các toán biệt kích là tên những dụng cụ như Saw (Cưa), Hammer (Búa)...
Đồi 110, 12/5/1967. Một lính Thủy quân lục chiến Mỹ bên cạnh xác đối phương đã bị phân hủy.
Trước đó nơi đây đã diễn ra 1 trận đánh giữa 2 bên. Có thể người lính bị thương đang trên đường tìm đồng đội của mình
Ngày 29/1/1968, đã xảy ra trường hợp mất tích đầu tiên ở Campuchia. Đó là Trung sĩ nhất Charlie White, anh ta chỉ còn 3 ngày nữa là hết thời hạn phục vụ ở Việt Nam. Thế nhưng trong chuyến xâm nhập vào khu vực đông bắc Campuchia, khi chạm trán với đối phương, Charlie chạy đến một khoảng đất trống để trực thăng có thể dùng dây câu lên. White to cao như cầu thủ bóng đá, với thân hình cao 1, 95 m; nặng 126 kg. Khi trực thăng mới kéo anh ta lên cao khoảng trên 760m thì White rơi xuống đất. Trong lúc đó, đối phương vẫn đang truy kích và vì trời đã tối nên phải đợi đến sáng hôm sau SOG mới tổ chức tìm kiếm Charlie White.
Toán cấp cứu Bright Light gồm Trung sĩ nhất Zabitosky và Dallas Longstreath nhảy xuống khu vực bãi đáp, nơi bốc toán biệt kích hôm qua. Họ tìm thấy dấu vết Quân Bắc Việt dàn hàng ngang lục soát trên đồi, rồi tụ lại tại một điểm có cây bị gãy, có lẽ là nơi Trung sĩ White rơi. Không thấy có vết máu. Khu vực xung quanh có nhiều dấu chân đối phương. Dò quanh đó vẫn còn quân Bắc Việt, toán biệt kích Bright Light đành phải quay về. Bộ Quốc phòng Mỹ coi như Trung sĩ White tử trận. Trung sĩ Zabitosky là người đi tìm thì tin rằng bị bắt, nhưng không có tin tức gì.
Một trường hợp mất tích khác xảy ra tại Campuchia, người tường tận sự việc là Trung úy Harry Jr. Kroske khá nổi tiếng, làm trưởng toán Hammer ở Buôn Mê Thuột. Toán Hammer gồm 2 biệt kích Mỹ và 4 biệt kích Nùng, có nhiệm vụ do thám khu vực Lưỡi Câu, nơi tình nghi có căn cứ lớn của Quân đội Bắc Việt Nam và Trung ương Cục miền Nam (R). Sau vài ngày thực tập, toán biệt kích xuất phát từ căn cứ hành quân tiền phương là trại biệt kích Bù Đốp, xâm nhập đất Campuchia vào một buổi chiều.
Bãi đáp toàn cỏ tranh nên rất trống trải. Toán biệt kích di chuyển thật nhanh đến một cánh rừng cách đó khoảng một phần tư dặm. Vào đến bìa rừng, Trung úy Kroske ra lệnh cho Stockdale liên lạc với sở chỉ huy, trong khi anh ta cùng người dẫn đường là biệt kích Nùng đi sâu vào khu vực được dánh dấu trên bản đồ, để quan sát một con đường lớn mà họ trông thấy từ trên cao.
Stockdale báo cáo xong thì trực thăng bao vùng bay về căn cứ. Còn nửa tiếng nữa mặt trời mới lặn. Toán biệt kích di chuyển tìm địa hình đóng quân đêm. Bỗng một tràng đạn AK xé toang khoảng không vắng lặng (cả biệt kích lẫn đối phương đều sử dụng súng AK). Thêm nhiều tràng súng đạn nổ vang dội chỉ cách Stockdale khoảng 50 feet, cũng là nơi Kroske cùng người biệt kích Nùng đi thăm dò. Stockdale vội vã gom toán biệt kích còn lại, sẵn sàng ứng chiến. Đúng lúc đó, người lính Nùng chạy trở lui báo cáo: “Trung úy chết rồi!”.
Stockdale bất chấp nguy hiểm, chạy lên tìm Kroske. Anh ta mới di chuyển được vài bước thì súng AK nổ tiếp, đạn cày đất tung tóe lên, buộc Stockdale phải nằm xuống, mấy người lính Nùng hoảng hốt bỏ chạy. Mãi sau này, Stockdale mới được biết Kroske chạm trán ba người lính Bắc Việt. Anh ta nổ súng trước, trúng hai lính Bắc Việt. Người thứ ba bắn trả lại, 2 viên trúng vào bụng, một viên vào ngực Kroske. Thấy tình thế nguy hiểm, Stockdale chạy trở lui, chui vào một góc rừng nằm im khoảng 5 giờ đồng hồ. Suốt cả đêm, quân Bắc Việt lùng sục khắp nơi, nhưng không tìm thấy người lính biệt kích Mỹ ở đâu.
Trong khi đó, cách Buôn Mê Thuột 80 dặm, một đơn vị duy nhất của Không quân Mỹ là Phi đoàn 20 Hành quân đặc biệt gửi 6 chiếc trực thăng Huey đi cứu Stockdale. Trực thăng thuộc phi đoàn này không sơn phù hiệu không quân Mỹ, mà sơn hình con ong nên có biệt danh “Green Hornets”. Phi đội trực thăng phải mất gần 3 giờ đồng hồ quần đảo, uy hiếp đối phương mới thả được dây cấp cứu xuống câu Stockdale ra khỏi vùng nguy hiểm. Trung úy Kroske mất tích, không thu hồi được xác. Stockdale trở thành trưởng toán Hammer gần 2 năm và anh ta khá nổi tiếng tại Sở chỉ huy Nam (CCS). Còn trong Phi đoàn Green Honests, Thiếu úy phi công Flemming lại nổi danh về tài thả những toán biệt kích của SOG.
Bình Giã, 01/1965
Trong một phi vụ thả toán biệt kích Chisel xuống mục tiêu Tango 51, có sự tham gia của Thiếu tá Paul Mc Clellan. Toán Chisel đáp đất an toàn, liền di chuyển đến một dòng sông rộng làm nhiệm vụ thám thính sự di chuyển của đối phương trên sông. Chiếc trực thăng Green Hornets bay về trại biệt kích Đức Cơ, gần nơi xuất phát của những toán biệt kích. Họ sẽ ăn trưa, lấy thêm xăng, đợi đến chiều sẽ bay về hướng nam để thả những toán biệt kích khác.
Trong khi đó, toán Chisel đã bố trí xong đội hình trong một bụi cây gần bờ sông để quan sát. Toán này do Trung sĩ Ancil Sonny Franks làm trưởng toán đã gần một năm. Toán phó là Trung sĩ Charles Hughes cùng 3 biệt kích người Thượng. Trong chuyến xâm nhập này có cả Đại úy Randolph, là đại đội trưởng đại đội thám báo. Ông ta đi theo cốt để kiểm tra lính của mình làm ăn ra sao.
Trong lúc cả toán ngụy trang thêm cho chỗ ẩn núp, Hughes đang kéo cần anten lên để liên lạc, thì bị đối phương tấn công. Trung sĩ Hughes cố gắng gọi cầu cứu, nhưng không ai trả lời. Trưởng toán Franks biết mình bị kẹt ở bờ sông, hết chỗ chạy. Toán biệt kích cố gắng cầm cự tại chỗ trong lúc Quân Bắc Việt đang xiết chặt vòng vây. Hughes tiếp tục liên lạc cầu cứu, nhưng Phi đoàn 5 chiếc trực thăng Green Hornets đã bay xa 30 dặm, không chiếc nào nghe được tiếng cầu cứu của Hughes.
May thay, trên không phận lúc đó có máy bay FAC do Thiếu tá Charles Anonsen của thủy quân lục chiến lái. Charles Anonsen bắt được tần số của toán Chisel, liền bay về hướng toán đang bị vây để nghe rõ hơn. Đồng thời anh ta gọi Phi đoàn Green Hornets quay trở lại. Thêm một trở ngại nữa là các trực thăng đã gần hết xăng, chỉ còn đủ nhào xuống một chuyến bốc toán biệt kích. Hai chiếc Gunship cố gắng đẩy lùi quân Bắc Việt ra xa để chiếc khác xuống bốc. Không ngờ đối phương có súng máy phòng không 12,7 ly, họ đã bắn rơi một chiếc. Chiếc thứ hai xuống cứu được phi hành đoàn và bay thẳng về Đức Cơ, vì gần hết xăng.
Toán Chisel bị đẩy lui dần về bờ sông. Thêm một chiếc trực thăng phải bay về vì hết xăng, còn lại hai chiếc trên không. Chiếc thả quân thám báo do Flemming lái và chiếc Gunship do Thiếu tá Leona Gonzales lái. Chiếc Gunship nhào xuống bắn đại liên và rocket xung quanh toán biệt kích, cũng bị trúng đạn bốc khói. Flemming đã gần hết xăng, phải chọn 1 trong 2 cách: nhào xuống bốc toán biệt kích hoặc quay về. Được FAC hướng dẫn, Thiếu úy Flemming nhào xuống, đúng lúc đó quân Bắc Việt nổ súng quyết liệt. Không biệt kích quân nào ngóc đầu lên được để chạy ra trực thăng. Rồi quân Bắc Việt xung phong, Flemming nghe tiếng báo động trên máy truyền tin: “Tụi nó vô được rồi! Vô được rồi! Chạy đi, bay đi!”. Thiếu úy Flemming kéo cần lái, chiếc trực thăng rời bờ sông, bay lên trời cao...
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P13
HÀNH QUÂN SALEM HOUSE
Đầu năm 1969, cảng Sihanouk Ville của Camphuchia nhộn nhịp tàu qua lại, với những chiếc tàu chở hàng đến từ các quốc gia Đông Âu. Hàng đoàn xe vận tải của công ty Hak Ly chờ bốc hàng, sau đó theo đường số 4 đi Phnom Pênh. Đoàn xe rẽ vào một kho tiếp vận quân sự ở ngoại ô thành phố, giao đồ tiếp liệu cho các viên chức Bắc Việt Nam. Những kiện hàng bí mật chứa vũ khí, đạn dược được tiếp tục vận chuyển suốt đêm trên đường số 7, băng qua đồn điền cao su, đến vùng biên giới rậm rạp thuộc tỉnh Kompongcham hay khu vực Lưỡi Câu. Khu vực này do Đoàn Hậu cần 70 đảm nhiệm, gồm nhiều kho lương thực tiếp vận, yểm trợ cho ba sư đoàn chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam: Công trường 9; Công trường 5 và Công trường 7.
