Monday, August 2, 2021

Lịch Sử Đơn Vị SOG (Special Operations Group)

VĂN THƯ SỐ 52 HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA

        Nới rộng hoạt động của Liên Đội Quan Sát Số 1 trong các hoạt động du kích trong miền Nam Việt Nam dưới sự tài trợ, chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Quân Viện (MAAG) và cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA. Chuyện này đòi hỏi sự cộng tác của chính quyền Nam Việt Nam, tuyển mộ nhân viên dân sự do cơ quan CIA tài trợ.

        Trên đất Lào, các toán biệt kích dưới vỏ bọc thường dân xâm nhập khu vực đông nam nước Lào, tìm kiếm, tấn công các căn cứ của quân cộng sản Việt Nam cùng với đường tiếp vận. Các toán biệt kích được một đơn vị xung kích khoảng 100, 150 quân Việt Nam yểm trợ, xử dụng cho những mục tiêu tấn công, phá hoại ngoài khả năng các toán biệt kích. Việc huấn luyện cho các toán biệt kích sẽ do cơ quan CIA phối hợp với Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đảm trách.

        Đến tháng Mười Hai năm 1963, kết qủa buổi họp ở Hawaii trong tháng Bẩy 1962, Tất cả mọi hoạt động “bán quân sự” của cơ quan CIA, được tổng kết, bàn giao, đặt dưới quyền chỉ huy, điều hành của cơ quan MACV (Bộ Chỉ Huy Quân Viện, Việt Nam). Chương trình này có tên là “Đổi Lui” (Switchback), xác định lại vai trò của cơ quan CIA, tập trung trong vấn đề tuyên truyền. Cơ quan CIA vẫn “biệt phái”, làm việc với LLĐB/HK, bắt đầu các hoạt động tuyên truyền làm giảm hiệu năng của quân đội Bắc Việt.

        Các toán biệt kích Việt Nam xâm nhập, hoạt động nơi miền Bắc Việt Nam đã thất bại với tốc độ đáng lưu ý. Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert S. McNamara cảm thấy chương trình (hoạt động ngoài bắc – OP-34A) thất bại vì không có đủ nguồn nhân lực, vật lực cung cấp cho cơ quan tình báo CIA.

        Trong tháng Mười Hai năm 1963, đại đội 1 Viễn Thám TQLC/HK biệt phái  một sĩ quan, ba binh sĩ cho đơn vị MACV-SOG, chương trình 31 (OP-31, Ban Nghiên Cứu Các Hoạt Động Trên Biển), ban Cố Vấn Hả Quân (NAD) ở Đà Nẵng. Cho đến khi đơn vị SOG chấm dứt nhiệm vụ, toán quân nhân Viễn Thám TQLC/HK theo dõi các hoạt động an ninh, căn cứ dành cho chương trình 31 của đơn vị MACV-SOG.

        Tướng Harkin, ngày 15 tháng Mười Hai năm 1963, gửi kế hoạch chương trình “OPLAN 34A-64, CAS Saigon OPLAN TIGER” (Chương trình 34A cho năm 64) cho vị Tư Lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii. Ông ta sẽ chuyển tiếp sự chấp thuận (cho các hoạt động 34A trong 12 tháng) đến vị Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Hoa Kỳ ngày 19 tháng Mười Hai năm 63.

        Trong mấy tuần lễ đầu tháng Giêng năm 1964, Tổng Thống Johnson ra lệnh tiến hành chương trình 34A và được thi hành ngày 24 tháng Giêng 1964. Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara trao trách nhiệm cho quân đội (cơ quan MACV) và chỉ thị cho tư lệnh MACV, Tướng Harkin thành lập một đơn vị có thể đảm nhận nhiệm vụ này. Khi chấp thuận tiến hành chương trình 34A, LBJ cho phép gia tăng nguồn tài lực trong những hoạt động bí mật, bao gồm các hành quân xâm nhập bờ biển, nhẩy dù ra ngoài Bắc của các toán biệt kích.

 ĐƠN VỊ SOG RA ĐỜI NGÀY 24 THÁNG GIÊNG 1964

        Lệnh Tổng Quát Số 6, từ bộ Chỉ Huy Quân Viện MACV trong Saigon “MACV Đoàn Hành Quân Đặc Biệt (SOG / MACSOG)” được Tướng Harkin thành lập, qua lệnh và chỉ thị của Tổng Thống về chương trình 34A. Trong thời gian đầu, đơn vị MACSOG phối hợp các hoạt động thâu thập tin tức tình báo chiến lược, dưới sự chỉ huy của Đại Tá Clyde Russell. Đó là một gánh nặng trong việc thực hiện “Chiến Tranh Ngoại Lệ” như đã làm trong trận chiến Đại Hàn.

        MACSOG sau đó được tổ chức như một đơn vị Đặc Nhiệm Hỗn Hợp cho Chiến Tranh Ngoại Lệ bao gồm tất cả quân chủng trong quân đội Hoa Kỳ và nhân viên dân chính. MACSOG chịu trách nhiệm rộng lớn bao gồm: Miến Điện (Burma), Cambodia, Lào, Bắc và Nam Việt Nam, và các tỉnh phiá nam Trung Cộng: Hồ Nam (Yunnan), Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam.

        Trong vùng trách nhiệm, cấp chỉ huy MACSOG ra lệnh cho các hoạt động chống lại, phá hoại quân đội Bắc Việt cùng với hệ thống, căn cứ tiếp vận. Đơn vị thực hiện các chuyến hành quân đặc biệt, phá hoại tối đa trong lúc thâu thập tin tức tình báo chiến lược. Các mục tiêu của đơn vị MACSOG nhắm vào việc tìm kiếm, khuấy phá quân đội Bắc Việt, Khmer Đỏ, Pathet Lào ngay trên “đất” của họ.

        Vị Đại Tá Lực Lượng Đặc Biệt Clyde Russell được chỉ định làm cấp chỉ huy đầu tiên của đơn vị MACSOG, ông ta được gọi là Chỉ Huy Trưởng SOG (Chief SOG).

        Danh xưng “MACV Đoàn Hành Quân Đặc Biệt” khởi thủy do cơ quan CIA đặt cho, có lịch sử từ trận chiến Hàn Quốc “Đoàn Hành Quân Đặc Biệt, Bộ Chỉ Huy Cố Vấn Hỗn Hợp, Korea (JACK) Đơn Vị 8132 Lục Quân”.

        Đại Tá Russell thảo kế hoạch cho các hoạt động đầu tiên của SOG, được che dấu bởi một “Cơ Quan Nhân Viên MACV”, có nhiệm vụ nghiên cứu bí mật cho cơ quan MACV, tư lệnh Thái Bình Dương CINCPAC, và bộ Tổng Tham Mưu (JCS).

        Theo lệnh Tổng Thống Johnson, đơn vị SOG phải cung cấp bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi được, sự xâm lăng của quân đội Bắc Việt, để trình bầy trên chính trường quốc tế.

        Đơn vị SOG được thành lập như một tổ chức “tối mật”, thử nghiệm bốn tháng, đặt sự chỉ huy, điều hành nhiệm vụ cho Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam, xử dụng quân nhân LLĐB/HK làm trưởng các toán biệt kích. Việc này dựa trên những bài học lấy được ở Việt Nam. Ban tham mưu đơn vị SOG được tuyển chọn từ những “chuyên gia” về hành quân đặc biệt, xử dụng du kích chống du kích.

        Đại Tá Russell chia các hoạt động của đơn vị SOG ra làm năm bộ phận, dùng danh xưng như trong quân đội Hoa Kỳ. “3 có nghĩa là hành quân, soạn thảo và huấn luyện”. Tất cả các cuộc hành quân (chương trình, được thêm một con số thứ hai), hành quân Biển (Biệt Hải) OP-31, Không Trợ OP-32, Tâm Lý Chiến OP-33, biệt kích ra miền Bắc Việt Nam OP-34. Tiên đoán trước qua kinh nghiệm, OP-35 sẽ bao gồm những chuyến hành quân vượt biên (Lào, Miên).

        Khu vực dọc theo biên giới nam Việt Nam, cuối cùng sẽ là khu vực hoạt động cho các toán biệt kích SOG (Lôi Hổ) trong các chương trình 34 (Ban Nghiên Cứu các hoạt động trên Bộ), 35 (Nhóm Nghiên Cứu hoạt động trên Bộ), 36 (Nhóm Nghiên Cứu hoạt động Hàng Không), và 31 / 37 (Nhóm Nghiên Cứu các hoạt động trên Biển).

        Các hoạt động của quân đội Bắc Việt được phơi bầy ra ánh sáng. Kế hoạch khởi thủy được bắt đầu với những chuyến xâm nhập bí mật dọc theo bờ biển miền bắc Việt Nam. MACV-SOG được trao cho năm nhiệm vụ căn bản và có khả năng thực hiện những chuyến hành quân đặc biệt. Năm nhiệm vụ căn bản bao gồm:

(1) Hành quân xâm nhập ngoại biên, quấy phá các đơn vị Bắc Việt / Việt Cộng, Khmer Rouge, Pathet Lào trong khu vực họ kiểm soát.

(2) Theo dõi các tù binh, quân nhân mất tích Hoa Kỳ, thực hiện các trận đột kích, tấn công bất ngờ cứu tù binh, một phần trong nhiệm vụ Đào Tẩu & Trốn Tránh (E&E) cho tất cả quân nhân Hoa Kỳ và phi hành đoàn bị bắn rơi.

(3) Huấn luyện, đưa điệp viên, các toán biệt kích xâm nhập vào miền bắc, tổ chức các phong trào “Chống Lại” chính quyền ngoài bắc.

(4) Các hoạt động “Đen” chiến tranh tâm lý, phát thanh tin tức sai lạc ra miền bắc.

(5) Các hoạt động “Xám” chiến tranh tâm lý, phát thanh ra miền bắc từ Phú Bài, Huế.

        Đơn vị SOG còn được trao phó những nhiệm vụ khác như bắt cóc tù binh, thường dân miền bắc, “để lại” đạn súng cối đã điều chỉnh cho nổ ngay trước nòng súng, trong khu vực địch kiểm soát. SOG có thêm nhiệm vụ thâu hồi các tài liệu, quân dụng phe đồng minh bị mất.

        Mặc dầu trên giấy tờ, trực thuộc cơ quan MACV, nhưng MACSOG là một đơn vị độc lập không trực thuộc, dưới quyền chỉ huy của cơ quan MACV. Không một đơn vị nào thuộc cơ quan MACV có quyền hoạt động ngoài miền Bắc Việt Nam, cũng như bên Lào và Cambodia. Đơn vị SOG hoạt động dưới sự chỉ đạo tối cao của quốc gia.

        Một ban tối mật trong bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của đơn vị SOG. Ban này làm việc dưới quyền vị “Phụ Tá Đặc Biệt về Chống Xâm Nhập và Các Hoạt Động Đặc Biệt” (SACSA), Victor Krulak.

        Các hoạt động của đơn vị SOG phải được đệ trình cho Ngoại Trưởng Dean Rusk, bộ trưởng Quốc Phòng Robert McNamara và Tổng Thống Johnson duyệt xét. Tất cả kế hoạch hành quân đều phải trình lên trước bẩy ngày cho bộ trưởng Quốc Phòng, trùm SACSA (Victor Krulak) và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để thông báo cho Tổng Thống.

