Richard H.Shultz, Jr
Cuộc chiến tranh bí mật
chống Hà Nội
PHẦN MỞ ĐẦU
Kể từ khi khai sinh ra Văn phòng tình báo chiến lược (OSS) trong chiến tranh thế giới thứ hai cho đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần sử dụng các lực lượng đặc biệt tiến hành các hoạt động ngầm để hỗ trợ chính sách ngoại giao của Mỹ. Tuy nhiên, do tính chất bí mật cao và nhạy cảm về chính trị của các hoạt động này, mọi người biết rất ít về chúng. Chắc chắn rằng qua thời gian, nhiều mẩu thông tin về hoạt động ngầm đã lộ lọt ra ngoài, nhưng phần lớn các tài liệu và hồ sơ của các chiến dịch bí mật vẫn còn nằm trong các kho lưu trữ của chính phủ. Những tài liệu đó thuộc một trong những loại bí mật nhất của thời chiến tranh lạnh.
Với sự chấm dứt của xung đột Đông-Tây, giờ đây chúng ta đã có thể nhìn xuyên qua bức màn bí mật vốn che phủ những hoạt động ngầm trong suốt nửa thế kỷ qua. Khi những kho lưu trữ được mở ra, chúng ta có thể xem xét hồ sơ của các điệp vụ thành công và thất bại trong quá khứ và rút ra những bài học cho các tình huống trong tương lai, trong đó các lực lượng đặc biệt có thể được sử dụng.
Chiến dịch bán quân sự bí mật của Washington chống lại Hà Nội trong cuộc chiến tranh Việt Nam minh hoạ tình hình mới nói trên. Chiến dịch do Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là MACVSOG hoặc SOG) là hoạt động ngầm lớn nhất và phức tạp nhất do Mỹ thực hiện kể từ khi OSS ra đời. MACVSOG đã tiến hành cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội trong tám năm, bắt đầu từ tháng Giêng năm 1964 đến tháng Tư năm 1972.
Trong khi ở các thư viện không thiếu sách viết về hầu hết các khía cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng ở đó vẫn còn thiếu vắng những nghiên cứu, đánh giá về hoạt động và ý nghĩa chiến lược của SOG. Người ta cho rằng tất cả các cuốn sử viết về chiến tranh thế giới lần thứ hai mà viết trước thời điểm tiết lộ việc giải mã những bức điện thông tin bí mật của Đức là không đầy đủ. Điều này cũng đúng đối với các nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Nếu không đề cập một cách đầy đủ về chiến dịch bán quân sự bí mật do SOG thực hiện thì lịch sử về cuộc xung đột này đã thiếu vắng những chương quan trọng. Cuốn sách: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội đã bổ sung cho sự thiếu hụt này bằng việc cung cấp thông tin một cách hoàn chỉnh về cuộc chiến tranh bí mật - mà đúng ra sẽ không bao giờ được tiết lộ - đồng thời cho thấy những khía cạnh mới mẻ về thất bại của Mỹ ở Việt Nam.
CHỨNG CỨ
Cuốn sách này dựa trên kinh nghiệm và hồi ức của những người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh bí mật chống lại Bắc Việt Nam và những quan chức cấp cao vạch chính sách và chỉ đạo chiến dịch này ở Washington. Tác giả có được sự tiếp cận đặc biệt đối với hồ sơ và những cá nhân đã điều hành một tổ chức tuyệt mật mang một cái tên hiền lành là “Nhóm nghiên cứu và quan sát". Sự tiếp cận đặc biệt này do cựu tư lệnh lực lượng hoạt động đặc biệt, Trung tướng Terry Scott dành cho tác giả khi ông nhận ra rằng những bài học của SOG vẫn được giữ kín, thậm chí với cả những người đang được giao thực hiện nhiệm vụ tương tự.
Vì vậy, bắt đầu từ mùa hè năm 1995, một cuộc nghiên cứu toàn diện về cuộc chiến tranh bí mật chống lại Bắc Việt Nam được tiến hành. Cuộc nghiên cứu gần như tập trung chủ yếu vào các nguồn thông tin gốc, bao gồm các cuộc phỏng vấn sâu với hơn 60 quan chức đã điều hành các chương trình của SOG, trong đó có năm vị tư lệnh của SOG và các quan chức chỉ đạo hoặc đồng vai trò quan trọng trong bốn bộ phận của SOG có nhiệm vụ vạch kế hoạch và thực hiện hàng loạt điệp vụ chống lại Hà Nội.
