Phần III
SỰ NGỤY TRANG
(1965-1967)
11. “ROMEO BỊ BẮT… "
Ngày 22/10/1964, bốn biệt kích thuộc toán ALTER nhảy dù xuống Lai Châu để tăng cường cho toán REMUS. Toán trưởng được chỉ định lúc đầu là Quách Rang đang bị mắc kẹt ở Buôn Mê Thuột, vì phải đối phó với cuộc nổi dậy của người thiểu số nên không đi cùng toán như đã dự kiến. Ngày 14/11, Rang với cương vị là chỉ huy phó đã cùng toán GRECO thực hiện việc tăng cường. Tháng 5, năm biệt kích nữa thuộc toán HORSE, dưới sự chỉ huy của Quách Nhung, được thả dù xuống Sơn La tăng viện cho toán TOURBILLON. Tất cả đều được Bộ Công an "đón tiếp".
Lúc này, nhiều sư đoàn quân Mỹ đang kéo vào Nam Việt Nam. Cuộc leo thang với số lượng lớn bộ binh Mỹ dẫn đến việc quân Mỹ vào tham chiến ngày càng trở nên công khai. Các hoạt động biệt kích bí mật của MACSOG đang được thay thế bằng cuộc chiến tranh mở rộng. Với sự hỗ trợ của Cục tình báo quân đội (DIA), MACSOG bắt đầu chuyển hướng từ hoạt động biệt kích sang hoạt động do thám để hỗ trợ cho một màng lướt tình báo có thể thông báo tin tức một cách mau lẹ hơn.
Mùa xuân năm đó, MACSOG được thông báo tiếp quản các phi vụ vượt biên giới sang Nam Lào. Căn cứ huấn luyện quân sự Long Thành đầy ắp lính mới tuyển để phá đường mòn Hồ Chí Minh vừa mới phôi thai. Một số học viên là nhân viên cũ của Sở chỉ huy kỹ thuật chiến lược nhưng phần lớn bọn họ đều được tuyển từ 1962 cùng tham gia xây dựng căn cứ với các lính mới.
Mùa thu 1965, chín biệt kích của toán DOG và ba của toán GECKO nhảy dù xuống Sơn La tăng cường cho toán EASY. Ngày 7 tháng 11, 8 biệt kích toán VERSE nhảy dù xuống Sơn La tăng cường cho toán TOURBILLON. Tất cả đều đã bị Công an nhân dân vũ trang đón bắt hết.
Cũng tháng đó, toán ROMEO đã sẵn sàng xuất phát, mười một thành viên của toán biết rằng nhiều biệt kích đã nhảy dù xuống trước họ tại một khu vực hạn chế trong năm 1965 chính họ là những người thay thế cho các toán mà họ bị đánh lừa và nghĩ rằng đang hoạt động sâu trong lòng miền Bắc. Không một người nào từ miền Bắc trở về, thế nhưng điều đó đã được sỹ quan huấn luyện giải thích rằng họ còn hoạt động ở miền Bắc. Mọi người đều hăng hái và muốn được đi. Các sỹ quan huấn luyện lực lượng đặc biệt Mỹ-Việt đều phấn khởi, không có một lời bóng gió, ám chỉ nào cho rằng đã có một điều gì đó sai lầm.
Toán ROMEO bắt đầu nhận lệnh tung vào miền Bắc, tới địa điểm tập kết, đợi lệnh và chuẩn bị nằm vùng chờ đợi 2 năm. Ngoài ra, nó cũng chẳng nhận được lệnh phải làm gì sau khi tới miền Bắc. Cả toán nghiên cứu bản đồ chỉ rõ địa điểm nhảy dù và nơi tập kết, tất cả đều có vẻ rõ ràng, không có gì rắc rối: Ra miền Bắc rồi sẽ biết phải làm gì. Đó là cách làm việc của quân đội Mỹ.
Chỉ thị hoạt động trong khu vực hạn chế này nhấn mạnh rằng đây là một hoạt động chống cộng, bảo vệ thế giới tự do. Trong toán ai cũng biết điều đó, họ tin vào điều đó và sẵn sàng chiến đấu vì nó.
Sau này, các toán viên của toán ROMEO nhớ lại lời nhận xét của một huấn luyện viên nói khi gần hết khoá học:
- Cứ một ngàn người tung ra Bắc, chúng tôi chỉ cần một người hoạt động thành công là may mắn rồi. Tôi nói điều này vì không muốn các anh nghĩ rằng mọi người chúng tôi tung đi đều hoạt động thành công cả. Nói tóm lại càng có nhiều người hoạt động thành công càng tốt. Chỉ có vậy thôi. Anh hoạt động thành công hay không, điều đó không thành vấn đề. Tất cả các anh đều được coi là thành công cả. Điều quan trọng nhất của toàn bộ hoạt động là ý chí, các anh sẵn sàng trở lại miền Bắc để chống cộng.
Sáng 19 tháng 11, toán ROMEO cất cánh từ Long Thành trên chiếc máy bay vận tải cùng với tổ lái người Mỹ, bay đến căn cứ trung chuyển Khe Sanh, đến chiều các biệt kích được đưa lên hai trực thăng để đến địa bàn tác chiến. Chiếc thứ ba chở các sĩ quan tác chiến Mỹ và Việt đã đi theo họ từ Long Thành để chứng kiến cuộc đổ bộ xuống khu vực đã định.
Ba chiếc cùng cất cánh một lúc và bay rất thấp qua không phận Lào. Vào lúc 4 đến 5 giờ, họ hạ cánh gần đường mòn Hồ Chí Minh tại khu vực Vitulu gần biên giới Lào, thuộc huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình. Toàn toán nhanh chóng dỡ hành lý và rời xa nơi đổ bộ.
Toán ROMEO liên lạc bằng điện đài với Sở chỉ huy để báo họ đã đổ bộ an toàn và đang hành quân đến điểm tập kết đã định. Thế nhưng quãng đường 10 km tưởng như là cuộc dạo chơi đã trở thành một cuộc hành trình 5 ngày bò lê bò càng. Vì địa hình trên mặt đất không phải như mô tả trong bản đồ.
Toàn toán kết luận rằng họ đã theo đúng chỉ dẫn để đi đến nơi tập kết, và việc họ không đến được nơi tập kết không phải do họ không biết sử dụng la bàn, bản đồ. Rõ ràng là họ đã được thả xuống sai địa điểm. Họ bị lạc hoàn toàn, không còn biết mình đang ở đâu hoặc thậm chí đã đổ bộ xuống đâu? Họ đã dựa vào những điểm giống nhau nhất định giữa địa hình và mô tả trong bản đồ để di chuyển, phần lớn các điểm này rất giống nhau. Họ bị lạc nhau hoàn toàn, thậm chí không còn nghĩ được mình đang ở đâu hoặc xác định được nơi mình đổ bộ xuống.
Họ điện báo khẩn cho Sở chỉ huy và được trả lời đúng là họ đã bị đổ bộ sai địa điểm, cách giải quyết là Sở chỉ huy phải xác định vị trí xem toán đang ở đâu mà hướng dẫn họ đến đúng điểm tập kết.
Ngày lại ngày, lương thực sắp cạn kiệt. Sáu tuần lễ lặn lội trong rừng lạ, chỉ có Sở chỉ huy biết rõ là họ đang ở đâu và đang đi về hướng nào. Thế rồi tai hoạ xảy đến. Cuối cùng, Sở chỉ huy báo đã xác định được chỗ họ đang ở và thông báo cho họ chuẩn bị nhận tiếp tế bằng thả dù.
Toàn toán dọn sạch chỗ đậu máy bay, trải một tấm pa-nen hình chữ Ttrên mặt đất để đánh dấu chỗ cho máy bay thả dù mà họ có thể nhìn thấy máy bay tới từ xa. Họ kinh hoàng khi thấy máy bay thả đồ tiếp tế cách đấy 4 đến 5 km mà nếu đường tốt cũng phải mất nhiều ngày mới đi tới được.
Trong khi đang suy nghĩ về lũ ngu xuẩn trên không thì họ nghe thấy tiếng động lạ, tiếng cười nói và té nước ở con suối gần đó. Dò la cẩn thận thì ra 5 lính miền Bắc đang đùa cười, chất bếp, đun nấu, ăn chiều và cuối cùng họ mắc võng để ngủ qua đêm mà không hề biết có một toán biệt kích với đầy đủ vũ khí đang giám sát họ chặt chẽ .
Toán ROMEO rơi vào thế lúng túng nên phải bàn bạc cách xử trí. Vì chưa đến thời điểm liên lạc điện đài nên không thể mở máy liên lạc với chỉ huy sở lúc này hay gọi máy bay bắn phá được. Bị mất đồ tiếp tế cho nên cần được tiếp tế lại ngay, thế nhưng thả dù xuống thì đội tuần tra của địch sẽ biết. Họ đi đến nhất trí và nhanh chóng vây bắt không khó khăn gì đối với 5 người lính tuần tra miền Bắc đang ngủ say.
Năm người này là lính Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Qua khai thác, họ biết là lực lượng Công an biên phòng đang lùng sục toán này, vì có lẽ là do những người chăn súc vật trên đỉnh núi báo rằng có mấy trực thăng thả biệt kích xuống khu vực này.
Trong khi khai báo, rõ ràng những người bị bắt đã không khoe khoang khi họ nói rằng suốt dọc biên giới được canh phòng cẩn mật, không gì có thể lọt qua được. Một hệ thống báo cáo tin tức từ xóm, làng đến tận Sở chỉ huy Công an Biên phòng tỉnh.
Toán ROMEO không biết xử lý ra sao. Theo bài học ở Long Thành thì phải giết ngay 5 người này. Đó là cách duy nhất để các biệt kích có thể bảo đảm rằng các lực lượng miền Bắc không thể biết được địa điểm chính xác của toán, thế nhưng rõ ràng là người Bắc Việt đã biết họ đang ở khu vực này và đang lùng sục họ.
Lý thuyết đã đi ngược lại bản chất con người. Bài học ở trường là một việc, nhưng bây giờ đối mặt với kẻ thù, họ lại lưỡng lự. Sau ba ngày đấu tranh khốn khổ, viên toán trưởng đã ra lệnh thả những người bị bắt. Toán chuyển ngay đi chỗ khác để tránh khỏi bị bắt và cũng không đánh điện báo cáo Sở chỉ huy những gì đã xẩy ra. Một tuần sau, ngày 14/1/1966, toán ROMEO bị bao vây giữa vòng hoả lực phục kích được chuẩn bị kỹ của lực lượng phối hợp giữa quân đội nhân dân, công an biên phòng và dân quân. Hẳn là năm người bị bắt, được thả về đã báo cáo đơn vị về việc họ bị toán biệt kích bắt.
Sau khi bị bắt, các toán viên bị trói bằng dây điện thoại và bị lục soát, đồ đạc của họ được thống kê cẩn thận. Một cuộc hỏi cung chớp nhoáng họ đã phát hiện ra hai nhân viên điện đài. Cả hai đều bị bắt cùng với radio và mật mã. Cả hai bị tách riêng và đem đi nơi khác.
Số còn lại bị đưa đi qua đường núi mất gần một tuần lễ thì đến phía tây thị trấn Đồng Hới, và bị tống vào nhà giam là dãy nhà lá thay cho nhà tù mọi khi của Đồng Hỡi vì sợ bị oanh kích. Họ bị giam ở đấy gần sáu tháng.
"Ông thượng uý công an cầm súng dí vào đầu tôi", một trong hai nhân viên điện đài của toán ROMEO nói.
Lúc bấy giờ là mùa thu năm 1973. Bảy năm rưỡi sau anh ta mới gặp lại đồng đội tại trại giam Quyết Tiến ở tỉnh Hà Giang. Còn một người khác trong toán vẫn bị giam giữ ở đâu đó cho mãi đến cuối năm 1979 mới gặp lại đồng đội, khi hầu như tất cả các biệt kích còn sống sót đều tập trung lại tại trại giam Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa.
"Tôi biết ông ta sắp sửa bắn tôi nhưng vì lý do gì đấy, lại thôi. Tôi nói tôi có thể cộng tác với họ đánh điện đài, nhưng tôi nói rõ là tôi chỉ đồng ý chuyển các bức điện xin tiếp tế chứ không xin thay người".
Nhiều năm sau, trong lúc nói chuyện, người đồng đội ngày trước có hỏi anh ta điều gì đã xảy ra. Sau 14 năm trời, nhiều nỗi tức giận ban đầu cũng đã tiêu tan.
Nhân viên điện đài nói: "Bộ Công an có một đơn vị đặc biệt thuộc tổng cục an ninh quốc gia và họ..."
