CHƯƠNG BẢY
KHOẢNG CÁCH LỚN:
SOG VÀ CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ CỦA MỸ
Ngày 13-6-1942, bất chấp sự phản đối của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, cơ quan tình báo chiến lược (OSS) được thành lập. Các vị tham mưu trưởng không tin là một tổ chức như OSS có thể đóng góp điều gì đó cho chiến tranh. Họ cũng ngán William Donovan, giám đốc của OSS người được ví như khẩu đại bác, và đã thuyết phục tổng thống Roosevelt giao cho quyền hạn lớn trong hoạt động lật đổ trong chiến tranh. Là một người hoạt động chính trị khôn khéo, Donovan là một nhà hoạt động bí mật và tin rằng các thủ đoạn lừa bịp có thể tạo ra sự khác biệt1. Quan niệm trên đặt Donovan vào thế đối đầu với giới lãnh đạo quân sự cấp cao. Theo họ, Donovan chỉ là một thường dân dám xâm phạm vào lĩnh vực của người khác và cổ vũ cho hoạt động quân sự theo kiểu không chính thống, mà dưới con mắt của họ, chỉ là một ý tưởng bốc đồng. Nhưng Donovan được Roosevelt lắng nghe và thuyết phục được tổng thống về tầm quan trọng của lực lượng biệt kích bí mật và các đơn vị du kích trong thời chiến. Trong lúc đó các tham mưu trưởng dùng mọi cách để ngăn cản OSS.
Để giành ủng hộ của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Donovan đưa ra lý luận là tất cả mọi hoạt động của OSS đều đặt dưới sự giám sát của giới lãnh đạo quân sự cao cấp. Đây là một động thái chiến thuật khôn khéo và có sức hấp dẫn đối với các tham mưu trưởng. Nếu không ngăn cản được hoạt động của OSS, ít nhất họ cũng muốn có biện pháp kiểm soát nào đó. Nhưng đề nghị của Donovan không đơn thuần chỉ là một thủ đoạn chính trị, ông thực sự tin vào điều đó.
Trong chiến tranh, OSS tiến hành mọi thủ đoạn có trong hoạt động ngầm - lật đổ, phá hoại, tập kích, chiến tranh tâm lý và hợp tác với các lực lượng du kích. Các công việc này được thực hiện dưới sự giám sát của quân đội và nhằm hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh chung. Điều này mang lại kết quả, OSS đóng góp phần quan trọng vào chiến thắng của đồng minh. Bây giờ nhìn lại, luận điểm của ông là không thể bác bỏ. Trong thời chiến, OSS hoặc SOG cần được gắn kết với chiến lược chiến tranh chung. Donovan coi đây là nguyên tắc cơ bản.
Trong chiến tranh Việt Nam, giới lãnh đạo quân sự Mỹ không đếm xỉa gì đến luận điểm trên của Donovan và thậm chí còn chưa từng biết đến luận điểm ấy. Lầu Năm Góc không coi chiến tranh bán quân sự của SOG là một bộ phận của chiến lược giành chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam. Theo ba sếp đầu tiên của SOG, nguyên tắc cơ bản của Donovan còn lạ lẫm đối với tướng Westmoreland và các tướng lĩnh khác đang chiến đấu với Việt Cộng và quân đội miền Bắc”.
Sếp của SOG, Blackburn hiểu rất rõ thái độ trên. Đối với Westmoreland và các tư lệnh dưới quyền, “SOG rất nhỏ bé, là một bộ phận không đáng kể của bức tranh chung”. Họ (Lầu Năm Góc và MACV) “quá thiên về chiến tranh thông thường và SOG không mấy quan trọng đối với họ”. Blackburn nói tiếp, “không chỉ có Westmoreland, mà còn Taylor, Harkin, những người trước Westmoreland rồi Abram... Họ không biết SOG có thể đóng góp được gì”. Rồi Blackburn dẫn chứng: “Tôi sống cùng khu với viên phó của Westmoreland một năm trời nhưng anh ta không bao giờ hỏi tôi một câu nào về hoạt động của SOG”. Hơn nữa Blackburn giận dữ cho rằng anh ta đã “ngăn cản việc thăng hàm. Mặc dù chính con người đó đề nghị tôi đến Việt Nam, nhưng khi tôi xuất hiện trong danh sách thăng hàm, anh ta bỏ phiếu chống lại tôi”2.
Blackburn cho rằng với lãnh đạo quân sự cao cấp không có cái nhìn chiến lược về chiến tranh như đối thủ của họ ở Hà Nội. Đối với Westmoreland, chiến tranh là cuộc chiến theo quy ước ở miền Nam. Đối với tướng Giáp, đó là một cuộc đấu tranh vũ trang, trong đó mọi biện pháp quân sự đều được sử dụng trong toàn Đông Dương. Theo Blackburn, Westmoreland “đến đó để chỉ huy các lực lượng thông thường ở Nam Việt Nam. SOG trực thuộc sự chỉ huy của MACV nhưng các điệp vụ của nó không thuộc thẩm quyền chỉ đạo của ông”3. Việc không phải chịu trách nhiệm này càng làm cho Westmoreland bỏ qua những gì SOG có thể đóng góp. Blackburn nhận xét rằng, quan điểm trên của Westmoreland được phản ánh trong thái độ không nhiệt tình thúc đẩy các hoạt động ở Lào, ngoài phạm vi hoạt động của các đơn vị quân đội Mỹ. “Tôi nghĩ ông ta cho rằng Lào không phải là vấn đề của mình... ông ta không để tâm đến Lào vì chẳng làm gì được ở đó cả... ông ta không được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề đó”4. Mối quan tâm của Westmoreland nằm ở “lực lượng Mỹ đông đảo ở Nam Việt Nam, và thường xuyên yêu cầu tăng cường thêm quân. Vì thế, tôi rất khó xin được sự yểm trợ cần thiết để đưa người chúng tôi sang Lào... đó là cuộc đấu tranh”5.
Kinh nghiệm chỉ huy SOG của Jack Singlauh cũng tương tự. Mặc dù có mối quan hệ công tác tuyệt vời với tướng Westmoreland và các tư lệnh dưới quyền, điều đó cũng không giúp mấy vào việc làm cho họ có hiểu biết thêm về khả năng của SOG. Jack Singlauh mô tả như sau: “Thiếu sự hiểu biết về khả năng mà lực lượng đặc biệt có thể trợ giúp cho hoạt động thông thường. Khi lực lượng thông thường đã được triển khai, người ta cho rằng, họ có thể hoàn thành mọi mục tiêu. Mọi người đều lạc quan: điều cần thiết là một vài tiểu đoàn Mỹ, sau đó chúng ta sẽ chộp được đuôi của đối phương. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy”6.
Singlauh là sếp của SOG khi tướng Creighton Abrams thay thế Westmoreland tháng 7-1968. So với người tiền nhiệm, Abrams có quan điểm còn nặng nề hơn về lực lượng đặc biệt và chiến tranh đặc biệt. Westmoreland tỏ ra khoan dung nhưng không đặt nhiều hy vọng vào SOG. Còn thái độ của Abrams thì khó có thể nói là khoan dung. Theo Singlauh, Abrams thực sự cho là “lực lượng đặc biệt đã lấy đi những nhân viên tốt nhất tập trung vào một nơi, tách rời họ khỏi đơn vị cũ”, và như vậy “làm suy yếu các đơn vị chủ lực”7.
Hơn nữa, nếu so với các đơn vị thông thường, SOG có thể làm được gì? Theo Abrams, câu trả lời là không đáng kể. Theo lời của Jack Singlaub, ông là “người phản đối lực lượng đặc biệt, chống đối hoạt động ngầm... Đối với ông, hoạt động ngầm chỉ là các vụ tập kích mà ông đã chỉ huy trong thế chiến thứ hai khi đơn vị đặc nhiệm của ông tấn công trại giam tù binh... Đó là hành động dũng cảm, nhưng ông cho rằng một đơn vị xe bọc thép cũng có thể thực hiện xuất sắc nhiệm vụ như vậy. Quan điểm này phản ánh cách Abrams nhìn nhận SOG”8.
Steve Cavanaugh chỉ huy SOG hai năm, sau khi Singlaub ra đi tháng 9-1968. Khi được hỏi trong thời gian chỉ huy SOG, ông có nhận thấy giới chỉ huy của MACV có hiểu biết gì về quan điểm của Donovan hay không, câu trả lời của Cavanaugh là không, lý do là “họ coi đó là cuộc chiến tranh thông thường... không đánh giá hết giá trị của hoạt động đặc biệt... Lực lượng đặc biệt không được coi trọng”9. Ông cho rằng “riêng về MACV, họ không thể coi nhẹ SOG hơn được nữa và “họ không phải là người ủng hộ tôi”10.
Blackburn, Singlauh và Cavanaugh đều cho thấy chững điều dường như trái với ưu tiên của tổng thống Kenedy khi giao cho quân đội hoạt động đặc biệt chống lại miền Bắc năm 1961. Tại sao SOG không nhận được hỗ trợ của lãnh đạo quân đội? Tại sao Lầu Năm Góc và MACV không gắn kết SOG vào chiến lược quân sự trong chiến tranh Việt Nam? Câu trả lời nằm ở thái độ của giới quân sự cao cấp đối với chiến tranh đặc biệt và cho thấy kể từ khi Donovan đề ra nguyên tắc cơ bản cho hoạt động này, thái độ đó không mấy thay đổi.
_______________________________________
1. Là một anh hùng trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Donovan nhận Huân chương Danh dự. Sau chiến tranh ông thành lập một hãng kinh doanh ở Wall-street và phát triển nó thành một doanh nghiệp đầy sức mạnh. Mặc dù việc kinh doanh giúp ông trở nên giàu có và đưa ông vào giới có ảnh hưởng lớn nhất, mối quan tâm chủ yếu của Donovan là vai trò của Mỹ trong thế giới ngày càng nguy hiểm của những năm 1930.
2, 3. Phỏng vấn lịch sử chuẩn tướng Donald Blackburn, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG , tr. 36-37, 38.
4, 5. Phỏng vấn lịch sử chuẩn tướng Donald Blackburn, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 37, 38-39.
6. Phỏng vấn lịch sử thiếu tướng John K. Singlauh, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 75.
7, 8. Phỏng vấn lịch sử thiếu tướng John K. Singlaub, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 75, 60.
9, 10. Phỏng vấn lịch sử đại tá Stephen E. Cavanaugh, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 114, 112.
LẦU NĂM GÓC PHẢN ĐỐI CÁCH NHÌN VỀ
CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA KENEDY
Thái độ miễn cưỡng của Lầu Năm Góc trong việc coi trọng giá trị có ý nghĩa của SOG là một phần của sự phản đối đối với chỉ thị xây dựng năng lực chiến tranh đặc biệt của Kenedy. Mệnh lệnh đó thách thức mọi thứ mà giới quân sự chính thống bảo vệ.
Lý do tồn tại của các quân binh chủng vũ trang Hoa Kỳ được hình thành trên kinh nghiệm của thế kỷ XX. Họ đã giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh thế giới và tiến hành thành công cuộc chiến tranh hạn chế ở Triều Tiên. Trong mỗi cuộc chiến tranh đó, lực lượng và chiến lược chiến tranh theo quy ước được sử dụng, và do vậy dần hình thành tư duy chiến tranh quy ước trong quân đội Hoa Kỳ. Sự phát triển công nghệ về khả năng cơ động và hoả lực đã củng cố thêm tư duy này.
Như Kenedy nhìn nhận, vấn đề là bản chất của chiến tranh đang thay đổi. Nếu quân đội Mỹ tiếp tục theo con đường thông thường thì họ sẽ rơi vào tình trạng được chuẩn bị kỹ cho cuộc chiến tranh ít có khả năng xảy ra nhất và, ngược lại ít được chuẩn bị cho cuộc xung đột dễ xảy ra và phải can dự nhất. Từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, John F. Kenedy đã rung hồi chuông cảnh báo trên. Mặc dù Lầu Năm Góc có thể đánh bại Liên Xô ở biên giới nước Đức, công việc thực sự của họ là chống các cuộc chiến tranh du kích ở thế giới thứ ba. Kenedy đã nói trước lớp sinh viên tốt nghiệp Westpoint năm 1962 như sau: “Đây là một loại chiến tranh khác, mới mẻ về cường độ, cổ xưa về nguồn gốc, cuộc chiến tranh của du kích, lật đổ, bạo loạn, ám sát; cuộc chiến tranh trong đó phục kích thay cho chiến đấu (trên chiến trường)... Nó đòi hỏi... một chiến lược... hoàn toàn mới, một lực lượng hoàn toàn mới, và vì vậy, một chương trình đào tạo hoàn toàn mới và khác biệt”1.
Đó là bức thông điệp không lọt tai giới quân sự chính thống. Kenedy không nhân nhượng, và tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng lực lượng đặc biệt để đối phó với thách thức lật đổ bạo loạn. Người em của tổng thống, Robert Kenedy, còn đi xa tới mức hỏi Maxwell Taylor: “Tại sao chúng ta lại không biến toàn bộ quân đội thành lực lượng đặc biệt?” - một quan điểm mà giới quân sự thấy đáng báo động và thiếu thận trọng2.
Chính quyền Kenedy tiến hành nhiều biện pháp để đưa các quân chủng và nhất là lục quân, vào việc xây dựng năng lực chống bạo loạn lật đổ. Tổng thống còn đi xa tới mức triệu tập cuộc họp với các tư lệnh chủ yếu của lục quân tại Phòng bầu dục. Được biết tổng thống đã phát biểu: “Tôi muốn các anh làm điều đó. Tôi biết lục quân sẽ không phát triển lĩnh vực chống bạo loạn và làm những việc mà tôi cho là cần phải làm trừ khi chính bản thân lục quân muốn làm điều đó”3.
Kenedy không thuyết phục được các tướng lĩnh. Sự chống đối chiến tranh đặc biệt là rất lớn. Bắt đầu từ Maxwell Taylor, người nghỉ công tác để trở thành đại diện quân sự đặc biệt của Kenedy. Năm 1962, Taylor trở lại giữ chức Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân. Taylor là người thiên về hoả lực và các hoạt động bằng lực lượng thông thường được trang bị đầy đủ. Ông cho rằng sự nhiệt tình của Nhà Trắng đối với chống bạo loạn “thực sự không cần thiết”4. Lực lượng thông thường với khả năng cơ động cao sẽ đủ sức đối phó với du kích quân. Người tiền nhiệm của Taylor, tướng Lyman Lemnitzer, cho rằng chính quyền Kenedy tuyên truyền “quá mức về chống bạo loạn. Tướng Earl Wheeler, tham mưu trưởng lục quân từ 1962-1964 và là người kế nhiệm của Taylor, cũng nhất trí như vậy5.
Các tướng lĩnh lục quân xiết chặt đội ngũ chống lại chiến tranh đặc biệt. Họ làm mọi thứ để vô hiệu hoá các ý tưởng của tổng thống. Tham mưu trưởng lục quân, tướng George Decker, tuyên bố năm 1962: “bất kỳ một người lính tốt nào cũng có thể đối phó với du kích”6. Với một chút huấn luyện thêm, lính bộ binh thông thường có thể hoàn thành nhiệm vụ chống bạo loạn. Đó không phải là những điều mà tổng thống muốn nghe và cho thấy hạn chế trong tư duy chính thống.
