SÁCH TÀI LIỆU
SECRET ARMY SECRET WAR
Washington's Tragic Spy Operation in North Vietnam
Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật
Sedgwick Tourison,
(Naval Institute Special Warfare Series) 1995
Người dịch: Hoàng Hà.
Biên dịch từ: Secret Army-Secret War.
Nhà xuất bản: Công An Nhân Dân.
Năm xuất bản: 1995.
LỜI GIỚI THIỆU
Tháng 6 năm 1985, khi đánh giá về cuộc chiến tranh Việt Nam, thượng nghị sĩ John Mc Cain đã phát biểu:
“...Quân đội Mỹ có thể cuốn gói đưa về nước xe tăng, máy bay, tàu chiến, đại bác, thiết giáp, súng M16 và hàng chục vạn binh lính các loại. Nhưng còn rất lâu nữa, nước Mỹ mới tìm thấy sự yên ổn và thanh thản trong tâm hồn “.
Quả thật “nước Mỹ sau Việt Nam" vẫn còn nhiều nhức nhối. Nhiều chính khách Mỹ không thể kìm nén được đã chủ động viết thành sách để phê phán, phân tích, mổ xẻ, giải bày về từng khía cạnh nhằm bộc bạch tâm trạng, thanh minh lỗi lầm, bào chữa, biện minh cho trường hợp dính líu của mình cốt làm vơi bớt đi những day dứt mặc cảm đang đè nặng lên tâm tư họ.
Không chỉ vì những suy tư ấy, Sedgwick Tourison, nguyên là một cựu điệp viên CIA đã nhiều năm hoạt động ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan... Sau đó, ông là thành viên của Uỷ ban đặc biệt Thượng nghị viện Mỹ chuyên trách về POW/MIA cho đến năm 1993. Vốn là người trong cuộc, có những hiểu biết sâu về thực tế, lại có điều kiện quan hệ, gặp gỡ với nhiều người có liên quan, được tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu mật. . . Ông đã bỏ công sức trên 10 năm liền để viết cuốn “Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật” (Secret Army-Secret war), được Nhà xuất bản của Viện Hải quân Mỹ (Naval Institute Press Annapolis MD.USA) in năm 1995.
Ngay trong lời tự sự của mình, Sedgwick viết:
“...Đây không phải là câu chuyện về các điệp viên bí mật của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam thuộc Liên đội quan sát số 1 và Phái bộ Viện trơ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACSOG). Trái lại, đây là câu chuyện về những người Việt Nam được MACSOG tuyển mộ đúng với bản chất của cuộc chiên tranh, họ đã bị đẩy vào con đường cực kỳ nguy hiểm. Câu chuyện về họ chưa một ai được biết, ngoại trừ một số rất ít người Mỹ giữ cương vị và am hiểu tiếng Việt. Bởi lẽ đây là câu chuyện riêng của chúng ta, nói về cuộc chiến tranh của chúng ta, và vì cuộc chiến tranh đó mà họ đã phải trả giá quá đắt.
...Đây là câu chuyện có thật về hoạt động của đội quân gián điệp biệt kích do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Một đội quân đông tới 500 người gồm trên 50 toán và đã bị bắt, bị vô hiệu hóa trong khi thực thi các hoạt động tuyệt mật của Washington chống lại Bắc Việt Nam. Họ là một trong những lý do chủ yếu làm cho cuộc chiến tranh Việt Nam bùng nổ. Nhưng họ lại không đóng một vai trò quan trọng nào trong cuộc chiến tranh sau đó. Bởi vì họ đã bị xoá sổ và đã ba lần bị chối bỏ trong cuộc tháo chạy hoảng loạn, vội vã của Mỹ nhằm rút khỏi Việt Nam trong danh dự”.