Anh ta mô tả đơn vị đặc biệt quản lý các nhân viên điện đài được các sỹ quan An ninh Quốc gia tuyển dụng và làm việc dưới sự chỉ huy của Cục phản gián thuộc Tổng cục An ninh Quốc gia. Họ hoàn toàn không có liên lạc với bất cứ người nào khác và có đường dây thông tin riêng biệt. Viên thượng uý từ đơn vị đặc biệt này của Bộ được cử xuống để quản lý các nhân viên điện đài của toán ROMEO.
"Anh biết đấy", anh ta nói tiếp: "Tôi có ám hiệu riêng chỉ có tôi mới biết dùng một cách riêng để báo trong bức điện về Sở chỉ huy điều gì đã xảy ra. Tôi hình dung họ có thể gửi tiếp tế lại nhưng nếu họ biết chúng tôi đang bị áp lực phải đánh điện thì họ sẽ không dám gửi quân tiếp viện vì sợ bị giết".
Sau khi bức điện được giải mã, người điện báo viên này biết rằng chỉ huy Sở sẽ gửi thêm người để tăng viện. Trong trường hợp này anh ta biết cần phải làm gì và quyết định liều mạng đánh điện rõ ràng, không dùng mật mã.
"Tôi đánh điện đi hai lần trước khi viên thượng uý phát hiện điều gì đã xảy ra. Tôi đánh hai lần, rất nhanh: "toán ROMEO đã bị bắt", "toán ROMEO đã bị bắt".
Ông ta đứng cạnh tôi, rút súng lục ra giám sát tôi đánh điện và khi phát hiện ra điều tôi đã làm ông ta đẩy tôi ra, dí súng vào đầu tôi. Tôi biết ông ta muốn bắn tôi chết tại chỗ, nhưng ông ta đã không bắn.
Nhân viên điện đài này được giữ lại đó thêm hai ngày và sau đó nhận thêm được một bức điện nữa của Sài Gòn gửi ra. Lúc đó một nhân viên an ninh khác được cử đến để thu bức điện. Bức điện nói rằng bức điện hôm trước Hanh, điệp báo viên, đánh đi là sai. Hanh bị đẩy khỏi máy, bị đánh đập, bị tống vào nhà tù.
Người bạn cùng toán với nhân viên điện đài này quay mặt đi. Phải chăng những điều anh ta nói là sự thật?
Ngay từ đầu, hai điện báo viên đã bị cách ly khỏi đồng đội và đem đi, không ai biết họ bị đem đi đâu. Ngoài ra, người ta tin là bọn nhân viên điện đài đã nói láo, bịa chuyện về những gì xảy ra sau khi họ bị bắt. Vậy tại sao phải tin vào chuyện này? Câu chuyện này chẳng có gì đáng tin cả.
Các tù nhân khác nói rằng họ nghe nói là một số nhân viên điện đài đã chuyển tin đi từ Hà Nội, chúng ở một nơi nhưng đánh điện về báo cáo lại nói là ở nơi khác. Hơn nữa họ không bao giờ được tham gia vào việc mã hoá và giải mã bất cứ bức điện nào, nên họ không thể nào biết nội dung các bức điện họ đánh đi. Công việc duy nhất của họ là chuyển các bức điện đi, đảm bảo cho chỉ huy ở Sài Gòn hài lòng là điện báo viên không bị thay đổi. Sỹ quan Công an làm công việc mã hoá và giải mã. Người bạn cùng toán với nhân viên điện đài này chắc chắn rằng anh ta đã nói dối.
Mỗi điện báo viên có cách đánh điện riêng của mình. Chỉ huy Sở Sài Gòn có một băng cátset ghi lại đặc điểm của từng người để bảo đảm rằng nếu người Bắc Việt Nam thay thế người của họ vào sẽ bị phát hiện ngay. Hơn nữa, Sài Gòn còn có máy dò hướng xuất phát các bức điện để giúp họ phát hiện ra địa điểm điện báo viên phát đi các bức điện. Do đó Công an miền Bắc không thể điều khiển một điện báo viên bị bắt trong một thời gian dài nếu họ không giữ cố định nơi phát đi các bức điện. Chỉ huy Sở Sài Gòn chắc là phải biết rằng các điện báo viên của họ đang bị đối phương khống chế và đã quyết định cứ cho hoạt động này tiếp tục để biết ý đồ của miền Bắc muốn gì.
Khi anh ta nghĩ về điều này và nhớ lại những gì Sở chỉ huy đã làm và những người đã cử ra Bắc, anh ta càng thấy rõ là họ không bao giờ cử một nhân vật quan trọng nào trong các phi vụ ra Bắc. Phải chăng đấy là chứng cứ cho thấy rằng họ đã biết hoạt động này đã bị vô hiệu hoá? Phải chăng họ đang chơi lại miền Bắc bằng cách tiếp tục gửi các toán biệt kích ra Bắc để phát hiện ý đồ và kế hoạch của họ?
Ít ra cũng có một điều an ủi. Tất cả các toán viên đều đã ký hợp đồng khi họ tham gia chương trình bí mật trong đó có các điều khoản đảm bảo quyền lợi nếu họ bị bắt hoặc coi là mất tích. Một ngày nào đấy họ sẽ được trở về và một cái gì đó đang chờ đợi họ, hy vọng là như vậy.
Những tuần lễ đầu bị giam ở phía Tây Thị xã Đồng Hới, toán ROMEO bị thẩm vấn hết ngày này sang ngày khác. Những người thẩm vấn của Ty Công an Quảng Bình và ở Công an ở Hà Nội cử vào. Có các cuộc không kích, nhưng không rõ ai ném bom và mục tiêu nào đang bị đánh phá.
Một ngày tháng 3/1966, một tù binh mới đến "Anh là ai?”, một biệt kích hỏi nhỏ anh ta.
“Tên tôi là Nguyễn Quốc Đạt" - Anh ta trả lời khẽ.
"Tại sao bị bắt?"
"Tôi là phi công. Tôi đang thực hiện một phi vụ không kích thì bị trúng đạn, nhảy dù, bị bắt vào đây".
Đạt thuộc không lực Việt Nam Cộng hoà, chỉ bị giữ mấy ngày ở đây rồi được chuyển từ Quảng Bình ra Hoả Lò Hà Nội. Đạt đã trở thành nhân vật cho cánh tù biệt kích xì xào bàn tán. Câu chuyện của anh ta lan truyền từ người này sang người khác. Đạt là tù binh của miền Bắc, nhưng anh ta đã chiến đấu chống lại họ. Đấy là điều mà tất cả bọn họ đã muốn làm. Bằng cách riêng, họ đã hoan hô anh ta và có một chút ghen tị với anh ta.
Cũng như các toán đi trước và các toán sau này, các toán viên ROMEO đều ký hợp đồng lao động với Sở kỹ thuật chiến lược theo yêu cầu của MACSOG và điều lệ nhân viên dân sự được áp dụng cho cả các tình báo viên cũng như những người không phải tình báo viên. Việc ký hợp đồng này được thực hiện mỗi khi có người mới tuyển cho chương trình hoạt động bí mật này.
MACSOG không trực tiếp ký hợp đồng vì theo chính sách của Mỹ phải sử dụng tổ chức của chính phủ Nam Việt Nam và thay mặt Mỹ ký hợp đồng tiến hành các hoạt động biệt kích chống Bắc Việt Nam. Điều này nhằm mục đích làm cho Mỹ dễ dàng chối bỏ, và cho phép Mỹ có thể rêu rao rằng đó là các hoạt động không phải do Mỹ chỉ huy. Các hợp đồng đó cũng cần để đảm bảo có đủ số lượng điệp viên trong biên chế vì Miền Nam thường thay chính phủ luôn luôn. Đại tá Clyde Russell-Tư lệnh đầu tiên của MACSOG đã nói:
- Đại tá Hổ về quân sự mà nói là người rất kém… là một cựu chủ nhà băng… là người có thể chấp nhận được về chính trị, đã sống sót qua các cuộc đảo chính… Tôi thấy thương hại cho ông ta khi bắt chính phủ của ông ta đi theo hướng của chúng ta. Một tháng sau chúng ta lại làm lại, lại phải bắt đầu từ đầu và lại bắt chính phủ ông ta đi theo hướng của chúng ta. Khi tôi ở đấy chúng tôi đã phải làm đi làm lại 4-5 lần như vậy. Vì bản chất yếu đuối, nói như vậy về ông ta có thể không đúng lắm, nhưng tôi thấy rằng tôi có thể bảo ông ta làm bất cứ gì mà Mỹ muốn họ làm… Có những lúc ông ta muốn giải thể chương trình biệt kích không vận vì ông ta cảm thấy rằng chúng ta không thể đưa những người đó ra miền Bắc, nhưng lại vì bản chất yếu đuối nên chúng tôi gây áp lực buộc ông ta đồng ý và thế là … chúng tôi quay lại tổ chức các toán biệt kích không vận như từ đầu.
Các quyết định về các toán viên toán ROMEO cũng như các toán biệt kích khác về các nhiệm vụ biệt kích ở miền Bắc đã bị thay đổi về tinh thần và ý đồ trong việc dàn xếp ký hợp đồng với các điệp viên khi tuyển dụng họ. Khốn thay, chẳng ai nói cho họ biết cả. Sự thay đổi này áp dụng cho cả các hợp đồng đã ký với những người còn ở tù ngoài Bắc, những người đang huấn luyện ở Miền Nam và cho cả những người mới tuyển vào chương trình bí mật này. Theo lệnh đại tá Donald Blackburn, Tư lệnh MACSOG, nhiều điều khoản cụ thể đã bị thay đổi Sự thay đổi này được thực hiện mà không đếm xỉa gì đến các thoả thuận trước khi tuyển dụng, và nó cũng không bao giờ được thực hiện bằng lời văn trong giấy uỷ quyền do mỗi điệp viên làm vài tháng trước khi được đưa ra Bắc. Tóm lại, MACSOG vẫn hứa một số quyền lợi nhất định đối với các điệp viên và người nhà của họ trong khi đó lại cố tình phớt lờ các cam kết làm cho các biệt kích phải mạo hiểm cuộc sống của mình để phục vụ cho lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Theo đại tá John.J. Windsor, thuộc Bộ tư lệnh quân đội Mỹ USMC, trưởng ban tác chiến của MACSOG, đến MACSOG vào tháng 6 năm 1965, trước khi toán ROMEO được đánh đi thì thay đổi này xây ra từ năm 1966. Năm 1969, ông ta đã mô tả sự thay đổi này trong các hợp đồng của biệt kích với Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.
Mối liên hệ chính của tôi với đối tác Việt Nam là đại tá Hổ, một đối tác Nam Việt Nam của đại tá Blackburn… Chúng tôi quan hệ với nhau chẳng có vấn đề gì. Tôi xin dẫn chứng một ví dụ.
Như anh biết, chúng tôi đã mất khá nhiều điệp viên (người Việt) ở miền Bắc, theo chính sách thì chúng ta vẫn tiếp tục phải trả lương như thể là họ chưa bị chết. Sau 6 hoặc 8 tháng ở đấy danh sách thân nhân của họ mà chúng ta phải trả lương tháng lên đến con số lớn. Đại tá Blackburn bàn với tôi rằng ông ta muốn trả cho họ một khoản tiền tử tuất và cắt khoản lương tháng phải trả cho gia đình. Tất nhiên đây làmột vấn đề gay cấn, tôi đến gặp đại tá Hổ để giải thích cho ông ta. Trước tiên tôi hỏi ông ta có bao nhiêu điệp viên thuộc dạng này. Tôi biết câu trả lời của ông ta trước khi đặt câu hỏi. Hổ phải hỏi ý kiến ban tham mưu của ông ta. Khi tôi nói với ông ta điều chúng ta muốn làm, họ đã hợp tác hoàn toàn với tôi…Chúng tôi giảm số người chết dần dần bằng cách công bố số người chết hàng tháng rất nhiều, cho đến lúc tất cả đều chết hết (để trả tử tuất) và xoá tên trong số lương trả hàng tháng. Chúng tôi làm thế để tránh bị phê bình là số tiền này đã biến đi đâu mất. Phản ứng đầu tiên của đại tá Hổ là ông ta không muốn để các biệt kích và người thân của họ biết là chúng ta đã mất nhiều người như thế. Đấy là lý do tại sao bản thân ông ta đã không làm như vậy nhưng tuy nhiên ông ta cũng đã đồng ý với đề nghị nói trên của chúng tôi.