Lầu Năm Góc cũng có quan điểm tương tự về chiến tranh đặc biệt bí mật. Trong khi Kenedy chỉ thị cho quân đội tiếp nhận và mở rộng hoạt động của CIA chống lại miền Bắc năm 1963, Lầu Năm Góc tỏ ra không hăng hái gì về nhiệm vụ mới này. Tương tự như cánh ứng phó với OSS trước đây, nếu như không thể trốn tránh được, ít nhất, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân muốn có sự kiểm soát nào đó, nhất là sau thảm bại vịnh Con lợn.
Sau thất bại ở Cu Ba, Kenedy yêu cầu Taylor lãnh đạo cuộc điều tra để xác định nguyên nhân. Vào lúc bấy giờ, Taylor đang là Chủ tịch Trung tâm Lilcon về nghệ thuật ở thành phố New York. Ông tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chỉ huy, kiểm soát so với các vấn đề hoạt động. Sự phê phán nặng nề nhất của Taylor nhằm đúng vào Nhà Trắng: “sự chỉ đạo ở cấp cao nhất được đưa ra tại các cuộc họp của một nhóm nhỏ các quan chức cao cấp... mà không hề cân nhắc đến kế hoạch hành động bằng văn bản và không có gì ghi nhận lại kết luận và quyết định đạt được trong cuộc họp đó”7. Dường như Nhà Trắng chỉ đạo hoạt động Cu Ba như là kẻ nghiệp dư. Quá trình giám sát của chính quyền, theo Taylor, là “không đầy đủ để có thể xem xét đúng mức tất cả mọi tác động quân sự”8. Điểm cuối cùng này thật sự bất ngờ. Nó đặt ra câu hỏi liệu các chuyên gia quân sự - Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - có được tham gia tiến trình đó không? Tại sao họ không có vai trò trung tâm?
Các tham mưu trưởng vắng mặt bởi vì họ bị gạt ra ngoài quá trình vạch kế hoạch của CIA. Điều này được phản ánh trong báo cáo về chiến dịch Cu Ba do Lyman Kirkpatrick, tổng thanh tra CIA, hoàn thành năm 1962. Lyman phê phán mạnh mẽ hoạt động của CIA. Trong nội bộ CIA, báo cáo này được coi là đòn phá huỷ do người trong cuộc tạo ra. Trên thực tế, bản báo cáo có tính nhạy cảm đến mức giám đốc CIA cất nó vào tủ riêng của mình cho đến khi được giải mật năm 1998.
Theo Kirpatrick, “CIA bị cuốn quá nhiều vào hoạt động quân sự đến mức không còn khả năng đánh giá được cơ hội thành công trên thực tế”. Trong tương lai, CIA phải “điều hành hoạt động với chính sách được xác định rõ ràng, kế hoạch được vạch ra kỹ lưỡng và tham gia phối hợp đầy đủ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng khi thích hợp... Theo quan điểm của chúng tôi, các cơ quan đặc biệt có xu hướng nhận nhiệm vụ vượt quá năng lực của chính mình và không xem xét đầy đủ khả năng các cơ quan khác của chính phủ cùng thực hiện hoặc tham gia vào những hoạt động này”9.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân không cần Kirpatrick nói cho họ những gì đã biết. Họ bị đẩy vào tình thế khó khăn. CIA sử dụng nguồn lực của Lầu Năm Góc, kể cả binh sĩ, nhưng không tham khảo ý kiến của họ về chiến dịch Cu Ba.
Để ngăn ngừa việc tái diễn, các tham mưu trưởng muốn kiểm soát mọi sự dính líu của quân đội vào hoạt động ngầm trong tương lai. Tuy nhiên, muốn kiểm soát không đồng nghĩa với việc các tham mưu trưởng ủng hộ một chương trình hoạt động ngầm mạnh mẽ. Họ phản đối ngay từ ý tưởng và đánh giá thấp sự đóng góp của hoạt động ngầm. Điều này thể hiện rõ ràng trong cách Lầu Năm Góc tiếp nhận sự bàn giao hoạt động ngầm chống miền Bắc từ CIA.
Quyết định chuyển giao này khởi nguồn từ cuộc họp do tướng McNamara chủ trì tháng 7-1962 tại trại Smith ở Hawai. Với sự tham gia của đại diện Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, CIA và MACV, mục đích của cuộc họp là triển khai việc chuyển giao các chương trình bán quân sự mà CIA thực hiện ở Việt Nam sang Lầu Năm Góc. Dưới tác động của sự kiện vịnh Con lợn và chỉ thị 57 của Hội đồng an ninh quốc gia, rõ ràng là giới chức lãnh đạo dân sự muốn giao cho Bộ Quốc phòng vai trò lớn hơn trong các cuộc hoạt động “đen”.
Lầu Năm Góc đã cố thoái thác nhiệm vụ này vào mùa thu 1962. Viện cớ Nhà Trắng lại đang bận rộn với hoạt động ngầm, tân chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Maxwell Taylor đề nghị Uỷ ban 303 - cơ quan giám sát mọi hoạt động ngầm của Hội đổng an ninh quốc gia - rằng “cần đẩy mạnh việc mở rộng chương trình chống miền Bắc Việt Nam của CIA”. Tuy nhiên, ông không đề nghị việc leo thang này sẽ do quân đội thực hiện. Thay vào đó Taylor tham mưu: “cần chỉ đạo CIA xúc tiến nỗ lực ngầm có cường độ lớn hơn chống các mục tiêu ở Bắc Việt Nam”. Thậm chí Taylor còn chỉ ra những mục tiêu cụ thể. Đó là một trò khá trơ trẽn để đùn đẩy trách nhiệm. Nhà Trắng không nghe và “không chấp nhận kiến nghị đó”10.
Tháng 1-1963, Taylor cử một nhóm sĩ quan cao cấp do tham mưu trưởng Lục quân, tướng Earl Wheeler dẫn đầu sang Việt Nam thu thập thông tin làm căn cứ cho Hội đồng tham mưu trưởng đánh giá yêu cầu quân sự và bán quân sự ở Nam Việt Nam. Ngày 1-2, Wheeler đệ trình bản báo cáo. Taylor rất thích nội dung bản báo cáo và chỉ thị “báo cáo tổng thống”11.
Wheeler kêu gọi “mở rộng hoạt động tập kích và phá hoại chống rniền Bắc”. Kiến nghị này gãi đúng chỗ ngứa của Nhà Trắng nhưng tỏ ra mập mờ: “nỗ lực không theo quy tắc này cần được phối hợp với các hoạt động tình báo bí mật của CIA”12. Taylor và các tham mưu trưởng vẫn cố đùn đẩy nhiệm vụ.
Mọi việc bị níu kéo sang phần lớn năm 1963. Tháng 5-1963, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ thị Bộ tư lệnh Thái Bình Dương bắt đầu soạn thảo kế hoạch. Do vốn đã ủng hộ hoạt động tập kích vào các mục tiêu ven bờ miền Bắc, đô đốc Felt thực hiện rất nhanh chóng và gửi Kế hoạch 34A cho Taylor ngày 17-6.
Bản thảo kế hoạch này nằm ở văn phòng của Taylor ba tháng trước khi được ký gửi đi. Tại sao lại bị om lâu như vậy? Đô đốc Felt rất muốn thực hiện phần liên quan đến hải quân nêu trong kế hoạch nhưng không có ý kiến của Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân. Vì vậy, mùa hè qua đi mà không có động tĩnh gì. Taylor phê duyệt Kế hoạch 34A ngày 9-9 nhưng một lần nữa giữ lại bản kế hoạch để nghiên cứu thêm hai tháng rưỡi nữa mới trình lên Bộ trưởng Quốc phòng McNamara ngày 20-11. Tại sao Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân phải chờ lâu đến thế?
Có hai lý do. Lý do thứ nhất liên quan đến quan điểm của ông lúc bấy giờ là sáng kiến chiến tranh đặc biệt của Nhà Trắng là “không thật cần thiết”. Maxwell Taylor thuộc giới quân sự chính thống và tin ở phương pháp theo quy ước trong chiến tranh. Blackburn đã nói rất đúng: “không chỉ có Westmoreland, mà còn Maxwel Taylor... Harkins, Abrams... Họ đều thiên về chiến tranh quy ước”. Blackburn nói thêm: “Tôi cho rằng Taylor là một quân nhân xuất sắc”, nhưng băn khoăn khi nói đến Việt Nam và SOG: “Chẳng biết ông ta đóng góp được gì? Trong đầu ông ta có những gì?”13. Lý do thứ hai cho sự chậm trễ đó là Taylor muốn cố tránh trách nhiệm và sợ mang tiếng thất bại. Nếu không tiếp nhận hoạt động đặc biệt, quân đội sẽ không bị đổ lỗi khi có sai sót xảy ra như sự kiện Vịnh Con lợn.
Ngay cả khi Kế hoạch 34A được Nhà Trắng phê duyệt tháng 1-1964, giới lãnh đạo quân sự tiếp tục thể hiện sự ít quan tâm đến kế hoạch này. Điều đó đã làm giảm hiệu quả của SOG từ giai đoạn hình thành. Ví dụ, Hội đồng tham mưu trưởng không cử một sĩ quan cấp tướng chỉ huy SOG. Theo một tài liệu được giải mật về “Sự phát triển, tổ chức và hình thành” của SOG, các nhà soạn thảo kế hoạch 34A coi SOG “là Bộ tư lệnh hỗ trợ tương đương với một Bộ tư lệnh chiến trường và đặt dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh MACV tướng Westmoreland”14. Ở Việt Nam, MACV có bốn Bộ tư lệnh hỗ trợ hay lực lượng chiến trường mang ký hiệu vùng I, II, III và IV. Tư lệnh chiến trường có cấp hàm trung tướng và là người giúp Westmoreland chỉ đạo chiến tranh.
Nếu SOG có vai trò như một Bộ tư lệnh hỗ trợ của MACV, sếp của SOG phải được cả Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và tư lệnh MACV chấp nhận nhưng điều đó đã không xảy ra. Lầu Năm Góc không hề có ý định cử một sĩ quan cấp tướng đến chỉ huy một đơn vị như SOG. Để hoàn thành công việc, tư lệnh của SOG phải có khả năng giao thiệp với cấp cao và được chấp nhận là thành viên trong câu lạc bộ đó. Không thể phí phạm sĩ quan cấp tướng ở SOG. Vì vậy, chỉ huy trưởng của SOG thường rơi vào ví trí rất khó khăn. Với những khó khăn mà Blackburn gặp phải khi xin phép được tiến hành hoạt động chống đường mòn Hồ Chí Minh, rõ ràng ông không được coi là hội viên của câu lạc bộ chính thống.
Điệp vụ tại Lào không phải là ví dụ duy nhất về sự thiếu hỗ trợ của lãnh đạo Lầu Năm Góc dành cho SOG. Điều đó còn được thể hiện trong sự thua thiệt thường xuyên của SOG trong những lần đối đầu với Bộ Ngoại giao và CIA. Tại sao lại như vậy? Trước hết, hai vị Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân, Taylor và sau đó là Wheeler, không muốn có cuộc tranh cãi chính trị về các đề nghị của SOG vì họ còn có những vấn đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam quan trọng hơn. Đối với tham mưu trưởng liên quân, SOG nằm ở ngoài lề và không liên quan đến hoạt động chiến tranh chủ yếu. Nhà Trắng đã gán nó cho Lầu Năm Góc. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân bất đắc dĩ phải chấp nhận nhưng đó là tất cả những gì họ muốn làm. Quan niệm tương tự cũng tồn tại ở MACV, nơi tướng Westmoreland thấy SOG không mấy giá trị.
_____________________________________
1. “Tài liệu công khai của Tổng thống Hoa Kỳ, John. F. Kenedy” (Washington, DC: Nhà in Chính phủ, 1962). tr.453.
2, 3. Trích dẫn trong Krepinevich, “Lục quân và Việt Nam”, tr.35,31.
4, 5, 6. Trích dẫn trong Krepinevich, “Lục quân và Việt Nam”, tr. 37.
7, 8. Trích theo Ranelagh, “Cơ quan CIA”, tr. 379.
9. “Bản điều tra của Tổng thanh tra về hoạt động Cu Ba và các tài liệu kèm theo”, (Washington DC: Hồ sơ an ninh quốc gia, 1998), tr.143, 145- 146.
10, 11, 12. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 96, 96-97.
13. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Donald Blackburn, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 36.
14. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển , tr. 216.
TƯỚNG WESTMORELAND VÀ SOG
William C. Westmoreland mang đặc trưng của dòng Lục quân chính thống cả về kinh nghiệm công tác và quan điểm nghề nghiệp. Westmoreland nhập trường Westpoint năm 1932 và bốn năm sau tốt nghiệp với cấp hàm đại uý. Trong thế chiến thứ hai, Westmoreland công tác tại Bắc Phi trước khi trở thành tham mưu trưởng tiểu đoàn bộ binh số 9 và tham gia cuộc tấn công châu Âu năm 1944.
Ở Triều Tiên, đại tá Westmoreland chỉ huy trung đoàn bộ binh không vận 187. Kinh nghiệm công tác ở đây củng cố thêm sự tin tưởng của Westmoreland vào tính cơ động và hoả lực và coi đó là những phương tiện hữu hiệu nhất trong chiến tranh. Trong những năm 1950, Westmoreland chỉ huy trung đoàn không vận con cưng 101 và sau đó làm trưởng khoa tại trường Westpoint. Đầu những năm 1960, Westmoreland được cử đến chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh của lục quân, sư đoàn không vận số 18. Trung đoàn không vận số 101 và sư đoàn không vận 18 là sự biểu hiện cụ thể của lý luận của lục quân về hoả lực và hoạt động trên cơ sở lực lượng thông thường áp đảo. Những tiến bộ công nghệ chỉ củng cố và làm sâu sắc hơn quan điểm này của giới lục quân chính thống.
Năm 1964, khi Westmoreland với tư cách là tư lệnh của MACV bắt đầu vạch ra phương cách tiến hành chiến tranh Việt Nam, không lấy gì ngạc nhiên khi hoả lực và sự áp đảo là hai yếu tố cốt lõi trong chiến lược của ông. Westmoreland chỉ thị cho quân đội tiến hành hoạt động tìm và diệt ở khắp miền Nam nhằm tiêu diệt, làm bị thương hoặc bắt giữ một số lượng quân đội đối phương lớn hơn là số được thay thế.
SOG nằm ở vị trí nào trong kế hoạch chiến tranh của Westmoreland? Ông không tin SOG có thể làm được gì nhiều và vì vậy không mấy để ý đến SOG. Ông còn khẳng định lại quan điểm của mình khi được phỏng vấn cho cuốn sách này. Westmoreland nhớ lại là ông “biết khá rõ” về việc Washington đòi hỏi đẩy mạnh leo thang hoạt động ngầm chống miền Bắc Việt Nam. Nhưng ông nhận xét tại thời điểm đó làm như vậy không mang lại mấy lợi ích: “hoạt động ngầm không có mấy tác động sâu sắc. Nó là loại hành động cùng lắm cũng chỉ tạo ra sự khó chịu trong tư tưởng của đối phương. Nhưng nó quá nhỏ và trọng tâm lại quá hẹp. Những người tham gia công việc này cứ nghĩ là họ quan trọng và họ có thể chiến thắng trong chiến tranh. Họ hoàn toàn phóng đại về tầm quan trọng của họ”1.