        Hệ thống vệ tinh truyền thông làm cho đơn vị SOG liên lạc với Washington (thủ đô Hoa Kỳ) được nhanh chóng. Điều này, Tổng Thống Johnson có thể hủy (không chấp thuận) hoặc thay đổi những chuyến hoạt động của đơn vị SOG. Nếu không nghe gì thêm từ tòa Bạch Ốc, có nghiã là Tổng Thống đã chấp thuận, các toán biệt kích SOG chuẩn bị lên “dàn phóng”

        Vẫn có ngoại lệ trong việc đệ trình bẩy ngày trước khi thực hiện. Trường hợp khẩn cấp phải cứu toán biệt kích, đơn vị SOG có thể hành quân cấp tốc Bright Light, tấn công mà không cần phải xin phép hoặc đợi sự chấp thuận. Cấp chỉ huy SOG nơi căn cứ hành quân tiền phương có thể ra lệnh tức thời, không cần xin phép cấp chỉ huy cao hơn trong đơn vị.

        Các hoạt động của đơn vị SOG được coi như rất quan trọng cho chính quyền miền nam Việt Nam. Được mức độ ưu tiên cao và tối mật. Sự thật về các hoạt động của đơn vị SOG chỉ một số rất ít sĩ quan cao cấp, chọn lọc được biết.

        Bộ Tư Lệnh Quân Viện MACV, biết về các hoạt động của đơn vị SOG nhưng không có quyền trong việc chấp thuận hay loại bỏ các hoạt động của SOG. Vị Tư Lệnh Thái Bình Dương có quyền chấp thuận hay loại bỏ những kế hoạch đệ trình của đơn vị SOG, nhưng cũng không được ra lệnh, kiểm soát, chỉ huy các hoạt động của SOG. Quyền này nằm trong tay SACSA.

        Các hoạt động của đơn vị SOG được tổ chức với một ban tham mưu cùng các bộ phận trực thuộc đến từ bốn quân chủng trong quân đội Hoa Kỳ (Hải, Lục, Không quân và TQLC). Nhóm cố vấn đầu tiên đến làm việc cho đơn vị SOG thuộc đơn vị Người Nhái Hải Quân SEALs, và Viễn Thám TQLC/HK. Việc huấn luyện (cho các toán biệt kích, điệp viên) do quân mũ xanh Lực Lượng Đặc Biệt đảm trách.

         MACV-SOG được thành lập với nhiều khả năng hoạt động, soạn thảo kế hoạch hành quân chu đáo. Rất lặng lẽ bí mật gây cảm giác “khó hiểu” cho những quân nhân làm nhiệm vụ.

        Ngày 1 tháng Hai năm 1964, đơn vị SOG bắt đầu hoạt động với quân nhân LLĐB Việt Nam, dân thiểu số Nùng, người Tầu (Hoa), Philipine và lính đánh thuê người Đức.

        Khu vực hành quân khởi thủy dọc theo bờ biển miền bắc Việt Nam. Những chuyến hoạt động đầu tiên nhằm “quảng cáo” nếp sống đầy đủ, sung túc nơi miền nam Việt Nam. Những hoạt động này nằm trong chiến dịch “Say Mê” (Operation Fascination), kéo dài từ sáu đến tám tuần lễ. Một tổ chức có tên là “VOS-POL” (không có thật) kháng chiến được dựng lên để thi hành việc “quảng cáo”. Quân Biệt Hải xử dụng tầu nhỏ (ngụy trang như tầu đánh cá ngoài bắc) có gắn động cơ, bắt cóc thường dân miền bắc. Chương trình này không đạt được hiệu qủa.

        Chương trình đầu tiên của SOG bị bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ đánh giá “Chậm chạp lúc ban đầu” nhưng họ vẫn tin vào lý thuyết, quân đội Bắc Việt sẽ phải xử dụng tài lực để chống lại chương trình kể trên. Chương trình tiếp theo, đơn vị SOG nhắm vào trọng tâm của miền bắc, thả các toán biệt kích xâm nhập, tấn công chớp nhoáng bờ biển miền bắc. Chương trình này có mật danh là OPLAN 34A.

        Ngày 2 tháng Ba 1964, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Hoa Kỳ, Tướng Maxwell D. Taylor gửi một công điện gồm năm phần cho bộ trưởng Quốc Phòng McNamara, về việc “Bãi bỏ việc ngăn cản không quân, quân trên bộ trong những chuyến hành quân vượt biên”. Trong đó, ông ta viết “…đã đến lúc bãi bỏ những điều ngăn cản đã gây khó khăn, giới hạn hiệu năng của quân đội chúng ta” và khuyến cáo “… Những chuyến hành quân xâm nhập Lào, Cambodia rất quan trọng cho sự thành công trong cuộc chiến”. Kèm theo là những phụ bản cho thấy điểm yếu kém việc xử dụng phi cơ thám thính, và các toán biệt kích xâm nhập.    

         Quân LLĐB/HK được gửi đến căn cứ Long Thành để huấn luyện quân nhân LLĐB/VN tình nguyện phục vụ cho đơn vị SOG. Toán quân Mũ Xanh Hoa Kỳ gồm có 1 sĩ quan và 15 hạ sĩ quan. Căn cứ này cách Saigon 35 dặm về hướng đông bắc.

        Ngày 17 tháng Ba 1964, Tổng Thống LBJ ký lệnh An Ninh Quốc Gia NASAM #288, bao gồm ba giai đoạn cho vùng Đông Nam Á, không chấp nhận việc quân đội Bắc Việt xử dụng quốc gia trung lập (Lào). Giai đoạn đầu, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới nam Việt Nam với hai nước láng giềng Lào, Cambodia. Giai đoạn hai, gọi là “Tit-for-Tat”, trả đũa dùng không quân oanh kích các đường tiếp vận của quân đội Bắc Việt vào miền nam. Giai đoạn cuối, gia tăng các trận oanh kích lên miền Bắc Việt Nam, nếu vẫn tiếp tục tấn công trong miền nam. Ông ta cũng đồng ý chính quyền miền nam muốn xử dụng quân bộ tấn công qua đất Lào.

        Công điện số #1067, chỉ thị thực hiện “Chiến Tranh Ngoại Lệ” gửi đến Saigon ngày 30 tháng Ba năm 1964, từ bộ trưởng Quốc Phòng McNamara. Một điểm chính trong công điện “Chấp thuận hành quân xâm nhập lấy tin tức tình báo chiến lược, đột kích phá hoại… trong khu vực phiá nam Tchepone” trên đất Lào. Các chuyến tái tiếp tế bí mật (thả dù) được nhấn mạnh, lãnh tụ nước Lào Souvanna Phouma, chống lại việc nước Lào bị dính líu tới chiến tranh của các quốc gia khác.

        Ngày 1 tháng Tư 1964, đơn vị VNCH được tái tổ chức. “Ban Đặc Biệt cho Hoạt Động Bí Mật” nằm trong tổ chức LLĐB bị giải tán, tách ra làm hai “ngành”. Cả hai đều làm nhiệm vụ thâu thập tin tức tình báo chiến lược, “Sở Khai Thác” hoạt động nơi miền Bắc, “Sở Liên Lạc” hoạt động trên đất Lào. Lực Lượng Đặc Biệt VNCH đổi tên thành “Liên Đoàn 77 LLĐB”.

        Các hoạt động trên biển của SOG được tiến hành. Đề tài “Vượt Biên” được nói đến trong văn thư ngày 1 tháng Tư 1964 do Michael V. Forrestal (hội viên trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia) gửi cho McGeorge Bundy (Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia). Forrestal lo ngại tình hình chính trị rắc rối trong vùng Đông Nam Á, nếu vị Tướng “Quá Nhiệt Tâm” William C. Westmoreland cho phép tấn công sang đất Lào truy kích quân Bắc Việt. Ông ta cho biết, vị Đại Sứ Hoa Kỳ Unger ở Vientian, Lào cảm thấy khó chịu, nói rằng Souvanna Phouma “trở nên lo lắng” trong sự liên hệ với Phoumi, đe dọa sẽ đưa “quân trung lập” vào Cánh Đồng Chum. Việc này sẽ gây khó khăn cho các toán biệt kích Hoa Kỳ tài trợ hoạt động. Ông ta cũng dự định đi Hà Nội.

        Tư lệnh Thái Bình Dương chấp thuận bằng công điện số #00589 ngày 24 tháng Tư 1964, số quân nhân phục vụ đơn vị SOG gia tăng, được bộ Tổng Tham Mưu (HK) cho phép có 97 quân nhân và 3 nhân viên dân chính (CIA).

        Đề tài “Vượt Biên” được Tổng Thống Johnson bàn luận với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia trưa ngày 29 tháng Tư 1964. 

        Văn thư tóm tắt về phần hành trách nhiệm cho các hoạt động vượt biên sang đất Lào “với mục đích thâu thập tin tức tình báo trên đường mòn HCM”. Văn thư bao gồm ba phần.

1. Những tấm ảnh (không ảnh) mới nhất cho thấy con đường mới làm, xe vận tải chạy được giữa đường 12 và khu vực Tchepone nơi trung tâm nước Lào, cùng với vài căn cứ có lẽ tiếp vận. Bộ Tổng Tham Mưu cảm thấy, chúng ta nên xử dụng quân bộ, không quân tấn công các mục tiêu trên, nếu tin tức tình báo chứng minh được.

2. Đại sứ Unger (Hoa Kỳ ở Lào) đã thảo thuận vấn đề này với phụ tá Ngoại Trưởng Bundy ở Saigon. Ông ta rất chống đối tất cả những hoạt động vượt biên sang đất Lào mà dư luận quốc tế thấy được, đặc biệt trong thời gian vị trí của Souvanna Phouma ở Vientian không được bảo đảm.

3. Bộ Ngoại Giao sẽ đề nghị một thỏa thuận để giảm thiểu chuyện gây rắc rối ở Lào. Họ sẽ đồng ý cho phép những hoạt động nhỏ, kiểm soát chặt chẽ những phi vụ thám thính vào nước Lào.

         Trong tháng Tư 1964, MACV-SOG nhận nhiệm vụ thay cho Liên Đoàn 77 VNCH mà trước đó không thành công, chương trình bị bãi bỏ, các quân nhân trở về đơn vị VNCH. Sự ưu đãi của đơn vị này dưới thời Tổng Thống Diệm cũng bị bãi bỏ, sau vụ đảo chánh.

        Từ những tấm không ảnh phi cơ thám thính Hoa Kỳ chụp được, đơn vị SOG nhận diện được gần 500 mục tiêu (các hoạt động của địch) trên đất Lào. Mặc dầu lúc khởi thủy, các chương trình của SOG không có sự “nhúng tay” trực tiếp của người Hoa Kỳ. Các cấp chỉ huy đơn vị SOG muốn có quân nhân Hoa Kỳ làm trưởng toán biệt kích xâm nhập, xác định hoặc phủ định các mục tiêu trong những bức không ảnh.