Tôi nghe rất nhiều lời chỉ trích của đại tá Hổ và thiếu tá Bình và nhiều người Việt khác nữa; bởi vì họ có cách nhìn khác về cuộc sống. Bọn họ thường nói: "Các ông chỉ ở đây một năm rồi về Mỹ, bọn tôi đã đánh nhau trong chiến tranh này 15 năm rồi và không biết còn phải đánh nhau bao nhiêu nữa". Bọn họ có cách nhìn khác và tôi thấy không phải họ thiếu trách nhiệm hay thiếu năng lực thực thi nhiệm vụ của mình. Điều tôi muốn nói là họ không tham vọng một cách tích cực và không năng động như người Mỹ, nhưng tôi cảm thấy rằng nói chung họ đều có khả năng cả.
Đại tá Windsor chắc phải biết rằng đa số biệt kích đều bị bắt. Việc họ bị bắt thường được miền Bắc làm rùm beng và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, EIA Và Macsog đều biết quá rõ. Tại sao, ông ta lại có thể khẳng định các biệt kích đều chết trong khi hồ sơ của ông ta cho thấy thì việc họ còn sống hay chết vẫn chưa rõ ràng.
Nhiều trường hợp các điện báo viên vẫn đánh điện báo cáo thường lệ về Sài Gòn, một đài thu ở Philippin đã thu được các bức điện này. Những thông tin đó cũng nằm trong tập hồ sơ riêng của từng toán biệt kích lấy từ các buổi phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng Anh của đài Hà Nội nói về các toán biệt kích bị bắt không chịu hợp tác với Bắc Việt Nam. Các buổi phát thanh đã được bộ phận thu tin nước ngoài của CIA ghi lại hết.
Mặc dầu biết vậy, nhưng Sở Chỉ huy kỹ thuật chiến lược (STD) Nam Việt Nam-là đối tác của MACSOG theo nguyện vọng đại tá Blackburn, đã thông báo trực tiếp hay gián tiếp cho thân nhân của họ rằng người thân của họ đã bị mất tích trong khi đang hoạt động ở Nam Việt Nam. Gia đình họ đã không được thông báo sự thật, rằng thực tế họ đã bị bắt. Tin họ bị bắt được lan truyền rõ ràng là không có lợi cho Nam Việt Nam nên đã bị giữ kín không cho thân nhân họ biết.
Một sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng đặc biệt Miền Nam đặc trách việc tạo vỏ bọc nguỵ trang cho việc sử dụng biệt kích với Nhóm quan sát số một, và sau này là Sở kỹ thuật, đã giải thích theo quan điểm của ông ta về những gì đã xảy ra:
"…Đa số những người được đưa ra Bắc lúc đầu đều là các trung sĩ của các đơn vị sư đoàn 22. Tôi biết là mỗi người trước khi đi đều ký giấy ủy quyền gồm các điều khoản giao ước trả tiền cho vợ họ ở nhà, thậm chí người ta còn hứa hẹn là các khoản lương đó được tiếp tục trả cho đến ngày họ trở về. Điều đó đã không xảy ra, không đúng như điều người ta đã làm cho họ tin.Thực tế là chúng tôi không có quỹ nào để trả mãi tiền cho họ, chúng tôi phụ thuộc vào tiền của Mỹ. Khi các ông quyết định ngừng trả, chúng tôi chẳng có ngân quỹ nào cả và cuối cùng thì các ông cũng ngừng nốt việc trả lương cho chúng tôi.
Một khía cạnh khác, mặc dầu các biệt kích quân đội chúng tôi được cử ra miền Bắc hoạt động do Mỹ chỉ huy, phía Nam Việt Nam chúng tôi phải áp dụng điều lệ riêng của quân đội chúng tôi với họ, nếu họ không trở về. Điều đó có nghĩa là một khi họ không trở về, chúng tôi sẽ tuyên bố là họ đã mất tích trong khi làm nhiệm vụ, một năm sau ngày mất tích. Tôi biết là người ta nói với các biệt kích rằng gia đình họ sẽ được chăm sóc cho đến khi họ trở về, thế nhưng quy định này các ông đã lờ đi. Chúng tôi nghĩ rằng nếu họ trở về chúng tôi sẽ đối xử như lính của chúng tôi bị bắt làm tù binh trong các cuộc hành quân quân sự thông thường. Họ sẽ được truy lĩnh từ ngày thôi trả lương cho gia đình họ đến ngày họ trở về. Khốn thay, chẳng có ai nghĩ là chúng tôi sẽ thua trận. Dĩ nhiên, không bao giờ chúng tôi nói là họ đã chết, chỉ mất tích thôi…"
"Nhưng", tôi hỏi: "Đối với các nhân viên đang làm cho CIA của chúng tôi và ở Quốc phòng thì sao? Chúng tôi đã ký hợp đồng với họ, chúng tôi đồng ý đền bù cho họ đến khi họ trở về. Thậm chí chúng tôi còn hứa trả tiền cho gia đình họ trong trường hợp họ bị bắt. Có phải đúng như vậy không, nếu đúng thì điều gì đã xẩy ra?".
Viên cựu đại tá im lặng một lúc, rồi nói: "Tất cả những gì tôi có thể nói với ông là Sở chỉ huy kỹ thuật chiến lược sẽ gửi cho tôi thông báo rằng các ông này, ông này… thuộc nhóm 77 lực lượng đặc biệt đã được công bố là mất tích và tôi phải bảo đảm rằng sau một năm gia đình họ sẽ chính thức được thông báo là gia đình được lĩnh tiền tử tuất".
Tôi không nghi ngờ những gì ông ta đã nói với tôi vả lại nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến quyết định của chúng ta. Chúng ta đều làm thế cả ngay trường hợp đối với những người chúng ta biết là họ bị bắt làm tù binh. Một năm sau tất cả họ đều bị coi như mất tích. Như tôi đã nói chúng tôi không có tiền để trả lương cho một người nào đó vô hạn định. Nếu họ trở về, họ sẽ được trả tiếp. Tôi chắc mọi người đều biết rõ điều đó.
"Vâng" tôi hỏi lại: "Thế còn đối với các biệt kích dân sự thì sao?”
"Ồ, đấy lại là chuyện khác, điều đó không dính dáng gì đến tôi, đấy là việc mà người Mỹ các ông làm với đại tá Trần Văn Hổ, ông đi mà hỏi ông ấy".
Tin tức từ các biệt kích còn sống sót và từ gia đình họ cho thấy việc ngừng trả lương tháng cho gia đình họ xảy ra khá lâu trước khi một người bị coi là mất tích, khá lâu trước khi MACSOG ngừng trả hương cho Nha kỹ thuật. Cũng giống như hoạt động biệt kích, những người nắm giữ những khoản tiền không bao giờ được trao đến tay các gia đình biệt kích đều muốn vấn đề này được khép lại.
Thế thì trách nhiệm của Mỹ đối với các hoạt động biệt kích là gì và những yếu tố nào làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các trách nhiệm đó? Tham mưu liên quân đã đánh giá về hoạt động biệt kích một cách rõ ràng và không chút mập mờ.
Một vấn đề có ý nghĩa đối với cả hai mặt. Hiệu quả hoạt động và quản lý về chức năng của chương trình MACSOG ngay từ lúc khởi đầu, đó là hệ thống trả tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng công tác tuyển dụng và tài trợ cho các nhân viên tình nguyện người Việt. Thủ tục cơ bản do CAS đưa ra từ trước năm 1964. Quyết định ban đầu tiền thưởng thường bị đưa ra bàn cãi, nhưng nhất thiết không thể rút bỏ, vì phải tính đến khả năng đào ngũ của các biệt kích đã được huấn luyện, cũng như phản ứng chính trị từ phía các đại diện của ở tổng tham mưu liên quân Chính phủ Việt Nam Cộng hoà (JGS), những người đã ủng hộ chương trình này. Các nhân viên Mỹ của MACSOG luôn nhấn mạnh rằng phải khuyến khích lòng yêu nước, làm tăng động lực cho lính đánh thuê, nhưng trong thực tế triết lý này không có hiệu quả đối với việc tuyển dụng biệt kích.
Những người Việt tình nguyện được tuyển dụng, lúc đầu ký hợp đồng cá nhân với viên Tư lệnh Sở kỹ thuật chiến lược (STD) hay người đại diện được ông ta chỉ định, chẳng hạn như Tư lệnh cơ quan an ninh bờ biển (CSS) với tư cách là nhà thầu của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Lương cơ bản, tiền thưởng khi mãn hạn, tiền thưởng và định kỳ tăng lương đều ghi trong hợp đồng... Rắc rối là do thủ tục tài chính của MACSOG (SOPS) để kiểm toán trước khi giao quĩ cho sĩ quan tài chính STD... Các yêu cầu về tiền thưởng công tác được chuyển trực tiếp cho thủ trưởng MACSOG. Một sỹ quan MACSOG và chỉ huy trưởng STD xem lại và ký trước khi chuyển ngân quĩ cho sỹ quan tài chính STD để phát tiền. Tất cả các giao dịch đều được ghi vào báo cáo thống kê tài chính của các đơn vị của cả STD và MACSOG và do kiểm soát viên của MACSOG kiểm toán.
MACSOG, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Bộ Quốc Phòng triển khai lực lượng thi hành các nhiệm vụ này, nhưng lại thiếu kiểm soát viên của MACSOG để kiểm tra tài chính về các chi phí này. Kế hoạch này đã không hoàn hảo ngay từ đầu, về sau Tham mưu trưởng liên quân xem xét lại càng thấy rõ như thế.
Yểm trợ về mặt hậu cần cho COMUSMACV (Tư lệnh, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam), kế hoạch 34A, khi vạch ra hồi tháng 11/1963chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí trong nước, chương trình dự định hạn chế trong vòng 12 tháng. Theo kế hoạch ban đầu các nguồn kinh phí trong nước được ước tính là đủ.
Tháng 4/1964, trong khi hoạt động biệt kích đang tiến triển thì Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng lại định vạch kế hoạch chi phí cho tổ chức và các hoạt động biệt kích đang ở giai đoạn 1 của kế hoạch 34A. Ông ta báo cáo như sau: Trước khi tổ chức lại COMUSMACV/MAAG (Nhóm cố vấn viện trợ quân sự Mỹ) COMUSMACV là cấp trực thuộc Tổng hành dinh thống nhất (CINCPAC) được ở Hải quân tài trợ, sử dụng hoạt động duy tu bảo trì, ngân sách, dịch vụ bằng cách lấy ngân quĩ trực tiếp từ văn phòng tư lệnh hoạt động hải quân và nhóm cố vấn viện trợ quân sự Mỹ do ở Hải quân tài trợ, bằng cách sử dụng ngân quĩ của MAP, bằng ngân quĩ trực tiếp từ Bộ Hải quân cung cấp cho CINCPAC và MAAGV… Phần còn lại của 1964 tài trợ…sẽ vẫn giữ nguyên không thay đổi trừ khi COMUSMACV sẽ đảm nhận trách nhiệm và quyền sử dụng của quĩ MAP dành cho MAAGV.
Mãi đến tháng 9/1964, Bộ tư lệnh tham mưu liên quân mới đưa ra chi tiết về các tài trợ này.
Tham mưu trưởng liên quân giao trách nhiệm cho Tư lệnh các hoạt động hải quân cung cấp mật quĩ cho MACSOG. Các thủ tục cấp kinh phí phải thoả mãn các yêu cầu về an ninh và bảo đảm không thể qui trách nhiệm cho Mỹ và không có những hạn chế về hoạt động và sử dụng ngân quĩ. Các kênh cấp ngân quĩ của Bộ Quốc phòng chỉ định (CIA) và sau đó là đến MACV. Theo MACSOG ước tính thì các yêu cầu về ngân sách hàng năm được gửi lên Tham mưu trưởng liên quân, qua MAVC và CINCPAC. Sau khi Tham mưu trưởng liên quân duyệt y, CNO với tư cách là người thừa hành sẽ lập kế hoạch cấp ngân quĩ và thương lượng với Quốc hội để được phê chuẩn trên cơ sở giữ bí mật một cách thích hợp. Sau đó ngân quĩ được chuyển hàng quí do sĩ quan phụ trách về tài chính của Tư lệnh hoạt động hải quân đặc trách…
Hạm trưởng hải quân Mỹ Bruce B. Dunning, sỹ quan tham mưu sau đó là Cục trưởng Cục tác chiến đặc biệt của Bộ Quốc phòng trong thời gian 1966-1967 mô tả các hoạt động cấp Washington và các vấn đề liên quan, để yểm trợ các hoạt động biệt kích bí mật của MACSOG như sau.