Westmoreland không chỉ phê phán những người vạch kế hoạch và thực hiện hoạt động ngầm chống lại Hà Nội. Ông cho rằng: “những người xuất sắc và thông minh nhất” ở Nhà Trắng đã đặt niềm tin quá lớn và không đúng chỗ vào những gì mà hoạt động ngầm có thể mang lại. Cụ thể, Westmoreland nêu đích danh McNamara. “Tôi nghĩ điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi cho là ông ta đã đánh giá quá mức (về hoạt động ngầm)”. Các “giáo sư - những người được đưa vào chính quyền Kenedy” và giữ nguyên vị trí trong chính quyền Johnsons - cũng đánh giá quá cao như vậy2. Lời nhận xét này là nhằm vào Mac Bundy, nguyên hiệu trưởng trường đại học Harvard và Walt Rostow, nguyên giáo sư kinh tế của Học viện kỹ nghệ Mattsachusetts, cả hai đều cổ vũ cho hoạt động ngầm. Nhưng Westmoreland có cái nhìn khác hẳn. “Tôi nghĩ, tầm quan trọng (của hoạt động ngầm) đã được phóng đại trong đầu óc của rất nhiều người ở Washington vào lúc đó”3.
Thế còn SOG thì sao? Ít nhất nó cũng đã cung cấp những tin tình báo quý giá về hoạt động của đối phương trên đường mòn Hồ Chí Minh - những thông tin không thể thu được từ các nguồn khác như chụp ảnh trên không và đột nhập vào mạng lưới thông tin của miền Bắc? Westmoreland phản đối và giảm bớt ý nghĩa của hoạt động thu tin tình báo của SOG bằng câu khen nhạt nhẽo: “À, nó có ích ở chỗ họ có thể tập hợp các nhóm lực lượng đặc biệt rồi đưa họ đến nơi có thể quan sát đường mòn Hồ Chí Minh. Họ có thể nhìn thấy những người vận chuyển hành quân dọc theo con đường... nhưng không biết đang vận chuyển gì... Ý tôi muốn nói là kế hoạch đó rất nghiêm túc và có cung cấp cho chúng tôi một số tin tình báo. Nhưng giá trị tình báo không lớn, không giúp cho việc giành thắng lợi hoặc thất bại trong chiến tranh”4.
Westmoreland cũng có nhận xét tương tự về các hoạt động khác mà SOG tiến hành chống con đường mòn. Nhiệm vụ chính của SOG là xâm nhập các toán thám báo nhỏ vào Lào tìm kiếm bộ đội, đoàn xe, căn cứ, kho trạm, bãi đỗ xe, kho vũ khí, hầm chỉ huy của đối phương và các mục tiêu khác cho các vụ không kích chiến thuật. cựu tư lệnh của MACV đánh giá tác động của những hoạt động này lên đối phương chỉ là “sự khó chịu” mà thôi. SOG làm nổ cầu, đúng thế, nhưng “đối phương dịch xuống phía hạ lưu một hoặc hai dặm và sử dụng cầu mới... vì vậy nếu đặt vào trong bối cảnh chung thì nó chỉ gây ra sự khó chịu5.
Thế còn các hoạt động ngầm ở miền Bắc thì sao? Westmoreland đáp thẳng thừng “về cơ bản đó là sự phí phạm”. Ông cho rằng việc tung gián điệp, biệt kích ra miền Bắc là vô dụng và “rơi vào điều khiển của đối phương”6. Khi hỏi tại sao không chuyển trọng tâm sang việc tổ chức phong trào chống đối, như Russell, Blackburn và Singlauh đã đề nghị, vị cựu tư lệnh của MACV giải thích: “đó là quyết định từ Washington. Lyndon Johnson không phải là người ủng hộ mở rộng chiến tranh. Mà đề nghị đó được coi là hành động mở rộng chiến tranh”7.
Theo nhận xét của Westmoreland, giới chức vạch kế hoạch ở Washington được cảnh báo rằng việc tạo ra tình trạng bất ổn ở Bắc Việt Nam có thể buộc Trung Quốc phải can thiệp. Họ không muốn có một Triều Tiên thứ hai. “Nếu chúng ta mở rộng chiến tranh... tới mức nào thì Trung Quốc mới can thiệp?”. Đó là một câu hỏi lớn đối với Nhà Trắng. Westmoreland tin rằng: “chúng ta chơi các con bài đến dưới mức để Trung Quốc dính líu vào cuộc chiến tranh”8.
Trong suy nghĩ của Westmoreland, SOG không có sự đóng góp chiến lược nào: “Xét từ giác độ quân sự, đó chỉ là màn phụ… sự đóng góp là, nhỏ nhoi”9. Thế có vai trò gì cho SOG không? Westmoreland không nghĩ vậy: “không, nếu bạn suy nghĩ ở tầm giành thắng lợi trong chiến tranh”10.
Westmoreland thừa nhận Washington đã áp đặt nhiều giới hạn trong hoạt động của SOG qua đó hạn chế những gì SOG có thể đóng góp. Giả sử như mọi chuyện khác đi, giả sử như ông có toàn quyền sử dụng SOG theo ý muốn, liệu sự đóng góp của SOG có lớn hơn không? Sau một hồi suy nghĩ, Westmoreland trả lời: “có thể, SOG có thể được sử dụng có hiệu quả hơn nhưng theo tỉ lệ khoảng 10%”. Westmoreland nhắc lại là SOG “không quan trọng lắm”. Ngừng một chút, Westmoreland thay đổi ý kiến “tôi đang nói đến khoảng gia tăng độ 5% (của sự đóng góp)”11.
Nếu được làm lại, liệu ông có gắn kết SOG vào chiến lược chiến tranh chung không? Westmoreland vẫn không dứt khoát “tối không nghĩ là nó có tác động gì lớn... lĩnh vực chiến tranh mà anh nói tới chỉ là màn phụ”12. Westmoreland nói thêm các hoạt động của SOG diễn ra ở miền Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia - đều ở ngoài địa bàn phụ trách của ông. Trong hệ thống chỉ huy, các địa bàn này do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương phụ trách. Westmoreland nhận xét: “Tôi không bao giờ coi đó là vấn đề... như nói rằng nó thuộc phạm vi trách nhiệm của tôi chứ không phải của họ, bởi vì kết luận chung là SOG không làm được điều gì ghê gớm. Tác động của nó là hoàn toàn ngẫu nhiên”13.
_________________________________________
1. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr. 1.
2, 3. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr. 1, 2, 3.
4, 5, 6, 7. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr. 3-4, 5, 10-11, 10.
8, 9, 10, 11, 12. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr.20,3,19,15-16,17.
13. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr. 16.
CHIẾN LUỢC CHIẾN TRUỜNG VÀ SOG
Lời nhận xét của Westmoreland về giới hạn địa lý của phạm vi ông phụ trách đã chỉ ra một lý do quan trọng khác làm cho SOG không được gắn kết vào chiến lược của MACV. Cách thức Washington giao nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Á hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc thống nhất. Hoa Kỳ không có chiến lược quân sự để giành thắng lợi trong chiến tranh Việt Nam. Nếu có, đó sẽ bao gồm nhiều chiến dịch được phối hợp với nhau nhằm vào từng bộ phận của chiến trường trong đó Hà Nội tiến hành các hoạt động chiến tranh.
Các chiến dịch phải nhằm vào mục tiêu hay mục đích chiến lược và phải có sự gắn bó hữu cơ giữa chiến dịch và mục tiêu quân sự. Chiến lược đề ra trọng tâm cho chiến dịch và, ngược lại, mọi chiến dịch phải hướng tới mục đích chiến lược. Điều đó cho thấy có mối quan hệ qua lại giữa chính sách, do giới lãnh đạo dân sự vạch ra, và chiến lược quân sự và chiến dịch hoạt động, lĩnh vực của giới quân sự. Chính sách đặt ra mục tiêu mà chiến lược cần đạt tới. Chiến dịch chỉ có ý nghĩa khi được gắn kết vào chiến lược.
Chiến lược tiến hành chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ không theo một phương hướng nào ở trên. Trái lại, luôn có sự không hài hoà và thiếu phối hợp thống nhất. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do không có sự thống nhất về phạm vi chiến trường. Tướng Westmoreland chỉ là tư lệnh mọi lực lượng trên chiến trường miền Nam. Ông không có quyền hạn gì ở bên ngoài biên giới. Trong phạm vi chiến trường do mình phụ trách, Westmoreland vạch chiến lược tiến hành chiến tranh chống quân đội Bắc Việt Nam và Việt Cộng. Mặc dù chủ trương hoạt động phải được Washington và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thông qua, về cơ bản ông là người quyết định cách thức tiến hành chiến tranh trên bộ. Trong Lầu Năm Góc, các chủ trương của Westmoreland thường được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chấp nhận vì về bản chất đó là cách tiếp cận của trường phái chính thống. Còn Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, đứng đầu là một đô đốc hải quân, thường ít can thiệp. Liệu một vị đô đốc thì biết gì về việc chiến đấu trên mặt đất?
Về mặt kỹ thuật, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương có trách nhiệm quân sự về toàn bộ chiến trường Đông Nam Á. Tuy nhiên trên thực tế, trách nhiệm chủ yếu của ông là chỉ huy các đơn vị không quân và hải quân Hoa Kỳ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở Nam Việt Nam, Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia.
Đô đốc Grant Sharp và Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương từ 1964 -1972, John McCain xin ý kiến Washington về mọi hoạt động ném bom. Mặc dù cũng phải làm tương tự, tư lệnh của MACV có khả năng linh hoạt hơn trong việc hình thành chủ trương hoạt động so với Grant và McCain, ít nhất là cho đến khi tình hình trở nên tồi tệ năm 1968. Các chiến dịch ném bom do Bộ tư lệnh Thái Bình Dương bị Washington kiểm tra gắt gao hơn so với chiến dịch trên bộ. Một phần là do chiến tranh trên không dễ hiểu và hình dung hơn. Gần như mọi buổi sáng, tại văn phòng của Bộ trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng đều treo một sơ đồ cỡ lớn cho thấy những mục tiêu bị tấn công đêm hôm trước và mục tiêu dự kiến sẽ không kích vào ngày hôm sau. Không có cách tương tự để thể hiện hàng chục cuộc đụng độ trên bộ xảy ra ở miền Nam trong cùng thời gian đó. Khía cạnh này của chiến tranh được kiểm soát chặt chẽ nhất bởi vì các chiến dịch không kích được thu gọn và dễ hiểu như một cuốn truyện tranh.
Ở Lào và Campuchia, Sharp và McCain phải tính đến vai trò của vị đại sứ đầy quyền lực. Để kiềm chế Lầu Năm Góc và CIA ở nước ngoài, tổng thống Kenedy đã có những bước đi tăng cường quyền lực cho các vị đại sứ của mình nhằm đảm bảo họ hoàn toàn phụ trách mọi hoạt động của Mỹ ở nước sở tại. Vì vậy, trong khi Lào có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược tiến hành chiến tranh của miền Bắc, đó là vùng cấm đối với MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Muốn làm gì ở đó đều phải qua đại sứ Sulivan. Ở Campuchia cũng tương tự: đại sứ Mỹ đầu tiên là Leonard Urger năm 1964 là một người đầy quyền lực trong việc cho phép các hoạt động quân sự công khai hoặc bí mật được tiến hành ở đó.
Tuy nhiên, trên đây không phải là những yếu tố duy nhất hạn chế việc sử dụng công cụ ngầm chống Hà Nội của giới lãnh đạo quân sự. Ngoại trừ đô đốc Felt, tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Thái Bình Dương trong thời kỳ 6 tháng đầu của SOG, không có chứng cứ gì cho thấy giới lãnh đạo quân sự ở Honolulu quan tâm nhiều đến hoạt động ngầm. Trong trường hợp của Felt, sự quan tâm của ông giới hạn trong các hoạt động ngầm trên biển chống phá miền Bắc. Vào lúc bấy giờ, đó là một trong số ít sự lựa chọn sẵn có cho tư lệnh chiến trường. Khi sự dính líu của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam lên đến đỉnh cao vào năm 1965, đô đốc Sharp người thay thế Felt không để ý đến hoạt động của SOG. Giờ đây, Việt Nam là cuộc chiến tranh theo kiểu Mỹ với lực lượng lớn và chiến lược theo quy ước. Hoạt động ngầm không còn hấp dẫn đối với giới lãnh đạo hải quân cao cấp và Sharp là dẫn chứng của quan điểm này. Tốt nghiệp học viện hải quân 1927, ông chỉ huy một tàu khu trục trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, con đường dẫn ông đến vị trí đô đốc bốn sao là công tác trong lực lượng hải quân chính thống.
Thái độ của Sharp đối với SOG được phản ánh trong nhận xét của William Murray, sĩ quan hành động của Phòng hoạt động đặc biệt thuộc Văn phòng trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt (SACSA). Murray chịu trách nhiệm đệ trình các yêu cầu điệp vụ trên biển của SOG lên với lãnh đạo dân sự và quân sự ở Washington sau khi đã có ý kiến của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Murray từng công tác với Sharp trước đó và biết ông rất rõ. Khi đô đốc đến Washington, họ thường gặp nhau vào bữa tối, và thảo luận về kế hoạch 34A và SOG. Từ những cuộc trao đổi này, Murray có được sự hiểu biết về quan điểm của Sharp về chiến tranh bí mật chống Hà Nội.
Murray nhớ lại, Sharp rất lo ngại về hoạt động đó vì nếu hoạt động của SOG phạm sai lầm và bị lật tẩy thì “ông ta sẽ bị phê phán”. Hoạt động ngầm có thể gây phiền toái, Murray nhớ lại “Sharp cảm thấy SOG được thả lỏng tự do. Tình trạng đó đã kéo dài và Sharp muốn đưa SOG vào trong vòng kiềm toả” khi được hỏi vị tư lệnh Thái Bình Dương có bao giờ nhắc đến sự đóng góp của SOG trong các bữa ăn tối không? Murray trả lời ngay không ngần ngừ: “không, tôi không nghĩ như vậy. Ít nhất là ông không bao giờ nói với tôi”1. Các tài liệu giải mật cũng cho thấy đô đốc Sharp không làm gì để thúc đẩy sáng kiến tăng cường hoạt động ngầm chống lại miền Bắc hoặc sử dụng nó theo cách có hiệu quả hơn. Murray cho biết rõ là Sharp không quan tâm và không muốn tiêu phí vốn liếng vào SOG2 .
Nói tóm lại, SOG không chỉ là người không được hoan nghênh trong giới lãnh đạo quân sự chính thống của MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, mà còn là đứa con mồ côi của hệ thống chỉ huy vì thái độ thờ ơ của lãnh đạo cấp cao. Không một viên tướng hoặc đô đốc ở chiến trường muốn có SOG vì họ thấy hoạt động đó ít có giá trị - “một kiểu màn phụ”. Các tướng lĩnh quan tâm đến SOG ít nhất nếu có thể được. Chính sự lãnh đạm này đã làm cho hoạt động của SOG không được hoà nhập vào chiến lược chiến tranh quân sự của Hoa Kỳ.
