Wednesday, August 1, 2012

FOB

Trong những tháng gần đây, những tin anh Quảng, anh Hội, rồi kế đến Sáu Già từ Việt-nam lần lượt ra đi, khiến những kỷ niệm của tôi với Phú Bài bỗng phút chốc hiện về.  Phải nói thật, tất cả những Tiền Doanh (T/D) thuộc Sở Liên Lạc tôi đều có một thời gian ngắn hoặc dài làm việc ở đấy.  Nhưng nói về những kỷ niệm thì có lẽ Phú Bài là nơi tôi còn nhiều kỷ niệm nhứt.  So với FOB # 2 (sau này là CCC), FOB # 4 (sau này là CCN) và FOB # 5 (sau này là CCS), thì doanh trại của T/D-1 Phú Bài thật nhỏ xíu, được Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa nhường cho một dãy bìa của TTHL, nằm về hướng Bắc của Trung Tâm và cạnh đó là làng Phù Lương.  Nhường cho T/D-1 phần này, TTHL/ĐĐ  khỏi phải lo phòng thủ phía Bắc.  Vì diện tích quá nhỏ và phần doanh trại mà TTHL nhường lại chỉ có 1 dãy nhà, cho nên công binh Mỹ phải xây cất thêm rất nhiều để cung ứng đủ nhu cầu như phòng ăn, phòng ngủ, nhà kho, câu lạc bộ, và TTHQ, v.v... do đó phải nói là thật chật chội.
          Về mặt phòng thủ thì phía Nam là TTHL/ĐĐ và phía Tây là QL-1.  Bên cạnh QL-1 là bãi đất rộng, dùng để trực thăng Kingbee và trực thăng võ trang đậu ứng chiến ban ngày.  Phía Bắc là làng Phù Lương, phía Đông thì có vài đám rẫy và vài căn nhà, do đó vấn đề phòng thủ chỉ là cho có mà thôi.  Chỉ sợ đặc công hay pháo kích, nhưng suốt thời gian tôi  ở T/D-1 đóng tại Phú Bài, hai chuyện này không có xảy ra.

          Năm 1967, T/D-1 có khoảng 15 Toán Thám Sát.  Tại sao lại “có khoảng”, bởi vì có toán bị rụng một ít, hoặc đi đứt cả toán và còn đang chờ bổ sung nên quân số cứ trồi sụt từ 12 đến 15 toán là vậy.  Tiền Doanh 1 và Tiền Doanh 2 lấy tên các Tiểu bang Hoa kỳ như Alaska, Iowa, hay Ohio, v.v… đặt tên cho toán.  Tiền Doanh 5 và Tiền Doanh 6 lấy tên Chisel, Hammer, hay Shovel, v.v… mà đặt tên.  Có điều “luật bất thành văn” là:  Hễ có toán nào bị thiệt hại nặng quá nửa  toán, hay là “đi đoong” hết nguyên toán thì sẽ không dùng lại tên toán đó nữa.  Ngoài Đại Đội Thám Sát có quân số như vừa kể trên , T/D-1 Phú Bài còn có 3 Đại Đội Xung Kích tiếp ứng và 1 Đại Đội An Ninh, chỉ lo phòng thủ và phụ trách cổng chính.  Đ/Đ Xung Kích phần đông là người Nùng , Đ/Đ An Ninh phòng thủ thì đa số là người Hoa
          Tôi phục vụ tại T/D-1 Phú Bài khoảng 1 năm rưỡi, dưới các đời Chỉ-huy-trưởng như:  N/T Ngụy Hiền, N/T Hồ châu Tuấn, N/T Đoàn kim Tuấn, rồi lại N/T Hồ châu Tuấn.  Ông Hồ châu Tuấn làm việc ở T/D-1 Phú Bài hai nhiệm kỳ.  Về phía Cán bộ Việt nam thì gồm các Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan nắm toán, phần cán bộ làm việc ở tham mưu chỉ có vài ba người.  Tổng số cán bộ VN không quá 30 người.  Phía đối nhiệm HK thì quân số nhiều gấp 5 lần!  Thời gian này chưa thành lập toán VN.  Do đó, mỗi toán thường thì có một Toán Trưởng, do SQ hoặc HSQ cán bộ đảm trách.  Tuy nhiên, vì cán bộ VN còn thiếu nên có những toán do Biệt Kích Quân làm Toán Trưởng.  Về phần H/K thì mỗi toán đều có 3 quân nhân Mỹ, và chúng ta có thể thấy ngay tại sao H/K có nhiều quân số hơn phe ta.