Bốn nhiệm vụ chủ yếu đó của SOG bao gồm:
1. Cài cắm và chỉ đạo các toán gián điệp và tạo ra một chiến dịch nghi binh phức tạp, trong đó có cả việc tuyển mộ tù binh của Bắc Việt Nam.
2. Chiến tranh tâm lý- dựng nên một phong trào chống đối giả ở Bắc Việt Nam, bắt cóc và tuyên truyền công dân Bắc Việt Nam, điều hành các đài phát thanh đen, phân phát các tài liệu tuyên truyền, làm giả thư từ, tài liệu và các hoạt động bẩn thỉu khác.
3. Hoạt động ngăn chặn trên biển: bắt giữ và phá huỷ các tàu hải quân và thuyền đánh cá của Bắc Việt Nam, đánh phá các mục tiêu ven biển, tiến hành các vụ tập kích phá hoại các cơ sở quân sự và dân sự và rải các tài liệu chiến tranh tâm lý.
4. Hoạt động thám báo bên kia biên giới chống lại đường mòn Hồ Chí Minh bằng các toán thám báo người dân tộc (người Thượng và người Nùng) để ngăn cản hoạt động cung cấp nhân lực và vật lực của quân đội miền Bắc, bao gồm việc xác định mục tiêu không kích, bắt cóc bộ đội, đặt máy nghe trộm, và phân phát tài liệu chiến tranh tâm lý.
Mỗi một cuộc phỏng vấn được thiết kế nhằm làm rõ vai trò của từng cá nhân trong SOG. Các bảng hỏi sơ bộ được lập ra trên cơ sở thông tin có được từ tài liệu của MACVSOG hên quan trực tiếp đến điệp vụ, chiến dịch hoặc hoạt động do từng cá nhân phụ trách. Do vậy các thông tin thu thập được từ các cựu chiến binh của SOG vừa chi tiết vừa sâu sắc. Do tác giả đã nắm được quy mô, tình tiết hoạt động và hiệu quả của các kế hoạch do từng cá nhân thực hiện, các cuộc phỏng vấn tập trung chủ yếu vào những sắc thái và chi tiết thường không thể tìm thấy trong các hồ sơ tuyệt mật.
Cơ sở cho việc áp dụng kỹ thuật phỏng vấn này là việc sử dụng rộng rãi hai nguồn tài liệu mật quý báu. Những tài liệu này bao gồm khoảng 2.000-3.000 trang hồ sơ được giải mật vào năm 1995. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo Trung ương đã cho phép tác giả tiếp cận với 1.500 trang tài liệu có độ nhậy cảm cao hơn. Những hồ sơ này đã tạo ra một cái nhìn chi tiết và chân thực về các kế hoạch, chương trình và hoạt động của MACVSOG. Chúng cũng còn bao gồm các báo cáo, nghiên cứu và đánh giá của bốn bộ phận nghiệp vụ của SOG.
Những hồ sơ trên lẽ ra sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Trong thực tế, nhiều nhân viên của SOG đã rất ngạc nhiên khi được hỏi về các vấn đề mà họ đã tuyên thệ phải giữ kín. Nhiều người chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn sau khi đã có thư hoặc trực tiếp trao đổi với tư lệnh lực lượng quân đội đặc biệt. Chỉ sau khi có sự xác nhận cho phép của vị tư lệnh, họ mới đồng ý cho phỏng vấn.
Cuốn sách này không những kể lại câu chuyện về chiến dịch bí mật mà SOG thực hiện chống lại Hà Nội mà còn hé mở cho thấy sự tham gia chặt chẽ của những người lãnh đạo cao nhất trong chính quyền Kenedy và Johnson vào chiến dịch này. Khi John F. Kenedy quyết định chuyển giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động bí mật chống Hà Nội từ CIA sang cho Bộ Quốc phòng vào cuối năm 1962, một đơn vị đặc biệt của Lầu Năm Góc được giao nhiệm vụ giám sát tiến trình phê duyệt cho phép thực hiện các điệp vụ. Được biết đến dưới cái tên "Văn phòng trợ lý đặc biệt về chống nổi loạn và các hoạt động đặc biệt" (viết tắt theo tên tiếng Anh là SACSA) và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân, nhóm này chịu trách nhiệm phối hợp tiến hành các thủ tục phê duyệt cho mọi hoạt động của SOG. Các nhân viên của "Phòng hoạt động đặc biệt" trực thuộc SACSA đệ trình các đề xuất của SOG lên những người lãnh đạo cao nhất của chính phủ Mỹ.