Như vậy, tất cả mọi vũ khí, đạn dược vào đến lãnh thổ Quân khu III và IV đều quá cảnh qua Campuchia. Sau 21 tháng bí mật xâm nhập, SOG đã khám phá ra nhiều mật khu chứa tới 200.000 quân Giải phóng và Quân đội Bắc Việt. SOG được giao chỉ huy cuộc hành quân xâm nhập vào đất Campuchia, với tên gọi là Daniel Boone. Đến cuối mùa mưa năm 1969, đổi tên thành Salem House để giữ bí mật. Sự hiện diện của Quân đội Bắc Việt được xác định ngày 2/3/1969, khi một toán biệt kích SOG thuộc Sở chỉ huy Nam (CCS) bị đối phương phát hiện, truy kích khiến 2 biệt kích Mũ Nồi Xanh của Mỹ là Trung sĩ William Evans và Micheal May mất tích, xác của họ không tìm ra.
Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh cho pháo đài bay B52 bí mật thả bom xuống khu vực Lưỡi Câu, gây ra 73 tiếng nổ phụ. Chỉ có viên phi công và sĩ quan Navigator biết mục tiêu của trận ném bom. Một tháng sau, Tổng thống Johnson lại hạ lệnh cho B52 ném bom xuống mục tiêu do Tướng Abram đề nghị. Đó là căn cứ của Trung ương cục miền Nam (R), do một hàng binh chỉ điểm. Mục tiêu này cách Mimốt, Campuchia 14 dặm về hướng đông nam; cách biên giới Việt Nam – Campuchia 1 dặm. Trận đánh bom này diễn ra ngày 24/4/1969.
Chuẩn tướng Phillip B. Davision, trưởng phòng Nhì của Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam (MACV) yêu cầu SOG cho một đơn vị nhảy vào “thu dọn” chiến trường sau khi trận ném bom B52 chấm dứt. Đại tá Cavanaugh ra lệnh cho Sở chỉ huy Nam chuẩn bị cho một Đại đội xung kích (Hatchet Force) nhảy vào.
Trong khi đó tại Sở chỉ huy Nam, “Mad Dog” Shriver, một tên tuổi trong làng biệt kích được giao nhiệm vụ đặc biệt. Trong căn cứ Fort Braggs (Trung tâm chỉ huy biệt kích Mỹ) không ai biết đến SOG là đơn vị nào, cũng như cuộc hành quân Daniel Boone hoặc Salem House là gì, nhưng tên tuổi của Trung sĩ nhất Jerry Shriver đã khét tiếng từ lâu. Chẳng thế mà Jerry Shriver còn có biệt danh là “Chó điên”. “Mad Dog” Shriver cũng là người thích ăn nói bạt mạng nhất trong làng biệt kích Mỹ. Những câu nói liều mạng của Shriver lại được đám biệt kích Sài Gòn tán dương. Có lẽ do các hành động của biệt kích quân nên buộc họ phải liều mạng. Trong một cuộc hành quân, toán biệt kích của Shriver bị đối phương bao vây chặt. Máy bay điều không FAC cho Shriver biết: “Tình hình coi bộ rất xấu”. Anh ta trả lời tỉnh bơ: “Không! Không có gì đâu. Tôi phải đánh nhau với tụi nó tại chỗ tôi muốn” (Dù bị bao vây chặt bên trong lòng đối phương).
Sáng ngày 24/4/1969, trong khi máy bay B52 cất cánh từ đảo Guam thì Đại đội xung kích thuộc Sở chỉ huy Nam tập hợp tại sân bay Quản Lợi (Bình Long), cách căn cứ Trung ương cục Miền Nam khoảng 20 dặm. Đại đội xung kích này có nhiệm vụ vào “thu dọn” chiến trường, sau khi B52 ném bom.
Năm chiếc trực thăng Green Hornet chở 2 trung đội đổ bộ xuống khu vực đã được đánh dấu trên bản đồ. Trung đội thứ 3 do Thiếu úy Bob Killebrew được bố trí ở lại sân bay Quản Lợi làm dự bị. Trung đội 1 của Trung úy Walter Marcantel và Trung đội 2 do Trung úy Greg Harrigan sẽ đổ bộ xuống khu vực gọi là căn cứ Trung ương cục Miền Nam. Khi hai trung đội lên máy bay, thì các pháo đài bay B52 điều chỉnh đội hình lần cuối trước khi đến mục tiêu. Khi trận ném bom vừa kết thúc, những chiếc trực thăng nối đuôi nhau đáp xuống, thả hai trung đội xung kích rồi bay đi.
Thình lình tiếng súng đủ loại rộ lên, vang dội khắp nơi. Những biệt kích quân mới đáp đất vội nhào xuống các hố bom hoặc núp sau những thân cây mới bị B52 đốn ngã để tránh đạn. Nằm cuối đoàn quân, Shriver chỉ điểm cho máy bay biết vị trí khẩu đại liên của đối phương ở phía trước, bên trái đội hình. Theo Shriver, khẩu đại liên này khống chế toán biệt kích của Shriver, làm họ không ngóc đầu lên được. Trong lúc đó Đại úy Cahill, Trung úy Marcantel và Trung sĩ quân y là Ernest Jamison báo cáo cũng bị đối phương áp chế. Jamison chạy ra để cứu những biệt kích quân bị thương cũng bị bắn gục tại chỗ.
Không ai có thể di chuyển được. Shriver nổi đóa, dẫn một biệt kích quân người Thượng xông lên để thanh toán khẩu đại liên. Thế là cả hai biến mất, không tìm ra xác. Jamison nằm chết cách hố bom chừng vài thước. Đại úy Cahill thấy từng tràng đạn AK, B40 của đối phương cày nát mặt đất. Khi anh ta vừa ngóc đầu lên, thì một viên AK xuyên qua miệng, ngược lên trên làm mù một mắt. Anh ta cứ thế gục xuống. Trong một hố bom khác, Trung úy Harrigan đang điều khiển trực thăng vũ trang bắn rocket và minigun cản những đợt xung phong của đối phương. Harrigan báo cáo với sở chỉ huy con số tổn thất: hơn nửa trung đội chết hoặc bị thương. Nhờ bình tĩnh điều không nên Trung úy Harrigan cầm cự được khoảng 45 phút, sau đó trúng đạn, tử trận.
Đại úy O’Rourke bay trên không, rất muốn đáp xuống, nhưng chiếc trực thăng chở anh ta không lọt qua được lưới lửa của đối phương. Trung tá Earl Trabue, chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Nam cũng không xuống được, biết quân lính ở dưới mặt đất đang bị tiêu diệt, nhưng đành bó tay. Cuối cùng chỉ còn Trung úy Marcantel sống sót. Earl Trabue lái luôn chiếc B57 Canberra của Úc, thuộc Phi đoàn số 2, cất cánh từ Phan Rang vào đánh giải vây, để cho trực thăng đáp xuống bốc Trung úy Marcantel, khi đó đã bị thương, cùng9 biệt kích quân người Thượng. Ba chiếc khác vào bốc được thêm 15 biệt kích quân bị thương và lấy xác Trung úy Harrigan. Cuộc hành quân kết thúc trong bi thương.
Đại tá Cavanaugh sau khi đến thăm các biệt kích quân sống sót sau cuộc hành quân, đã nói với Tướng Davision: “Nếu tôi biết kết quả sẽ như vậy, tôi sẽ không đưa họ vào chỗ chết (!)”. Tướng Davision nhận trách nhiệm về mình trong chuyến hành quân đánh phá căn cứ của Trung ương cục miền Nam. Trung úy Marcantel bình phục, nhưng khoảng sáu tháng sau, anh ta cũng bỏ mạng trong một chuyến nhảy dù xuống căn cứ Fort Davens, thuộc tiểu bang Massachusetts. Anh ta thoát chết trong chiến trận, nhưng bỏ mạng ngay trên đất Mỹ. Còn Đại úy Cahill giải ngũ vì vết thương. Xác Ernest Jaminson tìm được ít lâu sau. Riêng “Mad dog” Shriver đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Sau khi nghe báo cáo về số tổn thất của SOG, Tướng Abrams ra lệnh cho MACV phân tích về thiệt hại của SOG trong vòng hai tháng đầu năm 1969. Kết quả có 15 biệt kích quân Mũ Nồi Xanh của Mỹ chết hoặc mất tích, 68 người bị thương, cộng với 10 chiếc trực thăng bị rơi. MACV cho rằng, đổi lại, biệt kích SOG “tiêu hủy 13 xe vận tải Molotova, diệt 1.400 quân đối phương, chỉ điểm cho máy bay đánh bom, gây 455 tiếng nổ phụ”.
Tháng 5/1969, Tổng thống Nixon ra lệnh cho B52 bí mật ném bom trải thảm lần thứ 3 trên lãnh thổ vương quốc Campuchia. Lần này, trên bản đồ có rất nhiều mục tiêu được đánh dấu. Trong đó, có căn cứ của Trung đoàn 27 của Quân đội Bắc Việt. Toán biệt kích Illinois được giao nhiệm vụ xâm nhập vào mục tiêu để kiểm định kết quả trận ném bom. Trung sĩ Ben Thompson được giao làm toán trưởng, toán phó là Trung sĩ George Bacon, Nhiệm vụ của toán là đổ bộ xuống mục tiêu sau trận đánh bom 20 phút. Nhưng chưa được nửa ngày, toán biệt kích đã phải vừa bắn, vừa chạy tháo thân. Để vớt vát danh dự, họ báo cáo với Sở chỉ huy rằng trận đánh bom được thực hiện ở mục tiêu có quá nhiều đối phương (!)
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P14
Khe Sanh, 1/4/1968. Lính Quân đội VNCH sau bức tường rào do pháo dựng lên để ngăn đối phương
Để sự kiện lắng dịu ít lâu, ngày 25/8/1969, toán biệt kích Florida do Trung sĩ Ken Worthley làm trưởng toán, đã xâm nhập vào vùng đông bắc Campuchia, nơi tình nghi có Trung đoàn 66 của Quân đội Bắc Việt xâm nhập. Thành viên của toán có 7 biệt kích quân, trong đó gồm Trung sĩ Bob Garcia, Dale Hanson và bốn biệt kích quân của Quân đội Sài Gòn.
Toán biệt kích Florida đáp đất an toàn vào đúng ngọ (12 giờ trưa) và bắt đầu leo lên một con dốc khá cao. Lúc 2 giờ chiều, khi toán biệt kích đang ngồi nghỉ trưa trên một sườn núi thì Garcia trông thấy 2 lính Bắc Việt đang dò tìm dấu vết của họ. Anh ta bắn gục một người. Thế là đạn AK nổ tứ phía. Thì ra có cả một đại đội lính Bắc Việt đang dàn quân trong im lặng bao vây toán biệt kích mang tên bang Florida của Mỹ. Trong lúc cả toán biệt kích tháo chạy, người hiệu thính viên Dale Hanson trúng một viên AK, mất ngón giữa của bàn tay trái. Anh ta phải vừa chạy vừa băng bó; Garcia phải thay anh ta mang máy bộ đàm. Chạy đến chập tối, toán trưởng Worthley quyết định trốn trong một thung lũng qua đêm. Họ đã rải hơi cay mắt để đánh lạc hướng chó.