          Khoảng cuối năm 1967, một số Chuẩn Úy mới ra trường được bổ xung về làm Toán Trưởng, gồm C/U Nguyễn xuân Tám, C/U Ngọc, C/U Thắng, C/U Tuyền, C/U Bằng mới lần lượt thay các Toán Trưởng BKQ.  Về sau C/U Thắng và C/U Bằng cũng chết.  Sự việc này đã xẩy ra hơn 40 năm về trước nên có thể trí nhớ của tôi cũng không còn đúng lắm, nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì Chuẩn úy Nhuận làm Toán Trưởng Alaska, Trung Sĩ Từ - Dakota, Trung Sĩ Thọ (Trắng) - Alabama, Trung Sĩ  Kế - Dakota và Trung Sĩ Thế toán Kansas.  Còn các Trung Sĩ Huỳnh, Trung Sĩ Khâm, v.v... tôi không nhớ nắm toán nào.

          Nghe nói nhóm HSQ Toán Trưởng này phần đông là những HSQ thật xuất sắc ở các binh chủng được tuyển chọn về  cho một chương trình "Nhảy Bắc".  Nhưng sau cuộc cách mạng 1963, chương trình này tạm dẹp bỏ, và bên CIA bàn giao lại cho MAC-SOG nên các  HSQ này chuyển sang OP-35.  Bây giờ kiểm điểm lại số HSQ này đã đền nợ nước gần hết.     Phần Biệt Kích Quân thì 100% đều là tình nguyện, trong số này không dưới 25% là các quân nhân đào ngũ ở các quân binh chủng đăng vào.  Cùng thời đi lính thì tại sao không đi lính thật "Ngầu" chứ ?  Ban tuyển mộ ở trại  biết, nhưng cũng không làm khó dễ gì.  Mà những chàng trai đã tình nguyện vào Biệt Kích rồi thì đâu còn sợ chết nữa.  Trong số này cũng không ít có anh đã đậu bằng Trung học đệ nhứt cấp, hay tú tài I.  Chỉ cần quay lưng trở về là mang lon Trung Sĩ hay Chuẩn Úy tức thì.  Thời gian coi Đại Đội Thám Sát, tôi nhận thấy các Biệt Kích Quân này rất thương yêu, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau như anh em ruột thịt.  Nhứt là khi đã cùng ở chung một toán và cùng nhau sinh tử  - Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè.  Khi hành quân có bạn bè bị thương thì với giá nào cũng phải mang được bạn về, không bỏ bạn, ngoại trừ lúc quân số địch đông gấp 5, 7 lần thì mới đành chịu rút lui.  Biết bao nhiêu câu chuyện còn truyền lại, người bị thương nặng bảo bạn bè:  "Tụi bây bỏ tất cả đạn lại đây và rút lui nhanh lên!  Tao sẽ ở lại bắn cản tụi nó..."  Và chuyện gì xảy ra sau đó thì mọi người cũng đoán được rồi.