Kinh phí phải được cấp trực tiếp từ Bộ trưởng Quốc phòng chứ không phải từ các Sở, từ quĩ dự phòng các chi tiêu đột xuất... CIA đã và đang làm trong nhiều năm nay. Cách làm thông thường hiện nay về việc cho phép một chương trình bí mật chỉ đạo một nhiệm Sở đảm trách ngân quĩ và tài trợ kinh phí cho chương trình đó là không thoả mãn…
Không một ai ở cấp Washington bác bỏ ngân sách của SOG. Hải quân có trách nhiệm cung cấp kinh phí. Vì cách thức SOG được thành lập nên Hải quân chỉ việc dán cho nó nhãn hiệu tài trợ bởi SACSA. Họ không ở vào vị trí dễ biết để phán xét hiệu lực của ngân sách đó hay biện minh cho nó. Bởi vậy, chúng tôi SACSA hàng năm phải ra trước Quốc hội để biện minh về ngân sách đó. Mặt khác, Hải quân thì nói rằng: "Đồng ý, đây là bản yêu cầu, chúng tôi sẽ điền vào đầy đủ”, thế rồi họ nhập vào ngân sách của Hải quân. Chúng tôi, SOD, không được bác bỏ ngân quĩ này một khi do CINCPAC đưa đến, vì chúng tôi không có khả năng. Chúng tôi không có khả năng của một người kiểm soát…chỉ vì chúng tôi không có thời gian.
Kết quả là (do tình cờ thôi các thành viên Tiểu ban Chuẩn chi Hạ viên biết được việc này vì tôi rất thành thực với họ về điểm này), ngân sách SOG đưa ra không bị bác bỏ ở bất cứ cấp nào cao hơn CINGPAC... Chúng tôi nhận ngân sách đó theo cách nó được đệ trình và hy vọng nhận được số tiền đó.
Không may cho các biệt kích là quyết định của đại tá Blackburn yêu cầu phải công bố là họ bị mất tích trong khi làm nhiệm vụ đã dẫn đến việc tạo ra một lực lượng mà chẳng bao lâu đã biến khỏi sổ sách tài chính của nước Mỹ. Tuy nhiên, trước đó, nhiều toán biệt kích nữa đã được ném ra miền Bắc.
12. TOÁN HECTOR
Đại uý Nguyễn Hữu Luyện, một sĩ quan hiện dịch được bổ nhiệm đến Tổng nha kỹ thuật chiến lược, là một sĩ quan huấn luyện có kinh nghiệm, quyết hiến thân để đánh bại cộng sản!!. Luyện quyết định làm một cái gì đó để chứng minh là sẽ lập các đội biệt kích hoạt động lâu dài, có tác dụng và tác dụng tốt. Hắn tuyển riêng một đội, và tự mình đứng ra chọn các "thanh niên tình nguyện", các cậu choai choai văn hoá ít nhất là lớp 11, để thành lập một toán lớn lấy tên Bắc Bình. Hắn đích thân kiểm tra việc huấn luyện, gởi đi và đưa họ trở về an toàn và hắn hy vọng đám này sẽ là đội ngũ hạt nhân huấn luyện các toán sau. Khi đại úy Luyện giảng giải cho đội viên của hắn thì một vấn đề khá hắc búa nổi cộm lên đã không thể tự xác định và báo cáo chính xác vị trí các toán đã thả dù xuống miền Bắc.
Toán Bắc Bình bắt đầu luyện tập từ 11/1965 do Luyện trực tiếp chỉ huy huấn luyện. Hắn chủ trương lập toán lớn để từ đó có thể hình thành bốn toán nhỏ. Tháng 6/1966 mãn khoá huấn luyện và toán đã sẵn sàng lên đường, mặc dầu lúc đầu toán này đã có trên 40 toán viên. Sau chỉ còn lại 30 người, và chỉ đủ chia thành 2 toán.
Toán thứ nhất lấy tên là Bắc Bình I, bầu Bùi Quang Cát làm toán trưởng. Đại uý Luyện nói rằng hắn sẽ theo toán này ra miền Bắc với tư cách là cố vấn quân sự. Tháng 6, toán này chuyển đến khu vực hạn chế và được đổi tên là HECTOR I. Ngày 22/6, họ đi theo đường cũ của các toán trước đó, đầu tiên xuống Thái Lan, sau lên trực thăng đến vùng rừng phía Tây tỉnh Quảng Bình. Toán xuống mặt đất, an toàn, HECTOR I lập căn cứ tác chiến, và trong suốt cả tháng đầu họ hoạt động mà không bị bắt.
Một hôm đại uý Luyện cùng với toán trưởng và hai toán viên là Đinh Văn Vượng, Nguyễn Mạnh Hải vào một làng nhỏ ven núi để tiếp xúc với dân làng. Các toán viên tỏ ra sợ hãi, nhưng Luyện quả quyết sẽ không sao cả, họ có thể vào làng và trở ra an toàn. Trước đó, Luyện đã thuyết phục cho học trò của y rằng khi vào một làng, đừng bao giờ tin ngay điều mà người dân gặp đầu tiên nói. Lúc đó hắn đã quên chính điều mà hắn thường cảnh tỉnh các học trò của hắn khi các người dân bảo hắn đợi. Trong lúc hắn đợi thì người làng đi báo Công an. Thế là cả 4 người bị bắt.
Các toán viên còn lại ở căn cứ tác chiến biết điều gì cần phải làm tiếp. Đúng ra họ chờ Luyện và đồng đội khoảng vài giờ, rồi lặng lẽ, nhanh chóng chuyển địa điểm. Ngược lại họ chờ Luyện tới 5 tiếng đồng hồ, vì họ tin là Luyện không thể bị bắt. Trong khi đó người Bắc Việt Nam đã buộc viên toán trưởng phải dẫn họ đến căn cứ và bắt tất cả những người còn lại của toán HECTOR I. Thế là hai điện báo viên chính của toán lại được bổ sung thêm vào danh sách các điệp báo viên bị Hà Nội khống chế. ( xem thêm Hồi Chuông Báo Tử )
MACSOG nhanh chóng chuyển từ hoạt động tình báo biệt kích bí mật sang hoạt động do thám công khai hơn, điều đó phù hợp với các cố gắng của tướng Westmoreland định vượt qua giai đoạn 1 của chiến dịch nhằm ngăn chặn không để Hà Nội sớm giành được thắng lợi ở Miền Nam. Giai đoạn 1 của ông ta là triển khai các lực lượng Mỹ bảo vệ các trung tâm dân cư lớn để quân đội Nam Việt củng cố sự kiểm soát các khu vực đó. Sự thay đổi này từ các cuộc hành quân phần lớn là để phòng thủ trong năm 1965 đến mở màn và kết thúc giai đoạn II của kế hoạch Westmoreland mà người ta hình dung là các lực lượng Mỹ sẽ quét từ các trung tâm đông dân vào tận các vùng căn cứ địa Cộng sản. Westmoreland tin rằng quân Mỹ tấn công vào các vùng căn cứ địa Cộng sản sẽ làm tan vỡ các đơn vị địch mà ông ta phải đương đầu và kiểm soát chặt chẽ mùa gặt sắp đến để ngăn chặn không cho Cộng sản sống bằng nguồn lương thực được trồng ngay trên đất Nam Việt Nam. Các cuộc hành quân trên bộ này phối hợp với các cố gắng của Hạm đội 7 ở Vịnh Bắc Bộ để cắt đường mòn tiếp tế trên biển của Hải đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam.
Mùa xuân 1966 dân chúng Phật giáo tiếp tục nổi dậy đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cải cách hơn nữa. Washington chủ trương tổ chức bầu cử để biểu thị quá trình dân chủ hoá mà Bộ Ngoại giao Mỹ thấy cần tiến hành từ lâu để những người thừa kế Diệm có một nền tảng cơ bản.
Trong khi toán HECTOR đang chuẩn bị ra Bắc thì các lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh thẳng qua vùng phi quân sự, chứ không còn đi qua con đường vòng dọc sườn núi phía Tây qua Lào nữa. Điều này xẩy ra cùng lúc với việc Mỹ tăng cường oanh tạc đường mòn Hồ Chí Mình, kể cả việc sừ dụng máy bay B52 ném bom Lào đến tận các con đường vượt qua Biên giới như đèo Mụ Giạ. Hàng vạn thanh niên xung phong, nhất là các thiếu nữ nhanh chóng sửa chữa các con đường làm thất bại âm mưu gây gián đoạn con đường xâm nhập người, dụng cụ chiến tranh vào Nam.
Chuẩn tướng Joseph A. Mc Christian, trưởng ban tình báo của Westmoreland đã cảnh cáo rằng các lực lượng miền Bắc đang ngày càng dựa vào các khu thánh địa ở Campuchia, để chuẩn bị các trận đánh trên bộ ở Miền Nam. Nhiều nguồn tin tình báo cũng đều nói vậy. Chứng cứ hiển nhiên là đoàn vận tải 559 của Hà Nội đang triến khai mạnh vào Campuchia. Bộ trưởng Quốc phòng Mc. Namara đối phó với sức ép đòi đánh vào các thánh địa Campuchia, đã ngăn cấm không cho các tư lệnh cao cấp ở chiến trường không được tuyên bố gì về vai trò ngày càng tăng của các thánh địa này. Mc Namara được các nhà phân tích CIA ủng hộ, họ coi Bộ chỉ huy của Westmoreland là "cường điệu” tầm quan trọng của Campuchia đối với Cộng sản đang chiến đấu ở Miền Nam.
Bấy giờ Mc Namara đưa ra một khái niệm mới, gọi là dự án Jason do các cố vấn của ông thúc đẩy. Đến tháng 9, Mc.Namara bắt đầu quảng cáo cho dự án này và đặt tên là "Hàng rào Mc Namara", khái niệm này được hình dung một hàng rào điện tử (Sensors) và các thành luỹ đan chéo nhau. Điều này có thể buộc hàng vạn lính Mỹ và lính Nam Việt phải nằm chết dí trong các vị trí phòng thủ tĩnh tại. Mặc dù chẳng bao giờ thực hiện được hàng rào thành luỹ đồ sộ nhưng dự án này đã báo hiệu cho việc sử dụng điện tử vào cuộc chiến tranh trên bộ. Các toán biệt kích, thám báo vẫn đang được huấn luyện ở căn cứ Long Thành đã được chuẩn bị một cách thầm lặng để đóng một phần nhỏ trong việc triển khai và thử nghiệm sớm việc sử dụng khái niệm điện tử trên mặt đất đối với Bắc Việt Nam.
Ngày 13/9/1966, bộ phận còn lại của toán Bắc Bình, được đặt tên là HECTOR II, chuyển đến vùng hạn chế tại Long Thành để nghe phổ biến nhiệm vụ. Một thiếu tá lục quân Mỹ và đại úy Dung phiên dịch, đã khái quát nhiệm vụ của họ như sau: do thám đường mòn Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chi tiết sẽ báo qua điện đài sau khi đến miền Bắc và bắt được liên lạc với chỉ huy sở. Hoạt động này sẽ kéo dài trong hai năm và hàng tháng sẽ điều chỉnh vùng hoạt động, tuỳ theo diễn biến tình hình và nhiệm vụ.
Đại uý Dũng còn dặn thêm rằng nhiệm vụ của HECTOR I và báo cáo về nếu thấy địa điểm của nó. Sau khi Sở chỉ huy mất liên lạc với HECTOR I, đại úy Dung đã đích thân đi tìm kiếm nó trên chiếc L19, ông ta đã chụp ảnh từ máy bay chỗ mà người ta cho là toán này đặt căn cứ, nhưng không có dấu hiệu nào chứng tỏ nó ở đấy. Dung nhấn mạnh về mối quan hệ cá nhân giữa những người của toán HECTOR I và II, ông ta muốn HECTOR II phải có tinh thần trách nhiệm hoàn thành vai trò của mình với tư cách là toán tăng viện, giúp đỡ tìm kiếm ra HECTOR I và HECTOR I đã ra Bắc Việt Nam để tìm kiếm một căn cứ tác chiến an toàn cho bản thân nó và cho cả HECTOR II. Tóm lại là HECTOR I đang mong chờ HECTOR II tìm kiếm và cứu nó.
Đặng Đình Thúy, cố vấn quân sự của HECTOR II, nôn nóng muốn được phái đi càng sớm càng tốt, toàn toán của hắn cũng muốn thế, đa số bọn chúng đều tin ở khả năng của đại uý Luyện có thể tồn tại được. Tất cả bọn họ đều đồng ý với cách giải thích của đại uý Dũng là HECTOR I chắc là đã bị lạc trong rừng.
Đại uý Dũng duyệt lại địa vị và nhiệm vụ của từng toán viên HECTOR II. Mai Nhuệ Anh, toán trưởng và Vũ Văn Chi, toán phó, khi nhẩy xuống đất Bắc, Hoàng Đình Kha là người nhẩy ra khỏi trực thăng đầu tiên để xem xét tình hình có an toàn không, trong khi đó thì các toán viên khác thả các thùng hàng và trang thiết bị xuống.