Sáng sớm hôm sau, họ băng qua một khu rừng. Vào khoảng 9h30’ sáng, khi toán đang di chuyển trên một sườn đồi, bỗng người dẫn đầu ra dấu im lặng. Worthley bò tới trước, trông thấy 2 lính Bắc Việt trên một con đường mòn. Họ nổ súng diệt cả 2, còn biệt kích quân dẫn đường bị thương vào tay. Qua trang phục cho thấy một trong số hai đối phương là cấp chỉ huy vì đeo súng lục, có thể là sĩ quan cấp tá, còn người kia là vệ binh. Toán biệt kích lấy được túi da có đựng tài liệu của viên sĩ quan Bắc Việt. Sau khi xem xét tài liệu, SOG cho biết toán Florida đã diệt được một sĩ quan tình báo cao cấp của đối phương.
Trên đường tháo chạy, trưởng toán Worthley trúng một viên AK vào cổ, chết tức khắc, còn tất cả đều được trực thăng thả dây cứu kéo lên. Khi về đến Kontum, một chiếc “Chim Đen” C130 của SOG đến để chuyển chiếc túi da của viên sĩ quan Bắc Việt về Sài Gòn. Tài liệu trong túi da cho biết một danh sách điệp viên nằm vùng của đối phương. Tài liệu này cũng xác nhận về việc Thái Khắc Chuyên bị Đại tá Robert Rheault, cựu chỉ huy trưởng Liên đoàn biệt kích số 5 của Mỹ, ra lệnh hành quyết vào tháng 5/1969. Vài tháng sau, Đại tá Rheault được tự do, ông ta đâu biết là nhờ công của toán biệt kích Florida.
Trong chuyến xâm nhập đầu tiên của năm 1970 vào Campuchia, do toán biệt kích Vermont ở Kontum thực hiện, nhảy xuống khu rừng rậm rạp thuộc tỉnh Ratanakiri vào ngày 5/1 để tìm kiếm căn cứ binh trạm của đối phương. Trưởng toán là Trung sĩ Franklin “Doug” Miller.
Người biệt kích dẫn đường chẳng may dẫm lên một sợi dây giăng ngang đường, tiếp theo là tiếng nổ lớn làm 4 biệt kích quân bị thương. Trong phút chốc một nửa quân số của toán bị loại ra khỏi vòng chiến đấu và đối phương đã phát hiện ra sự hiện diện của toán biệt kích. Miller băng bó giúp cho những người bị thương, rồi ra lệnh cho toán phó dẫn toán biệt kích lên đồi lập vị trí phòng thủ, còn anh ta ở lại để đương đầu với đối phương.
Phước Vĩnh, chiến khu D, 15/6/1967. Lính Sư 1 Anh Cả Đỏ quan sát máy bay ném bom hỗ trợ
Vừa bắn cầm chừng, vừa lui về chỗ phòng thủ, Miller liên lạc với sở chỉ huy, yêu cầu cho toán rút quân. Sau đó anh ta dẫn toán di chuyển đến bãi trực thăng, vốn là một hố bom lớn, cách đó khoảng 175 thước. Khi chiếc trực thăng định đáp xuống bốc toán biệt kích thì bị đối phương bắn lên xối xả, đuổi chiếc trực thăng bay ra chỗ khác rồi tiếp tục tấn công toán Vermont. Toán biệt kích nấp trong hố bom chống trả quyết liệt mặc dù tất cả đều bị thương, kể cả trưởng toán Miller cũng bị trúng đạn AK vào tay trái. Anh ta vẫn tiếp tục hướng dẫn toán đến một bãi đáp trực thăng khác. Sau đó họ được một toán cấp cứu Bright Light bốc về căn cứ an toàn. Trong trận này, Miller đã đem về cho SOG chiếc huy chương danh dự thứ 7.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P15
Điểm qua những sự kiện trên cho thấy vùng đông bắc Campuchia rất “nóng”. Ngày 9/1/1970, một toán biệt kích thuộc Sở chỉ huy Nam, do Trung sĩ nhất Larry Barlett làm trưởng toán, toán phó là Trung sĩ Richard Thomas đang trên đường di chuyển đến bãi đáp, cách vị trí toán Vermont bị tấn công khoảng 30 dặm về hướng nam. Toán này bất ngờ bị một đơn vị đối phương tấn công. Cả hai biệt kích quân Mũ Nồi Xanh bỏ mạng. Toán cấp cứu Bright Light vào giải cứu, chết thêm một biệt kích quân Thượng trước khi đem được xác hai biệt kích Mỹ ra.
Để chấm dứt những thảm họa tiếp theo, CIA đã phác thảo xong kịch bản cho một cuộc đổi ngôi và đưa ra công diễn. Ngày 11/3/1970, Lon Nol làm cuộc đảo chính lật đổ ông hoàng Sihanouk ở Campuchia, với sự hậu thuẫn của chính quyền Mỹ. Họ cho binh lính xông vào đập phá Tòa Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Hoàng thân Sihanouk phải chạy qua tị nạn bên Pháp. Lật đổ ông hoàng Sihanouk có lẽ không là giải pháp tốt cho CIA, vì ba hôm sau đảo chính, khi toán biệt kích Pennsylvania do Trung úy Jerry Poole làm trưởng toán xâm nhập vùng rừng núi tỉnh Ratanakiri, với sự tham gia của 2 biệt kích quân người Mỹ là Trung sĩ nhất John Boronski, Trung sĩ Gary Harned. Họ vẫn phải bỏ mạng. Sau 3 ngày lẩn trốn, toán biệt kích được 1 trực thăng vào bốc đi. Nhưng khi chiếc trực thăng bay lên cao khoảng hơn 30 m, thì trúng một quả B40, nổ tung. Tất cả toán biệt kích Pennsylvani cùng phi hành đoàn gồm Đại úy Micheal O’Donnell, Chuẩn úy John Hosken, Rudy Becerra và Berman Gande Fr. đều thiệt mạng, không thu hồi được xác.
Theo tin tức tình báo cho biết, Quân đội Bắc Việt chẳng những không bị tiêu diệt mà còn đang mở rộng vùng kiểm soát dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia về phía bắc và tây bắc. Họ mở rộng vùng căn cứ giải phóng rộng lớn tại tỉnh Svayriêng chỉ trong vòng mấy ngày. Trong khi một đơn vị Bắc Việt khác tiến xuống phía nam, đuổi Quân đội Lon Nol ra khỏi vùng Mỏ Vẹt. Trong vòng 2 tuần lễ, Quân đội Bắc Việt cùng quân kháng chiến Campuchia giải phóng 2 trong số 17 tỉnh của Campuchia và bao vây thêm 5 tỉnh khác, yểm trợ cho quân Campuchia Dân chủ.
Chính phủ mới bên Campuchia do Pon Pốt – Lêng Xari đứng đầu. Sau khi dựa vào Quân đội Bắc Việt và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đánh đổ Lon Nol, Campuchia Dân chủ đã thực hiện chính sách hai mặt: Đối lập về chính trị, hợp tác về quân sự; dựa vào Quân đội Bắc Việt Nam và Quân Giải phóng để chống Mỹ và Quân đội Sài Gòn. Trước động thái trên, Chính phủ Mỹ quyết định bí mật gửi cho Chính phủ Campuchia dân chủ 3.000 khẩu súng AK.
CIDG người dân tộc
Trong lúc đó, tại thủ đô Phnom Pênh của Campuchia, ba Trung sĩ Troy Gilley, Ben Lyons và Charles Chapin bí mật xâm nhập để kiểm định tin tình báo về một binh trạm dành cho sĩ quan cao cấp của Quân đội Bắc Việt. Họ được bốc ra và ba ngày sau, họ đã được thả xuống một địa điểm gần những chiếc lán dành cho cán bộ cao cấp của đối phương. Họ gặp binh sĩ Bắc Việt di chuyển cùng với voi chở đồ. Quân biệt kích phục kích đánh họ tơi tả, sau đó gọi trực thăng bốc về an toàn. Troy Gilley về Sài Gòn khoe rằng sau chuyến đi vừa qua, anh ta biết thêm đơn vị Bắc Việt có voi chuyên chở bị chặn đánh có nhiệm vụ hộ tống 2 tướng lãnh Bắc Việt và cả 2 đều chết trong trận phục kích vừa qua (?).
Báo cáo của Troy Gilley sự thật quá ít, nếu không anh ta chí ít cũng được thưởng tới dăm cái huân chương (trong suốt 30 năm cuộc chiến tranh Việt Nam, duy nhất chỉ có Trung tướng Nguyễn Bình, nguyên Tư lệnh Nam bộ là chết trận vào năm 1951. Năm 2000, ông ta được Nhà nước Việt Nam truy phong danh hiệu AHLLVT. Còn những trường hợp khác đa số đều chết trong thời bình, do tai nạn máy bay).
Philippin, 24/10/1966
Trước áp lực của chiến trường và những khó khăn trong việc xoay chuyển tình thế, liên quân Mỹ và Quân đội Sài Gòn mạo hiểm mở cuộc tấn công sang đất Campuchia. SOG được lệnh đưa mấy toán biệt kích tại căn cứ Đà Nẵng và Kontum đến Buôn Mê Thuột hỗ trợ cho Sở Chỉ huy Nam (CCS). Đến ngày 30/6/1971, SOG chuyển 5 toán biệt kích ra Sở chỉ huy Bắc và 5 toán khác lên Sở chỉ huy Trung; các cuộc hành quân sang đất Campuchia đều giao cho biệt kích quân Sài Gòn đảm nhiệm.
HÀNH QUÂN BIỆT KÍCH CỨU TÙ BINH
Quá bận rộn với công việc khai khẩn, canh nông nên mãi đến năm 37 tuổi, Michael Benge mới nhận thấy phải làm một điều gì đó còn thiếu (?). Tối 28/1/1968, anh ta leo lên chiếc xe Jeep, tự lái từ nhà lên thị xã Buôn Mê Thuột. Là nhân viên làm việc cho cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID), làm cố vấn kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến của thế kỷ XX cho người Việt Nam. Michael Benge vẫn chưa biết gì về trận Tổng công kích trong dịp Tết Mậu Thân, cho đến khi một toán người vũ trang xuất hiện, chặn xe anh ta lại và kéo ra khỏi xe.