           Mỗi lần toán hành quân nào chạm địch, bị thiệt hại hoặc mất tích một hai người, hay mất đi cả toán thì không khí trong trại, và nhứt là Đại Đội Thám Sát như không còn sinh khí!  Mọi người đều rút vào phòng nằm yên, câu lạc bộ cũng vắng tanh.  Ngay như khi ở nhà ăn cơm, dọn ra rồi lại dọn trở vào - Không ai màng gì đến ăn uống cả.  Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.  Bên phía Hoa Kỳ nếu có người ra đi không về thì không khí toàn trại cũng thế.  Tôi nhớ lần Trung Úy Hùng (Râu) Kingbee bị rớt trực thăng, trong đêm từ Khâm Đức về Phú Bài rồi mất tích.  Hôm sau, mọi người đều ngồi bên ngoài Trung Tâm Hành Quân hồi hộp, chờ được biết tin phi cơ đang bay tìm trực thăng rớt.  Nhưng tìm kiếm cả tuần cũng không thấy khiến mọi người đều đau buồn, nhứt là các toán.  Với "Hùng Râu Kẽm" thì bất chấp hỏa lực địch như thế nào cũng lao vào đón toán.  Các phi hành đoàn trực thăng võ trang Cobra yểm trợ hành quân đều xem Hùng Râu là "thần tượng".  Nhứt là lần các anh bên 219 gồm các anh Hiệp, anh Lĩnh và anh Châu bị bắn rớt ở bên biên giới Lào, gần A-Shao, A-Lưới.  Không khí ở trại mấy ngày sau đó như trong nhà đang có tang!  Tôi nhớ ngày hôm đó trực thăng vào vùng để bốc toán, nhưng bị bắn quá nên đành phải quay về.  Cả 2 lần đều như thế.  Phòng không địch mạnh đến nỗi trực thăng võ trang Cobra cũng không dám vào vùng, chỉ có các phi công anh hùng của Kingbee mới liều mạng bay vào.  Tôi cũng linh tính chắc sẽ có chuyện thì qủa nhiên chuyện không may đã xảy ra.  Ba (3) anh đã vĩnh viễn nằm lại bên kia biên giới.  Anh Hiệp đã có 2 chứng chỉ Cử Nhân, nhưng vì mê Không Quân, và mê những cảm giác mạnh nên tình nguyện vào phi đoàn cảm tử này.  Mà những "Anh Hùng" này từ giã bạn bè, bỏ lại anh em trong lúc không anh nào tuổi đời qúa 30 cả.
Nói đến các toán mà bỏ quên thành phần "Thông Dịch Viên" thì thật là thiếu sót.  Mỗi toán đều có 1 thông dịch viên.  Dù Toán Trưởng nào thông thạo tiếng Anh thì cấp số toán cũng bổ xung 1 thông dịch viên đầy đủ.  Ở trại mỗi lần có lệnh hành quân thì thông dịch viên bận rộn liên lạc với Ban 4, nhận lãnh những trang bị theo nhu cầu của chuyến công tác đó.  Còn vào rừng rồi thì ngoài nhiệm vụ thông dịch cho các cố vấn và những thành viên trong toán, thông dịch viên cũng trở thành một tay súng như những toán viên khác mà thôi.  Tôi chưa từng nghe  nói có một thông dịch viên nào "gà chết" trong lúc hành quân cả.
Tôi còn nhớ tên những anh như:  Hiệp Mù, Tuấn, hiện đang sống tại Dallas, Chung Ghẻ, Hưng, Hải Móm còn ở lại VN.  Bên Mỹ thì có Đỗ Vinh, Khánh,Thái, và Cường Đất thì mới chết vài năm trước tại Mỹ.  Còn những anh em khác tôi không nhớ tên, nhưng hy vọng họ đã qua được bến bờ tự do rồi.  Nói về những chiến công và thành qủa của Tiền Doanh 1 đạt được thì tôi nghĩ chỉ có tại BCH Sở, hay Nha, cùng bên phía đối nhiệm Hoa kỳ biết thôi.  Sau khi được giải trình từ những chuyến công tác trở về, Sĩ Quan Tình Báo Việt nam và Hoa Kỳ mới bắt đầu giải đoán để đánh giá mức độ tin tức đã thu lượm được, cùng quyết định những phương án có tính cách chiến lược.  Trong ý niệm chiến lược, nhiệm vụ của Biệt Kích Lôi Hổ không phải là giết một vài tên địch, hay thu lượm một vài khẩu súng!
           Thông thường thì dân chúng gọi chung là Biệt Kích Mỹ, và cũng có một số ít người thường dị ứng với lính Biệt Kích này.  Nhưng thật ra Biệt Kích có nhiều nhóm:  Biệt kích CIDG (Civil Irregular Defense Group - Dân Sự Chiến Đấu), đóng ở các Trại A-LLĐB.  Biệt Kích Mike Force, cũng của LLĐB nhưng là lực lượng tiếp ứng.  Biệt Kích Tỉnh PRU.  Còn thành phần Biệt Kích NKT mình gọi là SCU (Special Commando Unit).  Nhìn tổng quát các thành phần Biệt Kích nói trên thì mọi người đều gọi chung là Biệt Kích Mỹ.  Nhưng ở đây tôi chỉ nói đến Biệt Kích NKT của mình thôi.  Nhìn chung thì lính BK của phe ta, về quân phong quân kỷ thì hơi kém thật.  Quần áo ăn mặc thì đủ loại.  Đồ biệt kích, đồ beo, đồ dù...  Khi tập hợp chung thì không đồng nhất, tóc tai thì dài.  Tóm lại nhìn không đúng là người lính gương mẫu.  Nhưng bù lại đánh giặc giỏi, và hành quân đạt được nhiều thành tích.  Trong suốt thời gian tôi coi đại đội Thám Sát chưa từng bị người dân ở Phú Bài, Phù Lương, hay ngoài thành phố Huế thưa kiện lính BK làm bậy.  Thời gian này một người lính BK được lãnh hơn 9000 ngàn đồng một tháng, hơn lương Trung Úy độc thân có bằng nhảy dù!  Ăn cơm ngày 3 bữa "free".  Lúc đi hành quân thì mỗi ngày ở trong rừng được thêm tiền công tác 150 đồng.  Phần thông dịch viên được huởng lương bậc 1 cũng trên 15 ngàn, đúng là lính Mỹ có khác!