Khi SACSA nhận được đề xuất về một hoạt động nhất định của SOG, nhân viên của SACSA sẽ trực tiếp trình yêu cầu đó cho Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, nhân viên của SACSA phải xin ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Quốc phòng Mcnamara hoặc Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance. Sau đó SACSA phải trình lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dean Rusk hoặc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Một nơi cần xin ý kiến nữa là Cố vấn an ninh của tổng thống Mc George Bundy. Tuy nhiên ngay cả khi Cố vấn an ninh đã ký vào bản đề xuất quá trình phê duyệt vẫn có thể chưa hoàn thành. Thông thường Bundy sẽ không cho SACSA chuyển ý kiến phê duyệt cho SOG và chờ cho đến khi tổng thống Johnson xem xét lần cuối.
Vì vậy một phần quan trọng của cuốn sách này sẽ tập trung đề cập đến sự tham gia của những nhà hoạch định chính sách cao cấp nhất của Mỹ vào các hoạt động ngầm của SOG. Các cuộc phỏng vấn nhân viên của SACSA đã làm rõ những chi tiết của tiến trình phê chuẩn ở Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng. Những nhân viên này không chỉ xác nhận việc các nhà hoạch định chính sách đã quyết định làm hoặc không làm việc gì - như đã thể hiện trong các hồ sơ được giải mật - mà còn cung cấp các căn cứ cho thấy sự ảnh hưởng của các yếu tố này đối với các quyết định của Washington về chiến tranh bí mật chống Hà Nội.
Tác giả cũng đã phỏng vấn các quan chức cao cấp phụ trách việc giám sát và tiến trình phê duyệt. Những người này gồm: Robert Mcnamara, Walt Rostow, Roger Hilsman, William Sullivan, Richard Helms, William Colby, Victor Krulak và William Westmoreland. Trong trường hợp không phỏng vấn được các thành viên cao cấp của chính quyền Kenedy và Johnson, tác giả sử dụng những ý kiến của họ còn lưu trong thư viện của Tổng thống. Khi có liên quan, tác giả cũng đã tham khảo thêm hồ sơ được giải mật của Hội đồng an ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV).
Nói tóm lại, Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội được dựa trên nền tảng căn cứ duy nhất là các nguồn tài liệu gốc. Nếu không có sụ tiếp cận với những tài liệu và cá nhân đó, thì sẽ không có đủ cơ sở dữ liệu cần thiết cho cuốn sách này. Với những tư liệu đó, tác giả sẽ đưa độc giả vượt qua bức màn bí mật che phủ SOG và các kho lưu trữ tài liệu để tìm hiểu cách thức mà chính quyền Kenedy và Johnson đã áp dụng để tham gia trò chơi theo luật chơi của Hà Nội. Tám chương và phần kết của cuốn sách sẽ trình bày những chi tiết xác thực về cuộc chiến tranh bí mật chống Bắc Việt Nam.
CÂU CHUYỆN
Câu chuyện bắt đầu bằng quyết định của tổng thống Kenedy tháng Giêng năm 1961 giao cho CIA nhiệm vụ tiến hành điệp vụ chống Bắc Việt Nam. Tổng thống muốn gây sức ép đối với Hà Nội và làm đúng những gì mà họ đang thực hiện đối với đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Hai bên đều có thể cùng chơi trò lật đổ, dùng thủ đoạn xấu và chiến tranh bí mật. Vào mùa hè 1962, không hài lòng với sự bất lực của CIA trong việc thực hiện nhiệm vụ, Kenedy đã ra lệnh chuyển giao nhiệm vụ này cho quân đội và mở rộng chiến tranh bí mật. Chương một của cuốn sách mô tả những sự kiện này và giải thích tại sao Kenedy lại lựa chọn giải pháp đó.
Phần hai của chương một mô tả Kế hoạch hoạt động 34A (viết tắt theo tên tiếng Anh là OPLAN34), nền tảng của MACVSOG. Phần này trình bày quá trình vạch kế hoạch, phác hoạ các phần khác nhau của 34A và trả lời câu hỏi kế hoạch này có xác định được các điểm yếu của Bắc Việt Nam mà nếu bị tác động có thể ảnh hưởng đến khả năng của Hà Nội tiến hành cuộc chiến ở miền Nam không. Bao gồm 72 loại hoạt động với tổng số 2.026 điệp vụ thực hiện trong năm 1964, OPLAN34 đã tạo cơ sở cho sự leo thang của cuộc chiến tranh bí mật của Mỹ.