Sân bay Phú Bài, 1/1968
Mặc dù bị trói tay, Benge vẫn cố gắng thuyết phục người chỉ huy toán quân rằng, anh ta chẳng dính dáng gì đến quân đội. Sau đó họ tháo giày để anh ta khỏi chạy trốn và đưa anh ta đi, mỗi khi đi chậm lại là mũi súng AK lại thúc vào lưng giục anh ta đi tiếp. Benge bị coi như tù binh và bị áp giải sang đất Campuchia.
Sau đó toán quân áp giải Benge nhập vào một toán tù binh khác, chừng 12 người khác, gồm cả người Việt Nam và người Thượng. Ngày hôm sau, Benge được đưa đến một trại tù binh của đối phương nằm sâu trong rừng. Tại đây anh ta chứng kiến Tòa án Nhân dân Giải phóng xử một số tù binh, theo tuyên án là biệt kích, ác ôn, có nợ máu với dân, có tội phản quốc. Những người này bị xử bắn tại chỗ. Vài ngày sau, nhân viên USAID (Benge) có thêm những bạn tù Mỹ. Trong số tù binh bị giam giữ tại trại, có cả những người khoác áo thầy tu. Đối phương cho rằng trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam có phần can dự của những người tù binh này, dù họ khoác áo gì, hay dưới danh nghĩa nào đi nữa.
Lý luận của họ càng có cơ sở khi một tù binh người Thượng trốn thoát, anh ta lập tức chạy đến một đơn vị SOG, giúp những nhà phân tích xác định vị trí trại tù binh của đối phương. Là một bộ phận của “Trung tâm thu hồi nhân mạng hỗn hợp” (JPRC), SOG ra lệnh cho 5 toán biệt kích cùng 3 đại đội thuộc lữ đoàn dù 173 của Mỹ đi tìm kiếm những công dân Mỹ bị đối phương bắt. Nhìn vào lực lượng ứng cứu, đủ thấy vị trí quan trọng của những tù binh trên, họ có giá trị rất cao nữa là khác. Bởi vậy, giải cứu tù binh là mục tiêu lớn nhất, thường xuyên nhất và lâu dài nhất của các cuộc hành quân Bright Light (giải cứu tù binh) của SOG.
Ngày 18/2/1968, SOG thả 5 toán biệt kích xâm nhập khu vực mà tay chỉ điểm người Thượng và những phân tích gia của SOG vừa đánh dấu trên bản đồ. Bốn toán không tìm được gì. Toán thứ 5 do Trung sĩ Larry Six Pack White làm trưởng toán, cùng Grant Bollenback và 4 biệt kích Thượng phát hiện được 1 hang động tại một tọa độ trên bản đồ. Đến ngày thứ 3, họ nghe có người nói tiếng Việt. Toán biệt kích bò lên quan sát. Họ thấy chừng 25 lính Bắc Việt, nhưng đối phương đã biết có biệt kích xâm nhập, đang dàn quân ra để tấn công.
Toán biệt kích bắn xối xả, khiến cho đối phương phải lui lại. Nhân đó, white chạy lên tìm những tù binh Mỹ. Anh ta chỉ đủ thời gian chụp được 1 nắm giấy tờ, nhét vào áo rồi bỏ chạy. Sau đó được trực thăng vũ trang yểm trợ, White dẫn toán di chuyển đến bãi đáp và được bốc trở về an toàn.
Qua phân tích những tài liệu, SOG cho rằng trong số những người bị bắt có 3 công dân Mỹ là Benge, Olsen và Blood. Cả 3 người đều còn sống. Tuy nhiên còn sống thì không có nghĩa là khỏe mạnh. Ba người bị xích chung lại với nhau, không được ăn uống đầy đủ, làm cho họ yếu đi để không đủ sức chạy trốn và cả 3 vẫn tiếp tục bị áp giải đến khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Một tháng sau ngày bị bắt, Benge ngã bệnh sốt rét, rồi Betty cũng lên cơn sốt.
Hà Nội, 1973
SOG vẫn tiếp tục tìm dấu vết của họ để giải cứu. Một tù binh Thượng khác lại trốn thoát. Dựa vào tin tức người này cung cấp, ngày 7/4/1968, SOG mở cuộc tập kích vào trại tù binh, với lực lượng tham gia gồm: Trung đội thám báo thuộc chương trình Phượng Hoàng. Họ tìm được một chiếc lán bỏ trống và dấu vết của 3 người Mỹ mới được di chuyển đi nơi khác, trước đó khoảng 2 ngày.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P16
Đến giữa tháng 5, hai người Thượng nữa trốn thoát, báo cáo cho biết Blood, Benge và Olsen bị giam ở một nơi cách Buôn Mê Thuột khoảng 35 dặm về hướng nam. SOG đưa một toán Phượng Hoàng vào tìm thì chạm trán với một đơn vị cấp đại đội của đối phương, phải bỏ chạy. Năm ngày sau, SOG thả hai toán biệt kích vào tìm, nhưng đối phương đã di chuyển trại giam tù binh đến nơi khác.
Mùa mưa năm 1968, Blood chết trong trại tù binh vì bệnh sưng phổi. Benge và Olsen bị thiếu dinh dưỡng, rụng răng, rụng tóc, cộng thêm bị ghẻ ngứa lâu ngày không khỏi. Cuối tháng 11/1968, SOG thả toán biệt kích gồm 15 người từ Sở chỉ huy Nam (Buôn Mê Thuột) đi tìm trại tù binh, theo tin tức tù vượt ngục cung cấp. Họ đụng độ với Quân Giải phóng trước khi đến trại giam. Đối phương lại di chuyển trại giam đến nơi khác.
Trong một lần chuyển trại, sức khỏe của Betty ngày càng yếu, đi không nổi. Benge đến gặp người quản trại xin thuốc cho Betty, nhưng lấy đâu ra thuốc. Ngay chính những người quản tù còn không có thuốc thì lấy đâu ra thuốc cho tù binh. Vì vậy, ba hôm sau, Betty Ann Olsen qua đời. Riêng Benge sau khi di chuyển vào lãnh thổ Campuchia thì không ai biết tin tức gì nữa. Chỉ biết rằng tin tức về Benge sau này được chính Benge kể lại rằng, nhờ ăn rễ cây, côn trùng mà Benge mới sống đến ngày được trả tự do năm 1973. Ít ra thì anh ta cũng đạt được mục tiêu của mình là làm được một điều gì đó đáng nhớ.
Betty Ann Olsen, y tá, chọn cuộc sống độc thân để đến phục vụ những nơi có chiến tranh
Trong cuộc chiến Việt Nam, việc giải cứu tù binh gặp rất nhiều trở ngại. Ngay như lĩnh vực ngoại giao, nhiều khi đã gây rất nhiều rào cản cho các kế hoạch vượt biên giải cứu tù binh. Ngày 5/9/1968, một điệp viên ngầm cho biết, có hai tù binh Mỹ bị giam ở khu vực Thường Thới, cách Sài Gòn khoảng 100 dặm về hướng tây nam. SOG đã lập kế hoạch hành quân giải cứu tù binh đến hai lần, nhưng cả hai đều bị Washington bác bỏ vì tin tình báo không đầy đủ và khu vực dự định hành quân lại nằm bên kia biên giới Việt Nam – Campuchia. Ngày 21/9, Washington bác bỏ kế hoạch giải cứu số tù binh bị giam giữ tại vùng Mỏ Vẹt, kể cả những trại tù binh ở Lào. SOG tìm cách quay sang mua chuộc bằng tiền mặt để đem được tù binh về, với cái giá mỗi tù binh là 5.000 đồng. Đại úy Fred Caristo, một sĩ quan trong Ban tìm kiếm hỗn hợp đã nhiều lần xin gặp đại diện phía Mặt trận Dân tộc giải phóng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để điều đình về việc chuộc 5 tù binh Mỹ, với số tiền lót tay giao dịch là 25.000 đồng. Nhưng đó chỉ là câu chuyện phiếm mà thôi.
Có một sự kiện chắc đã được lưu trong hồ sơ của CIA. Đó là việc SOG cử một sĩ quan xin gặp đại diện của một trại tù binh để thương lượng về việc chuộc 21 tù binh Mỹ bị giam giữ ở khu vực gần Tây Ninh. Ngày 11/11/1970, phái viên Ban Tìm kiếm hỗn hợp trao cho viên sĩ quan đại diện Quân Giải phóng bức thư của Tướng Abrams, Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, xác định rõ số tiền chuộc 21 tù binh Mỹ. Người Mỹ quen giải quyết mọi việc bằng tiền. Nhưng có điều họ không hiểu cách xử sự ấy sẽ không đem lại kết quả. Tháng 7/1969, một gã chiêu hồi ở gần Chu Lai, Quảng Nam cho biết về một bệnh viện của đối phương trong đó có giam một tù binh Mỹ da màu. Qua phân tích, SOG quả quyết đúng quân nhân đó là Larry Aiken, bị bắt ngày 13/5/1969. Gã chiêu hồi đồng ý dẫn đường cho lực lượng SOG tập kích vào quân y viện, nằm cách Chu Lai khoảng 20 dặm về hướng tây nam. Đơn vị SOG cấp tốc tổ chức cuộc hành quân, do trực thăng của Sư đoàn Dù 101 yểm trợ, theo chương trình Phượng Hoàng, cộng thêm một đơn vị của Quân đội Sài Gòn làm nút chặn.
Ngày 10/7, liên quân Mỹ - Việt theo chỉ điểm của gã chiêu hồi mở cuộc tấn công vào bệnh viện của đối phương, nằm ẩn trong một thung lũng rậm rạp. Chỉ để giải thoát một quân nhân da màu Mỹ, họ đã đem cả một đội quân cơ động bằng máy bay tấn công vào một bệnh viện. Mà ở đó chỉ có những thầy thuốc và thương bệnh binh. Không biết chuyện tàn sát các thương bệnh binh và thầy thuốc ra sao, vì không thấy đề cập đến vấn đề này trong tài liệu. Chỉ biết rằng họ đã tìm thấy người quân nhân da màu Larry Aiken. Khi liên quân Mỹ - Việt tấn công vào bệnh viện nọ, anh ta vẫn còn sống. Nhưng sau đó, mặc dù các bác sĩ đã đem hết khả năng ra cứu chữa, Larry không hề ra khỏi tình trạng mê man và 10 ngày sau đó, anh ta chết. Có lẽ kết cuộc lần này hẳn CIA cũng không mong muốn.