        Có điều mâu thuẫn trong các bản báo cáo từ các toán biệt kích (điệp viên) gửi về. Điều này có thể được kiểm chứng với sự hiện diện của người Hoa Kỳ (trong các toán biệt kích) nơi miền Bắc Việt Nam hay trên đất Lào.

        Tổng Thống Johnson và ban tham mưu tòa Bạch Ốc muốn có “Bằng chứng vững chắc” về con đường xâm nhập của địch trên đất Lào mà các toán biệt kích có thể đem về. LBJ không dứt khoát, sẽ không cho phép quân đội Hoa Kỳ hiện diện trên quốc gia trung lập Lào. Tình trạng trung lập của nước này được tái xác định trong hội nghị Geneva, Thụy Sĩ năm 1962.

        Tháng Tư 1964 trôi qua chậm chạp, người quân nhân cần một chuyện thay đổi cuối cùng cho tháng Tư. Tướng William C. Westmoreland thay thế Tướng Harkin làm Tư Lệnh cơ quan MACV (Bộ Chỉ Huy Quân Viện, Việt Nam).

        Hai cơ quan MAAG (ở Việt Nam) và MACV phải ‘sống chung’ hai năm để cơ quan MAAG bàn giao cho MACV trước khi chấm dứt nhiệm vụ (giải tán).

        Sau khi bộ trưởng Quốc Phòng McNamara được ban tham mưu Tướng Westmoreland thuyết trình ở Saigon ngày 11 tháng Năm 1964, một văn thư được soạn thảo về buổi họp để cho vào lịch sử. Văn thư liên quan đến chương trình OPLAN 34A, bao gồm việc thả dù quân biệt kích, thả dù đồ phá hoại, và các chiến đỉnh Nasty của SOG có thể ngăn cản công việc đánh cá ngoài miền Bắc và những “va chạm” giữa các tầu chiến nhỏ. Tất cả những người trong hội nghị đều tán đồng việc “gia tăng các hoạt động trong chương trình 34A”.

        Tướng Taylor (Tổng Tham Mưu Trưởng) yêu cầu “Để ý những hoạt động khác chống lại miền Bắc, ngoài những chuyện phá hoại”

        Tư lệnh MACV diễn tả sự chấp thuận, hài lòng của ông ta “Với thành qủa thâu thập được từ các hoạt động vượt biên vào hai khu vực trên đất Lào”. Với sự giới hạn cho phép, các chuyến hành quân xâm nhập đã nói lên sự thành công, ông ta nói thêm “Sự chấp thuận được phối hợp giữa công việc soạn thảo và sửa soạn”. Tướng Westmoreland phỏng đoán cần từ hai đến bốn tuần để xúc tiến sự nới rộng trong các hoạt động vượt biên.

        Ngày 19 tháng Năm 1964, bộ trưởng McNamara nhận được bản báo cáo “động viên” từ bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ ở Lầu Năm Góc (Ngũ Giác Đài). Ông ta được báo cáo “đơn vị SOG lúc đầu chậm chạp đã gia tăng khả năng khi được cung cấp máy móc điện tử để thâu thập tin tức tình báo. SOG được cung cấp chiến đỉnh (Nasty) đóng ở Na Uy và xử dụng phi cơ C-123 thả dù các toán biệt kích / điệp viên xâm nhập miền Bắc Việt Nam”.

        Tổng Thống Hoa Kỳ chấp thuận bốn tháng thử thách chương trình OPLAN 34A, từ ngày 1 tháng Hai cho đến 31 tháng Năm 1964. Ngày 19 tháng Năm, Tổng Tham Mưu Trưởng, Tướng Maxwell D. Taylor soạn văn thư (JSCM-426-64) thông báo cho McNamara việc đình chỉ các hoạt động của đơn vị SOG sau bốn tháng thử thách. Thảo luận sự thành công của các hoạt động nơi miền Bắc và yêu cầu cho đơn vị SOG tiếp tục nhiệm vụ kể từ ngày 1 tháng Sáu năm 1964.

        Các hoạt động của đơn vị SOG tiếp tục với việc soạn thảo kỹ càng, chính xác. Xâm nhập, tấn công bất ngờ chống lại miền Bắc gia tăng cùng với các hoạt động của CIA. Một phần trong chương trình 34A, cơ quan CIA ra lệnh các toán biệt hải do người Việt Nam xử dụng chiến đỉnh chạy nhanh PTF tấn công, quấy phá hải phận miền Bắc. Các chuyến hành quân biệt hải kết hợp hai đơn vị: thủy thủ đoàn và quân biệt kích trong chương trình OPLAN 31. Một lãnh vực khác đơn vị SOG hoạt động là tâm lý chiến, OPLAN 33 (cơ quan CIA tuyên truyền), được soạn ra như những nhịp cầu nối liền cán binh Bắc Việt trên con đường dài HCM xuôi nam và chính quyền miền Bắc Việt Nam.

        Cũng trong tháng Sáu, những cuộc thảo luận về “đường lối hoạt động” (cho đơn vị SOG) nếu Bắc Việt tiếp tục đưa quân và chiến cụ vào miền nam. Nhiều biện pháp được đưa ra: xử dụng không quân oanh kích đường mòn HCM trên đất Lào, hành quân vượt biên, và xử dụng phi cơ không phù hiệu tấn công một số mục tiêu nơi miền bắc.

        Ngày 1 tháng Mười năm 1964, liên đoàn 1 LLĐB/HK chính thức qua Việt Nam tham chiến. Đơn vị này đóng trong căn cứ mới của LLĐB/HK, trong góc tây nam phi trường Nha Trang. Liên đoàn 5 LLĐB/HK dưới quyền chỉ huy của Đại Tá John Spears và Thường Vụ liên đoàn là Thượng Sĩ Clyde W. Francis.

        Một sự khác biệt giữa một quân nhân “thuần túy” LLĐB và quân nhân LLĐB làm việc cho đơn vị SOG. Tất cả LLĐB tình nguyện, mới về đơn vị SOG phải qua thủ tục giấy tờ… (mật) làm việc trong bộ chỉ huy liên đoàn 5 LLĐB/HK và được khuyến cáo cẩn thận không nên “quen biết” nhiều với các quân nhân LLĐB khác. Sau đó được đưa ra phòng liên lạc SOG trong căn cứ LLĐB ở Nha Trang, rồi chuyển tiếp ra những căn cứ hành quân tiền phương của đơn vị SOG. Điều này làm cho quân nhân mới về đơn vị cảm thấy sự khác biệt, bị cô lập.

        Huấn luyện viên LLĐB/HK về chiến tranh ngoại lệ cho người Việt trong chương trình 34A cũng gặp trở ngại như trên, khi huấn luyện quân biệt kích kỹ thuật dò thám lấy tin tức nơi vùng địch kiểm soát.

        Đơn vị SOG được thành lập với sự mềm dẻo thích ứng, mặc dầu khởi thủy không có sự tham gia trực tiếp của các quân nhân LLĐB/HK trong các toán biệt kích. Chính sách này được Tổng Thống Johnson xem xét lại. Trong khu vực trách nhiệm, đơn vị SOG thực hiện các chuyến hành quân xâm nhập chống lại hệ thống tiếp vận quân đội Bắc Việt. Cùng với việc phá hoại, quân biệt kích SOG sẽ thâu thập tin tức tình báo về quân đội Bắc Việt, các lực lượng Khmer Rouge, Pathet Lào trong các căn cứ hoạt động của họ.

        Các nhiệm vụ dành cho SOG bao gồm các hoạt động tâm lý chiến, tổ chức phong trào kháng chiến, trên căn bản có thể chối cãi được, trường hợp bị lộ, phơi bầy ra. Đơn vị SOG được tự do, điều hành các hoạt động của đơn vị.

        Trong năm 1964, chương trình 34A bao gồm các phi vụ thám thính do phi cơ “gián điệp” U-2 xâm nhập miền Bắc Việt Nam, các toán biệt hải bắt cóc thường dân miền bắc để lấy tin tức, bắn phá các căn cứ dọc theo bờ biển miền bắc. Thả dù các toán biệt kích ra miền bắc phá hoại và các hoạt động tâm lý chiến. Chương trình OPLAN 34A là chuyện bộ trưởng Quốc Phòng McNamara cần phải để ý, ông ta được thông báo trước các chuyến hành quân, các trận tấn công bất ngờ. Bộ Tổng Tham Mưu cũng phải báo cáo cho McNamara, phần đánh giá các hoạt động của đơn vị SOG. Ngoại trưởng Dean Rusk cũng được báo cáo về các hoạt động của SOG.  Những chương trình hoạt động của đơn vị SOG phải được gửi cho vị phụ tá cơ quan “Chống Xâm Nhập và các Hoạt Động Đặc Biệt” (SACSA). Các mục tiêu được ban phối hợp giữa bộ Ngoại Giao và cơ quan CIA thẩm định (trước khi đệ trình cho chấp thuận). Tài liệu Lầu Năm Góc cho biết William P. Bundy, phụ tá Ngoại Trưởng cho các Dịch Vụ Đông Nam Á và John T. McNaughton, phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng vấn đề An Ninh Nội Bộ, phối hợp làm việc giữa hai bộ, cho hai vị bộ trưởng.

        Các hoạt động của MACSOG khác với kế hoạch khởi thủy do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA thực hiện, huấn luyện (điệp viên, các toán biệt kích) xâm nhập vào miền Bắc Việt Nam. Đơn vị SOG đặt dưới sự theo dõi của vị Tư Lệnh MACV, Tướng Westmoreland. Cơ quan CIA được trao nhiệm vụ chiến tranh tâm lý chống lại miền bắc, đài phát thanh “Tiếng Nói Hoa Kỳ”, Đại Tá Russell, chỉ huy đơn vị MACSOG đảm trách chương trình hoạt động quân sự. Lính đánh thuê (biệt kích sắc dân thiểu số) làm nhiệm vụ tấn công, nhưng người Hoa Kỳ hoàn toàn điều hành các chương trình.

        Cuối năm 1964, đơn vị SOG đổi danh xưng mới “Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát” (vẫn viết tắt là SOG), nhiệm vụ vẫn không thay đổi. Liên đoàn 77 LLĐB/VN, sở Khai Thác (tiền thân của Nha Kỹ Thuật), sở Liên Lạc di chuyển ra Nha Trang.

        Năm đầu tiên, đơn vị SOG có những chuyến hành quân biệt hải và thả quân biệt kích, điệp viên xâm nhập miền bắc. Bắt đầu trong tháng Tư cho đến cuối năm 1964, chương trình MACSOG 34 “phóng” ra 34 chuyến hành quân biệt hải (MAROPS) tấn công các căn cứ, cầu cống và các đảo có đặt dàn radar của Bắc Việt.

        Chương trình 31 là một gánh nặng cho chính quyền miền Bắc lo việc chống đỡ, phòng thủ. Chương trình 33 tâm lý chiến do cơ quan CIA đảm trách được biết có hiệu qủa. Năm 1965 sẽ bù đắp cho những thiếu sót của đơn vị SOG.

        Ngày 15 tháng Giêng năm 1965, tại Nha Trang, sở Khai Thác được đổi tên trở thành sở Kỹ Thuật bao gồm luôn sở Liên Lạc.