Trong ảnh chụp trên không cho thấy vùng họ nhảy dù nhỏ xíu như cái chấm giữa một khu vực hoạt động rộng khoảng 5 ngàn ki lô mét vuông. Máy bay trực thăng sẽ thả chúng xuống cách đường mòn Hồ Chí Minh một ít, xa hẳn làng mạc, giữa một khu vực rừng núi thật là an toàn, đảm bảo.
Chuyến bay an toàn, cả toán nhanh chóng nhảy xuống một vùng giống như một công viên nguyên thuỷ hơn là một khu vực bãi đáp trên đất Bắc. Người ta cho rằng toán HECTOR I đã nhảy xuống nơi này trước đây gần 3 tháng.
Các bức ảnh chụp trên không mà cả toán được xem khi còn ở Long Thành không lột tả được cảnh thanh bình yên tĩnh của địa điểm bãi đáp, cạnh một con suối chảy qua vùng cỏ voi cao ngút, đường kính khu vực này khoảng hơn 100 bộ, bao quanh bởi địa hình rừng núi hoang vu, họ hình dung ra cảnh hươu nai, dã thú ban đêm ra ăn cỏ. Đại uý Dũng nói rằng không có khu vực nào tốt hơn thế, nó ở xa bộ đội miền Bắc , bị cô lập một cách an toàn, từ đây họ có thể dễ dàng do thám đường mòn Hồ Chí Minh.
Chiếc trực thăng từ từ hạ cánh, sức nặng của toàn nhóm và dụng cụ thiết bị đã làm cho máy bay lún xuống trên vùng đất mềm. Tất cả mọi người kể cả đại uý Dũng và viên sĩ quan huấn luyện Mỹ cùng đi với toán bắt tay vào dỡ hàng rất nhanh khỏi máy bay Máy bay đã được giảm sức nặng và nó có thể cất cánh, họ cùng cười đùa, vẫy chào khi máy bay cất cánh bay trở về Thái Lan.
Chưa đầy 5 phút sau, mọi người đang tháo dỡ các thùng hàng thì tiếng súng AK 47 nổ vang nhằm vào đội hình của toán. Lập tức ai nấy đều nghĩ là mình đã rơi vào bẫy phục kích.
Toán phó Vũ Văn Chi và một toán viên là Huấn bắn trả lại, nhưng những người phục kích miền Bắc dường như đã biến mất. Huấn tiến về hướng địch thì bị một loạt súng máy bất thần bắn trọng thương chưa đầy vài giây đồng hồ. Tiếng súng nổ ngày càng tăng trong khi những người phục kích từ các bụi rậm quanh đấy bắn như vãi đạn vào toán biệt kích.
Hoàng Đình Khả hình như bị vào tim, thân thể anh ta nằm giữa vũng máu lớn, trong khi người Bắc Việt Nam dùng súng tự động nhả đạn như mưa. Rõ ràng là họ muốn tiêu diệt các biệt kích chứ không phải chỉ đè bẹp họ xuống để bắt sống.
Chạy đến một khe núi gần đấy, Vũ Văn Chí gặp bốn người Bắc Việt Nam có vũ trang, anh ta bắn ngay. Viên thiếu uý chỉ huy tổ 3 người bị trúng đạn xuyên cánh tay và ngón trỏ bóp cò, một người bị đạn xuyên vào đùi lên mông và viên đạn nằm lại trong đó. Hai người khác nằm cạnh nhau bị chết gần như tức thì.
Sau cuộc đấu súng ác liệt ban đầu, hai bên đều ngừng bắn để củng cố vị trí của mình trong khi trời gần sáng. Cả toán phân tán, xung quanh khu vực bãi đáp, mọi người mất liên lạc với nhau vì ai nấy đều đang chờ nước cờ thứ hai của người Bắc Việt Nam.
Sáng hôm sau, trời đổ mưa to. Cả toán bị tán loạn, vài toán nhỏ chuẩn bị để thoát vòng vây. Khu vực bãi đáp "tuyệt vời" bây giờ đã biến thành bẫy giết người hoàn hảo.
Vũ Văn Chi, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Tống Văn Thái nhanh chóng rút vào một hang núi cạnh đó nhưng sẵn sàng thoát ra khi có thời cơ. Vừa tảng sáng trời đổ mưa như trút nước, ba người đã thấy mình bị bao vây bởi những lực lượng săn lùng Bắc Việt Nam súng ống đầy đủ. Họ tiến lại gần hang, súng tự động chĩa thẳng vào hang và gọi ba người ra hàng, Chi nói với Nghĩa, Thái là anh ta sẽ ra trước, nếu anh ta bị bắn thì nổ súng ngay, họ sẽ bắn cho gần hết đạn rồi cùng nhau tự tử. Họ đồng ý, Chi tiến ra lọt vào tay những người Bắc Việt Nam đang đứng đợi. Anh ta bị tước khí giới ngay và bị trói chặt bằng dây điện thoại. Thấy Chi không bị bắn ngay, hai người còn lại cũng theo anh ta ra hàng. Gần như cả toán đều bị tóm hết trong ngày hôm đó, trừ điệp báo viên thứ nhất Nguyễn Văn Đình, đã tìm cách trốn và tám ngày sau mới bị bắt.
Cuộc tấn công chớp nhoáng, ác liệt xảy ra ngay sau khi tiếp đất làm cho toán này không liên lạc điện đài về chỉ huy sở được. Trong thời gian huấn luyện ở Long Thành, đại uý Dũng đã nhấn mạnh là phải đánh điện hên lạc ngay với chỉ huy sở trong vòng 24 giờ đầu. Họ bị tóm gọn trong vòng 24 tiếng đồng hồ có thể dẫn đến việc nhân viên điện đài bị mua chuộc, thế nhưng do Nguyễn Văn Đình đã trốn thoát nên đã ngăn cản được điều đó. Nghĩa và Chi bị bắt với đủ điện đài nhưng không có tín hiệu xin chỉ thị hoạt động và mật mã, những thứ đó Đình cầm đi cả. Đến lúc bắt được Đình thì quá muộn nên với người Bắc Việt Nam không lợi dụng được nữa vì liên lạc muộn với trung tâm có nghĩa là toán đã bị bắt và bị đối phương khống chế.
Trong lúc bị giải đi, họ mới biết là những người bắt họ là trung đoàn Công an vũ trang miền Bắc thường trực đồn trú dọc quãng đường chiến lược này, đó là cả một hệ thống các đường to và đường mòn mang tên Hồ Chí Minh. Những người lính giải chúng đi nói rằng nhiệm vụ của họ là đảm bảo an toàn cho các đơn vị bộ đội chính quy hành quân sang Lào qua tỉnh Quảng Bình để vào Miền Nam. Họ còn trẻ lắm, nói tiếng Quảng Bình rất nặng. Họ giải thích rằng họ đã phối hợp với dân quân địa phương để vây bắt biệt kích không cho chúng thoát khỏi vòng vây.
Sáng hôm sau, các biệt kích nhìn thấy xác một sĩ quan miền Bắc, họ được biết rằng đó là sĩ quan quân y của đơn vị. Nhìn xung quanh họ còn thấy những người Bắc Việt Nam khác bị thương đang nằm run rẩy.
Người miền Bắc nhanh chóng lục tìm thuốc cấp cứu trong các hòm của toán biệt kích, nhưng tối thiểu một nửa số hàng tiếp tế chủ yếu cần thiết cho việc cấp cứu ở chiến trường đều không thấy. Ai đó ở Long Thành hẳn đã ăn cắp. Cả đạn dược và các thứ khác cũng không thấy. Cho dù nếu toán không bị bắt đi nữa mà số lượng hàng tiếp tế bị ăn cắp lớn như thế thì toán cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Từ số ít ỏi thuốc men còn lại, các biệt kích đã lấy mócphin ra tiêm cho những người bị thương và cho họ uống viên giảm đau APC. Các toán viên HECTOR đã không biết rằng chính người Mỹ đã đóng gói và gắn si các thùng hàng tiếp tế đó.
Lính biên phòng bắt đầu dẫn tù binh đi vào ngày 25/9. Đêm đầu tiên họ nghỉ lại ở một làng ven suối, sáng sớm hôm sau họ lại đi tiếp. Các tù binh lại buộc phải đi bộ suốt ngày qua rừng rậm rồi tới một làng khác lúc 10giờ đêm ngày 26/9. Làng của một bộ tộc miền núi, họ đã bỏ đi từ lâu và bây giờ trở thành Sở chỉ huy của đơn vị Công an vũ trang tỉnh đã bắt chúng.
Ở đây chúng đợi hai ba ngày rồi những người hỏi cung tới. Những người này đến từ những vùng miền xuôi ven biển. Cuộc hỏi cung nghiêm chỉnh bắt đầu, cứ hai người hỏi một tù binh, một người do Bộ Công an cử đến, người kia là của Công an tỉnh Quảng Bình. Chủ đề và cách hỏi của mỗi người có khác nhau. Ví dụ người của Bộ thì hỏi về nhiệm vụ của toán biệt kích, các môn được huấn luyện và họ sẽ tiến hành các hoạt động ra sao, người của địa phương thì hỏi về lai lịch của người họ định bắt liên lạc khi vào làng và về các loại tài liệu và thông tin gì người đó sẽ cung cấp cho họ. Thực ra thì toán không có chương trình đi vào một làng cụ thể nào và cũng không nhận được lệnh liên lạc với ai cả. RÕ ràng có ai đó đã lừa dối người Bắc Việt Nam làm cho họ tin là đội HECTOR II có một số tin nhất định mà trong thực tế thì không có. Hỏi cung xong tù binh này, hai người lại chuyển sang hỏi tù binh khác. Cuộc hỏi cung chỉ mang tính thủ tục như thể là toán HECTOR II chẳng có gì để cung cấp. Người miền Bắc hình như đã rõ tất cả các điều muốn biết về chúng.
Vào thời điểm hỏi cung, toán HECTOR II đã phải mặt đối mặt với những gì mà toán HECTOR I đã trải qua. Hai nhân viên điện đài của HECTOR I là Trần Hữu Tuấn và Nguyễn Văn Thùy bị nhốt riêng và canh phòng cẩn thận, cũng ở tại chỉ huy sở này, sự hiện diện của họ làm cho chúng tin lời sĩ quan miền Bắc nói sau khi toán HECTOR II bị bắt: "Toán trước của chúng mày đã bị bắt. Sau khi bị bắt hai nhân viên điện đài đã gọi xin tiếp viện. Do đó chúng mày đã được phái đi. Toán trước đã được chuyển xuống miền xuôi ven biển, tất cả chúng mày rồi cũng được đưa xuống đấy, chúng mày có biết chúng tao đã chờ chúng mày suốt gần 2 tháng nay không?".
Hạ tuần tháng 10, khoảng 3 tuần lễ sau khi bị bắt, đột nhiên HECTOR II được chuyển ra vùng Đông Bắc theo hướng bờ biển lúc rời chỉ huy trung đoàn có Thùy đi theo. Y là điện báo viên HECTOR I đã bị mua chuộc. Trần Hữu Tuấn còn ở lại sau với bộ đội biên phòng để tiếp tục sử dụng điện đài. Trong khi đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh toán HECTOR II chỉ cách khoảng 2 phút đã gặp phải trận oanh kích do 2 máy bay A1 "giặc nhà trời” của Mỹ đang ném bom đường mòn. Các biệt kích và những người hộ tống nhận rõ bom rơi và tránh vào hẻm núi bên đường để được an toàn. ( xem thêm Hồi Chuông Báo Tử 2 )
Các biệt kích đã được nhìn thấy thấy người miền Bắc hàn gắn đường bị đánh bom nhanh và hiệu quả như thế nào. Khi các xe tải Bel tự đổ các khối đá khổng lồ để lấp đầy các hố bom. Các xe tải được giấu trong hang có ngụy trang cách xa đường và bên cạnh các đống đá vụn cao ngất. Ngay sau khi máy bay Mỹ vừa rút khỏi các xe tải được chất đầy đá và hàng ngàn thanh niên xung phong ùa ra từ hai bên đường để lấp và san hố bom. Thanh niên xung phong được triển khai dọc hai bên các quãng đường trọng điểm, mục tiêu của các máy bay ném bom Mỹ. Họ ở cách xa đường mòn khoảng 1 km để tránh bom. Như đàn kiến vỡ tổ họ ào ra san lấp mặt đường và chỉ trong vài giờ sau lại đi được như thường.
