Friday, August 6, 2021

ĐẠI TÁ JOHN K. SINGLAUB CHT MACSOG 5/1966 – 8/1968

   ĐẠI TÁ JOHN K. SINGLAUB

CHT MACSOG 5/1966 – 8/1968

        Tôi được biết sau khi đến Việt Nam, vấn đề huấn luyện quân nhân Hoa Kỳ và biệt kích quân sắc dân thiểu số vẫn chưa được điều chỉnh cho nhiệm vụ mới. Tôi muốn nói, quân Mũ Xanh LLĐB Hoa Kỳ qua Việt Nam được huấn luyện chủ yếu để chống xâm nhập chứ không phải chiến tranh ngoại lệ, mặc dầu những nhiệm vụ đặc biệt chúng tôi muốn quân nhân LLĐB phải hoàn thành trong hành quân Shining Brass (sau đó là Prairie Fire) vẫn chưa trực tiếp liên quan đến chiến tranh ngoại lệ. Tuy nhiên, những hoạt động của chúng tôi liên hệ nhiều hơn với chiến tranh ngoại lệ thay vì chống xâm nhập đã được huấn luyện trong căn cứ Fort Bragg (LLĐB/HK). Do đó, tôi ra lệnh lập một chương trình huấn luyện cho những quân nhân tham dự hành quân Shining Brass, để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ dò thám và sau đó hành quân tiếp ứng (xung kích).

        Tôi được biết vấn đề yểm trợ tiếp vận cho đơn vị MACSOG đã được thay đổi theo tình thế (quân đội Hoa Kỳ sang tham chiến). Trước đó, SOG được yểm trợ tiếp vận riêng, trước khi hệ thống tiếp vận khổng lồ, phức tạp được thiết lập ở Việt Nam. Tôi đã thực hiện vài thay đổi lớn trong thủ tục yểm trợ, có thể nhận được từ những cơ quan ở gần thay vì qua hệ thống trung tâm phân phối.

        Tôi bỏ bớt phần kế toán vật dụng, lý do thời gian gửi hàng đã nhanh chóng hơn nhiều do sự thay đổi “hoàn cảnh”. Những vấn đề thay đổi khác trong yểm trợ tiếp vận đã được nhân viên SOG đáp ứng. Tôi biết, việc thiết lập kế hoạch theo chu kỳ cho đơn vị MACSOG là điều cần thiết vì đơn vị chúng tôi trở nên phức tạp. Thủ tục của chúng tôi về tài chánh cần được yểm trợ (cho các hoạt động), nên tôi thiết lập một kế hoạch rõ ràng, chu kỳ cho chương trình hoạt động, ngân khoản cho năm sắp đến, được nhân viên trong bộ chỉ huy MACSOG soạn thảo. Sau đó, những chương trình đặc biệt được đưa ra, áp dụng, dưới sự điều hành, chỉ huy của đơn vị trực thuộc, một văn kiện được soạn thảo chi tiết để yêu cầu ngân sách chấp thuận trình lên cơ quan MACV, tư lệnh Thái Bình Dương và chính quyền Hoa Kỳ (Washington / bộ Quốc Phòng/bộ TTM). Chu kỳ làm việc (thủ tục xin ngân khoản) lúc đó chưa có vì được xem như không cần thiết.

        … (Bị xóa) Tôi xúc tiến (bị xóa) đánh giá chương trình Footboy để biết chương trình nào có cơ hội thành công cao nhất. Điều này được hoàn tất qua việc xem xét về sự phát triển hay gia tăng các hoạt động, và loại bỏ những chương trình không được thành công, hoặc bị đối phương làm cho mất mặt. Điểm này, tôi muốn nói đặc biệt về những toán Timberwork (các toán biệt kích ra miền bắc VN), chúng tôi nghĩ rằng từ lúc mới hoạt động đã bị địch quân gài người vào. Trong khi chúng tôi nghi ngờ hầu hết các toán biệt kích đã bị địch gài người, chúng tôi quyết định xử dụng họ trong những chương trình đánh lừa địch, thay vì hoàn toàn bỏ rơi họ. Chương trình Plowman được mở rộng. Trong lãnh vực này, chúng tôi đưa ra một quan niệm mới hoàn toàn, một cách có hệ thống hỏi cung tù binh chúng tôi bắt được để lấy tin tức tình báo cho hoạt động và tin tình báo có giá trị. Trước đó, loại tin tức này chúng tôi chỉ dùng trong nội bộ, nhưng với việc thay đổi, chúng tôi có thể sản xuất các bản báo cáo tình báo về miền Bắc Viêt Nam, đó cũng là những tin tức tình báo duy nhất thâu thập được do người miền bắc cung cấp.