Xây dựng kế hoạch hoạt động là một chuyện, nhưng việc hình thành nên tổ chức để thực hiện kế hoạch đó lại là một chuyện khác. Tại thời điểm đó không hề có một hình mẫu tổ chức cho MACVSOG và tổ chức này được tạo nên từ con số không ở Sài Gòn. Chương hai cho thấy mức độ khó khăn trong việc thành lập và điều hành SOG, nhất là khi Washington đòi hỏi phải có kết quả ngay lập tức. Việc lãnh đạo điều hành SOG gặp phải 5 thách thức lớn: (1) giành được sự giúp đỡ miễn cưỡng của CIA, (2) xử lý mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách đối với một số loại điệp vụ được nêu trong OPLAN34A, (3) tạo ra một bộ máy tổ chức có khả năng làm việc cho SOG, (4) tìm được người có đủ tiêu chuẩn, (5) tạo ra mối quan hệ làm việc giữa MACVSOG và đối tác Nam Việt Nam.
Chương ba đến chương sáu sẽ tập trung vào các phòng nghiệp vụ của SOG - người thực hiện cuộc chiến tranh bí mật chống miền Bắc. Hoạt động của những phòng này nhằm vào hai mục tiêu là "trung tâm trọng lực" mà Clausewitz gọi là điểm sức ép chiến lược của kẻ thù. Nếu những điểm này bị xói mòn hoặc tác động, kẻ địch sẽ bị mất thăng bằng và giảm khả năng tiến hành chiến tranh.
Một "trung tâm trọng lực" mà MACVSOG muốn gây rối là sự ổn định ở hậu phương và an ninh ở bên trong miền Bắc. Các chính phủ kiểu Hà Nội rất coi trọng an ninh nội bộ và kiểm soát nhân dân, thậm chí ngay cả trong thời bình. Hà Nội đang chiến đấu chống lại một siêu cường và an ninh ở hậu phương là yếu tố chiến lược sống còn. Trung tâm trọng lực thứ hai mà MACVSOG nhằm vào là hệ thống cung cấp hậu cần, hệ thống chỉ huy kiểm soát và địa bàn đóng quân dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Campuchia - một trong những tài sản chiến lược của Hà Nội để tiến hành cuộc chiến tranh.
Để làm suy yếu an ninh hậu phương của Hà Nội, MACVSOG chỉ đạo hàng loạt các điệp vụ chống lại Bắc Việt Nam, trong đó có việc cài cắm các toán gián điệp. Phòng nghiệp vụ phụ trách vấn đề này của SOG được mô tả trong chương ba. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 1964 đến tháng 10 năm 1967, khoảng 250 điệp viên được tung ra miền Bắc. Cộng với số điệp viên của CIA, tổng số điệp viên được tung đi là khoảng 500 người. Tương tự như CIA, tỷ lệ xâm nhập thành công của SOG là thấp.
Vào cuối năm 1967, SOG nhận được tin xấu về hoạt động của các điệp viên. Chương ba lý giải sai lầm đã xảy ra như thế nào và đưa độc giả vào thế giới thủ đoạn của điệp viên đôi, đánh lửa và trò chơi nghiệp vụ. Nhận ra rằng mọi việc đang tồi tệ, SOG dự định tiến hành lừa lại miền Bắc. Đây là một nỗ lực nghiêm túc để gỡ gạc lại từ thất bại đau đớn. Phần cuối của chương ba trình bày những chi tiết sâu kín nhất của kế hoạch đánh lừa này.
Chương bốn mô tả chiến dịch chiến tranh tâm lý nhằm tác động vào giới lãnh đạo và nhân dân Bắc Việt Nam. Điểm cốt lõi là dự định làm cho Hà Nội tin rằng phong trào chống đối giả tạo - Phong trào gươm thiêng ái quốc (viết tắt theo tiếng Anh là SSPL) - là có thật. Để làm được điều đó SOG tạo ra đài phát thanh của SSPL hướng vào Bắc Việt Nam và rải tài liệu tuyên truyền của SSPL. SOG còn tạo ra một vùng giải phóng giả, nơi những công dân miền Bắc bị bắt cóc được đưa đến gặp gỡ lãnh đạo của SSPL và truyền bá tư tưởng theo kịch bản chuẩn bị sẵn.