Trong cuốn sách này, tác giả đã kết cấu thành năm phần lớn và 22 đề mục nhỏ. Ông đã phác hoạ ra một bức tranh toàn diện của các hoạt động tình báo Mỹ ở Việt Nam trong nửa thế kỷ qua (1945-1994). Tác giả đã chọn nhiều ảnh, nhiều bản đồ để minh hoạ cho sự kiện. Ở đây, tác giả còn muốn phơi bày một sự thật phũ phàng, đó là sự lẩn tránh, sự chối từ trách nhiệm, đó là ý đồ bưng bít, che giấu sự thật lịch sử của Lầu Năm góc và tình báo Mỹ. Ngay từ năm 1970, mọi tài liệu có liên quan đến các toán gián điệp biệt kích người Việt Nam đều đã được xếp vào loại tuyệt mật, được đào sâu, chôn chặt, khoá kỹ trong các két sắt đặc biệt. Đây là loại tài liệu không một ai, không bao giờ được đem ra ánh sáng. Người ta mong muốn sẽ nhanh chóng xoá nhoà câu chuyện, thời gian sẽ làm lãng quên, tài liệu sẽ bị thiêu hủy. . . Tác giả cũng muốn kêu gọi những người biết rõ sự việc hãy nói lên sự thật đó. Ông viết:
“...Tôi hy vọng rằng các quân nhân trong lực lượng MACSOG hãy nói lên những điều mà họ còn giữ kín trong lòng. Hãy nói lên sự thật bằng chính tên của mình chứ không cần phải giấu diếm dưới những bút danh khác một khi sự thật đã trở thành hiển nhiên, không thể phủ nhận hoặc lừa dối được nữa. Việc công khai hoá cho quần chúng nhân dân Mỹ biết rõ sự thật là điều cần thiết và bô ích”.
Công khai thú nhận thất bại quả thật là một điều không dễ dàng gì.
Chính tác giả cũng chẳng muốn "vạch hết áo cho người xem lưng" đâu. Mà đó là điều bất đắc dĩ phải làm, phải viết không thể làm khác đi được.Đánh giá về thất bại, tác giả đã dùng lời của một điệp viên thú nhận:
“Tôi không cho rằng không có một toán gián điệp biệt kích nào thành công cả. Thực tế đã có những toán xâm nhập vào và rút ra an toàn. Nhưng đó chỉ là những toán gián điệp con thoi hoạt động có tính chất chớp nhoáng, có tính chất gây rối ở phía Bắc khu phi quân sự mà thôi. Còn các toán được tung ra hoạt động ở các vùng xa, trên phạm vi rộng và trong thời gian dài thì hầu như hoàn toàn bị thất bại.
Hình như các điệp viên của chúng ta đã bị đón lõng trước khi họ được tung vào miền Bắc. Bất cứ bằng đường không, đường biên, đường bộ, ở nơi hẻo lánh, hoặc khu vực dân cư, dù vào ban đêm hay ban ngày. . . họ luôn được những người trên đất liền chờ đón . Nếu có điệp viên nào đó may mắn vào ra trót lọt thì có thể đặt câu hỏi là: liệu đó có phải là họ 'thả lỏng" do không cần phải làm gì nữa vì họ đã biết rất rõ mọi điều rồi."
Tác giả cũng dành ra 10 đề mục nhỏ để viết về miền Bắc,về sinh hoạt, cuộc sống, thái độ đối xử của những người tù trong các trại giam. Viết về trại Quyết Tiến, trại Phong Quang, trại Phố Lu, trại Quảng Ninh, nhà tù Sơn La, Thanh Liệt. . . Viết về công tác giáo dục, cải tạo và các hình thức kỷ luật, viết về những dằn vặt, ương bướng, lo ngại, khổ đau của các tù nhân trước thời cuộc, trước số phận. . .
Có thể nói tác giả đã cung cấp cho người đọc cái nhìn khái quát, toàn diện về hoạt động tình báo gián điệp Mỹ đối với đất nước ta . Những ý đồ chiến lược của CIA, của Lầu Năm Góc, về kế hoạch 34A . . . và sự thất bại thảm hại. . . Về chi tiết tuy có chỗ còn quá cường điệu, quá nhấn mạnh hoặc thể hiện rõ dụng ý nói xấu, bôi nhọ…
Nhưng điều đó cũng là tất nhiên. Tác giả có ý đồ, có cách nhìn và mục đích riêng. Hơn nữa các tài liệu, tư liệu về phía chúng ta tác giả có được phần lớn là dựa vào lời kể của các đối tượng bị tù, đang sẵn căm ghét và hận thù. Vì vậy khó mà tránh được sai lệch, méo mó và cả sự vu khống có dụng ý nữa!
Chính tác giả cũng đã thừa nhận :
“...Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Do bản chất của hoạt động này và những vấn đề phức tạp thuộc về công việc, về nghề nghiệp, pháp lý và đạo lý…Cho nên không bao giờ, không một ai có thể đưa ra đầy đủ câu trả lời cho mọi vấn đề.”
Về điểm này, ngay lực lượng (Công An Nhân Dân) ta đã từng chiến đấu và bắt sống nhiều toán gián điệp biệt kích cũng chưa biết hết, tường tận. Do vậy mà cuốn sách mang tính tư thú của chính người tham gia chỉ huy tung gián điệp biệt kích này sẽ giúp ta hiểu rõ thêm tầm cỡ chiến thắng và nhiều điều trước đây còn đang là ẩn số.