        Khi đơn vị SOG mới được thành lập, không có phi cơ Hoa Kỳ nào bay ra miền bắc Việt Nam, do đó không có tờ truyền đơn nào được thả xuống, ngoại trừ những truyền đơn do đơn vị SOG thả. Mặc dầu những tờ truyền đơn được phân loại “đen hay xám”, tình thế thay đổi vào cuốn năm 1965, lúc đó một khối lượng rất lớn truyền đơn “trắng” được thả xuống khắp nơi trên miền bắc. Điều này làm tôi nghĩ, nên giảm bớt chương trình rải truyền đơn, xử dụng tài nguyên cho loại hoạt động “đen - bí mật” chiến tranh tâm lý. Vấn đề này coi vậy chứ khó khăn, nhân viên được gửi đến đơn vị SOG cho hoạt động này chưa được huấn luyện. Nhân viên đến từ Không quân, Lục quân, đã được huấn luyện các hoạt động chiến tranh tâm lý “trắng”, không hiểu rõ thế nào là các hoạt động bí mật. Một nỗ lực lớn cho việc huấn luyện nhân viên Hoa Kỳ đang phục vụ ở Việt Nam và  xây dựng một khóa huấn luyện ở Hoa Kỳ [bị xóa] để huấn luyện nhân viên về chiến tranh tâm lý, sau khi đã hoàn tất khóa huấn luyện trong căn cứ Fort Bragg trước khi sang Việt Nam. Chuyện này được chứng minh rất thành công, làm cho tôi xúc tiến được những chương trình chiến tranh tâm lý bí mật có hiệu qủa trong nửa phần sau thời gian phục vụ của tôi ở Việt Nam.

        Tôi được nghe thuyết trình ở Washington trước khi đi nhận đơn vị SOG, cộng đồng tình báo (các cơ quan tình báo) không được hài lòng, được hưởng lợi từ những hoạt động của đơn vị SOG. Tôi cố gắng khi đến Việt Nam, điều chỉnh lại đơn vị, mở rộng các nỗ lực trong việc thâu thập tin tức tình báo, không chỉ riêng chương trình Plowman, thủ tục lấy tin tức do các toán biệt kích Shining Brass đem về, và tất cả nhân viên (điệp viên) trở về từ khu vực địch kiểm soát, kể cả nội biên lẫn ngoại biên. Một vấn đề giới hạn về khả năng của nhân viên tình báo, cần phải có sự trợ giúp trong lãnh vực này.

        Tôi cố gắng gia tăng sự tham dự của người Việt (Nha Kỹ Thuật) trong vài khiá cạnh kỹ thuật hoạt động. Điểm này, tôi đặc biệt nói đến phi hành đoàn Việt Nam và nhân viên cơ khí bảo trì máy móc (phi đoàn 219 trực thăng H-34 Kingbee). Cũng như nhân viên bảo trì tầu bè (khinh tốc đỉnh PTF, Nasty), trong nhiều năm, việc bảo trì do toán Yểm Trợ Lưu Động (MST) đến từ Coronado, làm việc tạm thời cho đơn vị MACSOG. Tất cả mọi việc bảo trì tầu bè đều do nhân viên Hoa Kỳ trong xưởng ở Đà Nẵng. Theo tôi, tốt hơn nên để cho người Việt tham dự vào chuyện này, giảm bớt số nhân viên Hoa Kỳ. Hơn nữa, việc che dấu các hoạt động này sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta để cho hoàn toàn người Việt Nam đảm trách, chỉ cần một cố vấn Hoa Kỳ. Để áp dụng chính sách này, tôi cần có sự bảo đảm của vị tư lệnh Hải quân Việt Nam, ông ta sẽ cung cấp nhân viên có khả năng, phục vụ lâu dài để hoàn tất khóa huấn luyện. Chúng tôi lập một chương trình huấn luyện trong Subic Bay, Philippines, nơi các tầu chiến PTF được bảo trì, sửa chữa theo chu kỳ. Chúng tôi huấn luyện nhiều nhân viên bảo trì máy móc tầu bè, máy điện tử và vũ khí. Mục đích chính để cho người Việt (Hải quân VN) hoàn toàn đảm nhận việc xử dụng tầu bè (điều khiển, bảo trì máy móc, vũ khí trang bị…).