Các hoạt động chiến tranh tâm lý khác, như đài phát thanh giả, thư tâm lý chiến, giấy tờ giả và các thủ đoạn bẩn thỉu tương tự, cũng được áp dụng để khuếch đại ấn tượng của Hà Nội là họ đang có rất nhiều vấn đề an ninh. Đó là hàng loạt các kỹ thuật chiến tranh tâm lý đầy ấn tượng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cuộc chiến tranh tâm lý này không phải ở chỗ các biện pháp được áp dụng mà ở mục đích được đề ra và những hạn chế do các nhà vạch chính sách áp đặt. Phần cuối của chương sẽ làm rõ lý do tại sao lại như vậy.
Phòng nghiệp vụ thứ ba của SOG tiến hành các hoạt động bí mật trên biển dọc theo bờ biển Bắc Việt Nam. Trong những điệp vụ đầu tiên đề ra trong OPLAN34A, hoạt động trên biển được tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara coi là có nhiều khả năng tạo ra tác động ngay và lớn nhất đối với Hà Nội. Những hoạt động này bao gồm pháo kích bờ biển, bắt giữ tù binh, ngăn chặn các thuyền bè, tập kích, phân phát hàng tâm lý chiến và bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để cho SSPL tuyên truyền. Chương năm mô tả những hoạt động này và đánh giá tác động của chúng. Ở phần kết, chương năm sẽ phân tích tại sao sự kỳ vọng của Mc Namara và các nhà vạch chính sách khác là hoàn toàn phi thực tế.
Phòng nghiệp vụ cuối cùng của SOG phụ trách các điệp vụ thám báo do Mỹ lãnh đạo nhằm ngăn cản việc Hà Nội sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh. Do thái độ thận trọng và mối lo ngại về chính trị nội bộ, Tổng thống Johnson đã rất ngần ngại khi đưa ra quyết định tiến hành các hoạt động này. Phần đầu của chương sáu bàn về cuộc tranh đấu chính trị trong gần hai năm giữa Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc về việc có cho phép SOG tiến hành hoạt động chống lại con đường mòn hay không.
Cuối cùng thì các hoạt động thám báo cũng được chuẩn y và các đội thám báo do Mỹ chỉ huy được tung sang Lào vào tháng 10 năm 1965. Trong vòng ba năm, phòng này của SOG đã mở rộng một cách nhanh chóng và sử dụng phần lớn nhân lực và trang thiết bị. Vào năm 1967, hoạt động thám báo được mở rộng sang Campuchia. Phần còn lại của chương sáu mô tả cuộc chiến tranh bí mật của SOG chống lại quân đội miền Bắc trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Mục đích của các hoạt động này là nhằm ngăn chặn quân đội Bắc Việt sử dụng con đường mòn để nhanh chóng chuyển quân từ các căn cứ ở Lào và Campuchia đến các chiến trường ở miền Nam. Như được đề cập trong chương này, Bắc Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp để chống lại hoạt động của SOG.
Trong chương bảy, câu chuyện được chuyển từ hoạt động của SOG trên chiến trường sang vị trí của SOG trong chiến lược quân sự của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Chương này bắt đầu bằng việc xác định mức độ tin tưởng của các nhà lãnh đạo quân sự -những người chịu trách nhiệm tiến hành cuộc chiến tranh - vào khả năng đóng góp của hoạt động bán quân sự bí mật và việc gắn kết hoạt động đó vào kế hoạch chiến tranh chung. Chương này cho thấy các nhà lãnh đạo quân sự mà đặc biệt là tướng Westmoreland đã không xem xét các hoạt động của SOG theo khía cạnh này.
Trong khi các nhà lãnh đạo quân sự không coi SOG là một bộ phận cấu thành của chiến lược chiến tranh, họ đã kiểm soát hoạt động của SOG một cách chặt chẽ vì e ngại về tính chất nhạy cảm của các điệp vụ. Phần thứ hai của chương bảy phân tích nguyên nhân của tình trạng này và trình bày chi tiết về hệ thống chỉ huy-kiểm soát đã bó buộc SOG. Chương này xác định mức độ giới lãnh đạo quân sự đã chống lại quan niệm của Kenedy về chiến tranh đặc biệt, giành giật quyền kiểm soát hoạt động bí mật và đã không gắn kết SOG với chiến lược chiến tranh.