Cuộc đi bộ chậm chạp theo hướng Đông Bắc dọc đường mòn mất gần 1 tuần lễ thì các tù binh ra khỏi rừng núi và đi vào vùng đồng bằng. Rõ ràng đây là đoạn cuối Đông Bắc của phần đường mòn chạy sang Lào qua tỉnh Quảng Bình. Cuối tháng 10, chúng đến một nơi cách bờ biển khoảng 2 km mà dân sở tại nói là vẫn thuộc đất Quảng Bình sát ranh giới tỉnh Nghệ An. Sau khi ăn trưa và đang nghỉ tại một làng, các tù binh được chỉ cho thấy các mảnh vỡ của một xác máy bay Mỹ. các mảnh của 1 chiếc phản lực nằm giữa bãi cỏ rộng, phẳng đến 1 km. Chỉ còn lại bộ xương sắt với vô vàn mảnh vỡ. Các mảnh to chắc chắn đã bị dân địa phương tháo gỡ lấy hết. Dân địa phương sung sướng kể lại máy bay bị bắn rơi như thế nào trước đó 3 tháng, hai giặc lái nhảy dù ra và người ta nói là đã bị bắt làm tù binh. Sau khi đi qua chỗ máy bay bị bắn rơi các tù binh đi về phía nam, đến Đồng Hới, thủ phủ tỉnh Quảng Bình vào tối hôm sau.
Ở ngoại ô phía Bắc miền biển Đồng Hới, trên bãi biển cây phi lao dày đặc các cuộc thẩm vấn được tiếp tục độ 2 tuần nữa. Sau đó các tù binh được đưa vào khu nhà giam "sơ tán" tạm thời là trụ sở cũ của một HTX nông nghiệp đã bị bỏ từ lâu. Sau vài ngày, chúng đã có thể xác định được là HECTOR I cũng ở đây, trong một ngôi nhà gạch cách đó khoảng 100 m. Xung quanh khu vực này không có tường và rào chắn, nhưng không ai có ý nghĩ chạy trốn vì các tù binh đều bị cùm sắt nặng xích hai cổ chân. Đến gần Đồng Hới, các tù binh nhận ra rằng: Mái ngói nhà nào cung bị đổ nát rõ ràng là do các trận oanh kích của máy bay. Lạ kỳ thay khu nhà trại tù vẫn lành lặn, mặc dù khu vực xung quanh đều bị đánh phá, điều này làm cho họ liên tưởng rằng phải chăng người Mỹ đã biết rõ đây là một trại giam nên họ đã không bắn phá? Sau hai tuần lễ ở Đồng Hới, các tù binh lên đường đi Hà Nội. Một tuần lễ sau thì đến Hà Nội và bị giam ở nhà tù Thanh Trì. Mùa thu năm ấy, có mấy tù binh nói tiếng Anh giọng Mỹ đến Thanh Trì và nhanh chóng được đưa vào hai xà lim khu C. Mùa hè 1967, toán HECTOR II được chuyển đến trại giam Phong Quang. Họ không biết được rằng họ phải nhường chỗ lại cho một toán mang tên HADLEY.
13. CHÚNG TÔI ĐÃ BIẾT "AI" ĐANG ĐẾN...
Mùa hè 1967 ở vùng duyên hải tỉnh Hà Tĩnh sao dài và nóng thế. Máy bay Mỹ tiếp tục bắn phá các mục tiêu của dải đất hẹp cán xoong này, như thi xã Hà Tinh và vùng ngoại ô. Ở các làng quê Hà Tĩnh, cuộc sống vẫn xoay quanh mùa gặt hái tháng 8 hơn nữa chuyện Mỹ oanh tạc suốt ngày đêm đã quá quen thuộc.
Tại một làng ven thị xã, các lực lượng dân quân và bộ đội chủ lực canh gác đang lơ mơ ngủ bên ngoài các lều trại dùng làm trại giam. Ai cũng biết những tù nhân trong trại là “gián điệp biệt kích". Cán bộ hỏi cung của Bộ Công An dạo này ít xuống đây. Có lẽ họ đã lấy cung xong, làng trở lại cuộc sống bình thường. Cho đến khi toán tù khác lại đến.
Một buổi tối đã về khuya tháng 7/1967 cũng giống như mọi buổi tối khác sau công việc đồng áng. Người dân ở đây có thói quen hay tụ tập nhau bàn về vụ gieo trồng mùa hè và nói chuyện phiếm về các vụ oanh kích ác liệt của Mỹ gần đây.
"Thật không tưởng được", một giọng nói trong bóng tối vọng ra, "Phản lực Mỹ, bắn canông 20 ly làm cháy kho đạn. Bắn rất chính xác toàn thị xã mà nó chỉ bắn mỗi kho này, nhà kho cháy, đạn cứ nổ ầm ầm…"
"Tôi biết", một giọng khác từ sau ánh đèn dầu tù mù phát ra "thế cũng chưa là gì cả đừng có quên rằng không chỉ riêng bộ đội chúng ta bị chúng nó đánh mà tất cả chúng ta cũng đều mất cả gia đình vì bom Mỹ. Có nhớ hôm làng ta bắt được một phi công Mỹ không, máy bay của nó bị trúng đạn cao xạ, nó phải nhảy dù ra. Một người dân dùng chiếc vai cầy đánh cho nó đến chết trước khi bộ đội đến".
"Phải", tiếng trả lời đáp lại: "Bộ đội muốn bảo vệ bọn phi công và ngăn không cho chúng ta giết bọn chúng. Đó là điều rất dễ đối với họ. Họ là chiến sĩ mà, thế còn chúng ta thì sao? Chúng ta mất cả gia đình. Tại sao lại ngăn không cho chúng ta giết bọn Mỹ? Nếu bộ đội giết chúng được sao chúng ta lại không giết chúng được?” Tiếng xì xào đồng ý.
Trong gian nhà tranh cạnh tốp nông dân đang trò chuyện, Lê Văn Ngung, toán trưởng toán HADLEY đang nằm nghiêng, hai tay vẫn bị trói chặt giật cánh khuỷu. Cô dân quân trẻ tối nay không đến nới dây điện thoại trói cho Ngung, nhưng vì mải nghe câu chuyện của những người nông dân nên quên cả đau.
Nếu không bị bắt giam thì Ngung sẽ cố nghe mọi chi tiết của câu chuyện này. Đây là loạt tin tức mà anh ta phải báo cáo về chỉ huy Sở của mình.
Nhưng, bây giờ khác rồi thân tù tội và điều mà anh ta cần là sống cho qua ngày. Không đếm xỉa đến những người nông dân, phải ngủ đã.
Nửa năm trước, 11 thành viên toán huấn luyện I mà sau đó được đổi tên HADLEY, đã bước vào khu vực cấm tại căn cứ huấn luyện của họ bên ngoài Long Thành. Họ chờ đợi giờ phút vào cuộc tập luyện, để rồi bây giờ nằm tại đây. Họ đã thấy nhiều toán đến khu vực đó rồi được phái đi làm nhiệm vụ. Chưa một người nào trở về. Nhưng đấy là điều dễ hiểu. còn sớm mà. Các toán không thể trở về sau một vài năm.
Các toán viên HADLEY xúm quanh cười đùa, trêu nhau, phô gương mặt anh hùng trước ống kính camera của viên cố vấn Mỹ, đại úy Fred Caristo. Chỉ vài ngày nữa là họ lên đường, chắc chắn như vậy.
Lúc đầu toán có 15 người. Khi bầu Lê Văn Ngung làm toán trưởng, thì bốn người không đồng ý. Vì vậy bốn người tách ra lập thành một toán riêng, lấy tên là toán huấn luyện T2. Toán T2 ở lại để sau này tăng cường cho toán HADLEY.
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nguyên đán. Họ biết là càng gần Tết, công việc sẽ càng lơi lỏng. Người ta không chú ý vào công việc vì còn mải lo sắm Tết. Nếu toán của Ngung sắp phải ném ra Bắc, thì các toán viên đều muốn đi sớm, trước khi có ai đó quên làm cái gì đó làm sao nhãng toán của anh ta.
Trước khi rời căn cứ, đại uý Dũng và Caristo có hỏi thẳng cả toán là có ai sợ không?
“Sợ ư? Không đời nào!”
Sau đó Dũng và Caristo tìm cách nắn gân họ. Họ nói là cách đây một năm, đã có một toán khác nhảy dù xuống địa điểm mà họ sắp nhảy, đã bị tuyên bố là mất tích, không bao giờ trở lại. Các toán viên HADLEY coi chuyện đó là để nhắc nhở họ nâng cao cảnh giác mà thôi, một cách thử tinh thần anh em. Vài tiếng sau, họ phải nhanh chóng đến sân bay, lên máy bay và cất cánh. Sau khi máy bay cất cánh, đại úy Caristo mới báo cáo thay đổi kế hoạch đột ngột. Họ không nhảy dù nữa vì gió và mưa to tại địa đìểm định nhảy. Phải bỏ dở cuộc hành quân.
Đợt hành quân này đã phải bỏ dở một phần vì Caristo và những người khác ở MACSOG tin là có vấn đề. Caristo tin rằng có một điệp viên miền Bắc chui vào hàng ngũ phía quân Việt Nam Cộng hoà. Họ đã thấy từ nhiều tháng này, toán nào sau khi thả dù cũng bỉ bắt ngay sau khi tiếp đất. Thử thay đổi một vài chi tiết xem, họ giấu các sĩ quan miền Nam về các chi tiết cuộc hành quân, không nói thật địa điểm nhảy dù và cung cấp cho họ vài tin giả khác. Mặc dầu MACSOG gắng tìm cách loại bỏ những rò rỉ tin tức nhưng người miền Bắc vẫn luôn luôn chờ đón các toán này.
Việc thay đổi kế hoạch đột ngột này là có chủ ý nhằm loại ra khỏi vòng bất cứ người nào đó đã tiết lộ cho Bắc Việt Nam biết kế hoạch của toán này. Vấn đề là, làm sao họ biết được nếu có một người cung cấp tin tức như vậy và cung cấp từ bao giờ?
Sau khi quay về Long Thành, đại úy Caristo, Dung và chỉ huy trại đã huấn thị lại cho toán HADLEY. Họ được thông báo một tuần lễ sau sẽ xuất phát từ sân bay Long Thành, nhiệm vụ của họ tương đối đơn giản: Tiến hành các hoạt động dọc quốc lộ 4 của Bắc Việt Nam và họ có thể hoạt động ở đấy tới hai năm. Hết thời gian đó họ có thể rút, với điều kiện là phải bảo đảm an toàn để máy bay trực thăng tái xâm nhập chở họ về. Phần lớn các điệp viên đều mong rằng nhiều lắm họ chỉ hoạt động hơn sáu tháng là cùng.
Họ sẽ đặt một máy do thám điện tử ở phía nam quốc lộ 4, phía tây huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, giáp biên giới Lào. Máy điện tử này sẽ phát hiện các loại xe tải và xe hạng nặng khác, máy này không phát hiện được người đi bộ. Địa điểm tối ưu để đặt máy điện tử này là cách đường quốc lộ trong vòng 5m đến 10m. Toán còn phải do thám các cầu dọc quốc lộ để báo cho máy bay đánh phá sau này. Khi toán tiếp đất và bắt liên lạc với chỉ huy Sở, sẽ được giao thêm nhiệm vụ và các chỉ thị khác nữa.
Xem ảnh chụp từ trên không địa điểm nhảy dù, Caristo chỉ vào cái làng gần chỗ nhảy dù nhất, là một cụm nhà nhỏ cách độ 5 km về phía nam. Toán sẽ phải di chuyển từ đấy để về căn cứ hoạt động đầu tiên. Đó là một điểm cách nơi nhảy dù khoảng 5km về phía Bắc, cách đường quốc lộ 4 vài km về đông nam. Đại uý Dung cảnh báo cho toán các vấn đề có thể xảy ra. An toàn ở đây không đảm bảo vì năm ngoái đã mất một toán thả xuống tại vùng này, nhung Dung không nói những đơn vị cụ thể nào của địch đóng ở vùng này. Dung nhấn mạnh rằng một khi toán tới địa điểm, Quy là người ra khỏi trực thăng đầu tiên và do thám xem khu vực này có an toàn không rồi cả toán mới ra tiếp. Đại úy Dung dặn dò nhiệm vụ từng toán viên. Xuống đất rồi mọi người phải chịu sự chỉ huy của Lê Văn Ngung, nhưng không nói đến việc phải thi hành các chỉ thị của Dung.
Các sĩ quan kiểm lại trang bị của từng người. Mỗi người đều được trang bị một súng máy K Thuỵ Điển, một súng lục tự động Browing, bốn quả lựu đạn, và bọc lương thực dùng cho nhiều ngày. Điện đài được tháo ra và chia cho ba người phụ trách điện đài. Họ tươi cười, rõ ràng là hành lý mang theo nhẹ nhàng như đi du lịch. Đại uý Dung nhấn mạnh rằng toán phải bắt liên lạc bằng điện đài với chỉ huy Sở ngay tối hôm đổ bộ, chậm nhất là ngày hôm sau nếu có thể được.