        Về chương trình “Việt Nam hóa” các phi hành đoàn Việt Nam gặp phải khó khăn, không thành công. Chương trình đã được soạn, huấn luyện sáu phi hành đoàn C-123 để thay thế phi hành đoàn người Hoa (bay những chuyến thả dù tiếp tế cho những toán biệt kích hoạt động nơi miền bắc). Hai toán phi hành đoàn đã được gửi sang Hoa Kỳ, khi họ trở về, tôi cố gắng đưa họ ra phi trường Đà Nẵng, nơi chứa phi cơ C-123, và làm việc trong chương trình ngay tức khắc.

        Một khó khăn đầu tiên là mấy phi công Việt Nam đã quen nếp sống tiện nghi trong căn cứ không quân Hoa Kỳ, cho rằng căn cứ không quân Đà Nẵng thiếu tiện nghi. Họ muốn sống ở Saigon, bay những phi vụ từ Nha Trang. Khi tôi nói chuyện vấn đề này với vị tư lệnh Không quân Việt Nam, ông ta muốn lấy mấy phi hành đoàn đó về để làm nồng cốt cho chương trình C-119 (mới) không quân Việt Nam. Tôi đồng ý với ông ta rồi ra lệnh hủy bỏ chương trình huấn luyện C-123 cho mấy phi hành đoàn còn lại. Chúng tôi phải giữ mấy phi hành đoàn người Hoa lại, lúc đó họ đã có nhiều kinh nghiệm làm việc cho đơn vị SOG.

        (Bị xóa)

        Nhiệm vụ dành cho đơn vị SOG không được hoàn toàn rõ ràng, bị hiểu sai bởi những người đứng vị trí yểm trợ hoặc chuyển tiếp các chương trình hoạt động của chúng tôi lên “cỡ tầm vóc” như tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC). Qua sự sắp đặt này, các hoạt động của chúng tôi có thể thay đổi, sửa đổi và thêm nhiệm vụ mới, cùng với nhiệm vụ nguyên thủy.

        Có vài cơ quan và hoạt động (CAS – CIA, các đơn vị tình báo Lục quân, Không quân) cho rằng, họ được chấp thuận và có quyền tổ chức các hoạt động nơi miền bắc Việt Nam, không cần phối hợp với đơn vị MACSOG. Theo sự hiểu biết của tôi dựa trên những điều được nghe thuyết trình ở Washington và tham khảo với Clyde Russell (CHT đầu tiên MACSOG) cùng những nhân vật ủng hộ việc thành lập đơn vị SOG. Đơn vị SOG hoàn toàn trách nhiệm thực hiện các hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam và có nhiệm vụ phối hợp các hoạt động trong khu vực.

        (Bị xóa)

        Trên khía cạnh này, tôi tuyển mộ [tên bị xóa], một chuyên gia về chiến tranh trong vùng Đông Nam Á, làm phụ tá chính để liên lạc với những cơ quan khác đang cố gắng hoạt động tình báo cũng như các hoạt động bí mật khác trên miền bắc Việt Nam, sau đó Lào và Cambodia.

        (Bị xóa)