Chương tám, chương cuối cùng, quay về chủ đề sự kiểm soát của Kenedy và Johnson đối với chiến tranh đặc biệt. Việc sử dụng hoạt động ngầm đặc trưng bởi sự hăm hở và lưõng lự. Khởi đầu với tổng thống Kenedy và các quan chức cao cấp như Robert Mc Namara, Mc George Bundy, Walt Rostow, và Robert Kenedy, mọi người đều sẵn sàng sử dụng hoạt động ngầm một cách tích cực và coi đó là phương tiện để thuyết phục Hà Nội chấm dứt việc xúi giục chiến tranh ở miền Nam. Khi CIA tỏ ra không thể triển khai nhanh chóng, Kenedy giao cho Lầu Năm Góc nhận nhiệm vụ tiến hành chiến tranh bí mật chống lại Bắc Việt Nam.
Bất chấp sự tiếp cận hăng hái của tổng thống Kenedy, hoạt động của SOG bị kìm hãm bởi sự ngăn trở và hạn chế dưới thời tổng thống Johnson. Chương này giải thích tại sao và bằng cách nào mà sự khác biệt giữa ý định ban đầu của Kenedy và việc thực hiện các hoạt động của SOG trên thực tế của Johnson lại nảy sinh. Việc giám sát của Nhà Trắng lúc này không phải đặc trưng bởi sự sẵn sàng chấp nhận mà là lảng tránh rủi ro. Bắt đầu bằng sự xem xét OPLAN34A của tổng thống Johnson vào tháng 12 năm 1964 và trong cả quá trình tồn tại của SOG, các nhà vạch chính sách cao cấp đã bác bỏ các điệp vụ có thể mang lại rủi ro chính trị. Họ đã rụt rè và hầu như không dám chấp nhận rủi ro, bất chấp việc Tổng thống Kenedy đã tích cực như thế nào trong việc tiến hành hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù có sự e dè của Nhà Trắng, các giới hạn chính trị do Washington đặt ra, và những thất bại trong hoạt động của SOG cũng như các biện pháp đối phó của đối phương, vào năm 1968 Hà Nội bắt đầu tỏ ra lo ngại. Chính quyền đã phát động phong trào chống gián điệp để đối phó với tình hình. Tương tự như vậy, hoạt động của SOG chống lại đường mòn Hồ Chí Minh đã làm cho Bắc Việt Nam chú ý. Hà Nội đã áp dụng hàng loạt biện pháp để bảo đảm việc sử dụng an toàn con đường này. Cuối cùng, Hà Nội đã cài cắm điệp viên của mình vào trong bộ máy miền Nam Việt Nam cùng làm việc với SOG.
SOG bắt đầu có tác động mà Kenedy đã tính toán năm 1961 và phải mất những bảy năm để đạt được điều đó. Nhưng thực tế chính trị nội bộ Mỹ có diễn biến mới. Chương tám cung cấp những chi tiết về sự tiến triển này.
Có thể học hỏi được rất nhiều từ MACVSOG về khả năng của Hoa Kỳ trong việc thực hiện hoạt động ngầm với quy mô lớn. Cuốn sách này xác định một số cản trở đã hạn chế tính hiệu quả của SOG. Chơi theo luật chơi của Hà Nội tỏ ra nói dễ hơn làm. Tuy nhiên những ngáng trở đã gây tai hoạ cho SOG cũng có thể được tìm thấy trong các ví dụ khác của thời kỳ chiến tranh lạnh trong đó Hoa Kỳ sử dụng hoạt động ngầm. Phần kết nêu bật những kết luận của MACVSOG và so sánh chúng với các hoạt động ngầm khác mà Mỹ đã tiến hành và bị cản trở bởi những hạn chế tương tự. Việc khảo sát so sánh này làm sáng tỏ những hạn chế vốn là đặc điểm của việc sử dụng hoạt động ngầm trong các đời tổng thống Mỹ.
Phần kết được kết thúc bằng việc giải đáp câu hỏi cuối cùng. Trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, những bài học của MACVSOG có ích lợi gì đối với các tổng thống tương lai nếu như họ muốn sử dụng hoạt động ngầm để đối phó với những nguy cơ mới đe doạ đến lợi ích an ninh của Mỹ?
No comments:
Post a Comment