Ngày 25/1/1967, toán HADLEY lên một chiếc xe tải đi ngay đến phi trường Tân Sơn Nhất. Họ lên một chiếc máy bay vận tải Mỹ rồi bay sang Thái Lan, cùng đi có Caristo và Dung. Tại Thái Lan, toán lại chuyển sang chiếc trực thăng xanh thẫm đang đợi sẵn do các phi công Mỹ lái. Việc chuyển máy bay được tiến hành nhanh nhẹn chưa đầy một giờ đồng hồ đến nỗi không ai trên mặt đất biết lúc họ đến cũng như lúc họ đi.
Trực thăng bay ở độ cao dưới 500 bộ (feet) để tránh bị phát hiện. Sau khi qua khu vực mà người ta nói là biên giới Lào-Bắc Việt Nam, một sĩ quan cúi xuống nói với họ là máy bay vừa bị các lực lượng của Cộng sản dưới đất bắn lên. Điều đó không làm họ ngạc nhiên, vì họ biết rằng bộ đội miền Bắc bố trí phòng thủ rất mạnh suốt dọc đường mòn Hồ Chí Minh phía đông Lào mà máy bay vừa bay qua.
Vài phút sau, khoảng 6 giờ 15 tối hôm đó, trực thăng hạ thấp và lượn vòng. Một chiếc trực thăng thứ hai bay vòng quanh vùng đổ bộ để bảo vệ. Lúc này, người ta đã quên chuyện súng từ mặt đất bắn lên.
Trong khi trực thăng đang lượn cách mặt đất 6 đến 8 bộ, Quy nhảy ra trước. Đáng lẽ đợi xem có động tĩnh gì không như lệnh đã dặn thì người ta bảo cả toán phải nhảy hết ra ngay. Sau khi nhảy vào bãi cỏ vòi voi rậm rạp bị thổi rạp xuống bởi cánh quạt máy bay, họ rời điểm đổ bộ, nhìn theo chiếc máy bay vọt lên cao, lượn một hai vòng rồi quay đầu trở lại Thái Lan. Họ lo gặp phải hổ rất hay nấp trong loại cỏ này. Thời tiết mà người ta cho là khắc nghiệt làm trì hoãn chuyến đổ bộ lần trước đã không còn nữa.
Họ di chuyển khỏi nơi đổ bộ và đi bộ theo con đường đã vạch trước, đến nơi tập kết thứ nhất cách đó khoảng 5km. Trời tối dần và họ đã đi rất chậm vì thêm túi hành lý lấy ở Thái Lan quá nặng, mới đi được 200m thì toán trưởng đã ra lệnh dừng lại. Ngung cho rằng vì các bụi rậm dày đặc nên không thể đi ban đêm được.
Toàn toán khoanh một vùng để bảo vệ và đóng trại nghỉ qua đêm. Trước khi trời tảng sáng, họ dậy và tiếp tục đi. Mưa rơi nhè nhẹ, và họ cảm thấy có gì khác lạ trong không trung. Họ không ngờ thời tiết lại khắc nghiệt thêm. Bất thình lình, từ phía đổ bộ có tiếng chó sủa vọng lại, giống tiếng chó bécgiê Đức do người nuôi chứ không phải tiếng chó hoang. Thế rồi tiếp đến là tiếng hò hét bằng tiếng Việt, tiếng súng nổ cách quảng, đích thị là súng trường tấn công AK47.
"Chúng đây rồi…bọn chúng đã ở đây... chúng đây rồi", những tiếng nói nghe xa xăm nhưng còn vang rõ trong sương sớm. Rõ ràng là bộ đội đang truy lùng họ. Điều rắc rối hơn là các binh lính này chắc chắn đang chờ đợi họ và biết đích xác nơi họ đổ bộ.
Tiếng chó sủa, tiếng súng tự động bắn thêm vài phút, trong lúc cả toán co cụm lại bất động. Có thể là bộ đội miền Bắc bắn vu vơ, làm cho các biệt kích bộc lộ chỗ trốn của họ. Tiếng chó sủa xa dần, tiếng súng thưa dần. Rõ ràng là bộ đội đang đi về hướng ngược lại.
Toàn toán thu vén đồ đạc và lại tiếp tục đi. Hai ngày đi không xẩy ra vấn đề gì, nhưng họ chỉ đi được có 3km. Đường đi trong ảnh chụp trên không thì dễ nhưng khi đã ở trên mặt đất, các biệt kích phải đi qua những bụi rậm dầy đặc không thể tưởng tượng được mà không hề có được trên ảnh. Mưa phùn bây giờ chuyển sang mưa nặng hạt, ướt sũng tất cả, đồ đạc lại nặng lên không thể đi nhanh được. Bây giờ đến lượt Vũ Văn Hinh gây khó khăn thêm cho cuộc hành quân của toán. Vũ Văn Hinh là một trong hai người đưa đường do đại uý Dung chỉ định. Hinh không đọc được bản đồ và sử dụng la bàn, Hinh không dám chắc là toán có đi đúng hướng hay không. Đi được một quãng ngắn, toán trưởng không cho Hinh đi trước dẫn đường nữa và cho anh ta đi giữa toán. Ngung tự đi trước dẫn đường và cầm luôn cả máy điện đàm vô tuyến xách tay.
Mỗi người đi cách xa nhau một quãng để tránh cả toán rơi vào ổ phục kích ở đầu hoặc đuôi mà không biết trước.
Bộ đội miền Bắc xuất hiện bất ngờ làm họ chưa thể bắt liên lạc được với Sở chỉ huy. Hai người phụ trách điện đài là Nguyễn Thế Khoa và Phạm Việt Phúc từ chối mắc đài để đánh tín hiệu mooc về Sở chỉ huy. Họ được lệnh phải làm, nhưng họ không làm với lý do là phải mất nhiều thời gian đề mắc cần anten, lắp máy, chạy máy trong khi còn lo chạy tránh người Bắc Việt Nam truy kích. Việc sử dụng máy bộ đàm không thực hiện vì bán kính hoạt động chỉ hạn chế trong vòng 50 km thôi. Mặc dù đại uý Dung có nói là máy có thể bắt liên lạc được vị chỉ huy Sở, Ngung đã không kiên quyết yêu cầu phải liên lạc bằng vô tuyến-điều mà đến mấy năm sau Ngung vẫn còu tiếc mãi.
Sau này nghĩ lại, họ mới nhận ra rằng bộ đội miền Bắc đã truy theo hướng đi của họ và chờ đợi thời điểm tốt nhất mới tấn công. Họ tấn công vào lúc chiều tối ngày 27/1. Ngung đang đi đầu dẫn đường sắp lên đến đỉnh một quả đồi thì bị tấn công từ sườn đồi bên kia bắn sang, đạn súng AK47 xuyên vào các cây phía trước. Cả toán nằm rạp xuống đất, mỗi người bò một quãng ngắn cách chỗ mình đang đứng, ước lượng hoả lực, hướng đạn bắn đến.
Hoả lực càng ngày càng tăng, rõ ràng toán biệt kích đã bị điệu lên đỉnh đồi. Sử dụng một cái bẫy khéo léo, một đơn vị Quân đội Bắc Việt Nam cỡ đại đội đã bao vây toán HADLEY ở chân đồi. Làm sao họ bố trí được một trận phục kích nhanh như thế mà toán biệt kích không phát hiện ra? Chắc là lực lượng Bắc Việt Nam đã đến đây trước cả toán biệt kích và chờ họ đến? Vòng vây của họ nói lên rằng lực lượng Bắc Việt Nam đã biết trước nơi toán biệt kích đến và triển khai để bắt họ.
Binh lính Bắc Việt Nam bắt đầu tiến chậm chạp về phía toán biệt kích đã bị sập bẫy, các biệt kích tung lựu đạn xuống đồi. Tiếng kêu la chứng tỏ họ đã làm một số lính Bắc Việt Nam bị thương. Lực lượng bao vây đã đến đủ gần để các biệt kích có thể nghe được cuộc hỏi cung mang tính chiến thuật đối với một người biệt kích vừa bị bắt.
“Chúng ở đâu? Những người khác đã chạy đâu?”, họ nghe rõ Vũ Như Tùng đáp lại “Đấy! Nhìn kìa, họ ở đấy! Thấy họ chưa? Thấy chưa..." Sau đấy, họ nghe thấy tiếng quân miền Bắc chuyển sang hướng đối diện.
Toán trưởng và ba người Quy, Lao, Khoa đang bị mắc kẹt trong bụi rậm. Họ ngồi im chờ đợi sợ quân phục kích còn quanh đấy. Họ hy vọng những người miền Bắc bỏ đi chỗ khác. Sau một giờ, bốn người bò dần xuống đồi, họ bắt đầu tìm cách thoát theo hướng họ đã đến. Hai ngày sau họ gặp lại Tinh, Ninh cũng thoát được theo hướng tây. Lúc này, thấy thiếu bốn toán viên, họ đi đến kết luận là cả ba người đã bị bắt cũng như Vũ Như Tùng. Việc họ bị bắt đã gây tai họa cho toán. Phúc, Lương Trọng Thường, hai điện báo viên đã đem theo các bộ phận chủ yếu của thiết bị vô tuyến kể cả máy phát điện quay tay. Họ không thể báo về Chỉ huy sở rằng người miền Bắc đã đợi họ từ lâu và bây giờ họ đang bị tấn công, chiếc bộ đàm sóng ngắn HT-1 trở thành vô dụng và chiếc radio chính thì Vu Văn Hinh cầm, rõ ràng Hinh cũng bị bắt rồi.
Trời vẫn tiếp tục mưa. Đêm miền núi lạnh buốt đấy là đặc điểm khí hậu tháng một ở miền Bắc , điều mà họ chưa hề lường tới để đối phó trong một tình huống như thế này. Họ còn lại vũ khí, đạn dược, nhưng các gói khẩu phần ăn dã chiến cũng như bọc dù đồ tiếp tế nặng đã bị bỏ lại ngay từ cuộc đọ súng đầu tiên. Bây giờ chỉ còn cách duy nhất có thể làm được. Họ phải đi về phía tây sang Lào rồi tìm cách sang Thái Lan. Họ đã đổ bộ xuống sát biên giới, gần mạng lưới xâm nhập quan trọng của miền Bắc vào miền Nam. May ra họ có thể vượt qua mạng lưới đó mà không bị phát hiện và tới Thái Lan an toàn.
Một toán viên may còn giữ được một túi cứu sinh gồm dây câu, lưỡi câu. Đào đất một ít đã có được mấy con giun, cắt cành cây làm cần câu. Họ đã câu được ở một con suối khoảng chục con cá din bằng ngón tay. Tìm trong các bụi rậm, họ chẳng kiếm được gì ngoài vài quả gì nhỏ, đỏ. Bỏ vào miệng cắn vừa đắng vừa chát và vài giờ sau lưỡi bị nứt toác. Vài ngày sau, họ thấy các quả xanh nhỏ trên cây cao không với tới được, nhưng có một ít rụng xuống đất, họ đem luộc với nước mưa. Đó là bữa ăn đầu tiên của họ trong mấy ngày.
Mưa vừa dầm dề không dứt trong khi họ di chuyển về phía tây. Đến ngày mồng 1 tháng 2 thì họ kiệt sức không đi được nửa. Giờ thì có bị phát hiện cũng không thành vấn đề. Họ tìm thấy một con suối nhỏ và có một cái lán. Mái rách bươm bị bỏ hoang đã lâu giống như một cái chòi thợ săn của một bộ lạc săn bắn thời tiền sử để lại nhưng dù sao đó cũng là sợi dây liên lạc với nền văn minh. Túm tụm với nhau trong lán cũng không thể tránh được cơn mưa như trút. Họ bàn nhau và quyết định cứ ở lại đây và chết cùng nhau nếu cần. Họ chỉ còn mỗi một hoạt động duy nhất là ra suối lấy nước về đun sôi lên rồi uống
.
Tình cảnh của họ càng thảm hại hơn nữa vào ngày 3 tháng 2 khi ba người trong bọn họ là Ngung, Khoa, Khoan đột ngột lên cơn sốt rét run cầm cập. Ngày hôm sau, trời đột ngột tạnh mưa, nhiệt độ ban ngày tăng lên cũng như niềm hy vọng của họ.