        … nhiệm vụ có cơ hội thành công… Tôi cảm nhận… nhưng việc thay đổi nhiệm vụ đôi khi làm cho khó khăn việc xử dụng cùng nguồn tài lực trong nhiệm vụ mới. Tôi muốn nói chuyện xẩy ra khi Hoa Kỳ bắt đầu thả bom miền bắc Việt Nam. Trước đó, các toán biệt kích là các toán hành động. Họ được tuyển mộ, huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ phá hoại nhắm vào các mục tiêu ở miền bắc. Họ xâm nhập vào Bắc Việt với nhiệm vụ duy nhất đó. Khi các trận thả bom miền bắc bắt đầu, không cần phải đặt mìn phá hoại một chiếc cầu hay đường rầy xe lửa. Do đó phải sửa đổi lại nhiệm vụ cho các toán biệt kích. Không may, một quyết định đưa ra, cứ để các toán biệt kích nơi miền bắc và trao nhiệm vụ mới, dò thám đường, thâu thập tin tức tình báo. Theo tôi, quyết định đó là một lỗi lầm căn bản, toán hoạt động khác toán thâu thập tin tức tình báo. Việc huấn luyện khác nhau hoàn toàn, phương pháp điều hành mỗi nhân viên khác nhau. Nhiệm vụ mới, thâu thập tin tức tình báo, tổ chức mạng lưới lấy tin tức không phù hợp với những nhân viên (quân biệt kích) đã xâm nhập vào miền bắc Việt Nam trước đó.

        Một khó khăn khác gặp phải trong lúc thi hành nhiệm vụ, những luật lệ đặt lên đơn vị SOG làm cho nhiệm vụ khó thành công. Phải cho rằng, việc thành lập đơn vị SOG bao hàm ý nghiã, Hoa Kỳ muốn thiết lập khả năng hoạt động bí mật, làm áp lực đối với chính quyền miền bắc. Yếu tố để thành lập đơn vị (bí mật) này là những hoạt động có thể chối bỏ được, chối cãi một cách thứ tự, hệ thống. Khi luật lệ đặt lên hoạt động của các toán biệt kích và sau khi đã tuyển mộ, thả thêm những toán biệt kích, điều này trái với mục đích khởi thủy việc thành lập đơn vị SOG, làm cho nhiệm vụ thêm phần khó khăn để hoàn tất.

        Có tối thiểu hai lý do (1) Chính sách mở rộng (rõ ràng) của Hoa Kỳ không chủ xướng việc lật đổ chế độ Hồ Chí Minh (lần nữa, sai lầm trong chính sách rõ ràng, bí mật của chính quyền chúng ta, theo tôi điều này sai) (2) Có điều lo ngại, một phong trào kháng chiến nổi lên trong miền bắc, có thể ra khỏi tầm tay, lúc đó (Hoa Kỳ) phải tiếp tục yểm trợ để cho lãnh tụ này sống còn (điều này nực cười, chúng ta đã có khả năng bí mật tái tiếp tế cho các toán biệt kích để họ sống còn, và chúng ta vẫn tiếp tục chối cãi việc bay ra miền bắc Việt Nam).

        Việc giới hạn (cấm) các hoạt động kháng chiến gây khó khăn cho việc tuyển mộ người có khả năng vào chương trình. Những người có khả năng đã từng làm cấp chỉ huy quân du kích chống lại người Pháp, là những người sẵn sàng trở về xây dựng lại tổ chức (kháng chiến) trong vùng rừng núi Việt Nam. Họ không muốn gia nhập để làm nhiệm vụ dễ dàng, đếm số xe Molotova di chuyển trên đường hoặc làm nhiệm vụ thâu thập tin tức tình báo nơi miền bắc Việt Nam, trừ khi, có hy vọng, lời hứa hẹn, được trở về chức vụ, quyền lực cũ, trong dân tộc của họ.

        Trở ngại thứ ba là những luật lệ giới hạn trong những hoạt động vượt biên sang Lào và Cambodia. Những giới hạn này làm cho chúng tôi áp dụng từ từ gia tăng các hoạt động. Giới hạn khởi thủy, không được cho phi cơ bay qua biên giời, tiếp theo là chiều sâu các hoạt động qua biên giới cũng bị giới hạn. Chúng tôi còn bị giới hạn số chuyến hành quân cho mỗi tuần, mỗi tháng. Mới đầu cũng không được xử dụng đơn vị Khai Thác, để khai thác tin tức tình báo do các toán biệt kích thâu thập. Những luật lệ, giới hạn làm cho địch quân biến đổi, đối phó với loại hành quân và làm suy giảm hiệu năng của chúng tôi. Theo nhận xét của tôi, lúc ban đầu địch quân chưa tổ chức chiến thuật phòng thủ (chống biệt kích) nên các chuyến hành quân của đơn vị SOG rất thành công. Kết qủa việc giới hạn làm cho địch có thời gian tổ chức chống lại chúng ta, cũng như các trận thả bom nơi miền bắc, để cho địch có thời gian phân tán các cơ quan, cơ sở quan trọng, nhận thêm vũ khí phòng không từ Nga Sô, tuyên truyền cho người dân chống đỡ, chịu đựng các trận thả bom. Địch quân hoạt động trên đất Lào cũng có cơ hội tổ chức chống lại các chuyến hành quân biệt kích mà lúc mới đầu rất thành công, hoạt động trong vùng địch.