_____________________________________
1, 2. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr.1-2, 36.
BÊN TRONG LẦU NĂM GÓC: CUỘC CHIẾN ĐỂ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG NGẦM
Người ủng hộ nhiệt tình nhất chiến tranh đặc biệt của Tổng thống Kennedy ở Lầu Năm Góc là chuẩn tướng Edward Lansdale. Lansdale đã gây ấu tượng cho Kenedy từ những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống khi báo cáo trước Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28-1-1961. Từ nội dung trình bày, John F.Kenedy cảm nhận rõ ràng là viên tướng không quân khác người này có hiểu biết sâu sắc về Việt Nam và chiến tranh đặc biệt. Sau đó, theo Lansdale, Kenedy nói rằng: “Tôi muốn anh sang đó (Nam việt Nam) làm đại sứ”1.
Các nhà ngoại sao chuyên nghiệp tại Bộ Ngoại giao lặng đi vì sửng sốt và quyết liệt phản đối việc cử Lansdale làm đại sứ ở Nam Việt Nam. Chỉ riêng việc ông là quân nhân đã đủ tệ rồi, nhưng Lansdale còn là nhân viên CIA ở Phillipines và Nam Việt Nam; tệ hơn nữa là những thành tích của ông khi còn ở CIA đã được viết thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất nước Mỹ có tên: “Người Mỹ xấu xí”2. Bên trong Bộ Ngoại giao, tất cả những yếu tố này củng cố cho nhận định là Lansdale không phù hợp với cương vị đại sứ ở bất kỳ nước nào chứ không riêng gì vị trí rất nhậy cảm như Sài Gòn. Các nhân viên chuyên nghiệp gây sức ép để ngăn cản việc bổ nhiệm và cuối cùng thuyết phục được Ngoại trưởng Rusk nói với tổng thống rằng nếu Lansdale được bổ nhiệm làm đại sứ, “tổng thống sẽ phải tự tìm vị Bộ trưởng Ngoại giao mới”3. Điều này đặt dấu chấm hết cho triển vọng ngoại giao của Lansdale.
Sau đó, Kenedy cho đô đốc Arleigh Burke ở Hội đồng tham mưu trưởng liên quân biết ông muốn cử Lansdale sang Việt Nam làm tham mưu trưởng nhóm cố vấn viện trợ quân sự Hoa Kỳ. Để đủ tiêu chuẩn cho chức vụ này, Lansdale phải được thăng cấp hàm từ tướng một sao lên tướng ba sao. Ý kiến này cũng không được thực hiện. Các tham mưu trưởng liên quân coi Lansdale đứng ngoài giới quân sự chính thống, mang đầy ý tưởng khó hiểu về chiến tranh đặc biệt và niềm tin vào chiến tranh tâm lý vốn bị giới quân sự coi là mất thời gian. Việc phong Lansdale từ chuẩn tướng lên trung tướng không thể đặt ra.
Lansdale làm các tham mưu trưởng lo ngại. Những ý tưởng về chiến tranh đặc biệt của ông phản ánh quan điểm của Nhà Trắng và ông đã giành được sự tin tưởng của Kenedy. Hơn nữa, Lansdale còn là người biết tận dụng sân khấu chính trị tại Washington. Lansdale nổi bật trong việc tuyên truyền ý tưởng của mình về Việt Nam và chiến tranh đặc biệt. Các tham mưu trưởng thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân lo sợ rằng sự ầm ỹ về biện pháp tiến hành chiến tranh mới có thể tuột ra ngoài tầm kiểm soát và quyết định làm cho Lansdale im lặng. Đô đốc Burke gửi một công văn cho Lansdale nêu ra những câu hỏi về các bài phát biểu và tuyên bố của Lansdale về Việt Nam. Bức thông điệp là rất rõ ràng, Lansdale được nhắc nhở phải giữ mồm miệng4.
Giành lợi thế so với Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.
Mặc dù Lansdale là người không được giới lãnh đạo quân sự cấp cao ở Lầu Năm Góc hoan nghênh, ông nhận được sự ủng hộ từ phía nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng trong đó có thứ trưởng Rosewell Gilpatric. Trong công thư ngày 24-2-1961 gửi Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân, tướng Lemnitzer, Gilpatrick chỉ thị: chuẩn tướng Lansdale được giao nhiệm vụ thành lập và lãnh đạo Văn phòng trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng (OATSD). Trên cương vị này, Lansdale phụ trách các vấn đề của ủy ban 5412; hoạt động quân sự đặc biệt được Bộ trưởng Quốc phòng phê duyệt, và quan hệ với CIA trong những vấn đề Bộ trưởng Quốc phòng quan tâm”5.
Trên thực tế, Lansdale sẽ là sĩ quan điều hành sự dính líu của quân đội vào hoạt động ngầm của McNamara. Cấp trên trực tiếp của Lansdale, thứ trưởng quốc phòng Gilpatric, là đại diện của McNamara tại Uỷ ban 5412 (sau này đổi tên thành Uỷ ban 303) - cơ quan giám sát mọi chương trình hoạt động ngầm của Mỹ. Điều này đã đặt Lansdale vào trung tâm của cuộc chơi.
Một tuần sau, Gilpatrre tìm cách củng cố vị trí của Lansdale: ông thông báo cho Lemnitzer rằng: “Tướng Lansdale, với tư cách là ATSD (trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng) sẽ hỗ trợ tham mưu cho mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của Uỷ ban 5412”.
Với cương vị này, tướng Lansdale sẽ “chuẩn bị những vấn đề cần phải thảo luận và giám sát các hoạt động tiếp theo sau khi đã có quyết định”6. Gilpatric chỉ đạo Lemnitzer cử “sĩ quan cấp tướng và thấp hơn từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân sang làm cố vấn và hỗ trợ tướng Lansdale trong việc thi hành công vụ”7.
Các diễn biến trên không được Hỏi đồng tham mưu trưởng liên quân tiếp nhận một cách vui vẻ. Ngay sau đó một cuộc đấu căng thẳng để giành quyền kiểm soát hoạt động ngầm diễn ra. Lansdale nổ phát súng đầu tiên bằng việc gửi công văn cho giám đốc văn phòng Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trung tướng Earl Wheeler, trong đó mô tả “những biện pháp hiệu quả nhất để có được sự hỗ trợ của Hội đồng đối với nhiệm vụ (của Lansdale)”. Với Lansdale, làm việc dưới sự chỉ đạo của Gilpatric và trên đó là Bộ trưởng McNamara, giọng điệu của công văn là rõ ràng - Wheeler và Văn phòng hội đồng phải làm việc cho Lansdale. Bản công văn viết: “một nhóm nhỏ được thành lập trong Văn phòng hội đồng dưới sự chỉ đạo của thiếu tướng David Ray, trưởng phòng hoạt động bổ trợ. Các thành viên của nhóm, trong khi vẫn chịu trách nhiệm trước cấp trên, sẽ làm việc trực tiếp và đầy đủ với văn phòng của tướng Lansdale”8. Đó là trò chơi quyền lực không úp mở của Lansdale.
Lansdale không phải là người duy nhất ra đòn nặng tay. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, tướng Lemnitzer, trong bản phúc trình số 14 gửi Bộ trưởng McNamara giải thích lại những gì Lansdale cho là chỉ thị của Galpatric. “Hội đồng tham mưu trưởng, mong muốn và hoàn toàn khả thi, nhận trách nhiệm xử lý các yêu cầu của CIA về những hỗ trợ trong thời bình đối với các hoạt động ngầm nêu trong công văn của tướng Lansdale”9. Hay nói một cách khác, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân sẽ không làm việc cho Lansdale. Hội đồng tham mưu trưởng sẽ trực tiếp tham mưu cho giới lãnh đạo dân sự của Lầu Năm Góc về mọi vấn đề liên quan đến sự tham gia của quân đội trong hoạt động ngầm.
Lansdale trả lời bằng công văn ngày 27-3 trong đó nêu cụ thể cách thức Hội đồng tham mưu trưởng cung cấp “hỗ trợ cho ông để thực hiện nhiệm vụ trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng”. Để làm điều đó, “một thành tố nhỏ trong văn phòng của Hội đồng tham mưu trưởng được thành lập để cung cấp sự hỗ trợ này. Bộ phận hoạt động đặc biệt đó phải nhanh chóng đáp ứng yêu cầu có liên quan đến trách nhiệm của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về hoạt động đặc biệt và những hoạt động mà Bộ trưởng Quốc phòng quan tâm”10.
Hội đồng tham mưu trưởng tăng tiền đặt cọc vào ván bài vào cuối tháng Bảy. Đưa Lansdale về đúng chỗ chỉ là một trong hai lý do dẫn đến lo ngại đang gia tăng của họ. Lý do thứ hai là sự kiện vịnh Con lợn. Các tham mưu trưởng rất bực tức về việc họ bị CIA gạt ra ngoài tiến trình vạch kế hoạch và quyết tâm không để tình trạng đó tái diễn. Hơn nữa, họ không muốn để Lansdale chịu trách nhiệm về mọi sự tham gia của quân đội vào chiến tranh bí mật đặc biệt, kể cả “quan hệ với CIA mà Bộ trưởng Quốc phòng đặc biệt quan tâm”11. Nếu không, các vị tham mưu trưởng chỉ còn biết tưởng tượng ra những gì mà Ed Lansdale và CIA soạn thảo đằng sau lưng mình.
Trong tờ trình ngày 29-7, gửi Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Giám đốc CIA McCone, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân tuyên bố thành lập “một phòng hành động đặc biệt thuộc Cục 5 của Hội đồng tham mưu trưởng”12. Người phụ trách phòng này được thông báo về mọi hành động có liên quan tới quân đội mà Uỷ ban 5412 đang xem xét các tham mưu trưởng cho rằng bước đi này sẽ đưa họ trở lại tiến trình vạch kế hoạch, đẩy Lansdale về dưới sự kiểm soát của Hội đồng, đồng thời chấm đứt sự tự do hành động của Lansdale.
Ngày 7-8, McNamara cho ý kiến hoàn toàn khác: “Rõ ràng là có sự hiểu nhầm về vai trò của Phòng hành động đặc biệt trong việc hỗ trợ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng”.
McNamara không chấp thuận ý kiến của Hội đồng tham mưu trưởng về việc thông báo đầy đủ cho Trưởng phòng hoạt động đặc biệt mà Hội đồng tham mưu trưởng mới thành lập về mọi hành động đang được Uỷ ban 5412 xem xét. Hơn nữa, Bộ trưởng Quốc phòng không cần phải thông báo cho Hội đồng tham mưu trưởng thông qua Cục 5 về mọi vấn đề hoạt động ngầm mà Bộ trưởng Quốc phòng đang cân nhắc13. Như vậy, một lần nữa, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân bị gạt ra rìa.
Ngày 12-9-1961, tiếp theo ý kiến của McNamara, Lansdale gửi một công văn nữa cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân xát thêm muối vào vết thương còn chưa lành. Lansdale tuyên bố: “Mọi vấn đề liên quan tới sự hỗ trợ trong hoà bình của Bộ Quốc phòng cho hoạt động của CIA sẽ do Văn phòng của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trực tiếp giám sát”. Văn phòng của Lansđale sẽ quyết định việc Hội đồng tham mưu trưởng có được tham gia thảo luận về hoạt động ngầm cụ thể hay không “tuỳ thuộc vào bản chất của yêu cầu từ CIA”. Cuối cùng Lansdale yêu cầu “phải có biện pháp sửa đổi hoặc thu gọn những hướng dẫn thực hiện mà Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã ban hành cho phù hợp với ý kiến trên”14.
Trên thực tế, Lansdale muốn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân công khai vứt bỏ bản phúc trình ngày 29-7 lên McNamara và tuân thủ theo hướng dẫn nêu trong công văn tháng Chín của Lansdale. Khi năm 1961 dần kết thúc, Lansdale đang ở thế thượng phong.
_______________________________________
1. Currey “Edward Lansdale: Một người Mỹ không trầm lặng”, tr. 227.
2. William Ledever và Engene Burdik, “Người Mỹ xấu xí”, (New Yook: Norton, 1958).
3. Currey “Edward Lansdale: “Một người Mỹ không trầm lặng, tr. 228.
4. Trích trong công văn, sách đã dẫn, tr. 229.
5, 6, 7. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7/1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 49.
8, 9, 10, 11, 12. (Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” ( tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 50, 51.
13, 14. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 50, 54-55.
Hội đồng tham mưu trưởng rút ruột Lansdale
Lansdale có thể chiến thắng ở hiệp một, nhưng Hội đồng tham mưu trưởng chưa đầu hàng vì có quá nhiều quyền lợi sát sườn với họ. Họ lường trước việc cơn sốt chiến tranh đặc biệt từ Nhà Trắng lây lan vượt ra khỏi sự kiểm soát nếu họ không giám sát các hoạt động đó. Tuy nhiên ở thời điểm này, mặc dù sức ép chống lại Kenedy là rất lớn, các tham mưu trưởng có hành động chậm rãi. Họ giống như những kẻ phá ngang và John F. Kenedy đã cho họ biết thái độ không hài lòng của mình về sự chậm chạp của họ. Trong một công thư gửi McNamara, tổng thống tuyên bố ông “không hài lòng về Bộ Quốc phòng nhất là Lục quân vì, không dành sự chú ý và nỗ lực cần thiết cho mối đe doạ nổi loạn và chiến tranh du kích”1.
Đồng thời, chỉ thị 57 của Hội đồng an ninh quốc gia tác động mạnh mẽ đến Lầu Năm Góc. Bản chỉ thị quy định cụ thể “mọi hoạt động bán quân sự có quy mô lớn, bí mật một phần hoặc hoàn toàn, đòi hỏi phải có một số lượng đáng kể nhân viên được đào tạo về quân sự và vũ khí quân sự” sẽ là “trách nhiệm chủ yếu của Bộ Quốc phòng với CIA giữ vai trò hỗ trợ”2. Cho đến khi Kenedy nhận chức, Lầu Năm Góc đã tránh mọi dính líu có quy mô lớn vào hoạt động ngầm. Thảm bại vịnh Con lợn và chỉ thị 57 làm đảo lộn tất cả. Chiến lược thoái thác và lẩn tránh không còn tác dụng nữa. Khi năm 1962 bắt đầu, Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động nêu trong chỉ thị 57. Các tham mưu trưởng ghét cay ghét đắng điều này. Lansdale ở ngoài vòng kiểm soát và các nỗ lực tự tung tự tác của Lansdale đã chứng tỏ điều đó. Theo đánh giá của các tham mưu trưởng, Lansdale là một sự sai lạc lập dị. Tồi tệ hơn, các nhà vạch chính sách lại đang nghe anh ta. Để làm suy yếu xu thế phát triển này, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân sử dụng chiến lược mới: hợp tác để lôi kéo.