Bỏ qua tất cả những hạn chế trên, chúng tôi cho rằng đây là một tài liệu tham khảo bổ ích và lý thú. Bởi tác giả là người trong cuộc, là người ở phía đối phương viết về chính nước Mỹ và thất bại của họ. Viết về Gián điệp biệt kích - một lĩnh vực đang được giấu kín, bị phong toả, một lĩnh vực chưa có nhiều tác giả viết sâu về nó. Đọc nó chắc sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn sâu hơn, toàn diện hơn về thắng lợi và về đường lối chiến tranh nhân dân của chúng ta .
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc và mong nhận được nhiều ý kiến bổ sung, góp ý.
*****
LỜI TÁC GIẢ
Quá nửa đêm ngày 27-5-1961, trên bầu trời tỉnh miền núi Sơn La thuộc vùng Tây Bắc xa xôi của Bắc Việt Nam, trong chốc lát mặt trăng bị che khuất bởi thân hình của chiếc máy bay bà già hai động cơ C47 từ thời Thế chiến thứ II. Chiếc máy bay hạ thấp độ cao trên vùng Phú Yên, một khu dân cư của huyện Mộc Châu về phía Đông-Bắc, kinh đô cộng sản của nước Lào láng giềng là Sầm Nưa.
Bốn thân hình nhỏ nhoi bỗng nhiên tách khỏi chiếc máy bay vận tải. Chúng lập tức bung ra bốn chiếc dù, rơi theo qui luật tự nhiên xuống khu vực đổ bộ đã được dự tính ở các đồi cây phía dưới. Các thành viên của toán biệt kích mang biệt danh CASTER đang được đưa trở về quê hương chôn rau cắt rốn của họ.
Con ngựa già của cuộc chiến tranh trước đó (với người Pháp) đã nhanh chóng leo lên thành một viên phi công. Một viên sĩ quan xuất sắc của không lực Nam Việt Nam đã vui mừng thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành phi vụ của mình. Chiếc C47 bay trong vùng không khí loãng dọc theo hướng nam để thoát khỏi không phận của kẻ thù trên vùng trời Bắc Việt Nam và sang vùng an toàn của nước Lào bên cạnh. Nó biến mất trong khi bốn chiếc dù xanh lá cây của quân đội Mỹ lắc lư, từ từ rơi xuồng bóng đêm và những bụi rậm đang đợi chúng ở phía dưới.
Họ vừa đặt chân xuống đất được vài phút thì những ngọn 1ửa bập bùng đã tỏa ra để chào đón các biệt kích của Nam Việt Nam. Tiếng súng trường và tiểu liên nổ rộ lên từ phía những người tấn công vô hình rồi đột nhiên ngừng bặt và im lặng như tờ.
Các binh sĩ của quân chủ lực Bắc Việt Nam tìm thấy một điệp viên đang nằm trên một vũng máu, bên cạnh anh ta là chiếc đài còn nguyên vẹn.
Họ dùng điện đài gọi binh sĩ thuộc lực lượng chống biệt kích của quân khu Tây Bắc đến để lùng bắt các biệt kích đang lẩn trốn. Các binh lính Bắc Việt bắt được một biệt kích bị thương cùng với điện đài của anh ta, thế nhưng họ rất cần khoá mật mã của toán biệt kích này.
Đinh Văn Anh, một trung sỹ của quân lực Nam Việt Nam là một trong những người sống sót, anh ta chạy trốn được hai ngày rồi cũng bị bắt. Đinh Văn Anh là người giữ mật mã của toán CASTER. Trong cuốn sổ mật mã của anh ta đầy rẫy những khối chữ số được mã hoá bằng máy tính điện tử.
Thế là những người bắt biệt kích Bắc Việt đã có đủ mọi thứ-hầu như thế. Sự thách thức bây giờ là tìm ra được những biệt kích sẵn sàng hợp tác với họ.
Sau vài ngày đặt chân xuống mặt đất và được đón tiếp bằng những loạt súng vang rền. Đến lượt anh phải đương đầu với người hỏi cung trong tư thế của một kẻ hoàn toàn bị khuất phục, hai tay bị trói chặt sau lưng, các dây trói được buộc chặt trên khuỷu tay của anh gần như bị tê liệt. Người Bắc Việt tra tấn anh đóng vai trò một quan toà. Người bị bắt ngồi bệt dưới đất, người hỏi cung ngồi trên cao nhìn chằm chằm xuống anh ta. Cuộc hỏi cung được bắt đầu bằng một loạt các câu hỏi và trả lời chi tiết dường như không dứt và không biết chán.