        Trở ngại thứ tư trong việc xử dụng kỹ thuật. Chúng tôi không được xử dụng chất hóa học để làm hư hại những kho chứa gạo của địch khi khám phá. Các cấp chỉ huy trên cao theo hệ thống quân giai, kết luận, việc đó khơi mào cho chiến tranh hóa học.

        Một … vấn đề khác làm giảm hiệu năng các hoạt động của đơn vị SOG, liên quan đến việc thiếu nhân viên có khả năng cho loại hoạt động. Chúng ta không có hệ thống nhân viên mà có thể xác nhận ai là người có khả năng cho các nhiệm vụ đặc biệt, như đã được huấn luyện hay đã có kinh nghiệm trước đó, trong bảng cấp số. Những nhân viên thiếu kinh nghiệm cùng với thời gian phục vụ ngắn (tour of duty) làm giảm đi hiệu qủa rất nhiều.

        Điều cần thiết phải tổ chức các lớp định hướng (làm quen), huấn luyện cho nhân viên (đa số quân nhân LLĐB/HK) mới đến đơn vị. Những người sáng suốt sẽ học hỏi kinh nghiệm mới nhưng cũng chỉ làm việc theo lệnh, nhưng không làm được, lý do chưa có kinh nghiệm trước đó để đưa ra những ý kiến mới, quan niệm mới cho các hoạt động của đơn vị (SOG).

        Điều nêu trên cùng với thời gian phục vụ ngắn, làm cho tôi tập trung quyền quyết định về bộ chỉ huy trong nhiều trường hợp, vì lý do tôi không thể tin những ai không có kinh nghiệm, làm những quyết định quan trọng, có thể được giải quyết bởi cấp chỉ huy ở tầng thấp. Điều này đúng trong những lãnh vực có nhân viên kinh nghiệm. Một vấn đề khác, những nhân viên (không có kinh nghiệm) không đủ khả năng “cố vấn” cho quân nhân Việt Nam (NKT). Không thể nào một nhân viên thiếu khả năng cố vấn cho người Việt để cho họ gia tăng hiệu qủa. Trên thực thế, nhiều trường hợp, quân nhân Việt Nam “cố vấn” cho người Hoa Kỳ. Lúc mới đầu, người Việt Nam cũng gặp trường hợp thiếu kinh nghiệm, nhưng phục vụ lâu dài họ có nhiều kinh nghiệm hơn người Hoa Kỳ.

        Vấn đề liên quan đến việc cung cấp cho MACSOG nhân viên có kinh nghiệm là bảng cấp số (JTD). Bảng cấp số liệt kê vài chữ về nhiệm vụ, chỉ số chuyên môn, cấp bậc, quân binh chủng. Điều này chưa đủ, thiếu phần khả năng cho nhiệm vụ. Bảng cấp số phải có thêm mục điều kiện để đảm nhận công việc hoặc phần ghi chú về kinh nghiệm, được huấn luyện, để cho phòng nhân viên lựa chọn trong việc tuyển mộ.

        Một … vấn đề ảnh hưởng trực tiếp sự chỉ huy, hoạt động của đơn vị SOG là vấn đề an ninh, giới hạn một số rất ít người biết về các hoạt động, hành quân của đơn vị. Theo sự sắp đặt, một vài thủ tục tham mưu phải được thực hiện ở cơ quan MACV và CINCPAC. Những nhân vật lo chuyện này, là điểm liên lạc với cấp chỉ huy trên cao, nên được thuyết trình rõ ràng về các hoạt động của SOG. Trong hầu hết trường hợp, bạn không thể loại bỏ ông ta được, trừ khi xếp lớn của ông ta đã được báo cáo đầy đủ.