Trở lại những vấn đề ngoại giao. Kể từ ngày 30/6/1970, không một toán biệt kích nào của lính Mũ Nồi Xanh làm trưởng toán được phép vượt biên sang Campuchia. Những cuộc hành quân vượt biên qua Lào còn khó khăn gấp bội, không có bất cứ cuộc hành quân giải cứu tù binh nào ở bên Lào của SOG được chấp thuận.
Trong khi đó, số quân nhân bị mất tích ngày càng gia tăng, đặc biệt trên lãnh thổ Lào. Ngày 31/7/1969, một toán biệt kích gồm 6 người do Đại úy Dennis Neal làm trưởng toán, xâm nhập sâu vào lãnh thổ Lào khoảng 20 dặm gần đường 921. Ngay khi đáp đất, toán biệt kích đã bị tấn công. Lần liên lạc cuối cùng của toán, nghe rõ tiếng cầu cứu trên máy truyền tin: “Cấp cứu! Cấp cứu! Chúa ơi! Nhanh lên!”. Toán ứng cứu Bright Light được phái đến tìm, nhưng không tìm thấy một xác chết hay một dấu hiệu nào khác. Ngày 13/11/1969, một toán biệt kích khác do Trung sĩ Ronald Ray làm trưởng toán, toán phó là Trung sĩ Randy Suber cũng bị xóa sổ trong khu vực cách thung lũng A Sầu 20 dặm về hướng tây đường 923. Số phận toán biệt kích do đối phương định đoạt.
Thượng sĩ Tony Deluca, một trưởng toán biệt kích thuộc Sở chỉ huy Nam ở Buôn Mê Thuột đến làm việc tại Ban Tìm kiếm hỗn hợp, đã xác nhận năm 1969 có 104 quân nhân Mỹ bị mất tích ở Lào, tính đến ngày 1/9/1970 thì có thêm 59 người, nâng tổng số lên 327 người. Trong số đó, có 10 người được Quân đội Bắc Việt trả tự do.
Ngày 25/10/1970, toán biệt kích Fer De Lance bị tấn công và tiêu diệt trên đất Lào, mất thêm một biệt kích có hạng là trưởng toán David Davidson, vốn là bạn thân của Deluca. Trung sĩ David “Babysan” Davidson đã làm trưởng toán được 3 năm. Anh ta rất nổi tiếng trong số các giai thoại về lực lượng SOG. Tiếng tăm của Davidson có lẽ chỉ thua Jerry “Mad Dog” Shriver. Một trưởng toán biệt kích khác là Sonny Franks nhận xét: “Anh ta đi rừng rất giỏi, bất chấp mọi nguy hiểm. Anh ta luôn dẫn dắt được toán trở về”.
Giống như chuyến xâm nhập định mệnh, “Babysan” không những không đưa được toán trở về, mà thậm chí anh ta còn mất mạng.
Chuyện là vào một buổi chiều, vào tháng 10/1970, khi toán Fer De Lance đang hoạt động tại một rặng núi ở phía nam đường 922 của Lào, cách thung lũng A Sầu 10 dặm về hướng tây. Máy bay trinh sát “Covey” (chó biển) bao vùng nghe “Babysan” báo cáo Quân Bắc Việt đang truy lùng họ. Thời tiết hôm đó có nhiều mây che phủ và chiếc “Covey” phải bay trở về lấy thêm xăng. Khi chiếc “Covey” quay trở lại, thì “Babysan” đã ăn đạn, rơi xuống vực. Toán phó là Trung sĩ Fred Gassman báo cáo đang bị đối phương bao vây tứ phía. Ngay sau đó, báo cáo thêm là anh ta bị thương và máy vô tuyến cũng trúng đạn nên hỏng nặng.
David "Babysan" Davidson
Đêm hôm sau, Trung sĩ Frank Burkhart, một cựu trưởng toán của hai toán biệt kích Miter, anh ta là bạn thân của “Babysan”, ngồi uống rượu trong một quán bar ở Sài Gòn, anh ta nói với người bạn ngồi đối diện là Tony Deluca, rằng anh ta muốn dẫn một toán ứng cứu Bright Light đi tìm xác “Babysan”. Nhưng Deluca xua tay, lắc đầu: “Babysan đã chết, mình phải lo cho người sống đã”. Để cho Burkhart đỡ buồn, Deluca kể lại một câu chuyện. Đại để là vào khoảng cuối tháng 9, qua khai thác một hàng binh của Quân Bắc Việt, SOG biết rằng có một trại tù binh giam giữ 12 tù binh Mỹ. Theo đó, ngày 3/10, SOG thả một toán biệt kích Earth Angle, gồm toàn hàng binh Bắc Việt, tìm kiếm trại tù binh. Họ đụng độ với đơn vị tuần tiễu của đối phương, đành phải rút lui. Qua không ảnh xác nhận vị trí trại tù binh của đối phương là có thật. Phòng Nhì Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam (MACV) đã gửi một tấm ảnh đến Phnôm Pênh để gã hàng binh Bắc Việt xác định. Gã ta quả quyết đúng, qua máy dò sự thật. Gã ta sau đó tình nguyện dẫn toán biệt kích đi giải cứu, nhưng kế hoạch bị bác bỏ. Chính quyền Washington không muốn có sự hiện diện của bất kỳ quân nhân Mỹ nào trên đất Campuchia. Deluca nói rằng anh ta có ý định riêng để thực hiện.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P17
Sáng hôm sau, Thượng sĩ Deluca không đến Bộ chỉ huy SOG để làm việc. Anh ta mặc thường phục đón taxi vào sân bay Tân Sơn Nhất, mua vé của Hãng hàng không Thái Lan đi Bangkok, với một túi xách tay chứa mấy món đồ bằng vàng trị giá hàng ngàn dollar. Đến Bangkok, Deluca tìm đến một phụ nữ Lào bí ẩn, người mà anh ta biết qua tin tình báo. Người phụ nữ này quen biết với giới trung lưu Lào.
George Clark tại núi Cô Tô, 4/1969
Với sự giúp đỡ của chị ta, Deluca đón xe lửa đi về hướng đông bắc đến biên giới Thái – Lào, gần thị xã Savanakhet. Một sĩ quan SOG cho biết: “Đó là lần cuối cùng có người trông thấy Deluca. Anh ta xâm nhập vào đất Lào một mình đi tìm tù binh”.
Vài tuần sau, Thiếu tá Ed Lesesne được mời đến căn cứ không quân Nakhon Phanom ở đông bắc Thái Lan để nhận diện một tử thi. Khi kéo tấm vải phủ trên tử thi ra, Lesesne nhận diện đúng là xác của Deluca. “Anh ta bị bắn 8 hay 9 viên đạn. Không biết có phải bị hành quyết hay không, vì họ đã rửa xác cho Deluca”. Trung tá Radke coi cái chết của Deluca là “bi kịch kết thúc”.
Cùng vào thời điểm trên, những cuộc hành quân Bright Light giải cứu tù binh trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam cũng gặp nhiều trở ngại, làm SOG bị mất mặt không kém như ở Lào. Nhiều cuộc tập kích cứu tù binh do những toán biệt kích biển (SEAL) như toán 1, toán 2, phối hợp cùng SOG thực hiện. Trong 3 năm 1969-1971, SEAL làm nhiều cú ngoạn mục ở vùng ĐBSCL. Ngày 8/11/1971, SEAL xâm nhập nhiều nơi để tìm kiếm dấu vết Trung sĩ Gerasimo Arroyo Baez, bị mất tích từ ngày 24/3/1969, anh ta được 6 cựu tù binh Quân đội Sài Gòn nhận diện khi trốn thoát khỏi trại tù binh, nằm cách mũi Cà Mau khoảng 50 dặm.
Toán biệt kích cải trang giống như Quân Giải Phóng, từ chiến hạm Washtenaw County họ xuất phát bằng thuyền cao su cặp bờ, cách trại tù binh khoảng 200 thước, gặp gã hàng binh cho biết: trại tù binh đã dời đi nơi khác vì 6 tù binh Quân đội Sài Gòn đã trốn thoát nên đối phương sợ họ chỉ điểm. Toán Biệt hải bắt sống được một tù binh, rồi rút êm.
Tại Sại Gòn, SOG mua chuộc gã tù binh, đặt trước mặt anh ta 5.000 USD với điều kiện đưa được Arroyo Baez về, bằng không SOG sẽ thả truyền đơn trên khắp vùng châu thổ Cửu Long tuyên truyền rằng anh ta làm gián điệp cho SOG và chắc chắn đối phương sẽ làm thịt anh ta. Sau đó, toán Biệt hải đưa gã ta trở lại nơi bị bắt, bắn vài phát súng chỉ thiên, dàn cảnh để cho gã tù binh trốn thoát. Nhưng kết cục sau đó, gã tù binh cũng biến mất luôn (!). Phần kết câu chuyện là hài cốt Arroyo Baez được trao cho Chính phủ Mỹ vào năm 1995, nhưng không giải thích tại sao anh ta chết.
Một lần khác, SOG cứu được 15 tù binh, nhưng không một ai là người Mỹ. Thêm một nỗ lực nữa trong việc giải cứu tù binh, diễn ra vào đầu tháng 5/1971. Khi bộ phận kiểm thính Mỹ nhận được một công điện của Quân đội Bắc Việt cho biết, một tù binh Mỹ đã trốn khỏi trại tù binh ở vùng Tchepone của Lào và đang tìm đường trở lại biên giới Lào – Việt. Lập tức máy bay thám thính bay đi tìm dấu vết người tù binh Mỹ trong phạm vi 6 dặm xung quanh Tchepone.
Toán biệt kích với trang phục giống người bản xứ tại Lào, 1973
Một chiếc máy bay điều không tiền tuyến (FAC) trông thấy dấu hiệu nhiều viên đá đặt lên nhau, SOG cho rằng đó là ký hiệu của Trung úy Jack Butcher, từng đóng quân trong sân bay Đà Nẵng. Chiếc máy bay thám thính OV10 do anh ta lái bị bắn rơi gần Tchepone vào ngày 24/3. SOG đệ trình kế hoạch hành quân qua Lào để giải cứu Butcher và được trả lời cho phép đưa một đơn vị lớn, quân số lên đến 365 người với điều kiện: Trước hết, phải tìm cho ra Butcher đã.
Máy bay thám thính của SOG bao vùng, thả xuống hai túi mưu sinh, hy vọng Butcher sẽ lấy được. Thêm một chiếc FAC có Đại tá Bill Page, sẵn sàng ra lệnh triển khai kế hoạch ứng cứu Fulton, nếu tìm ra Trung úy Butcher. Khu vực hành quân vốn là địa bàn rất nguy hiểm, bởi cuộc hành quân Lam Sơn 719 vừa chấm dứt, với sự hiện diện của 9 sư đoàn chính quy của Quân đội Bắc Việt (có lẽ con số này được CIA đưa ra, để làm nhẹ đi tổn thất của Mỹ và Quân đội Sài Gòn trong cuộc hành quân Lam Sơn 719). Ngày 9/5, chiếc trực thăng CH53 Jolly Green từ Nakhon Phanom, Thái Lan, đưa toán cấp cứu Bright Light đến vị trí đã xác định để tìm Butcher. Họ thấy dấu bàn chân to tướng của Butcher, nhưng chạm trán đối phương, đành phải rút quân về lại căn cứ không quân Nakhon Phanom của Thái Lan.