           Mỗi toán đều có mướn một cô để dọn phòng, giặt giũ và ủi quần áo.  Chi phí này nghe nói là Cố Vấn toán trả riêng.  Nhưng tôi thấy mỗi tháng các cô cũng lên Ban 1 ký lãnh tiền.  Tiền bạc rủng rỉnh như thế nên BK Phú Bài tội gì mà phải ăn quịt, hay ăn chạy chi cho mang tiếng.  Tôi thấy vài ba tên mướn nhà ngoài làng Phù Lương ở với bồ.  Con gái Huế khó khăn, dễ gì tán tỉnh.  Thế mà cuối tuần, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp vài tên nón đỏ cặp tay các em ra vào tiệm kem hay rạp chiếu bóng.  Còn về phần ngủ đò thì  gần như mỗi toán đều hùn tiền mướn hẳn một con đò vào đêm thứ Bảy cuối tuần.  Bận hành quân không ra phố ngủ đò được thì vẫn trả tiền như thường!  Bởi vậy hồi Tết Mậu thân có mấy tên ngủ đò bị Việt Cộng giết.  Đến đây, tôi cũng nêu lên một tật xấu của BK Phú Bài là đánh lộn.  Không cuối tuần nào không xảy ra đánh lộn giữa BK Phú Bài với lính của Sư Đoàn 1, Đại Đội Hắc Báo và Biệt Động Quân.  Nhiều khi làm náo loạn cả thành phố Huế!  Tuy hai ngày cuối tuần đều có xe tuần tiễu của trại chạy ra canh chừng quanh các khu phố lớn, nhưng cũng xảy ra đánh lộn hoài.  Mặc dù có xe tuần tiễu nhưng trại lại ở quá xa, gặp chuyện là phải giải quyết ngay, nên tôi hình như tuần nào cũng phải có mặt dưới phố.  Coi Đại Đội Thám Sát chi cho khổ thế này?  Mà gặp chuyện gì lớn, hay có nổ súng là ông Ngụy Hiền cũng đẩy tôi ra chịu trận.  Cũng may là Ông Thiếu Tá Cần, Quân Trấn Trưởng là người Bến Tre cùng quê với tôi.  Hồi nhỏ, tôi là bạn học với em ông.  Mỗi lần có toán viên nào đánh lộn, bị Quân Cảnh bắt là tôi nhào vô xin ông thả ngay, có lập biên bản gì tôi cũng kêu ông bỏ hết!  Tôi chỉ cười trừ khi ông mắng:  "Tụi mày không kiểm soát lính tráng, mỗi lần lính tụi mày đánh lộn, bắn lộn là ông Tư Lệnh gọi tao vào chửi gần tắt bếp luôn."
          Một lần khác, toán Lôi Hổ bắn lộn với lính Hắc Báo, và có người bị thương.  Tôi biết lần này chắc lớn chuyện rồi nên vọt vào gặp ông Tư Lệnh để nói trước phần phải về mình, nên chuyện dữ rồi cũng hóa lành luôn.  Còn câu chuyện này tôi chỉ nghe nói lại thôi, nhưng anh em  nào có ở Phú Bài chắc hẳn không quên.  Hôm đó, một Tiểu Đoàn BĐQ di chuyển ngang qua trại.  Không biết bên nào gây hấn trước, nhưng cuối cùng 2 bên nổ súng bắn nhau!  Bên BĐQ bắn cả súng cối vào trại khiến Cố Vấn trại phải gọi trực thăng và xe thiết giáp của TQLC Mỹ đóng gần đó đến yểm trợ.  Kết quả bên phía mình Đại Úy Thạnh và Trung Úy Cẩm bị phạt, và bị đổi về Sàigòn.