        Điểm liên lạc chính yếu cho các chuyến hành quân vượt biên qua Lào là (bị xóa). Thủ tục tương đối dễ dàng, mỗi tháng chương trình 35 (OP-35 – hành quân Prairie Fire) sẽ soạn kế hoạch hành quân vào các mục tiêu trên đất Lào cho tháng sắp tới. Thường vào ngày 15 mỗi tháng, đôi lần sau ngày 20. Tôi đích thân đến (bị xóa)

        (Bị xóa)

        … đến Udorn (căn cứ không quân Hoa Kỳ ở Thái Lan). Ở đó tôi sẽ gặp ông Shackley, trưởng cơ quan CAS (CIA điều hành) ở Vientiane.

        (Bị xóa)

        Cùng đi với tôi có ít nhất một đại diện cho chương trình 35. Để làm kế hoạch phối hợp hành quân Prairie Fire vào đất Lào, chúng tôi liên lạc với phòng 2 (J-2, thường mang cấp bậc chuẩn tướng) (cơ quan MACV) trước khi rời Saigon, để hỏi ông ta có yêu cầu đặc biệt về tin tức tình báo trao cho cơ quan CAS ở Vientiane. Buổi họp sẽ vào buổi sáng, buổi chiều trong căn cứ Udorn. Trong buổi họp, chúng tôi sẽ đưa ra một danh sách các mục tiêu dự trù. Tôi sẽ trình bầy phần phân tích những hoạt động dự định (trong các mục tiêu), và lý do chọn lựa các khu vực mục tiêu. Danh sách mục tiêu đã được gửi cho liên lạc viên cơ quan CAS ở Vientiane từ vài hôm trước, họ sẽ ghi chú, đặt câu hỏi cho những mục tiêu đặc biệt.

        (Bị xóa)

        Trong buổi họp, chúng tôi sẽ phối hợp những kế hoạch xử dụng đất Lào, bay ngang qua không phận, hay ghé lấy thêm nhiên liệu trong việc thả / bốc các toán biệt kích Timberwork (nằm vùng nơi miền bắc Việt Nam). Những buổi họp này được tổ chức hàng tháng và được thời khóa biểu trước một tháng, được biết rất hiệu qủa, giải quyết mâu thuẫn, thiết lập mối quan hệ, làm việc chuyên mộn giữa [bị xóa] và [bị xóa].

        (Bị xóa)

        Sau buổi họp, ông ta (đại diện CAS) sẽ báo cáo cho đại sứ Hoa Kỳ ở Lào về đề tài trong buổi họp, thảo luận và báo cáo cho vị đại sứ biết những quyết định liên quan đến chính sách của ông đại sứ. Chuyện này tốt đẹp, chúng tôi cảm thấy [bị xóa] tiêu biểu cho “tầm nhận thức” (view) cho cả hai CAS và SOG được tốt đẹp đối với vị đại sứ.

        Như tôi đã nói ở phần trên, không thực hiện được phong trào kháng chiến trong miền bắc, cũng có thể tạo áp lực cho địch bằng cách khác. Chương trình chiến tranh tâm lý “đen” thực hiện nơi miền bắc, cố tình cho địch biết phong trào kháng chiến (nơi miền bắc) thực sự hiện hữu. Chính quyền miền bắc cũng như chúng ta đều biết những dân tộc thiểu số sống trong vùng rừng núi Bắc Việt, chống người Việt (nói chung) đã chiếm đất vùng đồng bằng của họ, làm cuộc sống của họ khó khăn. Quân Việt Minh trong trận thế chiến thứ Hai, đã thành công tổ chức dân tộc thiểu số chống lại người Nhật. Nhiều nhóm thiểu số sau đó tham gia Việt Minh chống lại người Pháp. Dân tộc thiểu số có nhu cầu rất đơn giản để họ sống tự do không bị ràng buộc, cai trị bởi người sống dưới đồng bằng.

        Nhiều lãnh tụ dân tộc thiểu số di cư vào nam năm 1954, họ liên lạc với đối tác người Việt trong đơn vị MACSOG, muốn trở lại miền bắc, liên lạc với dân tộc của họ, mà họ biết vẫn còn trung thành. Họ chỉ làm với điều kiện, tổ chức kháng chiến đòi khu vực tự trị ở miền bắc.