Trả lời, trả lời và trả lời.
“Anh khai cho tôi biết ông Chương ở đâu?”
Người bị bắt cố lục tìm trong trí nhớ của mình nhưng không thể tìm ra câu trả lời.
Đối với người hỏi cung, sự im lặng của kẻ bị bắt có nghĩa là anh ta biết sự thật phải được bóc trần một cách khéo léo cũng như người ta bóc một cách cẩn thận vỏ ngoài của một quả thạch lựu để khỏi làm hỏng các hạt bên trong. Một biệt kích bị bắt không bị làm thương tổn và sẵn sàng hợp tác là vô cùng quí giá. Điều tồi tệ là một số lính tráng Bắc Việt nổ súng quá nhanh.
“Tôi hỏi anh thêm một lần nữa, ông Chương ở đâu?”
“Tôi... Tôi không biết ông Chương nào cả!”
Câu trả lời của anh ta là không có sức thuyết phục. Người ta muốn một câu trả lời tích cực cơ, luôn luôn phải là như vậy.
Anh được giao nhiệm vụ liên lạc với ông Chương. Ông Chương là ai và ông ta ở đâu?”
“Tôi không biết. Tôi không biết ai tên là Chương cả."
Thậm chí không cần những câu hỏi thẳng về một ông Chương mà anh ta không biết, thì anh cũng nhận ra rằng mọi thứ đều có thể đã hỏng cả. Các bản đồ của toán, các bức ảnh chụp từ trên không và các lời huấn thị ở Sài Gòn trước lúc ra đi đã cho thấy rằng các biệt kích sẽ đổ bộ xuống một khu vực không có dân cư. Thay vì một khu vực được tính trước là tương đối an toàn, thì họ lại đổ bộ thẳng xuống một trung tâm huấn luyện dân quân địa phương cạnh một làng nhỏ. Rõ ràng là cuộc viếng thăm của họ đã được mong đợi và cũng không kém phần rõ ràng là những người hỏi cung Bắc Việt Nam biết về hoạt động của họ nhiều hơn là bốn người họ biết. Tồi tệ nhất là chỉ huy của họ ở Sài Gòn lại trao cho mỗi người một tên thật. Điều này đã dễ dàng cho Hà Nội, hầu như quá dễ. Điều gì sai lầm đã xẩy ra?
Toán biệt kích CASTER đã nhận được chỉ thị rằng nhiệm vụ của họ là xây dựng một căn cứ kháng chiến và một mạng lưới cơ sở ngầm ở sân sau phòng tuyến của Bắc Việt Nam. Người ta bảo rằng nhiều toán nữa sẽ được phái đi. Họ tin những gì người ta bảo họ, và vì thế cho nên họ đã tình nguyện tham gia vào đội thập tự chinh này.
Chẳng bao lâu sau khi toán biệt kích CASTER đổ bộ, điện đài Mỹ đã thu được báo cáo đầu tiên của CASTER. Bức điện nói rằng toán CASTER đã đến đúng mục tiêu và đang chuẩn bị thực thi nhiệm vụ của mình. Như CIA đã hy vọng, CASTER đề nghị cho chỉ thị.
Nhân viên điện đài đó đã không báo cáo rằng anh ta đang truyền đi bức điện được mã hoá của mình trước họng súng của một sĩ quan an ninh Bắc Việt Nam đang chĩa thẳng vào đầu anh ta. Anh ta cũng không báo rằng có những dấu hiệu cho thấy là đối phương đã biết trước về cuộc đổ bộ của toán CASTER và đã kiên nhẫn chờ đợi hàng tuần lễ trước khi toán CASTER được chiếc máy bay bà già C47 thả dù họ xuống.
Hà Nội còn trên tài cả CIA vì họ đã biết trước kế hoạch hoạt động của CIA và đã phục kích chờ toán CASTER mò tới. Hà Nội kiên nhẫn chờ đợi. Họ còn làm cho William Colby, trưởng trung tâm CIA ở Sài Gòn, bị nhiều phen sửng sốt khác.
Câu chuyện không phải được bắt đầu bằng toán biệt kích mang biệt danh CASTER, mà nó được bắt đầu từ trước đó những hai mươi năm với một người mang tên PATTI.
No comments:
Post a Comment