Các Sĩ Quan Tham Mưu của trại thường phê bình tôi là quá thân mật với lính, sẽ khó làm việc...  Tôi thấy nhận xét đó sai nhưng cũng không cãi lại.  Mỗi ngày, toàn thời giờ rảnh tôi đều ở dưới phòng các toán.  Lâu ngày tôi biết rõ tính tình và hoàn cảnh của mỗi toán viên.  Nếu nhìn một toán viên nào đó xâm trên lưng những câu như "Xa quê hương nhớ Mẹ hiền", hoặc "Lãng tử xa quê buồn nhớ Mẹ", hay những câu "Mai tôi chết ai người xây nấm mộ - Nén hương nào sưởi ấm lòng tôi" rồi dị ứng, cho là những tên này chắc có quá khứ không tốt, rồi đâm ra nghi ngờ, không cảm tình với những người này.  Nhưng nghĩ như thế là qúa cố chấp!  Sau này, tôi được biết những anh này thường là dân mồ côi, có anh đã từng ở cô nhi viện.  Lớn lên, họ trở thành những tay anh chị ở vùng Tôn Đản, hay Cây Da Xà, v.v...  Họ tuy thiếu mái ấm gia đình lúc tuổi thơ, nhưng sống rất thủy chung, cũng dạt dào tình cảm và nhứt là trọng chữ tín, sống chết không bỏ nhau.  Đôi khi tôi cũng có ý nghĩ ngộ nghĩnh là:  Những người lính BK này như những anh hùng Lương Sơn Bạc trong chuyện Thùy Hử ngày xưa vậy.
          Ở Phú Bài mùa Hè thì gió Lào thổi về nóng cháy da cháy thịt, nóng có lúc như thở không được.  Còn mùa Đông thì lạnh cắt da, mưa rỉ rả suốt ngày và gió lạnh thổi vào người nhức nhối như kim đâm vào da thịt, trời lúc nào cũng xám xịt một mầu chì.  Thời tiết xấu đến nỗi có khi cả tuần, cả tháng trực thăng không xâm nhập được.  Tuy nhiên, không có Tiền Doanh nào giống Phú bài ở mục này, là tất cả nhà cầu trong trại đều là dã chiến.  Nghĩa là đi tiêu vào trong thùng phuy đã được cắt đôi và đổ dầu cặn vào.  Mỗi ngày đem thùng phuy đem ra đốt, mùi hôi và khét thật khó chịu!
          Hôm nay ngồi nhớ lại chuyện xưa, không biết những người năm cũ bây giờ đang ở đâu?  Các Niên Trưởng Hồ châu Tuấn, N/T Ngụy Hiền, N/T Thạnh và Hy Râu, không biết sau khi rời khỏi chốn ta bà này rồi đi đâu?  Thiên Đàng hay Cõi Tịnh Độ?  Còn những người còn sống, Cán Bộ cũng như Biệt Kích Quân đang sống tự do ở nước ngoài, hay vẫn còn sống khổ sở nơi quê nhà?  Cho tôi gửi lời cầu chúc gia đình nhiều sức khoẻ, thỉnh thoảng bỏ vài phút tuởng nhớ lại những ngày xưa thân ái ở Phú Bài./.

MạnhMẽĐốngĐa

1 comment:

  1. Con cháu muốn nhờ Bác giúp đỡ tìm giúp thông tin ông, cha chúng con tên là: Châu Ton (bên ngoài gọi tên vậy, chứ không biết trong giấy tờ thế nào) có người yêu là: Nguyễn Thị Phương (có cha tên Nguyễn Ngộ, anh chị em tên Phô, Cương...). Trước cũng ở Toán nhảy Tiền Doanh - 01 Phú Bái thuộc TTHL Đống Đa, nơi đóng quân gần làng Phù Lương (chợ chiều), bị thất lạc từ năm 1972 tới nay. Nếu Bác có thông tin xin báo giúp cho chúng con về địa chỉ: Nguyễn Anh Thương, trú ở Bản 3, xã La ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận; Số điện thoại: 01674578226. Chúng con xin chân thành cảm ơn và mong Bác cố gắng giúp đỡ.

    ReplyDelete