        Không phải nhóm dân thiểu số nào cũng di cư vào miền nam, vài nhóm ở lại. Có nhóm sau khi căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ di chuyển về hướng tây, sống trong khu vực núi non của nước Lào. Những nhóm này thuộc sắc dân người Mèo (Hmong), được lãnh tụ Vang Pao tuyển mộ, ông ta được chính quyền Lào công nhận, cho mang cấp bậc tướng lãnh như trong quân đội Hoàng Gia Lào. [bị xóa] Họ không chỉ huy, kiểm soát được các dân tộc thiểu số khác như người Thái Đen, Thái Đỏ và một số dân tộc khác. Các dân tộc thiểu số sống trong những khu vực dọc theo biên giới chỉ muốn người Hoa Kỳ coi như những khu vực tự trị.

        Những người lãnh tụ dân tộc thiểu số là những người của dân tộc họ. Những người này không trở về để làm công việc tầm thường như dò thám đường. Họ cũng không đề nghị những người có khả năng trong nhóm họ làm việc cho MACSOG, để dùng trong tương lai. Họ cũng không giới thiệu những người trong gia đình của họ, sợ bị bắt… Đó cũng là lý do tại sao chương trình Timberwork (các toán biệt kích nằm vùng nơi miền bắc) không thành công.

        … Ba nhóm người thiểu số làm việc cho MACSOG được phân loại ba quốc tịch: [Philippine], Trung Hoa, và được chính quyền Việt Nam xem như người Việt. Nhóm Việt Nam sẽ bao gồm nhiều sắc dân thiểu số sẽ nói ở phần sau. Trước hết, người Philippine không được trao cho các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động. Đa số họ được xử dụng trong vai trò chuyên viên kỹ thuật (technicians) và yểm trợ. Điều này rất quan trọng cho các hoạt động được dễ dàng, chúng ta đem sang Việt Nam rất ít nhân viên yểm trợ. Họ có những khả năng về kỹ thuật mà người Việt Nam không có, như xây cất, bảo trì (nhiều loại). Họ làm việc sốt sắng. Nhóm thứ hai, người Hoa, đa số phi hành đoàn C-123. Nhóm này rất chuyên nghiệp như tôi được biết, tôi rất thích khả năng của họ.

        Nhóm cuối cùng, chính quyền công nhận họ là người Việt Nam. Nhiều trường hợp, họ không biết mình mang quốc tịch Việt Nam, tự cho họ thuộc vào một sắc dân (bộ lạc). Người Tầu ở Việt Nam được gọi là Nùng, họ là sắc dân thiểu số Tầu, vẫn giữ quốc tịch Tầu nếu chính quyền Diệm không bắt họ phải nhập quốc tịch Việt Nam.

        Khởi thủy, các toán biệt kích chúng tôi xử dụng trong hành quân Prairie Fire là người Nùng, được tuyển mộ từ sư đoàn 5 Bộ Binh VNCH, có nhiều người Nùng, gốc rễ từ miền bắc Việt Nam. Chúng tôi thường gọi họ là “Cholon Cowboys” (Cao bồi Chợ Lớn). Họ không được huấn luyện quân sự trước đó, không cảm thấy bị ràng buộc, trung thành trong nhóm. Những quân nhân Nùng đầu tiên không có khả năng chịu đựng. Trên thực tế họ là dân thành thị, đó cũng là yếu điểm của người sống trong thành phố. Số quân nhân Nùng giảm đi, được thay bằng những sắc dân thiểu số khác.

        Một cố gắng trong việc tuyển mộ, các bộ lạc người Thượng nói được tiếng điạ phương, sống trong một khu vực trên đất Lào mà chúng tôi dự định sẽ hoạt động. Thí dụ, chúng tôi tuyển mộ người Bru sống trong khu vực hướng tây bắc, tỉnh cực bắc miền nam Việt Nam, huấn luyện họ trở thành những chiến sĩ giỏi, trong các toán biệt kích (Spike team). Sau đó chúng tôi tuyển mộ thêm lập những trung đội, đại đội (Khai Thác) gồm toàn người Bru. Họ chiến đấu giỏi, trung thành, không như mấy tay Cao Bồi Chợ Lớn.