Các tham mưu trưởng phản ứng bằng cách lập ra một bộ máy tổ chức nhằm tạo ra ấn tượng Lầu Năm Góc có thái độ nghiêm túc đối với chiến tranh đặc biệt, đồng thời đảm bảo các hoạt động đó được đặt dưới sự giám sát của tướng lĩnh quân đội. Trong một động thái khôn ngoan, “Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân chỉ thị thành lập Văn phòng trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt - SACSA từ ngày 23-2-1962. Toàn bộ nhân viên và chức năng của Phòng hành động đặc biệt thuộc Cục 5 được chuyển cho SACSA”3.
Điều khôi hài là SACSA, như tên viết tắt được dùng tại Lầu Năm Góc, cuối cùng lại giữ vai trò hỗ trợ cho SOG ở cấp Washington. Mặc dù lý do để tạo ra SACSA là nhằm làm chậm chứ không phải ủng hộ hoặc thúc đẩy chính sách chiến tranh đặc biệt của chính quyền Kenedy.
Cơ quan mới này có hai nhiệm vụ: Ngăn ngừa các hoạt động tương tự như chiến dịch Cu Ba của CIA và làm suy yếu vai trò của Lansdale như là chuyên gia hàng đầu của Lầu Năm Góc về chống bạo loạn và chiến tranh không quy ước. Để lãnh đạo cơ quan mới, với sự phê chuẩn của Nhà Trắng, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã chọn thiếu tướng thuỷ quân lục chiến Victor Krulak. Sau này, Krulak trở thành “người thông thạo việc hành chính nhất của quân đội” và “một nhân vật có tầm quan trọng to lớn trong cuộc tranh cãi thường xuyên về Việt Nam”4. Nhìn lại giai đoạn 1962 - 1964, người ta chỉ còn biết thán phục sự tham gia của vị tướng hai sao này vào chính sách Việt Nam ở cấp cao. Vai trò của ông vượt xa phạm vi của một viên thiếu tướng và minh chứng cho sự nhạy bén chính trị của Krulak.
Vào thời điểm đó, Krulak có quan điểm theo trường phái chính thống về Việt Nam và không phải là người cổ động cho chiến tranh đặc biệt mà Lansdale đang thúc đẩy. Từ 1962 - 1964, Krulak liên minh với chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Maxwell Taylor và người được Taylor che chở ở Nam Việt Nam, tướng Harkin tư lệnh MACV. Trong cuốn “Những người xuất sắc và thông minh nhất”, David Halberstam viết rằng “những gì mà ông ta (Krulak) đã làm chính là việc giữ vai trò là người đưa tin giữa Sài Gòn và Lầu Năm Góc và đại diện cho quân đội trong các cuộc họp liên ngành, tại đó nhiệm vụ đặc biệt của ông là xoá bỏ mọi thái độ bi quan về chiến tranh”5. Bức thông điệp của Harkin, đồng thời cũng là của Taylor, là Hoa Kỳ đang giành thắng lợi trong chiến tranh. Krulak bảo vệ lập trường này trong các cuộc chiến tranh luận với các cơ quan khác về Việt Nam.
Krulak còn leo lên vị trí là người thân cận của chính quyền Kenedy bằng cách sử dụng con bài đã từng chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ hai với Kenedy. Sau khi tái giới thiệu mình với Tổng thống, Krulak có quan hệ bạn bè với em trai tổng thống Bob Kenedy và cố vấn quân sự của họ, tướng Maxwell Taylor. Krulak còn giành được tín nhiệm của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, người hay nhắc đến quan hệ đặc biệt của Krulak với tổng thống.
Vì những lý do này, Krulak được chọn là trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt. Việc lựa chọn này không dựa trên quá trình công tác và kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh đặc biệt mà Krulak chưa hề trải qua. Là SACSA, Krulak là người giữ cổng mà Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cần đến. Trong lĩnh vực chống bạo loạn, ông bác bỏ sự chỉ trích của các sĩ quan Mỹ trên chiến trường, những người ủng hộ việc sử dụng giải pháp chống bạo loạn cho cuộc chiến tranh. Thay vào đó, Krulak đi theo chính sách của Taylor và Harkin năm 1962 rằng Hoa Kỳ đang thành công vì đã tuân theo các biện pháp chiến tranh thông thường6.
Krulak bất đồng mạnh mẽ với Lansdale về hành động đặc biệt và hoạt động ngầm và đóng vai trò chủ yếu trong việc xoá bỏ Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cũng như việc nghỉ hưu sớm của Lansdale, người làm cho tổng thống Kenedy nhớ lại hình ảnh của nhân vật Jame Bone trong tiểu thuyết của Ian Fleming. Tuy nhiên cần ghi nhận rằng chính Lansdale cũng góp phần vào việc tự huỷ hoại mình. Cách Lansdale khăng khăng buộc Hội đồng tham mưu trưởng phục tùng ý chí của mình là một ví dụ. Dần dần McNamara, Gilpatric và những người khác coi Lansdale là người thích được chú ý, một con sói đơn độc, và là người tự huyễn hoặc mình. Quan điểm của Lansdale, vốn trái với chính sách của chính quyền, cũng góp phần vào kết cục cuối cùng của ông.
Vì vậy, ảnh hưởng của Lansdale đối với chính sách Việt Nam giảm đi trông thấy. Một trong những sai lầm lớn nhất của Lansdale là cãi cọ với Macxwell Taylor. Vào mùa thu 1961, Lansdale được cử tham gia một đoàn tìm hiểu thực tế tại Nam Việt Nam do Taylor, cố vấn quân sự của tổng thống làm trưởng đoàn. Taylor coi đó là chuyến thăm của mình, còn Lansdale cho rằng mình đã quay trở lại với giới vạch chính sách về Việt Nam. Tại cuộc họp chuẩn bị cho chuyến đi 13-10, Lansdale nhận được một lời nhắc nhở thô lỗ.
Tại cuộc họp, Lansdale đưa cho Taylor một danh sách những người Việt Nam, trong đó có tổng thống Diệm, mà Lansdale có quan hệ cá nhân và dự định qua họ để tìm hiểu những gì đang diễn ra. Taylor không đồng ý và cho biết mọi hoạt động của Lansdale ở Nam Việt Nam sẽ bị kiểm soát và không được phép gặp người bạn cũ - tổng thống Diệm. Ngược lại, Lansdale được giao nhiệm vụ xem xét khả năng lập một hàng rào điện tử dọc biên giới Nam Việt Nam để ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương, một ý tưởng mà Lansdale coi là ngu xuẩn.
Lansdale trình bày với Taylor rằng mình có thể phục vụ cho nhiệm vụ chung của đoàn tốt nhất bằng việc gặp gỡ với Diệm và một số người Việt Nam có ảnh hưởng khác mà ông biết từ chuyến thăm trước. Taylor phớt lờ. Khi đến Sài Gòn, Lansdale được thư ký riêng của Diệm lặng lẽ đưa đến dinh tổng thống dự cơm tối. Trong thời gian còn lại của chuyến thăm, Lansdale tiếp xúc với rất nhiều người trong bản danh sách đã đưa cho Taylor và bỏ mặc vấn đề hàng rào điện tử. Đó là kiểu hoạt động của con sói đơn độc mang đậm dấu ấn tính cách của Lansdale.
Những việc làm trên đến tai Taylor, người sau đó lại khoác lên mình bộ quân phục và giữ chức Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân, và đó là tất cả những gì Taylor cần biết. Trong Lầu Năm Góc, Taylor giữ vai trò chính trong việc chuyển Lansdale ra khỏi mảng chính sách Việt Nam và chuyển sang lĩnh vực hoạt động tại Cu Ba. Tại đây con người sắc sảo về hoạt động ngầm của Lầu Năm Góc được giao chỉ đạo “Chiến dịch Mongoose” - mật danh được Bob Kenedy đặt cho các hoạt động tiếp tục lật đổ Fidel Castro. Mongoose chiếm mất rất nhiều thời gian của Lansdale trong khi quyền hạn của SACSA liên tục mở rộng sang nhiều khía cạnh của chiến tranh đặc biệt mà trước đó được giao cho văn phòng của ông. Dĩ nhiên là Lầu Năm Góc rất vui sướng.
Ví dụ, chính SACSA và Krulak là người tham gia vào việc soạn thảo Kế hoạch 34A dẫn đến việc hình thành SOG chứ không phải Lansdale. Hồi tưởng lại sự thất sủng của Lansdale, Krulak phác hoạ bức tranh về sự suy giảm uy tín của Lansdale trong chính quyền Kenedy: “Một số người đánh giá cao anh ta, số khác lại có ý kiến ngược lại. Anh ta giỏi lợi dụng những người đánh giá cao mình. Tôi không được biết McNamara cảm nhận về Lansdale như thế nào. Nếu cho tôi phỏng đoán, thì tôi nghĩ ông ấy trở nên nghi ngờ”. Krulak nhận xét: “đúng là trong thời gian đầu, Lansdale giành được tín nhiệm của chính quyền nhưng tín nhiệm đó không kéo dài. Tôi không nghĩ là giám đốc CIA tin tưởng vào Lansdale. Tôi nghe ông ta nói như vậy ở trên sân gôn”7.
Trong chuyến thăm tháng 5-1963 đến nhiều nước Mỹ Latinh, Lansdale bị giáng cú đòn cuối cùng. Lầu Năm Góc đã ra quyết định để ông nghỉ hưu. Lansdale chưa bao giờ nghĩ đến điều này và trước đó cũng không đề xuất xin nghỉ. Vào thời điểm quay về Mỹ ngày 1-6-1963, Lansdale không còn là một quân nhân nữa. Ngày 31-10, Lansdale được gọi trở lại làm việc tạm thời để kết thúc các công việc còn dang dở8.
Giới quân sự chính thống đã loại ra ngoài một trong những người có hiểu biết nhất về hoạt động đặc biệt với một thái độ cực kỳ ác cảm. Kể từ đó, SACSA chủ trì mọi công việc của văn phòng Lansdale. Trong công thư gửi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân 30-9-1963, Thứ trưởng Quốc phòng Gilpatric, một thời ủng hộ Lansdale, chính thức giao mọi nhiệm vụ của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cho SACSA. Đặc biệt là SACSA sẽ “chịu trách nhiệm tham mưu cho việc vạch kế hoạch và chỉ đạo ở cấp Washington về các hoạt động đặc biệt mà Bộ Quốc phòng tham gia”. Ngoài ra, SACSA còn là người “Cung cấp trợ giúp tham mưu... trực tiếp cho Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về các trách nhiệm của họ trong Uỷ ban 5412”9. Các tướng lĩnh đã thua một hoặc hai hiệp, nhưng cuối cùng đã hạ đo ván Lansdale.
_____________________________________
1. Trích theo Krepinevich, trong “Lục quân và Việt Nam”, tr. 31.
2. Các chỉ thị của Tổng thống về an ninh quốc gia từ Truman đến Clinton” NSDINDEX, hồ sơ số 185.
3. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG” (tháng 7-1970), phụ lục A, phần “Tóm tắt nghiên cứu tài liệu của MACV”, tr. 49.
4. Olson, “Từ điển về chiến tranh Việt Nam”, tr. 244.
5. Halberslam, “Những người xuất sắc và thông minh nhất”, tr. 276.
6. Có lẽ ví dụ tốt nhất về việc này là câu chuyện của John Paul Vann và kinh nghiệm của ông với Krulak. Xem Sheehan, “Lời nói dối tỏa sáng , quyển bốn.
7. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr.1, 2.
8. Currey, “Edward Lansdale: Người Mỹ không trầm lặng”, tr. 255.
9. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 56.
SACSA VÀ SOG
Khi Kế hoạch 34A đang được soạn thảo năm 1963, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân giao nhiệm vụ giám sát kế hoạch này cho SACSA và Krulak. Sau khi SOG được thành lập SACSA giám sát mọi hoạt động của SOG từ 1964 đến 1972. Nhân viên của SACSA đã phải chạy, theo đúng nghĩa đen của từ này, để đưa các đề nghị hoạt động của SOG qua các cấp chỉ huy đến tận Nhà Trắng. Theo ngôn ngữ của Lầu Năm Góc, thủ tục phê duyệt này được gọi là "ống khói lò sưởi". Các cấp trung gian hành chính thông thường bị bỏ qua để đảm bảo bí mật cho các hoạt động của SOG và sự kiểm soát chặt chẽ của giới chỉ huy quân sự.
Krulak trực tiếp tham gia vào những diễn biến này ngay từ ngày đầu và vào cuối năm 1963 tham gia cuộc họp của Uỷ ban 5412 quyết định phê chuẩn Kế hoạch 34A. Krulak nhớ lại "Boby Kenedy là người có cá tính mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn đến 34A. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng của Thứ trưởng Quốc phòng Gilpatric". Thế McGeorge Bundy thì sao? Krulak cho rằng Bundy có sự quan tâm "mạnh mẽ" đối với 34A và nói thêm một cách đầy ẩn ý là Bundy "không bao giờ để cho sự kém cỏi làm rối vấn đề"1. Như Krulak chỉ ra, quyết định leo thang chiến tranh bí mật chống Hà Nội khởi nguồn từ anh em Kenedy. Họ muốn làm suy yếu miền Bắc tương tự như cách Hà Nội đang thúc đẩy hoạt động du kích chống lại chính phủ Nam Việt Nam. Tổng thống Kenedy thể hiện quan điểm này tại cuộc họp của Hội đồng an ninh Quốc gia chỉ vài ngày sau khi bước vào Nhà Trắng. Krulak nhớ lại "Body cũng nói như vậy tại Uỷ ban 5412"2.
Khi hồi tưởng lại, Krulak phê phán sự say mê leo thang hoạt động ngầm chống Hà Nội của các nhà vạch chính sách cấp cao. Ông cho rằng họ không hiểu biết mấy về tác động có liên quan. "Càng xa rời thực tiễn bao nhiêu, họ càng nhiệt tình bấy nhiêu”, Krulak nhận xét và nói tiếp "Halberstam viết một cuốn sách trong đó những người mà chúng ta vừa nhắc đến được gọi là xuất sắc và thông minh nhất. Nhưng chẳng ai trong họ được như vậy"3.
Là người đầu tiên phụ trách SACSA, Krulak có nhiệm vụ thành lập tổ chức này. Vào thời điểm Kế hoạch 34A được hoàn chỉnh vào cuối 1963, SACSA có bốn phòng: kế hoạch, học thuyết và nguồn lực; chương trình và giám sát; kế hoạch đặc biệt; và hoạt động đặc biệt. Mặc dù có nhiều sự thay đổi về tổ chức, phòng hoạt động đặc biệt được giữ nguyên và đó là nơi chịu trách nhiệm về SOG.
Giám sát SOG
SACSA quản lý quá trình phê duyệt và thực hiện tất cả các đề xuất hoạt động của SOG. SACSA chỉ thông báo hoạt động của SOG cho một số ít quan chức dân sự và quân sự cao cấp ở Lầu Năm Góc. Theo lời của Krulak, "ý tưởng ở đây là chúng tôi chỉ cho một số ít người biết"4. Mô hình "ống khói lò sưởi" "không theo phong cách quản lý của quân đội nhưng đó là theo ý muốn của McNamara. Và Maxwell Taylor cũng muốn như vậy"5.