        Đại đội E (tạm thời), liên đoàn 5 LLĐB/HK, ban Hành Quân Đặc Biệt C-5 bắt đầu hoạt động từ ngày 31 tháng Ba 1965 trong trại Hồ Ngọc Tảo nơi hướng đông bắc Saigon.

        Đại Tá Donald D. Blackburn thay thế Đại Tá Russell làm chỉ huy trưởng SOG trong tháng Năm 1965. Vị chỉ huy trưởng mới xác định lại bốn chương trình hoạt động của đơn vị SOG: Chương trình 31 (Hành quân biệt hải), chương trình 32 (Không Trợ), chương trình 33 (Tâm lý chiến, “Xám” gián tiếp, “Đen” trực tiếp), và chương trình 34 (Hành quân đặc biệt, kháng chiến, và tình báo). Ông ta nhìn bao quát, việc dò thám sẽ điều hành mọi hoạt động trên đất Lào, Cambodia và Bắc Việt Nam. Đại Tá Blackburn tuyển mộ cựu chỉ huy trưởng chương trình “Sao Trắng” (ở Lào). Đại Tá Arthur D. “Bull” Simons đảm trách chương trình 35 (OPLAN 35 vượt biên qua Lào, Cambodia), tổ chức các toán biệt kích cho các hoạt động nơi hậu phương địch. Một người nữa có nhiều khả năng về chiến tranh ngoại lệ, đó là Trung Tá Raymond L. Call.

        Theo lệnh Đại Tá Simons, chương trình thứ năm được thêm vào trong bảng phong thần của đơn vị SOG. OPLAN 35 dò thám lấy tin tức tình báo sẽ do các quân nhân LLĐB/HK làm trưởng toán biệt kích hoạt động.

        Một chương trình cho các toán biệt kích có quân LLĐB/HK chỉ huy được phác họa chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, các toán biệt kích xâm nhập dò thám, kiểm chứng sự hiện hữu của đường mòn HCM. Giai đoạn hai, đơn vị cấp lớn (đại đội Khai Thác / Hatchet Force) sẽ được đưa vào tấn công, phá hủy các căn cứ của địch (toán biệt kích xâm nhập tìm ra). Giai đoạn cuối, LLĐB/HK sẽ tổ chức phong trào chống lại (kháng chiến) sự hiện diện của địch.

        Ngày 3 tháng Năm 1965, Cambodia cắt sự liên hệ với Hoa Kỳ, không cho phép quân biệt kích xâm nhập, dò thám lấy tin tức. Cũng không cho trực thăng Hoa Kỳ, Đồng Minh đáp trên đất Cambodia. Do đó việc xử dụng trực thăng chở quân biệt kích bị cấm bay vào đất Miên.

        Đơn vị SOG phải sửa đổi lệnh hành quân. Trực thăng chỉ đưa quân biệt kích đến một bãi đáp gần biên giới Việt-Miên, rồi từ đó, các toán biệt kích phải lội bộ xâm nhập vào khu vực hoạt động. Tuy vậy, các toán biệt kích vẫn đem về bằng chứng quân đội Bắc Việt xử dụng đất Cambodia làm căn cứ cũng như trên đất Lào.

        Trong năm 1965, một đơn vị LLĐB bí mật, mật danh chương trình Delta được thành lập với một toán A LLĐB/HK. Chương trình Delta đặt dưới quyền LLĐB, đại đội E, liên đoàn 5 LLĐB/HK. Chương trình Delta trong hồ sơ quân đội là sở chỉ huy B-52 LLĐB, là một đơn vị chuyên về các chuyến hành quân Viễn Thám. Delta bắt đầu hoạt động thám sát khu vực phía nam vùng phi quân sự. Trong khi nằm trong hệ thống đại đội E, Delta đặt dưới quyền chỉ huy điều hành của ban 3 (hành quân), liên đoàn 5 LLĐB/HK ở Nha Trang.

        Tổng Thống Johnson muốn có bằng chứng không thể chối cãi được về sự hiện diện của quân đội Bắc Việt trên đất trung lập Lào, nuôi dưỡng cuộc chiến tranh xâm lược trong miền nam Việt Nam. Bằng chứng thực tế nhất là hình ảnh, chứng minh quân đội Bắc Việt đang hoạt động.

        Lúc đó vẫn chưa có hình ảnh chứng minh, đó cũng là những cố gắng của đơn vị SOG. Sau khi được huấn luyện kỹ thuật chụp ảnh, các toán biệt kích SOG xâm nhập đem theo máy chụp ảnh lúc xâm nhập.

        Chương trình 35 (vượt biên sang Lào, Miên), MACSOG không cho phép có quân biệt kích Hoa Kỳ trên đất Lào, Cambodia và miền bắc Việt Nam. Người Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi các hiệp định quốc tế, e ngại phải đối mặt với Nga Sô và Trung Cộng.

        Kế hoạch khởi thủy cho hành quân Shining Brass được soạn thảo dưới sự để ý, theo dõi của Đại Tá “Bull” (Bò mộng, bành ki) Blackburn và Trung Tá Raymond L. Call. Cuối cùng, các toán biệt kích vẫn do quân nhân LLĐB/HK làm trưởng toán, xâm nhập bằng trực thăng vào đất Lào, gần đường mòn HCM của quân đội Bắc Việt. Khi khám phá ra kho tiếp vận của địch, toán biệt kích sẽ báo cáo, chỉ điểm cho phi cơ điều không tiền tuyến (FAC) bao vùng, phi cơ này sẽ điều động các phi tuần không quân chiến thuật (TAC-AIR) oanh kích, tiêu hủy mục tiêu.

        Ngày 21 tháng Chín 1965, Tổng Thống Hoa Kỳ chính thức chấp thuận cho các toán biệt kích SOG do quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ làm trưởng toán, mặc quân phục không có phù hiệu, cấp bậc xâm nhập vào nước Lào trong hành quân Shining Brass.

        Đơn vị SOG huấn luyện kỹ thuật viễn thám cho quân biệt kích trong căn cứ Long Thành. Trung Tá Call được trao trách nhiệm tổ chức các toán biệt kích cho chương trình 35 (OPLAN 35) để xâm nhập vào nước Lào, lấy tin tức tình báo, bằng chứng về các hoạt động của quân đội Bắc Việt trên quốc gia trung lập này. (Xử dụng Lào như con đường tiếp vận chính, nuôi dưỡng cuộc chiến tranh xâm lược trong miền nam Việt Nam).

        Nhóm quân nhân Không quân đầu tiên biệt phái, yểm trợ cho hành quân Shining Brass là các phi công lái phi cơ thám thính “điều không tiền tuyến” FAC, thuộc phi đội mới thành lập, 20 Yểm Trợ Chiến Thuật (TASS). Được thành lập ngày 26 tháng Tư năm 1965, “Con mắt trên đất Lào” của đơn vị SOG đóng trong phi trường Đà Nẵng. Phi công TASS cùng với chuyên viên cơ khí, yểm trợ đến bằng sự vụ lệnh “bảo mật” và vỏ bọc làm nhiệm vụ  “không thám ở Việt Nam”.

        Ngày 4 tháng Mười 1965, “Đại Đội 3 Viễn Thám” TQLC được thành lập trong căn cứ Lejeune, North Carolina, quân số lấy từ trung đội 3, đại đội 2 viễn thám. Đơn vị mới thành lập này sẽ được đưa sang Việt Nam tham chiến.

        Được Tổng Thống Hoa Kỳ chấp thuận LLĐB/HK làm trưởng toán biệt kích xâm nhập nước Lào, ngày 18 tháng Mười 1965, toán biệt kích đầu tiên trong hành quân Shining Brass do Thượng Sĩ Charles “Slats” Petry chỉ huy cùng với toán biệt kích Iowa được “phóng” đi từ căn cứ hành quân tiền phương, trại LLĐB Khâm Đức. Chuyến hành quân xâm nhập kéo dài sáu ngày, được triệt xuất bằng trực thăng ngày 23 tháng Mười năm 1965. Chuyến này cũng có tổn thất đầu tiên trong chương trình 35.

        Ngày 18 tháng Mười năm 1965, trong lúc thả toán biệt kích Iowa, sáu quân nhân bị mất tích được xem như chết (tử trận). Gồm có quân nhân LLĐB/HK, Đại Úy Larry A. Thorne cùng với ba phi hành đoàn trực thăng H-34, phi đoàn 219 Việt Nam. Cũng bị mất tích có sĩ quan Không quân FAC (chương trình 32, Không Trợ), một thiếu tá và một đại úy thuộc phi đội 20 Yểm Trợ Chiến Thuật. Qua ngày 22 tháng Mười, toán biệt kích Iowa chạm súng với địch, người lính biệt kích đi đầu (hướng đạo) trúng đạn tử thương, kết qủa tổn thất bẩy quân nhân trước khi chuyến xâm nhập đầu tiên vào nước Lào kết thúc.

        Cho đến cuối năm 1965, chương trình 35 có vài chuyến xâm nhập thành công. Hành quân Shining Brass chứng minh sự thành công, đem về bằng chứng quân đội Bắc Việt xử dụng nước trung lập Lào rõ ràng, không thể phủ nhận.

        Mật danh “Shining Brass” được xử dụng cho những chuyến hành quân xâm nhập nước Lào, do các toán biệt kích có quân nhân LLĐB/HK làm trưởng toán đảm trách, chống lại quân đội Bắc Việt trên đất Lào. Các bãi đáp trực thăng cho quân biệt kích xâm nhập / triệt xuất có tên các loài “chim” và mật hiệu “Mũi Tên Lửa” (Flaming Arrow) để dùng trong trường hợp khẩn cấp, toán biệt kích có thể bị tiêu diệt.

        Một vấn đề nêu lên trong hành quân Shining Brass khi vị chỉ huy trưởng chương trình 35, Trung Tá Call được thông báo cho biết, các toán biệt kích Shining Brass không thể dùng trực thăng đưa đến khu vực gần hơn 5 cây số đến đường biên giới Lào Việt, từ hướng miền nam Việt Nam. Việc giới hạn này liên quan chính trị, theo lệnh của vị Đại Sứ Hoa Kỳ ở Lào, William H. Sullivan. “Chuyện nhỏ” này thực sự rất lớn, các toán biệt kích có thể bị địch khám phá trước khi đến mục tiêu trên đất Lào. Điạ thế hiểm trở của nước Lào rất khó khăn cho các toán biệt kích xâm nhập bằng cách lội bộ, và trực thăng cũng không thể vào cứu toán biệt kích trên đất Lào… Trên thực tế, việc giới hạn này rất… hãi hùng. Do sự giới hạn, các chuyến biệt kích SOG xâm nhập vào nước Lào hay Cambodia bị trở ngại rất lớn.

        Tuy nhiên, Đại Tá “Bull” Simons cùng với Trung Tá Call sắp xếp lại bản đồ, dọc theo đường biên giới Lào-Việt, vẽ một lằn mực đen lấn qua biên giới Lào 20 cây số, song song với đường biên giới cũ. Tấm bản đồ này được trao tay cho ban sản suất bản đồ cơ quan MACV để làm một số bản đồ giả với đường biên giới mới cho các toán biệt kích trong hành quân Shining Brass xử dụng.