        Chúng tôi tuyển mộ người Sedang xuôi về hướng nam, xử dụng cho các hoạt động nơi phiá nam nước Lào. Những quân biệt kích Sedang được khuyến khích cũng chiến đấu giỏi như người Bru. Người Sedang là nguồn nhân lực được tuyển mộ nhiều.

        Chúng tôi cố gắng tuyển mộ những toán biệt kích hoàn toàn người Việt Nam, không có cố vấn Hoa Kỳ trong toán. Họ chiến đấu tốt cũng như các sắc dân thiểu số, nhưng có vấn đề trong việc liên lạc, chỉ huy. Người trưởng toán biệt kích không thể liên lạc, điều khiển phi cơ yểm trợ do vấn đề khả năng ngôn ngữ (tiếng Anh), và khó chỉ huy vì thiếu tự tin.

        … Chúng tôi cố gắng xử dụng phi công Việt Nam nhưng gặp phải vấn đề sau khi huấn luyện xong hai toán phi hành đoàn C-123 đã nói ở phần trên, nên tôi loại bỏ chương trình này, tiếp tục xử dụng phi công Đài Loan. Tuy nhiên chúng tôi rất thành công đối với phi hành đoàn trực thăng H-34. Những phi công này chứng minh thiện nghệ hơn phi công trực thăng Hoa Kỳ vì họ quen điạ thế, đã bay trên khu vực nhiều năm. Hơn nữa họ rất sốt sắng sẵn sàng ra đi “bốc” một toán biệt kích hơn phi công Hoa Kỳ, mặc dầu biết có quân nhân Hoa Kỳ trong toán biệt kích. Nhiều trường hợp, phi công Hoa Kỳ cho rằng quá nguy hiểm. Chưa có trường hợp nào phi công Việt Nam từ chối bay phi vụ khẩn cấp, nguy hiểm. Nhiều phi hành đoàn anh dũng hy sinh vì họ coi đó là bổn phận, nhiệm vụ cứu toán biệt kích “của họ”. Họ cũng là một phần trong đơn vị MACSOG. Họ rất can đảm và rất chuyên nghiệp.

        Việc xử dụng thủy thủ đoàn Việt Nam cho các tầu chiến PTF rất khả quan. Họ rất sốt sắng, được nhận lãnh tiền thưởng cho mỗi chuyến công tác ra hải phận miền bắc. Họ chiến đấu giỏi, có vài trường hợp chứng tỏ lãnh đạo chỉ huy tốt, quyết định những điều đúng. Có vài trường hợp, họ mất bình tĩnh lúc tình hình căng thẳng làm chìm tầu do tai nạn. Có khi đi lạc hướng bắn lầm quân bạn. Cấp chỉ huy Việt Nam, Hải quân Trung Tá Tươi nhận định vấn đề này ra lệnh trau dồi huấn luyện, khuyến kích các thủy thủ đoàn Việt Nam. Theo tôi ông ta làm việc rất tốt.

        Về các toán hành quân biển, chúng tôi chưa bao giờ thực sự có nhân viên đầy đủ khả năng, thể lực tốt, thông minh để lập toán “hành động” tốt. Những toán này chúng tôi huấn luyện phá hoại dưới nước, xâm nhập vào từ biển, bắt tù binh hay phá hoại một mục tiêu đặc biệt. Mặc dầu cố gắng cải tiến việc huấn luyện, tôi vẫn không hoàn toàn tin tưởng. Một phần vấn đề này do huấn luyện viên (cố vấn đến để huấn luyện Người Nhái Hải Quân Việt Nam) được gửi đến làm việc tạm thời (TDY). Họ chỉ ở sáu tháng rồi trở về. Có toán đang được huấn luyện, cố vấn Hoa Kỳ hết thời gian phục vụ, về nước hay thuyên chuyển đi nơi khác, toán cố vấn mới đến thay, có phương thức huấn luyện khác… Chuyện này làm xuống tinh thần, việc huấn luyện không đạt hiệu qủa. Những quân nhân SEAL nên được biệt phái cho đơn vị SOG, không chỉ tạm thời TDY.

       Hubei University of Economics

School of Information Management

vđh

No comments:

Post a Comment