Tuân thủ theo yêu cầu này, số sĩ quan hành động của phòng hoạt động đặc biệt - SACSA - chính xác là 3 người, là những người duy nhất xử lý công việc hàng ngày của SOG. Các điệp vụ của SOG nhạy cảm đến mức họ phải.làm việc trong "hầm" kín tại tầng hầm của Lầu Năm Góc6. Họ phải ký vào bản tuyên thệ không được để lộ bất cứ một thông tin nào về những việc họ đang làm cho bất kỳ ai không cần biết về hoạt động đó.
Một sĩ quan lục quân công tác tại Phòng hoạt động đặc biệt mô tả môi trường làm việc như sau: "SACSA và nhất là Phòng hoạt động đặc biệt làm việc khép kín trong bộ phận. Bạn thật sự không biết những gì đang diễn ra ở buồng bên cạnh... Bạn chỉ biết những gì đang xảy ra trong phạm vi nhỏ bé của chính bạn. Và bộ phận chúng tôi có lẽ là bí mật nhất và khép kín hơn bất cứ ai ở SACSA"7. Đó là công việc của những bóng ma.
Trong hai năm 1964 - 1965, ba sĩ quan hành động là: chỉ huy trưởng William Murray, trung tá Harold Bentz và trung tá John Van Dyn. Công việc cho phép họ có mối quan hệ trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Wheeler, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara; Bộ trưởng Ngoại giao Dan Rusk; Cố vấn an ninh quốc gia Bundy và các viên phó của họ. Đối với sĩ quan có cấp hàm như các sĩ quan hành động, việc giao tiếp và báo cáo trực tiếp cho các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ là rất khác thường, đồng thời giúp họ có sự hiểu biết rộng rãi về một trong những sáng kiến chính sách bí mật nhất của chính quyền Johnson.
Bill Murray đến nhận nhiệm vụ tại SACSA tháng 6-1964 và trong suốt hai năm sau đó là trung tâm của mọi vấn đề liên quan tới SOG ở Washington. Murray chưa từng trải qua hoạt động ngẩm đặc biệt. Tất cả các công vụ Murray thực hiện đều ở trên tàu nổi. Tuy nhiên, trước đó, khi làm việc tại trung tâm nghiên cứu hải quân, Murray phụ trách "việc phát triển các thiết bị bơi ngầm dưới nước và các thiết bị điện tử sử dụng trong hoạt động ngầm"8. Có lẽ, điều đó đủ để Murray được chuyển tới SACSA.
Điều hành công việc của SOG là một vị trí đặc biệt đối với một sĩ quan hải quân. Murray nhớ lại “chúng tôi không liên quan gì tới Cục 1, 3, 5 Của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân nơi xem xét các đề nghị hoạt động thông thường. Chúng tôi không theo cách đó. Các hoạt động của SOG không bao giờ thông qua bất kỳ ai ở Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ngoài SACSA và từ đó trực tiếp đến văn phòng của Chủ tịch Hội đồng”. Từ đó, theo Murray các đề nghị hoạt động được đưa trực tiếp đến Bộ trưởng Quốc phòng McNamara9.
Các thủ tục của quá trình phê duyệt được Thứ trưởng Quốc phòng Cyrus Vance đề ra trong công thư ngày 30-9-1964 có sơ đồ kèm theo10. Sơ đồ này phản ánh trình tự phê duyệt cho các hoạt động ngầm trên biển nhưng dần được áp dụng cho cả bốn bộ phận nghiệp vụ của SOG (Sơ đồ 3, trang 284). Tuy nhiên, sơ đồ chưa hoàn toàn chính xác. Ví dụ CIA chỉ trở thành một phần của quá trình phê duyệt vào cuối 1965 khi SOG bắt đầu thực hiện điệp vụ chống đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào. CIA không tham gia vào tiến trình phê duyệt hoạt động của các bộ phận nghiệp vụ khác của SOG.
Không thể hiểu được sự vận hành của tiến trình phê duyệt này nếu chỉ nhìn vào sơ đồ và biểu bảng, mà cần phải qua con mắt của các sĩ quan hành động, những người quản trị các vấn đề của SOG. Bill Murray nhớ lại, mọi đề nghị cho phép thực hiện “cả gói” điệp vụ của SOG “thường đi qua một hệ thống mật mã riêng đến thẳng SACSA”. SACSA sẽ thể hiện đề nghị đó “theo mẫu thông thường của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và gửi cho một số lượng hạn chế các quan chức... tất cả công việc này được hoàn thành trong một thời gian ngắn khó tin nếu so với thủ tục thông thường của Hội đồng tham mưu trung liên quân”. Vì vậy, khi thiếu tướng Ronald Anthis, người thay thế Krulak ở SACSA, duyệt ký tờ trình do Phòng hoạt động soạn thảo, tờ trình đó được gửi trực tiếp lên Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Wheeler.
Sau khi xem xét tờ trình, Wheeler có thể ký duyệt ngay hoặc trao đổi với các tham mưu trưởng trước khi ký. Không rõ lý do tại sao Wheeler mặc dù có thể ký duyệt ngay nhưng lại chuyển cho các tham mưu trưởng xem xét.
Khi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ký duyệt, sĩ quan hành động của SACSA trực tiếp mang tờ trình lên cho Bộ trưởng Quốc phòng McNamara hoặc Thứ trưởng Quốc phòng Cyrus Vance. Trong năm 1964, phần lớn đề nghị của SOG được trình lên McNamara, và “thông thường ông ký duyệt ngay”11. Murray nhớ lại lúc bấy giờ McNamara còn hăng hái đối với SOG và không khi nào gây cản trở. Hồi tưởng những diễn biến của giai đoạn này, Murray cảm thấy McNamara cần kiềm chế hơn trong việc thúc đẩy hoạt động ngầm. Bản thân Murray cũng có nghi ngờ về SOG. “Những người được cử đến SOG lấy từ lực lượng đặc biệt nhìn chung là kỷ luật kém... họ là những người tin rằng chỉ cần một số ít đơn vị mũ nồi xanh là có thể chiếm đóng cả khu vực Đông Nam Á”. Murray thấy lạ lùng là “trong một thời gian dài, McNamara cũng tin vào điều này”12.
Cuối năm 1964, McNamara tỏ ra đã giảm bớt nhiệt tình đối với hoạt động ngầm và được thay thế bằng Vance trong quy trình phê duyệt - như thể hiện trong sơ đồ. Là đại diện của Bộ quốc phòng tại Uỷ ban 303 (Uỷ ban 5412 trước đây) Vance phải xử lý các vấn đề liên quan tới SOG ở đó. Vance có nhiệt tình đối với hoạt động ngầm chống lại miền Bắc như sếp của mình không? Murray không nghĩ như vậy: “không, Vance thường khó chịu về hoạt động đó... họ có làm được không? Có an toàn không? Chúng ta có đưa họ về được không? Điều gì xảy ra nếu họ bị bắt? Ông ấy rất lo lắng về sự an toàn về con người”13. Tuy nhiên, Vance ít khi ngăn cản đề nghị của SOG.
Sau khi có sự phê duyệt của Lầu Năm Gốc, chặng dừng chân thứ hai của sĩ quan hành động năm 1964 là Nhà Trắng chứ không phải CIA. Ngay sau khi McNamara hoặc Vance ký vào tờ trình, Murray “lên xe chờ sẵn ở cửa ra vào và đi qua sông Potomac sang Bộ Ngoại giao” và trình bản đề nghị lên cho Ngoại trưởng Rusk. Ông nhớ lại một lần “khi Ngoại trưởng Rusk đang rời văn phòng đến dự một hoạt động chính thức, tôi đuổi theo ông ta dọc hành lang. Tầm quan trọng của các điệp vụ này được thể hiện qua sự thật là Rusk dừng lại, xem xét những gì tôi mang theo và chúng tôi cùng vào một nơi thuận tiện để Rusk đọc và ký duyệt”14.
Khi Rusk đã bổ sung thêm chữ ký của mình, Murray quay lại xe tô vì chặng dừng chân tiếp theo là văn phòng của McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia. Nói chung Murray trực tiếp trình đề nghị cho Bundy, sau đó Bundy thường hỏi một vài câu đơn giản, đọc bản đề nghị và ký duyệt”. Tuy nhiên, mọi việc đến đây chưa hẳn đã xong. Trong nhiều trường hợp, Bundy nói với Murray hoặc sĩ quan hành động khác: “Anh hãy quay về văn phòng và khi lấy được ý kiến phê duyệt ở tầng trên, tôi sẽ gọi anh. Những chữ ký này chưa đủ để cho phép hành động cho đến khi nhận được điện thoại của tôi, điện thoại của tôi anh nghe rõ chưa?”15.
Murray quay về văn phòng và chờ tiếng chuông điện thoại. Khi được hỏi Bundy có đưa các đề nghị của SOG ra trong cuộc họp của Uỷ ban 303 hay không, Murray trả lời: “ồ không, bản đề nghị được trình lên cho tổng thống Johnson xem xét”16. Với những gì đã biết về sự quản lý vi mô cuộc chiến tranh của Johnson, việc tổng thống đích thân phê duyệt đề nghị của SOG là điều dễ hiểu. Chỉ đến khi đó, sĩ quan hành động “đưa bức điện đến trung tâm thông tin và điện khẩn sang cho SOG”17.
Việc quản lý vi mô còn được thể hiện trong tờ trình của Micheal Forrestal, nhân viên hội đồng an ninh quốc gia lên Ngoại trưởng Rusk ngày 8-8-1964 về việc nối lại hoạt động theo Kế hoạch 34A sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ... Trong tờ trình, Forrestal đề cập đến việc phê chuẩn hai điệp vụ cụ thể - việc tấn công vào trạm ra đa Vĩnh Sơn và một vụ tập kích ban đêm. Forrestal giải thích: hai điệp vụ chiến thuật nhỏ này đã được người đứng đầu cơ quan hành pháp phê duyệt “tôi cùng với Cyrus Vance và McBundy đã kiểm tra. Cả hai cho tôi biết hai điệp vụ này đã được Nhà Trắng phê duyệt vào ngày chủ nhật trước, ngày 2-8”.
_______________________________________
1, 2. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr. 3, 19.
3, 4, 5. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr. 10,11,14,18.
6. Bản nhận xét đại úy William Murray đưa cho tác giả trong khi phỏng vấn tại nhà riêng (13-10-1967).
7. Phỏng vấn trung tá Harold Bentz qua điện thoại (16-10-1997), tr.3.
8, 12, 14, 15, 17. Bản nhận xét của đại úy William Murray.
9. Phỏng vấn đại úy Murray, tr.7.
10. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 280-281.
11. Phỏng vấn đại úy William Murray.
13. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr.10, 26.
16. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr. 17
Qua con mắt của sĩ quan hành động
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thành lập SACSA để làm nhiệm vụ kiểm tra chặt chẽ những người tham gia vào các hoạt động ngầm do Lầu Năm Góc bảo trợ. Đó là chủ trương của giới lãnh đạo quân đội, đại tá Albert Brownfield, phó chỉ huy SACSA trong hai năm từ 1964 đã cho biết như vậy.
Trong nhiệm kỳ của mình, Brownfield thường xuyên tiếp xúc với tướng Wheeler, vị Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng này muốn có sự kiểm soát và theo Brownfield, “chúng tôi ngày nào cũng có mặt tại văn phòng Chủ tịch... ông ấy muốn biết những gì đang diễn ra... tôi có thể nói rằng khoảng 70% thời gian ở đó là báo cáo về những gì đã xảy ra và xem xét hoạt động của SOG... Nếu có điều gì mới mà trước đó chưa thực hiện, ông ấy muốn sớm có quyết định”. Brownfield không nhớ Wheeler có chuyển đề nghị hành động của SOG cho các tham mưu trưởng không. “Tôi không nhớ có trường hợp nào ông ấy yêu cầu có thêm thời gian để có thể trao đổi với ai đó. Tôi cho rằng Hội đồng tham mưu trưởng đã uỷ quyền cho ông toàn quyền xem xét hoạt động của SOG”1.
Trong khi Hội đồng tham mưu trưởng liên quân muốn SACSA là người giám sát, đối với rất nhiều người công tác tại phòng hoạt động đặc biệt của SACSA, SOG trở thành sự say mê nghề nghiệp. Ba sếp sau Krulak, thiếu tướng Anthis, William Peers, và Wilham Depuy đều ủng hộ hoạt động của SOG. Đối với Peers đây là sự kế tiếp kinh nghiệm từ thời OSS. Peers đã từng tổ chức người thiểu số ở Miến Điện thành một lực lượng du kích lớn làm đau đầu quân Nhật. Murray khái quát Peers là “một trong những nhân viên hoạt động xịn... Peers nắm vững những gì có thể làm được”2.
Mùa xuân 1967, Depuy thay thế Peers. Trước khi nhận công việc mới, Depuy chỉ huy trung đoàn bộ binh số 1 ở Việt Nam. Đầu những năm 1960, Depuy là giám đốc chiến tranh đặc biệt tại Văn phòng Phó tham mưu trưởng lục quân về hoạt động và kế hoạch. Đầu tiên, Depuy ủng hộ SOG nhưng sau đó, theo một sĩ quan hành động dưới quyền, “ông ấy thay đổi, quay ra chống lại SOG”3.
Depuy có quan hệ đặc biệt với Wheeler và tự gọi mình là “Trợ lý cho Chủ tịch hội đồng về Việt Nam”4 với “trách nhiệm rộng lớn hơn việc chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt”. Trong cuộc phỏng vấn 1988, Depuy nói “tôi trở thành trợ lý mọi việc (cho Wheeler). Ví dụ, khi Wheeler thực hiện chuyến thăm nổi tiếng sang Việt Nam ngay sau Mậu Thân, tôi là người duy nhất của Hội đồng tham mưu trưởng đi cùng ông”5. Wheeler chưa từng ủng hộ SOG và trong năm 1968 ông có thái độ chỉ trích SOG mạnh hơn. Thái độ của Depuy cũng góp phần vào sự thay đổi trên của Wheeler.
Trên thực tế, Anthis, Peers và Depuy (cho đến khi thay đổi thái độ năm 1968), biến đổi SACSA từ cơ quan giám sát sang cơ quan ủng hộ SOG ở trong Lầu Năm Góc. Đây chính là cách đại tá Brownfield, phó cho cả Anthis và Peers, nhận thấy vai trò của mình: “Chúng tôi tự coi mình là người cố gắng thúc đẩy bất kỳ điệp vụ gì mà SOG đề nghị giúp đỡ. Chúng tôi cố tháo gỡ vật ngáng đường”6.
Đại uý Buke Dunning, sĩ quan hành động và là trưởng phòng hoạt động của SACSA từ 1966 đến 1969, chia sẻ quan điểm với Brownfield. “Nếu là người giám sát thì chúng tôi không phải là người giám sát dữ dằn. Chúng tôi theo dõi mọi chương trình của SOG và đảm bảo chúng nằm trong thẩm quyền được phép... và không đi quá xa. Đồng thời, từ giác độ của sĩ quan hành động, phần lớn công việc của chúng tôi là hỗ trợ. Chúng tôi cố gắng bảo vệ SOG và các chương trình hoạt động vì chúng tôi tin vào chúng”7.