Trước đó, cũng tại vùng Tchepone, SOG đã cứu được viên Trung úy phi công Larry Parsons của Thủy quân lục chiến Mỹ. Anh ta từng trốn trong rừng 18 ngày. Nên SOG vẫn nuôi hy vọng và tiếp tục tìm kiếm dấu vết Butcher thêm 10 ngày nữa. Cho đến khi kiểm thính nhận được bức điện văn cho biết Quân đội Bắc Việt đã bắt lại được Butcher thì cuộc giải cứu mới thật sự chấm dứt.
Nguyễn Thị Dậu & Phan Cẩm Phi, 2 bóng hồng thuộc binh chủng Dù, Quân đội VNCH, trong một buổi huấn luyện
Nằm trong chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”, hai sư đoàn còn đầy đủ quân số tại Việt Nam là Sư đoàn kỵ binh bay số 1, ở gần Sài Gòn để bảo vệ Trung tâm tiếp vận Quân đội Mỹ và Sư đoàn dù số 101, nằm ở ngoại ô Đà Nẵng. Nhằm giải cứu tù binh, SOG lập kế hoạch và yêu cầu lập hai trung đội vì quân số Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã giảm. Tháng 5/1971, kế hoạch giải cứu tù binh được Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam là Tướng Abrams phê duyệt. Tháng 6/1971, hai trung đội xung kích được thành lập và đặt tên là Trung đội thám báo 1 và 2.
Trung đội 2 đóng tại Đà Nẵng, Trung đội 1 đóng ở Kontum. Mỗi trung đội gồm 3 toán biệt kích. Toán California do Donald Davidson làm trưởng toán; toán Hawaii do Ls Dover làm chỉ huy; toán West Virginia do Larry Kramer làm trưởng toán.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P18
HÀNH QUÂN BIỆT KÍCH TRONG MẬU THÂN 1968
Đầu năm 1968, tại Khe Sanh tổ chức một trại biệt kích. SOG sử dụng trại này làm căn cứ hành quân tiền phương. Với vị trí này, Khe Sanh trở thành tiền đồn bảo vệ phía tây của khu phi quân sự. Trong căn cứ này có tới 6.000 quân thuộc Trung đoàn 26 Thủy quân lục chiến Mỹ và Tiểu đoàn 37 Biệt động quân của Quân đội Sài Gòn. Theo tin tức tình báo thì bên ngoài có sự hiện diện của 20.000 Quân đội Bắc Việt. Do đó, mọi hỏa lực đều tập trung xung quanh căn cứ như pháo binh, không quân, kế cả máy bay chiến lược B52 yểm trợ ngày đêm. Sự có mặt, cũng như các cuộc hành quân vượt biên của SOG đều được bảo mật, không ai biết.
Trong trại biệt kích Khe Sanh, SOG có 50 biệt kích quân Mỹ và khoảng 500 dân sự chiến đấu. Họ đều sống dưới hầm y như binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ. Bình quân mỗi ngày chịu đựng 1.500 quả đạn đại bác, súng cối của đối phương bắn vào căn cứ. Bên ngoài Khe Sanh, trên những ngọn đồi, tử thần luôn rình rập. Những toán biệt kích SOG đều xuất phát từ căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB 1) ở Phú Bài, có nhiệm vụ xâm nhập khu vực dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để tìm mục tiêu, chỉ điểm cho máy bay oanh tạc; đặt máy nghe trộm điện thoại, máy do thám điện tử...
Tại phía tây căn cứ Khe Sanh, dọc theo biên giới Việt – Lào, những toán biệt kích SOG khác xuất phát từ “cửa hậu” của SOG là sân bay Nakhon Phanom. Tại đây, SOG có 7 nhân viên làm việc với Phi đoàn 21 “Pony” hành quân đặc biệt thuộc Không lực Mỹ. Một đơn vị có quan hệ mật thiết với SOG nữa là Phi đoàn 20 Green Hornets. Từ tháng 1/1967, “Pony” yểm trợ cho các toán biệt kích SOG hoạt động ngoài lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, cũng như yểm trợ các hoạt động của CIA khi họ chuẩn bị đến cuối năm thả những toán biệt kích của SOG xâm nhập vào đất Lào. Vì vậy, căn cứ Nakhon Phanom vủa Thái Lan ngày càng trở nên quan trọng. Nhất là từ đầu năm 1968, khi trực thăng của SOG không thể hoạt động được ở sân bay bên trong căn cứ Khe Sanh
Một trong những mục tiêu thường xuyên của SOG trên đất Lào là rặng núi Cơ Rốc, cao 549m, ở hướng tây Khe Sanh. Ở đó Quân Bắc Việt đào hầm, đục đá, khoét núi làm đường chuyển quân. Ngày 12/1/1968, toán biệt kích Indiana bị phục kích trên một sườn núi, Họ chạy táo tác, thất lạc nhau. Toán phó là Trung sĩ Jim Cohron, cùng hai biệt kích Nùng tách rời khỏi toán. Số còn lại chạy đến một con đường mòn, tìm cách liên lạc với Cohron không được nên tự thoát thân, còn nhóm Cohron thì bị mất tích.
CIA cho rằng, toán Indiana chạm trán với Trung đoàn Đồng Nai của Quân đội Bắc Việt. Hệ thống kiểm soát thông tin bắt được tần số của đối phương cho biết Cohron đã bị bắt. Nhưng cho đến nay, số phận người biệt kích Mũ Nồi Xanh, quê ở tiểu bang Iowa ấy vẫn chỉ là dấu hỏi.
Cách căn cứ Khe Sanh 5 dặm về hướng tây, trong chân ngọn núi Cơ Rốc bên kia biên giới là trại biệt kích Làng Vây, do Đại úy Frank Willoughby chỉ huy. Đầu năm 1968, dưới áp lực của Quân đội Bắc Việt, 282 biệt kích quân người Thượng được tăng cường cho đại đội biệt kích thượng và lực lượng biệt kích Mũ Nồi Xanh của Mỹ.
Daklak, 12/1968
Bộ phận còn lại của toán Indiana đến trại biệt kích Làng Vây vào một buổi tối cuối tháng 1/1968, sau nhiều ngày bị đối phương săn đuổi trên ngọn núi Cơ Rốc. Trưởng toán Rick Bayer thông báo cho hạ sĩ quan Bill Craig rằng toán biệt kích Indiana trông thấy dấu xích xe tăng của Quân đội Bắc Việt. Ngoài ra, khi đi ngang qua sông Sêkong lúc trời sập tối, toán biệt kích trông thấy Quân Bắc Việt thăm dò mực nước sông và đánh dấu bãi chuẩn bị hành quân vượt sông. Bayer không hoài nghi chuyện Quân đội Bắc Việt sẽ đem xe tăng vào chiến trường miền Nam.
Khi được đưa vào Sài Gòn để báo cáo với Trung tâm, Trung sĩ Bayer bị cười nhạo và cho rằng Bayer nằm mơ hay nói dóc (!). Cấp chỉ huy của anh ta ở căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài (FOB 1) là Thiếu tá Ed Rybat cũng mất mặt không kém: “Chúng tôi gửi báo cáo về, họ trả lời rằng không có gì hết, đó là dấu xe ủi đất!. Tôi từng phục vụ trong đơn vị thiết giáp trước đây, tôi biết thế nào là dấu xích xe tăng. Đó là dấu thiết vận xa lội nước PT 76 của đối phương”.
Tại Sài Gòn, chỉ huy trưởng SOG là Đại tá Singlaub tin rằng Quân đội Bắc Việt chuẩn bị xe tăng để tấn công. Ngược lại, Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam (MACV) bỏ ngoài tai lời cảnh báo của ông ta.
Thế rồi, rạng sáng ngày 6/2/1968, binh sĩ Thủy quân lục chiến trong giao thông hào phía tây căn cứ Khe Sanh nghe tiếng động cơ theo gió đưa tới, nghe như tiếng máy cưa(?). Không phải! Là xe tăng! Mặt đất trại biệt kích Làng Vây bỗng rung chuyển khi 11 chiếc xe tăng PT 76 cùng một tiểu đoàn bộ binh Bắc Việt được pháo 152 ly yểm trợ tràn vào trại. Đại bác 76 ly trên xe tăng bắn sập các công sự, lô cốt bên trong. Hơn một nữa lực lượng dân sự chiến đấu Thượng chết ngay tại trận. Lực lượng biệt kích Mũ Nồi Xanh Mỹ sử dụng súng cối 105 ly đối phó với xe tăng PT 76.
Chỉ huy trưởng SOG thông báo về vụ tấn công trại biệt kích Làng Vây cho Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, nhưng viên tướng trưởng phòng Nhì của Bộ Tư lệnh vẫn một mực không tin và buông một câu tỉnh queo: “Làm gì có xe tăng ở Việt Nam (!)”. Trong khi đó, trận đánh Làng Vây vẫn đang tiếp diễn, SOG trong Khe Sanh chuyển lời cầu cứu của trại biệt kích cần viện binh. Đại tá David Lawnds, chỉ huy trưởng căn cứ Khe Sanh từ chối: “Tôi không muốn hy sinh tính mạng người Mỹ”. Biệt kích SOG kể rằng: “Ông ta liếc qua chúng tôi chớp nhoáng như máy quang tuyến, rồi khước từ một cách dã man”.
Thiếu tá Jim Staton, sĩ quan điều hợp pháo binh của Thủy quân lục chiến trong căn cứ Làng Vây đã xác định: “Đúng vậy, chúng tôi có thỏa thuận rằng sẽ đi ứng cứu căn cứ Làng Vây trong trường hợp căn cứ này có thể bị dứt điểm. Tình trạng chiến đấu trong căn cứ đã xuống thấp, không ai đảm bảo vấn đề an toàn cho họ”.