        Trong phần thuyết trình hành quân, toán biệt kích được dặn dò xử dụng bản đồ cẩn thận, tránh các phi cơ của Ủy Ban Kiểm Soát Quốc Tế thường bay trên không phận nước Lào để kiểm soát các sự vi phạm nền trung lập của quốc gia này.

        Đến cuối năm 1965, sau ba tháng ngắn hoạt động, hành quân Shining Brass thực hiện bẩy chuyến xâm nhập vào đất Lào. Sự thành công của các toán biệt kích làm hài lòng Tổng Thống Johnson và trong tháng Mười Hai 1965, không lực Hoa Kỳ thả bom bên Lào bù đắp cho hành quân Shining Brass. Dưới mật danh “Tiger Hound”, khu vực oanh kích trải dài từ vĩ tuyến 17 kéo xuống biên giới phiá bắc Cambodia.   

        Để cho “chắc ăn” các toán biệt kích SOG được cung cấp một ám hiệu đặc biệt. “Mũi Tên Lửa” (Flaming Arrow). Khi mật hiệu này được truyền đi, toán biệt kích SOG báo cáo, đã chạm địch hay đã bị địch khám phá. Cả hai trường hợp, toán biệt kích yêu cầu được triệt xuất khẩn cấp trên đất Lào. Mật hiệu này được ưu tiên xử dụng không quân chiến thuật (TAC AIR), cứu nguy toán biệt kích. “Mũi Tên Lửa” được dành quyền ưu tiên xử dụng tất cả phương tiện phi cơ, trực thăng đang bay trên không phận về vị trí toán biệt kích.

        Trong tháng Hai 1966, toán Người Nhái Hải Quân Hoa Kỳ (SEALs) chính thức đến Việt Nam. Họ làm việc dưới quyền điều hành, chỉ huy của CTF-116. Nhiệm vụ dành cho toán người nhái SEALs hoạt động bí mật trong các toán từ sáu đến mười người nơi hậu phương địch, xử dụng chiến thuật phản du kích. Mật danh cho chương trình này là “Chiến dịch Game Warden”

        Khu vực hoạt động cho các toán biệt kích SOG ở bên Lào được đánh dấu từ đường biên giới Việt-Lào, vào sâu 20 cây số trên đất Lào. Lúc ban đầu, các toán biệt kích Shining Brass được “phóng” đi từ căn cứ hành quân tiền phương Khâm Đức, tuy nhiên khu vực này thường hay bị thời tiết xấu nên đơn vị SOG lập thêm hai căn cứ “phóng” khác ở Dak To và Khe Sanh, gia tăng khả năng đưa các toán biệt kích xâm nhập. Sau đó, SOG xây thêm căn cứ hành quân tiền phương để có thể chứa các toán biệt kích. Đầu năm 1966, đơn vị SOG có các căn cứ hành quân tiền phương: FOB-1 ở Phú Bài, FOB-2 trên Kontum cho chương trình 35.

        Một ban nghiên cứu mục tiêu được thành lập để lựa chọn mục tiêu dựa trên mức độ quan trọng, giá trị. Các chương trình OP-34, OP-35 và các căn cứ hành quân tiền phương đều có nhân viên tình báo đại diện làm việc trong ban. Một ủy ban thẩm định dưới sự điều hành của vị chỉ huy phó đơn vị SOG, cùng với các sĩ quan trưởng phòng: Tình Báo MAGSOG 20, Hành Quân MACSOG 30, chỉ huy trưởng chương trình 34 (Hành Quân Đặc Biệt, Bắc Việt Nam), chương trình 35 (Vượt Biên). Ủy ban này họp để trình lên chỉ huy trưởng đơn vị SOG danh sách các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên để được chấp thuận.

        Tin tức tình báo do các toán biệt kích SOG đem về được đúc kết trong các bản báo cáo bằng nhiều phương thức. Các toán biệt kích hoạt động trên bộ đằng sau phòng tuyến địch sẽ gửi báo cáo (tin tức) đến một trạm tiếp vận viễn thông (truyền tin), phi cơ điều không tiền tuyến FAC, hoặc phi cơ bao vùng những khu vực trên đất Lào. Tin tức sẽ được chuyển tiếp đến căn cứ của toán biệt kích ở Đà Nẵng hay trên Kontum. Từ căn cứ ở Đà Nẵng, Kontum, tin tức gửi về được đúc kết trong bản báo cáo “Spot Report” gửi đến sĩ quan tình báo (MACSOG 20), rồi sẽ được chuyển tiếp đến vị trưởng phòng 2 cơ quan MACV (J-2).

        Trong tháng Năm 1966, Đại Tá John K. Singlaub được chỉ định làm chỉ huy trưởng đơn vị SOG thay Đại Tá Blackburn. Đơn vị SOG được khen ngợi do những tin tức tình báo đem về, vị trưởng phòng 2 (J-2) cơ quan MACV nói “Các toán biệt kích SOG đem về hơn 50% số lượng tin tức các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt thâu thập được”.

        Chương trình Delta của Lực Lượng Đặc Biệt (không phải của đơn vị SOG) bị tràn ngập, qúa nhiều yêu cầu cho các chuyến xâm nhập lấy tin tức tình báo tác chiến cho các cấp chỉ huy đơn vị chính quy ngoài chiến trường, từ phần cuối đồng bằng sông Cửu Long ra đến vùng phi quân sự.

        Không phải chỉ có LLĐB Lục quân, đơn vị Người Nhái Hải quân phải gánh vác những trách nhiệm do yêu cầu của các cấp chỉ huy, đơn vị Viễn Thám TQLC cũng vậy. Ngày 6 tháng Sáu năm 1966, đại đội 3 viễn thám TQLC/HK được lệnh cung cấp tám (8) hạ sĩ quan để thành lập hai toán “Thám Sát” (Hướng đạo, Scout Dog Platoons). Chuyện này làm cho đại đội 3 viễn thám TQLC mất đi mấy quân nhân nhiều kinh nghiệm. Tiếp theo, một sĩ quan thuộc đại đội, Trung Úy Richard Barba cùng với sáu hạ sĩ quan được lệnh trình diện ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) trong căn cứ Fay ở Đà Nẵng (thuộc đơn vị SOG).

         Ngày 26 tháng Sáu 1966, bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ nơi Lầu Năm Góc chấp thuận cho Tướng Westmoreland tiếp tục phát triển chương trình 35, hành quân vượt biên lấy tin tức tình báo xử dụng đơn vị SOG và Lực Lượng Đặc Biệt. Ngày hôm sau 27 tháng Sáu, một khu vực hành quân mới được thiết lập trong khu vực tam biên, mật danh Daniel Boone. Khu vực này bao gồm phiá bắc Cambodia, phiá bắc sông Se Sam nơi đường biên giới ba nước gặp nhau.

        Chương trình Omega (sở chỉ huy B-50 LLĐB) do Lực Lượng Đặc Biệt thành lập trong tháng Tám 1966, hoạt động ngay trung tâm khu vực tam biên. Chương trình Omega cũng như Delta nằm trong danh sách quân nhân đại đội E (tạm thời). Chương trình Omega sẽ làm nhẹ gánh cho chương trình Delta. Sau khi được thành lập, chương trình Delta nằm trong căn cứ của liên đoàn 5 LLĐB/HK, chung với toán A-503 (đơn vị xung kích tiếp ứng).

        Chương trình Sigma (sở chỉ huy B-56 LLĐB) cũng được thành lập cùng khoảng thời gian với chương trình Omega, cũng như Omega bổ sung cho chương trình Delta trong những hoạt động xâm nhập, dò thám lấy tin tức. Liên đoàn 5 LLĐB/HK điều hành cả ba chương trình, hoạt động trong khắp miền nam Việt Nam.

        Trong khi chương trình Delta được trao trách nhiệm tập trung các hoạt động trong vùng I chiến thuật. Chương trình Omega tập trung nỗ lực vào khu vực tam biên trên quân đoàn II VNCH và chương trìng Sigma thực hiện các chuyến hành quân thâu thập tin tức tình báo tác chiến trong vùng III chiến thuật.

        Chương trình Delta thiết lập căn cứ hành quân tiền phương trên phi đạo căn cứ Khe Sanh. Chương trình Omega đóng ở Nha Trang, chương trình Sigma có căn cứ gần khu vực hoạt động. Hai chương trình Omega và Sigma sau này bàn giao cho đơn vị SOG để thực hiện các chuyến hành quân vượt biên qua đất Cambodia.

        Chương trình Omega có các toán biệt kích do quân nhân LLĐB/HK làm trưởng toán và các toán biệt kích “Chạy Đường Mòn” (Road Runner) Việt Nam. Omega bắt đầu hoạt động với bốn toán biệt kích “Chạy Đường Mòn”, mỗi toán bốn người, tám toán biệt kích thám sát, mỗi toán có hai quân nhân LLĐB/HK chỉ huy và bốn quân nhân Việt Nam (có thể người sắc dân thiểu số). Các toán biệt kích “Chạy Đường Mòn” dò thám dọc theo đường liên lạc, đường mòn, đường tiếp vận của địch.

        Căn cứ hành quân tiền phương đầu tiên của đơn vị SOG trong chương trình 35 (vượt biên qua Lào, Miên) Khâm Đức bị bỏ (trại LLĐB Khâm Đức di tản). SOG lập thêm hai căn cứ hành quân tiền phương mới ở Khe Sanh (vùng I), và Dak To (vùng II), thời tiết tốt hơn.

        Chương trình Omega bắt đầu các hoạt động xâm nhập dò thám từ ngày 11 tháng Chín 1966. Sau một loạt hoạt động, vấn đề khoảng cách (đóng ở Nha Trang) trở nên rõ ràng. Sở chỉ huy ở Nha Trang làm cho việc điều hành chỉ huy các toán biệt kích bị trì hoãn. Trước nhất, các toán biệt kích được đưa từ Nha Trang lên căn cứ hành quân tiền phương Dak To, rồi từ đó xâm nhập vào vùng tam biên. Việc di chuyển này có thể làm quân biệt kích mệt mỏi trước khi được đưa đi xâm nhập.

        Về phiá nam, chương trình Sigma được chỉ huy, điều hành từ căn cứ Hồ Ngọc Tảo. Các toán biệt kích Sigma được trao nhiệm vụ dò thám “Chiến khu C”, “Chiến khu D” trong các tỉnh nơi hướng bắc Saigon nên khoảng cách không thành vấn đề. Khu vực trách nhiệm hành quân Sigma rất bằng phẳng. Chiến khu C bao gồm nửa hướng bắc tỉnh Tây Ninh, phân nửa tỉnh Bình Long, và một phần góc tây bắc tỉnh Bình Dương. Chiến khu D bao gồm khu vực góc tây bắc tỉnh Bình Dương, phần phía nam tỉnh Phước Long và phần phiá bắc tỉnh Long Khánh.

        Đến năm 1966, bộ chỉ huy quân cộng sản (gọi là Trung Ương Cục Miền Nam) COSVN di chuyển từ chiến khu D sang chiến khu C trong tỉnh Tây Ninh. Trung Ương Cục Miền Nam được một đơn vị cấp trung đoàn bảo vệ.