Mặc dù những sĩ quan hành động trở thành người ủng hộ SOG, họ không gặp thái độ hỗ trợ tương ứng của giới lãnh đạo Lầu Năm Góc. Thông qua kinh nghiệm và tiếp xúc trực tiếp, họ cho biết giới lãnh đạo quân đội duy trì hoạt động ngầm của SOG chủ yếu là do sức ép từ Nhà Trắng vì họ nghi ngờ về khả năng đóng góp của những hoạt động đó vào cuộc chiến tranh. Đó là tình hình mà trung tá Robert Rheault biết được không lâu sau khi đến SACSA tháng 7-1966. Sau đó, khi đến nhận nhiệm vụ chỉ huy nhóm lực lượng đặc biệt số 5 ở Việt Nam năm 1969, Rheault trực tiếp cảm nhận sự thù nghịch thực sự trong thái độ của các sĩ quan quân đội theo dòng chính thống đối với nhân viên đặc biệt. Rheault tốt nghiệp trường Westpoint năm 1946, sau đó rời bỏ dòng lục quân chính thống và chuyển sang lực lượng đặc biệt vào cuối năm 1950. Rheault nhanh chóng trở thành ngôi sao đang lên và dự kiến sẽ đưa lên cấp tướng. Khi đến công tác tại SACSA, Rheault được giao nhiệm vụ quan trọng: theo dõi hoạt động qua giới tuyến chống đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào. Rheault nhớ lại: “ở đó chức năng của tôi là làm việc trực tiếp với Peers và Depuy... tôi điều hành chiến dịch Shining Brass và tôi trực tiếp làm việc với họ... tôi tiếp nhận đề nghị hành động từ SOG... sau đó thông qua Peers và Depuy. Rồi tôi liên hệ với các binh chủng, thường là gặp ở cấp chuẩn tướng để họ đồng ý”8.
Lý do của sự thay đổi trong tiến trình phê duyệt này là các đề nghị của OP35 được trình xin “phê duyệt ở trong hầm”- phòng bảo mật của Lầu Năm Góc nơi các tham mưu trưởng trao đổi công việc. Theo Rheault, “thường thì một trung tá không được trực tiếp mang gì đến đó mà phải thông qua sĩ quan cao cấp hơn. Nhưng để đẩy nhanh việc xử lý đề nghị của OP35, tôi thường trực tiếp mang đề nghị tới hầm. Các tham mưu trưởng xem qua rất nhanh, hỏi một vài câu và sau đó cho ý kiến đồng ý”. Chủ tịch hội đồng cũng cho ý kiến nhất trí9.
Sau đó Rheault đưa đề nghị đến văn phòng của Vance. “Vance là người lịch lãm. Ông thường chấp thuận. Sau đó tôi mang đến cho Colby... ông ta là người tốt và không bao giờ bác bỏ đề nghị”. Xong tôi đến “Bộ Ngoại giao và đó là nơi hay gặp rắc rối”. Rheault nhận thấy các nhà địa chiến lược ở Bộ Ngoại giao hay phản bác đề nghị của SOG. “Đó là nơi tiến trình bị cắt ngang vì có sự bất đồng giữa Bộ Quốc phòng - nơi Thứ trưởng Vance và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã đồng ý - với Bộ Ngoại giao - người trả lời: không”. Nếu điều đó xảy ra, Rheault cho biết: “Chúng tôi phải quay về, báo cáo cho Peers và Depuy và sau đó là Hội đồng tham mưu trưởng để xem họ có cách gì không”10. Sự bất đồng này đôi khi biến thành cuộc cãi vã thật sự và Bộ Ngoại giao thường thắng nhiều hơn thua.
Trong các chuyến đi đến căn hầm, Rheault không nhận thấy bất kỳ sự nhiệt tình nào của các tham mưu trưởng đối với SOG. Khi được hỏi Hội đồng tham mưu trưởng liên quân có coi SOG là một phần giá trị của hoạt động chiến tranh không, Rheault trả lời: “Tôi nghĩ là không... những người thuộc giới quân sự chính thống đang ở vị trí kiểm soát ở Washington và họ phản đối lực lượng đặc biệt... Tôi nghĩ do có quan hệ đặc biệt với Wheeler, Depuy có thể tranh thủ được sự hỗ trợ cho các hoạt động không quy ước của SOG. Nhưng tôi không nghĩ rằng Hội đồng tham mưu trưởng, với tư cách là một nhóm người, tin tưởng vào khả năng tác động đến chiến tranh của SOG”. Thái độ của các tham mưu trưởng là “hãy để SOG hoạt động nhưng phải kiểm soát nó”.
Theo Rheault và các sĩ quan hành động khác, hoạt động duy nhất mà các tham mưu trưởng quan tâm là của OP35. Tại sao vậy? Theo Rheault “vì với tư cách là sĩ quan quân đội họ thấy được tầm quan trọng của việc có người đi tuần tra, thu thập thông tin và có thể tiến hành một số hoạt động ngăn chặn. Còn giới không quân sẽ vui hơn nếu có người chỉ điểm mục tiêu không kích chứ không phải thả bom xuống rừng rậm”. Tuy nhiên, ngay cả với hoạt động này, các tham mưu trưởng cũng muốn có sự kiểm soát chặt chẽ.”. Cách diễn ra trên thực tế là mỗi tham mưu trưởng giao cho một người xem xét từng đề nghị một cách kỹ lưỡng. Hay nói một cách khác, ở mọi quân chủng có một thiếu tướng cân nhắc đề nghị do tôi thảo ra trên cơ sở các thông tin từ SOG”11.
Sau hai năm ở SACSA, Rheault được phong lên đại tá và cử sang chỉ huy Nhóm lực lượng đặc biệt số một ở Okinawa. Nhiệm vụ tiếp theo là chỉ huy đơn vị đặc biệt quan trọng nhất lúc bấy giờ, Nhóm lực lượng đặc biệt số năm ở Nam Việt Nam. Tại đây, Rheault biết được tướng Abram thực sự nghĩ gì về nhân viên đặc biệt.
Một trong những hoạt động của Nhóm lực lượng đặc biệt số năm lúc đó là Đề án Gamma nhằm thu tin tình báo bí mật về quân đội miền Bắc và Việt Cộng ở Campuchia. Các toán điệp viên gồm những người địa phương được đưa qua biên giới. Đầu năm 1969, những người phụ trách Gamma nhận thấy một số lượng đáng kể các điệp vụ bị vô hiệu hoá và điệp viên không trở về. Chẳng phải mất nhiều thời gian lắm để suy ra là có gián điệp nằm trong đề án. Mùa xuân 1969, một số tài liệu tuyệt mật của đối phương thu giữ được cho thấy có một điệp viên như vậy. Thông tin này cộng với việc rà soát lại các hoạt động bị vô hiệu hoá đã giúp xác định được đối tượng đó. Anh ta bị bắt và đưa đi kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối.
Rheault phân vân chưa biết xử lý điệp viên đó như thế nào. Trung tâm CIA gợi ý nên thủ tiêu12. Đó cũng không phải ý kiến đặc biệt gì vì trong thời chiến, gián điệp thường bị bắn chết. Điệp viên đó bị bắn và ném xác xuống Vịnh Nha Trang. Một câu chuyện ngụy trang được dựng lên để giải thích cho sự biến mất của người đó. Tuy nhiên, khi biết chuyện, tướng Abrram rất giận dữ. Sự vụ này khẳng định thêm định kiến của ông về lực lượng đặc biệt là nhóm người bất cẩn. Ông ra lệnh bắt giữ Rheault và một số sĩ quan chỉ huy khác của Nhóm lực lượng đặc biệt số năm và sau khi kết thúc điều tra, buộc tội họ đã giết một công dân Việt Nam không xét xử. Sự kiện này xuất hiện trên trang nhất của các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ và thế giới vào lúc đó.
Và một sự trùng hợp ngẫu nhiên đặc biệt xảy ra. Ngày 25-8, một toán thám báo của OP35, vượt biên giới vào phía đông bắc Campuchia. Thật không may, họ gặp phải một đơn vị săn lùng của đối phương có sử dụng chó. Trong khi trốn chạy, toán thám báo này gặp hai sĩ quan quân đội miền Bắc thuộc đơn vị khác. Cả hai bị giết tại chỗ, trong đó có một sĩ quan cấp cao, có thể là đại tá mang theo xà cột da. Ngay sau khi chạy thoát về Việt Nam, số tài liệu thu giữ được đưa về Sài Gòn. Đó quả là “của trời cho: chiếc xà cột da chứa một phần danh sách các điệp viên và gián điệp đang hoạt động ở miền Nam. Trong danh sách có tên điệp viên bị xử bắn theo lệnh của đại tá Rheault”13.
Ngày 29-9, Thứ trưởng lục quân Stanley Resor tuyên bố rút bỏ lời cáo buộc chống Rheault. Đối với Bob Rheault giá trị mà hoạt động của SOG mang lại là điều không thể phủ nhận. Chính hoạt động đó đã cứu thoát ông. Tuy nhiên sự kiện đó đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp quân ngũ của Rheault mặc dù đầu 1969 ông đã được chọn phong lên chuẩn tướng.
Trong khi nỗi khổ đau của Rheault mang hơi hướng của tiểu thuyết gián điệp của Le Carré, kinh nghiệm quan hệ với giới lãnh đạo quân đội trong khi còn làm ở SACSA của Rheault cũng giống như bất kỳ sĩ quan hành động nào trước đó như Murray chẳng hạn. Khi được hỏi trong thời gian hai năm chuyển các đề nghị của SOG lên cho các tham mưu trưởng, ông có nhận thấy thái độ nhiệt tình của họ không, Murray trả lời không chút ngập ngừng, “không, tôi không bao giờ thấy điều đó”. Họ cứ để mọi thứ diễn ra chừng nào họ “cảm thấy hoạt động đó không gây phiền toái cho quân đội”14.
Trung tá George Maloney được cử đến SACSA đầu năm 1967 và ở lại đó đến cuối 1969. Maloney không chỉ gặp phải sự lãnh đạm và thiếu nhiệt tình như Murray, Rheault và các sĩ quan hành động khác đã trải qua, mà còn cả thái độ thù địch rõ ràng của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đặc biệt là Phó tổng tham mưu trưởng hoạt động -J3. “Trong phần lớn thời gian tôi ở đó, J3 là trung tướng không quân J.C. Meyer được giới thuộc quyền gọi là chúa Jêsu Meyer15. Meyer cho chúng tôi biết rõ là ông không coi trọng hoạt động của SOG. Ông nói: tôi không muốn dội nước lạnh vào công việc của bạn nhưng tôi nghĩ công việc đó chẳng mấy giá trị. Ông ta là người có quan điểm rằng không lực có thể khuất phục Hà Nội”16.
Maloney cũng nhận thấy tướng Wheeler bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn về giá trị của SOG. Đầu năm 1968, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ thị cho Depuy tiến hành xem xét tổng thể SOG. “Ông ấy nói với Depuy là muốn có một sĩ quan xem xét kỹ SOG từ trên xuống dưới và tôi phải mất tám tuần để làm việc đó”. Bản đánh giá tập trung vào hoạt động gián điệp - biệt kích. Trước đó Wheeler đã biết kết quả đánh giá về phản gián của chương trình cũng như đánh giá tiêu cực của Bob Kingston. Bản đánh giá của Maloney cũng như vậy. Đó là tất cả những gì Wheeler muốn nghe. Maloney nhớ lại rằng đã xuất hiện “một sự không hài lòng chung” với SOG17.
Sau đó, Wheeler ra lệnh cho MACV tiến hành đánh giá về SOG. Đoàn công tác do cựu phó trợ lý của SACSA, đại tá Albert Brownfield, lúc này là trợ lý của MACV dẫn đầu. Bản báo cáo cũng rất nặng nề. Cuối cùng, ngày 7-1-1969 Wheeler và các tham mưu trưởng liên quân giao cho SACSA nhiệm vụ tiến hành cuộc đánh giá SOG kéo dài một năm. Việc đánh giá này được coi là cuộc giải phẫu tử thi của SOG, vào lúc này đang hấp hối do quyết định của chính quyền Johnson ngừng các hoạt động qua biên giới vào Bắc Việt Nam tháng 11-1968, trừ các hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh.
________________________________________
1. Phỏng vấn chuẩn tướng Albert Brownfield qua điện thoại (28-10-1997), tr.2-3.
2. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr. 17.
3, 4. Phỏng vấn đại úy Bruce Dunning tại Washington DC (19-9-1997), tr.20.
5. “Thay đổi lục quân, lịch sử bằng lời của tướng William E. Depuy” (Washington DC, Trung tâm lịch sử quân sự Lục quân Hoa Kỳ, 1988), tr. 169.
6. Phỏng vấn chuẩn tướng Albert Brownfield, tr. 11.
7. Phỏng vấn đại úy Bruce Dunning, tr.8.
8, 9. Phỏng vấn đại tá Robert Rheault tại Rockland, Maine (11-9-1997), tr.4.
10. Phỏng vấn đại tá Robert Rheault tại Rockland, Maine (11-9-1997), tr.6.
11. Phỏng vấn đại tá Robert Rheault tại Rockland, Maine (11-9-1997), tr. 13.
12. Homer Bigort: “Công việc lính mũ nồi xanh tiến triển như thế nào”. Thời báo New York (6-10-1969).
13. Plaster, “SOG: cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Mỹ tại Việt Nam”, tr. 243.
14. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr. 19-20.
15. Ở đây có sự chơi chữ, J.C. đồng thời là chữ cái viết tắt của Jesus Chirst - tức chúa Jêsu - ND.
16, 17. Phỏng vấn trung tá George Maloney tại Washington, (19-9-1997), tr.5,7-8.
Việc giám sát liên ngành đối với hoạt động của SOG: Không có sự hỗ trợ của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.
Việc SOG không được cưng chiều ở cấp cao hơn SACSA là một trở ngại nghiêm trọng. SACSA thường xuyên là kẻ bại trận trong các cuộc đấu tranh liên ngành ở Washington với Bộ Ngoại giao và CIA. SACSA chỉ là cấp tướng hai sao trong Lầu Năm Góc, mảnh đất của những vị tướng bốn sao đầy quyền lực. Sau khi thiếu tướng Depuy hết nhiệm kỳ ở SACSA, cương vị này bị hạ xuống thành nơi trú chân cho cấp chuẩn tướng. Sự lãnh đạm và thiếu quan tâm đối với SOG của Wheeler và các tham mưu trưởng chỉ làm tăng thêm sự bất lực của SACSA.
Quyết định lựa chọn hoạt động nào trong Kế hoạch 34A được thực hiện đầu tiên vào 1964 minh chứng cho điều đó. Cần nhắc lại rằng bản kế hoạch ban đầu rất tham vọng và có những khuyến nghị rất nhạy cảm và táo bạo, trong đó vấn đề gây tranh cãi nhất là việc phát triển phong trào chống đối trong lòng miền Bắc.