Đã 2 lần trong đêm, viên sĩ quan tùy tùng của tướng Westmoreland phải đánh thức ông ta dậy để báo tin trại biệt kích Làng Vây bị tấn công. Đại tá Francis Kelly, chỉ huy trưởng Liên đoàn biệt kích số 5 của Mỹ yêu cầu Tướng Westmoreland gửi quân tiếp viện cho Làng Vây. Nhưng Tướng Westmoreland rất ngần ngại khi ra lệnh cho Bộ Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ. Cá nhân Westmoreland xem chuyện từ chối không tiếp viện cho trại Làng Vây là do mâu thuẫn giữa Bộ Tư lệnh MACV của ông ta với Bộ Tư lệnh thủy quân lục chiến của Mỹ. Ông ta ra lệnh triệu tập một cuộc họp với các vị tướng lĩnh thủy quân lục chiến Mỹ tại Đà Nẵng vào sáng hôm sau
Trong lúc đó, tại trại biệt kích Làng Vây, Quân đội Bắc Việt đã hoàn toàn làm chủ tình thế. Sĩ quan Quân đội Bắc Việt ra lệnh cho tất cả binh sĩ lực lượng biệt kích Sài Gòn và Mỹ mở cửa hầm chỉ huy và ra đầu hàng. Sĩ quan biệt kích Sài Gòn ngoan cố và bị bắn tại chỗ vì tội phản quốc. Quân đội Bắc Việt dùng thuốc nổ phá các cửa hầm, sức ép bộc phá làm 8 biệt kích quân Mũ Nồi Xanh bất tỉnh.
Cùng thời điểm trên, Tướng Westmoreland đến Đà Nẵng, ra lệnh cho Trung tướng Robert Cushman cung cấp trực thăng lập tức đưa một đơn vị SOG của căn cứ Khe Sanh đến Làng Vây ứng cứu. Sau này, Tướng Westmoreland mới biết mệnh lệnh của ông ta không được thi hành. Tướng Westmoreland viết: “Đó là điều xảy ra trong thời gian tôi phục vụ tại Việt Nam. Chuyện đó làm tôi muốn xin về hưu”.
Tại Khe Sanh, thiếu tá George Quamo, Thượng sĩ Charles Skip Minnicks có thể nhìn thấy khói bốc lên từ trại biệt kích Làng Vây. Quamo nói về sự nguy hiểm đang chờ đợi họ, rồi hỏi: “Ai muốn đi?”. Một tá lính Mũ Nồi Xanh xách tiểu liên CAR15, tập hợp 30 biệt kích Nùng, Thượng rồi leo lên trực thăng thủy quân lục chiến ra đi.
Sự thờ ơ của thủy quân lục chiến đã tác động đến viên phi công lái trực thăng, anh ta cũng không nhiệt tâm đi cứu. Từ trên máy bay nhìn xuống, họ thấy cảnh xe tăng cháy, doanh trại đổ nát. Mấy tay phi công CH46 kinh hoàng, họ lái máy bay lòng vòng trên không. Cuối cùng, Thiếu tá Quamo phải ra lệnh “vào!” thì họ mới hạ cánh.
Xuống tới đất, toán biệt kích SOG chia ra lục soát các hầm hào, công sự phòng thủ để tìm người sống sót. Quân Bắc Việt đã ngưng tấn công và rút ra xung quanh Làng Vây để đề phòng máy bay Mỹ oanh kích. Hầu hết các quân nhân Mỹ sống sót nhờ Trung sĩ nhất Eugene Ashley. Anh ta chết vào sáng hôm đó, trong những đợt phản công đẩy lui quân Bắc Việt ra khỏi Làng Vây. Anh ta được truy tặng huân chương danh dự cao nhất của Chính phủ Mỹ. Một số lính Mũ Nồi Xanh thoát chết nhờ viên tài xế lái chiếc xe Jeep của biệt kích Sài Gòn là Thiếu úy Quý đã xông vào trại, chở họ đi.
Toán biệt kích SOG gom tất cả những biệt kích Mỹ sống sót lại và với khả năng của họ, đem theo những biệt kích quân Thượng bị thương ra bãi đáp chờ trực thăng bốc về. Khi máy bay ứng cứu cất cánh, trưởng toán Alabama John Allen còn trông thấy một lính Mỹ chạy ra bãi đáp, vẫy tay cầu cứu, nhưng họ không thể quay trở lại, anh ta bị bỏ rơi cho số mệnh. Tay biệt kích Mỹ hẩm hiu ấy tên là Dennis Thompson, bị bắt làm tù binh và được trả tự do 5 năm sau đó. Thiếu tá Quamo đã giải cứu được 14 trong số 24 biệt kích quân Mỹ ở trại biệt kích Làng Vây, trong đó có một người bị thương.
Ngoài công ứng cứu, giải vây trong trận Khe Sanh, biệt kích SOG còn có công thu thập tin tức tình báo trên chiến trường Lào. Trong năm 1968, họ đã phát hiện ra môt căn cứ lớn, có sở chỉ huy, kho vũ khí, đạn dược của đối phương gần dãy núi Trường Sơn. Trận ném bom B52 Arc Light được lệnh tiêu hủy căn cứ này. Kết quả gây ra nhiều tiếng nổ phụ trong vòng hai giờ đồng hồ. Trong hồi ký của mình, Tướng Westmoreland tin rằng trận đánh bom B52 đã trúng vào Sở chỉ huy đầu não của đối phương. Trong trận bao vây Khe Sanh, có lẽ hệ thống thông tin của đôi phương bị gián đoạn khoảng 2 tuần lễ, dẫn đến sự rối loạn trong chỉ huy. Do đó, Quân đội Bắc Việt không mở trận tấn công tiếp vào căn cứ Khe Sanh trong Tết Mậu Thân.
NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU
Giáo sư Vủ Đình Hiếu - P19
Cuối tháng 3/1968, trong khi Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ bắt đầu hành quân giải tỏa áp lực của đối phương xung quanh căn cứ Khe Sanh, thì toán Asp xâm nhập khu vực cách Khe Sanh 25 dặm về hướng tây bắc, để theo dõi sự rút lui của các đơn vị Quân đội Bắc Việt. Ai dè, toán biệt kích lại bất ngờ bị tấn công. Ngoài trưởng toán là Trung sĩ nhất George Brown, Asp còn có Trung sĩ Charles Huston và alan Boyer.
Một chiếc Kingbee định đến cứu George Brown và Charles Huston, nhưng bị hỏa lực đối phương khống chế, không làm gì được. Một chiếc Kingbee khác phát hiện Alan Boyer, bèn thả thang dây xuống cứu anh ta. Rủi thay, đạn bắn đứt dây thang, anh này rơi xuống giữa đội hình Quân đội Bắc Việt. Thế là cả toán biệt kích Mũ Nồi Xanh đều bị xóa sổ.
Đó chỉ là con số tổn thất khiêm tốn so với 205 lính thủy quân lục chiến Mỹ bỏ mạng trong 77 ngày căn cứ Khe Sanh bị bao vây.
Thiếu tá Quamo, chỉ huy cuộc giải cứu trại biệt kích Làng Vây, được chính máy bay của SOG chở về Đà Nẵng, nhưng chiếc máy bay cũng biến mất luôn. Có lẽ vì thời tiết xấu. Chỉ biết rằng hài cốt của Quamo mãi 6 năm sau (1974), mới tìm được. Phải mất vài tuần, sau khi căn cứ hành quân tiền phương (FOB) ở Khe Sanh đóng cửa, SOg mới dời sang trại biệt kích Mai Lộc ở đông bắc Khe Sanh.
Khi các cuộc chiến xung quanh Khe Sanh lắng dịu dần, các toán biệt kích SOG lại vượt biên xâm nhập Campuchia để do thám xem sau cuộc tổng công kích, đối phương có rút sang đó không?
Ngày 2/5/1968, toán biệt kích do Trung sĩ nhất Leroy Wright làm trưởng toán đã xâm nhập vào vùng Lưỡi Câu. Thành viên của toán còn có Trung sĩ Lloyd “Frenchie” Mousseau, Brian O’ Conner cùng 9 biệt kích Nùng.
Toán biệt kích xuất phát từ căn cứ Quản Lợi vào một buổi sáng. Trung sĩ nhất Roy Benavidez là bạn của Leroy Wright đã ra tiễn đưa, với lời chúc thành công. Thế nhưng, khi toán đáp đất, đã chạm trán với đối phương buộc phải quay trở lại trong lúc đối phương đuổi sát nút và sử dụng hỏa lực kiềm chế không để biệt kích quân ngóc đầu dậy; đồng thời bắn đuổi những chiếc trực thăng cấp cứu ra chỗ khác. Một trực thăng vũ trang trúng đạn, rơi xuống thành đống sắt vụn.
Đối phương tăng quân bao vây toán biệt kích đang nằm chịu trận dưới trận mưa của các loại hỏa lực như súng cối, B40, AK47... Bỗng một loạt đạn AK trúng đầu Wright, anh ta chết ngay tức khắc. Mousseau và O’Connor cùng bị nhiều vết thương. Còn tất cả những biệt kích quân Nùng đều trúng đạn, kẻ chết, người bị thương nằm la liệt. Toán biệt kích chỉ còn nước chờ bị xóa sổ.
Cùng thời điểm trên, tại một túp lều dã chiến trong căn cứ hành quân tiền phương Quản Lợi, Roy Benavidez lắng nghe những lời thoại qua máy truyền tin, điện đàm giữa các phi công trực thăng vũ trang và phi công lái máy bay quan sát điều hành không quân yểm trợ (FAC). Roy Benavidez rất sốt ruột, lo lắng cho các chiến hữu của mình. Leroy Wright, Mousseau, Brian O’Connor và cả những biệt kích Nùng đều lâm nạn. Một lữ đoàn của Sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ” đang hành quân gần đó, nhưng họ không được phép vượt biên sang Campuchia. Một toán cấp cứu Bright Light cũng không có. Phải làm gì đây? Roy Benavidez đứng ngồi không yên.
Bị mất nhiều máu, Brian O’Connor đuối dần. Anh nghe như tiếng trực thăng đang đến, nhưng không di chuyển được. Khi chiếc trực thăng vừa chạm đất, Roy Benavidez xách túi đựng dụng cụ y tế nhảy xuống và chạy thật nhanh vào bụi rậm, nơi các biệt kích SOG nằm la liệt. Roy tình nguyện một mình đi cứu toán biệt kích. Đối phương trông thấy chiếc trực thăng đáp xuống liền bắn ra tới tấp. Một viên trúng vào đùi Roy, anh ta vẫn tiếp tục chạy, không dám dừng lại. Vào đến vị trí toán biệt kích, Roy quan sát thật nhanh xung quanh: Wright đã chết, Mousseau trúng đạn vào đầu, nằm thẳng cẳng nhưng chưa chết, O’Connor bị thương nhưng vẫn còn bò lết được. Roy Benavidez băng bó cho bạn, chia số đạn còn lại cho những người bị thương để bắn cầm cự. Roy lãnh thêm 1 viên AK nữa vào đùi phải trong lúc chỉ điểm cho trực thăng oanh kích và để đưa những người sống sót ra.