        Khu vực hành quân chương trình Sigma có nhiều hệ thống điạ đạo. Chiến khu C bị nghi ngờ là nơi đặt hệ thống chỉ huy của quân cộng sản trong miền nam Việt Nam. Bộ chỉ huy Trung Ương Cục được báo cáo sống và làm việc dưới hệ thống hầm hố điạ đạo.

        Các toán biệt kích trong hành quân Shining Brass thực hiện các chuyến hành quân xâm nhập ở phiá nam, qua Lào và Cambodia. Các hoạt động bao gồm: chiến tranh du kích, phá hoại, cứu phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi và các hoạt động tâm lý chiến. Các hoạt động này được phân loại “Xám” và “Đen”. SOG cũng thực hiện những hoạt động đặc biệt khác, không tìm thấy trong sách vở, tài liệu quân sự.

        Trong kế hoạch khởi thủy, chương trình MACSOG 35 xử dụng mật danh “Shining Brass” cho các chuyến hành quân xâm nhập vào nước Lào. Chuyện này được giữ bí mật, ngay cả những sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ cũng không được biết thế giới bí mật của đơn vị SOG.

        Quân nhân đơn vị SOG và ngay cả Tổng Thống Hoa Kỳ cũng không muốn các hoạt động trong hành quân Shining Brass được đăng tải trên báo chí. Đối với đơn vị SOG, điều đó làm mất yếu tố bất ngờ, có thể nguy đến tính mạng các toán biệt kích. Đối với vị Tổng Thống Hoa Kỳ chuyện đó có thể làm hại uy tín chính trị.

        Trong đầu năm 1967, do một tạp chí có tiếng ở Hoa Kỳ đăng tải một bài viết trong năm 1966, đề tài “Tối Mật Shining Brass”, nói về các loại hoạt động của đơn vị SOG, nhận diện được đơn vị cùng với hàng chữ “Nhóm Hoạt Động Bí Mật”. Thêm tạp chí RAMPARTS thực hiện cuộc phỏng vấn với một quân nhân hoa Kỳ bất mãn, đã phục vụ một tour trong chương trình 35. Bài viết này chính xác làm cho các cấp chỉ huy đơn vị SOG nổi giận, bắt đầu từ “Phòng Bầu Dục” (Oval Office trong tòa Bạch Ốc). Việc này đưa đến việc thay đổi mật danh cho các hoạt động vượt biên (chương trình 35).

        Nhiều phóng viên, bỗng dưng trở nên hứng thú về đơn vị SOG, tìm cách tìm hiểu, nghiên cứu thêm về “Nhóm Hành Quân Đặc Biệt”.

ĐOÀN NGHIÊN CỨU QUAN SÁT

Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (SOG) là một “bộ phận” đặc biệt trong cơ quan MACV dưới sự theo dõi của vị tư lệnh cơ quan MACV. Đơn vị SOG được trao phó trách nhiệm chống xâm nhập, bao gồm tin tức tình báo, tâm lý chiến cũng như nhiệm vụ tác chiến đòi hỏi lực lượng quân sự và sự phối hợp của quân đội VNCH (Nha Kỹ Thuật). MACV-SOG không phải là một cơ quan, các hoạt động nghiên cứu, quan sát do bộ chỉ huy (NKT/VNCH) đảm trách, họ chịu trách nhiệm trong các khu vực hoạt động.

        Cùng với hệ thống mật danh có thể làm cho khó hiểu. Shining Brass là mật danh cho các hoạt động nơi hậu phương địch và được chính thức thay thế bằng ba mật danh khác: “Nickel Steel”, “Prairie Fire” và “Daniel Boone”. Những mật danh này cũng ám chỉ các khu vực hành quân của đơn vị SOG.

        “Prairie Fire” chính thức đại diện cho chương trình 35, xử dụng các toán biệt kích do quân nhân LLĐB/HK làm trưởng toán, xâm nhập vào nước Lào do thám lấy tin tức tình báo. Mật danh này (Prairie Fire) cũng được dùng để gửi tín hiệu khẩn cấp, cấp cứu, toán biệt kích có thể bị tiêu diệt. Các chuyến hành quân Prairie Fire phải được sự chấp thuận từ tòa Bạch Ốc.

Chương trình 35 cố gắng gia tăng hiệu năng vấn đề truyền tin liên lạc cho các toán biệt kích hành quân Prairie Fire. Trong tháng Giêng 1967, Trung Úy Ken Sisler cùng với toán biệt kích của anh ta từ căn cứ hành quân tiền phương 2 (FOB-2) trên Kontum được lệnh thiết lập một đài tiếp vận viễn thông trên đất địch. Vị trí được chọn là một đỉnh núi về hướng tây bắc Dak To, ngay phiá bên kia đường biên giới Lào Việt, nhìn xuống đường mòn HCM. Việc xây cất đài tiếp vận xúc tiến, được gọi là “Tổ Đại Bàng” (Eagle’s Net). Đài tiếp vận truyền tin là sợi dây liên lạc chính yếu của các toán biệt kích, có thể được xử dụng yêu cầu phi cơ oanh kích, tiếp vận liên lạc với căn cứ hành quân tiền phương FOB-2 Kontum và căn cứ “phóng” Dak To. Thêm một phần an toàn cho các toán biệt kích hoạt động trên đất Lào, các toán biệt kích có thể được đưa vào trạm tiếp vận một cách bí mật rồi từ đó xâm nhập bộ đến mục tiêu (nếu gần).

        Trong tháng Năm 1967, bộ Tổng Tham Mưu quân lực Hoa Kỳ (JCS) chính thức công nhận và cho phép quân nhân LLĐB/HK tình nguyện gia nhập chương trình Omega và Sigma. Người Nhái SEALs cũng được tham gia chương trình Biệt Hải với quân nhân VNCH (chương trình 31). Chương trình 32 Không Trợ cũng được nới rộng vùng hoạt động, yểm trợ cho các hoạt động của đơn vị SOG.

Trên đất Lào, mục tiêu của các căn cứ hành quân tiền phương lấn qua nhau, tất cả các “khu vực nguy hiểm” (Hot Spot) được các căn cứ hành quân luân phiên gánh vác. Thí dụ, khu vực thung lũng A Shau có thể được coi như mục tiêu “khó ăn”, căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1) ở Phú Bài sẽ lo phần hướng bắc, FOB-2 trên Kontum sẽ lo phần còn lại.

        Trong tháng Sáu năm 1967, theo đường lối xử dụng chữ Hy Lạp đặt tên cho các chương trình Delta, Omega, Sigma, một chương trình mới được đưa ra. Chương trình Gamma được thành lập trong căn cứ của Lực Lượng Xung Kích Lưu Động (Mobile Strike Force – Mike Force) B-57. Chương trình Gamma thâu thập tin tức tình báo chiến lược về các căn cứ của quân đội Bắc Việt, và đường xâm nhậm trên đất Cambodia.

        Ngày 30 tháng Sáu năm 1967, chuơng trình MUSCLE SHOALS được đề ra, xử dụng máy dò điện tử theo dõi mức độ chuyển quân của quân đội Bắc Việt ngoài miền Bắc, miền Nam Việt Nam, trên đất Lào và vùng phi quân sự. Theo lệnh bộ trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara, xử dụng máy móc điện tử chống xâm nhập, gọi là “Bức Tường MacNamara” (Hàng Rào Điện Tử McNamara). Máy dò điện tử sẽ khám phá sự di chuyển của địch, gửi tín hiệu lên một phi cơ EC-121 bay bao vùng một số điểm trên nước Lào. Các toán biệt kích SOG được trao nhiệm vụ vào khu vực đặt máy dò điện tử (đào hố chôn, ngụy trang) trên đất Lào, khu phi quân sự và trên đất Cambodia. Mật danh IGLOO WHITE ám chỉ các hoạt động đặt máy dò điện tử do đơn vị SOG thực hiện trên đất Lào.

Chương trình Omega gia tăng số lượng xâm nhập vào vùng tam biên, số toán biệt kích “Chạy Đường Mòn” tăng từ bốn lên tám toán. Vấn để “khoảng cách” (trong phần trên) được giải quyết, trong mùa hè 1967, các toán biệt kích Omega được di chuyển từ Nha Trang lên vùng cao nguyên, căn cứ hành quân tiền phương 2 (FOB-2) Kontum và các toán biệt kích “Chạy Đường Mòn” tăng lên mười hai toán.

        Trong tháng Tám 1967, kế hoạch gắn máy nghe lén điện thoại được bắt đầu trong vùng tam biên, dưới sự điều hành sĩ quan truyền tin, Đại Úy Dave Donahue làm việc cho chương trình 35 ngoài Đà Nẵng.

        Ngày 3 tháng Chín 1967, sau khi “xuất hiện” hai năm rưỡi ở Việt Nam, đại đội E (tạm thời) liên đoàn 5 LLĐB/HK đóng cửa. Cả hai chương trình Omega và Sigma được liên đoàn 5 LLĐB/HK bàn giao cho đơn vị SOG, chương trình 35, vì hai chương trình này hoạt động trên đất Miên (vượt biên).

        Chương trình 35 nhận thêm hai hành quân Omega, Sigma, phát triển, tổ chức lại, Ban Mê Thuột trở thành sở Chỉ Huy Nam (CCS), Đà Nẵng trở thành sở Chỉ Huy Bắc (CCN) di chuyển từ Cam Fay ra căn cứ ở núi Ngũ Hành Sơn (còn gọi là căn cứ hành quân tiền phương 4, FOB-4).

        Trong tháng Mười 1967, chương trình Omega di chuyển đi Ban Mê Thuột (còn gọi là căn cứ hành quân tiền phương 5, FOB-5). Căn cứ cho chuơng trình Sigma, Hồ Ngọc Tảo được gọi là căn cứ hành quân tiền phương 6, FOB-6.

        Có thêm hai hành quân Omega, Sigma, chương trình 35 tái phối trí nhiệm vụ, cả hai hành quân đặt dưới quyền chỉ huy sở Chỉ Huy Nam ở Ban Mê Thuột. Hành quân Sigma đóng trong căn cứ Hồ Ngọc Tảo, tiếp tục các chuyến hành quân xâm nhập vào chiến khu C và D. Riêng hành quân Omega được trao nhiệm vụ trên đất Cambodia, kéo dài xuống phiá nam.

        Vùng trách nhiệm hành quân Omega được chia làm hai khu vực, lấy thành phố Snoul làm ranh giới. Khu vực A (Zone Alpha), từ Snoul lên hướng bắc đến biên giới Lào, bao gồm khu vực tam biên. Khu vực B (Zone Bravo) từ Snoul kéo dài về hướng nam đến vịnh Thái Lan.

        Đến ngày 1 tháng Mười Một năm 1967, đơn vị đối tác VNCH sở Kỹ Thuật (STS) được nâng cấp lên thành Nha Kỹ Thuật (STD), bao gồm luôn sở Liên Lạc.