Những gì xảy ra với đề nghị này là ví dụ thấy rõ sự thiếu quan tâm và thiếu hiểu biết về chiến tranh không quy ước của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Tháng 12-1963, sau khi đồng ý với bản dự thảo Kế hoạch 34A, đô đốc Felt, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương nêu ra hai vấn đề. Thứ nhất, nếu “Bắc Việt Nam và Trung Quốc cộng sản gia tăng chiến tranh vượt quá khả năng của Nam Việt Nam” để đối phó với 34A, liệu các tham mưu trưởng có “sẵn sàng can thiệp quân sự không?”. Thứ hai, Felt “bày tỏ sự nghi ngờ liệu các hoạt động (của Kế hoạch 34A) có tác động lâu dài hoặc nghiêm trọng đối với giới lãnh đạo Hà Nội không”1. Hai vấn đề này định hướng cho việc xem xét của Lầu Năm Góc và ảnh hưởng lớn đến kết luận của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về 34A. Trung Quốc luôn làm cho các tham mưu trưởng lo lắng về khả năng tái diễn một cuộc chiến tranh Triều Tiên. Họ đồng ý về đánh giá của Felt về tác động của 34A. Các tham mưu trưởng không tin là các hoạt động đã đạt được nhiều kết quả.
Sau đó, ngày 19, 20-12-1963, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Giám đốc CIA McCone cùng nghe báo cáo về kế hoạch và ý kiến đánh giá của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Cả hai chuyển quả bóng về cho Uỷ ban 5412 và nêu thêm câu hỏi: “Có nên tổ chức hoạt động qua biên giới từ Nam Việt Nam vào Lào không?”. Và việc gia tăng sức ép đối với miền Bắc bằng hoạt động ngầm (tức là phong trào chống đối) như trong đề xuất của dự thảo 34A nên được thực hiện đến mức nào? McNamara và McCone nêu hai vấn đề này khi báo cáo kế hoạch 34A cho tổng thống Johnson ngày 21-12. Tại cuộc họp này, Johnson giao cho McNamara và McCone nhiệm vụ thành lập “Uỷ ban liên bộ (Ngoại giao, Quốc phòng, CIA) để chọn từ kế hoạch ra những hoạt động có tính khả thi nhất, hứa hẹn mang lại kết quả lớn nhất với rủi ro thấp nhất”2. Johnson phát ra tín hiệu cho thấy tổng thống sẽ có bước đi thận trọng trong việc sử dụng hoạt động ngầm, nhất là trong bối cảnh 1964 là năm bầu cử.
Các yêu cầu trên của Nhà Trắng tạo ra khuôn khổ tham chiến mà hệ quả của nó là những hoạt động táo bạo, có tính chiến lược nhất của Kế hoạch 34A bị loại bỏ. Uỷ ban liên bộ do thiếu tướng Krulak làm Chủ tịch và có cả Bill Sulivan, người được Arevell Harriman bảo trợ ở Bộ Ngoại giao. Với thành phần này có thể thấy trước kết quả thảo luận của Uỷ ban, khi Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đều muốn cắt bớt kế hoạch 34A.
Việc rà soát liên bộ đã loại bỏ khỏi 34A tất cả những nội dung liên quan đến phong trào chống đối, mặc dù các nhà soạn thảo coi đó là yếu tố chủ chốt trong kết cấu chung của bản kế hoạch. Tại sao lại bị gạt bỏ? Theo thiếu tướng Krulak, chính ông đã dội nước lạnh vào ý tưởng này tại cuộc thảo luận ở Uỷ ban, vì cảm thấy hoạt động đó “không tốt không mang lại kết quả”. Cựu Trợ lý SACSA tiếp tục “trước sau tôi không tin việc gây dựng sự chống đối trong nội bộ. Người dân phải muốn làm việc đó. Họ phải muốn làm điều đó đến độ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, nhất là trong xã hội như miền Bắc. Tôi không tin chúng ta có những con người như vậy ở đó”3.
Khi được hỏi làm sao biết được điều đó, Krulak trả lời: “Tôi không biết. Dĩ nhiên, đó là một giả thiết”. Krulak nói thêm, ông “cũng có những ý kiến khác về tin tình báo cần phải có trước khi gây dựng phong trào chống đối. Tôi thật sự không tin là chúng ta đã có đủ tin tình báo. Và bây giờ cũng vậy”4.
Krulak và lãnh đạo Lầu Năm Góc không đơn độc trong việc đánh chìm ý tưởng về phong trào chống đối. Đại sứ Sullivan và Bộ Ngoại giao cũng chống lại ý tưởng này. Các nhà địa chiến lược ở Bộ Ngoại giao phản đối bởi vì mục đích của phong trào chống đối là gây mất ổn định ở miền Bắc, trái với chính sách công khai của Mỹ. Lập luận này được sử dụng để bác bỏ các đề nghị thành lập tổ chức chống đối trong các năm 1965, 1966 và 1968 của SOG. Ý kiến của Bộ Ngoại giao thường thắng thế, và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thừa nhận thất bại trong công văn trả lời đề nghị của SOG như sau: “kết luận cuối cùng, chính sách quốc gia của Mỹ loại trừ việc phát triển tổ chức đó... chính sách quốc gia không cho phép tiến hành chiến tranh du kích và chống đối”5.
Đó là đòn kết liễu ý tưởng về phong trào chống đối. Những kiến nghị của Uỷ ban Krulak trở thành nền tảng của chính sách của Hoa Kỳ. Ngày 16-1-1964, một bức điện liên ngành Bộ Quốc phòng - Ngoại giao - CIA tuyên bố “Các đề nghị của Uỷ ban liên bộ đã được Tổng thống phê chuẩn”. Trong một văn thư cũng vào thời điểm đó, Krulak thông báo cho Vance biết “Tổng thống đã phê chuẩn nó (báo cáo của Uỷ ban Krulak)”6. Wheeler và các tham mưu trưởng từ chối không đề nghị lên trên xem xét lại quyết định ban đầu đó, mặc dù SOG kiến nghị như vậy. Bản thân họ cũng thấy hoạt động tạo dựng phong trào chống đối không có giá trị gì. Quyết định đó là không thể đảo ngược.
Uỷ ban Krulak còn xử lý các vấn đề của Lào và Campuchia. Có nên tiến hành hoạt động qua giới tuyến chống đường mòn không? Đây cũng là vấn đề mà giới lãnh đạo cao cấp ở Lầu Năm Góc không thích thú gì. Với Sullivan là một thành viên của Uỷ ban liên bộ, và Harriman, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề chính trị, đứng sừng sững phía sau, kết quả là rõ ràng. Bản báo cáo của Krulak cảnh báo “sự cân bằng quân sự, chính trị mong manh ở Lào có thể bị đảo lộn” nếu lãnh thổ Lào bị sử dụng cho các hoạt động chống lại Bắc Việt Nam”7. Điều lạ lùng là bản báo cáo không đả động đến việc Bắc Việt Nam sử dụng Lào vào các hoạt động ở miền Nam Việt Nam.
Không có sự quan tâm của Lầu Năm Góc, Lào là vùng cấm đối với SOG trong gần hai năm. Trong suốt thời gian này, SACSA kiến nghị Bộ trưởng Quốc phòng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đòi các nhà vạch chính sách đảo ngược quyết định này. Nguyên phó trợ lý SACSA, đại tá Brownfield nhớ lại, “tôi đã nhiều lần cố đưa chúng ta sang Lào để thu thập tình báo và tiến hành chống phá đường mòn Hồ Chí Minh... nhưng không bao giờ thành công”8.
Ngay cả sau khi SOG được phép vượt qua giới tuyến vào mùa thu 1965, Bob Rheault ghi nhận có sự đối đầu gay gắt với Bộ Ngoại giao, người chỉ muốn hạn chế các hoạt động này càng nhiều càng tốt. Peers như húc đầu vào đá, Rheault nhớ lại, “Tôi nhớ Peers dùng từ “Shove” sau khi có va chạm với Bộ Ngoại giao. Peers nói ở đó chỉ rặt một lũ “Shove”. Rheault hỏi lại “Shove là gì?” - “À, là một giống lai giữa chim bồ câu và rác rưởi”, Peers trả lời”9.
Mỗi lần mang đề nghị của SOG đến Bộ Ngoại giao, Rheault thường chứng kiến sự chống đối các hoạt động ở Lào. Rheault nhận thấy rằng Bộ Ngoại giao có quyền phủ quyết và thường hay sử dụng nó. Khi điều đó xảy ra, “mọi thứ quay trở về bàn soạn thảo... Chúng tôi phải nghĩ ra cái gì đấy để vừa tháo gỡ được sự phản đối của Sullivan vừa thúc đẩy bản đề nghị lọt qua họ”. Depuy có đề nghị Wheeler can thiệp không? Rheault ghi nhận “Có, nhưng liệu anh có thể đưa chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng xuất hiện thường xuyên không. Hơn nữa, nếu Bộ Ngoại giao không muốn một hoạt động nào đó, và cảm thấy là sắp phải nhượng bộ, họ sẽ điện báo cho Sullivan để đưa lý do phản đối”10.
_______________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 152.
2. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd tr.157.
3. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr. 17, 20.
4. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr. 21,23.
5, 6. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 236, 169.
7. Sđd tr.158.
8. Phỏng vấn chuẩn tướng Albert Brownfield, tr. 7.
9, 10. Phỏng vấn đại tá Robert Rheault, tr. 2, 27.
Theo George Maloney, sĩ quan hành động của SACSA phụ trách hoạt động của SOG tại Campuchia, kinh nghiệm quản lý thủ tục phê duyệt cũng giống như của Rheault. Maloney khái quát hoá: “đó là quá trình tương đối dài”1. Tiến trình đó liên quan tới “việc tranh đấu từng chi tiết với Bộ Ngoại giao” vì họ sợ “bị dính vào cuộc chiến tranh lớn hơn và muốn đủ mọi thứ hạn chế đối với hoạt động của SOG. Họ muốn coi Lào và Campuchia là những quốc gia trung lập”2. Mọi hạn chế mà SACSA tháo gỡ được chính là kết quả của các cuộc xung đột kéo dài này với Bộ Ngoại giao.
SACSA còn va chạm với CIA về SOG. Cũng như các cuộc cãi vã với Bộ Ngoại giao, chiến thắng là rất ít. Theo chỉ thị 57, CIA được giao việc hỗ trợ cho các hoạt động ngầm lớn đo Lầu Năm Góc thực hiện. SACSA và SOG cho rằng sự hỗ trợ đó bao gồm cả nhân sự của CIA. Bản đề nghị đầu tiên của SOG về nhân sự tháng 2-1964 là 31 nhân viên CIA. Đề nghị này “được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân phê duyệt tháng 7-1964” và gửi sang CIA3.
CIA tỏ ra “chậm trễ trong việc cử nhân viên” vì tin rằng “CIA sẽ rút ra khỏi chương trình 34A trong vòng 6 tháng.”4. Đó là sự khởi đầu của cuộc tranh luận kéo dài hai năm giữa một bên là SACSA-SOG và bên kia là CIA về việc hỗ trợ nhân sự. Tháng 1-1965, số lượng 31 người ban đầu bị CIA giảm xuống còn 13. “Tháng 2-1966, CIA đề nghị giảm số lượng từ 13 xuống 9”. Sự cắt giảm này “là chủ đề của các cuộc thảo luận trước đó vào tháng 10 và 11-1965. Cả Tư lệnh Thái Bình Dương và MACV đều không nhất trí với sự thay đổi này”5. Sự không tán thành đó tỏ ra không có hiệu lực và số lượng nhân viên CIA cử đến SOG chỉ còn 9. CIA lập luận một cách thành công rằng “tình hình ở Nam Việt Nam và những nơi khác đã tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng số nhân viên đủ năng lực hiện vốn ít ỏi để đáp ứng cho các nhiệm vụ đó”6. Không có dấu hiệu gì cho thấy Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cân nhắc việc can thiệp vào cuộc cãi giữa hai bên.
Các nhân viên CIA được cử đến SOG hầu như là từ bộ phận hoạt động chiến tranh tâm lý của Cục hành động, đó là một bộ phận mà nhân viên không mấy khi được bổ nhiệm lên vị trí cao trong CIA. Trong các cuộc va chạm về vấn đề nhân sự SACSA-SOG yêu cầu cử những người “có năng lực chuyên môn” ở cấp cao “thuộc lĩnh vực hoạt động chung”. Người mà họ cần là một nhân viên thuộc hệ thăng tiến nhanh của Cục kế hoạch hành động, người có thể tham mưu và nắm bắt toàn bộ các chương trình hoạt động của SOG. CIA không chấp nhận và nhân viên được phân bổ cho SOG là “người có năng lực chuyên môn thuộc lĩnh vực hoạt động chiến tranh tâm lý”7. SACSA không thể làm gì để đảo ngược quyết định hỗ trợ nhân viên này.
Nhân sự không phải là vấn đề duy nhất có sự bất đồng giữa SACSA và CIA. Một vấn đề nữa là thẩm quyền tiến hành hoạt động gây dựng phong trào chống đối và du kích.
Giữa năm 1964, SACSA chuyển tiếp đề nghị của Russell cho phép SOG tiến hành các hoạt động này như đã nêu trong kế hoạch 34A. Bản đề nghị đã đi được chặng đường dài đến Uỷ ban 303. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Uỷ ban, Giám đốc CIA McCone lập luận một cách thuyết phục rằng “việc hình thành lực lượng du kích trong người H' Mông và dân tộc ít người khác ở Bắc Việt Nam là chức năng của CIA8. Ủy ban 303 hậu thuẫn ý kiến này.
Tương tự, CIA và SOG còn va chạm về việc khởi động chiến dịch “Shining Brass” ở Lào mùa thu 1965. CIA cho rằng việc đó đi quá xa ngoài nhiệm vụ ban đầu của 34A và nêu ý kiến phản đối. Cuối tháng 12-1965 SACSA báo cáo cho Cyrus Vance biết “CIA từ chối không tích cực hỗ trợ SOG vạch kế hoạch và xâm nhập các toán mới... vì họ cho là việc đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình của họ (tại Lào)”. Don Blackburn, sếp của SOG, cũng nói như vậy vào tháng 1-1966: “hoạt động của Shining Brass không được CIA hỗ trợ”9.
Tại Lào, hoạt động của CIA đặt dưới sự kiểm soát của “Nguyên soái chiến trường”, Đại sứ Bill Sullivan. Sullivan và CIA hình thành nên một liên minh đầy quyền lực để hạn chế hoạt động của SOG trong những năm sau đó. Trong cuộc chiến đấu liên ngành ở Washington, SACSA luôn bị qua mặt.
Nói tóm lại, tuy SACSA trở thành người ủng hộ SOG nhưng là kẻ yếu trong nền chính trị quyền lực của Washington. Trong các trận đấu, SACSA không thể với đến những nhân vật thật sự có quyền lực ở Lầu Năm Góc - Chủ tịch và các tham mưu trưởng - đến yểm trợ và cùng chiến đấu. Nhiều nhất, giới lãnh đạo quân sự cũng chỉ là người bảo trợ lưỡng lự. Chủ tịch và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân biết rõ cách chiến đấu trong nền chính trị Washington nhưng không làm như vậy. Hoạt động của SOG chưa đủ tầm quan trọng.
______________________________________
1, 2. Phỏng vấn trung tá George Maloney, tr.15, 16, 6.
3, 4, 5, 6. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 270, 271, 266.
7, 8. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr.271, 234.
9. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr.264.
No comments:
Post a Comment