Khi chiếc trực thăng đã hạ cánh, Roy đưa khẩu AK cho O’Connor, còn mình thì vác theo xác Wright. Một viên AK khác trúng vào phổi, Roy đổ xuống, choáng váng. Chiếc trực thăng trúng đạn súng cối, gục đầu xuống, cả viên phi công và người xạ thủ đại liên đều chết. Roy cố lết lại chiếc trực thăng, giúp những người sống sót ra khỏi máy bay, trước khi nó bốc cháy. Roy tiếp tục chỉ điểm cho phản lực Phantom F4 oanh kích và lĩnh thêm 2 viên đạn AK nữa. Trong lúc đó, đối phương bắn rơi thêm một chiếc trực thăng Gunship nữa.
Rồi một chiếc Huey khác vào bãi đáp, trên chiếc trực thăng có Trung sĩ quân y Ronald Samsons, anh ta giúp Benavidez kéo, dìu phi hành đoàn chiếc trực thăng trúng đạn, xác biệt kích quân lên máy bay. Trên đường về, Benavidez bất tỉnh vì mất nhiều máu và kiệt sức. Mouseau chết vì vết thương ở đầu quá nặng. Wright đã chết trước đó. Về sau họ được truy tặng huân chương Ngoại hạng (Distinguish Service Cross). Benavidez nằm bệnh viện gần một năm, điều trị 7 vết thương đạn AK, cộng 28 mảnh B40, cối 60 ly của đối phương. Roy Benavidez liều mạng cứu 8 người, nhưng chẳng hiểu sao không hề được thưởng công. Người ta chỉ giải thích do giấy tờ bị thất lạc. Mười ba năm sau, khi đã về hưu, Thượng sĩ Roy Benavidez mới được máy bay quân đội chở đến Washington để Tổng thống Reagan gắn huy chương Danh dự (Medal of Honor).
Sau ngày Roy Benavidez cứu toán biệt kích ở Campuchia trong tháng 5/1968, toán Alabama mới xâm nhập lãnh thổ Lào, cách thung lũng A Sầu 15 dặm, họ gắn máy nghe trộm các cuộc điện đàm của đối phương. Trưởng toán là Trung sĩ John Allen, ngoài ra thành viên của toán còn có Kenneth Cryan, Paul King và sáu biệt kích Nùng. Toán Alabama xâm nhập vùng và nghi ngờ có 1 sư đoàn Bắc Việt. Đơn vị này rút qua Lào khi Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ mở cuộc hành quân càn quét khu vực xung quanh thung lũng A Sầu.
Khi chuẩn bị thả toán biệt kích gần đến bãi đáp, Allen trông thấy hầm hố, công sự phòng thủ của đối phương dưới rặng cây, nhưng không thấy bóng dáng quân Bắc Việt tại địa điểm thả toán. Allen bèn ra hiệu đáp xuống và toán biệt kích bắt đầu thực thi nhiệm vụ. Họ di chuyển khoảng 1 tiếng đồng hồ. Với kinh nghiệm của 20 chuyến xâm nhập ở Lào, một chuyến Bright Light xuống miền Bắc Việt Nam và giác quan thứ 6 mách bảo, Allen ra hiệu cho toán phó Ken Cryan biết: “Có điều gì đó không bình thường, ngửi mùi cũng biết chuyện đó”. Allen cùng một biệt kích Nùng tiến tới đằng trước quan sát.
Hai người lên trước khoảng 250 thước, họ trông thấy khoảng đất rộng đã được dọn dẹp, những nhánh cây cao trên đầu được cột lại, che giấu khoảng đất trống ở dưới. Ở giữa có một căn nhà làm bằng tre. Rõ ràng đây là Sở chỉ huy của đối phương, có lính Bắc Việt ra vào. Xa hơn chút nữa có đường hầm rộng đủ 2 người cùng đi đào sâu vào trong núi. Allen chụp mấy tấm ảnh rồi lùi về chỗ toán biệt kích Alabama.
Tập kích bắt tù binh đối phương
Toán phó Ken Cryan cho biết có vài lính Bắc Việt vừa đi ngang qua, có lẽ là đội săn lùng biệt kích. Allen quyết định “cắt đuôi”, rồi cả toán nghe tiếng hô, tiếng lùng sục trong các bụi rậm trên đường họ vừa di chuyển qua. Toán biệt kích chạy thoát. Vài phút sau, người biệt kích dẫn đường đưa toán băng qua một con đường mòn, có lẽ dẫn tới Sở chỉ huy. Âm thanh truy lùng toán biệt kích chỉ cách họ chừng 50 thước, Allen quyết định tăng tốc độ di chuyển. Họ băng qua một đường mòn nữa, nghe tiếng gọi nhau của đối phương ở cánh phải và cả tiếng trả lời phía sau. Toán biệt kích chạy hết sức lực lên ngọn đồi, để lại phía sau những tràng súng AK nổ vang dội. Một biệt kích đáp lại bằng tràng CAR15. Cryan quỵ xuống ôm lấy đùi bên phải, Allen chạy lại xốc nách Cryan dìu đi, mặc cho Cryan yêu cầu hãy chạy đi, để anh ta ở lại. Một biệt kích Nùng trúng 1 viên AK vào ngực, gục xuống đất chết, cũng được đồng đội cõng theo.
Trong khi Paul King gọi máy bay cấp cứu, Allen tìm chỗ để phòng thủ. Anh ta thấy một hố bom cách chừng 50 thước trên đường lên núi, bèn ra lệnh cho các thành viên bắn yểm trợ. Allen dìu Cryan di chuyển đến hố bom, bộ phận còn lại theo sau. Allen trải tấm panel màu cam giữa lòng hố bom, đánh dấu vị trí toán biệt kích để Paul King gọi phi cơ đến ứng cứu. Người biệt kích Nùng đã chết, Cryan trúng đạn vỡ xương đùi khiến anh ta đứng lên không nổi. Có lẽ phải cưa chân. King chích morphin cho Cryan, đủ cho anh ta đỡ đau và tỉnh táo.
Allen cùng những biệt kích còn lại chuẩn bị công sự phòng thủ xong thì Quân đội Bắc Việt xuất hiện, tiến lên đồi. Nhờ vị trí trên cao, toán biệt kích ném lựu đạn xuống khiến đối phương phải lui lại. Đúng lúc đó, King gọi Allen: “Đã có phi cơ FAC lên vùng” và đưa máy cho anh ta liên lạc. Khi King bước ra miệng hố thay cho Allen thì gần như ngay lập tức, một viên AK bắn trúng đầu King khiến anh ta chết ngay tức khắc. Toán Alabama giờ đã có 2 người chết.
Máy bay quan sát chỉ điểm cho những chiếc phi tuần đánh bom nhằm đẩy lui Quân Bắc Việt ra xa. Thế là hết Phantom F4 đến lượt Super Sabres F100, lại đến A1 Skyraider, rồi trực thăng đến. Nhưng viên phi công non gan, không dám xuống, mặc dù Allen đã trải panel, đánh dấu vị trí toán biệt kích và đưa tay ra hiệu. Lòng vòng một hồi, chiếc trực thăng phải bay về vì hết nhiên liệu, hẹn hôm sau sẽ trở lại (!) Toán Alabama đành phải đợi đến sáng hôm sau. Đêm đó, họ phải chiến đấu suốt đêm, thêm 1 biệt kích Nùng nữa bị thương nhẹ.
Sáng hôm sau, Quân Bắc Việt vẫn tiếp tục bò lên tấn công, bỗng có 1 tiếng nổ lớn rung động hố bom. Allen định thần nhìn quanh, toán Alabama 9 người lúc xâm nhập giờ đây chỉ còn lại anh ta và 1 biệt kích Nùng, còn tất cả đều thương vong, nằm la liệt trong hố bom. Đêm qua, quân Bắc Việt đã đem súng máy phòng không 12 ly 7 và 37 ly đến xung quanh khu vực toán biệt kích. Họ biết thế nào máy bay Mỹ cũng sẽ đến ứng cứu, nên đã chuẩn bị trận địa.
Đúng như dự đoán, một chiếc Phantom bị bắn rơi, những chiếc khác lo tìm cách tiêu diệt hỏa lực phòng không của đối phương. Đến chiều, trực thăng cấp cứu CH53 Jolly Green đến bốc toán Alabama. Do sườn núi dốc, chiếc CH53 không đáp đất được đành phải thả dây cấp cứu xuống. Allen đặt Cryan lên một dây, dây bên kia cho một biệt kích Nùng ngồi vào, rồi chào: “Hẹn gặp ở Phú Bài”.
Chiếc CH53 từ từ bốc lên, đạn AK bắn đuổi theo trúng cả hai, máu nhỏ xuống mặt Allen, chiếc trực thăng hốt hoảng bay đi luôn. Quân Bắc Việt vẫn bắn theo, nhằm vào đám biệt kích chứ không phải trực thăng. Hai xác chết xuôi tay, nhưng vẫn còn dính dây cấp cứu nên được trực thăng đem đi.
Chiến dịch Silver City, 13/4/1966
Allen nổi điên, chửi thề um xùm và nói với FAC là sẽ tìm đường khác. Viên phi công lái FAC rất bình tĩnh hỏi lại: “John, anh định tìm đường nào?”. John Allen lấy thêm đạn từ những biệt kích đã chết, rồi ra khỏi hố bom, chạy như bay xuống núi. Quân Bắc Việt bất ngờ nên không kịp bắn đuổi theo. Chạy được một quãng, John Allen gọi FAC:
- Tôi đã ra khỏi, trực thăng có chưa?
- Tôi vẫn theo bạn, sẽ có Kingbee đến đón.
- Còn mấy ông bạn của tôi thì sao?
- Y tá nói họ Ok! Họ Ok! (viên phi công FAC nói dối, để trấn an Allen).
Cuối cùng chiếc Kingbee do phi công của Phi đoàn 219 lái đã đến bốc Allen đưa về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài. Đến lúc này người ta mới biết Cryan và người biệt kích Nùng lĩnh mỗi người 30 viên đạn AK khi chiếc trực thăng CH53 đến bốc họ. Toán biệt kích Alabama cuối cùng chỉ còn mỗi mình Allen sống sót. Ngay cả biệt kích quân ngồi sau ghế phi công của chiếc FAC là Trung sĩ nhất John Robertson, cũng chết 15 ngày sau, khi đi theo Kingbee ứng cứu trong một phi vụ, cách toán Alabama xâm nhập khoảng 10 dặm. Quân Bắc Việt bắn rơi chiếc Kingbee bằng hỏa tiễn SA7.
Toán Alabama tại FOB1 Phú Bài
No comments:
Post a Comment