Gần 9 giờ sáng hôm đó, mọi người nghe thấy một tiếng nổ. Mấy chiếc máy bay cánh quạt trông giống loại máy bay "Giặc nhà trời" xuất hiện trên đầu họ, đang bổ nhào xuống một mục tiêu trên mặt đất cách đấy đến 5 km. Họ vội phát quang một đám bụi rậm, chất một đống cành khô, lá mục và đốt lửa với hy vọng khói lên sẽ thu hút sự chú ý của một chiếc máy bay, may ra người phi công nhận ra "bạn". Một chiếc máy bay lượn những vòng chậm chạp quanh chỗ bắn chỉ lờ lững lượn quanh làm họ càng hy vọng. Chắc chắn người phi công sẽ báo cáo những gì anh ta nhìn thấy. Tất cả bọn họ hy vọng trực thăng sẽ đến ngay để cứu họ. Đợi mãi sau khi các máy bay đi khỏi quá trưa sang chiều tối cũng chẳng thấy gì.
Vào khoảng 6 giờ tối hôm đó, họ nghe tiếng súng tự động, đạn réo trên đầu họ bắn vào bụi rậm. Quân Bắc Việt Nam vẫn đang lùng sục họ. Y như lần trước, họ bắn cao trên ngọn cây. Lao và Tinh bắn trả lại. Khoa và Lê Văn Ngung vẫn còn sốt. Sau 15 phút thưa thớt tiếng súng, quân bao vây xô vào bắt cả 7 người không một chút chống cự nào.
Bộ đội miền Bắc đã biết lính biệt kích là ai rồi. Trong lúc trói giật cánh khuỷu các biệt kích bằng dây điện thoại, người nào cũng bị hỏi cùng một câu hỏi : "Toán trưởng ở đâu?"
Ngung đáp anh là toán trưởng. Câu hỏi tiếp không làm người ta ngạc nhiên, "Anh là Ngung à?”.
Rõ ràng, họ đã hỏi cung các tù nhân trước và biết được 7 người của toán còn sống sót. Ngung còn bị hơi mê sảng vì sốt rét nên nói rằng anh ta không phải là Ngung. Họ cười nhạt rồi tát và hét vào mặt anh ta.
"Nói láo! Tên anh là Ngung, anh không có tên nào khác ngoài tên đó".
Ngay sau đó, họ nấu cháo cho các tù binh ăn. Họ đối đãi tử tế với các biệt kích vì biết rằng sẽ còn dùng họ vào các mục đích khác cần sự cộng tác hoàn toàn của họ.
Như thể xát muối vào vết thương, một trong những người lính miền Bắc cười to vào mặt Ngung và nói "Anh biết không, ngay cả trước khi các anh đổ bộ, chúng tôi đã biết kế hoạch các anh sẽ tới đây. Chúng tôi biết chính xác cả thời gian, chính xác cả nơi các anh sẽ đổ bộ, vì thế chúng tôi đã tổ chức sẵn quân chính qui, bộ đội địa phương và dân quân tóm các anh, sau khi các anh đổ bộ".
Cánh biệt kích chẳng biết nghĩ như thế nào về nhận xét này có thật như vậy không, có đúng như vậy không, hay là họ chỉ nói phét?
Một người miền Bắc , chắc hẳn là sĩ quan phụ trách, đi đến từng tù binh một chỉ hỏi bốn câu: tên, tuổi, chức vụ, nhiệm vụ được giao. Sau đó, các tù binh phải đi bộ về phía tây, rõ ràng là vào đất Lào, có lẽ gần quốc lộ 4. Khoảng 10 giờ đêm hôm ấy, họ đến một làng của bộ tộc Lào và nghỉ qua đêm ở đó. Mỗi nhà nhốt biệt kích có một dân quân và một bộ đội mặc quân phục canh gác cẩn thận.
Tờ mờ sáng hôm sau, một ô tô tải đến chở họ đến địa điểm bắt đầu hỏi cung. Xe đi về hướng đông.
“Tôi hứa với anh", một người thẩm vấn mặc thường phục nói giọng kiên quyết nhưng thân mật, "anh sẽ được thưởng nếu anh chịu cộng tác. Nếu anh trung thực, không những Nhà nước có thưởng cho anh mà gia đình anh ở miền Nam vẫn có thể tiếp tục lĩnh đủ lương cùng phụ cấp của anh".
Lời nói đó để lung lạc và đánh bẫy những kẻ không thận trọng. Người ta muốn nói rõ hơn: “…Nếu anh cộng tác, dùng điện đài phục vụ cho Bắc Việt Nam thì Sở chỉ huy của anh không bao giờ phát hiện ra được. Sở chỉ huy nghĩ rằng anh vẫn còn sống và tiếp tục trả lương cho gia đình anh.”
Cán bộ công an biết rằng họ phải nắm được các mật hiệu an toàn của toán trưởng và các nhân viên điện đài để tiến hành hoạt động đánh lừa đối phương. Họ cũng biết là các tín hiệu an toàn được sử dụng rất xảo quyệt, không bao giờ họ dám chắc là họ nắm được tín hiệu thật. Nếu phát đi một câu trả lời sai thì chỉ huy sở Sài Gòn cảnh giác ngay là toán đã bị địch cưỡng chế. Những người thẩm vấn thúc ép mọi người về các câu trả lời mà đại uý Dung đã dặn họ trước khi đi. Nếu có tù binh nào giữ thái độ im lặng thì các cuộc hỏi cung sẽ tiếp tục cho đến khi người đó chịu hợp tác hay khước từ. Một khi Ngung và Thương đã từ chối không chịu cung cấp tín hiệu của họ, thì những người hỏi cung Bắc Việt Nam không còn chấp nhận bất cứ tín hiệu nào mà họ đưa ra là tín hiệu thật cả.
Khi các tù binh đến làng Trung Linh thì hai nhân viên điện đài là Khoa và Phúc không cùng ở với họ nữa. Những người khác đã nhìn thấy các cần anten cao trong làng. Phải chăng đó là nơi hai nhân viên điện đài ở? Phải chăng họ đã đồng ý hợp tác?
Sau một tuần lễ ở Trung Linh, toán biệt kích đi về phía đông, đến làng Cẩm Thạch, cách trung tâm thị xã Hà Tĩnh 7 km nơi đóng trụ sở của tỉnh. Ở đây họ thấy một toán 10 đến 12 tù nhân mặc quần áo kẻ sọc đồng phục đang làm việc vặt vãnh có lính vũ trang gác. Rõ ràng là nhà giam của tỉnh được tạm thời sơ tán về nông thôn để tránh bom đạn của Mỹ.
Các cuộc hỏi cung được tiếp tục ở Cẩm Thạch. Mặc dầu các tù nhân đều ngầm chuẩn bị để đối phó với điều xấu nhất có thể xảy ra, nhưng họ không được huấn luyện gì về việc đối phó với các cuộc hỏi cung cho nên các thẩm vấn viên miền Bắc càng dễ dàng giở các ngón nghề của mình.
Bây giờ đến các tháng hỏi cung triền miên. Trong hai người hỏi cung, người trẻ hơn quê ở Hà Tĩnh. Anh ta hỏi cung một trong các biệt kích và thường đến từ sáng sớm. Anh ta hỏi liên tục cho đến trưa, nghỉ 2 giờ lại hỏi tiếp một mạch cho đến tối. Chế độ hỏi cung này kéo liền nhiều ngày. Người lớn tuổi hơn quê ở miền Nam thường chỉ ngồi nghe. Công việc của ông ta là không phải hỏi nhiều mà chỉ để phá vỡ hàng rào đối kháng khi người tù không trả lời câu hỏi. Ở đây, không có sự đối xử tàn nhẫn. Họ cần các tù nhân hợp tác với họ.
Tất cả các môn học của toán viên đều được hỏi đến, từng chủ đề một. "Toán nào đã cùng được huấn luyện với toán các anh?”. Họ muốn biết về từng toán một, từng trại lính một, từng vùng một và họ biết về việc huấn luyện các toán L, M, N, P, R, S, T và D; các toán do thám đường bộ lúc đó đang được thành lập, tên từng toán một, toán người Lào, toán người H'mông. Họ muốn biết toán nào đã được phái đi, cả các toán nhỏ đang được bổ sung, tên của từng toán, toán nào sắp đi, do ai huấn luyện, tên và cấp bậc của người huấn luyện.
Họ lại hỏi về người Mỹ: “…Họ là ai? Họ làm gì, vai trò của họ? Tên và cấp bậc của họ”. Họ hỏi về viên sĩ quan liên lạc tình báo Đài Loan ở căn cứ huấn luyện Long Thành rồi họ hỏi từng người của Sở Kỹ thuật chiến lược và MACSOG, bao gồm cả mô tả hình dáng tất cả những người Mỹ cũng như Việt Nam mà các toán viên đã tiếp xúc.
Những câu hỏi có khi chẳng theo thứ tự nào cả nhưng những vấn đề quan trọng được họ hỏi đi hỏi lại: “…Những toán nào đã được đánh đi, toán nào sẽ đánh đi?”. Rõ ràng là họ muốn biết chắc về các toán đã được đánh đi và từng toán sẽ được đánh đi trong tương lai.
Các tù binh đều trả lời những người hỏi cung những điều họ muốn biết, chỉ trừ có Lê Văn Ngung là không hợp tác. Người hỏi cung nhiều tuổi hơn đến để "động viên" anh ta, bắt đầu bằng một quá trình chậm chạp và kiên trì gọi là "cải tạo".
"Toàn bộ vấn đề đối với tất cả là có một tôn giáo mà anh rêu rao là tin vào nó, tôn giáo này không có gì khác hơn là trò mê tín dị đoan và phù thuỷ. Tất cả các tôn giáo như Phật giáo, Gia Tô giáo, đều chỉ là trò phù thuỷ hết", người hỏi cung nói trước khi chuyển sang một đợt giáo huấn khác.
"Tôn giáo của anh chẳng giúp được gì khi anh ốm đau”, ông ta kiên trì giảng giải: "Khi anh ốm anh đến bác sĩ, cầu nguyện không qua khỏi được bệnh tật, chỉ có bác sĩ mới chữa được. Các anh đều cầu chúa và tin rằng tôn giáo sẽ làm anh khoẻ lại".
Ngung hiểu là người hỏi cung cố áp đặt biện luận của ông ta, một kiểu biện luận quá quen thuộc đối với tất cả người Việt Nam. Ông ta nói về tín ngưỡng của nhiều bộ tộc miền núi, họ tin vào linh hồn và phù thuỷ, họ lập bàn thờ với đủ thứ lễ vật, để gọi linh hồn chữa bệnh cho họ. Dân vùng núi tin tưởng chắc chắn rằng thần thánh có thể chữa khỏi mọi bệnh và nếu thành tâm cầu nguyện, lễ bái sẽ làm cho con bệnh khỏi đau.
Ngung ngồi lặng im nghe logic của người hỏi cung, rối nói:
"Tôi đồng ý với ông một điểm". Anh ta thừa nhận những người cầu ma quỷ thần thánh đều là trò phù thuỷ, “Tôi đồng ý với ông là những trò phù thuỷ đó không làm người ta khỏi bệnh được. Nhưng tôi không đồng ý với toàn bộ lập luận của ông. Rất nhiều y bác sĩ và chuyên gia y tế là những người theo đạo Thiên Chúa và đạo Phật ngoan đạo, họ vừa theo đạo vừa làm nghề thuốc mà chẳng có gì mâu thuẫn cả. Ông có biết trong thế giới tự do biết có bao nhiêu người như thế không? Có những nước trong thế giới tự do đã làm được cả những con tàu vũ trụ. Ông có cho rằng những người làm ra những thứ đó là những người không theo đạo ư? Có những người là tín đồ đạo Phật, đạo Tin Lành, đạo Thiên Chúa, ông cho rằng họ đều làm trò phù thủy cả hay sao? Các bác sĩ vừa phát thuốc, đồng thời họ cũng là người theo đạo".
"Nói láo, anh là một thằng nói láo ngoan cố, một kẻ gây rối… Tôi đã giải thích cho anh hết mọi điều mà anh vẫn giữ thái độ ngoan cố". Người hỏi cung đứng dậy, giận dữ và bỏ đi ra khỏi phòng.
Cùng kiểu logic như vậy, sau đó lại được lặp lại ở trại giam Thanh Trì ven đô Hà Nội. Đại uý Lộc già, con người thấp bé đã 50 tuổi, là trưởng trại ngồi giữa sân trại đọc các bài báo được chọn lựa trong các số báo hàng ngày cho các tù binh bị khoá trong các xà lim nghe. Thỉnh thoảng ông ta lại đưa ra những lập luận để giảng giải về mâu thuẫn giữa tư bản và cộng sản, với những lập luận này ông ta hy vọng thuyết phục tù nhân tin vào thế giới quan đúng đắn của cộng sản
No comments:
Post a Comment