        Trước ngày 1 tháng Mười Hai 1967, hành quân Omega đã soạn thảo, thực hiện chín chuyến hành quân xâm nhập vào đất Cambodia. Hành quân Sigma thực hiện mười lăm chuyến xâm nhập chiến khu C và D.

        Từ tháng Giêng cho đến hết tháng Mười Hai năm 1967, chương trình 35 với trưởng toán biệt kích, quân nhân LLĐB/HK cùng với hai hành quân (mới) Omega, Sigma đã thực hiện tất cả 258 chuyến xâm nhập vào Lào và Cambodia.

        Trong tháng Bẩy và Tám năm 1968, bộ chỉ huy SOG ở số 606 Trần Hưng Đạo đã di chuyển đến bộ chỉ huy cũ của cơ quan MACV tại số 137 Pasteur nơi hướng đông trung tâm thành phố Saigon. Sự thay đổi kéo theo sự thay đổi nơi cấp chỉ huy, Đại Tá Singlaub sau khi đã nắm quyền chỉ huy đơn vị SOG hai năm, trao quyền chỉ huy lại cho Đại Tá Stephen E. Cavanaugh.

Trong tuần lễ thứ ba tháng Mười Một 1968, đơn vị SOG tổ chức lại chương trình 35. Sở Chỉ Huy Bắc (CCN) vẫn đóng chung doanh trại với căn cứ hành quân tiền phương 4 (FOB-4, Đà Nẵng) đón nhận thêm quân nhân trong căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1, Phú Bài), và quân biệt kích sắc dân Bru từ căn cứ tiền phương Mai Lộc. Trên vùng cao nguyên, căn cứ hành quân tiền phương 2 (FOB-2, Kontum) được nâng cấp lên thành sở Chỉ Huy Trung (CCC). Căn cứ hành quân tiền phương 5 (FOB-5, Ban Mê Thuột) được nâng cấp lên thành sở Chỉ Huy Nam (CCS), hai hành quân Omega và Sigma làm thành phần nồng cốt cho CCS.

        Trong tháng Mười Hai năm 1968, bộ Tổng Tham Mưu quân lực Hoa Kỳ (JCS) thay đổi mật danh “Daniel Boone” thành “Salem House” và chính thức nới rộng khu vực hành quân Salem House nơi vịnh Thái Lan 20 cây số tính từ biên giới Việt Nam. Khu vực A (Zone Alpha) chia ra hai phần, từ khu vực Lưỡi Câu lên đến biên giới Lào. Khu vực C (Zone Charlie) nằm giữa Snoul và khu vực Lưỡi Câu. Khu vực B (Zone Bravo) không thay đổi.

        Đến cuối năm 1968, chương trình 35 (Nhóm Nghiên Cứu trên Bộ) đã thực hiện 327 chuyến hành quân xâm nhập vào đất Lào và Cambodia.

        Từ ngày 1 tháng Giêng cho đến 31 tháng Mười Hai năm 1969, các toán biệt kích chương trình 35 đã hành quân xâm nhập 452 lần sang Lào và Cambodia.

        Ngày 20 tháng Ba năm 1970, sĩ quan cao cấp trong hai bộ tư lệnh quân lực VNCH và cơ quan MACV họp bàn chuyện chấm dứt chương trình Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) một cách thứ tự, hiệu qủa.

        Quyết định chuyển giao các trại LLĐB (DSCD) cho quân đội VNCH. Sĩ quan LLĐB phải xếp đặt kế hoạch khuyến khích sắc dân thiểu số gia nhập quân đội VNCH. Các trại DSCD sẽ được chuyển giao cho Biệt Động Quân và trở thành các tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng.

        Các biến chuyển nhanh chóng, đến giữa tháng Tư, viên tư lệnh cơ quan MACV ra lệnh cho liên đoàn 5 LLĐB/HK cắt giảm quân số (các trại biên phòng bàn giao cho BĐQ), tái phối trí 400 quân nhân Mũ Xanh.

        Ngày 29 tháng Tư, 1970, một cuộc hành quân lớn đánh qua đất Cambodia (Sihanouk bị hạ bệ) truy lùng Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R, COSVN) theo lệnh của Tổng Thống Richard Nixon. Những khu vực “nóng” như Mỏ Vẹt bị quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh (VNCH) tấn công.

Ý định “tống cổ” quân đội Bắc Việt / VC ra khỏi Cambodia, Tổng Thống Nixon ra lệnh tấn công tiếp vào khu vực Lưỡi Câu ngày 1 tháng Năm 1970. Các toán biệt kích Lôi Hổ (SOG) đã xâm nhập vào trước, cung cấp tin tức nhiều tin tức về các hoạt động của địch, cũng như cho các phi vụ B-52 thả bom Arc Light.

        Vào cuối tháng Năm 1970, bộ Tổng Tham Mưu quân lực Hoa Kỳ ra lệnh quân nhân LLĐB/HK chỉ huy các toán biệt kích cũng như các đại đội Khai Thác không được xâm nhập qua đất Cambodia sau nửa đêm ngày 30 tháng Sáu năm 1970.

        Sau khi nhận được công điện, người Hoa Kỳ có một tháng để bàn giao nhiệm vụ lãnh đạo cho sĩ quan QLVNCH (Lôi Hổ) trong các chuyến hành quân xâm nhập vượt biên.

        Do việc chấm dứt chương trình Dân Sự Chiến Đấu (CIDG), binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt VNCH giải tán. Bắt đầu ngày 1 tháng Sáu năm 1970, các trại LLĐB bàn giao cho Biệt Động Quân trở thành các tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng. Một số quân nhân LLĐB/VN được Nha Kỹ Thuật thâu nhận để thành lập các đoàn (71, 72, và 75) cho sở Công Tác (SMS).

        Ngày 1 tháng Bẩy năm 1970, quân Mũ Xanh Hoa Kỳ không được hành quân xâm nhập vào Cambodia, các toán biệt kích Lôi hổ, hoàn toàn do sĩ quan Nha Kỹ Thuật đảm trách làm trưởng toán biệt kích.

        Trong tháng Bẩy 1970, Đại Tá John F. “Skip” Sadler là vị chỉ huy trưởng cuối cùng của đơn vị MACSOG. Trong năm 1970, mỗi toán biệt kích phải hành quân xâm nhập ba chuyến trong mỗi hai tháng. Tổng cộng đơn vị SOG tổ chức 145 chuyến hành quân mỗi tháng.

        Chương trình 35 chỉ thực hiện 48 chuyến hành quân “Nickel Steel” vào vùng phi quân sự, trong khi có 441 chuyến xâm nhập vào Lào và Cambodia. Kể từ 1 tháng Giêng cho đến 31 tháng Mười Hai năm 1970, ban MACSOG 20 (phòng Tình Báo) nhận diện và báo cáo 840 mục tiêu trên đất Lào và Cambodia.

Trong thời gian rút quân liên đoàn 5 LLĐB/HK về căn cứ Fort Bragg, North Carolina, cơ quan MACV ra lệnh thành lập một bộ phận tiếp tục yểm trợ các đơn vị LLĐB vẫn còn lại ở Việt Nam (cố vấn cho Nha Kỹ Thuật).

        Bộ phận này được gọi là “Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Huấn Luyện”. Các quân nhân thuộc liên đoàn 5 LLĐB/HK còn ở lại nằm trong ban Cố Vấn Sở Công Tác (SMAG). Câu chuyện ngụy tạo (vỏ bọc) cho nhóm quân nhân này do Phòng Kế Hoạch SOG-50 tạo nên.

        Bẩy tháng trước đó, các quân nhân LLĐB Hoa Kỳ trong sở Chỉ Huy Nam (CCS - Ban Mê Thuột) không được tham gia các chuyến hành quân vượt biên qua Cambodia.

        Trong tháng Giêng năm 1971, trong khi chờ đợi lệnh tương tự, không cho phép các quân nhân LLĐB/HK vượt biên sang Lào, sau ngày 8 tháng Hai 1971, 30 chuyến hành quân xâm nhập qua đất Lào do các toán biệt kích có các quân nhân LLĐB/HK làm trưởng toán, từ sở Chỉ Huy Bắc (CCN – Đà Nẵng) và sở Chỉ Huy Trung (CCC – Kontum) đảm trách khu vực dọc theo đường biên giới Việt-Miên.

        Cũng trong tháng Giêng, chỉ huy trưởng đơn vị SOG ra lệnh chương trình 80 (Trung Tâm Hỗn Hợp Thâu Hồi Nhân Mạng – JPRC) sửa sọan chương trình “Thâu Hồi Nhân Mạng” cho toàn vùng Đông Nam Á. Kêt qủa là một ban “Thâu Hồi Đặc Nhiệm 1-71 (JRTF-1-71) chuyên lo vấn đề thâu hồi nhân mạng (PR), “Thám Sát khu vực phi cơ rơi (CSI)”, tầm hoạt động nơi miền Bắc Việt Nam, Lào và Cambodia.

        Ngày 5 tháng Hai năm 1971, báo San Francisco Chronicle đang một bài viết bởi George McArthur, bàn về “đơn vị SOG”, “Đại Tá Lục Quân Sadler” và “Lào”.

        “Rồi thì, Có đơn vị SOG, không có quân Hoa Kỳ xâm nhập qua nước Lào”. Bài viết tiếp tục “… Có một mảnh đất trên nước Lào mang mật danh “Tiger Hound”. Xâm nhập vào khu vực này bị ngăn cấm đối với đơn vị Bộ Binh Hoa Kỳ, nhưng không cấm đối với nhóm ngoại lệ có tên là SOG (Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát). Dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Sadler, có bộ chỉ huy ở Saigon, và có chỗ đậu xe (dành riêng cho SOG). Trong bộ chỉ huy, đơn vị SOG tổ chức các chuyến xâm nhập vào nước Lào từ lâu và vẫn còn tiếp tục.”

        Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ trong Lầu Năm Góc, ngày 5 tháng Hai 1971, ra lệnh “Có hiệu lực, một phút sau nửa đêm, ngày 8 tháng Hai, quân nhân LLĐB Hoa Kỳ không được chỉ huy các toán biệt kích xâm nhập vào nước Lào để dò thám lấy tin tức tình báo.”

        Hai trường hợp ngoại lệ trong bức công điện, trong vấn đề quân nhân Hoa Kỳ trên đất Lào. Tại vị trí trạm tiếp vận truyền tin viễn thông Golf-5, được xây dựng trên đỉnh một ngọn núi nằm trong nước Lào, người Hoa Kỳ vẫn nắm quyền chỉ huy. Ngoại lệ thứ hai, chương trình MACSOG 80 “Thâu hồi nhân mạng (PR) và thám sát vị trí phi cơ rơi (CSI)” vẫn tiếp tục các cuộc tìm kiếm trên đất Lào và Cambodia. Các chuyến hành quân Nickel Steel do thám vùng phi quân sự vẫn do các toán biệt kích có quân LLĐB/HK làm trưởng toán (được chấp thuận).

Với lệnh” đứng ngoài” đối với các đơn vị Hoa Kỳ còn lại miền nam Việt Nam, bốn mươi (40) toán biệt kích do sĩ quan Nha Kỹ Thuật (Lôi Hổ) làm trưởng toán sẵn sàng hoạt động không có sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Với 40 toán biệt kích Việt Nam, 20 toán trong mỗi sở Chỉ Huy, quân biệt kích Lôi Hổ chuẩn bị xâm nhập vào Lào và Cambodia.

        Ngày 28 tháng Hai năm 1971, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ thành lập ban cố vấn sở Công Tác (SMAG) dưới quyền chỉ huy của Trung Tá David Cole. Ban này cũng là một bộ phận của MACV-SOG. Hôm đó (28/2/1971), doanh trại của liên đoàn 5 LLĐB/HK được bàn giao cho ban cố vấn SMAG, và họ bắt đầu chương trình huấn luyện cho sở Công Tác VNCH (SMS).

        Ngày hôm sau, 1 tháng Ba 1971, một chương quân sử được đánh dấu bằng sự kiện, liên đoàn 5 LLĐB/HK rời Việt Nam trở về căn cứ Fort Bragg, North Carolina.

        Ngày 4 tháng Ba 1971, phi hành đoàn C-123 “Heavy Hook”, C-130 “Combat Spear” được chấp thuận bay những chuyến thả dù tiếp tế trên đất Cambodia cho những toán biệt kích Lôi Hổ dò thám lấy tin tức tình báo trên đất Cambodia.

        Trong tháng Ba 1971, Các sở Chỉ Huy (SOG – Hoa Kỳ) được tái tổ chức nằm trong tổ chức của Nha Kỹ Thuật VNCH.

-       Sở Chỉ Huy Bắc (CCN) ở Đà Nẵng trở thành “Ban Cố Vấn 1 (TF1AE)”

-       Sở Chỉ Huy Trung (CCC) trên Kontum trở thành “Ban Cố Vấn 2 (TF2AE)”

-       Sở Chỉ Huy Nam (CCS) ở Ban Mê Thuột trở thành “Ban Cố Vấn 3 (TF3AE)”

        Các ban Cố Vấn, trên giấy tờ làm nhiệm vụ cố vấn cho Nha Kỹ Thuật VNCH, thực hiện các hoạt động nơi hậu phương địch.

        Mỗi ban Cố Vấn được chấp thuận có khoảng từ 20 đến 35 toán biệt kích Lôi Hổ VNCH trong các sở chỉ huy. Mỗi toán biệt kích có 12 người, được ba quân nhân Hoa Kỳ hoặc Việt Nam làm trưởng toán và chín biệt kích quân sắc dân thiểu số. Số người trong toán biệt kích tùy thuộc người trưởng toán biệt kích (tùy theo kinh nghiệm). Tiếp tục thay đổi theo chương trình giảm quân, các toán biệt kích do LLĐB/HK làm trưởng toán ở Ban Mê Thuột được di chuyển ra Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy điều hành ban cố vấn TF1AE.

        Ngày 28 tháng Ba 1971, phóng viên Jack Anderson viết bài cho báo San Francisco Chronicle tựa đề “Sự Thực, Giả Tưởng, và Lầu Năm Góc” viết vài câu chuyện về đơn vị SOG. Ông ta báo cáo:

        “Từ khi rút quân (Hoa Kỳ) ra khỏi Cambodia trong tháng Sáu vừa qua, phát ngôn viên vẫn chối cãi, quân Bộ Binh Hoa Kỳ không vượt biên qua Lào hay Cambodia. Sự thực cho thấy, các toán biệt kích MACSOG, gồm có quân nhân LLĐB/HK và Biệt Động Quân (thực ra là quân biệt kích) Việt Nam đã xâm nhập nhiều chuyến vào cả hai quốc gia (Lào Miên), chấm dứt vào tháng Mười Một. các chuyến xâm nhập bí mật có mật danh “Salem House” và “Prairie Fire”.

        Bài viết gây nên một luồng dư luận. Vài điện văn từ bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ (JCS) lưu ý về hai danh từ “Prairie Fire”, “Salem House”. Sau đó nhiều bài viết khác được đang tải trên báo chí, và JCS ra lệnh phải đặt tên Việt Nam thay cho “Prairie Fire” (Phù Dung) và “Salem House” (Thốt Nốt). Toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật STDAT-158 được trao trách nhiệm thay đổi mật danh sang tiếng Việt Nam, sau đó trình lên bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ cho chấp thuận.

        Ban cố vấn sở Công Tác (SMAG) tiếp tục việc huấn luyện cho một số quân nhân LLĐB/VN được tuyển sang đơn vị Nha Kỹ Thuật (thành lập ba đoàn công tác 71, 72, và 75), về nhiệm vụ của sở Công Tác, chiến tranh ngoại lệ trong trại Yên Thế  (Long Thành). (LLĐB/VN giải tán, chỉ có chương trình Delta cùng với tiểu đoàn tiếp ứng 91 hợp lại thành liên đoàn 81 Biệt Cách Dù được giữ lại bê rê xanh, quân phục LLĐB/VN).

        Quân đội VNCH mở một cuộc hành quân lớn “Lam Sơn 719” kéo dài từ tháng Giêng cho đến tháng Ba năm 1971, mục tiêu chính là Tchepone trên đất Lào, một giao điểm chính yếu trên đường mòn HCM. Đơn vị SOG / NKT cho các toán biệt kích xâm nhập vào nhiều khu vực có căn cứ điạ của quân đội Bắc Việt, nhằm thu hút sự chú ý của địch cho quân đội VNCH tấn công.

        Sau tháng Tư năm 1971, quân nhân LLĐB/HK bị chính thức cấm không được đi theo toán biệt kích xâm nhập vào nước Lào, trong các nhiệm vụ dò thám lấy tin tức tình báo, theo đạo luật mới “Cooper-Church Amendment” của quốc hội Hoa Kỳ. Điều này cũng làm cho ban Cố Vấn Đặc Nhiệm 3 trong sở Chỉ Huy Nam (Ban Mê Thuột) chấm dứt nhiệm vụ đối với các hoạt động xâm nhập vào đất Cambodia. Đến gần cuối năm 1971, hầu hết các cố vấn Hoa Kỳ trong đơn vị Người Nhái đã về nước.

        Vào ngày 31 tháng Mười Hai 1971, đơn vị SOG bắt đầu chương trình OPLAN 3-70, trợ giúp Nha Kỹ Thuật VNCH cải tiến, hiện đại hóa để đảm trách nhiệm vụ “chiến tranh ngoại lệ”. Trong đó, đơn vị SOG sẽ bàn giao các căn cứ, dụng vụ trang bị, vũ khí cho Nha Kỹ Thuật, chỉ giữ lại vai trò cố vấn.

        Qua suốt năm 1971, chương trình 32 (Không Trợ) thực hiện 282 phi vụ, chương trình 75 bay 276 phi vụ tác chiến trên đất Lào, Cambodia và nam Việt Nam. Phòng tình báo MACSOG 20 tìm ra thêm 870 mục tiêu (cho các toán biệt kích xâm nhập hoặc phi cơ oanh kích).

        Trong tháng Giêng 1972, chương trình “Viêt Nam hoá” vẫn được tiếp tục, Nha Kỹ Thuật thay thế nhiệm vụ cho đơn vị MACSOG. Ngày 7 tháng Giêng 1972, ban Cố Vấn NKT STDAT-158 trình lên cơ quan MACV để được chấp thuận, toán Cố Vấn gồm 170 người, chia ra: Hải Quân HK (2 người), Không Quân HK (2 người), Lục Quân (166 người). Mười lăm (15) quân nhân Lục Quân Hoa Kỳ được gửi lên đài tiếp vận truyền tin viễn thông “GOLF 5 / LEG HORN” nằm trên đất Lào.

        Ngày 15 tháng Giêng năm 1972, vấn đề không yểm trở nên khó khăn. Đúng nửa đêm, chương trình chuyển giao cho Nha Kỹ Thuật, bắt đầu từ ngày 26 tháng Mười 1971, được xem như hoàn tất. Từ tháng Hai 1972, tất cả mọi hoạt động của đơn vị SOG được thực hiện trên căn bản “cần thiết”.

        Ngày 28 tháng Ba 1972, chỉ huy trưởng sở Công Tác (SMS) VNCH ký giấy tờ nhận bàn giao căn cứ của toán Cố Vấn Hải Quân (NAD), căn cứ hành quân tiền phương trên núi Sơn Trà, và căn cứ Đá Đen (Black Rock).

        Phòng Tình Báo MACSOG 20, trong bốn tháng cuối cùng, nhận diện thêm 288 mục tiêu. Trong ngày cuối cùng tháng Ba năm 1972, đơn vị MACSOG đúc kết kế hoạch giải tán đơn vị. Căn cứ huấn luyện Yên Thế (Long Thành) cũng bàn giao cho sở Công Tác. Chương tình bàn giao tiếp tục, ngày 1 tháng Tư năm 1972, SOG bàn giao căn cứ cuối cùng cho Nha Kỹ Thuật, hoàn tất nhiệm vụ.

-       Trại Villa Rosa dành cho toán Cố Vấn Đặc Nhiệm 1 (TF1AE) ở Đà Nẵng chuyển giao cho sở Công Tác.

-       Toán Cố Vấn Đặc Nhiệm 2 (TF2AE) trên Kontum và toán Cố Vấn Đặc Nhiệm 3 (TF3AE) ở Ban Mê Thuột chuyển giao cho sở Liên Lạc.

        Trong những ngày còn lại của tháng Tư, trước khi thuyên chuyển các quân nhân Người Nhái SEALs, Hải Quân Trung Úy Thomas R. Norris, toán SEAL 1, chương trình MACSOG 31/37 làm việc cho chương trình “Thâu Hồi Nhân Mạng” trở nên quân nhân cuối cùng được ân thưởng huy chương Danh Dự (Medal of Honor). Đúng nửa đêm ngày 30 tháng Tư năm 1972, quân nhân, nhân viên, nhiệm vụ, và đơn vị MACV-SOG đi vào lịch sử. Kết thúc.

        Kể từ tháng Giêng năm 1964 cho đến cuối tháng Tư năm 1972, các khu vực hoạt động của đơn vị SOG rất rộng rãi, nguy hiểm, trải dài từ các tỉnh phiá nam Trung Cộng, xuống đến vùng đồng bằng miền nam Cambodia. Các bộ phận hoạt động của đơn vị SOG bao gồm, chương trình 31 và 34A, chương trình 33 và 34B, nhận lãnh khu vực hoạt động nơi hướng bắc (miền bắc Việt Nam). Chương trình 80 (thâu hồi nhân mạng) xử dụng căn cứ Hải Quân, trực thăng cùng các toán biệt kích chương trình 35, soạn thảo kế hoạch tìm kiếm, cấp cứu (phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi) nơi miền Bắc Việt Nam. Chương trình 35, 36 còn đóng góp những chuyến hành quân xâm nhập dò thám trên đất Lào và Cambodia.

        Trong tháng Sáu năm 1972, Tướng Frederick C. Weyand trở thành vị tư lệnh cuối cùng cơ quan MACV. Ngày 29 tháng Ba năm 1973, cơ quan MCV chấm dứt nhiệm vụ, giải tán.

Wuhan, China 24 November, 2016

Hubei University of Economics

School of Information Management

vđh

No comments:

Post a Comment